Bàn về hiện tượng tử tử ở thiếu niên
22/03/2012
Tọa đàm Khuyến khích hành vi tích cực
22/03/2012
Bàn về hiện tượng tử tử ở thiếu niên
22/03/2012
Tọa đàm Khuyến khích hành vi tích cực
22/03/2012

Có lẽ chúng ta không lạ gì với câu : “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” Đây không phải là một nhận xét phiến diện, vì khoa tâm lý đã cho biết, con người có 8 loại tính tình khác nhau, trong 2 nhóm là hướng ngoại và hướng nội

Có 4 loại thuộc nhóm hướng nội (Thực tế, điềm tĩnh, nhu nhược và lãnh đạm) và 4 loại thuộc nhóm hướng ngoại ( Duy cảm, đa cảm, Nhiệt thành, Nhiệt tâm) . Nhưng không một ai chỉ có thuần túy một loại tính cách, nghĩa là không ai hoàn toàn hướng ngoại, hay hướng nội mà trong một con người bao giờ cũng có một phần tính cách này, một phần tính cách kia theo một tỷ lệ nào đó – Cũng có những trường hợp nửa này, nửa kia. Đây là một loại tính cách có nguy cơ cao, dễ rơi vào tình trạng rối nhiễu tâm lý vì không thể xác định được cá tính của mình !

Nhưng vì tỷ lệ khác nhau, rồi các nhóm tính cách lại có sự pha trộn nhau – Ví dụ: có người 3 phần đa cảm, 4 phần nhiệt thành, 2 phần thực tế và 1 phần nhu nhược ! Vì thế, hầu như không có ai giống hệt tính cách của người khác ! Hay nói ngắn gọn: Cái Tôi là cái duy nhất!

Như thế, muốn giúp trẻ khám phá bản thân của mình thì trước tiên chúng ta cần biết con mình thuộc nhóm tính cách nào vì mỗi loại tính cách, việc tác động có phần khác nhau, và bản thân các em cũng cần phải nhận ra điều đó. điều thứ hai là do tính cách khác nhau, các em cũng sẽ có những năng lực, những điểm yếu khác nhau, để từ đó chúng ta sẽ có thể giúp các em phát triển những năng lực tốt của mình và giảm thiểu được những điểm yếu của mình qua những biện pháp phù hợp.


1/ Tính cách của trẻ bộc lộ như thế nào ?

Ngay từ bé, thông qua cách trẻ chơi đùa và khả năng tiếp nhận các bài học ở trường, khả năng xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh, chúng ta sẽ thấy trẻ bộc lộ ra những tính cách riêng của mình. Qua đó, chúng ta nên khuyến khích, tạo điều kiện cho tre chơi những trò chơi phù hợp và giúp trẻ tập chơi những trò chơi mà trẻ không hứng thú lắm, không thành thạo lắm để khắc phục phần nào những điểm yếu của mình.

Trong trò chơi, chúng ta sẽ thấy trẻ có nhiều tính cách hướng ngoại sẽ thích tham gia những trò chơi tập thể và thường thích đóng vai trò lãnh đạo, hay điều phối. Còn trẻ có nhiều tính cách hướng nội sẽ thích chơi các trò chơi cá nhân, trò chơi tay đôi và trong các trò chơi đối kháng thì thường thụ động, nhường cho đối phương đi trước.

Vì thế, khi thấy trẻ không thích chơi các trò tập thể, thì cũng không nên quá lôi kéo hay bắt buộc các em, mà nên giao cho các em một vị trí nào đó không phải hoạt động nhiều và tìm cách khích lệ các em nhiều hơn.

Trong việc tiếp nhận các bài học ở trường, chúng ta cũng không nên bó buộc một trẻ hướng ngoại phải ngồi yên để học trong một thời gian dài, mà nên khuyến khích các em khám phá các điểm mới lạ trong bài học và có thể tổ chức cho các em học theo nhóm.

Trong việc xây dựng các mối quan hệ, chúng ta cũng không đòi hỏi những em hướng nội phải lanh lợi, chào hỏi mọi người, phải biết tham gia các hoạt động xã hội … mà nên gia tăng những buổi trao đổi, trò chuyện tay đôi với trẻ, và có thể dùng những cách giao tiếp gián tiếp qua thư hay qua máy vi tính.


 

 

2/ Hình ảnh về cơ thể:

            Ngay từ khi mới sinh, trẻ đã bắt đầu hình thành sơ đồ cơ thể mình, tức là cách thức trẻ định vị được mình trong không gian. Trong quá trình phát triển, từ việc nằm, trẻ ngồi rồi mới có thể đứng. Tất cả những sự phát triển này giúp cho trẻ ngày càng hoàn thiện khả năng nhận biết về bản thân.

            Hình ảnh về cơ thể được trẻ cảm nhận một cách vô thức, và nếu có những trở ngại về điều này, sẽ gây ra cho trẻ những rối nhiễu về tâm lý và sự phát triển các mối quan hệ, vì trên thực tế, trẻ sẽ có xu hướng đưa một số yếu tố của bản thân mình vào trò chơi hay tranh vẽ ở nhiều mức độ khác nhau, qua đó cho thấy cách trẻ nhìn nhận về mình và khả năng tự đánh giá bản thân.

            Những giấc mơ, những bức tranh và các trò chơi là cách mà trẻ dùng để bộc lộ cái TÔI của mình. Nhưng giấc mơ thường khiến trẻ sợ hãi và không nhớ nổi, còn trò chơi là những điều mà chúng ta phải quan sát rất tích cực mới có thể nhận ra một số nét chính bộc lộ bản thân của trẻ. Như vậy, chỉ có tranh vẽ là phương tiện biểu đạt giữa tư duy và cơ thể, nó cho chúng ta thấy điều gì đã diễn ra trong sự cảm nhận của trẻ về mình. Trên thực tế, khi trẻ vẽ tranh để tặng cho ai đó ( thường là cha mẹ ) thì đó là một thông điệp mà trẻ muốn người khác nhận ra bản thân của mình. Vì thế, chúng ta nên tạo điều kiện và nên khuyến khích trẻ vẽ, qua đó sẽ cho thấy được khá nhiều điều về bản thân của trẻ .

 

3/ Sở thích và năng khiếu

Một vấn đề nữa là trong lứa tuổi này, các em bắt đầu bộc lộ những sở thích hay năng khiếu một cách khá rõ ràng. Dĩ nhiên là cũng có những em không có một năng khiếu gì hết, và chúng ta cũng không nên lấy làm phiền là con mình trong nhóm này. Trước hết, chúng ta cần có sự phân biệt giữa sở thích và năng khiếu.

Khi nói về sở thích thì điều này có liên quan đến tính cách của trẻ, trẻ hướng ngoại có những sở thích khác với trẻ hướng nội. Sở thích cũng được bộc lộ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chuyện thích ăn ngọt hay ăn mặn cho đến thích những bộ quần áo sặc sỡ màu mè hay đơn giản, đơn sắc. Sở thích cũng bộc lộ ra trong các thú vui, thú giải trí hay các hoạt động nghệ thuật. Chính điều này đã khiến cho nhiều bậc cha mẹ nhầm lẫn sở thích với năng khiếu khi thấy con mình thích vẽ, thích ca hát hay thích nặn tượng thì lại cho rằng con mình có năng khiếu trong các lĩnh vực hội họa, ca nhạc hay điêu khắc, mà không biết rằng đó chỉ là những khuynh hướng chỉ xuất hiện trong một thời gian mà thôi.

Có những em rất thích vẽ trong độ tuổi 4, 5 tuổi nhưng khi lớn lên đến 8,9 tuổi thì lại không thích nữa mà lại chuyển qua thích ca hát ! Cũng có những em thích nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng không nổi bật hẳn ở một lĩnh vực nào. Trong khi đó, chúng ta biết là năng khiếu thường chỉ giới hạn trong một vài lĩnh vực và các em thường có xu hướng ưa thích đặc biệt và những kỹ năng nổi trội.

Vi thế khi thấy con em mình có xu thế thích vẽ hay các nghệ thuật tạo hình thì chúng ta nên tạo điều kiện và khuyến khích các em tham gia các lớp vẽ nhưng cũng không nên đặt nhiều kỳ vọng vào các em, là sau này sẽ trở thành một họa sĩ nổi tiếng !

Với các sở thích hay năng khiếu khác cũng thế, một mặt chúng ta sẽ tìm cách giúp cho các em phát triển năng khiếu, tham gia các hoạt động theo sở thích của mình. Mặt khác, cũng đừng nên tạo một áp lực lên các em khi buộc các em tham gia các cuộc thi tài năng !

Chúng ta nên biết rằng, tài năng là một phần năng khiếu và tám phần của sự cần cù và dĩ nhiên là có một phần may mắn trong đó nữa ! Vì thế, điều giúp các em phát triển tài năng của mình, chính là chúng ta cần giúp cho các em có được khả năng rèn luyện một cách tích cực năng khiếu của mình một cách hoàn toàn tự nguyện.

Với những em không có năng khiếu gì rõ rệt, chúng ta cũng nên tạo cơ hội cho các em tham gia một số các lớp kỹ năng, vì điều đó tuy không giúp các em phát triển về năng khiếu nhưng lại giúp các em có được những kỹ năng tốt sau này, như kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm.

 

4/ Cần quan tâm và tôn trọng chính bản thân các em

Như vậy, để giúp các em khám phá bản thân chúng ta nên có những biện pháp sau đây:

          Tìm hiểu về tính cách của các em để biết con mình thuộc nhóm nào

          Tìm hiểu khả năng học tập của các em để giúp các em phát triển đúng hướng

          Tìm hiểu sở thích và năng khiếu các em để tạo điều kiện thuận lợi định hướng cho việc học tập và nghề nghiệp sau này.

Với những em không có bộc lộ gì rõ ràng thì chúng ta cũng cần lưu ý, xem các em có thiên về khuynh hướng nào hay không. Vì nếu tính cách của các em mà nửa này nửa kia, thì cần hết sức cẩn thận trong cách ứng xử, quan hệ với các em vì nguy cơ gặp phải rối nhiễu tâm lý cao ở những em này. Còn với những em không có sở thích hay năng khiếu gì nổi bật, cũng nên giúp cho các em một số hoạt động học tập để có được những kỹ năng sống cơ bản.

Chúng ta tìm hiểu để biết rõ về con em mình và giúp cho các em phát triển những gì các em có, chứ không tìm hiểu để rồi áp đặt những gì chúng ta muốn lên trên các em. Chính vì không hiểu điều này, nên nhiều bậc cha mẹ đã tự định hướng cho con, rồi buộc con phải theo học những ngành nghề không phù hợp với tính cách, khuynh hướng, sở thích và cả năng khiếu của các em, khiến cho các em gặp không ít những khó khăn trong bước đường phát triển của mình và có khi sẽ khiến các em phải đối diện với những nguy cơ về tâm lý, trở thành một con người thụ động, bạc nhược hay có khi lại luôn luôn bất mãn với chính mình.

Lê Khanh

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý