Làm gương cho con
17/06/2012
Điều hành cuộc họp với 6 chiếc mũ
17/06/2012
Làm gương cho con
17/06/2012
Điều hành cuộc họp với 6 chiếc mũ
17/06/2012

Hiện nay – thứ tiếng được gọi là tiếng mẹ đẻ lại là một sản phẩm “ phối hợp 3 trong 1” giữa tiếng Hán – tiếng Nôm và bảng chữ cái La Tinh, và thứ tiếng này do các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo soạn ra ( với sự cộng tác của một vài thày dòng người Việt Nam) với mục đích là dùng để quảng bá tôn giáo.

Nhưng nhờ sự đơn giản dễ học, dễ viết ( nếu so với tiếng Hán hay tiếng Nôm ) nên thứ tiếng gọi là “ chữ Quốc ngữ – Tiếng nước ta” ngày càng phổ biến và phát triển mà đỉnh cao của nó là tác phẩm : Đoạn trường Tân thanh” của thi hào Nguyễn Du và đã được dùng thống nhất trên toàn cõi Việt Nam và cả những cộng đồng người Việt ở nước ngoài.


ĐÂU LÀ SỨC SỐNG CỦA TIẾNG VIỆT

Thế nhưng nếu nói là : “ Tiếng Việt giàu và đẹp chính là vì nó đã trường tồn sau lũy tre làng suốt 1000 năm Bắc thuộc, không bị bẻ cong bởi chữ Hán, chữ Pháp và Anh ngữ trong một thời gian khi các thế lực ngoại bang thực hiện sự “đồng hóa” văn hóa. Chính tiếng Việt đã tạo nên sự đậm đà, sâu lắng cho tâm hồn người Việt Nam thêm ý nhị, một dân tộc yêu thơ, văn và lao động cộng đồng” thì hoàn toàn không chính xác, bởi vì như đã nói , trong 1000 năm Bắc thuộc thì hầu như tiếng Việt cổ ( nếu có ) thì chỉ tồn tại qua ngôn ngữ nói ( và được lưu truyền qua các câu ca dao tục ngữ ) – vì thế khi vua Quang Trung lên ngôi, ngài đã muốn phục hưng tiếng Việt đã phải sủ dụng một loại tiếng là tiếng Nôm ( mà muốn học thì phải học tiếng Hán trước ! ) vì tuy đọc theo âm Việt, nhưng viết vẫn theo văn tự Hán ! còn Tiếng Việt đang dùng hiện nay là tiếng Quốc Ngữ do các giáo sĩ Tây Phương ( Bồ Đào Nha và Pháp ) sáng tạo ra khi người Pháp đặt chân lên đất Việt, nên nó không hề bị tiếng Hán bẻ cong, hay tiếng Pháp ( còn tiếng Anh thì mãi đến thế kỷ 19 mới xuất hiện ) mà phải nói ngược lại là người Việt đã dựa trên nền tảng tiếng Hán để hình thành nên tiếng Việt ( vì thế trong ngôn ngữ Việt có rất nhiều từ Hán – Việt ) và Việt hóa một số từ ngữ của tiếng Pháp và sau này cả tiếng Anh cũng thế.

Nói cách khác là Trung Quốc xâm chiếm nước ta trong 1000 năm, nhưng không đồng hóa được dân tộc Việt, mà còn “bị” dân Việt lấy tiếng Hán ra để tạo ra tiếng Nôm, rồi khi người Tây phương qua, đem tiếng La Tinh qua giảng dạy, và xâm chiếm nước ta hơn 100 năm, cũng không làm cho dân Việt trở nên một đất nước “annamít” nói toàn tiếng Tây ! mà trái lại những danh từ tiếng Pháp ( và một số tiếng khác) bị “Việt hóa” thành tiếng Việt luôn ! Vì thế, mặc dù đất nước và con người Việt Nam tuy bị xâm chiếm – nhưng văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam vẫn luôn trường tồn !



PHẢI CHĂNG TIẾNG VIỆT ĐANG SUY THOÁI

Tuy nhiên, sau bao nhiêu giông bão chiến tranh, đất nước và con người Việt Nam bị hủy hoại nghiêm trọng, nhưng nền văn hóa và ngôn ngữ Việt vẫn vững vàng, ấy vậy mà đến nay sau khi nước nhà thống nhất – Độc Lập được gần 40 năm ( Nếu kể luôn sự độc lập tạm thời của 2 miền Nam Bắc với sự ổn định của Văn hóa ) thì cũng gần 100 năm – Đất nước hoàn toàn có đủ nhân lực – vật lực để hình thành nên một ngôn ngữ phong phú, giàu đẹp và chuẩn xác. Ấy thế mà giờ đây , chúng ta , những người quan tâm đến “ Tiếng Việt còn – người Việt còn – người Việt còn – nước Việt còn” lại ngày càng ngao ngán hơn trước một hệ thống ngôn ngữ mà với cách giảng dạy ngữ pháp “ Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” đến nỗi tình trạng viết sai chính tả, sai văn phạm ngày càng lan rộng – Trước đây, chỉ có các người thất học, mới được “xóa mù chữ” ( chứ không phải chỉ là “xóa mù” như quen dùng – tưởng là chữa khỏi mù mắt )hay những học sinh dốt cấp tiểu học, cùng lắm là cấp trung học cơ sở , mà nay đã đươc “nâng lên một tầm cao mới” khi cả những người lớn, có ăn học đàng hoàng, cả sinh viên, cả giáo viên ( đi dạy trẻ em tiếng Việt ) cũng viết sai chính tả “từa lưa hột dưa” !

Điều đó có phải là do thế hệ “100 năm trồng người” của chúng ta quá dốt, không thể viết đúng chính tả nổi hay là do từ một hệ thống giáo dục quá chắp vá sau bao nhiêu lần “cải cách” “đổi mới” ( mà chưa biết đến bao giờ mới đổi xong) nên đã sản sinh ra một loạt con người không biết dùng cho chuẩn xác ngôn ngữ mẹ đẻ ?

Còn nếu nói rằng : “ Nhưng trong đời sống hiện đại, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ cũng đã chỉ ra, nhiều biểu hiện sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện, xu hướng lai căng, “lạm phát” sử dụng các yếu tố tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh.

Sự “sáng tạo” một cách vô nguyên tắc, tạo ra xu hướng quái dị, kì quặc trong sử dụng ngôn ngữ, thậm chí là đi ngược lại với đạo lý truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cũng là một cách thể hiện sự sa sút về nhân cách.” Cũng không đúng lắm, vì chả cần đến các nhà nghiên cứu ngôn ngữ mới có thể chỉ ra, chỉ cần đi ra ngoài đường, chỉ cần đi vào các văn phòng, quán café, và vào các diễn đàn (forum) trên “mạng toàn cầu” (internet) và trên báo chí, trên đài TH là đã nghe, đã đọc hàng loạt những từ ngữ quốc tế có nguồn gốc từ tiếng Pháp, tiếng Anh lẫn lộn trong ngôn ngữ nói và viết… Trong một mức độ nào đó, đặc biệt là với các thuật ngữ về khoa học mà chủ yếu là về công nghệ thông tin, thì chúng ta cũng có thể dùng tiếng Anh cho tiện, điều đó không sao, vì đó được xem là một loại tiếng quốc tế rồi , nhưng còn với các từ ngữ bình thường, mà ta hoàn toàn có thể dùng tiếng Việt thậm chí là mang tính chính thức thì tại sao lại cứ phải dùng tiếng Anh ? ( có những tờ báo, tạp chí, trang web, diễn đàn .. nhất định dùng từ : tuổi teen chứ không thèm dùng từ tuổi hoa niên hay thiếu niên hay tuổi trẻ ! để chỉ một lứa tuổi từ 12 – 17 tuổi ! bán hàng thì nhất định dùng sale off chứ không thèm dùng từ giảm giá, đại hạ giá ! )

Chúng ta cũng không cần phải lên án giới trẻ đã sử dụng những “ngôn từ” kỳ dị bởi vì đó được xem là một dạng tiếng lóng, nó xuất hiện theo từng giai đoạn lịch sử, và có thể kéo dài một thời gian rồi sẽ biến mất hay thay thế bằng một từ khác ( thí dụ : Những từ như: cù lần, sức mấy, bỏ đi tám hay ông già Khốt ta bít ( gọi tắt là cụ khốt ) ông bô, bà bô … đã không còn dùng nữa ) các bạn trẻ có thể và có quyền dùng nó trong giao tiếp, trong các bức điện thư ( Email) hay các phòng tán gẫu (chatroom) trên mạng – Còn ai không đọc được ? ráng chịu cho wen ! Nhưng các bạn không được dùng nó vào các bài viết trong học tập – Vì trong giáo dục, ngôn ngữ phải chuẩn xác. Thế nhưng, nếu các bạn í vặn lại : thế nào là ngôn ngữ chuẩn xác thì sẽ có lắm, vị “ hàn lâm viện sĩ” nhà ta không biết trả lời sao bởi vì trong các cuốn sách giáo khoa – là những sách chuẩn mực để dạy sự chuẩn xác lại đầy rẫy những lỗi văn phạm, chính tả ngô nghê – đầy rẫy những thông tin sai sự thật ( nhất là trong các bài học về Lịch sử )

Một vấn đề được đặt ra là : “ Theo PGS- TS Đặng Ngọc Lệ, Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học VN, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TPHCM, giới trẻ hiện nay thích sử dụng ngôn ngữ “chat” trong giao tiếp và hành văn là do tâm lý muốn mình phải khác người. Nhưng theo người viết, có rất nhiều cách để có thể “khác người” thông qua sự cố gắng rèn luyện trong học tập và lao động.

Như chàng thành niên 9X Lê Quang Liêm có vẻ ngoài không @ nhưng lại là Đại Kiện tướng quốc tế. Như vậy đâu cần phải đi xe @, nói ngôn ngữ @, mua hàng hiệu @ là có thể khác người và để giành lấy cái vị nể của thói đua đòi theo kiểu “công tử Bạc Liêu”?

Như vậy liệu có mất gốc? Câu hỏi đó chắc chắn sẽ ám ảnh nhiều nhà ngôn ngữ học Việt Nam có tâm huyết trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong bối cảnh ngôn ngữ @ bủa vây đời sống xã hội” Theo thiển ý thì chuyện dùng ngôn ngữ “chat” ( tại sao không dùng chữ Tiếng lóng ? mà đâu phải chỉ có trong “chat” mới dùng – các bạn trẻ dùng để nhắn tin trong điện thoại – trong điện thư gửi cho nhau nữa chứ ) không phải là do tâm lý muốn mình khác người ( 10 bạn trẻ thì hết 8 người dùng các loại tiếng lóng thì còn gì là khác người ? ) mà đó chỉ là một “hiệu ứng đám đông” chính vì sợ bị cho là “khác người”– tức khác những bạn trẻ khác , các em mới chịu khó tập tàng dùng “ngôn ngữ giới trẻ” với nhau, còn tại sao lại thích thì tại thấy người khác dùng, mình không dùng sợ bị chê là nhà quê, không sành điệu…   Tuy nhiên, nếu chỉ soi vào tình trạng dùng ngôn ngữ lóng này để gọi là mất gốc thì có lẽ không đến nỗi như thế – vì đâu phải chỉ có giới trẻ Việt Nam mới dùng từ lóng – giới trẻ ở Pháp Mỹ Anh hay hầu như bất cứ nước nào cũng dùng những từ lóng , mà có nhà ngôn ngữ học nào của họ lo lắng là mất gốc đâu ?

Cái mà có thể gọi là mất gốc thì trước hết, chính các phụ huynh ( là những người lớn – có ăn học đàng hoàng, thậm chí là bằng cấp cùng mình ) phải xem lại từ cái tư tưởng : “ muốn con giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt – muốn con nói tiếng Anh như gió ngay từ khi còn nhỏ – còn tiếng Việt có ngọng níu ngọng no thì cũng không sao và muốn con nói tiếng Anh giỏi thì cả nhà cũng cần giao tiếp bằng tiếng Anh cho trẻ thấm” cái tư tưởng đó mới đáng sợ ! mới đáng gọi là mất gốc !

Ngoài ra, khi nghe các bạn dân văn phòng ( cũng là các bạn trẻ đã thành đạt – các bà mẹ trẻ, ông bố trẻ làm trong phòng máy lạnh ) mà trò chuyện với nhau thì không dưới 30% câu chữ mà họ dùng là tiếng Anh – tiếng Anh pha với tiếng Em ( Việt ngữ) loạn xà ngầu – mà pha càng nhiều thì lại càng chứng tỏ ta đây là dân trí thức, có học ! Có lần tôi nói chuyện với 2 quý bà trí thức – một quý bà là một thạc sĩ ở Mỹ về ( Việt Kiều ) và một quý bà là người Việt “chăm phần chăm” thì quý bà Việt Kiều nói hầu như là 98% tiếng Việt – chỉ có một vài từ là tiếng Anh và nói rất chuẩn – còn quý bà người Việt thì nói khoảng 60% là tiếng Anh và nghe thật là boring ! và có một số từ dùng tiếng Anh không đúng cái nghĩa cần phải có của nó. Thậm chí, có một vị quản lý ( người Việt )trong một công ty ( có yếu tố nước ngoài ) khi đặt hàng nói chuyện về tâm lý trẻ em cho các ông bố bà mẹ ( là nhân viên người Việt của công ty đó ) với tôi – đã đưa ra 2 gợi ý đề tài bằng tiếng Anh ( vì không biết diễn tả bằng tiếng Việt làm sao cho chuẩn ! ) Đấy, cái đó mới đáng sợ ( mất gốc ) hơn là việc một bạn trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” mà đã biết sử dụng cái ngôn ngữ như mật mã làm đau đầu các ông bố, bà mẹ !

Cuối cùng – một vấn đề cũng khá lý thú được nói đến là trong bảng chữ cái tiếng Việt, có những chữ bị “kỳ thị” không được đưa vào hệ thống là chữ Ă – Â, Ê, Ơ, Ô, Ư và Đ ( như đánh số thứ tự thì luôn là ABCD, chứ không bao giờ đánh số A,Ă, Â, B, C, D, Đ cả ) và lại có những chữ ngoài luồng vẫn được sử dụng thường xuyên ( kể cả việc đánh số thứ tự ) là F,J,W, và Z. Như vậy, đã đến lúc phải chuẩn hóa tiếng Việt chưa? Bài viết cũng có nói 2 quan điểm là : “ Giải pháp khả thi, theo Tiến sĩ Lê Vinh Quốc là phải “bổ sung bốn chữ F, J, W, Z vào bảng chữ cái hiện hành. Sau đó sẽ từng bước xem xét về những tác dụng mới của bốn chữ này”. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng không nên thêm bốn chữ cái này vào bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “bảng chữ cái là thể hiện cách phát âm Việt Nam, không thể bổ sung bất cứ cái gì được. Bổ sung W vào đây thì phát âm thế nào? Một khi đã thêm vào thì phải có sự phân công nhiệm vụ các chữ cái này. Nếu chữ “F” thay “PH” thì sửa hết sách? Mà Thông tư là văn bản quy phạm pháp luật phải theo”.

Còn bạn đọc Phạm Trinh của báo Tuổi Trẻ thì viết: “Bản thân tôi cũng là thế hệ cuối 8X. Không phải tôi cổ hủ hay không chịu tiếp thu cái mới, nhưng thêm làm gì khi cách phát âm của bốn chữ cái đó đều có thể dùng bảng chữ cái cũ để diễn đạt. Thêm các chữ cái kia vào là một việc vẽ vời mất thời gian, tốn tiền để chỉnh sửa bảng chữ cái đang rất VN thành một thứ lai căng, rồi phải in lại sách và những hiệu ứng domino khác gây khó khăn cho giáo dục”.


CẦN PHẢI LÀM GÌ ?

Vấn đề là ở chỗ chuyện việc thêm các chữ tiếng nước ngoài vào một bản chữ cái tiếng Việt có phải là cần thiết hay không vì nên nhớ, người tạo ra bộ mẫu tự này là người nước ngoài ( các giáo sĩ ) tại sao họ không dùng chữ J thay cho âm GI ngay từ đầu ? hay không đưa chữ F thay cho PH cho tiện ? và dùng luôn chữ W, chữ Z, cũng như tội vạ gì mà phải “chế thêm” các chữ Â, Ă, Ơ, Ô , Ê, Ư, Đ cho khổ đời ? bởi vì khi đặt ra các mẫu tự để có thể viết được cái ngôn ngữ nói, họ cũng phải xem xét cách phát âm, vì thế ngay từ đầu đã có những từ như “ Chúa Blời” sau đó được sửa lại thành Chúa Trời – đó là những điều chỉnh theo âm cho đúng – Còn những từ có các chữ trên, đều là tiếng nước ngoài, khi đưa vào tiếng Việt thì nó dù được hiểu ngay theo nghĩa tiếng Việt ( thí dụ : File – trang web … )nhưng nó vẫn là tiếng nước ngoài 100% được hòa nhập chứ không hòa tan trong giòng chảy ngôn ngữ Việt – vì thế cũng chả cần phải cấp quốc tịch Việt cho nó làm gì – Chỉ sợ khi “bê” nó vào thì áo dài thành áo zài, phở tái thành Fở tái mới là “lai căng” thứ thiệt ! lúc đó thì tiếng Việt mới hết là tiếng Việt ! Vì thế, chỉ cần sử dụng cho đúng những gì đã có trong từ vựng và văn phạm Tiếng Việt một cách chuẩn xác là đã làm điều tốt nhất cho ngôn ngữ của chúng ta rồi !  Nhưng liệu có làm được điều đó không khi mà ngay cả sinh viên còn viết sai chính tả ?

Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý