Dạy con tính tự giác
10/12/2011Một kiểu chăm con kỳ lạ
11/12/2011(VTC News) – Chỉ từ những hội kỳ quặc do chính học sinh lập ra mà nhiều em phải đến gặp bác sĩ tâm lý điều trị sau một thời gian là thành viên tích cực của hội.
Muốn “bệnh” cho hợp “mốt”
Hiện nay, ở nhiều trường THCS và THPT, HS tự lập ra những hội với cái tên kỳ quặc như: Hội trẻ em tự kỷ; Hội những người thiếu thốn vật chất, khao khát tình thương; hay Hội trẻ em thích bị ngược đãi… Trong số đó, có những hội tưởng chừng như vô hại, lập ra chỉ cho vui, nhưng thực tế lại khác.
Chị Thúy (quận 2, TP.HCM) phàn nàn không hiểu sao dạo này Quân (con trai chị, đang học lớp 8) thường hay tỏ ra u uất và cáu gắt. Thấy con càng ngày càng ít nói hơn, chị hoảng quá phải đem đến chuyên gia tâm lý. Hóa ra trên lớp Quân có một hội tự nhận là “Những người mắc bệnh trầm cảm kinh niên” và Quân là một thành viên tích cực. Ban đầu chỉ từ việc thi xem ai ít nói và tỏ ra ‘lờ đờ” nhất. Dần dần, những em không làm chủ được bản thân rơi vào trạng thái u uất thật như Quân
Hiện nay, không ít học trò nghĩ rằng phải mắc bệnh tự kỷ cho hợp “mốt” với bạn bè. Nhiều em tự nhận mình mắc bệnh này. Như Anh Tân (Trường THCS Bùi Thị Xuân) vô tư cho rằng: “Thấy bạn bè ai cũng bị tự kỷ hết nên em cũng phải bệnh theo, nếu không tụi nó nghỉ chơi em sao.” Dù rằng, Tân không hiểu bệnh tự kỷ là gì cũng như những biểu hiện của nó. Đơn giản chỉ là sự bắt chước lây lan từ bạn này sang bạn khác.
Bị “chẩn đoán” xấu còn tỏ ra nguy hiểm
Có nhiều trường hợp HS bị bạn bè “chẩn đoán” bị mắc bệnh và liệt vào hội này, hội nọ khiến họ gặp vấn đề về tâm lý khá nghiêm trọng. Như trường hợp của Lan (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân), trong lớp, Lan là người không xinh xắn nhưng có lực học khá và thường rất nghiêm túc khi làm bài kiểm tra. Một lần không chỉ bài cho bạn bên cạnh, Lan bị người bạn này cho ngay vào hội “Những người đã xấu còn tỏ ra nguy hiểm”. Những bạn khác không hiểu chuyện gì cũng hùa theo và tẩy chay Lan theo phong trào “thấy tụi nó nghỉ chơi thì mình cũng thôi luôn cho êm chuyện”.
Mặc cảm ngoại hình không xinh xắn cùng những lời xì xầm tẩy chay của hội “Bà tám” trong lớp khiến Lan ngày càng sống khép kín hơn. Đến lớp Lan không dám nói chuyện với ai, thậm chí không dám đưa tay phát biểu. Cô thu mình vào một góc lớp cho đến khi tan trường.Tương tự như Lan, Quang Bình, HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cũng bị bạn bè liệt kê vào hội này.
Thầy và trò chơi kéo co trong giờ ra chơi tại Trường THPT Nguyễn Du, Q.10.
Do có một thời gian cộng tác bán thời gian cho một tờ báo nên Bình quen biết được khá nhiều gương mặt hot girl, hot boy. Nhiều lúc “ở không”, rãnh rỗi, anh chàng này lại đưa lên Facebook những câu soi mói đời tư cá nhân theo kiểu như: “Hôm nay, hotboy M. đi vũ trường với đạo diễn N. nè! Mình đoán ngay từ đầu 2 ông đó là 1 cặp”, hay “Óa, MC T. bị bóng”…
Bình dần dần bị bạn bè tẩy chay vì lời lẽ thô tục và xuyên tạc sự thật. Và Bình được xếp vào thành viên “quan trọng” của hội.Tính tình vốn tự tin và vô tư, Bình không để ý lắm đến thái độ và hành động hắt hủi của bạn bè.
Cảm xúc giả thành bệnh thật
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh việc nhiều học sinh thích mắc bệnh trầm cảm theo phong trào là do hiệu ứng đám đông. Hiện tượng thường rơi vào những em kém khả năng tự chủ và khá nguy hiểm vì có thể biến giả thành thật. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng cũng như quá trình biểu hiện của từng em không giống nhau.
Trường hợp những em được sống trong những gia đình mà các thành viên có quan hệ ứng xử với nhau một cách tích cực và tốt đẹp thì hiện tượng này đối với các em là một trò chơi mà các em có khả năng điều khiển được hành vi của mình.
Nhưng với những em đang gặp vấn đề về các mối quan hệ trong gia đình, và khả năng tự chủ kém thì việc giả bị trầm cảm có thể trở thành một tình trạng bị stress thật. Hay những em đang có nguy cơ bị trầm cảm thì đây là một yếu tố thuận lợi góp phần làm cho tình trạng này trở nên nặng nề hơn.
Khi phụ huynh bắt gặp những biểu hiện ở trẻ như ít nói, ít cười, u uất… nên để ý xem trẻ đang bắt chước bạn bè hay có triệu chứng trầm cảm thật để có những biện pháp can thiệp kịp thời cũng như xem lại mối quan hệ trong gia đình có gây ảnh hưởng không tốt lên trẻ hay không.Riêng với trường hợp trẻ trầm cảm, tự ti khi bị bạn bè xa lánh, nguyên nhân xuất phát từ việc trẻ thiếu kỹ năng sống và không có sự quý trọng giá trị bản thân.Vì thế có nhiều em khi bị bạn bè cho là xấu xí, dữ dằn… mặc dù không có, nhưng em đó vẫn bị tác động để nghĩ là có rồi tự cô lập mình.
Ai cũng muốn được sự quan tâm của những người xung quanh mình, vì thế ngoài việc lưu ý đến kiến thức của con em, các bậc phụ huynh nên có sự quan tâm đến những nhu cầu tâm lý của trẻ để có những tác động tích cực và hợp lý, giúp các em nhận ra đâu là cách tốt nhất để có thể nhận được sự tôn trọng và quan tâm của những người xung quanh.
Uyên Minh ( www.vtc.vn )