Hướng nghiệp từ thủa còn thơ
24/02/2012
Giúp Trẻ Tự Kỷ có giấc ngủ ngon
01/03/2012
Hướng nghiệp từ thủa còn thơ
24/02/2012
Giúp Trẻ Tự Kỷ có giấc ngủ ngon
01/03/2012

Con người khi đứng trước vũ trụ, chợt thấy rằng sao mình quá nhỏ bé. Thế nhưng không phải ai cũng biết rằng bản thân của chúng ta cũng là một vũ trụ, một tiểu vũ trụ với những bí ẩn không kém so với sự mênh mông huyền bí của thiên nhiên và bầu trời trước mắt.

Khẩu hiệu “Hãy tự biết mình” được coi là của Socrates, (469–399 TCN), triết gia Hy Lạp, được mệnh danh là bậc thầy về truy vấn. Thực ra đây là phương ngôn mà người Ai Cập đóng lên trước cửa các đền đài của họ trong hàng ngàn năm trước đó. Điều này cho thấy, ước muốn khám phá bản thân là điều vô cùng quan trọng, đã được quan tâm ngay từ thủa bình minh cùa lịch sử loài người.


1. Khám phá chính mình

Mặc dù cho đến nay, dù khoa học đã có những bước tiến vĩ đại, nhưng với những bí ẩn chứa trong cái bộ não bé nhỏ với hàng tỷ nơron thần kinh của con người , vẫn còn đó những ẩn dấu chưa khám phá ra hết. Chúng ta không thể khám phá ra hết các góc cạnh từ sinh lý đến tâm lý, mặc dù chúng ta đã biết rất nhiều.Tuy nhiên trong việc đi tìm một định hướng cho hoạt động nghề nghiệp sau này thì chúng ta cần tìm hiểu và có khả năng để trả lời được 3 câu hỏi :

Sở thích của tôi là gì ?

Khả năng tốt nhất của tôi như thế nào ?

Hạn chế lớn nhất của tôi ở trong lĩnh vực nào?

Để đạt được điều này chúng ta phải có sự hiểu biết về tính cách và năng lực của mình. Đúng hơn, là cha mẹ thì cần phải hiểu về cá tính của con mình, biết được mặt mạnh mặt yếu của trẻ , để có những ứng xử và hướng dẫn phù hợp giúp cho trẻ phát huy các ưu điểm, hạn chế phần nào những điểm yếu của mình, để từ đó ngay từ khi trẻ bước vào lứa tuổi thiếu niên, các em đã có thể trả lời được những câu hỏi trên, để từ đó biết được cách vạch ra cho mình con đường đi tới các lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.


2.Bạn hiểu thế nào về tính cách ?

Tính cách nói chung hay cá tính (tính cách của mỗi một cá thể ) là những đặc điểm về nhận thức, về thái độ, về ứng xử và hành vi mà chỉ có con người đó mới có. Điều này cũng giống như vân tay hay giác mạc, trên thế giới gần 7 tỷ người nhưng không có người nào giống hệt người nào, cho dù là anh em sinh đôi đi chăng nữa, thì cũng có một số điểm khác nhau.

Nhìn một cách tổng quát thì con người có hai nhóm tính cách lớn nhất đó là nhóm hướng nội và nhóm hướng ngoại. Trong mỗi nhóm lại chia ra làm 4 loại thuộc nhóm hướng nội (tính Thực tế, điềm tĩnh, nhu nhược và lãnh đạm) và 4 loại thuộc nhóm hướng ngoại ( Tính Duy cảm, đa cảm, Nhiệt thành, Nhiệt tâm) . Nhưng không một ai chỉ có thuần túy một loại tính cách, nghĩa là không ai chỉ có một loại trong nhóm tính hướng ngoại, hay một loại trong nhóm tính hướng nội mà trong một con người bao giờ cũng có một phần tính cách này, một phần tính cách kia theo một tỷ lệ nào đó. Thí dụ : Trẻ sẽ có 30% tính thực tế và 70% tính Nhiệt tâm hay 20% thực tế, 10% nhu nhược và 70% Duy cảm .v.v.v . Chính vì tỷ lệ pha trộn rất đa dạng như thế cho nên đã hình thành hàng trăm triệu tính cách khác nhau. Có thể trong một số lĩnh vực, sẽ có hai người có những sở thích và quan điểm giống nhau, nhưng nếu xét kỹ thì cũng sẽ có một số điểm khác nhau nào đó.

Vì thế mà từ xưa cha ông chúng ta đã biết rằng: “cha mẹ sinh con – trời sinh tính” .Nếu phải đi sâu vào từng tính cách, thì chắc chắn không có một nhà khoa học nào, một phương pháp trắc nghiệm hay đo lường tâm lý nào có thể nhìn ra và đánh giá một cách đầy đủ, trọn vẹn tính chất của một con người, thế nhưng nếu nhìn một cách tổng thể, hay chỉ cần nhận biết một cách khái quát những tính chất cần cho việc hướng nghiệp cho con, thì có lẽ là điều không khó khăn lắm với các bậc phụ huynh, miễn là họ hiểu và vận dụng được 3 nguyên tắc chính :

  • Đánh giá hay nhận xét về tính khí con mình một cách khách quan
  • Chấp nhận những cái tốt lẫn cái xấu của tính khí ấy như nó vốn có.
  • Nhận định về những yếu tố hình thành các tính khí ấy một cách tích cực.

Tuy có vẻ đơn giản và dễ dàng, nhưng có thể nói là hầu hết các bậc cha mẹ thường chủ quan và nhìn nhận tính cách của con mình bằng cảm tính nhiều hơn lý trí, chính vì thế họ dễ dàng chấp nhận những ưu điểm của trẻ bao nhiêu, thì lại khó có thể chấp nhận những hạn chế của con mình bấy nhiêu, mặc dù nếu cần đưa ra nhận xét hay đánh giá tính cách của con …ông hàng xóm thì lại hết sức khách quan và tích cực! Nhưng nếu cần so sánh với con mình thì có lẽ tính khách quan và tích cực sẽ không còn nữa. Vì thế, cho dù phụ huynh có thể am hiểu về nhiều ngành nghề nhưng trong việc hướng nghiệp cho con cũng khó mà đạt được hiệu quả, vì ngay từ điểm xuất phát các bậc phụ huynh đã có những kỳ vọng và những nhận định rất cảm tính, chính điều đó đã tác động rất nhiều đến khả năng định hướng cho đứa trẻ, nếu không muốn nói là phần lớn là sự lệch hướng, không học đúng ngành, không làm đúng nghề của một người trẻ tuổi khi bước chân vào xã hội là do tác động của gia đình.

Những thông tin quảng cáo về các nghề”hot” những mong muốn và hiểu biết không đầy đủ của gia đình về nghề nghiệp đã góp phần không nhỏ khiến cho khá nhiều bạn trẻ đã học sai ngành nghề để rồi sau đó lại thất vọng buông xuôi hoặc học hành đại khái nếu như chính người bạn trẻ đó không có đủ ý chí, sự đam mê và khả năng tự chủ để có thể quyết định “ ta chèo lấy thuyền của ta”. Để đạt được những thành công trong các hoạt động sau này.

Nếu nhìn vào môi trường hoạt động của các loại nghề nghiệp, tuy đa dạng nhưng có thể chia làm hai nhóm nghề. Một nhóm nghề phù hợp với những người mà tính cách hướng ngoại là chủ yếu và một nhóm nghề sẽ thích hợp hơn cho nhóm người có tính hướng nội.

Nhưng cũng như các nhóm tính cách, các nhóm nghề không chỉ thuần tuý là dành cho người hướng nội hay hướng ngoại, mà cũng cần phải có những tỷ lệ nhất định giữa hai loại tính cách.

Thí dụ: Nhóm nghề trong lĩnh vực giao tiếp giữa người và người thường giàng ưu thế hơn cho những người hướng ngoại, vì khả năng quan hệ giao tiếp và ứng xử với người khác là một thế mạnh của những người hướng ngoại, nhưng không chỉ có thế, vì những tính cách như thực tế hay điềm tĩnh thuộc nhóm hướng nội cũng là những tính chất cần thiết trong lĩnh vực nghề nghiệp này. Điều này cho thấy, hình thành được một tính cách hài hoà theo một tỷ lệ hợp lý giữa những tính chất thuộc nhóm hướng ngoại và hướng nội là một yêu cầu rất cần thiết và quan trọng để đạt đến sự thành công trong lĩnh vực nghề nghiệp.

3.Tính cách của trẻ bộc lộ như thế nào ?

Ngay từ bé, thông qua cách trẻ chơi đùa và khả năng tiếp nhận các bài học ở trường, khả năng xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh, chúng ta sẽ thấy trẻ bộc lộ ra những tính cách riêng của mình. Qua đó, chúng ta nên khuyến khích, tạo điều kiện cho tre chơi những trò chơi phù hợp và giúp trẻ tập chơi những trò chơi mà trẻ không hứng thú lắm, không thành thạo lắm để khắc phục phần nào những điểm yếu của mình.

Trong trò chơi, chúng ta sẽ thấy trẻ có nhiều tính cách hướng ngoại sẽ thích tham gia những trò chơi tập thể và thường thích đóng vai trò lãnh đạo, hay điều phối. Còn trẻ có nhiều tính cách hướng nội sẽ thích chơi các trò chơi cá nhân, trò chơi tay đôi và trong các trò chơi đối kháng thì thường thụ động, nhường cho đối phương đi trước. Vì thế, khi thấy trẻ không thích chơi các trò tập thể, thì cũng không nên quá lôi kéo hay bắt buộc các em, mà nên giao cho các em một vị trí nào đó không phải hoạt động nhiều và tìm cách khích lệ các em nhiều hơn.

Trong việc tiếp nhận các bài học ở trường, chúng ta cũng không nên bó buộc một trẻ hướng ngoại phải ngồi yên để học trong một thời gian dài, mà nên khuyến khích các em khám phá các điểm mới lạ trong bài học và có thể tổ chức cho các em học theo nhóm.

Trong việc xây dựng các mối quan hệ, chúng ta cũng không đòi hỏi những em hướng nội phải lanh lợi, chào hỏi mọi người, phải biết tham gia các hoạt động xã hội … mà nên gia tăng những buổi trao đổi, trò chuyện tay đôi với trẻ, và có thể dùng những cách giao tiếp gián tiếp qua thư hay qua máy vi tính điều đó sẽ giúp cho trẻ hướng nội cảm thấy thoải mái để trao đổi và bộc lộ những vấn đề và suy nghĩ của mình.

Cv.Tl Lê Khanh

( trích Sách: Hướng nghiệp từ thủa còn thơ)

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý