Phát triển khả năng tư duy
09/07/2012Giấc ngủ không bình yên
14/07/2012Cùng với những thay đổi của các thiết chế xã hội qua nhiều thời kỳ lịch sử và những thay đổi về kinh tế, chính trị … ; những giá trị có tính nền tảng của một gia đình tại Việt Nam, theo dòng chuyển này, cũng thay đổi không ngừng.
Đáng buồn là xu hướng thay đổi này dường như là tiêu cực và đáng báo động, đặc biệt là sự băng hoại nghiêm trọng về các giá trị đạo đức của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam.
Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên, tại huyện Lý Nhân, Hà Nam, chỉ để có tiền đi chơi game, đứa cháu Đinh Quang Vinh đã lạnh lùng dùng then cửa và ghế gỗ đập nhiều nhát vào đầu, trán bà nội rồi dùng chiếc kéo nhọn đâm tiếp vào vùng ngực trái của nạn nhân sau đó ung dung lấy 20.000đ chỉ để có tiền mua quà tặng bạn gái nhân ngày Giáng sinh, Phan Thanh Tùng ở thôn Quỳnh Đô, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội đã nhẫn tâm giết chính bà nội của mình chỉ để cướp đôi khuyên tai trị giá 400.000 đồng, …
Trẻ con đã vậy, người lớn cũng không kém. Từ Trần Thúy Liễu rồi Cao Thị Liễu đốt chồng đến Nguyễn Văn Tuyên, Đinh Lệnh Tuấn giết vợ dã man …
Hàng trăm vụ việc cháu giết bà, con giết cha, vợ chồng giết nhau, anh em sẵn sàng sát hại nhau để tranh giành tiền tài, của cải, đất đai … như vậy đã xảy ra trong thời gian gần đây quả là một hồi chuông dài, nhức buốt đối với một xã hội văn minh. Cái gì là nguyên nhân, là những yếu tố khiến các giá trị tốt đẹp của mỗi gia đình thay đổi lạc lối đáng kinh sợ theo vòng xoáy bất trị như vậy trong xã hội Việt Nam hiện nay?:
1. Một nền giáo dục thiếu định hướng:
Khi nền giáo dục luôn ở trạng thái loay hoay, thiếu định hướng, các giá trị cuộc sống không được chú trọng, xã hội lo chạy các loại “giấy chứng nhận tốt nghiệp mầm non”, “giấy chứng nhận tốt nghiệp tiểu học”, “giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS”, “bằng tốt nghiệp THPT” … và hàng chục các loại giấy tờ, chứng chỉ, bằng cấp khác thì các bậc cha mẹ sẽ không ngần ngại chen lấn, xô đổ cả cổng trường để cố tìm cho ra các địa chỉ có thể bảo đảm con em mình sau này sẽ có được chúng. Những con số đẹp đến điếng người về tỷ lệ tốt nghiệp THPT gần đây của các trường, các địa phương vừa là nền tảng của quảng cáo giáo dục theo kiểu mỳ ăn liền không nóng, không nổi mụn vừa là tiền đề luẩn quẩn cho mọi nổ lực cải cách giáo dục. Khi sinh viên đại học phải uể oải, thậm chí nằm gục xuống bàn đánh giấc sau khi điểm danh để bảo đảm mình đã hiện diện trong các lớp học, tham gia những môn học vô giá trị hoặc chỉ có những giá trị mờ ảo, không dành cho chính họ và chính thực tế cuộc sống của họ sau khi tốt nghiệp thì bản chất còn lại của nền giáo dục, ý niệm hướng đến chỉ là những tấm giấy vừa kể trên. Tình trạng ăn bằng cấp, ngủ bằng cấp, mơ cũng toàn bằng cấp, tử tự vì bằng cấp … đang ngồn ngộn như là một hiện thực đang chiếm gần hết thời gian, sức lực, trí tuệ, cảm xúc của các thế hệ thì những giá trị có tính nhân văn khác, kể cả những giá trị về các mối quan hệ trong gia đình, xã hội cũng khó có chỗ mà chen chân. Họ không được học cách để kiểm soát chính mình. Và, chẳng có gì để ngạc nhiên khi có những cơn mưa phao vần vũ vào các mùa thi ồn ào.
2. Ngồn ngộn những bất công:
Nói như Bill Gates: “Thế giới vốn không công bằng. Bạn biết điều này chứ? Dù bạn có nhận thấy sự bất công trong xã hội hay không thì cũng đừng hy vọng làm thay đổi được nó. Việc cần làm là hãy thích nghi với nó”. Ai đã dạy các thế hệ Việt Nam thích nghi với sự bất công? Lớp học nào trong hệ thống giáo dục Việt Nam dạy họ về điều này? Môn học nào, thực tiễn nào có thể mở ra cho họ một con hẽm để nhận diện sự bất công cho nên cơm nên khoai? Triết học về giai cấp? Giáo dục công dân? 5 bài học lý luận chính trị? Chủ nghĩa duy vật biện chứng hay duy tâm lạc lõng?… Nhan nhãn trong thực tiễn cuộc sống là cảnh những cô chiêu cậu ấm không cần nổ lực vẫn có được những tấm giấy chứng nhận, vẫn có xe xịn, gái đẹp, vẫn có đầy tiền để chơi games, để tặng bạn gái những món quà mơ ước, vẫn không bị phạt khi vi phạm giao thông, vẫn là những bà chủ, ông chủ, giám đốc, tổng giám đốc tại các công ty, tập đoàn hoành tránh và danh giá … Và khi những nổ lực phải thức suốt đêm của các bậc cha mẹ để xô đổ cổng trường, nổ lực mài nhẫn đũi quần trong các trường học, nổ lực kiếm tiền chân chính bằng trí tuệ, kiến thức … của họ so ra không bằng và không giống ai cộng thêm khả năng thích nghi với sự bất công quá kém cỏi đã đẩy họ vào góc tối, sự tỉnh táo không còn, tuệ nhuệ trở nên bạc nhược thì tội ác diễn ra và nhiều giá trị tốt đẹp, kể cả những giá trị về gia đình dần bị đẩy lùi, nguy cơ tiến tới -∞ là điều phải cảnh báo.
3. Kỹ năng sống là thứ xa xỉ:
Nước Mỹ ngày 11/9/2011 hay nước Nhật sau sự kiện thảm khốc Fukushima đã cho cả thế giới một bài học vô giá về kỹ năng sống, cách vượt qua những thảm họa, sự kỹ cương, tình thương, tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng. Các thế hệ Việt Nam sẽ ra sao một khi xảy ra những thảm họa tương tự trong khi sẵn sàng giẫm đạp lên nhau để xin ấn đền Trần hay cảnh lợi dụng tai nạn để hôi lợn và típ sắt xe container ở địa bàn xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An vào ngày 06/05 vừa qua? Trường học hay xã hội sẽ dạy họ, truyền cho họ về những mất mát, đau thương của đồng loại? Cái gì giúp họ có thể liên hệ với chết chóc, đau buồn của đồng loại với chính những chết chóc, đau buồn của chính họ, giả hoặc với chính những người thân trong gia đình họ để có được sự cảm thông, chia sẻ, để họ có thể rơi nước mắt và hành xử một cách con người? Nước mắt khi đã không hề rơi khi họ hạ sát chính người thân của mình, đập vỡ chính sự sống và các mối liên hệ ngay trong ngôi nhà của mình thì nước mắt sẽ rơi ở đâu khi kỹ năng sống đối với họ luôn là những thứ xa xỉ, không thể với tới?
4. Ích kỷ sẽ là mồ chôn cho các giá trị tốt đẹp của gia đình và xã hội:
Trong bài diễn văn đọc tại nhà thờ lớn nhất thế giới đêm Giáng Sinh – nhà thờ St Peter (còn có tên là nhà thờ Quo Vadis), Đức Giáo hoàng Bennedict XVI nói về nhiều vấn đề, trong đó Ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng sự tồi tệ hiện nay của thế giới phần lớn là do con người “chỉ chăm chăm nhìn vào quyền lợi cá nhân ích kỷ của chính mình”; và, vì thế, “biến chúng ta thành tù nhân của quyền lợi và khát vọng của mình”…
Từ ích kỷ của các nhóm lợi ích, ích kỷ về việc xác định tầm nhìn, ích kỷ về vai trò thủ lĩnh chính trị, ích kỷ về kinh tế, ích kỷ với cả sự tồn vong của của một hay nhiều cộng động, ích kỷ với cả sự tồn vong của dân tộc, nhân loại, ích kỷ để độc diễn kiến thức, ích kỷ để sinh danh, đẻ lợi, ích kỹ cuối cùng là để dẫn đến một kết cục thảm bại khó tránh. Sai lầm, xung đột, tệ nạn hay sự tha hóa về đạo đức, đồi bại trong tư duy, ác ôn trong hành động luôn tiềm ẩn những nguy cơ làm vỡ sự liên kết của xã hội nói chung và các gia đình nói riêng. Ích kỷ có thể lay lan, truyền nhiễm, ích kỷ có thể bị tiêm nhiễm cho nhiều thế hệ con người. Ích kỷ thậm chí còn thể hiện ngay cả trong game show Việt Nam Got Talent cớ đấy! Ích kỷ sẽ gây họa cho dân tộc, cộng động và dần dà vào tận các ngỏ ngách của hàng triệu gia đình.
5. Phản biện xã hội bị đè nén:
Ngày 18/9/2007, bốn nông dân ở xã Vĩnh Thành gồm: Nguyễn Thuận Trưởng, Ngô Minh Phiện, Lê Văn Lương và Nguyễn Văn Vinh gửi đơn tới ngành chức năng tố cáo cán bộ xã Vĩnh Thành lập danh sách khống, rút hàng trăm triệu đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng công trình tỉnh lộ 70 (qua năm xã của huyện Vĩnh Linh) và Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TW khẳng định, việc đấu tranh của bốn nông dân trên. Tuy nhiên, những nông dân dũng cảm và khảng khái này đang có dấu hiệu bị trù dập. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người dũng cảm tố cáo tiêu cực thi năm 2006 ở Hà Tây cũng không tránh nổi cảnh bị trù dập. Vai trò phản biện xã hội của người Việt Nam rõ ràng đang có dấu hiệu bị đè nén. Đấy là một vài điển hình, xảy ra đối với một vài vấn đề nhỏ. Và còn bao nhiêu rường hợp, bao nhiêu vấn đề quan trọng khác liên quan đến giáo dục, đến kinh tế, chính trị, thực thi pháp luật, đến quốc gia đại sự mà ở đó sự phản biện đang bị đè nén? Bao nhiêu đứa con trong gia đình được thoải mái trình bày, được phản đối cha mẹ, ông bà, được được bày tỏ và được tôn trọng? Còn bao nhiêu ông bố bà mẹ một hai bắt con phải phải răm rắp làm theo sự sắp đặt của mình? Và, ngay từ trong gia đình, phản biện đã bị đè nén, tâm lý bị đè nén ngay từ trong trứng nước sẽ có dịp vỡ òa và thảm họa giá đình cũng đã xảy ra từ hệ lụy của nó.
Thực trạng vẫn đầy dẫy những tội ác, thảm họa nhưng đâu đó vẫn còn có những tấm gương về sự hiếu thảo, về tình yêu, về lòng nhân ái, những câu chuyện cảm động về gia đình. Tuy nhiên, liệu nó có được nhân rộng, nó có biến thành nhận thức chung nhất, nền tảng nhất của một xã hội văn minh hay chỉ là Cristiano Ronaldo của đội tuyển bóng đá Bồ Đào Nha trong mùa Euro 2012. Nếu thế thì đúng là thảm cảnh và người Việt Nam có thực sự hạnh phúc với tin “Người Việt Nam hạnh phúc thứ 2 trên thế giới”, rồi “Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 2 trên thế giới” theo đánh giá của Quỹ Kinh tế mới (NEF) dựa trên chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI).
Jalau Anưk
Nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6
( Nguồn : tamlytrilieu.wordpress.com )