Phươngpháp Trị Liệu Hệ Thống
23/04/2011
Tâm lý trị liệu và vai trò nhà trị liệu
23/04/2011
Phươngpháp Trị Liệu Hệ Thống
23/04/2011
Tâm lý trị liệu và vai trò nhà trị liệu
23/04/2011

( tiếp theo)

Thế nào là một nhà trị liệu

Trong lĩnh vực tâm lý, có ba mức độ can thiệp hay tác động vào ba tình trạng khác nhau của thân chủ.

Ở cấp độ bình thường, khi một người gặp những nỗi buồn, sự khổ tâm thì họ có thể đi tìm sự an ủi từ những biện pháp riêng tư, kẻ nghe nhạc, người uống rượu giải sầu,…

Thế nào là một nhà trị liệu

Trong lĩnh vực tâm lý, có ba mức độ can thiệp hay tác động vào ba tình trạng khác nhau của thân chủ.

Ở cấp độ bình thường, khi một người gặp những nỗi buồn, sự khổ tâm thì họ có thể đi tìm sự an ủi từ những biện pháp riêng tư, kẻ nghe nhạc, người uống rượu giải sầu, kẻ bỏ đi du lịch, người vào chùa suy tư …

hay đi tìm người để san sẻ nỗi buồn và người giúp cho họ điều đó là bạn bè, là người thân hoặc có thể là một chuyên viên tư vấn. (counselor) nhưng người này chỉ chủ yếu làm công việc lắng nghe và sau đó là đưa ra những lời khuyên. Đó là mức độ cung cấp thông tin.

Nếu như đó là những nỗi khổ tâm sâu sắc, những vấn để khiến cho người ta không còn đủ bình tĩnh và sáng suốt để giải quyết, đó là tình trạng nhiễu tâm thì cần phải có một sự can thiệp bằng các kỹ thuật tư vấn – Điều này đến từ các buổi trao đổi, làm việc được tiến hành bởi các chuyên viên tư vấn trong những cuộc trao đổi với những nguyên tắc nhất định, đó là mức độ ngăn ngừa và can thiệp.

Ở mức độ cao hơn, khi người có vấn đề tâm lý hoàn toàn mất bình tĩnh, không còn khả năng tự chủ và ứng xử thì phải có những biện pháp tác động bằng các liệu pháp tâm lý, đó chính là môi trường của nhà trị liệu tâm lý (psychotherapist) .

Tuy nhiên, cả hai công việc tư vấn và trị liệu tâm lý đều cùng chia sẻ chung những học thuyết, lý luận, kỹ năng và phương pháp. Theo Jessie Bernard (1969), “tư vấn tâm lý giúp con người của thân chủ trở lại hòa hợp với số phận của họ, điều chỉnh bản thân họ khi sống đối mặt với những thất bại và đau khổ. Nhưng nếu những thân chủ ấy có những ứng xử không tuân theo các chuẩn mực hoặc có những rối loạn tâm trí nghiêm trọng, thì việc giúp đỡ những thân chủ ấy sẽ thuộc trách nhiệm của nhà tâm lý trị liệu”.

Tâm lý trị liệu là phương pháp chữa trị các vấn đề tâm lý chủ yếu bằng phương pháp sử dụng lời nói hoặc các công cụ giao tiếp khác giữa nhà trị liệu và thân chủ. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, những người làm tâm lý trị liệu phải được đào tạo, cấp bằng và cấp phép hành nghề. Nhà tâm lý trị liệu có thể xuất thân từ những chuyên ngành khác nhau: có thể là nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần, nhà phân tâm, nhân viên xã hội, điều dưỡng viên tâm thần hoặc các chuyên viên khác đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần.

  1. Nhiệm vụ của nhà trị liệu

Khi tiến hành một tiến trình trị liệu tâm lý, điều đó có nghĩa là nhà trị liệu bằng các năng lực và kinh nghiệm của mình, tùy theo các điều kiện, tình huống và phản ứng của thân chủ để có thể đạt được các yêu cầu sau:

– Tạo một bầu không khí quan hệ có tính trị liệu

– Giải tỏa cảm xúc của thân chủ

– Tạo sự thấu hiểu nơi thân chủ

– Giúp thân chủ định hình lại cảm xúc

– Kết thúc trị liệu

Bầu khí có tình cách trị liệu:

Một tiến trình trị liệu tâm lý thường không ngắn hơn 6 tháng, thường kéo dài từ 1 -2 năm, thậm chí có thể kéo dài đến 5 năm vì thế thường được tiến hành ở các trung tâm tâm lý hay các khoa tâm lý trong bệnh viện, vì thế việc kiến tạo được một bầu khí mà trong đó, mối quan hệ giữa nhà trị liệu phải được xây dựng trên nền tảng :

–       Tin tưởng.

–       Tôn trọng

–       Tránh những quan hệ riêng tư

–       Luôn bám sát các quy tắc trị liệu.

Giải tỏa cảm xúc nơi thân chủ:

Thân chủ khi đến với một tiến trình trị liệu, thường có những rối loạn và không làm chủ được bản thân, từ đó dẫn đến sự bộc lộ những cảm xúc đôi khi rất mãnh liệt, nhưng cũng có khi rất nặng nề, thu rút… Vì thế, nhiệm vụ của nhà trị liệu là tác động bằng những kỹ thuật khác nhau, nhằm giúp cho thân chủ từng bước giải tỏa được những ức chế về mặt cảm xúc.

Những kỹ thuật đó thường dựa trên những nguyên tắc:

–       Thấu cảm

–       Chấp nhận những cảm xúc âm tính

–       Không đồng hóa bản thân với thân chủ

–       Tác động đúng lúc.

Tạo sự thấu hiểu nơi thân chủ

Sự rối loạn tâm lý nơi thân chủ thường xuất phát từ tình trạng không hiểu rõ về vấn đề mà mình đang gặp phải, vì vậy sự phân định, chỉ dẫn để tạo ra sự thấu hiểu là một nguyên tắc cần thiết, thân chủ càng có nhận định đúng đán bao nhiêu thì khả năng giải quyết vấn đề càng hiệu quả bấy nhiêu.

Giúp thân chủ định hình lại cảm xúc

Người rối loạn tâm lý là người đầy dẫy những cảm xúc âm tính, tiêu cực. Chính những cảm xúc đó đã khiến cho họ không còn đủ sáng suốt và năng lực để thay đổi môi trường, nhận định được tình huống và chấp nhận những biện pháp ứng xử. Vì thế, một mặt chúng ta phải chấp nhận những cảm xúc nơi họ, mặt khác phải giúp họ thấy được những yếu tố tích cực hơn để dần dần lấy lại những cảm xúc thuận lợi cho việc thay đổi quan điểm và hành vi.

Kết thúc trị liệu

Sau giai đoạn trị liệu, nhà trị liệu phải có năng lực kết thúc tiến trình trị liệu. Việc kết thúc ở đây không phải là hết giờ hay giải quyết được vấn đề, mà là giúp cho thân chủ có thời gian để điều chỉnh lại quan điểm của mình, tự mình thấy được những biện pháp giải quyết và chính nhà trị liệu cũng không để mình bị ám ảnh bởi những vấn đề của thân chủ.

Tính chất nhà trị liệu

Từ thời cổ đại, Hippocrates (ông tổ của y học phương Tây) đã từng kể ra ba loại công cụ chủ yếu mà một người thầy thuốc có thể sử dụng để chữa bệnh, đó là: cây cỏ, con dao và lời nói. Từ cây cỏ có thể chiết xuất ra các dược liệu, từ con dao có thể cắt bỏ đi những phần cơ thể bị bệnh mà không thể giữ lại được, và từ đó đã dần dần hình thành nên các chuyên ngành nội khoa và ngoại khoa trong y khoa hiện đại. Song chỉ khi có sự hình thành và phát triển của ngành tâm lý học hiện đại và ngành tâm thần học hiện đại, giá trị của việc sử dụng lời nói trong chữa bệnh mới được phát huy thành một phương pháp trị liệu thực sự khoa học. Phương thức trị liệu ấy được một số nhà tiên phong trong lĩnh vực này (như Sigmund Freud chẳng hạn) gọi là “talking cure” nghĩa là sự chữa trị bệnh bằng lời nói – mà về sau trở thành chuyên ngành tâm lý trị liệu với rất nhiều trường phái và khuynh hướng khác nhau. Điều gì đã giúp tạo nên hiệu quả của phép chữa trị ấy? Nhiều yếu tố giúp tạo nên hiệu quả của tâm lý trị liệu đã được nghiên cứu và thừa nhận như bản chất mối quan hệ trị liệu (Goldstein; 1962), sự hữu dụng của lời nói (Bernstein; 1965), lòng tin của người bệnh (hoặc thân chủ) đối với nhà trị liệu (Frank; 1961). Tuy vậy, tác động thực sự của tâm lý trị liệu vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi. Liệu rằng các cách thức chữa trị bằng lời nói có thực sự chữa trị được các chứng rối loạn tâm trí?

Trong thực tế, việc tranh luận về hiệu quả của tâm lý trị liệu phần lớn xảy ra trong giới chuyên môn, ngay cả giữa những người thực hành tâm lý trị liệu thuộc các trường phái và xu hướng khác nhau. Nhưng có lẽ sẽ thích hợp hơn nếu chúng ta xem xét tác động của tâm lý trị liệu từ góc nhìn và vị thế của thân chủ. Thân chủ không “nhìn thấy” những học thuyết và lý luận của nhà trị liệu, mà “nhìn vào” hành vi và thái độ ứng xử của nhà trị liệu. Và vì thế việc ai là nhà trị liệu trở thành điều có khi còn quan trọng hơn cả việc nhà trị liệu áp dụng học thuyết nào, phương pháp nào… Thực vậy, nhà trị liệu là người ở vào vị thế có ảnh hưởng lên trên thân chủ, mà nếu không có sự ảnh hưởng này, việc trị liệu sẽ không còn giá trị. Do vậy tâm lý trị liệu có thể được xem là “nghệ thuật tạo sự khích lệ, và kế đó là sử dụng tầm ảnh hưởng của nhà trị liệu lên thân chủ của mình một cách thuần thục” (Micheal Franz Basch).

Mặt khác, người ta khó có thể xác định được hiệu quả của tâm lý trị liệu, mà thay vào đó chỉ có thể xem xét được hiệu năng của nó, tức là việc tâm lý trị liệu tạo khả năng để có thể đạt đến một kết quả mong muốn. Hay nói theo cách của Gregory Bateson: tâm lý trị liệu “cung cấp một sự khác biệt để tạo nên một sự khác biệt mới”. Nhà tâm lý trị liệu không giúp thay đổi những sự kiện trong thực tế khách quan, mà nhắm đến việc thay đổi những gì xảy ra trong thực tại chủ quan của người bệnh hoặc thân chủ. Nói một cách hình tượng thì “nhà trị liệu mang thân chủ đến một điểm mà ở đó họ không còn cảm thấy tuyệt vọng nữa” (Martin Seligman; 1975).

Các yêu cầu đối với  nhà trị liệu:

Do tính cách đặc thù của trị liệu tâm lý, nhà trị liệu  đóng một vai trò hết sức quan trọng, vì vậy bên cạnh những kiến thức chuyên môn, thì một nhà trị liệu tâm lý cần phải có được những năng lực hết sức quan trọng

Tính đạo đức  – Tính bảo mật – Sự tôn trọng thân chủ – Xác định ranh giới  –  Mở rộng quan hệ

Khi đến với một nhà trị liệu, hay chấp nhận một tiến trình trị liệu lâu dài , nhất là trong một tình trạng không ổn định, người có các vấn đề về tâm lý cần được tiếp nhận trong một môi trường mà ở đó có những người có năng lực và mang tính chuyên nghiệp cao qua những yếu tố sau:

–       Thái độ điềm tĩnh, nhã nhặn

–       Không vồ vập, không nói những câu mang tính xã giao hay phê phán

–       Biết cách đặt những câu hỏi mở, tạo điều kiện cho thân chủ cung cấp dữ kiện

–       Bầy tỏ sự đồng cảm qua những cử chỉ hơn là lời nói

–       Có sự quan tâm và tập trung vào vấn đề của thân chủ.

–       Đề ra được những biện pháp khả thi

Các kỹ năng cần thực hiện:

Trong tiến trình trị liệu, nhà trị liệu cần phải áp dụng các kỹ năng để đi đến việc giải quyết vấn đề cùng với thân chủ, đó là các biện pháp :

–       Giúp thân chủ thay đổi cách nhìn , qua điều này thân chủ sẽ nhìn vấn đề dưới một góc độ mới ( new view) bằng việc xây dựng lại hệ thống cấu trúc khung tư duy (thinking system ) mới và những trật tự mới cho cuộc sống.

–       Thuyết phục thân chủ : Đây là một quá trình không đơn giản, bao gồm những hướng dẫn có chọn lọc, có trọng tâm về những điều nên làm. Nhà trị liệu vừa có vai trò một huấn luyện viên, vừa có vai trò như một người bạn đồng hành.Thuyết phục ở đây không phải là bẻ gãy những lý lẽ của thân chủ mà là sự kích thích và động viên thân chủ tìm ra những động lực mới.  Để làm được điều này, nhà trị liệu cần phải có những kỹ thuật như :

Biết im lặng khi cần thiết. Chấp nhận khi thân chủ có biểu hiện đúng hướng. Nhấn mạnh những điều thân chủ làm đúng. Nhắc nhở để thân chủ tiếp tục. Cắt nghĩa giúp thân chủ hiểu được những căn nguyên tâm lý. Phản đối khi thân chủ có những suy nghĩ không phù hợp. Trấn an để họ yên tâm về suy nghĩ của mình. Giới thiệu những tư tưởng tích cực. Phản hồi nhiều mặt, tìm ra khả năng tiếp thu tốt nhất của thân chủ qua việc nghe, nhìn hay đọc của họ để tác động cho đúng. Đồng cảm chính xác: Là yếu tố quan trọng, vì nhà trị liệu tuy tỏ ra thông cảm và tạo sự liên hệ với thân chủ nhưng không để cho vấn đề của thân chủ cuốn lấy mình. Chia sẻ kinh nghiệm, qua đó nhà trị liệu có thể kể lại một số kinh nghiệm cá nhân, nhưng không nên lạm dụng, nói quá nhiều về mình. Nắm bắt kịp thời để có thể bao quát được các vấn đề, không để sa đà vào các vụ việc, để phản ánh được diễn biến trong những bước ngoặc của tiến trình trị liệu.Ngoài ra, nhà trị liệu còn phải có tính hài hước, để vừa làm giảm nhẹ những vấn đề nặng nề của thân chủ, vừa có thể sửa chữa, điều chỉnh những sai sót nho nhỏ trong tiến trình xử lý các vấn đề gai góc, tế nhị. Hài hước còn có tác động giúp thể hiện tính sáng tạo mang tinh thần lạc quan và tự tin, giúp cho thân chủ thêm sự tin tưởng vào tác động của các liệu pháp. Biết chất vấn, nhà trị liệu biết đưa ra những chất vấn mang tính xây dựng, để cho thân chủ nhìn lại những quan điểm của mình một cách thực tế, dù có thể gây cay đắng nhưng đó là điều giúp cho thân chủ thấy rõ được những ảo tưởng của mình. Đây là một kỹ thuật không dễ, cần phải được tiến hành trong tinh thần khách quan và sự bình tĩnh, tránh không để những cảm xúc lấn áp.

KẾT LUẬN

Trị liệu tâm lý không phải là những lời khuyên vô bổ, nhưng cũng không phải là những liều thuốc thân kỳ, các phương pháp trị liệu không phải là những liệu pháp dễ dàng, nhưng cũng không phải là điều mà ai cũng có thể áp dụng.

Hiện nay, tuy đã có những tiến bộ và phát triển nhiều mặt trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng, đặc biệt là trong tư vấn và trị liệu tâm lý, nhưng kèm theo đó là những ngộ nhận và lạm dụng cũng rất nhiều, điều mà chúng ta cần phải cảnh giác để không tạo nên những cái nhìn thiếu tôn trọng và kém hiểu biết về một vấn đề hết sức cần thiết cho con người, nhất là trong một xã hội công nghiệp hóa. Nơi mà những quan hệ giữa người và người càng ngày càng có nhiều tác động chi phối, làm cho con người tuy sống trong một thế giới tràn ngập thông tin, nhưng lại có sự cô độc và thiếu hiểu biết về chính bản thân và nhất là với những quan hệ xã hội ngày càng phức tạp, đa dạng với nhiều quan điểm và ý thức hệ trái ngược, cực đoán và độc đoán.

Đó chính là mầm mống tạo ra những sang chấn tâm lý mà mỗi người chúng ta cần phải có khả năng tự bảo vệ chính mình, cũng như đòi hỏi một sự đầu tư nghiêm túc hơn trong lĩnh vực hình thành những cơ sở và những nhà trị liệu tâm lý có được những quan điểm đúng đắn và năng lực thực sự để góp phần vào công việc đem lại cho con người niềm vui và sức khỏe toàn vẹn về thể chất và tâm thần.

Cv. Tl Lê Khanh

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý