Tư vấn tâm lý học đường – muốn là làm?
13/12/2011Công ty tham vấn Share
14/12/2011Một trong những biểu hiện rõ rệt của các rối loạn phát triển về giao tiếp – hành vi hay trí tuệ là tình trạng Chậm nói của trẻ. Để khắc phục tình trạng này là điều không đơn giản chút nào.
Dưới đây là 12 nguyên tắc cơ bản mà các bậc phụ huynh tùy theo tình trạng chậm nói của trẻ có thể áp dụng, giúp cho bé cải thiện được phần nào những khó khăn về ngôn ngữ của mình :
1. Giúp trẻ xây dựng mối quan hệ gắn bó:
Phụ huynh cần giúp trẻ hình thành mối quan hệ gắn bó với mình trong việc gần gũi với trẻ, cùng chơi đùa, cùng ăn uống, cùng trò chuyện với sự thân thiện và tôn trọng trong một môi trường an toàn và vui vẻ.
Phụ huynh nên khám phá những mặt mạnh, những điểm tích cực của trẻ để khuyến khích, nâng đỡ chứ không lèo lái các hoạt động của trẻ theo ý mính, không “ xâm phạm lãnh thổ cá nhân” của trẻ. Tuyệt đối không la mắng, trừng phạt bằng đòn roi mà chỉ là sự nhắc nhở rõ ràng và kiên quyết.
2. Giúp trẻ biết các bầy tỏ nhu cầu:
Phụ huynh cần kiên nhẫn chờ đợi, khích lệ trẻ bầy tỏ nhu cầu thay vì phỏng đoán và đáp ứng ngay (làm thay cho trẻ). Những hành vi bùng nổ, la hét, tự hành hạ ( đập đầu, cào cấu, nằm lăn ra đất…) cũng chỉ là một loại “ngôn ngữ không lời” che dấu một nhu cầu, một ước muốn. Phụ huynh nên hết sức bình tĩnh để phân biệt các nhu cầu thực sự và những đòi hỏi, nhõng nhẽo quá đáng của trẻ. Cho trẻ biết đâu là sự giới hạn, sự cho phép và những điều không được phép làm với một ngôn ngữ không đe dọa hay mua chuộc.
Phải biết nói KHÔNG với những yêu cầu không thích hợp, nhưng đồng thời cũng cho phép trẻ có thể TỪ CHỐI bằng lời nói hay những hành động đơn sơ của mình, và cũng thông báo điều này cho mọi người có liên hệ với trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ từ từ trở nên một chủ thể sáng tạo, biết tự quyết định, chọn lựa thay vì chỉ có những phản ứng máy móc, tự động, chỉ biết nhắc lại.
3. Giúp trẻ tham gia các hoạt động Tâm vận Động:
Trong một ngày, trẻ cần có một khoản thời gian nhất định ( tuỳ điều kiện để bố trí vào buổi sáng hay chiều, tối và chỉ kéo dài tối đa 60 – 90 phút ) – Trong buổi sinh hoạt này, trẻ sẽ vừa chơi vừa học bằng những họat động tạo vui thú như leo trèo, nhảy, xây dựng – phá hủy ( mô hình – khối gỗ…) trốn tìm ( chơi bịt mắt – chơi tìm và đoán các đồ vật bị che dấu).
Qua các trò chơi tương tác giữa mẹ và con, trẻ học được cách chờ đợi ( lần lượt làm, đến phiên mình) qua đó cũng biết luôn về giá trị của thời gian, biết phân biệt trước, sau. Hoạt động này giúp trẻ giải tỏa ức chế, phóng ngoại và xây dựng ý thức về bản thân, tạo điều kiện cho trẻ biết chọn lựa, vui thú và hành động tự chủ.
4. Trò chơi “Bập bẹ – líu lo” vận dụng các cơ quan phát âm của trẻ:
Phụ huynh khích lệ trẻ tự nói, dù chỉ là những tiếng bập bẹ, líu lo. Hãy xem đó như một trò chơi, khi trẻ nói phụ huynh sẽ bắt chước nói lại với những âm thanh tương tự, nhưng sẽ có những điều chỉnh và mở rộng hơn. Phụ huynh cũng có thể thu băng các lời nói của trẻ và sau đó phát lại cho trẻ nghe, điều này sẽ khích lệ trẻ phát âm nhiều hơn.
5. Lặp lại một số âm thanh và từ ngữ có trong ngôn ngữ bình thường:
Sau khi trẻ đã phát ra nhiều âm thanh trong lúc vui đùa, người lớn chọn lọc những âm thanh nào tương tự, gần giống với những từ phổ biến hàng ngày để nhắc lại cho trẻ ghi vào bộ nhớ.
Ví dụ : trẻ nói :Mờ, mờ – Người lớn: Má , trẻ: Bờ bờ – Người lớn: Ba, Trẻ: Chờ, chờ – Người lớn: Chơi, trẻ: Cờ cờ – Người lớn: Con.
Hoạt động này giúp trẻ biết cách phát ra ngôn ngữ bình thường. Tập cho trẻ phát ra những câu có 2 từ : ba về, đi chơi, cho con, cho má….
6. Giúp trẻ biết cách lắp ráp, kết hợp và sắp xếp các dụng cụ, hình ảnh và ngôn từ lại với nhau:
Phụ huynh xếp đặt một số mẫu vật dụng trước mặt trẻ và bảo trẻ làm lại giống như mình: Xếp ly vào một chỗ, xếp đĩa lại với nhau, xếp hình các con vật giống nhau cạnh nhau, xếp từ ghi tên đồ vật, con vật vào dưới ảnh của đồ vật hay ảnh con vật đó.
Cho trẻ xếp theo trình tự:
1/ Hình thể và màu sắc hoàn toàn giống nhau.
2/ Đồ vật và hình ảnh có màu sắc – kích thước tương tự
3/ Đồ vật và hình ảnh có màu sắc và kích cỡ khác nhau
4/ Chữ và hình đồ vật ( chữ GẤU dưới hình con Gấu)
Sắp xếp theo công dụng:
1/ Các dụng cụ học tập ( viết, tập, gôm…)
2/ Các dụng cụ làm bếp, các dụng cụ trong phòng khách, phòng ăn…
Sắp xếp theo khu vực hoạt động:
1/ Các sinh vật trên trời, dưới biển, trong rừng
2/ Các đồ vật ở nhà, trong Siêu thị, ngoài đường phố.
7. Giúp trẻ nghe và hiểu một số từ thông thường, qua việc thi hành những mệnh lệnh đơn sơ:
Bước đầu tập cho trẻ đi lấy những món đồ chơi, những đồ dùng hàng ngày, sau đó thông qua hình ảnh, nâng cao vốn từ cho trẻ để có thể nhận ra và chỉ từ 25 – 100 món đồ.
8. Giúp trẻ gọi tên từ 25 – 100 đồ dùng và các hoạt động thường ngày:
Thông qua các hình ảnh, trò chơi và các hoạt động hàng ngày để tạo điều kiện và khuyến khích trẻ có thể gọi tên các đồ vật và hoạt động hàng ngày.
9. Giúp trẻ hiểu biết và nói về các hoạt động trong gia đình:
Xây dựng một lịch hoạt động để trẻ ý thức được các hoạt động trong ngày, biết và xác định được các thời điểm ( trước/sau) các công việc nối tiếp để tạo sự ổn định tâm lý cho trẻ.
Lịch hoạt động ghi lại những hoạt động chính trong 1 ngày ( từ sáng đến tối) và trong 1 tuần ( từ thứ 2 – chủ nhật) bằng các hình vẽ đơn giản và lời minh họa ngắn gọn.
10. Biết trả lời các câu hỏi :
Giúp trẻ phát triển khả năng hình dung và tưởng tượng thông qua các câu hỏi gợi ý : Cái gì, ở đâu, thế nào, để làm gì, khi nào …
Nếu trẻ trả lời đúng phải khen ngợi, động viên – Nếu trẻ trả lời sai thì bỏ qua và nhắc lại câu hỏi. Đừng hỏi nhiều và tản mạn, cần tập trung vào một chủ đề ( Ví dụ: các loại bánh – các loại đồ dùng trong nhà bếp/phòng ăn/phòng ngủ)
11. Giúp trẻ nhận biết và sử dụng chữ và số:
Thông qua các trò chơi kết hợp hình ảnh và chữ viết
Khi tập cho trẻ nhận biết về con số, không phải là biết nhìn ra từ số 1 -10 hay đọc được đến 100, mà là biết rõ số lượng ( hai cái bánh, hai cái chén, hai con vịt…ba cái ly ) và mối tương quan ( hai cái ly thì nhiều hơn một cái ly ) – Khi được yêu cầu, trẻ có khả năng lấy ra 2,3 hình cái ly trong một loạt các hình bầy trước mắt. Trẻ có thể ghép được chữ Bàn ở dưới hình cái bàn.
12. Xây dựng mối quan hệ tốt và giúp trẻ biết chơi đùa với bạn bè
Chơi đùa là một hoạt động rất quan trọng, qua các trò chơi trẻ có thể thiết lập mối quan hệ tốt với bố mẹ và bạn bè. Ngay cả trong các hoạt động hàng ngày cũng nên đưa vào những câu nói và ý tưởng như một trò chơi ( Đố con lấy được cho mẹ hai cái chén sứ trong tủ chén – Đố con lên cầu thang trước mẹ …) Trong các ngày nghỉ, Lễ Tết, sinh nhật hãy tạo điều kiện cho trẻ đến chơi các công viên, khu vui chơi hay mời các trẻ quen biết lại nhà chơi.
Cv Tl Lê Khanh
( Biên soạn theo tài liệu của Gs. Nguyễn văn Thành – Thụy Sĩ )