Phát triển Tư duy Tích cực
19/07/2014Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ em
27/07/2014Một hôm, Đức Phật cùng với một số đệ tử đi đến bờ một con sông. Có một đạo sĩ tu luyện lâu năm bên cạnh giòng sông khi thấy Đức Phật đến bèn đến chào và hỏi thăm :
– Thưa ngài, chắc là trong quãng đời tu hành của ngài đã gặp rất nhiều thử thách ?
– Vâng, thưa đạo sĩ, đúng vậy.
– Ngài có thấy con sông trước mắt là một thử thách ?
– Đúng, là một thử thách cho bản thân chúng ta !
– Thưa ngài, tôi đã phải bỏ ra 30 năm tu luyện để có thể đi từ bờ bên này đến bờ bên kia con sông !
Đức Phật mỉm cười :
– Quả là một công phu ! Bần tăng thì không tu luyện được như ngài nhưng vẫn có thể qua sông với một đồng tiền !
Qua câu chuyện này, chúng ta rút ra được bài học gì ?
Cuộc đời có rất nhiều thử thách, có thử thách phải dùng đến sức lực , và điều này thì hầu hết mọi sinh vật đều đã sử dụng.
Nhưng cũng có rất nhiều thử thách chỉ cần dùng đến trí thông minh để khắc phục, và điều này chỉ có con người mới thể vận dụng được một cách tinh tế và sự khắc phục lớn lao nhất là biết vượt qua được những ham muốn, những nhu cầu tầm thường của bản thân mình.
Chúng ta nên biết rằng :
Trên hành tinh chúng ta có hàng chục ngàn loài sinh vật khác nhau, và nếu xét về cấu tạo cơ thể thì loài người chỉ là một chi trong bộ Linh trưởng, là những sinh vật có cột sống, đứng trên 2 chân, có vú với hơn 180 loài khác nhau. Nhưng điều gì khiến con người trở thành một sinh vật cao cấp, khác hẳn với những con khỉ, hay đười ươi ?
Vì nếu xét về mặt sức mạnh, sự nhanh nhẹn và khả năng sinh tồn thì hẳn là chúng ta thua xa các con vật nói trên.
Nếu nói về kỹ năng tiếp thu cái mới thì bộ linh trưởng cũng là những sinh vật thông minh nhất, nhưng điều gì phân biệt giữa sự thông minh của con người và trí thông minh của một chú Hắc tinh tinh ?
Đó chính là những giá trị về tinh thần và trí thông minh mà chỉ có con người mới có. Các ý thức về bản thần, ý thức về cộng đồng đã tạo cho con người có :
– Nhân vị hay nhân phẩm: Đó là những giá trị sống mà bất cứ ai cũng có, không ai đứng trên ai, không ai có một giá trị cao hơn người khác, kể cả bố mẹ với con cái. Người ta có thể dùng sức mạnh của quyền lực, của tài sản hay các luật lệ để buộc những kẻ khác phải thần phục, phải chấp nhận hy sinh cho mình, nhưng đó chỉ là sự áp đặt chứ không phải ý thức tự nguyện.
– Nhân Cách: Đó là cách ứng xử, phản ứng của một cá nhân với những tác động đến với mình, chính những cách ứng xử này tạo ra cho bản thân một ý thức về nhân vị. Nếu chúng ta để cho lòng ham muốn hay sự sợ hãi chiếm hữu thì chúng ta sẽ trở nên lệ thuộc vào những sức mạnh đến từ bên ngoài. Từ đó, chúng ta tự đánh mất đi giá trị của chính mình.
Như vậy Giá trị bản thân là những phẩm chất sẵn có nơi con người, nó khiển cho con người có lòng tự trọng, sự tự tin vào bản thân và bảo vệ họ trước những tác động của môi trường sống chung quanh họ.
Nhưng phải chăng, các giá trị sống đó đã sẵn có trong chúng ta ? và chúng ta chỉ cần nhận biết ?
Thực ra, đó là điều chúng ta được quyền có, và phải được công nhận. Thế nhưng, không thể có bất cứ một thứ gì từ trên trời rơi xuống một cách tự nhiên ! Ngay cả trời mưa !
Muốn có mưa phải có hơi nước từ dưới đất bốc lên , tụ thành mây, và phải có một số điều kiện nào đó mới trở thành mưa rơi xuống.
Chính các điều kiện cần và đủ đó là những thử thách , và cũng chỉ có con người mới có đủ tư duy và năng lực để vượt qua những thử thách của thiên nhiên và của những người xung quanh.
Thế nào là thử thách ?
Thử thách có phải là uống 1 ly nước ? Chắc là không !
Nhưng thử thách có phải là uống 10 ly nước ? A – một thử thách về số lượng !
Nhưng nếu uống 10 ly nước trong 10 tiếng đồng hồ ? Dư sức luôn !
Phải uống 10 ly nước trong 10 phút, thậm chí là 5 phút mới có thể gọi là thử thách !
Như vậy ta đã có 1 định nghĩa về thử thách
Đó là thực hiện một hoạt động đòi hỏi một nỗ lực cao với những điều kiện khó khăn hơn bình thường.
Chúng ta vừa trải qua một hoạt động thể thao đầy thử thách – đó là gì ?
Chính là World Cup – Một thử thách không chỉ với 1 người mà với cả một tập thể ! Kết quả là có những niềm vui bùng nổ bên cạnh những nỗi đau cũng vỡ òa ! Nhưng chính vì vậy, thử thách mới có những giá trị, giá trị thay đổi nhân cách và kỹ năng của một con người.
Có bao nhiêu loại thử thách
Có rất nhiều hình thức thử thách khác nhau, nhưng tựu trung có thể chia làm 2 nhóm chính :
Các thử thách về vật chất :
Các thử thách về sức mạnh cơ bắp, về năng lực chịu đựng cơ học ( nóng lạnh, đói, khát … ) Cách thử thách về kỹ năng khéo léo, về sự nhanh nhẹn, về tinh mắt, thính tai …
Đỉnh cao của các loại thử thách này là các cuộc thi thể thao với nguyên tắc : Cao hơn, nhanh hơn, xa hơn .
Các thử thách về tinh thần :
Khả năng chịu đựng sự đau khổ, lo lắng, những thách thức về trí khôn, về sự mất mát chia ly, về những hoàn cảnh nghiệt ngã … Những thử thách này hầu như không có các chuẩn mực, có thể chỉ là những nỗi buồn vì không được ..đi chơi cho đến những thảm họa đến một cách thình lình.
Các năng lực cần có của một con người :
Chúng ta đã biết, trước đây người ta đánh giá cao trí thông minh. Câu chuyện dân gian Việt Nam nói về trí thông minh của một người nông dân, đã khéo léo chiến thắng được cả sức mạnh của một con cọp, vài đó hầu hết các gương thành công trước đây là dựa trên năng lực thông minh. Người thông minh có thể đạt được những điều tốt nhất trong cuộc sống.
Thế nhưng, ngày nay, trí thông minh không còn chiếm vị trí độc tôn, mà bên cạnh đó, điều đem lại thành công cho con người còn là khả năng kiểm soát cảm xúc. Người ta gọi đó là Trí tuệ cảm xúc. Nhưng liệu một người có trí thông minh cao , hay chỉ số IQ cao ( như các nhà thông thái, bác học …) và có trí tuệ cảm xúc cũng cao ( Chỉ số EQ cao ) liệu đã có thể thành công trong cuộc sống hay chưa.
Họ có thể thành công nếu họ không gặp những thử thách trong cuộc sống ! Đã không thiếu những người thông minh, có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt.. nhưng lại gặp quá nhiều thử thách trong cuộc sống, hay đúng hơn là không có khả năng chịu đựng và kiên trì để vượt qua thử thách. Và vì thế, người ta lại đưa ra một tiêu chuẩn nữa là Khả năng vượt khó ( AQ ) mà thậm chí , với khả năng vượt khó tốt, cho dù trí thông minh vừa phải, khả năng kiểm soát cảm xúc vừa phải vẫn có thể đem lại thành công cho một người có một năng lực quan trọng : đó là sự nhẫn nại, kiên trì.
Chúng ta có câu : Cần cù bù thông minh ! hay hợp thời hơn : Đẹp trai không bằng chai mặt !
Thế nhưng, cần cù không có nghĩa là bỏ ra 30 năm tu luyện để có kỹ năng vượt sông, mà để làm được điều đó, chỉ cần 10 đồng để qua đò !
Đẹp trai không bằng chai mặt cũng không phải là một sự đeo bám một cách lỳ lợm, vô duyên ! mà đó là sự nhẫn nại một cách khôn ngoan và tinh tế .
Như thế, khả năng Vượt khó là một năng lực có thể rèn luyện, và đó là một điều sẽ giúp ta có thể vượt qua những khó khăn một cách khôn ngoan !
Làm thế nào để tập luyện được khả năng vượt khó ?
Điều gì đã tạo nên chiến thẳng cho đội tuyển Đức ?
Phải chăng là những tài năng bóng đá ? hay một chiến thuật khôn ngoan của huấn luyện viên ? Điều đó cũng có phần đúng. Nhưng sự thành công đó là kết quả của một sự chuẩn bị kỹ lưỡng dành cho những cầu thủ trẻ, đó là sự nỗ lực hết mình của từng cá nhân trong một đội. Cộng với một chút may mắn và họ đã làm nên điều kỳ diệu !
Trong cuộc sống chúng ta, điều gì đem lại sự thành công trong học tập ? Phải chăng là nhờ khả năng học tủ, rồi may mắn trúng đề ? Hay là một quá trình rèn luyện từng bước một ? và quá trình đó được định hướng bằng những phương pháp học tập khoa học .
Trước hết, khi bắt tay vào một hoạt động chúng ta phải luôn nhớ đến một nguyên tắc không thể thiếu : Đó là phải trả lời được câu hỏi : 5 W + H ! Chỉ khi nào chúng ta có được sự hiểu rõ về vấn đề :
Đây là cái gì ? điều gì ? ( What )
Điều này xảy ra như thế nào ( Where )
Tại sao lại xảy ra, hay tại sao phải làm điều này ( Why )
Điều này sẽ được làm khi nào, vào lúc nào ? ( When ? )
Cuối cùng, ai sẽ làm, hay ta sẽ làm với ai ( How )
Với các nguyên lý trên , chúng ta sẽ không mất thời gian, công sức vào những điều vô bổ, không đánh để phải có những nỗ lực.
Thế nhưng liệu khi đã có những câu trả lời đầy đủ cho một vấn đề cần thực hiện như trên, chúng ta còn cần điều gì nữa để vượt qua thử thách. ?
Đó chính là Bản thân của chúng ta !
Như vậy khả năng vượt khó với những thách thức bên ngoài chỉ là những khó khăn không quá khó để vượt qua, cái khó lớn lao nhất chính là khả năng chiến thắng bản thân.
Như thế, khả năng vượt qua thử thách rõ ràng không phải là hên xui, không phải là sự liều mạng và cũng không phải là một sự cần cù một cách thiếu khôn ngoan. Mà đó phải là những hoạt động có định hướng, có kế hoạch, được thực hiện một cách bài bản với những phương pháp có tính khoa học và điều đó chắc chắn sẽ đem lại thành công cho mỗi người chúng ta.
Cv.Tl Lê Khanh
Trung tâm TVTL-DTKN RỒNG VIỆT VŨNG TÀU