Dạy con tính tự giác
20/05/2011
Tình trạng nghiện …game online
21/05/2011
Dạy con tính tự giác
20/05/2011
Tình trạng nghiện …game online
21/05/2011

Có nhiều phụ huynh hay các nhà giáo dục, khi thấy trẻ em và đôi khi cả người lớn tối ngày chúi mũi vào màn hình máy vi tính, ăn cùng game, ngủ cùng game đến mức phờ phạc cả người,…

thậm chí lậm đến độ không còn có được những nhận thức đúng đắn về cuộc sống thực tế bên ngoài đã lấy làm thắc mắc, không hiểu là những nhân vật nhảy múa, đánh đấm trên màn ảnh kia có những ma lực gì mà thu hút con em mình đến mê muội như thế.

 

1. Game tạo ảo giác về việc làm chủ cuộc sống:

Với những đòi hỏi ngày càng cao từ trường học, gia đình và xã hội mà phần lớn là mang tính áp đặt buộc trẻ phải nghe theo, trẻ có cảm giác mất đi khả năng điều khiển và làm chủ những gì xung quanh và trong chính bản thân chúng. Trẻ luôn phải chấp hàng, tuân thủ những mệnh lệnh mang tính áp đặt đến từ người lớn, từ bố mẹ, từ thày cô, lúc nào cũng phải làm điều này, phải học điều kia …và không được làm điều này, không thể làm điều nọ .v.v. Chỉ khi chơi game, trẻ mới lấy lại cảm giác có thể kiểm soát mọi thứ, có thể làm bất cứ điều gì mà khả năng và những yêu cầu trong game cho phép. Dù biết đó chỉ là những khả năng và quyền lực ảo, nhưng với mức độ phát triển ngày càng hoàn hảo, game đã đem lại cảm giác có khi còn thật hơn cả cuộc sống xung quanh. Hơn thế nữa, điều hấp dẫn là trẻ có thể điều khiển nhân vật theo ý muốn và điều chỉnh trò chơi theo đúng khả năng của mình, bởi vì con người đều thích cảm giác làm chủ và cảm thấy bất lực hay bực bội nếu mọi việc diễn ra không theo đúng ý mình.

Một yếu tố nữa khiến trẻ dễ dàng say mê, đó là game đem lại những hiệu quả tức thì, trong khi hầu hết mọi hoạt động bên ngoài cuộc đời, đặc biệt là trong việc học và ngay cả việc tham gia các hoạt động giải trí khác  thì cần có thời gian, không những thế mà lại còn khá mệt mỏi, vất vả trong các giai đoạn đầu. Đây là một tác hại khá lớn của game mà không phải ai cũng có thể nhận ra, đó là sau một thời gian dài chơi game, hệ thần kinh của trẻ chỉ còn khả năng phản ứng lại những điều gì có kết quả ngay, trẻ sẽ không còn biết đưa ra những mục đích lâu dài cho cuộc sống của chính mình. Điều đó sẽ làm cho trẻ càng ngày càng ngán ngại việc học, vì điều đó đòi hỏi những cố gắng lâu dài.


2. Games giúp trẻ thoát ly thực tế

Games đặc biệt hấp dẫn với những trẻ có cảm giác lạc lõng trong một tập thể (Do thiếu những kỹ năng xã hội cần thiết) và những trẻ thiếu sự yêu thương thật sự của cha mẹ hoặc bị bạn bè coi thường hay bắt nạt. Những hoạt động trong game, nhất là những hoạt động chiến đấu, bắn giết hay đấm đá khiến cho trẻ có những ảo tưởng về sức mạnh của bản thân và có thể “trả thù” những kẻ gây ra cho mình những khó chịu, đau khổ ngoài xã hội mà trẻ sẽ gắn vào cho các nhân vật trong game (Điều này gọi là “giận cá chém thớt” hay nói theo ngôn ngữ tâm lý học là “chuyển di”hay “hoán chuyển”) Đó là khi trẻ có lòng căm giận, oán ghét một ai đó mà trẻ không thể làm gì được họ trong cuộc sống bên ngoài, thì trẻ sẽ xem những nhân vật mà trẻ có thể chém giết hay hành hạ trong game chính là những người đó. Đây là một hoạt động của vô thức, nó cũng giống như chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, khi bị những áp bức bực bội nơi chỗ làm mà mình không thể phản ứng được,  đã tìm cách làm cho hả giận bằng cách về nhà đập phá đồ đạc hay đánh đập vợ con! Mặc dù điều  này ở trong game chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. tronbg lúc chơi nhưng cũng làm cho trẻ có được cảm giác hả hê, nhất là những chuyện đập phá, chém giết trong game hầu như chẳng ảnh hưởng đến ai (trừ hậu quả sẽ đến với chính kẻ gây ra, nhưng đó là điều mà người chơi game không thể nhận ra) Cũng vì thế mà trẻ sẽ có tâm lý mong muốn được kéo dài cái cảm giác thỏa mãn này vì dĩ nhiên là không thích rời khỏi cuộc chơi!

Đây cũng là một mối nguy hiểm của game vì đa phần những game mà trẻ ưa thích là những game có nhiều hình thức bạo động, trả thù và chuyện chết chóc trên game được thực hiện một cách rất dễ dàng khiến cho trẻ không còn nhận ra hậu quả nghiêm trọng nếu như những hành vi này được thực hiện ở ngoài đời. Bên cạnh đó là những game sex mà hầu như không có một tiệm game nào không có, nếu không thì trẻ cũng có thể mua trên các dĩa DVD một cách dễ dàng ở các tiệm bán băng dĩa để mang về chơi ở nhà hay chơi ở tiệm. Những game này một mặt đáp ứng được sự tò mò của trẻ về giới tính cũng như tạo ra những nhu cầu cảm xúc do chủ yếu là sự phô bầy thân xác và các hành vi tình dục của các nhân vật trong game. Nhưng điều tai hại nhất của việc chơi hay xem thường xuyên các loại game này sẽ khiến cho trẻ sẽ có những nhận định sai lầm về tình dục. Các em sẽ cho rằng những mối quan hệ giao tiếp về tình cảm chỉ là những hoạt động mang tính đổi chác, “ăn bánh trả tiền” chỉ cần có tiền, hay trong thế giới trò chơi thì chỉ cần có năng lực điều khiển con chuột, bàn phím là có thể khiến cho các cô gái răm rắp tuân theo yêu cầu của mình. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng ngoài thực tế, và những phản ứng của những người thật ngoài đời không giống trong các game sex đã khiến cho trẻ có những cách ứng xử không phù hợp với các nguyên tắc đạo đức và luật pháp ở ngoài xã hội và dĩ nhiên cái giá phải trả thì không rẻ chút nào!


3. Games đáp ứng nhu cầu thần tượng hóa bản thân

Trẻ em luôn đi tìm cho mình những thần tượng, từ bố mẹ cho đến thày cô hay các diễn viên điện ảnh, ca sĩ ..v.v Nhưng trên hết, người mà trẻ ngưỡng mộ nhiều nhất, chính là bản thân của trẻ. Việc ưa thích hay kính trọng một vài người nào đó, vì trẻ tìm thấy chính những nét giống nhau hay hình bóng của mình nơi kẻ đó. Đây là một trạng thái tâm lý không xấu, nhìn trên khía cạnh tích cực thì đó là lòng quý trọng bản thân, sự tự hào về những khả năng của mình. Thế nhưng, nếu không có được những giá trị sống như lòng khoan dung, tính khiêm nhường kèm theo thì điều này sẽ khiến trẻ trở nên kiêu ngạo, hay nói theo ngôn ngữ hiện nay là trở nên chanh hỏi “chảnh”. Tuy nhiên, những gì khiến trẻ trở nên “chảnh” lại không phải những giá trị đích thực như khả năng học tập hay tài năng trong lĩnh vực thể thao hay nghệ thuật để có thể đem lại sự ngưỡng mộ thật sự của những người xung quanh. Trẻ sẽ có những ảo tưởng sai lầm về giá trị bản thân mình, hay nói cách khác, trẻ trở nên tự hào về những điều không đáng tự hào, trở nên kiêu ngạo về những giá trị ảo. Điều này sẽ càng làm cho trẻ xa rời thực tế, không còn khả năng nhận ra được những giá trị đích thực và cần thiết cho cuộc sống. Chính yếu tố này đã khiến cho trẻ trở nên “vô cảm” với những cảm xúc như lòng trắc ẩn, tình yêu thương với những người xung quanh, cũng như khiến cho trẻ trở nên ích kỷ và thậm chí là độc ác bởi vì niềm kiêu hãnh sẽ bị tổn thương qua thái độ coi thường của những người xung quanh trẻ trong cuộc sống hằng ngày.

Vì thế, khi tham gia những trò chơi nhập vai trong game, thì các hoạt động này giúp trẻ đồng hóa  mình với những nhân vật trong game và những kẻ đó trở thành sự say mê hay thần tượng của trẻ là điều không có gì lạ ! Thêm một điều là game giúp cho các nhân vật – là các game thủ hóa thân – có những điều kiện không khó lắm để “luyện công” trở thành những “cao thủ võ lâm” điều mà ngoài cuộc sống các em không thể hay rất khó đạt được trong việc học tập hay vui chơi những loại trò chơi khác. Chính điều này đã tạo cho trẻ những ảo tưởng về năng lực. Khi đạt được những năng lực mạnh mẽ, trang bị cho nhân vật của mình (mà trẻ nghĩ đó là chính mình) những khả năng, những vũ khí kinh khủng, trẻ sẽ nghĩ rằng “giải cứu thế giới” là chuyện nhỏ và mình quả là một “thần tượng” hay một anh hùng. Điều đó sẽ khiến cho trẻ không thể hay không muốn rời bỏ được vai trò mà mình đã nhập vai một cách xuất sắc!

Và có thể nói, Game đã đáp ứng được những mong muốn này của trẻ. Hãy thử nghĩ xem: Game có thể đem lại cho trẻ cảm giác tự do vô giới hạn và tha hồ khẳng định những tài năng “ảo” của bản thân bằng những hoạt động liên tục và dễ dàng!

Trong mọi trò chơi, trẻ có thể làm sai, có thể chết vô số lần và vẫn có thể làm lại, sống lại để tiếp tục cuộc chơi.  Đó không phải là sự tin tưởng tuyệt đối hay sao? Trẻ cũng có được cảm giác yêu thương và được chấp nhận tham gia mọi hoạt động trong game vô điều kiện, chỉ cần một ít tiền bỏ ra và những kỹ năng điều khiển bàn phím và con chuột, điều này dễ dàng hơn nhiều so với chuyện học hành hay làm việc ngoài cuộc sống. Còn sự công nhận, thì có gì tốt hơn là những điểm thưởng, sự hoan hô khi trò chơi kết thúc? Ngay trong các trò chơi, khi có những năng lực cần thiết, hoặc được trang bị những “vũ khí” những công cụ “siêu đẳng” thì trẻ có thể điều khiển các nhân vật trong game một cách “ngon lành” Điều mà chắc chắn ngoài cuộc sống trẻ không thể nào làm được.

Sự tự do trong game và những hạn chế ngoài cuộc đời

Cuối cùng – trẻ được hoàn toàn tự chủ, tự quyết định cho mọi hành vi của mình trong game, không ai phê phán, chê trách( thực ra thì mọi phản ứng hay hoạt động của các nhân vật trong game là do những người xây dựng trò chơi đưa ra, nhưng vì nó quá đa dạng và phong phú nên hầu như người chơi game không thể nhận ra là mình cũng chỉ được phép làm những gì mà người viết game cho phép làm mà thôi) Như thế, có bậc cha mẹ nào có thể đáp ứng đầy đủ các điều mong muốn này hơn game ?

Trong thực tế, thường trẻ lại nhận được :

  1. Những ràng buộc về việc phải đi học, phải làm điều này, điều kia mà không được phản kháng.
  2. Sự thiếu tin tưởng vì cho rằng trẻ luôn thiếu trách nhiệm, vô tâm, không thể tin được.
  3. Sự đòi hỏi phải yêu thương và kính trọng cha mẹ vì là người nuôi dưỡng trẻ.
  4. Sự không công nhận các nỗ lực mà trẻ đã làm vì dưới mắt phụ huynh, đó là điều chưa đủ, trẻ còn phải cố gắng rất nhiều để trở nên thật hoàn hảo.
  5. Trẻ phải phụ thuộc vào cha mẹ, vì chưa đủ trưởng thành còn nhỏ dại, không thể tự quyết định điều gì.

 

Phụ huynh cần làm gì ?

Chính những điều này đã khiến cho nhiều bậc cha mẹ thất bại trong việc dạy con, nhưng nhiều khi vì sĩ diện họ lại không muốn chấp nhận điều đó và cũng không thể thay đổi cách ứng xử của mình mà chỉ tìm mọi cách thông qua những biện pháp kỷ luật và trừng phạt để buộc trẻ phải chấp nhận. Hơn nữa với cách nghĩ chủ quan, họ cho  rằng để nuôi và dạy cho trẻ phát triển tốt, thì không thể nhượng bộ khao khát “tự do” của trẻ, không cần đáp ứng nhu cầu được tin tưởng, cũng không cần phải công nhận các nỗ lực không đáng kể của trẻ và dĩ nhiên, sự độc lập của trẻ, dù ở bất cứ một lĩnh vực nào cũng là một điều không thể chấp nhận được một khi trẻ còn phụ thuộc vào sự nuôi dưỡng của họ.

Nhưng còn với những bậc cha mẹ đã  thành công trong việc dạy con là vì họ tin rằng, việc đáp ứng và thỏa mãn các nhu cầu kể trên của trẻ một cách hợp lý là cách tốt nhất để giúp trẻ trở nên vững vàng và tự nguyện làm những việc nên làm. Thay vì ép buộc  con cái phải theo ý mình, họ đưa ra những biện pháp giúp con hợp tác với mình một cách thoải mái. Đây cũng chính là một kỹ năng sống cần cho các bậc cha mẹ – kỹ năng cộng tác để cả hai cùng có lợi !

Lê Ngọc Khuê ( trích : Nói không với game online – Lê Khanh – NXB Phụ Nữ 2010)

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý