Danh mục: Tư Vấn

  • NHÌN LẠI DÒNG ĐỜI

    NHÌN LẠI DÒNG ĐỜI

    Trong dòng chảy của lịch sử, cuộc đời tôi cũng như những người cùng trang lứa cái tuổi 65, biến cố 1975 như một bước ngoặc tàn nhẫn đã làm thay đổi biết bao số phận. Với tôi đó củng là một biến cố thay đổi cuộc đời. Điều may mắn là trong 20 năm đầu cuộc sống, tôi được hấp thu hai nền tảng giáo dục tuyệt vời :

    • Nền tảng giáo dục nhà trường từ tiểu học, trung học đến một năm đầu của ngưỡng cửa đại học, của VNCH. Dù chưa hoàn thiện như những bậc đàn anh, nhưng cũng giúp cho tôi những kiến thức cơ bản về nhận thức để có thể trôi trên dòng đời mà không bị những dòng xoáy của sự vô cảm và vong thân rồi mất định hướng như rất nhiều những bạn trẻ sau này.
    • Nền tảng giáo dục ngoài trời của phong trào Hướng Đạo, dù chỉ hơn 10 năm tham gia ( từ 1968 – 1975 và 2 năm sau đó từ 1991 – 1993 ) Chính những kỹ năng sống của phong trào HĐ đã giúp tôi từ một cậu bé nhút nhát, thụ động, hướng nội và không có tài cán gì, đã trở thành một thanh niên khéo tay có thể thích nghi với những xáo trộn trong cuộc đời một cách tự tin.

    Nhờ hai nền tảng đó mà sau này dù có nhiếu biến cố xáo trộn trong cuộc sống cũng không làm tôi mất đi những giá trị sống cơ bản của con người. Cho đến nay, nhìn lại những gì mình đã trải qua các giai đoạn trong cuộc sống, thì mỗi một giai đoạn dù khác biệt, nhưng cũng tạo ra những vốn liếng cho các giai đoạn sau .

    Sau gần 10 trôi nổi với đủ thứ nghề tạm bợ thì  những năm tháng làm việc ở Bệnh Viện Tâm Thần ( lúc đó là Trung tâm sức khỏe Tâm thần ) đã tạo cho tôi nền tảng và những hiểu biết dù rất hạn chế, nhưng cũng đủ làm cơ sở để bước vào một lĩnh vực cực kỳ thú vị : Ngành tâm lý lâm sàng trẻ em với một người thầy mà tôi luôn kính trọng : Cố BS Nguyễn Khắc Viện, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam.

    Lần dầu tiên được đặt chân ra Hà Nội vào những năm 1991 – 1993, rồi 1995 cho đến 2000 để học tập và có được một học bổng ở Pháp trong Lĩnh vực Tâm lý Lâm sàng trẻ em, đã giúp tôi xác định được hướng đi của cuộc đời. Có thể nói, so với bây giờ thì những kiến thức và thông tin về tâm bệnh lý trẻ em, những rối nhiễu tâm lý và nhất là những hiểu biết về một dạng trẻ đặc biệt là trẻ Tự kỷ hay rối loạn phát triển là rất  sơ khai , nhưng đó là những giá trị nền tảng , mà cho đến nay , sau gần 30 phát triển, ngành tâm bệnh lý trẻ em, ngoài trừ những bước tiến do nhu cầu của xã hội về trẻ tự kỷ hay trẻ Chậm phát triển Trí Tuệ, về cách đánh giá, các phương pháp can thiệp . Thì những kiến thức về tâm lý trẻ em hay các rối nhiễu tâm lý vẫn không khác mấy so với với những năm 90 và đầu thập niên 2000.

    Bước tiếp theo là tôi theo học ngành Công Tác Xã Hội khóa đầu tiên năm 1992 – dù chỉ một thời gian ngắn hơn 3 năm cũng giúp tôi có được những kiến thức nền về ngành CTXH, một lĩnh vực cũng non trẻ không kém gì so với ngành Tâm lý lâm sàng Trẻ em . Nhưng nhờ có sự thúc đẩy của các NGO nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam, hoạt động mạnh mẽ trong giai đoạn đó mà ngành CTXH phát triển vượt bậc, vươn tầm ra khắp đất nước và đào tạo ra nhiều nhân tố tích cực với trình độ kiến thức sâu rộng cũng như tạo ra được những biến chuyển tích cực trong xã hội.

    Với những kiến thức về Công Tác Xã hội, tôi tham gia vào trong lĩnh vực Giáo dục kỹ năng sống để sau đó, theo nhu cầu xã hội đã tạo thành một trào lưu phát triển các hoạt động Giáo dục kỹ năng sống rầm rộ tại các thành phố lớn, tạo ra những khóa huấn luyện như Học Kỳ Quân Đội , các chương trình đào tạo “thần đồng” như Tôi tài giỏi, tôi khác biệt …dường như đã thổi một luồng gió mới vào các giá trị sống, các kỹ năng mềm cho thanh thiếu niên từ những năm 2010. Nhưng đến nay tiếc thay hoạt động giáo dục KNS trong nhà trường cũng như ngoài xã hội lại đi vào những lối mòn của cách dạy hàn lâm, lý thuyết nhiều hơn thực hành và gần như là những “phong trào mì ăn liền” . Điều này không góp phần được bao nhiêu cho sự phát triển một nhu cầu thiết yếu của trẻ em ngày nay : Đó là việc hình thành nhân cách để trở nên một học sinh tự tin và chủ động trong cuộc sống. Giúp trẻ thoát ra được hai hội chứng tai hại : Hội chứng con cưng và hội chứng Gà công nghiệp.  Cũng như  một vấn nạn chưa có lời giải : Nạn nghiện Games online khi mà mạng lưới Internet phát triển như vũ bão và thế giới kỹ thuật số ngày càng xâm nhập vào cuộc sống tại mỗi gia đình, đem lại những tiện ích nhưng đồng thời có những tác hại không hề nhỏ.

    Có một điều cũng gọi là may mắn, dù chưa được công nhận nhưng phong trào Hướng Đạo, từ những hoạt động dè đặt trong buổi đầu phục hoạt những năm 1993 – 94. Đến nay cũng phát triển mạnh mẽ ở các thành phố lớn, chủ yếu trong Miền Nam từ Huế trở vào. Hà Nội cũng có được một vài đơn vị, đã góp phần vào việc hướng dẫn kỹ năng sống với các hoạt động ngoài trời cho một số các bạn trẻ. Cho dù so với trước 1975 chưa có được một hệ thống đào tạo bài bản từ lứa tuổi trẻ em cho đến thanh thiếu niên, thì Hướng đạo trong giai đoạn này cũng góp phần giúp cho các bạn trẻ có được những giá trị sống tích cực.

    Một trong những giai đoạn hoạt động nhiều cảm xúc nhất, khiến tôi đầu tư nhiều năng lực nhất, nhưng lại gặp phải những thất bại cay đắng nhất là giai đoạn tổ chức một đơn vị Giáo dục Kỹ năng Sống và tư vấn tâm lý tại TP Vũng Tàu. Có thể nói, đây là một nỗ lực với nhiều mơ mộng nhất, và những cách tổ chức “tài tử” nhất ! Nhưng đã giúp tôi rút ra một bài học sâu sắc là không nên làm gì những điều quá tầm, không nên ôm đồm quá nhiều việc trong cùng một lúc.

    Người ta thường nói : Có đam mê là có tất cả, nhưng thực ra đam mê chỉ là một động lực khiến ta có thể dám bước đi, nhưng nếu không có đủ kiến thức và vốn liếng cả tinh thần lẫn vật chất thì chắc chắn sẽ đưa đến những thất bại. Đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm mà tôi cũng như bao nhiêu người Việt Nam khác, không biết, không thể và có khi không muốn vận dụng. Chính điều này khiến cho hầu hết các hoạt động trong lĩnh vực Tâm lý, Giáo dục đặc biệt cũng như Giáo dục Kỹ năng sống đều manh mún, mạnh ai nấy làm, không hình thành nổi những hệ thống mạng lưới có thể hỗ trợ và làm việc cùng nhau.

    Điều này không thể trách bất cứ một thế hệ nào, vì cho đến tận bây giờ, từ các tập thể nhỏ cho đến các công ty lớn, các tổ chức đơn giản của trẻ em trong lớp học cho đến các tập thể lớn ngoài xã hội, thì khả năng làm việc nhóm ở mỗi tập thể là điều hiếm có ! Sự thành công ở một đơn vị nào đó, phần lớn là dựa vào tài năng của những người tổ chức cộng với sự may mắn của thời cuộc, hơn là do kết quả làm việc của một Team đoàn kết, găn bó.  Điều này cho thấy đó chính là tâm lý  của người Việt : tinh thần gia đình vượt lên trên tinh thần tập thể ! Những tổ chức hay công ty gia đình, hoặc vận hành theo tinh thần gia đình  dễ điều hành và ổn định  hơn các công ty tập thể hoạt động theo tinh thần đồng đội!

    Sau giai đoan “nép mình” trong thành phố Biển thì cũng một bước ngoặc khác tạo cho tôi cơ hội bước ra ngoài xã hội, một mình một kiếm để “vuốt râu hùm” đi đào tạo, huấn luyện ở các thành phố chủ yếu là ngoài Bắc từ năm 2014.  Hoạt động này đã cho phép tôi được rong chơi nhiều địa danh, thắng cảnh và thưởng thức những món đặc sản khắp nơi, biết thêm nhiều người, nhiều tấm gương về học tập và lập nghiệp của các bạn trẻ. Cũng học được nhiều bài học về tình người…Đồng thời là dịp bước vào một tập thể thật dễ thương và gắn kết : Trung Tâm Giáo dục Kidstime với những hoạt động và những kỷ niệm khó quên.

    Cũng giống như phong trào giáo dục kỹ năng sống, những hoạt động của tôi cùng các lớp tập huấn về tâm lý và giáo dục đặc biệt, đã tạo nên một làn sóng tập huấn của các “cao thủ võ lâm” vốn dĩ xưa nay “đóng cửa luyện công” nhưng nhờ cú huých của một chuyên viên tâm lý ham chơi, mà các anh hùng hảo hán đã bung ra với rất nhiều các buổi huấn luyện, đào tạo .. hội thảo, tọa đàm… đủ loại. Nhờ đó đã giúp cho rất nhiều các bạn sinh viên có cơ hội biến thành giáo viên giáo dục đặc biệt, chỉ sau vài khóa huấn luyện, cũng như giúp cho nhiều phụ huynh mở rộng kiến thức, không chỉ để mang về dạy con, mà còn có thể mở lớp, mở trường, mở ra các khóa đào tạo tại địa phương với tinh thần : Điếc không sợ súng ! Nhưng cũng là một trào lưu khiến cho hoạt động giáo dục trẻ đặc biệt trăm hoa đua nở, với những điều tiêu cực bên cạnh những giá trị tích cực, giúp ích cho nhiều gia đình cải thiện được tình trạng con em,  và cũng khiến cho không ít gia đình “tiền mất, hy vọng tan” tiếp tục hành trình “vái tứ phương” với những phương pháp thần kỳ chưa kiểm chứng ngày càng nở rộ, nhờ một cái chợ trời cực kỳ rộng lớn : Mạng xã hội Face book!

    Tôi là người không thích cách hoạt động “theo phong trào” nhưng lại vô tình là một thành viên trong giai đoạn đầu của những hoạt động tạo ra các phong trào : Đầu tiên là phong trào thành lập một loạt các trường Tương Lai  ( Dạy trẻ Chậm phát triển ) rồi các trường Hy Vọng ( dạy trẻ Khiếm Thính ) của thập niên 1990 – 2000 của BV Tâm Thần TPHCM. Sau đó là các trung tâm dạy kỹ năng sống của thập niên 2010 cho đến nay. Rồi cũng là một tác nhân tạo ra hàng loạt các khóa huấn luyện trong lĩnh vực can thiệp, giáo dục trẻ đặc biệt .

    Từ khi làm việc trong lĩnh vực tâm lý trẻ em và giáo dục đặc biệt,  tôi chưa hề thành công ở bất kỳ cơ sở  nào ! Nhưng cũng có thể nói mình như một kẻ khai phá với những bước chân đầu tiên, để rồi trong các cơ sở đó, những người kế tiếp với tài năng và kinh nghiệm hơn hẳn, đã đem lại thành công cho nhiều hoạt động khác nhau trong phạm vi tâm lý lâm sàng và Giáo dục đặc biệt. Điều này cũng có thể nói là nỗi buồn, nhưng “tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc ! Nhìn những nơi mình đã từng ngồi xuống đứng lên, nhỏ những giọt mồ hôi cho đến vắt kiệt chất xám để tạo ra những giá trị, mà nay vẫn hoạt động một cách tốt đẹp, thì cũng cảm thấy vui và hài lòng vì đó cũng gọi là cống hiến !

    Cho đến nay, đầu đã hai thứ tóc, đã vấp ngã nhiều phen, đã có nhiều giấc mơ không thành, nhưng cái nết đánh chết không chừa , lại tiếp tục đưa tôi đến một vùng đất xa lạ, nhưng ngày càng gắn bó – Vùng Chợ Mới An Giang với những người dân hiền lành chất phác cởi mở , lại tạo cho tôi những ước mơ không hề nhỏ : Có một cộng đồng phát triển cho các trẻ đặc biệt.  Đây là một quan điểm có nhiều khác biệt với cái nhìn chung về trẻ Tự kỷ hay trẻ đặc biệt. Hầu hết các gia đình cũng như các tổ chức giáo dục, đều mong muốn đưa trẻ tự kỷ vào hội nhập trong cuộc sống bình thường, với những trẻ có mức độ nhẹ thì điều đó là không khó. Nhưng từ mức độ trung bình cho đến nặng, thì việc cố gắng can thiệp hay trị liệu để “thoát khỏi tự kỷ” là một hành trình viễn tưởng. Sau giai đoạn can thiệp sớm khi bước vào lứa tuổi thiếu niên, thì cho dù có được một khả năng và kiến thức nhiều hay ít, thì các em vẫn không thể tự mình quản lý cuộc đời qua những mối quan hệ giao tiếp xã hội, mà vẫn phải lệ thuộc vào gia đình.  Cũng có người nghĩ đến mô hình “Làng Tự kỷ” để giúp đỡ các em có những hoạt động đời thường một cách an toàn trong một không gian tách biệt. Nhưng trong xã hội Việt Nam, thì kỹ năng làm việc nhóm vẫn là một hạn chế muôn đời, cho nên đó cũng sẽ là những kế hoạch chỉ khả thi trên …lý thuyết !

    Một năm gắn bó với vùng Chợ Mới – An Giang, trong ngôi nhà Diệp Quang, chưa phải là nhiều , nhưng với những người xung quanh, tuy vẫn chưa phải là một Team hoàn hảo, nhưng với lòng tôn trọng, sự cần cù, tinh thần yêu thương các trẻ đặc biệt như con cháu trong nhà , và nhất là với những định hướng phát triển : Biết người, biết ta của ban giám đốc và tinh thần cầu thị, học hòi của đội ngũ nhân sự ở đây, thì lại một lần nữa, giấc mơ chưa mòn lại tiếp tục hình thành từng bước một.

    Còn sống là còn hy vọng – Nỗ lực rồi cậy trông – Không đặt tất cả quả trứng vào một cái rổ và biết người – biết ta . luôn là những giá trị giúp tôi bước đi trong cuộc sống hôm nay và ngày mai.

    Lê Khanh .Viết cho một ngày vui –

  • Những Điều Đầu Tiên

    Những Điều Đầu Tiên

    Chiều CN 07/6, đi dự buổi họp mặt cựu sinh viên của khoa Phụ Nữ Học ( sau 2 năm đổi tên là khoa Xã Hội học còn nay là khoa Xã hội học – Công tác Xã hội – Đông Nam Á học ) của trường Đại học Mở – Bán Công TPHCM. Ngồi nhìn các bạn cũ, thầy cô xưa … chợt nghĩ đến những điều đầu tiên trong cuộc đời  và nhận ra là mình có lắm cái đầu tiên.

    Cái việc đầu tiên là sau khi học xong lớp 12, đã dự thi kỳ thi tú tài theo hình thức trắc nghiệm, đầu tiên và cũng là cuối cùng của chế độ VNCH. Đến năm 1974, cũng lại trở thành sinh viên của trường ĐH Nhân văn & Nghệ Thuật ( của Viện Đại học Minh Đức ) cũng là khóa đầu tiên và cuối cùng vì kết thúc nửa chừng do biến cố 1975..

    Từ 1975 – 1985 sau gần 10 năm lận đận trong dòng đời – Bắt đầu việc làm tại Trung tâm Sức Khỏe Tâm Thần TPHCM ( Sau lại đổi tên là Bệnh viện Tâm Thần )  Lại là người đầu tiên mở một ngôi trường cho trẻ Chậm phát triển dưới tên Trường Tương Lai Q,1  theo mô hình “ Phụ huynh tự nguyện đóng góp “ và cùng với chính quyền địa phương quản lý trường, khác với cách tổ chức của hệ thống trường Tương Lai của các quận khác..

    Đến 1992 khoa Phụ nữ học ( thực chất là ngành Công Tác Xã Hội ) mở lớp về CTXH đầu tiên – tớ cũng là sinh viên của khóa đầu tiên và cũng là cuối cùng của danh xưng Phụ Nữ học ( 2 năm sau đổi thành khoa Xã hội học ).

    Với cái tính thích đi đây đó – Tớ cũng là nhân viên được cử lên Đà Lạt cùng với hội Phụ Nữ tỉnh Lâm Đồng và các Soeur dòng Vinh Sơn – mở ra ngôi trường “ Hoa Phong Lan” là trường đầu tiên dạy trẻ Chậm phát triển tại TP Đà Lạt ( 1987) .  Hoạt động này cũng là động lực thúc đầy cho một số địa phương mở ra các trường chuyên biệt cho trẻ Chậm phát triển sau này ( lúc đó chưa có khái niệm về trẻ Tự kỷ ) dưới cái tên chung là trường chuyên biệt Tương Lai .

    Hệ thống các trường dạy trẻ Khiếm Thính có tên Hy Vọng, cũng là xuất phát từ một lớp học tại khoa tâm thần trẻ em 197 Phan Đăng Lưu – nơi tớ công tác , sau đó chuyển sang trường Tương Lai Quận 1, rồi tách riêng ra thành 2 đơn vị là trường chuyên biệt Hy Vọng Bình Thạnh và trường chuyên biệt Hy Vọng 1 tại Nhà Thờ Đức Bà – Q.1 .

    Đến năm 1991 – một bước ngoặc lớn trong cuộc đời đến với tớ khi  tham dự hội thảo “ Nghiên cứu về tâm lý Lâm sàng Trẻ em Việt Nam” do trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em của BS Nguyễn Khắc Viện ( ra đời năm 1989 ) lần đầu tổ chức tại Hà Nội.  Trung tâm NT ( Nghiên cứu Tâm Lý Trẻ em ) cũng là một NGO đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng trẻ em – một lĩnh vực mới mẻ của VN

    Sau hội thảo, quay về Sài Gòn, từ giã Trung tâm Sức Khỏe Tâm thần , nơi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ (buồn nhiều hơn vui ) ,cũng là người tham gia tổ chức văn phòng NT2 ( chi nhánh của NT Hà Nội ) lần đầu tiên mở ra và hoạt động như 1 phòng khám tâm lý tự chủ về tài chính tại TP HCM từ 1993 cho đến năm 2001  . ( Tớ du học bên Pháp năm 2000 )

    Trong vai trò một chuyên viên Tâm lý , tớ cũng hoạt động trong ngành công tác xã hội với dự an Tương Lai – nơi tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho trẻ đường phố ( một trong nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt ) cũng là 1 hoạt động đầu tiên trong lĩnh vực này. Sau đó là vai trò của chuyên viên tham vấn cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Y Tế Quận 7 .trước khi lên đường qua Mỹ năm 2007 ( lần đầu và chắc cũng là lần cuối ).

    Đến năm 2010, lại được mời tham gia hoạt động trong vai trò chuyên viên tâm lý – giáo dục tại trường LiMa  , một đơn vị trực thuộc hệ thống PACE ( Một đơn vị đào tạo doanh nghiệp ) – Lima cũng được xem là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống cho các Phụ huynh và trẻ em từ Mẫu Giáo – Tiểu học và Trung Học. Dù chỉ hoạt động được 1 năm, nhưng Lima được xem là nguồn thúc đầy cho các đơn vị khác trong hoạt động huấn luyện Kỹ Năng sống phát triển ồ ạt trong thập niên 2010 – 2020.

    Sau Lima – lại do một cơ duyên đẩy đưa để đến với thành Phố Vũng Tàu , cùng với một số “ bạn hữu” mở ra trung tâm “ Rồng Việt Vũng Tàu” cũng là đơn vị đầu tiên tại TP Biển trong hoạt động giáo dục Kỹ năng sống cho học sinh và tư vấn tâm lý cho trẻ đặc biệt.  Sở dĩ có cái tên Rồng Việt Vũng Tàu là do khi khời xướng, tớ có hợp tác với Cty cổ phần Rồng Việt tại Sài Gòn , và cũng là người đưa ra  các hoạt động can thiệp cho trẻ đặc biệt tại đây, để từ hạt giống này, Cty Rồng Việt với chiến thuật phát triển qua việc hợp tác với các cơ sở địa phương để mở ra hàng loạt các Trung Tâm Rồng Việt ở các quận nội thành và ở các tỉnh. ( 24 chi nhánh TPHCM và 26 chi nhánh các tỉnh ).

    Sau hơn 3 năm với quá nhiều sóng gió, xung đột và cảm xúc tại Vũng Tàu ( vẫn là buồn nhiều hơn vui ) … Lại cũng do “ cơ duyên” mà về Sai Gòn mở ra các khóa huấn luyện cho Giáo viên và phụ huynh trẻ Đặc Biệt năm 2015.  Ban đầu, chỉ nghĩ là mở ra cho GV tại Sài Gòn, nhưng sau khi giới thiệu lên Face book – thì các phụ huynh ở Hà Nội đã có đề nghị tổ chức . Thế là bắt đầu cho một chuỗi hành trình tập huấn và hội thảo được thực hiện tại hầu hết các tỉnh thành khu vực phía Bắc, từ Móng Cái, Lào Cai, Thái Nguyên , Lạng Sơn…cho đến Hải Phòng,  Thanh Hóa, Vinh  và các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng – Nha Trang  rồi Pleiku , Buôn Mê Thuột  Tây Ninh và các tỉnh Miền Tây  như Cần Thơ, Cà Mau …

    Hành trình rong duổi, vừa tập huấn vừa đi chơi của một anh chuyên viên tâm lý “ độc hành đại đạo” với các khóa tập huấn có lẽ cũng hấp dẫn , khiến các “chuyên gia” động lòng, để rồi sau đó rất nhiều các “cao thủ võ lâm” của các đơn vị Nhà nước cũng như tư nhân, nhảy vào hoạt động  “huấn luyện tập huấn” trong lĩnh vực Giáo dục đặc biệt – mở ra phong trào huấn luyện rất sôi nổi cho đến tận ngày nay.

    Cũng trong thời gian “ chìm đắm” trong các hoạt động đó , lại có 2 hoạt động “nhớ đời” là tham gia với Công ty Giáo Dục Kidstime ( Hà Nội ) với vai trò phó chủ tịch hội đồng chuyên môn – để mở ra chi nhánh Kidstime Bình Thạnh tại TP.HCM. Hoạt động thứ 2 đáng nhớ hơn và sau một buổi nói chuyện “cho vui” lại đưa đẩy đôi chân đến với ngôi trường Bình Minh ở Từ Sơn – Bắc Ninh với vai trò chuyên viên – được làm quen với 1 cô giáo đặc biệt để có những buổi chém gió say sưa hơn 3 giờ và những buổi hội thảo từ 9h sáng đến tận 17h chiều mà người dự vẫn còn chưa muốn chấm dứt. Cũng có thể gọi là những chuyện đầu tiên… với nguồn cảm hứng này, sau cuốn sách đầu tiên viết về Trẻ đặc biệt là cuốn “ Trẻ Tự kỷ – những thiên thần Bất Hạnh năm 2004 – sau đó là hơn 10 đầu sách về giáo dục và giáo dục đặc biệt ( 2004 – 2012)  , thì mãi đến 2019 tớ mới tiếp tục cầm viết để có tập sách : Cùng con vượt qua hàng rào Giao Tiếp.

    Đến hôm nay, khi quá tuổi về hưu, lại lặn lội xuống huyện Chợ Mới tỉnh An Giang – để phụ trách vai trò GĐ Chuyên Môn cho một trung tâm lần đầu tiên mở ra ở một thị trấn miền Tây Nam bộ với diện tích 3000 m2 và đầy đủ cả 3 lĩnh vực : Y Tế – Tâm Lý – Giáo dục với các khu vực sân Chơi ngoài trời, Phòng Tâm vận động ,phòng can thiệp giáo dục cá nhân và khu Phục hồi chức năng cùng các công trình phụ trợ như hồ bơi, vườn cây ăn trái vườn rau xanh và vườn hoa.  Đây thực sự là một điều mơ ước của tớ trong suốt hành trình gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực này để lại có thể bắt đầu “nghĩ ra” những cái “đầu tiên” trong các kế hoạch can thiệp – giáo dục – hướng nghiệp cho trẻ đăc biệt và sau này là trẻ em nghèo tại địa phương.

    Nhìn lại quãng đời đã qua, gắn bó với ngành tâm lý và giáo dục đặc biệt – với những sáng kiến và đóng góp trong những hoạt động đầu tiên – và dĩ nhiên là không thể gọi là hoàn thiện nếu so với những người tổ chức những hoạt động sau này trong lĩnh vực GDĐB . Một lĩnh vực thực sự phức tạp, đa dạng và khó khăn…Đòi hòi sự tham gia và phối hợp của nhiều tổ chức, nhiều chuyên viên đa ngành, ( Y tế – Giáo dục – Tâm lý ) cho đến nay vẫn chưa thể nói là ổn định, dù đã có những bước tiến vượt bực, mà những người tiên phong như tớ không thể hình dung được trong những năm của các thập niên trước đây.

    Dẫu sao thì cho đến một ngày nào đó nếu có thể “rửa tay – gác kiếm” tớ vẫn cảm thấy hài lòng về những điều đầu tiên mà mình đã làm được – và cũng thỏa lòng với con đường lận đận gian nan mà tớ đã trải qua trên đất khổ, để không phải nuối tiếc con đường mà mình đã chọn vào năm 1990 – con đường của một chuyên viên tâm lý lâm sàng trẻ em.

    Lê Khanh – Nhớ hoài niệm để xây ước mơ.

  • Nhận biết về Tư vấn tâm lý ( Consulting ) và Tham vấn Tâm lý ( Couselling )

    Nhận biết về Tư vấn tâm lý ( Consulting ) và Tham vấn Tâm lý ( Couselling )

    Tư vấn  là gì?

    Tư vấn (Consulting)  là cách  mà một nhà chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó sẽ giảng giải, cắt nghĩa hay đưa ra lời khuyên cho bạn trong một vấn đề hay một khía cạnh của cuộc sống. Tư vấn có tính một chiều. Nhà tư vấn không có quyền quyết định sự việc hay các vấn đề. Tuy nhiên, người tư vấn được xem giống như người dẫn dắt và chỉ đường khi bạn đang gặp khó khăn.

    Tư vấn tâm lý là gì?

    Tư vấn tâm lý là một hoạt động đóng góp ý kiến, cho lời khuyên của nhà tâm lý đến người có vấn đề về tâm lý, dựa trên những hiểu biết, kinh nghiệm và kiến thức để giúp họ giải quyết vấn đề của mình. Nhà tư vấn tâm lý đóng vai trò chủ động, tích cực còn thân chủ thì thụ động nghe theo sự khuyên bảo của nhà tư vấn.

    Hoạt động này là hoạt động một chiều từ  phía nhà tư vấn tâm lý. Chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn thậm chí chỉ cần một buổi gặp gỡ, trao đổi với nhau. Tư vấn được hiểu rộng hơn là một việc cho lời khuyên hay cho ý kiến từ một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên giá trị mà một nhà tâm lý cần mang lại cho thân chủ không đơn thuần chỉ là cho ý kiến chuyên môn mà còn là sự sẻ chia, thấu cảm và  giúp đỡ họ tự vượt qua, tự điều chỉnh và tự định hướng dưới sự hỗ trợ của nhà tâm lý như một người đồng hành.

    Tham vấn Tâm lý là gì ?

    Tham vấn tâm lý có tên tiếng anh là Couselling, là một hình thức trợ giúp tâm lý phổ biến và có lịch sử lâu đời tại châu Âu. Đó là  một quá trình tương tác nhằm giúp đỡ thân chủ cải thiện cuộc sống bằng cách khai thác, nhận thức và thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ,

    Theo Unicef: “Tham vấn là một mối quan hệ, một quá trình trong đó nhà tham vấn giúp thân chủ cải thiện cuộc sống của họ bằng cách thấu hiểu và nhìn nhận được nhận thức, cảm giác và hành vi của họ. Nhà tham vấn không giải quyết vấn đề cho thân chủ”.

    Nói cách khác thì  “tham vấn và xây dựng mối quan hệ giữa nhà tham vấn và thân chủ. Trong đó, nhà tham vấn là người lắng nghe, sẻ chia, thông cảm và hỗ trợ thân chủ trong việc kiểm soát cảm xúc và tự định hướng cho các vấn đề của mình”.

    Tham vấn là một Tiến Trình có mở đầu, diễn biến và kết thúc. Một tiến trình tham vấn cần có sự Tương Tác (chia sẻ – giúp đỡ) một cách tích cực, và mang tính động lực. Trong tiến trình, nhà tham vấn phải luôn Tìm kiếm Tiềm Năng trong thân chủ bằng cách khơi gợi cảm xúc và hành động tích cực nơi thân chủ. Để từ đó, thân chủ có thể nhìn nhận rõ hơn về vấn đề của mình và mong muốn giải quyết các vấn đề đó. Cuối cùng, sau khi thân chủ có thể nhìn thấy tiềm năng của bản thân thì nhà tham vấn cần tôn trọng quyền Tự Quyết của họ..

    Bản chất của Tham vấn Tâm lý

    Đây là một tiến trình tương tác giữa nhà tham vấn và thân chủ thông qua sự trao đổi, chia sẻ thân mật, chân tình giúp thân chủ hiểu và chấp nhận thực tế của mình, tự tìm thấy tiềm năng của bản thân để giải quyết vấn đề của chính mình.

    hoạt động tham vấn tâm lý là một tiến trình kéo dài có mở đầu, diễn biến và kết thúc. Tiến trình ấy không chỉ đơn giản là một hay hai buổi gặp mặt, làm việc. Đó cũng không phải đơn thuần chỉ ở trong khoảng thời gian và không gian thân chủ và nhà tham vấn gặp gỡ mà nó là cả một quá trình có sự tác động từ cả hai phía nhằm tạo nên sự thay đổi và phát triển của chính thân chủ.

    Tiến trình tham vấn tâm lý sẽ giúp cho thân chủ nhận thấy rõ hơn vấn đề mà mình đang gặp phải, Từ đó, thân chủ có thể tự đưa ra sự lựa chọn và quyết định dưới sự hỗ trợ và định hướng của nhà tham vấn. Nhiều thân chủ sau quá trình tham vấn cảm thấy bản thân có sự tiến bộ về cảm xúc, trưởng thành hơn về mặt kiến thức, suy nghĩ, cảm nhận của mình về thế giới xung quanh…

    một ca tham vấn tâm lý không phải là sự chỉ dẫn của nhà chuyên môn mà nó là một quá trình có sự tương tác giữa đôi bên, cùng nhau nhận thức vấn đề và cùng tìm ra hướng giải quyết. Trong đó quyết định thuộc về thân chủ, còn nhà tham vấn chỉ đóng vai trò hỗ trợ, mà thôi

    Tham vấn tâm lý là một sự tương tác

    Ca tham vấn tâm lý là những cuộc trò chuyện giữa nhà tham vấn và thân chủ. Đó không phải là quá trình làm việc đơn phương của nhà tư vấn mà phải có sự hợp tác tích cực từ phía người được tham vấn. Hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và sự hợp tác của thân chủ khi đã tìm ra vấn đề và cách giải quyết vấn đề ..

    Chỉ khi nào mối quan hệ này thật sự tốt đẹp thì thân chủ mới có thể dễ dàng, thoải mái bộc lộ bản chất của mình, nói thật nhất về vấn đề của mình. Tất nhiên sự trung thực phải đến từ hai phía vì đây là nguyên tắc đạo đức hành nghề.

    Tham vấn tâm lý là một quá trình tìm kiếm tiềm năng

    Bất kể ai cũng sở hữu những tiềm năng chưa bộc lộ hoặc không được nhận ra. Nhiệm vụ của nhà tham vấn tâm lý là bằng một cách nào đó giúp thân chủ  nhận ra được tiềm năng của mình và vận dụng nó để giải quyết khó khăn của mình một cách tốt nhất. Sau đó nhà tham vấn tâm lý lại giúp cho thân chủ tự nhận ra được đó là điểm mạnh để từ đó có thể phát huy nhằm giải quyết vấn đề. nhà tham vấn phải tìm cách để thân chủ tự nhận ra là điều tốt nhất.

    Một nguyên tắc trong tham vấn tâm lý là sự tôn trọng quyền tự quyết của thân chủ. Không làm thay, làm thế mà chỉ là hỗ trợ, giúp đỡ thân chủ quyết định và thực hiện. Nhà tham vấn phải biết giới hạn của mình nên dừng lại ở đâu và thân chủ cũng cần phải nhận thức được rằng chính mình mới có quyền quyết định, chịu tránh nhiệm trước vấn đề của mình.

    Ý nghĩa của việc tôn trọng quyền tự quyết giúp cho thân chủ trở nên tự tin, mạnh dạn hơn. Họ có thể đương đầu với những thử thách tiếp theo mà không cần phải có sự trợ giúp của nhà tham vấn.

    Khi tiến trình tham vấn kết thúc có nghĩa là mối quan hệ kết thúc. Tuyệt đối không chấp nhận những vấn đề tình cảm cá nhân nảy sinh trong quá trình này. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi vì khi một người đứng trước những khó khăn tâm lý không tìm ra được lối thoát thì bỗng dung lại thấy được ánh sáng khi nhận được sự giúp đỡ của nhà tham vấn thì khó có thể tránh khỏi những tình cảm đặc biệt. Tuy nhiên điều này sẽ phải dừng lại ngay lập tức và đây cũng là một nguyên tắc hành nghề mà nhà tham vấn tâm lý cần phải chú ý.

    Sự khác biệt giữa tham vấn tâm lý và tư vấn tâm lý

     TIÊU CHÍ THAM VẤN TÂM LÝ TƯ VẤN TÂM LÝ
    Về mục tiêu Tham vấn tâm lý là một cuộc trao đổi giữa nhà tham vấn với một hoặc một vài người đang cần sự hỗ trợ để đối mặt với khó khăn hoặc thách thức trong cuộc sống.

    Nhằm giúp cá nhân nâng cao khả năng giải quyết vấn đề tâm lý của mình sau khi được tham vấn.

    Tư vấn tâm lý là một cuộc trình bầy của một “chuyên gia” về một lĩnh vực nhất định với một hoặc nhiều người đang cần sự chỉ dẫn về lĩnh vực đó, để thấu hiểu các vấn đề còn thắc mắc.
    Về tiến trình Nhà tham vấn hỗ trợ thân chủ ra quyết định bằng cách giúp họ xác định và làm sáng tỏ vấn đề,

    xem xét tất cả các khả năng, và đưa ra lựa chọn tối ưu nhất cho chính họ sau khi xem xét kỹ lưỡng các quan điểm khác nhau.

    Do đó, tham vấn tâm lý là một tiến trình gồm nhiều cuộc nói chuyện hoặc gặp gỡ liên tục trong một thời gian để tìm ra giải pháp tốt nhất cho một vấn đề.

    Tư vấn là cung cấp thông tin hay đưa ra lời khuyên. Nhà tư vấn giúp thân chủ ra quyết định bằng cách đưa ra những lời khuyên “mang tính chuyên môn”. Do vậy nó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, giải quyết vấn đề tức thời và có thể không hiệu quả !
    Về mối quan hệ Tham vấn tâm lý lại có mối quan hệ ngang bằng, bình đẳng và dòi hỏi sự tương tác rất chặt chẽ và tích cực ở cả đôi bên.

    Nhà tham vấn thông cảm và chấp nhận vô điều kiện với những cảm xúc và tình cảm của thân chủ, từ đó thân chủ làm chủ cuộc nói chuyện: Nhà tham vấn lắng nghe, phản hồi, tổng kết và đặt câu hỏi.

    Trong tư vấn tâm lý thì mối quan hệ có thể là trên-dưới, giữa một nhà chuyên môn  Còn bên kia là người gặp phải vấn đề tâm lý nào đó mà không biết cách giải quyết thế nào cần đến lời khuyên từ nhà tư vấn tâm lý.

    Mối quan hệ ở đây không đòi hỏi sự tương tác tích cực từ phía người được tư vấn.

    Về sự tương tác Nhà tham vấn phải xây dựng lòng tin với thân chủ và thể hiện thái độ thừa nhận, thông cảm và không phán xét.

    Sự thành công phụ thuộc vào kỹ năng tương tác của nhà tham vấn để giúp đối tượng có thể nhận ra được vấn đề của mình, hiểu mình để từ đó tìm kiếm giải pháp phù hợp và thực hiện nó.

    Hình thức can thiệp là cung cấp thông tin và lời khuyên nên sự thành công phụ thuộc vào những kiến thức chuyên sâu của nhà tư vấn tâm lý chứ không dựa vào sự thông cảm và gắn bó.
    Về cách thức Nhà tham vấn có kiến thức về hành vi và sự phát triển của con người. Họ có các kỹ năng nghe và giao tiếp, có khả năng khai thác những vấn đề và cảm xúc của thân chủ.

    Đồng thời, thể hiện sự tin tưởng vào khả năng tự ra các quyết định tốt nhất của thân chủ; vai trò của nhà tham vấn chỉ là để “lái” cho các thân chủ đến những hướng lành mạnh nhất. Giúp thân chủ nhận ra và sử dụng những khả năng và thế mạnh riêng của họ

    Nhà tư vấn có kiến thức về những lĩnh vực cụ thể và có khả năng truyền đạt những kiến thức đó đến người cần hỗ trợ hay hướng dẫn trong lĩnh vực đó.

    Họ với thân chủ về những quyết định họ cho là phù hợp nhất đối với tình huống của thân chủ thay vì tăng cường khả năng của thân chủ.

    Việc tập trung vào thế mạnh của thân chủ không phải là xu hướng chung của tư vấn

     

    Như vậy đây là hai hình thức hỗ trợ tâm lý khác nhau. Vậy nên chúng ta cần hiểu rõ tư vấn tâm lý và tham vấn tâm lý là gì, vai trò chức năng của mỗi loại hình ra sao để có thể tìm kiếm dịch vụ phù hợp nhất với vấn đề của mình.

    CVTL Lê Khanh ( Tổng hợp )

  • NGHĨ VỀ PHỤ NỮ và ƯƠC MƠ

    NGHĨ VỀ PHỤ NỮ và ƯƠC MƠ

    Trong công việc của mình, do có cơ hội được đi đây đó, tiếp xúc với nhiều người …nhất là trong ngành tâm lý và giáo dục đặc biệt, tớ đã gặp gỡ, trao đổi ..chia sẻ và cùng làm việc với khá nhiều phụ nữ tài ba, có những người thật thú vị, có người thật dễ thương, có người lại đáng tôn trọng …. Nhưng người làm cho tôi khâm phục thì chỉ được vài người.
    Tớ thuộc loại bình dân học vụ, dù cũng đã từng đi Tây đi Mỹ, tiếp chuyện với những bậc nữ lưu bằng cấp đầy người cũng không đến nỗi ấp úm… nhưng những tấm bằng và sự hiểu biết sâu sắc đó của họ không hề làm cho tớ nể trọng bởi chỉ mới ..nghe !.Thậm chí là khác với những gì mình thấy và biết Còn ngược lại, tớ cũng đã được nhiều người cho đi tàu bay giấy hay uống nước đường để khai thác khả năng chuyên môn … Tớ sẵn sàng chia sẻ tất cả và thường thì sau đó là họ đánh bài lơ khi đã có được cái mình muốn. Cũng không hề gì, vì như thế mới là đời.
    Người ta thường nói : trai tài – gái sắc ! rõ ràng, nhan sắc của một người phụ nữ là điều đáng giá nhất, nhưng nếu chỉ có cái đẹp mà không có cái duyên thì chỉ là “hàng mẫu” , nếu chỉ có cái sắc bên ngoài mà không có cái tâm sâu lắng và thiện lành bên trong thì đôi khi lại trở nên tai họa ! Vì thế với tớ, nếu biết họ là những bậc “ hồng phấn giai nhân” thì mình đành “ kính nhi viễn chi” .


    Từ trước tới giờ, tớ luôn có những đam mê cháy bỏng trong công việc, trong cái ngành mà tớ đã bén duyên gần 30 năm nay… nhưng vì bản thân là một kẻ ham…chơi nên khác với một số đồng nghiệp, cắm đầu vào sự nghiệp để mong có ngày trở thành đại nghiệp, tớ chỉ như một gã lang thang, đi đến những nơi mình thích, làm những điều mình muốn và sẵn sàng ..rong chơi ! Vì thế cái sự đam mê của mình nó cũng chỉ là những niềm vui trong công việc, chứ không đem lại danh vọng hay tiền tài. Ngược lại cũng không làm cho mình phải cay cú, gato với những ai giỏi hơn mình, tài hơn mình, kiếm tiền khá hơn mình và đẹp giai hơn mình ! Nhưng tớ lại hết sức khâm phục những người chịu khó ! Nhất là chịu khó cho cái đam mê của mình. Có điều là dù đi nhiều, gặp nhiều nhưng các vị nữ lưu này đúng là hàng quý hiếm.
    May quá, đến cuối năm Heo, đầu năm Chuột – Tớ được gặp một người phụ nữ mà thoạt đầu, nhìn chị chẳng để lại cho mình một ấn tượng gì , không đẹp, không duyên dáng và cũng chẳng thấy có tài năng gì nổi trội … Nhưng càng tiếp xúc, tớ lại càng phục ! Trước hết, chị là mẹ của một bé Vip đã 10 tuổi, và cũng như các bà mẹ Vip khác, hết sức lo lắng, mệt mỏi để tìm đủ mọi cách “ chạy chữa” cho con – Với gia cảnh của chị, tuy không giàu có nhưng việc “tìm thầy tìm thuốc” cho con cũng không phải là điều khó. Nhưng điều làm cho tớ khâm phục là chị không chỉ nghĩ đến con mình, không muốn bỏ tiền triệu ra để đi học các kiểu can thiệp “cao cấp” để về để chỉ dạy con, hay thỉnh các chuyên gia “hàng đầu” về can thiệp cho con. Với trình độ một bác sĩ trưởng khoa như chị, việc tiếp thu các kiến thức giáo dục đặc biệt là không khó ! Nhưng sau một thời gian loay hoay khi tình trạng của bé tạm ổn, thì chị lại nghĩ đến những đứa trẻ khác, những gia đình khác… đặc biệt là nơi quê hương của chị, nơi mà những kiến thức về can thiệp sớm, về giáo dục hành vi hay âm ngữ trị liệu còn là những điều xa lạ. Thậm chí ngay cả việc nhận biết về tình trạng của con mình, để có thể định hướng can thiệp, cũng nhiều người có trình độ như chị mà vẫn còn mơ hồ ! Chứ nói gì đến những người dân quê.
    Tớ đã từng đánh giá, tư vấn cho nhiều trường hợp ở vùng đồng bằng Cửu Long, đã từng gặp nhiều bà mẹ tuy cũng lo lắng về con nhưng lại khá ngây thơ và thờ ơ trước tình trạng của con mình. Đưa con đi khám, rồi tìm một cái trường mẫu giáo, tiểu học chấp nhận tình trạng của con để gửi vào …thế là xong Thêm một điều, cả một khu vực rộng lớn, nhưng các cơ sở can thiệp có điều kiện hay năng lực thì không phải là dễ tìm, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay !
    Vì thế, cùng chồng cũng là một bác sĩ, hai anh chị đã “cày sâu cuốc bẫm” làm việc từ 6h sáng – 7h tối để kiếm tiên mua một miếng đất, xây dựng một trung tâm … Không phải là một căn nhà phố hai ba tầng như mọi nơi, mà là một trung tâm thực sự trên một khu đất rộng 3000 m2 ! Với một công trình như thế, một cá nhân khó có thể hoàn thành và với lãnh vực giáo dục đặc biệt thì cũng khó mà có thể kêu gọi đầu tư, góp vốn nếu không muố biến nó thành một cơ sở kinh doanh trên đầu những đứa trẻ ! Nhưng chỉ với công sức của hai người và sự hỗ trợ ( không xen vào ) của họ hàng, chị em ..mà một Trung tâm bề thế đã được xây dựng với tốc độ đáng kinh ngạc !


    Tớ sẽ không nói gì nhiều về Trung tâm, ai muốn biết xin mời đến thăm ! tớ chỉ muốn nói đến sự mềm mỏng nhưng kiên trì, cùng sự chịu khó đáng kinh ngạc của chị ! Đứng nhìn chị đi lại làm lụng trên một cơ sở đang hình thành, tôi cứ ngỡ như nhìn một chị lao công tạp vụ nào đó, chứ không phải là một bà chủ của một cơ sở bề thế với các trang thiết bị trị giá hàng trăm triệu. Giữa trưa nắng, chị lặn lội đi mua từng chậu hoa, từng bụi cỏ để vể gieo trồng trong những luống đất với sự say mê . Chị chỉ cho tôi những điều chị đã làm, đã trang bị cho trung tâm một cách vui sướng và đơn sơ như một đứa trẻ trước món đồ chơi ưng ý của mình.
    Chị mong muốn có một nơi mà con chị, cùng những trẻ đặc biệt khác có thể vui chơi, học tập … Không những thế, chi còn nghĩ đến cả những đứa trẻ lang thang kiếm sống chung quanh thị xã, gia đình không có tiền để đi học và cũng không có nhiều cơ hội kiếm tiền như các trẻ em thành phố. Chị nghĩ đến một lớp học tình thương cho các em, và điều này thì lại rất phù hợp để tạo một môi trường hòa nhập cho các trẻ đặc biệt, có cơ hội chơi và học tập cùng nhau trong một ngôi trường – nhưng khác lớp – Đây là điều không dễ thực hiện ngay cả với các trường gọi là hòa nhập, nhưng thực chất chỉ là đưa trẻ đặc biệt vào ngồi trong một lớp với cả chục học sinh bình thường để rốt cuộc thì hòa mà không nhập !.
    Chị mong muốn, trung tâm của mình không chỉ là một ngôi trường chuyên biệt, hay chỉ mang cái vỏ giáo dục hòa nhập để nhận trẻ đặc biệt và thu phí, mà là một trung tâm của cộng đồng, nơi giúp cho những đứa trẻ và cả phụ huynh có thể đến vui chơi, học tập và sinh hoạt … Đây cũng chính là mơ ước của tớ, tớ đã đem mơ ước này trải dài từ một thành phố biển, cho đến vùng đất Bắc xa xôi trong hàng chục năm qua … nhưng vẫn chưa làm được gì mà đầu đã bạc ! Đến nay, với người phụ nữ nhỏ nhắn và kiên cường này, với một bà mẹ trẻ Vip cùng trái tim rộng mở… tớ hy vọng trước khi về vườn, được thấy giấc mơ của mình trở thành hiện thực.
    Chỉ hơn một tháng nữa thì Trung tâm sẽ đi vào hoạt động, và còn rất ..rất nhiều thách thức đang chực chờ phía trước, nhưng với anh chị, nơi vùng đất hiền hòa sông nước và những con người chân chất, thấm đẫm giáo lý của Đức Huỳnh giáo chủ – hành đạo là nhập thế giúp người, thì tớ tin rằng Trung tâm sẽ tồn tại và phát triển. Tớ không tin vào những đề án như bánh vẽ, nhưng tớ tin và biết ơn những người thợ bình dị và tài ba đang miệt mài ngày đêm để hoàn thành một cơ sở cho trẻ đặc biệt vùng An Giang, họ đã cùng nhau làm việc với tất cả sự xuề xòa nhưng rất chuyên nghiệp! Năm nay, tớ ăn Tết với một ước mơ đang trở thành hiện thực !
    Ngày 26 Tết Chú Chuột !

    Lê Khanh

  • MỘT NĂM CỦA NHỮNG CHUYẾN ĐI – 2019

    MỘT NĂM CỦA NHỮNG CHUYẾN ĐI – 2019

    Một năm tổng kết, từ những năm 20 14 – 15 là thời điểm tớ bắt đầu bước chân vào “cõi giang hồ” với những chuyến đi ra miền Bắc và miền Trung. Đến năm 2019 thì có lẽ đây là năm mà tớ đi nhiều vùng của đất nước nhất, đi từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng Cửu long lên đến vùng đất đỏ Tây Nguyên, với những chuyến đi trải dài từ Lạng Sơn cho đến tận Đất Mũi Cà Mau . Một năm của những chuyến đi, không có tháng nào là không có một chuyến rời khỏi Sài Gòn .

    Thử điểm lại cho vui :  Xuất phát từ Tháng 01 – cùng gia đình và các bạn hữu của sếp xuống thăm Làng Hoa Sa đéc – Qua Tháng 2 thì bay ra Hà Nội dự buổi ra mắt cuốn sách : Cùng con vượt qua hàng rào Giao tiếp – một cuốn sách viết và in tốc hành trong vòng 3 tháng cuối năm 2018, với rất nhiều kỷ niệm nhớ mãi không quên. Sau đó là lên Bắc Ninh dự hội Lim với các bài hát Quan họ trong cái rét của những ngày cuối đông đất Bắc. Đến Tháng 3 thì một chuyến xuống Bình Dương để nói chuyện hạnh phúc Gia đình tại nhà văn hóa Huyện,  sau đó lại ra Hà Nội  – được cho đi một vòng Quảng Ninh thăm chùa Ba Vàng một ngôi chùa lộng lẫy và có doanh thu về du lịch Tâm linh vào hạng top Việt Nam, trước khi vòng qua Lạng Sơn ăn cưới một bạn giáo viên.

    Đến Tháng 4 tiếp tục xuống Cà Mau và được đi thăm vùng Đất Mũi – nơi tận cùng của nước Việt, với một khu du lịch sinh thái mà ta chỉ nên đến một lần cho biết. Tháng 5 thì có một chuyến đi bình thường ra Vũng Tàu, nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm vui buồn của 3 năm dốc sức và đến 2015  từ giã ra đi với những vết thương lòng không bao giờ khép kín.  Qua tháng 6 một tháng đi hết núi lại đến biển, từ khu du lịch Victoria tuyệt đẹp ở núi Sam Châu Đốc với gia đình, để rồi sau đó lại bay ra Từ Sơn – rồi chay xuống Bỉm Sơn trong một kỳ tập huấn mà chơi nhiều hơn dạy ! rồi chạy lên Lạng Sơn để gặp một số chuyện đau lòng của những kẻ kinh doanh trong lĩnh vực GDĐB.

    Qua tháng 7 – lần đầu tiên lên TP Pleiku – vùng  đất Tây Nguyên hùng vĩ với những ngọn thác nổi danh… rồi lại quay về Cà mau trước khi bay ra vùng đất Từ Sơn – Bắc Ninh quen thuộc.  Đến tháng 8 thì cũng lần đầu lên TP Ban Mê Thuột với nhiều ước vọng, nhưng lại nhận được những thất vọng tràn trề với những mong ước không thành.

    Tháng 9 lại bất ngờ quay lại Vũng Tàu với một dự án đầy mơ mộng, hy vọng sẽ được một chốn bình yên nhưng rồi lại sớm thất vọng với những kế hoạch được vẽ trên giấy. Có lẽ đây sẽ là sự kết thúc cho những kế hoạch xây dựng và phát triển nơi thành phố biển này.  Thang 10 lại bay ra với một kế hoạch tập huấn thường niên tại Trung tâm Hướng Dương – đây là lần thứ tư đến với Đà Nẵng và cũng là lần thứ 2 đến Đà Nẵng là bị “ trúng thương” – lần trước vào năm 2017,  lần này là cảm cúm, nôn ói sau khi uống cafe, và sau đó là một kỷ niệm cười ra nước mắt với hãng may bay Bamboo, được ở lại chơi đến 7h  – trước khi bò ra Từ Sơn dưỡng …thương !

    Tháng 11 – lần đầu xuống huyện Chợ Mới An Giang để lại bắt đầu hành trình hỗ trợ chuyên môn cho một trung Tâm  sắp khai trương tại vùng đất là thánh địa của Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng cũng là nơi có các nhà thờ Công giáo cổ kính có từ đời vua Minh Mạng . Tớ được đến thăm các di sản tôn giáo vùng sông nước, để cảm nhận được sự bình dị, và dân dã trong các kiến trúc đền chùa, khác hẳn sự cầu kỳ, màu mè ở các đền chùa Phương Bắc.  Tháng 12, tháng cuối cùng của năm lại làm một hành trình ra Bắc Ninh, lần này có một bạn đồng hành là một phụ huynh trẻ tự kỷ, anh đi cùng để tham dự một cuộc hội thảo truyền động lực cho các phụ huynh Kinh Bắc .  rồi sau đó quay về Sài Gòn với một buổi chia sẻ tại trung tâm GDĐB Năng Khiếu Sài Gòn.  Cuối cùng là một đợt tập huấn tại TT Diệp Quang  Chợ Mới – An Giang để bắt đầu một dự án mới sẽ triển khai trong nẳm 2020. Mong rằng đây sẽ là dự án cuối trong lĩnh vực GDĐB để sau đó có thể yên tâm nghỉ ngơi – Gác kiếm !

    LÊ KHANH  31/12/2019

  • Ba mươi năm Nhìn Lại

    Ba mươi năm Nhìn Lại

    Trong cuộc hành trình đi tìm giá trị con người, để thấy và cảm những điều tốt đẹp – xấu xa. Sẽ có lúc chúng ta phải nhìn lại những điều được và chưa được trong cuộc sống của chính mình. Trong lĩnh vực tâm lý và giáo dục đặc biệt, cũng như những ngành khoa học khác, có những điều là giá trị hôm nay, thì ngày mai có thể lại bộc lộ ra những thiếu sót hay sai lầm, với những quan điểm can thiệp trẻ cũng thế, không có một cách tiếp cận nào có thể gọi là hoàn hảo, và cũng không có một phương pháp nào gọi là hiệu quả nhất. Bản thân người làm chuyên môn, không ai có thể tự nhận mình là số một trong một hay nhiều lĩnh vực khác nhau, và cũng không có ai là số một ! Ai cũng sẽ có những hạn chế, những sai lầm, thiếu sót, bất toàn. Điều cần thiết là phải thấy đươc, biết được và chấp nhận những điều ấy. Vì thế, khoa học luôn cần những phản biện, phê bình và góp ý đồng thời việc tự vấn và nội thị cũng là điều quan trọng mà mỗi nhà chuyên môn cần xem xét.


    Với những người làm khoa học chân chính, thì các góp ý phản biện sẽ mang tính xây dựng và có sự tôn trọng, còn với những người không có thiện tâm, thì chỉ là những phê phán cay độc mang tính triệt hạ nhau. Nhưng dù tốt hay xấu, thì đều là cơ hội cho mình nhìn lại bản thân .
    Trước hết, Trong các rối loạn về tâm lý thần kinh, thì rối loạn phát triển ở trẻ em được xem là một trong những triệu chứng phức tạp nhất và khó có một biện pháp chẩn đoán, đánh giá chuẩn mực nhất . Bởi vì hầu hết các chứng bệnh từ sinh lý đến tâm lý đều có thể tìm kiếm, nghiên cứu ra được nguyên nhân của nó. Trong khi đó cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra đâu là nguyên nhân chính, đâu là những triệu chứng chính để có thể xác định là các chứng rối loạn phát triển là do đâu ? dù ai cũng phải chấp nhận đó là một tình trạng rối loạn bẩm sinh ! Nhưng sau khi sinh thì tùy theo mức độ nặng hay nhẹ mà trẻ sẽ có những biểu lộ rõ ràng hay mơ hồ. Khó khăn nhất là với những trẻ không có những triệu chứng đầy đủ, mà chỉ là một vài yếu tố..Thậm chí trẻ còn có vẻ thông minh, nhanh nhẹn …nhưng rồi dần dà, khi đến giai đoạn phát triển vận động và ngôn ngữ, thì những khó khăn mới lộ ra, nhất là khi những hạn chế ấy lại được tiếp sức bằng các vấn đề đến từ bên ngoài, từ việc bố mẹ bận rộn kiếm ăn, không có nhiều thời gian chăm sóc, chơi đùa cùng con cho đến việc cho trẻ tiếp xúc quá sớm với các TV, điện thoại, Ipad mà mục đích đơn giản chỉ để trẻ ngồi yên, không quấy nghịch hay cho dễ đút ăn. Sau một thời gian như thế, bố me thấy trẻ chậm nói, thì lại nghĩ rằng là do các yếu tố này, và việc can thiệp chỉ đơn giản là đi tìm các giáo viên, các nhà chuyên môn để tập cho trẻ nói. Để khi trẻ “nói được” là vội vã cho đi học hòa nhập cho mau chóng trở nên “ bình thường” dù vẫn còn rất nhiều thứ “bất thường” nơi con !
    Bắt đầu từ đó, những khó khăn của trẻ trở nên đa đạng thông qua các biện pháp cac thiệp với các mục tiêu khác nhau, đồng thời hình thành những quan điểm can thiệp khác nhau. Thế rồi, với suy nghĩ là tình trạng của bé do các tác động từ bên ngoài vào, hoặc nghĩ là bệnh thì phải có thuốc chữa, chí ít là các thuốc bổ thần kinh để trẻ dễ phát triển hơn và cũng bắt đầu từ đó, nhiều nghiên cứu thực và giả xuất hiện, nhiều biện pháp có kiểm chứng và chưa kiểm chứng xuất hiện như nấm sau mưa, ai cũng tìm cách thuyết phục những phụ huynh đang hoang mang, đang mong chờ những điều thần kỳ đến cho con mình bằng những lý luận có vẻ hấp dẫn và mang tính khoa học , để hứa hẹn với phụ huynh về hiệu quả chưa có chứng cớ hay thống kê đúng chuẩn mực !
    Một vấn đề nữa là trong lĩnh vực “Rối loạn phát triển” thì đây là môt lĩnh vực đa ngành – bao gồm cả ngành Y , Giáo dục Đặc Biệt và tâm lý cùng các chuyên ngành hỗ trợ khác như Âm Ngữ – Vận Động – Nghệ thuật … đều có sự hiện hữu tùy vào từng thời điểm theo nhu cầu và mức độ của trẻ , vì thế cần có sự phối hợp với nhau và tôn trọng nhau. Với các trung tâm tại Pháp – Các CMPP là một trung tâm đa ngành ( Centre Medico – Psycho – Pedagogique ) Ở đó có 6 chuyên viên cùng làm việc với nhau trong một nhóm là Bác sĩ tâm thần nhi – chuyên viên tâm lý – chuyên viên Âm Ngữ, chuyên viên Tâm Vận Động, Giáo viên đặc biệt và Nhân viên Công tác xã hội – mà mỗi người có một vai trò, không ai quan trọng hơn ai, không ai là “số một ” luôn có sự tôn trọng, chấp nhận nhau.
    Là một chuyên viên tâm lý , được đi sâu vào ngành tâm lý lâm sàng trẻ em và có những nghiên cứu về tình trạng rối loạn phát triển, thì rõ ràng trong gần 30 năm theo đuổi , tôi nhận thấy là có nhiều vấn đề mình đã lạc hậu, chưa theo kịp các quan điểm và kỹ thuật mới. Nhưng cũng chưa bao giờ tôi nghĩ mình là một chuyên gia “ đa ngành” hay là “ đỉnh cao” gì gì đó với 30 năm kinh nghiệm trong ngành. Quan điểm của tôi là lấy chính đứa trẻ làm trọng tâm và tất cả các biện pháp, kỹ thuật, tác động đều phải dựa theo sự phát triển và khả năng tiếp nhận của trẻ. Nói cách khác, khi chúng ta tiếp cận trẻ thì đứa trẻ sẽ là người cho chúng ta biết sẽ phải làm gì với trẻ . Việc quá tập trung vào một lĩnh vực nào đó, như ngôn ngữ, hành vi hay cảm xúc …thì phải dựa trên chính nhu cầu của trẻ, chứ không phải dựa trên sự mong muốn, dù chính đáng của phụ huynh, lại càng không nên dựa trên tài năng của một chuyên gia nào đó, trong một lĩnh vực nào đó. Là chuyên viên tâm lý, khi hướng dẫn các giáo viên hay phụ huynh, tôi không hướng dẫn họ với tư cách một chuyên viên trị liệu vận động ( OT ) để dạy họ kỹ thuật điều hòa cảm giác, không hướng dẫn họ trở thành chuyên viên Tâm vận động, hay chuyên viên Âm ngữ Trị Liệu, chuyên viên về hành vi ABA …vì tôi không có đủ khả năng và thẩm quyền ! mà tôi chỉ dựa trên cái nền phát triển tâm lý theo lứa tuổi để giới thiệu cho giáo viên và đặc biệt là phụ huynh cần hiểu rõ, hiểu đúng về các lĩnh vực này và biết quan sát, biết tiếp cận trẻ để cùng tìm ra những biện pháp đơn giản, ít tốn kém trong một quá trình đồng hành với trẻ một cách lâu dài. Nói một cách khác, là Phụ huynh cần phải hiểu về các rối loạn giác quan là gì, có ảnh hưởng gì đến hành vi, phàn ứng của trẻ hay không ? Vai trò của một hoạt động can thiệp về cảm giác là như thế nào ? Phụ huynh cũng cần biết các khó khăn về vận động ra sao, ảnh hưởng trên sự phát triển tâm lý của trẻ thế nào? Phương pháp giúp trẻ phát triển vận động là gì, nguyên lý của nó như thế nào Phụ huynh cần biết hạn chế về ngôn ngữ không phải chỉ là chậm nói, mà sự giao tiếp bằng lời và bằng ngôn ngữ cơ thể hay dấu hiệu cũng có vai trò quan trọng.
    Trong bất kỳ thời điểm nào, trong bất kỳ buổi chia sẻ trao đổi hay hướng dẫn nào tôi đều đưa ra các kiến nghị như nhau, đó là :
    – Phụ huynh chính là người có vai trò quan trọng nhất, cần thiết nhất trong việc giúp con bằng chính các hoạt động ngay tại gia đình mình. Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ càng về những hạn chế và khả năng phát triển của con , để chọn ra những cách tiếp cận đơn giản, ít tốn kém và phù hợp với con mình. Sau đó có thể học hỏi, tìm kiếm các kiến thức để giúp con, chứ không phải là học trở thành “chuyên gia” để đi dạy lại cho các PH khác.
    – Phụ huynh cần biết, trường hợp con mình là cá biệt, các nguyên tắc hay kỹ thuật là giống nhau, nhưng khi tác động cần phải biết rõ các điểm chính yếu để chọn ra sao cho phù hợp với con. Các kinh nghiệm đến từ các phụ huynh khác, ngay cả các kỹ thuật tác động đến từ các Giáo viên hay chuyên gia cũng chỉ là những kiến thức tham khảo, phải biết linh hoạt vận dụng tùy từng thời điểm, chứ không thể lấy những kiến thức, kinh nghiệm đã áp dụng cho trẻ này, trẻ kia để mang về áp dụng cho con mình theo kiểu đau đâu chữa đó, chỉ tập trung vào các hành vi tiêu cực cần dập tắt chứ không tìm kiếm các điều tích cực dù rất ít để phát triển lên.
    – Giáo viên là những người hỗ trợ trong một số thời điểm trong ngày, giáo viên không phải là người dạy dỗ trẻ để có thể biết làm điều này, làm điều kia từ năm này sang năm khác … mà giáo viên với tấm lòng yêu thương, tôn trọng trẻ, giúp cho trẻ trong một thời gian có được những chuyển hóa với những biện pháp hoạt động vui chơi có chủ đích. Trẻ sẽ được khuyến khích phát triển giao tiếp, tự điểu chuyển các hành vi tiêu cực của mình, bằng không gian vui vẻ không ồn ào, yêu thương không chiều chuộng, bình yên không lạnh lùng và thoải mái không nghiêm khắc trong giờ can thiệp .
    – Chuyên viên là những người định hướng, góp ý với giáo viên, tác động với trẻ dựa trên năng lực của trẻ để đưa ra những góp ý cho các biện pháp mà phụ huynh và giáo viên có thể áp dụng lên con, chứ không phải là người trực tiếp “ điều trị” cho trẻ, như các chứng bệnh về cơ thể mà bác sĩ là người can thiệp chính. Chuyên viên quan sát, đánh giá và đưa ra những tư vấn phù hợp với chuyên môn và nhận thức của mình, để chính phụ huynh nhận ra những điều gì cần làm và không nên làm cho con .
    – Những tài liệu bài học, bài tập chỉ là các kiến thức cơ bản mà các chuyên viên đã tìm kiếm , đã điều chỉnh cho phù hợp với các trường hơp, mức độ khác nhau. Nó là các nguyên tắc chung, nên khi PH áp dụng cho con thì chính họ cần có sự nhận biết được khả năng tiếp nhận của con, để điều chỉnh và vận dụng một cách phù hợp nhất. Nó chắc chắn không phải là các kỷ thuật “thần thánh” để có thể “ điều trị hay can thiệp” cho con nói được sau một thời gian ngắn , cho con “trở lại bình thường” sau khi đã làm theo như lòng mong muốn của phụ huynh. Tài liệu, hay kiến thức nào cũng có những hạn chế nhất định và sẽ phải có những điều chỉnh theo thời gian.
    Hành trình 30 năm trong lĩnh vực tâm lý, đủ cho tôi nghiệm ra những hạn chế, thiếu sót của mình và chắc chắn dù đã bước qua nữa phần sau của cuộc đời , thì mình vẫn phải biết chấp nhận những hạn chế trong nhận thức, trong chuyên môn, trong quan điểm để biết lắng nghe, chấp nhận và điều chỉnh. Điều quan trọng là vẫn phải tiếp tục học hỏi, từ các nhà chuyên môn, từ các giáo viên từ phụ huynh và ngay từ những đứa trẻ mà tôi có được cơ duyên tiếp xúc . Các em vừa là động lực cho bản thân, vừa là thách thức cần phải có những chiêm nghiệm. Biết chấp nhận những giới hạn của sự hiểu biết của bản thân để hiểu rằng thế giới của các em, của các trẻ đặc biệt là một thế giới với những khác biệt so với thế giới của chúng ta – Chỉ khi nào chúng ta hiểu về sự khác biệt đó, nhìn nhận như một thực thể để cùng nhau phát triển, chứ không phải bẻ gãy, uốn nắn để ép buộc trẻ bước vào thế giới bình thường để có thể làm được các điều bình thường một cách..không bình thường thì chừng đó chúng ta mới giúp cho trẻ phát triển được . Chúng ta không nên tìm cách can thiệp để thỏa mãn nhu cầu của bố mẹ, mà can thiệp để giúp con cái có được điều mà ai cũng mong đợi : Hạnh phúc được là chính mình !
    Sau chuyến đi nhin lại bản thân
    Lê Khanh

  • Niềm Tin còn một chút này !

    Niềm Tin còn một chút này !

    Có một bài viết được phổ biến trên một số trang mạng, đưa ra 8 liệu pháp Can thiệp trẻ đặc biệt ( ở đây gọi là Điều trị ) được xem là Hiệu quả : 1/ Tâm vận Động 2/ Chỉnh âm và trị liệu ngôn ngữ – 3/Giáo dục đặc biệt – 4/ Phương pháp Nhóm – 5/Lao động trị liệu – 6/ Động vật Trị liệu – 7/ Phương pháp ABA – 8/ Tư vấn tâm lý.
    Trước hết, nếu nói về Các phương pháp can thiệp – Giáo dục trẻ đặc biệt , thì không phải chỉ có 8 phương pháp, mà có đến 27 Phương pháp đã được kiểm tra và chấp nhận. Trong 27 Phương pháp đó, cũng có một số phương pháp tương tự nhau nhưng tựu trung thì có thể nói, chưa có một hay một nhóm phương pháp nào được xem là hiệu quả nhất, mà tất cả đều tùy thuộc vào 3 điều kiện :
    – THỜI GIAN VẬN DỤNG : Phải thường xuyên , phải theo trình tự và ổn định trong một thời gian dài. Không hề có phương pháp mì ăn liền nào đạt được hiệu quả chỉ trong một thời gian ngắn.
    – KỸ THUẬT THỰC HIỆN: Khi vận dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải am hiểu các yếu tố sau: Nguyên lý – Cách thể hiện và khả năng lượng giá. Nếu không nắm được nguyên lý cốt lõi, sẽ vận dụng sai – Nếu không biết cách thể hiện, sẽ thực hiện không theo đúng trình tự và yêu cầu. Nếu không có khả năng lượng giá, thì không biết trẻ sẽ phát triển như thế nào, có tiếp thu tốt hay không để điều chỉnh, tăng cường hay dừng lại.
    – CON NGƯỜI THỰC HIỆN: Có thể là giáo viên, chuyên viên hay bố mẹ của trẻ. Nhưng dù là ai cũng phải có sự tập huấn, biết cách thực hành và có kinh nghiệm thực tế. Đây chính là điều làm cho các bố mẹ trẻ chùn tay khi muốn can thiệp cho trẻ. Thực ra, trong nhiều trường hợp thì bố mẹ lại có nhiều cơ hội, động lực và điều kiện để trở nên người can thiệp tốt nhất cho con mình – và chỉ cho con mình mà thôi.


    Trước hết chúng ta phải xác định với nhau các khái niệm :
    CHUYÊN NGÀNH: Giáo dục đặc biệt là một chuyên ngành giáo dục bao gồm nhiều phương pháp và kỹ thuật khác nhau. Trong Giáo dục đặc biệt bao gồm kỹ thuật phát triển vận động ( Thô và tinh) Can thiệp Hành vi ( Có những phương pháp khác nhau, điển hình là phương pháp ABA ) Phương pháp phát triển ngôn ngữ ( Như các kỹ thuật MTW, PECS, ACC .. ) Như thế không thể gọi đó là một phương pháp.
    Âm ngữ Trị liệu Cũng là một chuyên ngành để đào tạo ra các chuyên viên âm ngữ trị liệu, và đối tượng của ANTL không chỉ là trẻ đặc biệt, chậm nói mà cả cho người lớn có khó khăn trong ngôn ngữ với những kỹ thuật chỉnh âm khác nhau.
    Tâm vận động tuy có phạm vi nhỏ hơn, nhưng cũng được xem là một chuyên ngành, đào tạo các chuyên viên tâm vận động để có thể can thiệp và trị liệu tâm vận động cho trẻ mà chủ yếu là trẻ rối nhiễu tâm lý. Trẻ đặc biệt có thể can thiệp tâm vận động là các trẻ tự kỷ, tăng động kém chú ý, nhưng phải am hiểu nguyên lý cốt lõi của nó. Nếu không sẽ lẫn lộn giữa Tâm vận động và kỹ thuật Hoạt động trị liệu ( OT ) dành cho trẻ Bại não.
    Tư Vấn Tâm Lý : Đây cũng là một chuyên ngành trong lĩnh vực Tâm lý lâm sàng, nó bao gồm hai phạm trù là tham vấn tâm lý ( Counseling ) cho người lớn về các vấn đề gây ra các chấn thương tâm lý. Tư vấn tâm lý trẻ em là đánh giá, chẩn đoán và đưa ra các ý kiến về các biện pháp can thiệp cho trẻ có rối nhiễu tâm lý và trẻ đặc biệt.
    PHƯƠNG PHÁP CAN THIỆP: Là những phương pháp đặc hiệu giúp trẻ phát triển về Giác quan, vận động , ngôn ngữ. Có rất nhiều phương pháp đặc hiệu cho từng lãnh vực như Phương pháp Điều hòa cảm giác, dành cho trẻ có những rối loạn về giác quan ( Ngũ giác và 2 cảm giác là Sự cảm nhận bản thân và sự cân bằng cơ thể ) Không phải trẻ nào cũng rối loạn giác quan và sự rối loạn của trẻ cũng rất khác nhau.
    Với Phương pháp nhóm, khiến ta nghĩ đến phương pháp Jasper, là một kỹ thuật chơi với trẻ dành cho phụ huynh chơi với con và tổ chức các hoạt động chơi mà trong đó, một vài trẻ bình thường được hướng dẫn để cùng chơi với một trẻ đặc biệt. Chứ không phải là việc đưa trẻ vào một nhóm trẻ bình thường để mong trẻ được hội nhập.
    KỸ THUẬT HỖ TRỢ : Là những kỹ thuật giúp trẻ trong quá trình can thiệp, có được những tác động tốt hơn về khả năng nhận biết, sự tự tin, sự ổn định tâm lý … Có thể kể ra :
    – Vẽ (cho trẻ vẽ tự do và có những khuyến khích, chứ không phải là tập vẽ )
    – Nghe nhạc ( thường áp dụng khi trẻ cần thư giản khi nghỉ ngơi hay khi đan cần tập trung để trong một hoạt động nào đó.
    – Chơi với động vật , chủ yếu là Ngựa, Cá Heo và Chó. Đây là 3 loại động vật rất thân thiện với con người, đặc biệt là với trẻ em vì chúng có sự phát triển trí tuệ đơn giản như một đứa trẻ , và có được sự thấu cảm với những cảm xúc của trẻ em.
    Ngay cả một số kỹ thuật khác như xoa bóp ( Massage bằng tay và công cụ ) Châm cứu hay tập Yoga ( Thể dục dưỡng sinh ) cũng chỉ là các kỹ thuật hỗ trợ cho từng trường hợp với các mức độ khác nhau, chứ không thể xem là một phương pháp điều trị riêng biệt như nhiều nhà chuyên môn đưa ra.
    Làm việc nhà cũng là một kỹ thuật hỗ trợ khá hiệu quả dành cho những trẻ trên 4 tuổi, có thể nghe hiểu các yêu cầu và khả năng vận động tương đối không quá rối loạn. Làm việc nhà sẽ tốt cho khả năng tổ chức, sắp xếp, tập trung và điều khiển vận động . Các công việc nhà tuy đơn giản nhưng ngoài những giá trị về cơ học thì nó sẽ đem lại cho trẻ cảm giác tự hào, gắn bó với gia đình, dễ dàng thiết lập mối quan hệ với những người thân trong gia đình.
    Nói thêm về thuật ngữ TRỊ LIỆU – Trị liệu( Therapy ) là một phương pháp được áp dụng bởi các chuyên gia, chuyên viên đã qua đào tạo, và cũng được hiểu đó là những kỹ thuật với các quy trình đi theo từng bước theo các mức độ, và có các công cụ đôi khi rất đặc hiệu.
    Trong lĩnh vực Tâm lý trị liệu, có thể kể ra một số phương pháp như Hội họa trị liệu , Âm nhạc trị liệu, Lao động trị liệu , Trò chơi trị liệu , Thủy trị liệu …Trong lĩnh vực giáo dục, can thiệp trẻ đặc biệt, chúng ta không nên dùng một cách tràn lan, hay mang tính cường điệu, quan trọng hóa ( Gọi là nổ banh ta lông ) các hoạt động hỗ trợ cho trẻ như Vẽ ( Thậm xưng là hội họa trị liệu) nghe nhạc, hay chơi một vài nhạc cụ ( Phong là Âm nhạc Trị liệu ) Làm việc nhà ( Gọi là Lao động trị liệu ) Chơi đồ chơi hay dùng các trò chơi để can thiệp thì lại gọi là Trò chơi trị liệu. Thậm chí là chế tác ra một số món đồ chơi ( hay kinh doanh đồ chơi ) giúp trẻ phát triển một số kỹ năng thì lại khoác cho nó cái từ là Đồ chơi trị liệu.
    Gần đây, có một thuật ngữ là Thu Giá, thay vì thu Phí với những ý đồ đằng sau. Điều này đã làm dậy sóng dư luận vì sự trí trá và ngu dốt trong việc dùng từ ngữ. Nhưng trong lĩnh vực giáo dục can thiệp trẻ đặc biệt, thì cũng có rất nhiều cách dùng từ ngữ, phần lớn là thậm xưng, nói quá lên những hoạt động can thiệp bình thường trong một cơ sở hay đơn vị nào đó bằng những danh từ hoa mỹ, với mục đích quảng cáo cho đơn vị mình, để tạo sự tin tưởng hay thu hút sự quan tâm của phụ huynh. Tiếc thay, điều này lại chưa nhận được những phản ứng tích cực đến từ các phụ huynh (là những người trực tiếp cho con em mình can thiệp trong các cơ sở hay tại gia đình ) cũng như từ các chuyên viên là người am hiểu trong từng lĩnh vực. Có lẽ cái tâm lý ngại đụng chạm và sống chết mặc bay đã khiến cho việc sử dụng các thuật ngữ hoành tráng này được chấp nhận như một điều bình thường. Trong khi thực sự nó có thể đem lại những suy nghĩ tiêu cực nơi phụ huynh, mà một trong những suy nghĩ ấy là việc can thiệp, điều trị các trẻ đặc biệt là công việc của những nhà chuyên môn, họ sẽ điều trị cho trẻ bằng những phương pháp trị liệu đặc thù mà mình không thể giỏi hơn vì thế cứ giao khoán cho họ là xong.
    Điều này cũng đem lại nhận thức lệch lạc về phía giáo viên hay những người làm việc trong lĩnh vực này. Khi vô tình hay cố ý sử dụng những từ ngữ như trị liệu ABC, phương pháp điều trị ABC…nhằm chứng tỏ sự quan trọng và năng lực của bản thân, với những mục đích khác nhau khiến cho lĩnh vực giáo dục trẻ đặc biệt, trở nên một thương trường mà trong đó khá nhiều “ nhà kinh doanh chữ nghĩa” với chủ trương “ treo đầu dê – bán thịt chó” khiến cho phụ huynh đã hoang mang, lại càng hoang mang, mệt mỏi hơn.
    Chúng ta luôn kêu gọi và mong đợi các hệ thống quản lý xã hội cần phải nói thẳng, nói thật, nói chính xác về các chủ trương, chính sách, biện pháp đem ra áp dụng với người dân. Thế thì tại sao trong một lĩnh vực giáo dục rất cần sự chính xác, trung thực và chuẩn mực để có thể đem lại những giá trị tốt nhất cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt, hay gọi là VIP (Nhân vật rất quan trọng), thì lại thích dùng những từ ngữ to lớn, quan trọng. ( mà lại dùng ..sai ) để rồi tự mua dây buộc mình và vô tình hủy hoại niềm tin đã rất mong manh nơi các gia đình trẻ VIP ? Tại sao ?
    CVTL Lê Khanh.

  • Những điều đặc biệt về Trẻ đặc biệt

    Những điều đặc biệt về Trẻ đặc biệt

    Trẻ đặc biệt là cách gọi các trẻ có tình trạng tự kỷ ( ASD = Autism Spectrum Disorder ) trẻ Tăng động giảm chú ý (ADHD = Attention-Deficit-Hyperactivity Disorder ) và trẻ Chậm phát triển Trí tuệ . Ngoài ra trẻ còn có một biệt danh là trẻ VIP ( nhân vật rất quan trọng ) và phần lớn dùng để chỉ tình trạng tự kỷ .

    Đặc biệt trong cách gọi :

    Trước đây có trẻ tàn tật rồi khuyết tật và có khuyết tật thể lý, khuyết tật tâm lý , khuyết tật học tập … nhưng chưa ai gọi 1 trẻ có sự khiếm khuyết là 1 nhân vật rất quan trọng  ( Very Important Person = VIP ) bây giờ thì gọi trẻ VIP thì ai cũng hiểu trẻ đó là ai !

    Đặc biệt trong chẩn đoán :

    Dù đã phát hiện gần trăm năm nay ( từ năm 1943 ) nhưng cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân và còn cãi nhau trong việc phân chia các loại đặc biệt và mức độ của nó !

    Đặc biệt trong nhận định :

    Có 2 quan điểm , một thì cứ gọi nó là bệnh , dù cũng phải công nhận là chưa có thuốc chữa, chưa có phương pháp trị liệu hiệu quả, và vì thế đã trở thành một vùng đất mầu mỡ cho các loại lang băm khai thác dựa trên nhận định : Đã là bệnh thì sẽ có thuốc chữa . Một thì gọi nó là hội chứng, tình trạng rối loạn , nhưng vẫn cứ xếp vào nhóm các rối loạn tâm thần !

    Đặc biệt trong cách can thiệp :

    Có lẽ chưa có một tình trạng rối loạn về tâm lý và thần kinh nào lại có quá nhiều cách can thiệp, giáo dục, trị liệu như cái tình trạng đặc biệt này, bên cạnh hàng chục phương pháp chính thống, khoa học ( trên 27 phương pháp ) thì cũng có hàng chục phương pháp không chính thống, phản khoa học khác mà phương pháp nào cũng cho mình là hay nhất, hiệu quả nhất, dù cho đến nay chưa có một phương pháp nào phát huy được tác dụng, mà phải có sự phối hợp nhưng lại cãi nhau loạn xị là phối hợp như thế nào !

    Đặc biệt trong việc can thiệp :

    Ai cũng chấp nhận là phải can thiệp bằng các biện pháp giáo dục, và trị liệu hành vi, tâm lý …trong một thời ggian dài  nhưng ai cũng muốn  đi tìm một phương thuốc nhiệm mầu, có thể chữa khỏi trong một thời gian ngắn ! Trong khi có những căn bệnh hẳn hoi như tiểu đường, cao huyết áp.. thì lại sẵn sàng chịu đựng từ năm này sang năm khác.

    Đặc biệt các biện pháp can thiệp :

    Có lẽ chưa có tình trạng nào mà ranh giới giữa các biện pháp lại mong manh và mâu thuẫn nhau như trong cái tình trạng đặc biệt này, có những Phu huynh một mặt vẫn đưa con đến trường can thiệp, nhưng vẫn sẵn sàng vái tứ phương với các kiểu chữa bệnh không giống ai từ cấy tế bào gốc cho đến cạo gió, hay cúng bái ! Đặc biệt là sau bất cứ biện pháp nào, phụ huynh cũng thấy con “ tiến bộ” có khi đôi chút, có khi “ hàng ngày” nhưng thực sự tiến bộ thì lại không đánh giá được !

    Đặc biệt là với các phương pháp phản khoa học, với các loại thực phẩn chức năng đụng đâu bổ đó, ai cũng thấy là đó chỉ là những quảng cáo nhập nhằng và láo toét. Thế nhưng lại có khá nhiều chuyên gia, bác sĩ , giáo viên …chỉ thích ngậm miệng có khi vì tiền, có khi vì ngại va chạm và hầu hết chỉ biết giương mắt nhìn các hãng sản xuất lột từng đồng bạc của phụ huynh !

    Đặc biệt trong những người can thiệp :

    Chưa có một tình trạng rối loạn tâm lý và thần kinh  nào mà nhiều vai trò cùng nhảy vào can thiệp bằng tình trạng này, từ các giáo viên mẫu giáo, các sinh viên tâm lý, sư phạm, hay kế toán, tài chính, ngoại thương … cho đến các phụ huynh tốt nghiệp từ đủ các trườnghoặc chỉ theo kinh nghiệm bản thân .  Từ các chuyên viên có chuyên môn cho đến không có chuyên môn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, sau một vài khóa tập huấn trong và ngoài nước là đều có thể can thiệp cho trẻ theo nhiều kiểu khác nhau một cách vô tư, miễn là thuyết phục được phụ huynh.

    Đặc biệt hơn nữa là ai cũng thấy cần có sự phối hợp giữa các chuyên viên các ngành khác nhau, nhưng đến nay thì chưa ai có thể kết hợp được !

    Cái đăc biệt nhất là ai cũng thừa nhận là phụ huynh có vai trò quan trọng, và cũng có rất nhiều khóa huấn luyện mở ra cho phụ huynh học cách dạy con , nhưng ngoài một số có “ năng lực thiên phú” hay có “ khiếu dạy con” hoặc may mắn là con không nặng. Để từ đó có được những kết quả nhất định, thì hầu hết phụ huynh đều kêu khó, không có thì giờ cho con, dù có thể mang con đi đến hết chỗ này đến chỗ khác để chữa ! Hầu hết chỉ đi học cho biết rồi về nhà kiếm giáo viên đến dạy !

    Đặc biệt trong quan điểm về can thiệp : 

    Ai cũng nghĩ  là phải dạy  thì trẻ mới tiến bộ, nhưng trẻ tiến bộ thực sự là nhờ những biện pháp tác động như các hoạt động chơi cũng như các hoạt động trong gia đình , nhưng phụ huynh lại cứ muốn cho con đi học ở các lớp, các trung tâm càng nhiều càng tốt !

    Đặc biệt là trẻ hầu hết đều có khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp, vận động, hành vi và cả giác quan, mà chương trình can thiệp phải là những biện pháp tác động về nhiều mặt, nhưng hầu như ai cũng quan tâm đến việc tập sao cho trẻ nói được !  Chỉ cân trẻ đụng đâu nói đó là coi như một sự thành công lớn, vì thế mọi hoạt động dạy hầu như tập trung vào việc này, mà không nghĩ đến các biện pháp tác động khác.

    Cũng còn nhiều cái đặc biệt nữa, như đặc biệt về các tài liệu , sách vở, trang web và các loại thông tin các kiểu, chưa từng có tình trạng rối loạn nào được nói nhiều đến như thế này . Nếu có ai bỏ công ra đọc hết, chắc không tẩu hỏa nhập ma thì cũng vừa đi vừa cười, nhưng vẫn thích gom góp các tài liệu, bất cứ ai đưa lên mạng cái gì mới hay cũ cũng nhảy vào xin chia sẻ , có khi mang về dùng, có khi mang về ..bán nhưng hầu hết có lẽ chỉ mang về cất trong máy tính mà có khi nếu lôi ra xem thì cũng chả hiểu gì, nhưng vẫn cứ thích xin  ( còn mua thì chưa chắc ) !

    Còn những cái Đặc biệt về chính sách , đặc biệt về hệ thống trường lớp thì chắc phải tốn vài trang giấy chưa chắc là nói được hết …. Và điều đặc biệt nhất có lẽ là cũng chưa có một tình trạng nào được nói hoài, bàn hoài, chia sẽ hoài mà vẫn không hết độ nóng của nó !

    CVTL Lê Khanh

     

  • Trẻ Đặc biệt và vai trò của phụ huynh

    Trẻ Đặc biệt và vai trò của phụ huynh

    lam do choi
    Cho đến nay, khi những hiểu lầm, hay hiểu sai về các phương pháp điều trị, can thiệp cho trẻ tự kỷ, đã dần dần bớt đi, thì vẫn còn những quan điểm mà không chỉ các nhà chuyên môn, các giáo viên và chủ yếu là phụ huynh cần có sự biến chuyển.
    Xuất phát từ quan điểm, tự kỷ là một “chứng bệnh” hay một “ hội chứng rối loạn” và nếu phát hiện sớm, can thiệp sớm thì sẽ có thể bình phục, hay giảm bớt để có thể hội nhập với xã hội mà cụ thể nhất là được đi học cùng các trẻ bình thường. Đây là suy nghĩ hoàn toàn hợp lý, nếu Tự kỷ thực sự là một “chứng bệnh” mắc phải do các nguyên nhân khác nhau sau khi trẻ sinh ra. Nhưng ác một cái, đây lại là một tình trạng mà các biện pháp can thiệp hay được “ y khoa hóa” bằng mỹ từ: Liệu pháp điều trị, chỉ có thể cung cấp cho trẻ VIP những kỹ năng để có thể tiếp nhận các yêu cầu từ người khác, có thể diễn đạt các nhu cầu của mình cho người khác hiểu, vì tình trạng này là một rối nhiễu thần kinh bẩm sinh. Trẻ sinh ra với chứng tự kỷ thì sẽ lớn lên với tình trạng tự kỷ, chỉ khác biệt ở khả năng giao tiếp và ứng xử mà trẻ học được qua các biện pháp tác động. Để đạt được điều này lại phải tùy vào tình trạng, hay mức độ nặng – nhẹ của trẻ cũng như cách tác động một cách liên tục về nhiều phương diện khác nhau.
    Vấn đề là mọi người đều cho rằng, việc can thiệp sớm hay các biện pháp tác động đều phải đến từ các phương pháp khoa học, đến từ các nhà chuyên môn và đến từ năng lực của các giáo viên đặc biệt chứ không phải đến từ sự rèn tập bằng những “ liệu pháp đặc biệt” là hoạt động vui chơi và “ việc nhà trị liệu”! Nói như thế thì các “chuyên viên” về các phương pháp can thiệp như ABA, TEACH, RDI hay chuyên viên về Âm ngữ trị liệu lại chuẩn bị gạch đá ngay và luôn! Thực sự là các phương pháp can thiệp về hành vi hay ngôn ngữ đều rất cần cho trẻ, nhưng nó chỉ phát huy được tác dụng khi bản thân đứa trẻ đã có được sự nối kết với bố mẹ, trẻ đã có được sự thoải mái vui vẻ sau khi được chơi đùa, được kích thích và chuẩn bị tâm thế để tiếp nhận các kỹ năng này vào đúng thời điểm cần thiết của nó !
    Chúng ta hãy thử nhìn một đứa trẻ bình thường, khi đi đến trường để tiếp nhận các kiến thức từ các giáo viên, thì trẻ đã là một đứa trẻ biết vận động tốt, có khả năng nghe hiểu và diễn đạt, trẻ không cần phải học để hiểu, để nói và có thể chấp nhận các yêu cầu về kỷ luật và tập trung một cách dễ dàng. Những năng lực này của trẻ đến từ đâu ? Nó đến từ những hoạt động bắt chước người lớn, nó đến từ sự tương tác gắn bó với bố mẹ, và nó đến từ những thói quen nề nếp mà trẻ học được từ gia đình. Trẻ có khả năng hoạt động cá nhân tại gia đình tốt, thì trẻ sẽ là một học sinh giỏi. Trẻ làm biếng, ngỗ nghịch, ỷ lại và đòi hỏi tại gia đình thì sẽ gặp những khó khăn trong việc học tập tại nhà trường , và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về các hành vi này của trẻ nếu không phải là phụ huynh – Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà ! Bố mẹ có thể nói rằng, bởi vì tôi không được đào tạo về chuyên môn, không có khả năng sư phạm để dạy con, nên trăm sự nhờ cô trong tình huống này không ? Hay là sẽ được thầy cô mời lên văn phòng nhà trường, nhẹ hơn là trao đổi tại lớp, để nhờ phụ huynh về dạy cháu ngoan ngoãn, siêng năng hơn để có thể tiếp thu các kiến thức ?
    Đó là trẻ bình thường mà còn phải có sự “phân công” trong việc giáo dục và phụ huynh cũng phải bỏ thì giờ dạy con các kỹ năng thích ứng với môi trường để có thể tiếp nhận kiến thức. Nhưng vẫn có nhiều trẻ dù phụ huynh bỏ bê, hay lại tập cho các thói xấu … vẫn có thể phát triển và tiếp thu các kiến thức, nhờ vào khả năng nhận thức của bản thân. Trẻ “hiểu và biết” các hoạt động cơ bản tại gia đình chỉ bằng việc nghe – nhìn và làm theo và những tấm gương của bạn bè, thầy cô.
    Nhưng với trẻ VIP thì sao ? Ai cũng biết đó là đứa trẻ rối loạn về giao tiếp, hạn chế về nhận thức và khó khăn về ngôn ngữ. Ấy thế mà các phụ huynh vẫn thích “trăm sự nhờ cô” và các giáo viên đặc biệt vẫn hãnh diện là chỉ với các giờ “ can thiệp cá nhân” bằng các phương pháp “sư phạm đặc biệt” của mình vài giờ trong ngày cùng với tấm lòng yêu trẻ, là có thể tác động “toàn diện” đến nhận thức, hành vi và cung cấp cho các VIP nhà ta những kiến thức trong một thời gian kỷ lục ! Có giáo viên còn cam kết là chỉ 6 tháng, 1 năm trẻ có thể trở nên bình thường để có thể hội nhập ! Các bạn này hay các phụ huynh và cả các chuyên viên, đều nghĩ rằng chỉ cần “ can thiệp – trị liệu” cho đến khi trẻ nói được, diễn đạt được nhu cầu của mình, hiểu được các yêu cầu, có thể đọc, viết hay tính toán…là trẻ đã trở nên “ bình thường” ! Và tất cả hầu như đều thống nhất là để đạt được các điều này thì chỉ có một con đường là “ Học, học nữa và học mãi…” Trẻ đưa đi can thiệp, là đi học, giáo viên đến nhà cũng là để dạy học và thậm chí cho trẻ tập về ngôn ngữ hay “ can thiệp – trị liệu” tâm vận động cũng chỉ là học với người dạy là giáo viên hay chuyên viên. Trẻ sẽ được học theo kiểu cá nhân, một cô một trò, thậm chí là 2,3 cô một trò … và học liên tục từ sáng cho đến tối, để kịp thời gian vào lớp Một !
    Trong khi đó, một trẻ đặc biệt là một trẻ thiếu “đủ thứ” ! trẻ thiếu những kỹ năng cơ bản, thiếu những nhận thức về không gian, thời gian. Trẻ không biết chú ý, tập trung, vận động không ổn định, việc ăn uống, ngủ nghỉ đều có vấn đề … và tất cả những điều đó phải chăng có thể được giải quyết bằng ABA, bằng More Than Word, hay bằng các tấm thẻ Flash Card mà giáo viên ( và cả phụ huynh ) mỗi ngày đều nhắc đi nhắc lại, đều giơ ra trước mặt trẻ, buộc trẻ phải “ bé ngoan, ngồi đẹp” phải “ nhìn vào mặt nhau đi” trong bầu khí của một lớp học nghiêm túc với bàn, ghế , bảng, phấn và học cụ ?
    Hay trẻ sẽ có thể linh hoạt, vui vẻ, khéo tay hơn, biết tập trung chú ý, biết tương tác hơn, có các hành vi ổn định thông qua các hoạt động vui chơi với người thân hay tại các nhóm, lớp can thiệp biết giá trị của các trò chơi vận động mà trẻ có thể chơi một cách tự do, thoải mái không theo một quy định nào ? Trẻ cũng có thể phát triển khả năng giao tiếp hơn nếu được cùng làm một số công việc đơn giản trong gia đình với bố mẹ – đặc biệt là với các trẻ trên 4 tuổi, khi mà khả năng tương tác là hết sức cần thiết. Những hoạt động vui chơi và làm việc nhà đó, bố mẹ có cần phải được “ đào tạo bài bản” không hay đó là những điều dĩ nhiên ? Có bà mẹ nào chưa từng chơi đùa với con ? có bà mẹ nào chưa từng làm bếp hay chưa từng dọn dẹp nhà cửa ?

    lamviecnha
    Nói như thế không có nghĩa là mọi sự đều tự nhiên mà có, mà ngay cả việc tác động với con cũng có những nguyên tắc ứng xử cần phải được tôn trọng. Nhưng nếu được chia sẻ, hướng dẫn, trao đổi thì hẳn là không có bà mẹ nào mà không làm tốt được các điều này, bởi vì họ là mẹ !
    Có một thực tế là hiện nay, các bà mẹ có lẽ là những người “ bận rộn nhất hành tinh” khi phải vừa “dạy con chăm chồng” có khi lại “ chăm con dạy chồng” ! Nhưng nếu vì thế mà các “ siêu nhân” này cho rằng mình không thể chơi với đứa con VIP của mình, không có thì giờ để cùng con tham gia các hoạt động trong gia đình, dù có thể là sẽ mất công rất nhiều so với việc tự làm còn con thì phải ngồi học ! Thì với suy nghĩ đó, các bà đã tự làm khó mình, khi vừa phải vất vả đi tìm hết giáo viên này đến giáo viên khác, với tiêu chuẩn 3 tháng con chưa nói được thì cho nghỉ , vừa tốn kém tìm kiếm các trung tâm, các trường chuyên biệt hoành tráng, với 20 năm kinh nghiệm dạy trẻ, với mức phí không hề thấp, vừa bỏ công sức tiền của ra theo học các khóa chuyên môn về hành vi, về ngôn ngữ, về trị liệu… và cuối cùng thì thời gian và tiền bạc trôi đi, đứa con ViP của mình vẫn là những kẻ “ lạc lõng giữa dòng đời” !
    Các bà mẹ cần ý thức một điều, đó là tình trạng tự kỷ không phải là những rối loạn do các tác động từ bên ngoài, những rối nhiễu về nhận thức, hành vi của trẻ không thể dập tắt hay ngăn chặn bằng các biện pháp kỷ luật dưới bất cứ hình thức nào và những tiến bộ của đứa trẻ không phải chỉ do các phương pháp thần kỳ do các chuyên gia đi tu nghiệp nước ngoài về để can thiệp hay hướng dẫn. Mà nó chỉ có thể tiếp thu các điều này khi đã có được sự nối kết với bố mẹ, đã có sự ổn định về tâm lý, không còn những lo lắng, căng thẳng hay những cơn bùng nổ … và những điều này chỉ có thể đến từ gia đình, đến từ những tác động đơn giản nhất, thường xuyên và đều đặn như những cơn mưa nhẹ nhàng tưới mát cho một mảnh đất khô cằn, sỏi đá. Những hoạt động trong gia đình là sự dọn đất, bón phân để rồi trẻ sẽ có nhu cầu giao tiếp, phát triển ngôn ngữ với các phương pháp phù hợp với bản thân trẻ vào một thời điểm thích hợp.
    Xin đừng để mất 3 năm đưa con đi châm cứu, 2 năm đi can thiệp ngày 8 tiếng, hay đưa con đi cạo gió, bấm huyệt hoặc cấy tế bào gốc, mà hãy để thời gian hàng năm trời đó, với ngân sách hàng trăm triệu đó dùng vào việc cho con chơi, chơi tự do và chơi có định hướng, cho con làm việc nhà, từ những việc đơn giản nhất , cho con biết cùng mẹ, cùng bố đi mua sắm, đi du lịch …Cũng xin đừng tìm kiếm một “ bậc thầy” hay một “ giáo viên tận tâm và nhiều kinh nghiệm” để “trút” đứa con của mình cho các vị này bởi vì không phải là họ dở, họ thiếu trách nhiệm, mà là họ chỉ có thể giúp cho đứa con mình khi nó đã có được cái “tâm thế” muốn giúp, muốn học và muốn giao tiếp. Những cái muốn ấy, lại đến từ những điều đơn giản, bình thường nhất trong gia đình mà rất nhiều phụ huynh đã vô tình bỏ qua, vì nó đi ngược lại với cái tư duy logic – Trẻ chỉ có thể điều trị và giáo dục tại nhà trường chuyên biệt và do các giáo viên được đào tạo.
    Cũng xin đừng tìm kiếm những biện pháp “ mì ăn liền” đươc cung cấp một cách lẻ tẻ, đứt đoạn, không theo một tiến trình nào được phổ biến đầy dẫy trên các diễn đàn, các mạng xã hội… Không phải vì đó là những điều sai lệch, đó là những điều đúng, những kinh nghiệm tốt..nhưng nó chỉ đúng với chính người trình bầy hay chia sẻ điều đó, nó chỉ đúng với chính con của họ ( có khi cũng không đúng ! ) Họ chỉ là người chia sẻ, giới thiệu và hoàn toàn không có trách nhiệm gì nếu ai đó mang về áp dụng mà không hiệu quả . Đó là chưa kể, một vấn đề đưa ra thì có thể có đến hàng chục ý kiến khác nhau góp vào giải quyết mà ý kiến nào cũng cũng đúng ! Khiến cho người hỏi chỉ biết cám ơn và lại tiếp tục đi hỏi ..chỗ khác !
    Hãy biết tôn trọng sự tự do của con, hãy đến với con bằng chính tấm lòng của người mẹ, bằng sự hồn nhiên vui vẻ của trẻ thơ , nhưng đó là một sự ngây thơ sáng suốt ! bằng những biện pháp tự nhiên và đơn giản nhưng phù hợp với trẻ. Hãy làm bạn trước khi làm thầy đứa trẻ. Hãy cho trẻ những điêu bé cần, chứ không phải bắt con học những điều mà mình muốn vì đó mới là một sự can thiệp hợp tình và hợp lý nhất mà một người mẹ có thể đem đến cho con mình.
    Sài Gòn một chiều chủ nhật mưa buồn.
    Lê Khanh