Tình trạng Rối nhiễu Tâm lý ở trẻ em
09/02/2016Chăm sóc trẻ sơ sinh
27/02/2016TTCT – Một trong những mong muốn chung của mọi cư dân trên hành tinh này là sống hạnh phúc, không cần giải thích. Nhưng nếu phải kể ra lý do thì sẽ có những nhà khoa học bảo vì hạnh phúc giúp người ta sống khỏe hơn.
Vì sao hạnh phúc đồng nghĩa khỏe mạnh?
Năm mới, mỗi người thường đặt ra những quyết tâm mới. Bỏ thuốc lá, dậy sớm chạy bộ, giảm xem tivi…, tất cả đều có lợi cho sức khỏe. Còn quyết tâm sống hạnh phúc?
Dựa trên kết quả từ hơn 200 cuộc nghiên cứu khác nhau, Đại học Harvard (Mỹ) đã tìm ra mối liên hệ giữa trạng thái tâm lý tích cực, chẳng hạn hạnh phúc, lạc quan, hài lòng về cuộc sống, với việc hạ thấp nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Những người sống hạnh phúc thường cũng duy trì chỉ số huyết áp tốt hơn, cân nặng hợp lý hơn và hàm lượng mỡ máu thấp hơn. Tất nhiên, bạn không thể ra tối hậu thư cho cơ thể kiểu như phải hạnh phúc để khỏi bị nhồi máu cơ tim.
Tuy nhiên, Hãng truyền thông CNN dẫn lời bà Laura Kubzansky, giáo sư khoa học xã hội và hành vi, tham gia cuộc nghiên cứu của Đại học Harvard, giải thích một khi con người ta lạc quan, vui vẻ, thoải mái, họ sẽ dễ dàng duy trì những thói quen có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn năng vận động hơn, ăn uống cân bằng hơn, ngủ sâu hơn…
Cuộc nghiên cứu kể trên chỉ thống kê số liệu, không lý giải về mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả. Nhưng một số cuộc nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng trạng thái tinh thần tốt có thể sẽ giúp giảm thiểu những tiến trình gây hại cho cơ thể. Chẳng hạn một cuộc nghiên cứu khác của giáo sư Kubzansky cho thấy sự lạc quan làm giảm viêm nhiễm.
Còn nếu bạn định nghĩa hạnh phúc là cảm giác tận hưởng cuộc sống, bạn cũng sẽ thấy mối liên hệ giữa hạnh phúc và sức khỏe. Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada cho thấy những người trên 60 tuổi càng thấy cuộc đời không đáng sống thì càng dễ mau… tàn tật.
Hạnh phúc từ đâu đến?
Hạnh phúc của mỗi người được quyết định phân nửa bởi… trời. Một nghiên cứu khoa học từng chỉ ra rằng những cặp song sinh đồng tính thường có mức độ hạnh phúc ngang bằng nhau hơn so với những cặp song sinh khác trứng. Gen di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định cảm nhận hạnh phúc của mỗi người – đó là điều đã được giới khoa học thừa nhận.
Thế nên chuyên gia tâm lý Nancy Segal tại Đại học Cộng đồng California (Mỹ) nhận định: nếu trong một gia đình cha mẹ và con cái đều hạnh phúc thì không đơn thuần là con cái học hỏi lối sống của cha mẹ mà đó là sự kết hợp của cả gen di truyền và yếu tố môi trường.
Nhưng những lý giải trên đây không có nghĩa rằng nếu người ta chỉ thừa hưởng rất ít “gen hạnh phúc”, cuộc đời họ chắc chắn sẽ bất hạnh. Cũng như nhiều thứ khác, hạnh phúc là điều phải luyện tập và do con người chọn lựa. Một loạt nghiên cứu đã chứng minh trải nghiệm giúp chúng ta hạnh phúc hơn so với sự sở hữu.
Chẳng hạn nếu mua một chiếc xe mà bạn hằng mong ước, niềm háo hức ban đầu rồi cũng nhanh chóng tan biến một khi chiếc xe đã trở nên quen thuộc, nhàm chán. Còn nếu bạn dùng số tiền đó để đi du lịch với cả gia đình, các ký ức đẹp sẽ tiếp tục sống dậy và mang lại cảm giác hạnh phúc dẫu thời gian có trôi qua rất lâu.
Bác sĩ tâm lý trẻ em và gia đình Kristen Race – người sáng lập dự án Mindful Life ở Mỹ nhằm giúp các gia đình, học sinh đối phó với stress thời hiện đại – cho rằng một trong những cách đơn giản và cơ bản nhất để tập gia tăng hạnh phúc là thực tập cảm nhận lòng biết ơn. Theo bà, lòng biết ơn sẽ giúp đứa trẻ học tốt hơn, hòa nhập xã hội tốt hơn và ít bị trầm cảm hơn. Bác sĩ Race gợi ý tập cho trẻ thói quen mỗi tối trước khi đi ngủ viết ra năm điều mà chúng biết ơn trong ngày là một bài tập hữu ích. Hoặc với trẻ nhỏ hơn, cả nhà có thể làm một cái “hũ biết ơn”, mọi người viết ra những điều họ cảm thấy trân trọng, muốn cảm ơn… vào tờ giấy và bỏ vô hũ, để rồi cả nhà quây quần cùng “thu hoạch” hũ biết ơn vào mỗi cuối tuần.
Thôi “lái trực thăng”
Một bác sĩ tâm lý ở Mỹ, người sáng lập trang web dành cho cha mẹ AhaParenting.com, bà Laura Markham cho rằng một trong những kỹ năng quan trọng nhất để nhận ra hạnh phúc đích thực mà cha mẹ cần dạy cho con cái là khả năng đối mặt với khó khăn để khi cuộc sống không như ý muốn, đứa con có thể mau chóng cân bằng mà quay lại trạng thái hạnh phúc. Nhưng cha mẹ thường có khuynh hướng tập cho con chạy trốn khó khăn ngay từ thuở lên ba.
Thử nghĩ tới tình huống đứa trẻ làm bể món đồ chơi nó ưa thích, chúng ta thường phản ứng ra sao? “Nín đi, mẹ sẽ mua cho con cái khác”.
Hay khi con bạn đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn thi trượt, có phải phản ứng đầu tiên của bạn là cố gắng an ủi con? Lời khuyên của bác sĩ Markham có khác đôi chút: hãy cứ để đứa trẻ khóc, buồn, để rồi sau đó nó sẽ nhận ra vẫn có những món đồ chơi hấp dẫn khác, hay dẫu có thi trượt thì ngày mai trời vẫn sáng.
Còn nếu các ông bố, bà mẹ cứ tiếp tục “lái trực thăng” – lúc nào cũng muốn can thiệp hết cỡ để bảo vệ con tối đa – họ sẽ chuyển cho con cái thông điệp buồn, thất vọng là cảm giác sai trái, trong khi đó là một phần của cuộc sống, là những cảm giác mà suốt cuộc đời con người phải đối mặt, chỉ khác là họ có vượt qua nó để sống hạnh phúc hay không mà thôi. ■
Kỷ Nguyên ( Tổng hợp)
Nguồn : Tuổi Trẻ Tất niên 2015