Giáo dục chuyên biệt với trẻ Tự kỷ
09/11/2013Một số thắc mắc về sự phát triển của trẻ
23/11/2013Hướng nghiệp là một hoạt động mang tính xã hội đã có từ rất sớm trong lịch sử xã hội con người. Hẳn chúng ta đã nghe trong tục ngữ Việt Nam ta đã có câu: Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương, đây là một ví dụ cho thấy ngay từ thời xưa đã có những thang bậc và sự phân định nghề nghiệp. Xã hội càng phát triển, nhu cầu hướng nghiệp càng trở nên cấp thiết hơn.
Ngày nay, nghề nghiệp không còn đơn thuần là phương tiện kiếm sống. Nghề nghiệp hôm nay được đặt vào một bối cảnh rộng lớn hơn, chịu ảnh hưởng của những áp lực đến từ những nhu cầu xã hội khác như giải trí, giờ giấc, phúc lợi, khả năng tiến thân, môi trường làm việc, ý nghĩa của công việc, và những cảm xúc tâm lý khác. Vì thế nghề nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến đời sống vật chất mà còn ảnh hưởng đến cả đời sống tâm lý xã hội nữa.
Quá trình chọn nghề ở mỗi cá nhân có khác nhau, dựa trên những cá tính của người đó, như: nhân cách, lối sống, sở thích bản thân và xu thế gia đình, giới tính, trình độ giáo dục, nhu cầu cuộc sống, điều kiện môi trường xung quanh… Vì thế thu cầu tư vấn không chỉ vận dụng ở cấp độ sinh hoạt nhóm mà nó cần phải được áp dụng với từng cá nhân một.
Việc hướng nghiệp lại càng trở nên cần thiết hơn đối với thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn bởi vì nhu cầu kiếm sống của các em rất cấp bách trong khi năng lực và trình độ lại hạn chế, vì thế chọn đúng nghề không phải là một lựa chọn dễ dàng, mà là một quyết định cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Crites (1981) đã đề ra những điểm lý giải tại sao tư vấn nghề nghiệp là quan trọng:
– Tư vấn nghề nghiệp tập trung cả vào thế giới nội tâm và cả thế giới bên ngoài của cuộc đời, trong khi tư vấn những mảng khác thường tập trung nhiều hơn vào khung tư duy và hệ thống bên trong cá nhân con người.
– Kinh nghiệm thu gặt được từ tư vấn nghề nghiệp cho cá nhân một cảm giác tự tin vì họ thật sự hiểu được con người họ trong bối cảnh xã hội, từ đó họ an tâm và thoải mái hơn, vì đóng góp của họ cho cuộc đời là đóng góp có ý nghĩa. Riêng bản thân, họ tìm được những giá trị có ý nghĩa cho cá nhân mình. Krumboltz (1994) nhận định rằng tư vấn nghề nghiệp đề cập đến nhiều khía cạnh, tương tự như trong tư vấn cá nhân khác, song bối cảnh xã hội được giới thiệu vào quá trình tư vấn nghề nghiệp, nên nó là một hình thức tư vấn toàn diện.
– Tư vấn nghề nghiệp có ích cho các bạn trẻ vì nó không chỉ đề cập đến nhân cách, mơ ước, sở thích, nguyện vọng, mà các em còn được biết đến những đại lượng khác trong bức tranh nghề nghiệp rộng lớn, từ đó họ hiểu thêm về xã hội họ đang sống. Nhất là tư vấn nghề nghiệp cho họ một cái nhìn “từ bên trong” và họ có cơ hội chọn lựa, an tâm với chính mình, giành hết năng lực và công sức của bản thân một khi đã chọn ra một nghề thích hợp cho mình.
Vì thế tư vấn nghề nghiệp không thể xem nhẹ, vì nó là một công cụ quan trọng trong quá trình giúp các bạn trẻ tìm được ý nghĩa cuộc sống thông qua việc chọn đúng nghề, làm đúng việc, hợp với khả năng và còn giúp ổn định trật tự kinh tế xã hội.
1.Phạm vi tư vấn và các ngành nghề
Ở những nước đã phát triển, thông tin nghề nghiệp thật dễ tìm, dễ có. Chính phủ và các ngành xã hội luôn có những tài liệu, đôi khi phát miễn phí hoặc cho mượn. Các hệ thống thư viện luôn đầy ắp tài liệu và sách vở cho bạn đọc về thông tin nghề nghiệp.
Riêng ở Việt Nam, thông tin nghề nghiệp rất hạn chế và có tình trạng mất cân đối trong các thông tin nghề nghiệp, có những nghề được rất nhiều phương tiện truyền thông giới thiệu và đề cao, khiến cho những bạn trẻ mới bước chân vào đời rất ngưỡng mộ và chỉ muốn theo đuổi những ngành nghề đó, ngược lại có những nghề hầu như ít ai biết đến mặc dù cũng có mức thu nhập khá cao. Nếu tính theo thu nhập thì các ngành nghề có mức thu nhập cao là ngân hàng có mức lương bình quân 22 triệu/tháng, tiếp viên hàng không, có mức lương 20 – 30 triệu/ tháng. Cán bộ điện lực 13 triệu/tháng còn nhân viên dầu khí khoản 16 triệu/tháng ..Điều này nếu so với một số ngành nghề dịch vụ, thì chưa thể gọi là cao, nhưng có được sự ổn định tương đói và đòi hỏi rất nhiều năng lực cũng như sự đầu tư về thời gian. Nhưng những ngành nghề tạo được sự quan tâm của giới trẻ lại là các ngành liên quan đến kinh doanh như Quản trị kinh doanh, ngành này bao gồm: điều hành doanh nghiệp, quản lý nhân sự, tiếp thị, quản lý chất lượng sản phẩm, kinh doanh quốc tế…
Ngành nghề kinh doanh thu hút kế tiếp là kế toán và tài chính.. Trong đó có những lĩnh vực mới ở Việt Nam là đầu tư tài chính, thị trường chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh địa ốc. Bên cạnh đó, nhiều chuyên ngành kinh doanh khác như tiếp thị – quảng cáo, du lịch cũng đang có sức thu hút ngày càng tăng. Đặc biệt, với quản trị du lịch, ngành này ngày nay không chỉ đóng khung trong nấu ăn, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh lữ hành mà còn bao gồm quản trị cao ốc và các khu giải trí. Tương tự, quản trị thể thao (điều hành một câu lạc bộ bóng đá, một sân golf, tổ chức các giải và quản lý các công trình, sân bãi) cũng là một nghề rất mới lạ với Việt Nam. Các ngành quản trị khác phổ biến ở nước ngoài nhưng còn hiếm hoi ở Việt Nam là: Quản trị sân khấu và các hoạt động nghệ thuật, quản trị y tế, quản lý siêu thị và cửa hàng. Đây là những ngành nghề đang được các bạn trẻ chú ý.
Nhiều bạn trẻ mong ước trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Ngoài ra còn có những liên ngành mới kết hợp giữa kinh doanh và công nghệ thông tin như: thương mại điện tử, kinh doanh công nghệ thông tin, quản trị thông tin… chứ không chỉ sản xuất phần mềm, sản xuất phần cứng.
Một sự thu hút mới khác trong lĩnh vực kỹ thuật là các ngành nguyên vật liệu (công nghệ hóa học, công nghệ vật liệu xây dựng), điện – điện tử, cơ khí, viễn thông, kiến trúc dân dụng, thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất. Đặc biệt, nhiều ngành còn ít đào tạo ở Việt Nam là công nghệ y – sinh, kỹ nghệ sinh học, công nghệ siêu nhỏ, kiến trúc quy hoạch, truyền thông đa phương tiện và các phương tiện không dây.
Đối với những ngành nghề hấp dẫn giới trẻ này, đa số là do các trường ở nước ngoài đào tạo, chỉ có một số chuyên ngành đã được đào tạo tại các trường của Việt Nam.
Như vậy, nếu dựa trên các loại ngành nghề trên cùng những ngành đang có trong xã hội , chúng ta có thể liệt kê ra các nhóm ngành nghề sau :
– Nhóm ngành khoa học – công nghệ – môi trường
– Nhóm ngành kinh tế
– Nhóm ngành khoa học xã hội – văn hóa – ngôn ngữ
– Nhóm ngành dịch vụ
– Nhóm ngành mỹ thuật thiết kế
– Nhóm ngành Nông – Lâm – Ngư
– Nhóm ngành quản trị hành chánh – văn phòng.
Tuy nhiên, ngoài các ngành nghề trên còn có khá nhiều nghề lạ lùng, không có trong danh mục những vẫn đem lại thu nhập cao như : Nghể ngồi cho muỗi đốt ( để làm các thí nghiệm khoa học) nghề buôn Fanpage trên FB, nghề tìm các dữ liệu sex, nghề viết các câu status trên FB, nghề viết thiệp cưới , nghề làm ma nơ canh “sống” trên các quầy hàng, làm xà bông từ sữa mẹ, cắt móng chân cho thú cưng , vá đèn xe hơi …v v và có thể cả trăm nghề không tên khác, miễn là có nhu cầu thì sẽ có phát sinh …
Vì thế, để có thể tư vấn nghề nghiệp, mặc dù chúng ta không thể nào biết hết được các nghề với những yêu cầu cụ thể cho từng lĩnh vực, nhưng ít nhất chúng ta phải biết rút ra được những yêu cầu chính, những khả năng cần thiết để có thể đáp ứng cho nhiều loại công việc thông thường khác nhau. Những khả năng cần có là sự kiên nhẫn, khéo tay, có óc quan sát, có sự dấn thân, có những kiến thức nhất định, có tính quyết đoán, tinh thần sáng tạo và có khả năng giao tiếp. Đó chỉ là những yếu tố cơ bản nhưng lại đáp ứng được yêu cầu của hầu hết các ngành nghề.
2.Tính cách trẻ trong phạm vi nghề nghiệp
Như vậy, nếu so với tính cách của con người thì có thể đáp ứng được các yêu cầu trên hay không ? Chắc chắn là không ai có thể có đầy đủ được các đức tính trên. Vì thế, chúng ta nên dựa vào chính cá tính cũng như các ưu điểm hay năng lực chuyên biệt của mỗi người mà có thể tư vấn cho họ những công việc phù hợp.
Học thuyết của Holland (1997) là học thuyết được thiết kế với mục đích phục vụ công tác chọn nghề. Đây là một thuyết được dựa trên cơ sở phân tích rất chặt chẽ, tính áp dụng cao. Dưới đây là giải thích sơ lược về học thuyết này. Sáu khái niệm cá tính trong thuyết chọn nghề của ông, gồm 6 loại, nên cũng thường gọi là “lục giác cá tính”:
1. Thực tế (R – realistic): là người chuộng kỹ năng, có óc kỹ thuật, thích cụ thể, cơ khí (thích hợp với công việc kỹ sư, thợ máy, nông dân, công nhân).
2. Thám tử (I – investigative): thích phân tích, trừu tượng, có óc khoa học (thích hợp làm nhà nghiên cứu, nhân viên tư vấn, lập trình viên, nhân viên phòng thí nghiệm, địa chất, hải dương học, bác sĩ, dược sĩ…).
3. Nghệ thuật (A – artistic): có óc tưởng tượng phong phú, rất sáng tạo, có khiếu thẩm mỹ (thích hợp với việc như nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, viết lách, họa sĩ, nhà thiết kế, nhiếp ảnh…).
4. Hoạt động xã hội (S – social): có nguyện vọng phục vụ, yêu cái đẹp hoạt bát, quý trọng giá trị giáo dục (thích hợp với ngành giáo dục, xã hội học, nhân viên công tác xã hội, tu sĩ, y tá, hộ lý …).
5. Kinh doanh (E – enterprising): có khiếu thuyết phục, ngoại giao, ăn nói lưu loát, năng động, xông xáo (thích hợp với tiếp thị, quản lý, nhà kinh doanh, chủ doanh nghiệp…).
6. Nghiêm túc (C – conventional): có tổ chức, ngăn nắp, thực dụng, nguyên tắc (thích hợp với việc kế toán, nhân viên chức, nhân viên nhà băng, thâu ngân…).
Holland đề nghị sắp xếp 6 nhân cách này theo thứ tự: R-I-A-S-E-C
Thứ tự RIASEC này sau đó được chia ra làm sáu nhóm:
RIA: tốt nhất là nhà nghiên cứu (I) – sau đó là lựa chọn 2 để trở thành kỹ sư (R), hoặc nghệ sĩ (A).
IAS: tốt nhất là nghệ sĩ (A), kế đến là nhà nghiên cứu (I) hoặc cô giáo (S).
ASE: tốt nhất là cô giáo (S), sau là nghệ sĩ (A) hoặc nhà kinh doanh (E).
SEC: tốt nhất là nhà kinh doanh (E), sau là cô giáo (S) và nhân viên chức (C).
ECR: tốt nhất là nhân viên chức (C), sau đó là nhà kinh doanh (E) và kỹ sư (R).
CRI: tốt nhất là kỹ sư (R), sau là nhà nghiên cứu (I) và nhân viên chức (C).
Để có thể đánh giá tính cách, thường các tư vấn viên sẽ đưa ra một số trắc nghiệm ( Test ) về cá tính , từ đó sẽ có những hướng dẩn phù hợp với một danh mục các nghề nghiệp phổ biến để người được tư vấn chọn lựa và cũng có được những góp ý cần thiết, phù hợp với nhu cầu và năng lực thực tế của mình.
3.Tư vấn hướng nghiệp các nhóm đối tượng
Như đã trình bày, đối tượng có nhu cầu tìm việc, học nghề đến từ mọi lứa tuổi, bao gồm học sinh phổ thông, cán bộ chuyển ngành, bộ đội về hưu, lý do sức khỏe, giải thể, muốn thay đổi điều kiện sống, tăng thu nhập, giảm biên chế, về hưu… Vì thế tư vấn viên nghề nghiệp cần đầu tư chút thời gian để hiểu sơ qua về những nét căn bản của từng nhóm đối tượng vừa kể trên.
- a)Với trẻ em: Xin đừng cười, trẻ em đã có ý thức nghề nghiệp từ rất sớm. Các em biết người lớn xung quanh mình đi làm và làm gì vì nghe cha mẹ, anh chị kể về việc làm. Chính những câu chuyện nghề nghiệp nhất định ấy đã có ảnh hưởng đến các em. Tuy nhiên, các em rất cần đến một bức tranh toàn diện về các ngành nghề trong xã hội. Vì thế, nhà trường và những người có trách nhiệm cần tố chức những cuộc dã ngoại, tham quan, giới thiệu với các em về những ngành nghề khác nhau, điều này mang tính giáo dục rất cao. Những kinh nghiệm với các hình thái công việc khác nhau sẽ cho các em những suy nghĩ, giúp các em củng cố nhiều hơn nữa về những quyết định nghề nghiệp sau này. Một đề nghị là trường học nên tổ chức những buổi tham quan do các đơn vị có tâm huyết bảo trợ, hoặc mời những công nhân viên có tinh thần, thiện nguyện đến trường kể chuyện về nghề nghiệp và việc làm của mình cho các em nghe.
- b)Với tuổi dậy thì: Giúp trẻ em sắp bước vào thế giới trưởng thành xác định được điều các em cần biết, nên biết; có liên quan đến nghề nghiệp. Không như quá khứ, nhiều nghề cha truyền con nối và không đòi hỏi văn bằng, chứng chỉ; xã hội hôm nay rất cần đến đào tạo chuyên môn và chứng nhận tốt nghiệp. Vì thế, các em cần được hướng dẫn cụ thể, xác định được nghề mình thích, sau đó sẽ có hướng chuẩn bị thích hợp, đáp ứng tốt yêu cầu tuyển sinh cho các khóa đào tạo phù hợp với ngành nghề các em yêu thích. Ngoài việc được hướng dẫn bởi một tư vấn hướng nghiệp có chuyên môn, các em cần được đề nghị thám hiểm về đề tài nghề nghiệp: các em được khuyến khích sẽ trực tiếp gặp gỡ 5 đến 10 người lớn trong gia đình, hàng xóm, bạn bè của cha mẹ, anh chị với những ngành nghề khác nhau, từ đó các em sẽ có một khái niệm hoàn chỉnh, đầy đủ hơn về bức tranh nghề nghiệp.
c) Với sinh viên: Nhiều người sau khi vào đại học, với nhiều lý do khác nhau, đã biết mình không còn hứng thú với môn học, ngành học do có nhiều phát sinh mới ngoài dự đoán. Trong những trường hợp này, các sinh viên rất lúng túng, lấn cấn với những băn khoăn giữa đi tiếp hay chuyển hướng. Dù sao họ cũng đã đầu tư công sức và tiền bạc. Bỏ thì vương, thương thì tội. Tư vấn viên cần giúp sinh viên hiểu:
- Trực giác chọn nghề lần đầu tiên thường là tốt, nếu họ đã suy nghĩ chín chắn trong chọn nghề lần trước.
- Nhiều người có khuynh hướng dễ dao động và các em cần xem xét lại có phải đó là động lực đổi nghề.
- Nghề nào cũng có thế mạnh, điểm yếu, thuận lợi và khó khăn, dù bề ngoài trông có vẻ không như thế, có vẻ như nghề này hát mặt hơn nghề khác.
- Nên dứt khoát, nếu ở lại ngành học cũ, quên hẳn những mời gọi khác. Nếu chuyển ngành học, nhất định không nuối tiếc ngành học cũ nữa.
- Giúp các sinh viên liên hệ xem chương trình học cũ có áp dụng được với ngành học mới, có thể đốt ngắn thời gian đào tạo ở ngành mới, tránh lãng phí công sức, tiền bạc.
- Giúp các bạn có kỹ năng xử lý giải quyết, tránh những vấp phạm tương tự trong tương lai.
- Giới thiệu những kỹ năng học tập, nhiều bạn muốn chuyển ngành học vì chương trình học quá nặng, khó khăn. Trong trường hợp này tư vấn viên nên cho các bạn sinh viên biết là thành quả của việc phấn đấu không chỉ có ý nghĩa với bản thân mà còn giúp họ trưởng thành, chín chắn hơn.
- d)Với người trưởng thành: Nhiều cá nhân do nhiều lý do, làm đủ các việc, cuối cùng lại muốn thay đổi. Tất nhiên nhu cầu của họ phải được coi là chính đáng, cần thiết. Tư vấn viên phải ghi nhận cố gắng của họ, tránh xem thường, hạ thấp, cho rằng họ có vấn đề trục trặc về chuyện có quyết định với bản thân. Thông thường, đối tượng tìm đến tư vấn việc làm ở độ tuổi đã lớn thường gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, họ cần được trung tâm tư vấn trợ giúp trong mọi khả năng có thể, như cần có sự phối hợp với bên xã hội, thương binh lao động, các chương trình hỗ trợ…
Tư vấn viên cần hiểu những cố gắng săn việc của thân chủ là một cố gắng trong việc tìm ra những giải pháp giúp ổn định cho cuộc sống của họ. Tư vấn viên có nhiệm vụ giúp cá nhân điểm lại kinh nghiệm lao động trong quá khứ, giúp họ hệ thống hóa lại những kinh nghiệm và kỹ năng sẵn có. Việc này giúp họ soạn ra một bản lịch sử kinh nghiệm lao động (resumé), vốn không chỉ giúp họ nhìn nhận ra giá trị đóng góp cho xã hội mà còn giúp họ tự tin hơn trong công tác đi tìm một công việc mới, thích nghi với hoàn cảnh hiện tại.
Tư vấn viên cần có một danh sách những ngành nghề tạo ra cơ hội để thân chủ có thể lựa chọn và tự làm chủ doanh nghiệp.
Những thủ tục cần thiết để huy động vốn, những nguồn tài trợ, giúp đỡ của Chính phủ cũng như từ nhiều nguồn khác nhau. Tất nhiên tư vấn viên cần tham khảo với những chuyên viên có kinh nghiệm nghiệp vụ về nhiều lĩnh vực khác như tài chính, luật pháp, xã hội… Đây là cơ hội tốt nhất để tư vấn viên có tham vấn với các ngành khác.
Cần nhớ, ngoài những kiến thức về phát triển tâm- sinh- lý của con người, những kỹ năng cần thiết, một tư vấn viên nghề nghiệp có trách nhiệm, làm việc có hiệu quả rất cần đến những kiến thức liên ngành, nhằm đem đến cho thân chủ những thông tin cần thiết trong một khoảng thời gian ngắn nhất. Nên biết, khi thân chủ đến với tư vấn viên, dịch vụ tư vấn gần như là cánh cửa sau cùng.
2.Tư vấn nghề với trẻ có hoàn cảnh khó khăn
Đối với trẻ có hoàn cảnh khó khăn thì cho dù tính cách như thế nào, thì phạm vi chọn lựa sẽ bị hạn chế rất nhiều vì những yếu tố về năng lực, nhận thức và nhu cầu mà chúng ta đã biết. Vì thế, nhân viên tư vấn cho các đối tượng này cũng cần biết giới hạn các phạm vi nghề nghiệp, mặc dù chúng ta có thể biết được khá nhiều lĩnh vực nghề nghiệp. Nhưng trong phần giới thiệu, chúng ta chủ yếu là đưa ra những thông tin trong lĩnh vực dịch vụ – Kinh doanh hơn là những thông tin về các ngành nghề khoa học, nhân văn hay kinh tế kỹ thuật vì đôi khi chúng ta vô tình tạo ra hai vấn đề tâm lý nơi các em :
– Các em trở nên mặc cảm hơn vì nhận ra mình có quá nhiều hạn chế, từ đó không còn hứng thú hay nỗ lực tìm kiếm cho mình một ngành nghề phù hợp.
– Các em cảm thấy khả năng học nghề, tìm việc là xa vời vì quá nhiều trở ngại, từ đó lại quay lại với tư tưởng thực dụng, tìm kiếm những công việc không quá vất vả hoặc đòi hỏi sự đầu tư học tập, mà không cần nghĩ đến những yếu tố về nhân phẩm hay đạo đức trong các công việc ấy.
Hai yếu tố này sẽ khiến cho công việc tư vấn của chúng ta với các em trở thành “nước đổ đầu vịt” Các em sẽ nghe qua rồi bỏ, và đó cũng là yếu tố khiến kết quả theo đuổi nghề nghiệp của các em có hoàn cảnh khó khăn trở nên kém bền vững.
Nhưng, không phải vì thế mà chúng ta không khuyến khích các em dấn thân vào các ngành nghề trong lĩnh vực nghệ thuật hay sáng tác, bởi vì đây có lẽ là một khu vực có những yêu cầu mang tính đặc thù, đó là năng khiếu và lòng đam mê, mà hai tính chất này thì không bị hạn chế về trình độ, năng lực, nhận thức hay nhu cầu mà chúng chỉ bị hạn chế bởi chính sự không dám dấn thân, hay tính thực dụng. Đây là hai yếu tố mà chúng ta có thể tác động để giúp trẻ thay đổi, và đó cũng là điều khích lệ cho những nhà tư vấn, nếu khám phá được những “viên ngọc trong đá” để có thể tạo nên những nhà nghệ sĩ , hay những vận động viên “chân đất” từ những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.
Bloch (1989) đã giới thiệu một số những biện pháp cho một chương trình tư vấn giành cho các em có hoàn cảnh khó khăn như sau :
– Các em cần hiểu biết về bức tranh hiện tại và bức tranh trong tương lai giữa có nghề và không có nghề. Một kế hoạch phù hợp với từng cá nhân trẻ, với sự quan tâm thành thực, thể hiện được tinh thần quan tâm đến các em.
– Chương trình này nên có quan hệ với những đơn vị sản xuất, đề nghị họ tạo điều kiện giúp đỡ các em.
– Giới thiệu những chương trình huấn nghệ có cấp chứng chỉ học nghề cho các em, và những chương trình giáo dục thường xuyên, bổ túc, học ban đêm.
Đây cũng là những biện pháp đã được áp dụng, tuy nhiên vẫn chưa đạt được kết quả tốt vì việc so sánh giữa hai bức tranh có nghề nghiệp và thất nghiệp chưa đủ để thuyết phục các em khi mà các em vẫn thấy rằng dù không có nghề nghiệp nhưng vẫn có thể có những sự giúp đỡ đủ để sống tạm.
Việc đặt các mối quan hệ với các đơn vị sản xuất hay kinh doanh, chủ yếu là kêu gọi tinh thần nhân đạo, giúp đỡ trên tinh thần ban phát hơn là sự cộng tác trên tình thần có trách nhiệm lẫn nhau : Những đơn vị xã hội có trách nhiệm với các trẻ mà mình giới thiệu. Các cơ sở kinh doanh sản xuất có trách nhiệm bảo đảm mức lương và vị trí làm việc bình đẳng cho các em được nhận vào, không coi đó là một sự ban ơn.
Cuối cùng là các chương trình huấn nghiệp phải đào tạo ra được những học viên có năng lực thật sự, đáp ứng được nhu cầu xã hội, chứ không phải đào tạo để chỉ với mục đích đạt những chỉ tiêu về con số hay chỉ tiêu về chức năng mà đơn vị của mình cần phải có để duy trì hoạt động. nói cách khác, việc huấn nghệ cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phải có thực chất chứ không phải chỉ có là những mô hình, những điển hình mà hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều.
3.Những thách thức trong tư vấn hướng nghiệp
Như đã nói ở trên, công tác tư vấn hướng nghiệp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không phải là điều dễ dàng. Bởi vì những thách thức không chỉ đến từ các em mà còn đến từ nhiều phía khác nhau mà chúng ta có thể liệt kê ra như sau :
– Về phía cá nhân trẻ : Đầu tiên là trình độ nhận thức, học vấn thấp, nhiều mặc cảm về bản thân, có những suy nghĩ tiêu cực về vấn đề học nghề và làm việc. Có những thói xấu như tính vô kỷ luật, ỷ lại, thiếu trung thực và có nhiều các nhu cầu về vật chất, dẫn đến tính thực dụng, chỉ nhắm đến những cái lợi trước mắt mà quên đi những cái lợi lâu dài. Bên cạnh đó, các em còn có những thói quen xấu như nghiện thuốc lá, thậm chí là nghiện ma túy, nghiện rượu, thích đánh bài, cờ bạc và nhiều em lại có những nhu cầu tình dục sớm… Ngoài ra, tính cố chấp, dễ bị cuốn vào những trào lưu xã hội, ăn mặc lố lăng, cũng là những yếu tố cản trở việc tham gia nghề nghiệp, gây ác cảm cho những đơn vị thu nhận các em và dễ dẫn tới tình trạng bỏ việc hay bị sa thải.
– Về phía gia đình các em : Đa phần là trình độ nhận thức xã hội kém, có tính thực dụng cao, chỉ muốn dùng các em như những công cụ kiếm tiền cho gia đình hơn là có những khuyến khích các em học nghề cẩn thận để có khả năng làm việc lâu dài. Đôi khi gia đình là một môi trường xấu, khiến cho các em cũng bị “nhuộm đen” theo và việc theo đuổi các khóa học nghề chỉ là một cách để gia đình lợi dụng. Ngoài ra, còn có những gia đình có những nghề “gia truyền” không muốn cho con em mình theo đuổi các ngành nghề khác, nên đã có những thái độ bất hợp tác, gây khó khăn cho công tác hướng nghiệp.
– Về phía các cơ sở dạy nghề : Do tính cách nhân đạo, thường các cơ sở này nếu không có sự tài trợ thì trang thiết bị rất thiếu thốn, các giáo viên dạy nghề thường có tay nghề thấp, tấm lòng vì trẻ em không nhiều, dạy chủ yếu là để có việc làm. Tuy cũng có những giáo viên nhiệt tình, nhưng các ngành nghề mở ra không nhiều, phạm vi dạy nghề hạn chế kèm theo cơ sỡ thiết bị lạc hậu khiến kết quả đào tạo thấp, và đó là cái vòng luẩn quẩn khó ra. Tuy nhiên, ngay cả với các cơ sớ hướng nghiệp được trang bị tốt, cũng chưa chắc đã có thể tạo ra được những người thợ giỏi, nếu việc đào tạo không có được các giáo viên giỏi, có tay nghề cao, có định hướng đào tạo rõ ràng với những phương pháp tiên tiến và có những nghiên cứu thị trường luôn được cập nhật, để có những kế hoạch đào tạo bài bản và khả năng tìm kiếm việc làm cho các HV sau khi được huấn luyện là một yếu tố không kém phần quan trọng.
CvTL Lê Khanh
Trung tâm RỒNG VIỆT VŨNG TÀU