Danh mục: Giáo Dục

  • CAN THIỆP TRẺ ĐẶC BIỆT – DẠY TRẺ HAY HỌC TỪ TRẺ ?

    CAN THIỆP TRẺ ĐẶC BIỆT – DẠY TRẺ HAY HỌC TỪ TRẺ ?

    Từ trước tới giờ – ai cũng nghĩ trẻ đặc biệt cũng có thể dạy như trẻ bình thường , vấn đề chỉ là cách dạy và kỹ thuật, phương pháp khác nhau . Người ta gọi đó là Giáo dục đặc biệt .  Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ các nguyên lý để dạy trẻ , mà các nhà khoa học sư phạm và tâm lý đã đề ra , thì nguyên lý đầu tiên của hầu hết các kỹ thuật đó là NƯƠNG THEO TRẺ – hay nói một cách văn vẻ là để trẻ DẪN LỐI !

    Điều này, thực ra ngay cả với  nguyên lý Giáo dục bình thường là lấy trẻ làm trọng tâm thì cũng không có gì khác biệt – Nhưng tiếc thay, với giáo dục bình thường, người ta khồng hề lấy trẻ làm trong tâm, và vì thế theo quan điểm giáo dục này, khi vận dụng những kỹ thuật của giáo dục đặc biệt , người ta cũng không hề nương theo trẻ , mà chủ yếu là dẫn dụ thậm chí là ép buộc trẻ phải đi theo mình !

    Hãy cứ nhìn vào hình minh họa của các buổi can thiệp 1 – 1 của GV  với trẻ đặc biệt thì ta thấy gì ? Trẻ và cô ngồi đối diện với nhau, và cô dùng hết khả năng ( thực ra là chỉ 1 phần ) của mình để dẫn dụ, để bó buộc trẻ phải nhìn vào mình, phải làm theo mình và phải nói theo mình !  Đã có bao nhiêu giáo viên có thể Làm theo trẻ, nói theo trẻ và nương theo các hoạt động của trẻ để hòa mình với trẻ, để làm bạn với trẻ ?  Không đơn giản đâu !

    Có rất nhiều chương trình, phương pháp, kỹ thuật được các chuyên gia tổ chức để huấn luyện cho bố mẹ, cho giáo viên những kỹ thuật tập cho trẻ về ngôn ngữ, uốn nắn hay dập tắt hành vi tiêu cực…nhưng để thu hút được trẻ, thì thường các phụ huynh gặp thất bại ở điểm này – đó là không đủ kiên nhẫn để nương theo trẻ để giúp trẻ ổn định và phát triển.

    Như vậy, có thể hiểu cái ý nghĩa của việc nương theo trẻ chính là học theo cách của trẻ – Một đứa trẻ lăng xăng không ngớt, có rất nhiều hành vi không giống ai, hầu như không nói được từ nào, hay có chăng chỉ là những âm vô nghĩa … điều đó cho thấy trẻ RẤT ĐỘNG –  Thế rồi, chúng ta làm gì ? Chúng ta tìm đủ mọi cách lôi kéo, thu hút sự chú ý của trẻ , từ cử chỉ đến lời nói, dùng đủ các công cụ đưa ra  trước mắt trẻ…. Nghĩa là chúng cũng RẤT ĐỘNG – có khi còn động hơn cả trẻ !  Như vậy, chúng ta đã lấy ĐỘNG để chế ĐỘNG, chứ không lấy TĨNH để chế ĐỘNG !  Động chế động thì chỉ làm leo thang sự xung động ! Tương tự như hai người cãi nhau, người này tìm cách nói to để át người kia ! Ban đầu cả hai đêu nói giọng bình thường – nhưng ngày càng TO TIẾNG, để trấn áp , nhưng thay vì làm cho cuộc cãi nhau đi đến chỗ hòa giải, sẽ làm cho cuộc cãi nhau đi đến chỗ bùng nổ  hay bế tắc.

    Tôi dạy trẻ chứ có cãi nhau với trẻ đâu ? dĩ nhiên, nhưng tôi đang làm gì với trẻ vậy – tác động và can thiệp ? Đúng rồi – để làm gì ? Để buộc trẻ phải làm theo tôi ! vậy có giống với trấn áp, buộc kẻ đối diện phải thuận theo ý mình không ?  Tôi dạy cho trẻ cái đúng, chứ đâu dạy cho trẻ cái sai ? Đúng rồi, và trong cuộc cãi nhau thì ai cũng thấy là MÌNH ĐÚNG ! và phải làm mọi cách cho đối phương phải chấp nhận cái đúng của mình ! Giống không ?

    Như vậy, chúng ta sẽ chọn cách CÃI NHAU với trẻ hay ĐỐI THOẠI với trẻ ? Dĩ nhiên là tôi chọn cái thứ hai – vậy nguyên lý đầu tiên của đối thoại là gì ? có phải là NÓI CHO TRẺ NGHE hay phải biết LẮNG NGHE TRẺ NÓI ?  Ủa, mà nó có NÓI GÌ ĐÂU, quậy như tinh chứ nói năng gì ?  vậy là phải HỌC CÁCH LẮNG NGHE TRẺ rồi !  Không chỉ phải học cách lắng nghe tiếng nói hay đúng hơn là thông điệp từ trẻ, mà ta con phải học cách HÒA MÌNH với trẻ – học cách GỬI CÁC THÔNG ĐIỆP đến với trẻ theo cách mà trẻ có thể chấp nhận – mà muốn cho trẻ nghe được thì phải tìm ra được  tần số âm thanh và sự rung động của trẻ.

    Ai đã từng dò đài bắt sóng, đi tìm những tần số phù hợp để có thể tìm ra những âm thanh từ những cái Radio thì sẽ hiểu nghĩa chữ đi dò tần số –  Phải tập trung, phải nhẫn nại, phải dò dẫm từng chút một – nếu dò đúng, thì sẽ nghe được các âm thanh rõ rang trong trẻo, nếu dò chưa đúng thì chỉ có thể nghe được những tiếng rè rè hay những âm thanh , tiếng nói không rõ rang ….

    Trong phương pháp trị liệu tâm lý THÂN CHỦ TRỌNG TÂM của Card Roger – chìa khóa của nó là LẮNG NGHE – THẤU CẢM và TÔN TRỌNG ! Trong nguyên lý của phương pháp TÂM VẬN ĐỘNG của Benard Aucoutourien cũng là phải để cho trẻ tự do bộc lộ qua vận động – đó cũng là lắng nghe và tôn trọng ! Trong phương pháp giáo dục nổi tiếng của Montessori cũng là tôn trọng và chấp nhận sự hoạt động của trẻ !    Và ngay cả một kỹ thuật trị liệu cho trẻ tự kỷ là Son Rise cũng là đi theo hành vi của trẻ !

    Vậy thì chúng ta sẽ học được ở trẻ điều gì ?  Điều đầu tiên là học được cách quản lý cảm xúc ! Hẳn là không ít bậc bố mẹ đã phải phát khùng lên vì đứa con lăng xăng như một con rối của mình !  Không những không được hay không thể khùng lên vì trẻ, mà còn phải giữ cho được cái TÂM tĩnh tại, không chỉ tĩnh tại, mà còn phải có sự thú vị và vui vẻ ! Chúng ta đến với trẻ  bằng sự lo lắng, căng thẳng thì làm sao giúp trẻ thoải mái và bình ổn !    Điều thứ hai là học cách LẮNG NGHE – không phải nghe bằng hai tai, mà bằng trái tim và sự cảm nhận ! Hãy xem xét các hành vi, thái độ , phản ứng của trẻ ..để nghĩ xem trẻ muốn NÓI GÌ ? hay trẻ muốn LÀM GÌ ?  đâu là ý nghĩa đích thực của những hành vi tưởng như là vô nghĩa đó ! Sự kết  nối giữa chúng ta với trẻ không phải là sự kết nối từ cái miệng đến cái tai, mà là sự kết nối từ hành vi đến tâm thức ! hãy lắng nghe trẻ bằng trái tim !

    Điều thứ ba là học được cách TÔN TRONG – vì chính sự tôn trọng mới là cội nguồn của sự TÌNH YÊU – chúng ta thường nói là phải yêu thương và thấu hiểu trẻ tự kỷ – nhưng thực chất là chúng ta đang THƯƠNG HẠI và SOI MÓI thì đúng hơn . Chúng ta thường nói : Tội nghiệp các em quá, thấy thương các em quá, chúng ta thương hại các em vì các em không giống chúng ta, không cùng ngôn ngữ không cùng hành vi, không biết lễ phép, ngoai ngoãn, nghe lời bố mẹ, thầy cô ! và chúng ta ra sức RÈN LUYỆN cho các em – Ép các em vào cái KHUÔN PHÉP – của sự vâng lời – nói sao làm vậy, hỏi phải trả lời , phải biết đọc biết viết, biết tính toán – Nói 1 lần không nghe thì nói 300 lần cũng phải nghe !

    Chúng ta can thiệp cho trẻ, nhưng thực ra là chúng ta đang can thiệp vào CÁI TÂM NÁO ĐỘNG của chính mình  – chúng ta dạy trẻ sự băt chước – sự vâng lời – cách nói năng – chuyện học tập và gọi đó là Giáo dục hòa nhập , nhưng thực ra chúng ta đang học ở trẻ rất nhiều giá trị sống và nguyên tắc sống cần thiết : Sự TĨNH TẠI – sự  THẤU HIỂU và TÔN TRỌNG – Điều này sẽ giúp cho  chúng ta sự HIỂU BIẾT và giúp cho đứa trẻ sự BÌNH AN !

    LÊ KHANH   ( Bài học rút ra sau một buổi chơi với trẻ )

  • TRÁNH VỎ DƯA LẠI GẶP VỎ DỪA

    TRÁNH VỎ DƯA LẠI GẶP VỎ DỪA

    Hiện nay, trong “thị trường kinh doanh “ ngành hàng Giáo dục đặc biệt và điều trị các “chứng bệnh” như tự kỷ chậm nói, tăng động a,b,c,d … ta thường thấy xuất hiện các Chiên da chữa lành và phục hồi , quảng cáo rùm beng các khóa học miễn phí lúc đầu, mất tiền lúc sau . Dĩ nhiều điều này làm cho nhiều Chuyên gia và cả các giáo viên đặc biệt có tránh nhiệm và lương tâm phải lên tiếng, để cảnh báo nhắc nhở phụ huynh nên thận trọng với các chiêu trò này. Thưc ra thì các chiêu trò này cũng không nhiều và phần lớn, chỉ có tác dụng trong một thời gian, hay ở địa phương nào đó. Việc bóc mẽ các chiên da này không khó . Thậm chí có người còn cẩn thận cho thấy sự khác biệt giữa Chiên da và chuyên gia . Điều đó giúp cho phụ huynh có cái nhìn rõ hơn, nếu phụ huynh tỉnh táo một chút , có hiểu biết một chút thì cũng không khó để tránh cái đống vỏ dưa này .
    Dĩ nhiên là các chiêu trò này cũng qua mặt được một số phụ huynh quá lo lắng về tình trạng của con em mình, cứ nuôi hy vọng mong manh, biết đâu may thầy – phước chủ “ , phương pháp abc gì đó, biết đâu lại có tác dụng với con mình thì sao , và dĩ nhiên là những thủ thuật thao túng tâm lý của các chiên da này không phải trò đùa đâu – có trình độ lắm đó ! Họ thường dựa vào các nguyên lý hay tiền đề đúng, và đánh đúng vào nhu cầu của phụ huynh, để rồi dẫn dắt hay đưa ra các kết luận …sai và họ sẽ dùng khả năng ngụy biện, để biện hộ cho điều đó.
    Thế nhưng, liệu những trò chữa lành – phục hồi của họ có đáng sợ hơn những biện pháp tác động kém hiệu quả hay không hiệu quả tại một số trung tâm được quảng cáo là Uy tín, chất lượng, Thế nhưng, sau nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm theo học – Những hiệu quả đem lại cho đứa trẻ rất ít so với công sức, thời gian và tiền bạc đã bỏ ra cho bé ! tuy không có gì lừa gạt, thổi phồng hay khoác lác ở đây, nhưng hiệu quả lại rất thấp hay chỉ có tác dụng là giữ trẻ với giá cao ( so với việc giữ trẻ thuần túy ). Như vậy, dù không hề lừa gạt nhưng phụ huynh vẫn mất tiền, và quan trọng hơn nữa là mất cả thời gian – mà thời gian với những trẻ đặc biệt này có khi còn quan trọng hơn là tiền bạc. Vì tiền mất thì có thể tìm lại được , nhưng thời gian đã qua đi thì không thể lấy lại được !
    Phụ huynh có nghe các Chiên da lừa gạt, thì có thể chỉ mất một thời gian ngắn là thấy ra vấn đề và rút con khỏi các cơn mê phục hồi, chữa lành đó thôi ! Nhưng khi phụ huynh cho con theo học ở những trung tâm can thiệp không hiệu quả, hay đánh giá chẩn đoán không chính xác về tình trạng của con, và có những biện pháp can thiệp không phù hợp với các giáo viên vừa yếu vừa thiếu chuyên môn, thì hậu quả có khi phải mất ít nhất là 6 tháng cho đến 1 năm mới nghiệm ra – Có trường hợp cho con theo học đến 3 năm , mà không thể đánh giá nổi là con học được đến đâu, còn thiếu cái gì, cần cái gì và có thể làm được cái gì ! .
    Ngoài những trung tâm đã có bề dày kinh nghiệm hay được chăm chút đầu tư, từ cơ sở đến chuyên môn thì cũng có những trường hợp tuy không tệ, có thể đạt được một số kết quả nhất định , trẻ từ không nói, bập bõm nói được, từ không biết gì đến làm được vài thứ – Nhưng nhà trường lại không xác định được đâu là những kỹ năng thiết yếu mà trẻ cần phải có, đâu là mục tiêu định hướng sau này cho con – Để rồi PH cứ đinh ninh là con mình đã gần được như trẻ bình thường, rồi sau đó vội vã cho con đi học hòa nhập ở các trường bình thường , Thế rồi sau vài năm gửi con “thả nổi và bơi tự do ở các trường đó , sắm vai một em bé tiểu học, cũng đồng phục, sách vở, cặp bút như ai – Nhưng lại không hòa mà cũng chẳng nhập nổi với môi trường giáo dục bình thường được. Để rồi sẽ đến một thời điểm nào đó, nhà trường không thể làm ngơ nữa, hay trẻ không thể thích nghi được với môi trường giáo dục được nữa – Phụ huynh đành cho con về nhà , để lại tiếp tục tìm kiếm một phương pháp, một đơn vị nào đó phù hợp với con hơn , hay quá nản chí mà bỏ mặc đứa trẻ . Vấn đề khó khăn nhất là trẻ đã lớn, 7 – 8 tuổi, thậm chí 12 – 15 tuổi rồi , mà khả năng vẫn là đứa trẻ 5 – 6 tuổi ! Ngoài ra, ở độ tuổi này mà đi tìm một ngôi trường Giáo dục đặc biệt phù hợp cũng không phải là dễ !
    Chúng ta hiểu rằng, việc can thiệp cho một đứa trẻ đặc biệt không phải chỉ cần người giáo viên có tâm, hay có các chuyên gia có tầm là đủ , mà con phải là một môi trường giáo dục phù hợp – Mở một lớp Mẫu giáo bình thường cũng phải có phòng học, có sân chơi, có học cụ phù hợp, có chương trình giáo án đầy đủ – Mở một ngôi trường MG còn khó hơn, nào là tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, giáo viên phải đạt chuẩn tốt nghiệp sư phạm .v.v. … Ấy thế mà để mở một cơ sở gọi là trung tâm can thiệp Giáo dục đặc biệt – thì chỉ cần một căn nhà phố, không cần sân chơi và cũng chỉ cần có một số công cụ, đồ chơi được gắn mác là Đồ chơi tự kỷ hay đồ chơi tâm vận động là đủ ! Rồi giáo viên thì quy tụ từ nhiều nguồn khác nhau – miễn là được tập huấn vài tháng là xong ! Đó mới chí là xét về môi trường, còn nếu xét về phương pháp và kế hoạch can thiệp cá nhân thì còn có nhiều cái hay nữa , mà cái hay nhất là gần như không có các yếu tố cơ bản này! Điều kiện cần và đủ là khả năng thuyết phục được phụ huynh thôi.
    Có nhiều trẻ sau một thời gian can thiệp ở một trung tâm nào đó, nếu hỏi PH là bé được đánh giá có tình trạng gì, ở mức độ nào thì phụ huynh cũng ngơ ngác – vì nhà trường không làm điều đó , chỉ cần là trẻ chậm nói, tăng động, tự kỷ, chậm phát triển là nhận vào,không phân biệt mức độ nặng nhẹ làm gì cho nó mệt, vì đằng nào thì cũng là một biện pháp tác động, can thiệp như nhau mà ! Còn chuyện chẩn đoán sai hay chẩn đoán hù dọa là chuyện…bình thường !
    Vậy thì làm sao để phụ huynh tránh được một đống vỏ dưa ở các chiên da chém gió và lừa bịp, để rồ vẫn phải gặp một đống vỏ dừa ở các lớp, các trường, các trung tâm, các viện nghiên cứu thiếu năng lực, và với những điều kiện hạn chế từ cơ sở vật chất đến nhân sự. Vấn đề ở đây cũng đòi hỏi sự tỉnh táo và hiểu biết của phụ huynh. Các điều kiện cơ bản nhất là phải có khả năng đánh giá, xác định đúng tình trạng của trẻ , có kế hoạch can thiệp cá nhân và giới thiệu được các phương pháp áp dụng . Về cơ sở vật chất cũng cần có những yếu tố tối thiểu như sân chơi, phòngvận động, phòng can thiệp cá nhân, hoạt động nhóm – phòng ăn và ngủ và những yếu tố an toàn ( đừng mong đợi ở cái camera theo dõi ) . Đừng nên nghĩ rằng “ Có còn hơn không” có chỗ gửi con là mừng rồi còn đòi hỏi gì nữa ! Thế nhưng sau một thời gian thì lại phải âm thầm mang con đi vái tứ phương, để rồi có khi lại gặp một chiên da giỏi thao túng tâm lý nào đó thì tiếp tục đi vào con đường luẩn quẩn ! Giữa cái hại ngắn hạn làm mất một khoản tiền , với cái hại vừa mất một thời gian , dài, vừa mất tiền bạc, công sức mà vẫn không cải thiện được tình trạng của con và xác định được mục tiêu cho gia đình và cho đứa trẻ thì cái nào đáng sợ hơn .
    LÊ KHANH
  • MỤC TIÊU CỦA GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT

    MỤC TIÊU CỦA GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT

    Giáo dục Đặc Biệt là một hoạt động được tổ chức cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt trong các trung tâm được mở ra ngày càng nhiều để đáp ứng cho các gia đình của trẻ .  Hệ thống giáo dục này nhắm đến các mục tiêu giúp cho trẻ đặc biệt cải thiện được tình trạng của mình, có được khả năng về ngôn ngữ, cải thiện về hành vi và có những nhận thức phù hợp với lứa tuổi, để có thể tham gia vào môi trường bình thường dưới hình thức Giáo dục hòa nhập ở cấp độ Mẫu Giáo và Tiểu học.  Tuy nhiên trẻ Đặc biệt không chỉ yếu kém về năng lực học tập mà ngay cả các kỹ năng sống thiết yếu cũng có rất nhiều hạn chế.  Vì thế, ngoài việc học tập thì giáo dục đặc biệt còn phải có mục tiêu giúp các em phát triển được năng lực tự phục vụ bản thân và góp phần phục vụ người khác, trong phạm vi năng lực của mình.

    Hiện nay, đa phần các trung tâm chỉ đặt ra một mục tiêu đơn giản là Can thiệp sớm và phục hồi ngôn ngữ, cải thiện hành vi cho các em trong một thời gian ngắn , rồi sau đó là chuyển các em đã có những tiến bộ nhất định sang các môi trường bình thường và xem như là hoàn tất sứ mệnh . Nhưng thực ra, hệ thống Giáo dục Đặc Biệt cần phải có những mục tiêu ngắn và dài hạn để có thể hỗ trợ cho các em, kề cả khi các em đã trưởng thành với nhiều hình thức tổ chức khác nhau .  Vì thế chúng ta cần phải có 3 tầm nhìn về mục tiêu như sau/

     MỤC TIÊU THIẾT YẾU :

    1. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG : Các em cần đươc áp dụng một số kỹ thuật và phương pháp để cải thiện về 3 phương diện : .  :
    • Ngôn ngữ : Nghe hiểu, nhận biết và đáp ứng phản hồi tùy theo khả năng của trẻ.
    • Vận Động : Các hoạt động của cơ thể ( vận động Thô ) của bàn tay, ngón tay ( Vận động tinh ) và sự thích nghi với môi trường .
    • Nhận thức : Các em có nhận thức về bản thân, về gia đình và về môi trường xung quanh ( Cây trái / con vật/ đồ vật / nhân vật xã hội …)
    • PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SỐNG THIẾT YẾU : Các em cần được hướng dẫn  về khả năng ăn uống, vệ sinh cá nhân, khả năng sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.
    • Kỹ năng ăn uống- vệ sinh : Các em cần biết tự ăn cơm, uống nước, tắm rửa , vệ sinh.. biết tự mặc và tự gấp quần áo, dọn dẹp chỗ ngủ …
    • Kỹ năng thích nghi môi trường : Các em cần có khả năng thích nghi với môi trường học tập , biết tự lấy vật dụng cá nhân, biết bỏ rác vào thùng, biết xếp đặt chỗ chơi, chỗ học và tương tác tốt với các bạn với thầy cô và người lớn.
    1. PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG HỌC TẬP : Tùy vào mức độ, năng lực mà các em được xây dựng những kỹ năng học tập khác nhau, từ mức độ cơ bản là nhận biết khoa học, cho đến các kiến thức về đọc, viết, tính toán và các khả năng để có thể tham gia vào hệ thống giáo dục hòa nhập tại các cơ sở Giáo dục bình thường.

    Đây được xem là chương trình Giáo dục Can thiệp sớm đã được tổ chúc khắp nơi để hỗ trợ cho các trẻ đặc biệt dưới 6 tuổi . Tuy nhiên, nếu có mong muốn xây dựng một hệ thống Giáo Dục Đặc Biệt có hiệu quả cho các em, thì chúng ta phải nghi đến 2 nhóm mục  tiêu ngắn và dài hạn.

    MỤC TIÊU NGẮN HẠN :

    1. Cải thiện và nâng cao năng lực về ngôn ngữ – hành vi : Để nâng cao khả năng ngôn ngữ, thì GV phải biết rõ về mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ, khả năng nghe hiểu và phản hồi các yêu cầu bằng lời nói, cử chỉ của mình. Để từ đó đưa ra các mức độ can thiệp dựa trên các kỹ thuật can thiệp phù hợp.
    2. Can thiệp và điều chỉnh các rối loạn về Giác Quan và cảm xúc : Trong nhiều trường hợp, trẻ có những rối loạn về khả năng xử lý cảm giác, điều này sẽ tạo ra những hành vi và phản ứng bất thường hay rối loạn ăn uống và giấc ngủ. Vì vậy một trong những mục tiêu ngắn hạn cần phải đặt ra là giúp cho trẻ ổn định về giác quan.
    3. Phát triển các kỹ năng sống thiết yếu. Các kỹ năng sống thiết yếu là khả năng tự ăn uống, tự vệ sinh cá nhân và khi lớn là có thể tham gia một số hoạt động trong gia đình.  Đây cũng là những điều căn bản mà nhiều người không nghĩ là cần thiết cho trẻ đặc biệt, nhưng chính điều này lại góp phần quan trọng giúp cho trẻ sớm có khả năng hòa nhập trong mức độ cho phép đối với cộng đồng xung quanh.

    MỤC TIÊU DÀI HẠN :

    1. Xây dưng khả năng hòa nhập với cộng đồng :  Đây có thể nói là mục tiêu được đặt ra trong hầu hết mọi hoạt động có liên quan đến trẻ đặc biệt.  Từ can thiệp trị liệu đến giáo dục năng lực, tất cả đều nhắm đến việc giúp cho trẻ có thể tham gia các sinh hoạt học tập và giao tiếp như một trẻ bình thường.  Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có thể đặt ra mục tiêu này, mà nó còn tùy thuộc vào khả năng của trẻ, các phương pháp can thiệp và chính môi trường xung quanh, sẽ chấp nhận trẻ đến mức nào.

    Việc xây dựng các lớp học hòa nhập trong các trường bình thường và tổ chức các trung tâm can thiệp trẻ đặc biệt là mong ước của xã hội và gia đình đối với các em. Tuy nhiên, dù muốn dù không chúng ta cũng phải thừa nhận, khả năng hòa nhập của các em chỉ có giới hạn Vì thế một môi trường có sự quan tâm và thân thiện để có thể chấp nhận và hỗ trợ thường xuyên cho các em trong cuộc sống đời thường ngay cả khi các em trưởng thành mới là điều cần phải đặt ra

    1. Phát triển các kỹ năng Giao tiếp Xã Hội : Đây chính là hạn chế lớn nhất của các em rối loạn phát triển, nhất là với trẻ Tự kỷ . Các em có thể có những kỹ năng và hành vi, phản ứng tốt đẹp trong môi trường quen thuộc tại gia đình. Nhưng khi bước ra ngoài xã hội, nhất là khi đứng trước các tình huống mới mẻ, đòi hỏi khả năng thích nghi, thì hầu hết các em sẽ bối rối, sẽ có những phản ứng vụng về hay tránh né,và nếu bị hối thúc hay yêu cầu, thì có khi các em sẽ có những phản ứng mất kiểm soát. Chính vì thế, mà một cộng đồng gồm những người hiểu em và những người bạn là điều kiện thuận lợi nhất, để các em có thể cải thiện được khả năng giao tiếp xã hội.

     

    1. Tổ chức các hoạt động Hướng nghiệp khi trưởng thành : Hiện nay, việc hướng nghiệp cho trẻ đặc biệt vị thành niên hay đã trưởng thành, là  một nhu cầu cấp bách, đòi hỏi những định hướng và các tổ chức phù hợp.  Đã không thiếu các cơ sở hướng nghiệp cho trẻ, chỉ hoạt động về mặt hình thức, đôi khi còn có sự lợi dụng, trong các phạm vi có liên quan đến các hoạt động dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ đặc biệt.

    Chúng ta  thường có xu hướng muốn tập cho trẻ những ngành nghề thủ công, mỹ nghệ hay trồng trọt, chăn nuôi hay làm bánh , phụ việc trong một số dịch vụ … vì cho rằng đó là những hoạt động tay chân đơn giản có thể phù hợp với các em. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều thất bại hay không đem lại lợi ích thực sự cho trẻ cũng như cho gia đình trẻ. Điều này khác với trẻ khuyết tật, khi những ngành nghề thủ công mỹ nghệ, trồng trọt chăn nuôi đã đem lại những giá trị cao cho các trẻ khuyết tật trong cuộc sống.

    Nhưng với trẻ đặc biệt thì khác, các em dĩ nhiên là không thể tham gia các hoạt động nghề nghiệp cao cấp, nhưng ngay cả những nghề đơn giản, tay chân..cũng không phải là dễ với các em vì các em thiếu hai yếu tố quan trọng :

    • Yếu tố nỗ lực và kiên trì : Các em hầu như không có, các em chỉ làm để cho ..vui !
    • Yếu tố ích lợi cho bản thân : Trẻ khuyết tật rất ý thức về ích lợi cho bản thân, các em làm việc để kiếm tiền để dành và có thể sử dụng vào nhiều nhu cầu khác cho bản thân. Nhưng trẻ đặc biệt thì hầu như không ý thức được các nhu cầu cho bản thân, nếu có thì cũng rât đơn giản. Vì thế không thể dùng điều này như một động lực để khuyến khích trẻ làm việc. Trẻ làm việc do thói quen được hướng dẫn và để làm cho mình cũng như những người thân vui lòng mà thôi.

    Chính vì thế, không nên có quan điểm là cố gắng rèn luyện cho các em một nghề nghiệp hay công việc để các em có cơ hội tự nuôi sống bản thân  vì các em thiếu một kỹ năng cốt lõi là kỹ năng Tự quản lý cuộc sống của mình. Chúng ta có thể rèn luyện cho các em kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc trong một giới hạn , nhưng chúng ta vẫn phải có những người hoặc là trong gia đình, họ hàng các em hay những người thân , những người quan tâm đến các em và một số tổ chức xã hội, đứng ra quản lý cho các em trong cuộc sống hàng ngày.  Các em có thể làm việc để có thu nhập, nhưng thu nhập hay kết quả đó phải được quản lý với sự quan tâm và tôn trọng, để các em dụa vào đó mà có được cuộc sống như mọi người.

    LÊ KHANH

    Đầu Xuân Quý Mão

     

     

     

  • GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT KHÓ NHẤT  LÀ GIÁO DỤC …PHỤ HUYNH

    GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT KHÓ NHẤT  LÀ GIÁO DỤC …PHỤ HUYNH

    Gia đình nào có một đứa con tự kỷ, tăng động kém chú ý hay chậm phát triển đều có mong ước : Đưa đến bệnh viện chẩn đoán , sau đó tìm được một trung tâm có uy tín để gửi con, tôt hơn nữa là sẽ gặp một giáo viên có kiến thức chuyên môn, có tấm lòng yêu trẻ để gửi gấm con – Trăm sự nhờ thầy nhờ cô… đến khi trung tâm, thầy cô nhận lời để tập trung giúp bé, coi như là …xong ! Phụ huynh lo kiếm tiền đóng học phí, có khi đóng luôn 3 tháng cho chắc ăn mà không hề nghĩ rằng đây mới là sự bắt đầu cho một hành trình đi cùng con !  Thời gian trôi qua …3 tháng , 6 tháng.. kiển tra lại, con chưa thấy  tiến bộ theo mong muốn, bắt đầu sốt ruột rồi có khi lại cho con nghỉ đi tìm nơi trung tâm nào quảng cáo tốt hơn hoặc lên mạng tìm mua thuốc bổ não, thuốc cho trẻ chậm nói … và hỏi ý kiến mọi người , tôi phải làm sao , nhưng càng nghe chia sẻ lại càng..hoang mang vì những góp ý đủ thể loại của mọi người. Nhưng điều quan trọng nhất, cần thiết nhất và hiệu quả nhất là sự quan tâm, hỗ trợ, tập luyện cho con tại chính gia đình mình thì …bỏ qua vì nhiều lý do rất chính đáng !

    Với các trung tâm, các giáo viên hay chuyên viên có ý thức trách nhiệm, thì hầu hết đều có lời khuyên là phụ huynh nên cùng phối hợp để tập luyện cho bé. Có nhiều trung tâm còn mở ra những buổi tư vấn hướng dẫn cho phụ huynh miễn phí … mời gọi PH tham gia để biết cách phối hợp. Phụ huynh nghe chia sẻ, hướng dẫn..gật gù tâm đắc nhưng …không áp dụng ! Vì vậy, việc can thiệp tác động để cải thiện hành vi, nhận thức , ngôn ngữ cho trẻ tuy khó, nhưng cũng còn có kết quả phần nào , còn việc tư vấn cho phụ huynh để biết cách can thiệp cho con tại nhà , rất nhiều trường hợp là một nhiệm vụ bất khả thi !

    Có một nghịch lý là tình trạng trẻ càng nặng, thì phụ huynh càng chịu khó lắng nghe , yêu cầu về con cũng không cao, nhưng để cải thiện cho trẻ lại là điều cực khó. Nhưng với trường hợp  nhẹ, việc can thiệp cho sự tiến bộ của trẻ sẽ thuận lợi hơn, thì việc phụ huynh chấp nhận và làm theo các yêu cầu của nhà chuyên môn lại khó khăn hay nghe mà không làm, và yêu cầu can thiệp, trị liệu sao cho con trở lại bình thường lại càng cao !  Nhưng nhìn chung, khi đưa con đi tư vấn và có mong muốn gửi con đến trung tâm, thì ít ai có suy nghĩ là chính mình cũng phải là một “thành viên” trong cái nhóm can thiệp cho con mình, không những thế còn phải là một thành viên tích cực!  Các bậc cha mẹ thường có suy nghĩ là : Mình đã tìm được nơi có thể dạy hay chữa trị cho con, đã chấp nhận phải đưa đón cực khổ, đóng học phí cao gấp 3,4 lần trường bình thường. Thầy cô ở đây lại có chuyên môn, kỹ thuật và thời gian “ can thiệp trị liệu” cả ngày cho con mình, thì tại sao mình vẫn phải bỏ công sức học tập chuyên môn, bỏ thì giờ ra để can thiệp cho con tại nhà nữa ! Nếu vậy, thì mình cứ cho nó ở nhà để dạy có phải tốt hơn không ?

    Tuy nhiên, điều làm cho Phụ huynh dạy con trong hoang mang nhất là nếu chịu khó bỏ công đi nghe, đi dự tập huấn các phương pháp, kỹ thuật can thiệp thì lại bị quá tải về thông tin , và cả những thuật ngữ chuyên môn mà mình không hiểu, cũng chưa biết làm như thế nào ! Đó là chưa kể mỗi phương pháp, mỗi chuyên viên lại có những quan điểm, những cách hướng dẫn khác nhau , phụ huynh không đi học thì không hiểu, mà càng học thì lại có nguy cơ “rối loạn nhận thức” Vì tiếp nhận quá nhiều thông tin chồng chất, trái chiều . Có nhiều phụ huynh mua một đống sách vở tài liệu về đọc, nhưng rốt cuộc chỉ đạt được mục tiêu là dễ ngủ hơn trong khi đọc , chứ hiểu thì cũng có thể nhưng để làm theo thì …đừng mơ !  Lên mạng hay FB thì toàn thấy quảng cáo bán học cụ, đồ chơi để “ trị liệu tự kỷ” rôi mua về chất đầy tủ mà cũng không biết các món đồ này trị liệu ở chỗ nào . Rôi loanh quanh một hồi lại gặp quảng cáo uống thuốc cho bổ não, cho mau biết nói … mừng như buồn ngủ gặp chiếu manh, tưởng là cứu cánh đây rồi mà hóa ra chỉ có tác dụng làm cho chính phụ huynh sáng mắt ra mà thôi .

    Thế nhưng, tại sao phụ huynh có vai trò quan trọng và dù có cho con đi  can thiệp hay không cũng phải tự mình “ra tay” thì con mới mong có sự tiến bộ !  Trước hết, các bé đặc biệt đâu chỉ là “chậm nói” và cứ tập trung vào kỹ thuật “mở miệng” cho trẻ biết nói là xong ? Ngoài ra tình trạng tự kỷ, tăng động kém chú ý, chậm phát triển nhận thức của trẻ cũng rất khác nhau. Một biện pháp áp dụng cho trẻ này có kết quả, thì chưa chắc áp dụng cho trẻ khác cũng có kết quả như thế . Điều này lý giải cho việc một giáo viên không thể dạy một lúc nhiều trẻ giống như dạy cho trẻ bình thường ! Thậm chí, nếu là giáo viên có trình độ, trách nhiệm và lương tâm, thì dạy mỗi trẻ lại phải có  một kế hoạch can thiệp cá nhân khác nhau , không phải dạy trẻ tự kỷ nào cũng giống nhau .  Nhiều bạn học được các kỹ thuật của phương pháp A BC gì đó, thấy hay quá thế là bé nào vào cũng lấy phương pháp đó ra dạy . Nhiều trường lại soạn một chương trình giáo dục đặc biệt chung cho mọi trẻ trong một cấp lớp của trường mình rồi giao cho Giáo viên áp dụng… điều đó sẽ có khả năng chỉ một vài trẻ đáp ứng với các kỹ thuật hay chương trình đó, còn những trẻ khác thì không .

    Ngoài ra, các trẻ đặc biệt đâu chỉ có một số vấn đề về giao tiếp, ngôn ngữ, hành vi và sự kém nhận thức về các kỹ năng học đường như khả năng đọc, viết, tính toán ? Mà ngay các các kỹ năng ăn uống, vệ sinh cá nhân, chơi đùa và ngủ nghỉ cũng có những hạn chế, khó khăn. Với những lĩnh vực mà ta gọi là kỹ năng sống thiết yếu, thì chính các hoạt động tại gia đình mới là cơ hội và thời điểm tốt nhất  để giúp các bạn này điều chỉnh và phát triển các kỹ năng này .  Vậy thì AI sẽ dạy ở NHÀ, để trẻ bcó khả năng tự ăn, tự mặc, tự vệ sinh này ngoài chính phụ huynh ?  Đó là những khả năng mà một trẻ bình thường sẽ tiếp thu một cách rất tự nhiên qua việc làm theo, bắt chước hay chỉ cần được hướng dẫn vài lần là có thể làm được, còn trẻ đặc biệt thì phải có những kỹ thuật riêng, phù hợp cho từng mức độ của trẻ mới có thể tác động được. Chính vì thế, nhiều phụ huynh cũng muốn dạy cho con, nhưng dạy sai cách, con không tiếp thu được, nên bỏ qua, làm thay trẻ cho xong , còn cho con đi can thiệp, chỉ là để tập cho con biết nói là được rồi .

    Hoàn cảnh gia đình thì mỗi người mỗi khác, có những gia đình  có nhiều thuận lợi, vừa có điều kiện tài chính, vừa có thể sắp xếp thời gian để ở nhà dạy con, Mẹ hay bố vừa có kiến thức và trí thức để biết học cái gì, dạy cái gì, dạy như thế nào với con . Nhưng cũng còn rất nhiều gia đình mà người mẹ tuy cũng rất thương con, nhưng chỉ biết làm thay và chiều chuộng con, chứ không đủ sức, đủ khả năng để bỏ ra một số thời gian để dạy con tại gia đình . Điều đó sẽ làm cho tình trạng của con không cải thiện được, kéo dài trong khi con ngày càng lớn nhưng chẳng khôn hơn mà chỉ có nhiều hành vi, nhiều vấn đề hơn.

    Thực ra, việc tác động hay can thiệp cho con ở nhà không quá khó như nhiều phụ huynh nghĩ, cũng không phải mua đủ loại sách, hàng đống đồ chơi, tham gia đủ mọi khóa can thiệp , mà chỉ cần biết rõ con mình, chấp nhận những hạn chế khó khăn của con, đi tìm những hỗ trợ đơn giản từ các chuyên viên, các giáo viên và nhất là phải có sự kiên trì, nhẫn nại giúp con mỗi ngày một chút, từng bước một, từ ngày này qua ngày khác và luôn có sự tự tin, đừng “đẽo cầy giữa đường” đừng áp đặt, bắt buộc con hay can thiệp theo kiểu rảnh thì làm, bận thì nghỉ .   Chỉ vậy thôi, nhưng không hề đơn giản và dễ theo . Vì thế công tác giáo dục đặc biệt khó khăn nhất chính là ..giáo dục cho phụ huynh thay đổi hành vi nhận thức và biết xắn tay áo lên để đồng hành cùng con.

    CVTL LÊ KHANH – Phòng Tư vấn Tâm Lý GĐ & TE

  • NHỮNG ỐNG KÍNH TAI HẠI

    NHỮNG ỐNG KÍNH TAI HẠI

    Đã từ lâu việc lắp Camera trong lớp học, đặc biệt là Mẫu Giáo được xem là công cụ hữu ích giúp các ông bố bà mẹ theo dõi từ xa việc học tập của trẻ. Chủ yếu là để ngăn ngừa và giám sát việc giáo viên đánh mắng hay thiếu quan tâm đến trẻ   Thỉnh thoảng, trên FB lại đưa ra vài trường hợp nhờ có camera mà bố mẹ phát hiện được chuyện Giáo viên hay bảo mẫu ngược đãi trẻ.

    Từ các kết quả này, camera được xem là một công cụ giám sát hành vi hiệu quả, và các phụ huynh xem việc lắp camera trong phòng con để giám sát việc học hành, hay sử dụng máy tính của con cũng là chuyện bình thường.    Thực ra hai việc này tuy giống nhau ở chỗ giám sát, nhưng lại khác nhau rất xa về tính cách và giá trị hay hiệu quả của nó.

    Cũng không nên xem việc giám sát ở lớp học là cần thiết, vì điều đó chỉ chứng tỏ giữa phụ huynh và nhà trường không có sự tin tưởng lẫn nhau ! Những bé mầm non thì vô tư dưới sự quan sát của ống kính, nhưng các giáo viên có thể sẽ rất khó chịu, vì giống như nhân viên làm việc dưới sự theo dõi của người quản lý!  Nếu muốn trừng phạt trẻ cho bõ ghét, thì GV vẫn có thể thực hiện khi lôi trẻ vào góc chết mà máy không quét được để phết cho vài roi. Các GV cũng không lạ gì việc đánh trẻ mà không để lại dấu vết !

    Ở Trường học,  thực ra rất cần camera theo dõi trẻ, nhưng không phải ở trong lớp, mà là ở nhà để xe , nhà kho, các hành lang, cầu thang, góc vườn ..để ngăn ngừa kẻ gian và tìm kiếm các trẻ ham chơi, có thể lẩn tránh Gv trong các khu vực này. Camera trong trường hợp này là để GV hay Ban Giám hiệu giám sát bảo vệ an toàn cho các em mà thôi.

    Nhưng ở nhà nếu việc lắp camera các lối ra vào, nơi góc khuất có tác dụng theo  dõi sự đột nhập của kẻ gian, thì khi nó được đặt trong phòng trẻ, nhất là các bạn trên 10 tuổi, khi các em đã ý thức được giá trị của sự riêng tư, quyền hoạt động cá nhân của mình..thì hành vi này quả là lợi bất cập hại !

    Khi bước vào lứa tuổi tiền dậy thi hay dậy thì, sự phát triển về tâm sinh lý của trẻ có nhiều thay đổi xáo trộn. Trẻ vừa là trẻ con lại vừa là người …đang lớn ! Đặc biệt nhất là với một số em có tính hướng nội, đa cảm, coi cái TÔI của mình khá lớn, các em sẽ rất tự ái và khó chịu khi thấy rằng cái “vương quốc” hay “giang sơn” riêng tư của mình là cái góc học tập bị săm soi bởi sự giám sát của cái ống kinh lạnh lùng như những đôi mắt hình viên đạn.

    Nó cũng như một  tính cách mà người ta gọi là phụ huynh trực thăng – Nghĩa là giống như chiếc trực thăng của cảnh sát , lúc nào cũng bay vè vè bên trên và rọi đèn theo dõi các nghi phạm . Các phụ huynh này quan tâm con một cách thái quá, luôn theo dõi, nhắc nhở, kiểm tra, dò hỏi… Họ cho rằng đó là điều cần thiết để giữ cho con khỏi bị các kẻ xấu dụ dỗ lôi cuốn, hay sẽ chìm đắm trong các trò chơi trên máy tính, và chuyên môn tìm cách qua mặt bố mẹ, thầy cô.

    Có thể nói, một trong những điều tệ hại nhất trong mối quan hệ bố mẹ – con cái, đó là sự thiếu vắng của niềm TIN ! Chúng ta không tin con em mình, thì làm sao có thể bắt trẻ phải tin mình ? và khi con cái không còn tin vào bố mẹ thì đúng là thảm họa !

    Chính việc sử dụng camera đó là cách cho thấy sự không tin tưởng nhau một cách cụ thể nhất. Chắc hẳn phụ huynh nếu là nhân viên làm việc trong một công ty, mà luôn luôn phải hoạt động dưới sự giám sát của trưởng phòng, hay giám đốc thì sẽ rất khó chịu.  Tuy nhiên, vì chúng ta là người lớn, có ý chí nên có thể thầm nghĩ, thôi vì miếng cơm manh áo mà ráng chịu vậy, miễn là mình không làm gì sai thì thôi. Nhưng trẻ con là trẻ con ! Ở đây không phải là sự bồng bột, háo thắng mà là khả năng kiểm soát cảm xúc của trẻ chưa được như người lớn. Trẻ có cảm giác bị hạ nhục , nhất là nếu “vụ gắn camera” này mà bị bạn bè hỏi thăm, châm chọc – chắc có lẽ cậu quậy quá nên mới phải theo dõi  thì trẻ sẽ rất dễ mất kiểm soát và sẽ có những phản ứng, đôi khi rất tai hại.

    Tại sao trẻ lại có thể “tự tử” một cách khá dễ dàng ? ngoài việc tổn thương cảm xúc đưa đến những suy sụp về niềm tin, thì có thể trẻ suy nghĩ khá đơn giản về cái chết. Nó giống như những cái chết trong phim ảnh, hay các nhân vật trong game online, có thể chết đi, rồi lại sống lại một cách dễ dàng. Vì vậy, trẻ tưởng cái chết cũng “ giống như chơi”, giận quá thì chết đi cho bố mẹ sợ – rồi mình sẽ sống lại thôi mà ! Ai có ngờ đâu là cái chết ngoài đời không giống cái chết trong game , một đi không trở lại !

    Chính vì điều đó, chúng ta phải lưu ý đến tính cách của con mình. Với các trẻ em hướng ngoại, vô tư ….thì có thể la rầy, nhắc nhở và nếu trách phạt bằng vài roi cũng không sao. Nhưng với trẻ hướng nội, đa cảm , ít nói ..thì biện pháp chê trách, mắng nhiếc hay trừng phạt có thể để lại các tổn thương sâu sắc.

    Đặc biệt với việc sử dụng camera trong phòng con, hãy cân nhắc và có thể hỏi ý kiến nhà chuyên môn về tâm lý, trước khi thực hiện. Điều tốt nhất là hãy xây dựng được niềm tin vào con. Ai cũng thế, khi được sự tin tưởng, tín nhiệm thì sẽ rất tự hào và thoải mái.  Chúng ta không nhất thiết cứ phải giám sát nhắc nhở để rồi khoảng cách tình cảm giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa . Tập cho con khả năng tự chủ là cách tốt nhất để bảo vệ con chứ không phải với sự theo dõi  của chiếc camera lạnh lùng.

    Lê Khanh – Phòng Tư vấn Tâm Lý Gia Đình  & Trẻ Em.

     

  • NẾU DẠY  XIN ĐỪNG…DỌA !

    NẾU DẠY  XIN ĐỪNG…DỌA !

    Các bà mẹ không lạ gì với những câu như: “ Nếu con không ăn, mẹ kêu chú công an đến bắt, hay con mà không chịu đi tắm là bác sĩ đến chích đít ! “ . Cái chiêu này có thể hiệu quả trong vài lần đầu… nhưng rồi trẻ sẽ thấy là chả có ma nào xuất hiện, nếu trẻ không chấp hành, và dĩ nhiên là không còn sợ nữa, mà còn càng lỳ thêm và lần hồi sẽ luôn luôn cãi lại, bất chấp mọi nhắc nhở trong mọi  việc.

    Theo thời gian, khi đứa con lớn lên, thì bố mẹ vẫn cho rằng nếu đem những hậu quả tai hại ra để hù dọa, thì con sẽ sợ mà tuân theo….  Con mà không chịu khó học thì sau chỉ có nước đi ăn mày, con mà cứ cắm đầu vào game thì sẽ học dốt, hay sẽ không cho tiền túi nữa … Thậm chí ngay cả khi con đã bước vào tuổi trưởng thành vẫn bị dọa như thường ! Con mà cứ quan hệ linh tinh, có ngày đeo ba lô ngược !

    Thực ra, hậu quả khi  cãi lời  bố mẹ … không phải chỉ là sự hù dọa suông, mà nó có thể xẩy ra…vì với kinh nghiệm của người lớn thì mọi thứ đều có thể.  Nhưng, điều oái oăm là với tuổi trẻ, thì lại luôn muốn thách thức , muốn được trải nghiệm dù có khi sẽ phải trả giá khá đắt . Chính vì thế, việc hù dọa, hay đưa ra những hậu quả đen tối không những không ngăn cấm được, mà còn có tác dụng khuyến khích trẻ vi phạm mà trẻ sẽ xem đó là một ..trải nghiệm !

    Cái gì cấm, thì sẽ tìm cách làm !  Điều này xảy ra hằng ngày trong hầu hết mọi lĩnh vực ! Và dĩ nhiên đa phần là do sự bồng bột của tuổi trẻ, hay chỉ để chứng minh cho bố mẹ là mình lớn rồi ! Mình có thể tự quyết, có thể làm mọi điều bất chấp – thích là làm… Thế nhưng, đến khi hậu quả thực sự xảy ra, thì nhiều bạn trẻ lại ..ôm mặt khóc, kêu cứu bố mẹ .. Thậm chí là có khi còn đổ lỗi là tại sao không ngăn cấm con , hay bảo vệ con hoặc có khi là ..suy sụp rồi trầm cảm !

    Bên cạnh sự hù dọa, còn có một điều mà các bạn trẻ hay cả những người đã lớn mà chưa trưởng thành rất khó chịu, đó là những lời chê bai, phê phán…  Thực ra, việc phê phán, chỉ trích là điều cần thiết nhưng điều quan trọng là cách phê phán.  Chúng ta chỉ nên phê phán hiện tượng hay sự kiện chứ không phê phán con người.  Khi chứng kiến sự thất bại, hay hư hỏng ..chúng ta nên mô tả và cho thấy hậu quả sẽ như thế nào và nếu tốt hơn, thì sau đó sẽ đưa ra một đề nghị để giải quyết, khắc phục thay vì chỉ biết chê trách suông !

    Với trẻ em, thì những câu hỏi mang tính truy vấn như : Tại sao con lại làm như vậy ? Con có làm hay không ? thì thường sẽ nhận được sự ..im lặng hay có khi là cãi bướng, đưa ra những lý lẽ ngang ..như cua ! “ Một người nói ngang, cả làng nói không lại” Huống gì là đứa trẻ thừa biết là nó có nói ngang, cãi bướng thì cũng chẳng làm gì được nhau !

    Phòng bệnh hơn chữa bệnh ! Câu này không chỉ đúng về sức khỏe, mà còn đúng trong việc xây dựng nhân cách hay điều chỉnh hành vi cho trẻ, đây cũng là một nguyên tắc cần thiết.  Chúng ta xây dựng cho trẻ có một nhân cách vững vàng, sự tự tin vào bản thân bằng cách để trẻ làm được những điều trong khả năng, bằng những lời tích cực: “ mẹ tin con, con làm được mà … đúng rồi, làm tốt lắn.. Chứ không phải là những lời dọa dẫm tiêu cực : Con tệ quá, có thế mà cũng làm hỏng, con là đứa ăn hại… Cứ thế này thì lớn lên sẽ chẳng làm được trò trống gì …. Trẻ cần được sự tin tưởng, khích lệ và tôn trọng, rồi từng bước sẽ chủ động trong các mối quan hệ, giao tiếp và quan trọng nhất là ý thức về giá trị bản thân. Đó là biện pháp phòng tránh tốt nhất những thói hư tật xấu, tính ích kỷ, sự ỷ lại , lười biếng, dối trá … Chứ không phải cứ hù dọa, đe nẹt hay áp đặt những nguyên tắc cứng nhắc lên, buộc trẻ phải tuân phục vô điều kiện. Điều đó chỉ đem lại sự chống đối, cãi lời và làm những điều trái ý người lớn.

    Lê Khanh

  •  GIẢI QUYẾT SỰ PHỨC TẠP BẰNG ĐIỀU ĐƠN GIẢN.

     GIẢI QUYẾT SỰ PHỨC TẠP BẰNG ĐIỀU ĐƠN GIẢN.

    Có lẽ trong chúng ta – ai cũng thừa nhận tình trạng Rối loạn Phát Triển là một trong những rối loạn phức tạp nhất trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần.  Điều phức tạp đầu tiên là nguyên nhân phát sinh vấn đề này ở trẻ. Cho đến nay, sau gần 100 phát hiện và nghiên cứu, vẫn chưa thể xác định được đâu là nguyên nhân chủ yếu  dẫn đến tình trạng này. Điều phức tạp tiếp theo là những thuật ngữ sử dụng trong lĩnh vực chẩn đoán – đánh giá – trị liệu và can thiệp. Có quá nhiều các biện pháp được vận dụng, nhưng chưa có biện pháp nào có thể giải quyết triệt để và hiệu quả, nếu không có sự phối hợp với các biện pháp khác một cách phù hợp. Tiếp theo là có quá nhiều thuật ngữ mà ngay cả một số nhà chuyên môn và hầu hết các đối tượng có liên quan vẫn chưa hiểu rõ một cách thấu đáo để  đưa vào áp dụng đúng lúc, đúng nơi và đúng đối tượng!  Một điều phức tạp nữa là vẫn chưa có một định hướng phát triển nào được xem là hợp lý và hiệu quả ! Ai cũng biết đây là những rối loạn không thể phục hồi hoàn toàn, nhưng ai cũng hy vọng sẽ tìm ra biện pháp chữa trị hiệu quả để đưa một đứa trẻ trở về trạng thái bình thường! Và điều phức tạp tạm gọi là cuối, là có lẽ hiếm có một lĩnh vực nào có quá nhiều nhà chuyên môn và các đối tượng hỗ trợ tham gia trong lĩnh vực này .  Các khu vực Y tế – Giáo Dục – Tâm lý và cả Xã Hội  đều có mặt cùng với hàng trăm nghìn tài liệu qua sách vở và trên không gian mạng!

    Trong cái sự phức tạp ấy, may thay vẫn nổi lên được một số điều đơn giản trong hệ thống trị liệu – can thiệp – giáo dục – phục hồi phức tạp này. Đó là hoạt động CHƠI bao gồm 3 thành tố : VUI CHƠI – TRÒ CHƠI và ĐỒ CHƠI !  Đùa nhau chắc ? Trị liệu nghiêm túc, mướt mồ hôi sôi nước mắt mà còn chưa ăn thua , bây giờ đem chuyện giỡn chơi vào và xem là biện pháp can thiệp – trị liệu hiệu quả !

    Xưa nay, ăn sâu vào tâm trí chúng ta, những người lớn hay đúng hơn là những người đã quên mất tuổi thơ – không tính đến các bác ngây thơ cụ, nghĩa là giả vờ làm trẻ con ! Thì có mấy ai còn nhớ được điều gì là quan trọng nhất với một đứa trẻ ? Dinh dưỡng hay học tập ? Không đâu, đó chính là VUI CHƠI ! Còn chuyện dinh dưỡng và học tập  cho đứa trẻ, chỉ là sự quan trọng của người lớn theo kiểu suy bụng ta ra bụng người! để áp đặt lên trẻ con cái mệnh lệnh : Học, học nữa, học mãi theo ý người lớn!

    Có thể nói, một đứa trẻ không kết thúc giai đoạn trẻ thơ của mình ở lứa tuổi dậy thì hay trên 18 tuổi, mà điều đó chỉ kết thúc khi nó không còn muốn và không còn biết chơi đùa !  Người lớn đã thành công khi làm đứa trẻ mất đi niềm vui trong cuộc sống khi áp đặt những mục tiêu học tập, đôi khi vượt quá mức chịu đưng của một tâm hồn ngây thơ!  Và rồi người lớn cũng đã phải gánh chịu hậu quả khi chứng kiến những rối loạn tâm lý ở đứa con yêu quý của mình, do chính những kỳ vọng của mình.

    Tại sao Trò chơi lại là điều quan trọng với một đứa trẻ ? Bởi vì nếu không quan trọng thì nó đã không được xem là một yếu tố KHÔNG THỂ THIẾU trong hầu hết các phương pháp chính thống, có cơ sở khoa học được vận dụng vào việc can thiệp cho một đứa trẻ đặc biệt! Điều này, nếu ai có sự hiểu biết và đào tạo nghiêm túc đều biết !  Thậm chí, một trong những chuyên ngành trong lĩnh vực  Giáo dục Đạc Biệt là Hoạt động trị liệu  đã xem Trò chơi như một biện pháp chính yếu khi áp dụng cho các đối tượng – Có thể nói, đây là một chuyên ngành quan trọng và cần thiết cho hầu hết các trẻ đặc biệt bởi vì nó có thể đáp ứng và giải quyết hầu hết các nhu cầu để phát triển cho một đứa trẻ thông qua một hoạt động đơn giản là Vui Chơi có chủ đích !

    Hoạt động trị liệu ( Occupational Therapy ) là việc sử dụng những hoạt động có ý nghĩa nhằm giúp cho đứa trẻ học hỏi và phát triển các kỹ năng đê có thể tham gia các hoạt động hàng ngày – Đây là những Công việc . Nó bao gồm các hoạt động ăn, ngủ -– giải trí và tự phục vụ . Và tất cả công việc này được thông qua việc Vui chơi – Đó là công việc quan trọng đối với đứa trẻ , và các chuyên viên Hoạt động Trị liệu là những người hướng dẫn các em, với cha mẹ cùng nhau tham gia những hoạt động chơi đùa phù hợp với nhu cầu cá biệt của từng đứa trẻ để giúp các em phát triển.

    Tại sao lại là Vui chơi – bởi vì đó chính là hoạt động chủ đạo trong suốt thời thơ ấu của một đứa trẻ, Vui chơi không chỉ là niềm vui và trò chơi mà còn là nền tảng cho sự phát triển toàn diện, sức khỏe và hạnh phúc !  Có thể nói chơi đã bắt đầu ngay ở một đứa trẻ sơ sinh để giúp cho trẻ khám phá môi trường và biết tương tác với các sự vật và những người xung quanh.  Chơi tác động đến các vận động tinh và thô, giúp trẻ biết xử lý cảm giác vì khi chơi, trẻ sẽ biết vận dụng các cơ bắp và sự chú ý, tập trung để phát triển cơ thể và xây dựng các kỹ năng sống để từ đó có thể hòa nhập với gia đình và có thể bước ra ngoài xã hội.

    Khi quan sát một đứa trẻ đặc biệt, chúng ta sẽ thấy vấn đề gì nổi bật nơi trẻ ?  Ngoài những khó khăn về giao tiếp, tương tác, vận động, xử lý giác quan thì một hành vi được bộc lộ rõ nét, đó là hầu như các em không biết cách chơi, không biết sử dụng đồ chơi theo chức năng của chúng và không biết chơi với những đứa trẻ hay những người khác. Biện pháp trị liệu đơn giản ở đây là biết dựa theo nhu cầu và sở thích của trẻ để giúp trẻ phát triển thông qua chơi ! đặc biệt là các trò chơi phát triển giác quan và vận động. Các biện pháp này được giới thiệu và hướng dẫn một cách đơn giản nhưng không kém phần chi tiết qua một tác phẩm .

    Tác giả tác của cuốn sách nói về chơi này  là Tiến sĩ Heather Ajzenman là Ts chuyên ngành Hoạt động Trị liệu của ĐH Washinton ( Saint Louis ) năm 2012 . Bà cũng là một chuyên gia về chương trình DIR Floortime ( Chơi trên sàn ) và phương pháp Ngựa Trị Liệu !  ( Sử dụng Ngựa để tạo sự tự tin và nối kết với trẻ Đặc Biệt ) .  Với những kinh nghiệm lâm sàng trong việc can thiệp cho trẻ em và cả người trưởng thành, Bà đã đúc kết qua tác phẩm NHỮNG BÀI THỰC HÀNH HOẠT ĐỘNG TRỊ LIỆU DÀNH CHO TRẺ –    Đây là một số ít trong những tài liệu viết cho trẻ đặc biệt với văn phong giản dị, dễ hiểu qua việc chuyển ngữ của cô Trần Thị Việt Hà.  ( Nhà Xuất Bản Thế Giới  & Rockridge Press ) ấn hành năm 2021.

    Có thể nói, đây là một cẩm nang mang tính thực hành cao vì nội dung chính là giới thiệu với các Giáo viên và phụ huynh của trẻ đặc biệt qua các hoạt động vui chơi trong 100 Bài tập với ba đặc điểm :

    • Phù hợp với từng trẻ : Mỗi chương trình đều bắt đầu với những hoạt động đơn giản nhất và tăng dần độ phức tạp với các chỉ dẫn hữu ích .
    • Không yêu cầu kinh nghiệm : Từ các trò chơi với bóng hay trò chơi đi tìm kho báu, hầu hết các hoạt động đều có thể thực hiện với những vật dụng bình thường trong nhà.
    • Hữu ích cho mọi độ tuổi : Dù là thiết kế cho trẻ từ 1 – 6 tuổi, nhưng qua các trò chơi này sẽ giúp cho mọi trẻ đều có thể phát triển và cho người lớn có cơ hội để quay về với thế giới tuổi thơ.

    Cuốn sách có 5 chương : Chương Một nói về Hoạt động trị liệu cho trẻ. Chương Hai Là các trò chơi giúp trẻ xử lý Cảm giác. Chương ba là trò chơi phát triển Vận động. Chương bốn là Trò chơi xây dựng cảm xúc Xã hội – Chương năm là các kỹ thuật xử lý hình ảnh và nhận thức.  Như vậy, chúng ta thấy rằng thông qua một hoạt động Đơn Giản là tổ chức trò chơi cho trẻ đặc biệt, chúng ta có thể giúp cho các em cải thiện và phát triển hầu hết những khó khăn phức tạp của mình . Đây là điều không phải một phương pháp Can thiệp nào cũng có thể giải quyết rốt ráo .

    Trong hành trình đi tìm một biện pháp có hiệu quả, đặc biệt là với tình trạng khó có thể đưa trẻ đến các Trung Tâm trị liệu và can thiệp như hiện nay,  thì vai trò của Phụ huynh lại càng được xem trọng.  Nhưng Phụ huynh đâu phải là các nhà chuyên môn được đào tạo bài bản, hay chí ít cũng phải có kinh nghiệm và kiến thức như các giáo viên đặc biệt ! Chính những suy nghĩ đó đã vô tình tạo ra những rào cản khi bố mẹ muốn bước vào công việc can thiệp – giáo dục cho con em mình. Tạo tâm lý ỷ lại mong chờ cho đến khi nào các trung tâm mở cửa thì lại tiếp tục “ Trăm sự nhờ Thầy Cô “

    Chúng ta có thể không Trị liệu được những rối nhiễu của trẻ, cũng không giáo dục được những kiến thức cho trẻ như ở nhà trường hay trung tâm. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể CHƠI với con mình trong thời gian rảnh rỗi tại gia đình, để hỗ trợ con phát triển những kỹ năng cần thiết. Từ chuyện điều khiển các vận động của bàn tay, cánh tay, đôi chân…cho đến việc quan sát, lắng nghe và tập trung chú ý..trẻ đều có thể tiếp nhận qua các Trò chơi với các đồ chơi hết sức đơn giản tại gia đình.  Chính nhờ sự phát triển NỀN TẢNG này sẽ giúp cho trẻ dễ dàng hơn trong các hoạt động Giáo dục và trị liêu sau này.

    Hy vọng rằng với tập sách này, thì phụ huynh và cả giáo viên và các nhà chuyên môn sẽ có thêm được những hiểu biết đơn giản nhưng hiệu quả cho việc tiếp cận với các em, qua một hoạt động mà bất cứ đứa trẻ nào cũng thích và cũng cần  : VUI CHƠI  !

    CVTL LÊ KHANH – TT Diệp Quang An Giang.

     

     

     

     

     

  • CĂN BỆNH NGUY HIỂM

    CĂN BỆNH NGUY HIỂM

    Virus Covid là một dịch bệnh nguy hiểm vì sự lây lan một cách vô hình và nhanh chóng của nó, trước kia thì HIV cũng là một loại virus nguy hiểm vì khả năng gây chết người và cách lây nhiễm, cho đến khi người ta “khoanh vùng” được các yếu tố lây nhiễm và phòng tránh được nó !  – Thế nhưng , có một căn bệnh đã lây nhiễm từ đời này qua đời khác, cũng đáng sợ không kém dù nó không trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân… Nhưng dưới ảnh hưởng của nó, con người có thể gây ra những hậu quả tai hại không chỉ cho mình , mà còn cho những người xung quanh.

    Trong phạm vi gia đình – thì bệnh này là phổ biến ở những người “có ăn học” – càng mê “trình độ học vấn” thì bệnh càng dễ nhiễm . Có những người tuy không mê học hành, bằng cấp..nhưng lại lỡ sinh ra trong một “dòng họ danh giá” thì cũng thuộc đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm căn bệnh này ! Đặc biệt là căn bệnh này hầu như không có ở trẻ em, mà càng lớn tuổi thì khả năng bị lây nhiễm mới càng cao . Những người già về hưu, có một số bệnh mãn tính nhẹ.. là thuộc nhóm nguy cơ cao nhất – có đến 90% bị nhiễm mà có khi không biết , hay biết mà không chấp nhận mình đang bị bệnh !

    Ở ngoài xã hội, thì trong các cơ quan, càng được sự quan tâm thì bệnh này càng phổ biến – từ các UBND cấp xã, huyện, tỉnh cho đến các trường Chuyên, các bệnh viện đầu ngành, các cơ quan nghiên cứu, các viện hàn lâm “thập cẩm ngũ vị” thì hầu như các cấp lãnh đạo là nhiễm 99.9 % căn bệnh này. Đừng tưởng là các bác bảo vệ, các chị lao công trong các cơ quan đó không mắc phải dịch bệnh này . Có hết, nó nằm trong máu huyết mà chỉ cần có cơ hội là bộc lộ ngay và luôn !

    Trong gia đình, chính căn bệnh này của cha mẹ đã khiến cho con cái khổ sở, căn thẳng, suy kiệt và có nguy cơ trầm cảm cao, hay trở nên hung hăng, hỗn láo, có thể bùng nổ những bằng những phản ứng tiêu cực, bỏ học, bỏ nhà đi bụi, nghiện games, nghiện ma túy … mà cha mẹ không hề nghĩ rằng, chính tình trạng “ bệnh hoạn” của mình đã khiến cho con bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến như thế ! Họ cứ nghĩ là những yêu cầu, đòi hỏi hay phản ứng của họ trước những điểm yếu của con, hay những kỳ vọng mà họ áp đặt lên con, bất chấp khả năng và sở thích của nó, bất chấp những nhu cầu cảm xúc của nó, là xuất phát từ lòng thương yêu con !

    Nhưng thực tế, thì chí do bị “nhiễm bệnh”, mà họ có những suy nghĩ lệch lạc, những ảo tưởng về một “tương lai hoành tráng” nếu như con em họ làm theo những yêu cầu, đáp ứng được những mong muốn của mình. Mà thực ra, dưới tác dụng của căn bệnh, họ lại có những suy nghĩ và hành động cực đoan ….gây ra cho con cái bao nhiêu là áp lực, sự ức chế …. Thậm chí, khi thấy con có những phản ứng tiêu cực…thì lại nghĩ con đang bị bệnh trầm cảm hay là lười biếng, hỗn láo, nghiện games, ham chơi… và mang đến các nhà tâm lý, để nhờ họ khuyên bảo, chữa trị … đến khi họ chẩn đoán là chính cha mẹ mới là người đang bị bệnh, đang có những quan điểm không đúng , những lời lẽ và hành vi cực đoan do ảnh hưởng của căn bệnh này, thì lại không chấp nhận… họ cho là những nhà chuyên môn nói sai, họ đâu có bệnh gì, hoàn toàn sáng suốt và lành mạnh… Chỉ có con họ là đang bị stress và hư hỏng, là do bị bạn bè xúi dục, ham chơi, mê lướt net, và không chịu nỗ lực học tập để đứng trong top ten của lớp, không  chịu cố gắng để đạt được những thành tích cao trong học tập, không chịu thi vào các trường đại học danh giá để làm cho họ nở mày nở mặt. Vâng – sự tự hào của họ chính là dấu hiệu rõ ràng nhất của căn bệnh này .

    Từ ông bố trong gia đình, cho đến thủ trưởng trong đơn vị …Từ một chú bảp vệ, anh dân phòng, cho đến các cán bộ lãnh đạo… Không nhìn ra vai trò của mình, chỉ là kẻ làm việc ăn lương, phải có trách nghiệm và nghĩa vu làm tròn bổn phận mà mình đã nhận lãnh – lại cứ tự huyễn hoặc vào vị trí của mình, vào “ sứ mệnh cứu dân độ thế” của mình để đưa ra những lời lẽ , những quyết định duy ý chí, chủ quan … thậm chí là quá đáng một cách ngông cuồng và ngu xuẩn !  vì thiếu kiến thức khoa học, thiếu lòng khiêm nhường và thiếu sự tự trọng. Nhưng lại dựa vào sức mạnh của quyền hạn, mà buộc mọi người phải chấp nhận, cúi đầu và hoan hô mình !.

    Chỉ khi nào, mà từ các bậc làm cha mẹ, cho đến những kẻ tự nhận là “đầy tớ của nhân dân” Có được những liều Vaccine phòng ngừa và miễn nhiễm với căn bệnh này thì may ra, gia đình mới yên ổn, đất nước mới phát triển – Vâng, căn bệnh nguy hiểm đó chỉ có 1 từ thôi : Bệnh SỸ ! Nhưng khổ nỗi, mỗi người dân Việt đêu có một ông quan ở trong lòng, và đó chính là cơ chế lây lan không bao giờ khỏi !

    LÊ KHANH

     

     

  • DẠY CON VÀO ĐỜI HAY DẠY CON VÀO TRƯỜNG !

    DẠY CON VÀO ĐỜI HAY DẠY CON VÀO TRƯỜNG !

    Trong hệ thống giáo dục phổ thông – một HS được tham gia lần lượt từ mẫu giáo cho đến đại học – để sau khi tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân, em sẽ có khả năng bước vào đời để lập thân và lập nghiệp ! Bên cạnh đó, còn có những lối rẽ khi hết cấp 2, cấp 3 để vào các trường nghề – trường cao đẳng rồi thay vì sẽ làm “thầy” thì em sẽ trở thành “thợ” – Dù con đường này, các bậc cha mẹ không mong muốn và nhiều em cũng không thích thú gì – nhưng vẫn là một cánh cửa, có khi còn tốt hơn cả việc làm thầy khi mà hàng chục ngàn “thầy” vì thiếu  kỹ năng sống, gia tài chỉ có tấm bằng và một mớ lý thuyết trong đầu ! Để rồi làm thầy không xong , làm thợ không được , đành ôm chiếc xe gắn máy kiếm cơm qua ngày !

    Nhưng, dù sao đi nữa thì giáo dục phổ thông cũng có đầu vào và đầu ra – Trong khi một hệ thống giáo dục khác – hệ thống giáo dục “ đặc biệt” , dù trong hơn chục năm nay, đã được phát triển rầm rộ cả về số lượng lẫn chất lượng , nhưng vẫn chỉ loanh quanh ở mức độ : Can thiệp sớm , giáo dục chuyên biệt tương đương cấp MG và cấp Tiểu học ! Cấp Trung học và Cao đẳng – đại học là không hề có ! Nói cách khác – chỉ có đầu vào mà không có đầu ra !  Vậy thì sau 4-5 năm can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập, các em có hòa nhập với xã hội được không ? Câu trả lời trên thực tế là khá rõ !

    Một đứa trẻ bình thường nếu chỉ tốt nghiệp tiểu học –cũng không khác bao nhiêu với một trẻ học hết lớp Một, lớp Hai !  Nhưng với trẻ đặc biệt, thì việc “bò” lên được lớp 1 – 2 hay 4 -5   quả là một nỗ lực phi thường cho cả mẹ lẫn con !  Thậm chí, nếu có vừa đẩy vừa kéo lên tới lớp 7 – 8 của bậc học THCS. Thì khi ra trường – những kiến thức toán, lý, sinh, hóa mà các em nhai đi nhai lại… sẽ không hề giúp em có thêm chút năng lực nào để “hòa nhập” vào cuộc sống, nếu như các em không được gia đình và nhà trường chú ý đến các kỹ năng sống thiết yếu, giúp cho các em có thể tự lập một phần trong cuộc đời.

    Sự Khác biệt giữa trẻ Khuyết Tật và trẻ Rối loạn Phát triển

    Điều quan trọng ở đây, không phải là việc cần thiết xây dựng một hệ thống giáo dục cấp Trung học hay cao đẳng cho các trẻ đặc biệt – vì đó là điều vô ích và không tưởng! Ngay cả việc “đầu tư” các trung tâm cơ sở hướng nghiệp – dạy nghề hoành tráng cho trẻ đặc biệt cũng không hiệu quả ! Tại sao ? Bởi vì chúng ta có những quan điểm chưa đúng về giáo dục hướng nghiệp.  Đối với một trẻ KHUYẾT TẬT thể lý như : Khiếm thính, khiếm thị, Bại liệt .. và một số dị tật khác , thì việc “dạy nghề” là điều cần thiết và hữu ích ! Bởi vì các em chỉ khiếm khuyết một số bộ phận chức năng trên cơ thể – và nếu được “phục hồi chức năng” đúng – các em hoàn toàn có thể làm các công việc phù hợp với khả năng của mình. Đơn giản là vì các em có “nhận thức” có ý chí để biết TỰ NỖ LỰC vượt lên số phận – Đã có biết bao tấm gương người khuyết tật, thậm chí cụt cả tay lẫn chân, hay bị chứng xương thủy tinh … mà vẫn trở thành một tấm gương, cho cả những bạn trẻ bình thường !

    Với người có chứng “rối loạn phát triển” thì không! Mặc dù trong một số trường hợp “tự kỷ chức năng cao” các em không có vấn đề gì về việc học – thậm chí có thể tốt nghiệp đại học ! Nhưng hãy nhìn vào các kỹ năng sống – kỹ năng quản lý cuộc đời của em – chúng ta sẽ thấy có nhiều lỗ hổng mà không một biện pháp “can thiệp – trị liệu” nào giải quyết được.  Với đại đa số các bạn VIP – sau nhiều năm lên bờ xuống ruộng – tốn kém cả sức người và sức của  từ gia đình – thì kết quả chỉ là một chỗ ngồi trong các lớp hòa nhập chung quanh cấp tiểu học ! Con đường “hòa nhập” với xã hội của các em,phần lớn sẽ kết thúc tại …gia đình !

    Thực ra , không thiếu gì các bạn trẻ bình thường, tốt nghiệp cấp III hay Đại học, vẫn quay về bám váy mẹ, thậm chí là nhiều du học sinh, ra nước ngoài vài ba năm – nếu thiếu kỹ năng tự lập, cũng có khả năng quay về gia đình với các triệu chứng trầm cảm từ nặng đến nhẹ ! Đó cũng là do các em thiếu kỹ năng sống, không được cha mẹ quan tâm rèn luyện cho các em tại gia đình những điều tưởng như vặt vãn như làm việc nhà, tự phục vụ bản thân và biết phục vụ những người trong gia đình ! Những đứa trẻ được nuông chiều trong cái chuồng “gà công nghiệp” là điển hình !

    Những thiếu hụt và hạn chế khó vượt qua

    Thế nhưng, với một chú gà công nghiệp – sau những ngày tháng  “stress”vì thiếu kỹ năng sống, có thể sẽ được cuộc đời dạy cho những bài học đích đáng, thậm chí là đi đến mức tù tội ! Nhưng, rồi trong số đó không thiếu những bạn đã “sáng con mắt” để quyết tâm làm lại cuộc đời , và có thể thành công, hay cùng lắm là “thành nhân” ! Nhưng các bạn VIP thì không !  Các bạn không thể có các kỹ năng cơ bản để thành người  tự lập ! Ngay từ nhỏ, cho dù có ngôn ngữ, biết diễn đạt cảm xúc, nhu cầu… nhưng cách thể hiện, trình bầy của em là “khác biệt !” chỉ cần nghe một đứa trẻ hay một thiếu niên nói một câu giao tiếp hay bộc lộ cảm xúc, là chúng ta có thể nhận ngay đây là một bạn VIP ! Điều đó có thể theo em suốt đời cùng với chứng tự kỷ của mình.

    Một yếu tố khác đó là khả năng “ nói đùa” – khả năng “ nói bóng gió, mỉa mai, nói vậy mà không phải vậy” – tuy có vẻ bình thường, nhưng lại vô cùng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày ! Các em có thể đọc vanh vách một bài thơ, một bài tập đọc,một bài lịch sử với những năm tháng khó nhớ , nhưng để nói đùa một câu với người bạn thì..tắc tịt, hay có khi còn làm cho người bạn “đứng hình” vì sự ngây ngô trong câu nói !  Một yếu tố khác cực kỳ quan trọng, đó là khả năng quản lý tài chính, nôm na là khả năng tiêu tiền và giữ tiền ! Kiếm tiền thì không khó, bỏ công ra làm việc, thì sẽ nhận được tiền công ! Nhưng làm sao có thể sử dụng đồng tiền kiếm được một cách căn cơ, hiệu quả thì …không !  Một bạn trẻ khuyết tật, hoàn toàn có thể kiếm tiền và làm giàu ! Có thể lập gia đình, có con và nuôi dạy con tốt ! Một bạn Vip thì khó có thể có những năng lực ấy !  Các em vẫn phải phụ thuộc vào một sụ hỗ trợ, quản lý cuộc sống đến từ người thân và xã hội !  Các em có thể sống vui vẻ, yên ổn trong vòng tay chăm sóc của gia đình cho đến khi trưởng thành. Nhưng nếu không có một hệ thống an sinh xã hội  hiệu quả, thì việc các em bị cuộc đời vùi dập là chắc chắn !  Mà hệ thống an sinh xã hội thì ngay cả các đối tượng yếu thế khác như trẻ mồ côi, người khuyết tật, người già… trong xã hội ta cũng đang là một vấn nạn !  Vậy thì chi còn lại gia đình ! Nhưng cha mẹ có thể bảo bọc các em suốt đời không ?

    Chính vì nỗi lo không thể bảo bọc các em suốt đời – nên cha mẹ mới dốc toàn lực trong việc can thiệp sớm và hết sức nỗ lực cho các em được đứng vào hàng ngũ HS bình thường với nhãn hiệu “hòa nhập” ! Nhưng “hệ thống giáo dục hòa nhập” có được tổ chức tốt như hệ thống giáo dục can thiệp sớm chưa ? Người Giáo viên đã được đào tạo về giáo dục đặc biệt , có thể can thiệp hiệu quả cho các em trong các trường lớp can thiệp sớm, sẽ có đủ năng lực ngồi vào lớp học bình thường để giáo dục hòa nhập cho các em ? Giải pháp hiện nay vẫn chỉ là tìm một giáo viên đi kèm , nếu nhà trường cho phép, nhưng thực sự là khó tìm!  Hay một giải pháp khác, hiệu quả hơn – đó là phụ huynh sẽ tự thân “vận động” bằng nhiều cách để “tìm bạn” “tìm cô” cho con – Các em có thể có được những người bạn tốt, các thầy cô yêu thương, quan tâm hỗ trợ… trong vài ba năm ở tiểu học – nhưng rồi sau đó thì sao ? Tính sau !

    Giáo dục tuổi Teen cho trẻ VIP cần gì ?

    Đã bao nhiêu “thế hệ” trẻ tự kỷ được can thiệp sớm – giáo dục chuyên biệt…trong một thời gian dài, nhưng chỉ vì quan điểm hay tầm nhìn của gia đình, và ngành giáo dục đặc biệt, chưa thấy rõ sự quan trọng của các “ hoạt động kỹ năng sống và năng lực tự chủ bản thân” ngay từ khi các em còn nhỏ, nên chỉ dồn sức vào một mục tiêu, có phần nào hão huyền là bằng mọi biện pháp “trị liệu toàn năng” đi từ những kỹ thuật “hoang đường” cho đến các phương pháp “có chứng cớ khoa học” để mong muốn đứa con yêu quý của mình “trở thành bình thường” – và việc trở thành bình thường , sẽ có những khởi đầu dường như là tốt đẹp : Các em biết nói – biết đọc, biết viết..biết làm toán, biết nói tiếng Anh luôn… rồi các em được thầy cô, bạn bè thương mến… rồi các em từng bước đến trường… Nhưng khi các em bước vào lứa tuổi vị thành niên,   với những cơn sóng ngầm về cản xúc, với những nhu cầu về sinh lý và tình cảm rất bản năng, và nhất là với những mối quan hệ xã hội ngày càng phức tạp … mà lại thiếu hụt những năng lực về ý chí, về giá trị đạo đức như các em bình thường thì những giải pháp,  kế hoạch giáo dục và hướng dẫn cho các em vẫn loanh quanh trong các buổi hội thảo, tọa đàm về “giáo dục giới tính” hay “định hướng nghề nghiệp” cho trẻ tuổi teen trong một số ngành nghề giới hạn . Phụ huynh đi nghe háo hức, vỗ tay nhiệt tình và khi về nhà thì vẫn phải đối diện với một “ông tướng” tuổi đời mười mấy, đôi mươi mà vẫn như một đứa trẻ ngây thơ ngày nào ! Rồi lại loay hoay với cơm áo gạo tiền, mà tạm quên đi một điều không bao giờ lấy lại được “ Thời gian ! –

    Hãy nhìn lại và định hướng cho đúng hơn, chúng ta đang nỗ lực cho con vào trường mà quên đi chuyện giúp con vào đời – vì vẫn cứ tin rằng, đích đến của mình chỉ là cánh cửa nhà trường ! Hãy xem lại và điều chỉnh cách chăm sóc, giáo dục con ở nhà để con được hướng dẫn và trải nghiệm những kỹ năng sống thiết yếu càng sớm càng tốt , và điều quan trọng nhất là hãy nghĩ đến một cộng đồng có thể giúp con trong việc “quản lý cuộc đời” từ năm này qua năm khác , kể cả sau khi bố mẹ già yếu , không còn sức để bảo bọc cho con như hiện nay!

    Lê Khanh – Mùa Covid thứ hai – 2021