Trẻ lớp 1 toát mồ hôi vì vẽ chữ !
10/12/2011Vì sao trẻ em Việt Nam kém phát triển kỹ năng sống
10/12/2011Khi nền kinh tế phát triển theo xu hướng hội nhập thì sự yếu kém về kiến thức quản lý, về tài chính, kinh tế, luật, quản lý nhân sự… của các doanh nghiệp (DN), cá nhân mới lộ ra. Khi đó, họ phải “cầu cứu” đến các nhà tư vấn (TV).
Vì thế, nghề Tư vấn (TV) đang là một trong 10 nhóm nghề phát triển mạnh”.
Tư vấn viên: Đắt hàng
Luật sư Phạm Văn Song – Văn phòng luật sư Song Phương (Q.10) cho biết: một ngày ông tiếp khoảng bốn – năm khách hàng yêu cầu TV. Hàng tháng, ông TV thường xuyên (có hưởng lương) cho năm Doanh nghiệp (DN). Công việc cụ thể của ông là: TV luật pháp về lao động, xây dựng, dân sự; chịu trách nhiệm đọc, nghiên cứu hồ sơ, cho ý kiến TV đối với hợp đồng giao dịch dân sự, lao động, xây dựng, xem xét và ký nháy tất cả các văn bản, tài liệu, phục vụ cho hoạt động của DN… So với năm 2009, số DN thuê TV từ đầu năm đến nay đã tăng 30% – 40%. Nhiều lúc, ông phải từ chối vì không có thời gian.
Luật sư Song nhận xét: “Trước đây, khách hàng chủ yếu chỉ nhờ TV tranh tụng về dân sự, đất đai nhưng nay nhiều DN thường nhờ TV do vướng mắc về hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động, thuế, các giao dịch thương mại trong quá trình hoạt động kinh doanh, sản xuất; cần người đại diện pháp luật…”.
Không chỉ dịch vụ liên quan đến pháp luật mà từ lĩnh vực kinh doanh, ngân hàng, tài chính, thuế, đất đai… cho đến việc kết hôn, dạy dỗ con cái, tình yêu… khách hàng hiện cũng rất cần đến các nhà TV. Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (20 năm làm TV tâm lý) – Trưởng phòng Tư vấn tâm lý, Trường quản trị cuộc đời LIMA không thể nhớ mình đã TV cho bao nhiêu khách hàng có những rắc rối trong quan hệ cha mẹ – con cái, hôn nhân gia đình… Không chỉ ban ngày, buổi tối (từ 7g – 12g) ông còn TV qua tổng đài 1088 cho những khách hàng bị bế tắc trong tình yêu.
Ông Khanh quan niệm: “TV không phải là một nghề chỉ bảo giống kiểu thầy dạy trò, mà là người gợi mở, hướng dẫn thân chủ hiểu được các vấn đề họ đang gặp phải, sau đó cùng với thân chủ lựa chọn các giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề. So với những năm trước, người đến nhờ TV tăng nhiều và rất đa dạng.
Bạn muốn trở thành “quân sư”?
Nghề TV đem lại thu nhập khá (tùy theo lĩnh vực, vấn đề và mức độ nổi tiếng của nhà TV) khách hàng có thể trả từ 300.000đ – hàng triệu đồng/giờ. Nếu TV cố định thì thu nhập cũng phải từ 10 – 20 triệu đồng/tháng.
Thu nhập cao, tất nhiên nhà TV cũng sẽ gặp phải những rủi ro, áp lực… thậm chí bị kiện ra tòa. Một nhà TV kể: “Cách đây không lâu, một số tờ báo đưa tin về vụ Công ty TNHH trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (Lotte) đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với Văn phòng luật sư Phước và các cộng sự (P&P) để lo giấy phép hoạt động cho Lotte. Thời hạn tối đa để P&P xin được giấy phép là năm tháng rưỡi. Tuy nhiên, đến hạn P&P vẫn không xin được giấy phép cho Lotte như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Lotte buộc P&P hoàn lại tiền và khởi kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam”.
Không chỉ áp lực, nghề TV còn có mặt trái của nó. Ở Việt Nam, do tâm lý “ăn xổi” nên đa số các DN, cá nhân chỉ đến lúc “mất bò” mới lo “làm chuồng”. Vì vậy, bên cạnh những nhà TV giỏi, làm việc chân chính, có không ít trường hợp nhân danh TV để hành xử thiếu đạo đức… lợi dụng tâm lý bất ổn của các thân chủ để “đục nước béo cò”.
Chuyên viên Lê Khanh nói: “Với ngành kinh tế tài chính, nếu TV sai, DN có thể “tiêu”. Còn trong lĩnh vực tâm lý, nhiều khách hàng tìm đến nhà TV chỉ để tìm “đồng minh”. Ví dụ như khi bị chồng phản bội, khách hàng muốn nhà TV đưa ra biện pháp giữ chồng theo ý họ. Nhà TV biết sai, nhưng chiều lòng khách hàng, sợ mất mối, hoặc không đủ tầm để đưa ra giải pháp, thường đứng về phía thân chủ cho xong chuyện rồi nhận tiền. Tuy nhiên, nghề này sẽ tự đào thải nếu liên tiếp mắc sai lầm”.
Ông Lý Trường Chiến, chuyên viên TV cao cấp về tái cấu trúc và quản trị chiến lược, kiêm thành viên Hội đồng TV quốc tế về quản trị kinh doanh (ICMC) cho rằng: “Nhà TV không chỉ cần năng lực, được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu vấn đề mình TV mà còn cần phải có tâm, yêu nghề và muốn dùng năng lực của mình giúp cho các thân chủ vượt qua khó khăn”.
Ở Việt Nam hiện vẫn chưa có trường lớp nào đào tạo ngành TV. Những người làm TV hiện nay hầu hết là những người có nền tảng kiến thức trong lĩnh vực tài chính, tâm lý… nhưng không được đào tạo bài bản về chuyên ngành. Các nhà TV cũng chưa có sự gắn kết, trao đổi, tạo cầu nối với nhau. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, ngành giáo dục cần đầu tư đào tạo bài bản và có những định chế rõ ràng cho ngành này. Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần phải tỉnh táo, có kế hoạch, chiến lược trước khi quyết định đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, đừng để mọi sự đã rồi mới tìm đến TV để… gỡ ra. Lúc đó, nhà TV cũng chỉ giúp họ theo kiểu đối phó mà thôi.
(Nguồn: www.xaluan.com)