Kỹ năng Làm việc nhóm
14/11/2012
Những vấn đề về phát triển của trẻ nhỏ.
30/11/2012
Kỹ năng Làm việc nhóm
14/11/2012
Những vấn đề về phát triển của trẻ nhỏ.
30/11/2012

Trong việc tư vấn và trị liệu tâm lý cho trẻ em có những rối nhiễu tâm lý như Chậm nói, hiếu động, sợ hãi, căng thẳng do stress, hay có tình trạng tự kỷ, các nhà tâm lý, chuyên viên tư vấn làm việc tại các bệnh viện, phòng khám và các trung tâm, văn phòng tư vấn …

thường vận dụng nhiều phương pháp tư vấn, can thiệp và trị liệu do việc đào tạo xuất phát từ nhiều quan điểm, nhiều nguồn khác nhau.

            Một trong những phương pháp đó là trị liệu hệ thống( thérapie systemique) , đây là một phương pháp trị liệu tâm lý gia đình tuy chỉ mới được vận dụng một cách dè dặt, chưa mang tính chuyên nghiệp cao do những người vận dụng chưa hoàn toàn nắm vững những kỹ năng và các công cụ của phương pháp này, nhưng cũng đem lại một số hiệu quả do các công cụ của phương pháp này đã bước vào được trọng tâm của tình trạng rối nhiễu, đó là những vấn đề về các mối quan hệ trong gia đình.

            Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rối nhiễu nói trên nơi trẻ em là do các mối quan hệ trong gia đình không ổn định. Vì vậy, khi sử dụng phương pháp trị liệu hệ thống để giúp cho cha mẹ các em nhìn ra vấn đề, hay thay đổi được cách nhìn về tình trạng rối nhiễu của các em thì nhà tâm lý đã tiến được một bước dài trong tiến trình tư vấn và trị liệu cho trẻ.


I. ĐẠI CƯƠNG

            Trị liệu Hệ thống là một trong những phương pháp trị liệu gia đình được xây dựng từ những năm 1955 – 1956, từng bước hình thành các khái niệm và biện pháp cũng như các công cụ trong thập niên 1980 với các nhà tâm lý như Murray Bowell, Salvador Minuchin hay bác sĩ tâm thần Boszormenyi Nagy… Phương pháp này tìm kiếm các yếu tố của gia đình, hay đúng hơn là của các thành viên trong gia đình có khả năng tác động lên tâm lý một cá nhân, phát hiện những chiều kích đa dạng trong các mối quan hệ, sử dụng và khai thác cây gia hệ (génogramme) để phát hiện những mối tương quan xuyên thế hệ, những bí mật hay huyền thoại trong gia đình hay sự rối loạn chức năng( dysfonctionnelles) của gia đình để từ đó đưa ra những biện pháp tác động thích hợp.

            Trị liệu hệ thống không đi sâu vào quá khứ thân chủ như phương pháp phân tâm, nhưng lại vận dụng một số hình thức tâm kịch như tạc tượng, chiếc ghế trống trong việc trị liệu gia đình để thân chủ tự bộc lộ cái tôi ( Ego) hay xác định vị trí của nạn nhân chỉ định, (patient désigné) cũng như đưa ra những cách nhìn mới về cái siêu tôi – sự cá biệt hóa trong hệ thống gia đình. Phương pháp này không đặt nặng việc phát hiện ra những nguyên nhân gây ra các rối nhiễu tâm tâm lý nhưng lại nhắm đến việc giúp cho các thành viên trong gia đình tái cấu trúc lại các mối quan hệ, các vai trò và xác định vị trí của mình, để từ đó có một cái nhìn tích cực hơn về các vấn đề của gia đình mình.

            Có thể nói phương pháp Trị liệu Hệ thống đã giúp cho các nhà tư vấn với tư cách là một người can thiệp về tâm lý có trong tay những cơ sở lý luận rõ ràng và những công cụ rất cụ thể trong việc chẩn đoán tâm lý thân chủ, hầu đưa ra được những gợi ý hỗ trợ không chỉ cho bản thân người được tư vấn, mà còn cho cả hệ thống gia đình. Điều này đặc biệt cần thiết trong các trường hợp rối nhiễu tâm lý ở trẻ em, khi mà những mối quan hệ không hợp lý với cha mẹ, anh chị hay vị trí không rõ ràng của đứa trẻ trong gia đình thường là một trong những nguyên nhân dẫn đến hay làm nặng hơn tình trạng của đứa trẻ.

 

II.CÁC CÔNG CỤ:

Trong sự hiểu biết của chúng tôi chưa có một liệu pháp tâm lý nào lại giúp cho nhà tâm lý có được nhiều công cụ đơn giản và cụ thể như phương pháp trị liệu Hệ thống. Vì thông thường khi tiến hành việc can thiệp mang tính trị liệu, đặc biệt là đối với trẻ em, các nhà tâm lý (tại VN) có thể dựa trên một số công cụ như các test tâm lý (đặc biệt là các test phóng chiếu như vẽ hình người, vẽ hình gia đình – Test CAT …) để rồi từ đó thông qua một vài nguyên tắc trong Tâm lý vận động ( Psychomotricité) hay liệu pháp hành vi và nhận thức, trò chơi với con rốí … để phối hợp với các kinh nghiệm về giáo dục của bản thân nhà tâm lý để đưa ra những lời khuyên, những tác động mang tính thăm dò.

Mặc dù trong tiến trình trị liệu tâm lý cho trẻ em có vấn đề, có thể tiến hành một số liệu pháp tâm lý cá nhân như sử dụng hình vẽ, trò chơi với cát, nước, chơi với con rối, đóng kịch …nhưng việc áp dụng một số công cụ thích hợp của phương pháp trị liệu hệ thống trong các buổi tiếp xúc ban đầu sẽ giúp cho gia đình các em có điều kiện cộng tác, tham gia vào tiến trình trị liệu, cũng như làm sáng tỏ một số những vấn đề xung quanh các mối quan hệ, đặc biệt là với mối quan hệ tam giác: Bố – mẹ – con mà các phương pháp trị liệu khác không quan tâm lắm.

Trước tiên, đó là việc xây dựng một cây gia hệ. Có thể nói, đây là một công cụ cơ bản được sử dụng trong hầu hết mọi trường hợp. Với góc nhìn bình thường, thì một cây gia hệ được hình thành với 3 thế hệ : Ông bà, cha mẹ, con cái và được xem là bảng tóm tắt về các vị trí trong gia đình để mô tả các thông tin của các thành viên một cách ngắn gọn, giúp cho nhà trị liệu có được cái nhìn tổng quát hơn. Nhưng với một nhà can thiệp theo quan điểm hệ thống, thì cây gia hệ là một bản giới thiệu khá rõ ràng về các mối quan hệ đa đạng của các thành viên, nó phản ảnh một cách sinh động sự liên kết, chống đối hay xác định vị trí của một con bệnh chỉ định, một nạn nhân đang phải hứng chịu các áp lực cũng như cho thấy những nhân vật có quyền lực thực sự hay ngấm ngầm trong gia đình, từ đó giúp cho người can thiệp có thể hình dung rõ hơn về những phương pháp hay công cụ cần tiến hành.

Tiếp theo là sơ đồ của các mối quan hệ. Sơ đồ này được hình dung như một vòng tròn mà tâm điểm chính là đứa trẻ. Từ vị trí trung tâm, ta sẽ nhận ra các mối quan hệ yêu thương, kính trọng hay hờ hững, căm ghét với các thành viên khác trong gia đình. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, sơ đồ này được chia làm 4 phần cho 4 khu vực quan hệ là gia đình, họ hàng, bạn bè và nhà trường.

Với trẻ em, nhất là với các trẻ rối nhiễu tâm lý thì việc khai thác các thông tin cho công cụ này thường phải thông qua cha mẹ cũng như một vài phương pháp khác như vẽ hình (Hình người ,hình gia đình và hình tưởng tượng ) chơi trò chơi với các con rối hay một vài test phóng chiếu.

Việc xây dựng sơ đồ các mối quan hệ sẽ giúp cho nhà tâm lý chỉ ra những khó khăn trong các mối quan hệ của trẻ, mà đôi khi cha mẹ không nhìn ra hay không muốn chấp nhận.

Một công cụ khác nữa là sơ đồ phụ thuộc, đây là một sơ đồ cho thấy rõ những mối quan hệ tích cực cũng như tiêu cực, sự gắn chặt hay phụ thuộc của các thành viên trong gia đình. Theo quan điểm bình thường, thì con cái thường phụ thuộc vào cha mẹ,vợ phụ thuộc vào chồng, em phụ thuộc vào anh chị… nhưng thông qua sơ đồ này, ta có thể phát hiện ra những sự phụ thuộc khác thường, có khi cha mẹ lại phụ thuộc vào đứa con. Có khi một đưá trẻ khuyết tật, yếu ớt, bệnh hoạn lại là trung tâm quyền lực. Từ đó, một lần nữa có thể xác định được nạn nhân chỉ định, mà đôi khi không phải là đứa trẻ do cha mẹ đưa đến để chăm chữa.

Ngoài các công cụ trên, còn có các công cụ hay liệu pháp khác như :

          Liệu pháp chiếc ghế trống: Trong buổi gặp gỡ gia đình, nhà trị liệu sẽ đặt một chiếc ghế trống, tượng trưng cho người vắng mặt ( nếu có ) và sẽ hỏi thăm – chủ yếu là hỏi thăm các người con có suy nghĩ gì về người vắng mặt và đặt ra một giả thuyết, nếu người đó có mặt ở đây, thì họ sẽ nghĩ gì – Qua liệu pháp này, nhà trị liệu sẽ hiểu được phần nào mối quan hệ của các thành viên trong gia đình đối với người vắng mặt một cách rất tự nhiên.

          Sự hình dung mang tính ẩn dụ mà các thành viên trong gia đình có thể nghĩ về nhau đây có thể nói là một dạng test phóng chiếu mang tính tích cực rất cao mà các thành viên trong gia đình khi tự nhận mình cũng như nghĩ về những người thân trong gia đình là một con vật, một món đồ hay một khung cảnh sẽ tự khám phá ra những tính cách, nhu cầu hay những hạn chế để từ đó sẽ tự đưa ra những điều chỉnh thích hợp.

          Trò chơi nặn tượng: Qua ngôn ngữ của cơ thể, hình dáng và dáng điệu của các thành viên trong gia đình, nhà trị liệu sẽ tìm ra ý nghĩa của vấn đề, điều này đòi hỏi một sự hợp tác tích cực của các thành viên và thường thích hợp với thanh thiếu niên hay người lớn hơn là trẻ em. Đây là một công cụ đòi hỏi nhà trị liệu phải có sự quan sát tinh tế, óc phán đoàn chính xác và có khả năng gợi mở, đưa ra những câu hỏi thích hợp cho mỗi một thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, đó không phải là những công cụ dễ sử dụng, nếu như người can thiệp không nắm vững các nguyên tắc, cũng như chưa tạo ra được sự hợp tác của gia đình.

 

III.THUẬN LỢI & KHÓ KHĂN

Có thể nói, hiện nay từ các bậc cha mẹ, các cặp vợ chồng, cho đến các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đời, thì việc xây dựng được cho mình những giá trị sống, hình thành được các mối quan hệ tích cực với những người xung quanh, quả là một điều không dễ dàng gì. Cuộc sống với những bất ổn hầu như bất tận của nó, đã vắt kiệt đi những nỗ lực của rất nhiều người, có những người đành phó mặc cho sự nổi trôi, chỉ biết sống được ngày nào hay ngày ấy, có những người lại trở nên tha hóa, tự đánh mất mình, sống bằng cái vỏ bọc bên ngoài – cái tôi giả qua những vai trò, vị trí mà họ nắm giữ mà cứ ngỡ đó là cuộc sống đích thực. Với quyền lực nhất thời trong tay, họ đã sống bằng sự sắm vai, và không còn khả năng cá biệt hóa – tách rời được những áp lực của cái tập thể mà họ tưởng như đang chỉ huy, nhưng chính tập thể đó mới là kẻ thống trị, đã đồng hóa con người của họ, cho đến một ngày họ bị đào thải thì lúc đó mới có dịp nhìn lại bản thân thì thường là đã muộn.

Trong một cuộc sống như thế, làm sao có thể giúp cho những người có nhu cầu tìm ra được những biện pháp đơn giản mà hữu hiệu, cụ thể và ổn định để có thể tạo được cho họ những cơ hội khám phá bản thân, hay đúng hơn là khám phá ra những cái tốt đẹp, những điều tích cực nhất, dù nhỏ bé dù mờ ảo nơi chính bản thân đầy rẫy nhưng sự bất toàn, kém cỏi của mình.

Tuy nhiên, còn sống là còn hy vọng. Cũng đã có không ít người đã vươn lên trong sự khắc nghiệt ấy, hình thành được tính cách cá nhân, tô điểm thêm cho bản sắc dân tộc những giá trị lâu dài, đem lại cho lớp trẻ sự tin tưởng để xây dựng những mối quan hệ bền vững hơn, tốt đẹp hơn.

Trong phạm vi làm việc với trẻ em, chúng tôi cũng đã gặp những bậc cha mẹ chưa có được những ý thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của mình, cũng như có những người đã đánh mất mình và gia đình trong cuộc sống tôn thờ giá trị của đồng tiền, và cũng có những gia đình hết sức hoang mang, lo lắng khi đứng trước những vấn đề của con cái mà nhiều khi, ngay cả với trình độ tri thức khá cao của mình, họ cũng không thể hiểu nổi, không thể tìm ra cho mình một giải pháp nào trong việc giải quyết những rối nhiễu của con cái khi mà xung quanh họ, những sách vở, kiến thức chung chung lại quá nhiều, còn những điều hiệu quả và cụ thể thì lại quá ít.

Vì thế, dù không phải là dễ vận dụng nhưng phương pháp Trị Liệu Hệ Thống cũng góp phần giúp cho nhà tâm lý có thêm những năng lực trong việc trợ giúp các gia đình củng cố hay thay đổi phần nào cái nhìn về hệ thống gia đình, từ đó tạo ra những biến chuyển tích cực cho các trẻ em có vấn đề về tâm lý trong gia đình của mình.

Cv.TL LÊ KHANH

Trung tâm GD KN RỒNG VIỆT

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý