Hai yếu tố quan trọng giúp con phát triển
31/10/2015Giáo dục Hòa Nhập bằng cái ..tâm ?
16/11/2015Người mẹ ở Hà Nội vừa quay được đoạn video con trai 3 tuổi của mình bị người giúp việc bóp miệng, lấy khăn dấp nước cho ho sặc sụa.
Video do một bà mẹ có tên Lan Anh ở Khâm Thiên, Hà Nội đăng tải hôm 9/10 đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dùng mạng, nhất là các ông bố, bà mẹ có con nhỏ. Trong vòng một ngày, có hơn 3.000 lượt chia sẻ video này.
Đoạn video dài gần 2 phút, ghi lại cảnh người giúp việc trong lúc tắm cho con trai chị Lan Anh đã dùng tay bóp chặt miệng bé, rồi dùng khăn ướt nhúng nước lấp vào miệng, mũi khiến cháu sặc sụa và khóc. Chia sẻ trên Facebook, người mẹ cho biết, chị mới thuê người giúp việc này hơn một tháng và gia đình không bao giờ để cô này một mình trông bé mà luôn có bà hay mẹ cùng ở nhà đỡ đần.
“Rất nhiều lần con tắm mà khóc to nhưng mọi người đi qua kiểm tra thì không thấy gì, chỉ nghĩ là con sợ gội đầu nên khóc. Nhưng nhiều lần rồi sinh nghi. Hôm qua phải đặt máy điện thoại quay xem sao thì bắt được cảnh này”, chị Lan Anh viết.
Việc giao con cho người giúp việc chăm sóc là chuyện gần như bắt buộc của nhiều gia đình trẻ hiện nay khi bố mẹ đều phải đi làm, ông bà nội ngoại lại không thể giúp. Tuy vậy, không ít người đến cơ quan vẫn lo nơm nớp không biết con mình ở nhà có được an toàn.
Nhà tâm lý Lê Khanh, phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Rồng Việt Vũng Tàu, cho biết, việc giao trẻ cho người giúp việc ngoài những hạn chế như có thể khiến con chậm về ngôn ngữ, giao tiếp (với bé dưới 3 tuổi), trẻ còn có nguy cơ bị bạo hành, nhẹ thì dọa nạt, phát đít… nặng hơn là chửi rủa hay đánh đập. Trừ khi có những dấu vết rõ ràng, còn thường thì khó phát hiện tình trạng này.
“Tuy nhiên, nếu bạn thấy con bình thường tỏ ra lanh lợi, vui vẻ khi bố mẹ về, nay lại không vui, có khi còn khóc lóc hay tỏ ra sợ sệt và bám mẹ nhiều hơn, thì hãy lưu ý đến các cảm xúc của bé. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy có sự bạo hành, chủ yếu là về tinh thần khi trẻ ở nhà với người giúp việc. Ngoài ra, vào buổi tối, trẻ có thể trở nên khó ngủ, ngủ hay giật mình, khóc trong giấc ngủ nhiều hơn bình thường”, ông nói.
Ông Khanh cho rằng, với các gia đình, tìm được một người giúp việc, trông trẻ có sự yêu thương, quan tâm đến con mình là một điều may mắn lớn bởi nhiều khi việc này mang tính “hên – xui” . Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất tình trạng người bạn thuê thiếu quan tâm, hay dễ có phản ứng tiêu cực với trẻ khi chăm sóc, nên lưu ý vài điểm như:
– Cần tìm hiểu kỹ về “quá trình công tác” của người giúp việc để biết họ từng trải qua kinh nghiệm trông trẻ hay chưa. Chúng ta không cần những người có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, vì có khi họ cũng có đủ kinh nghiệm để “bạo hành” trẻ mà vẫn che mắt được bố mẹ. Cũng nên hạn chế giao con cho những người chưa có một chút kinh nghiệm nào. Chọn người tỏ ra chịu khó tiếp thu ý kiến sẽ tốt hơn là người luôn chứng tỏ mình rất giỏi trong việc chăm sóc trẻ em.
– Nên lưu ý đến cách ứng xử: Những người tỏ ra quá sạch sẽ, quá chu đáo thì cũng sẽ sẵn sàng cho bé “vào khuôn khổ” nếu con quấy khóc, bày bừa. Ngược lại, thái độ tỏ ra kiên nhẫn và dễ bỏ qua những lỗi lầm nho nhỏ của trẻ sẽ là một ưu điểm.
– Cách ăn nói cũng cho thấy một người có đáng tin cậy hay không: Một người giúp việc nói quá nhiều hay lầm lỳ, thụ động, không hé răng ngoài những câu cần thiết sẽ không phải là sự chọn lựa khôn ngoan. Ngoài ra, nên chọn một người nói giọng rõ ràng, dễ nghe vì trẻ có thể học theo cách nói của người đó.
Cuối cùng, theo chuyên gia Lê Khanh, dù gì đi nữa, phụ huynh luôn phải có sự giao ước, đưa ra những yêu cầu ngắn gọn, đơn giản về việc chăm sóc bé. Bạn không quá đòi hỏi nhưng cũng đừng dễ dãi, đồng thời hướng dẫn cho người giúp việc biết những cách chăm sóc hiệu quả với con mình. Điều đó vừa giúp “tăng năng lực” cho họ, vừa giúp trẻ được phát triển đúng cách và an toàn hơn.
Có hai con và từng thuê qua 6 người giúp việc, chị Thanh Ngọc (Cầu Diễn, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm chọn người: Quan trọng nhất là nhìn cách họ tiếp xúc với con mình và phản ứng của trẻ với họ. Chị Ngọc cho rằng, thường trẻ em rất nhạy cảm và bé sẽ nhận biết được ngay một người có thực tâm hay không. “Như bé nhà mình, có bác giúp việc có vẻ lóng ngóng nhưng con tỏ ra thân thiện ngay từ đầu thì y như rằng bác yêu trẻ và thật thà. Trong khi người khác, cứ đụng tới là thằng bé ré lên, trốn bằng được là mình không dám thuê”, chị Ngọc kể.
Theo bà mẹ này, một điều nữa giúp hạn chế nguy cơ con bị người giúp việc đối xử không tốt là cố gắng chọn một người có mối quan hệ quen biết nào đó, để hiểu rõ tâm tính, hoàn cảnh của họ. Ngoài ra, dù bận rộn, bố mẹ cũng cố gắng không giao phó con hoàn toàn cho người ngoài, vẫn nên tận tay làm các việc chăm bé như cho ăn, tắm… và dành thời gian quan sát, chơi với con để nhận ra ngay những dấu hiệu bất thường, nếu có.
Vương Linh ( Vnexpress )