kỹ thuật tư vấn tâm lý trẻ em
26/04/2011Thông tin về Lương Y Võ Hoàng Yên
26/04/2011Con người là một thực thể với những tương quan chặt chẽ giữa tâm thần và thể chất, vì thế có những rối loạn tâm lý có nguồn gốc từ các bệnh tật, và ngược lại có những triệu chứng và tình trạng bệnh lý mà nguyên nhân là những căng thẳng lo âu …
CÁC VẤN ĐỀ VỀ BỆNH TÂM THỂ
Người ta đã biết rằng, sự lo lắng căng thẳng có thể dẫn đến tình trạng đau bao tử, hay sự sợ hãi hoặc tức giận quá mức có thể khiến con người bị đột tử, nhưng với một đứa trẻ thì ngay cả những nhiễu tâm có vẻ như đơn giản, cũng có thể khiến cho trẻ bị những tổn thương trên cơ thể, từ sự co thắt dẫn đến nôn mửa, đau bụng cho đến những tình trạng như liệt cơ, co giật hoặc có những cử chỉ bất thường. Ta gọi chung là bệnh tâm thể. (Psychosomatique )
Bệnh nhân với chứng bệnh này thường có khuynh hướng luôn luôn quan tâm tới chức nǎng cơ thể và bệnh tật thực thể. Các tiêu chí đánh giá theo DSM III cho tình trạng này là: (a) các triệu chứng thực thể mơ hồ bắt đầu trước tuổi 30 và (b) ít nhất 14 triệu chứng (12 cho nam giới) thuộc bảy nhóm sau đây :
1. Thường xuyên có những dấu hiệu mệt mỏi và đau ốm kéo dài
2. Đau
3. Các triệu chứng tim-phổi
4. Các triệu chứng dạ dày-ruột
5. Các triệu chứng chuyển dạng hoặc thần kinh-tâm thần, ví dụ như khó nuốt, mất tiếng, điếc mất trí nhớ, yếu cơ bắp, ứ tiểu tiện.
6. Các triệu chứng tâm lý tình dục
7. Các triệu chứng sinh sản ở nữ giới – bệnh nhân cho rằng các triệu chứng của mình nặng hơn so với các phụ nữ điển hình khác.
Với tình trạng bệnh lý tâm thể thì hầu như mối quan hệ của các bệnh nhân với thầy thuốc thường có mối tương tác nếu không phải là thiếu thiện cảm hoặc gây gổ thì cũng là bị động và dai dẳng. Các đặc điểm nổi bật của loại rối loạn này là bệnh nhân mất khả nǎng thiết lập mối quan hệ thỏa đáng giữa người với người và luôn mong muốn sự quan tâm và được chǎm sóc thông qua các than phiền về tình trạng đau ốm của mình.
TÌNH TRẠNG BỆNH TÂM THỂ Ở TRẺ EM
Đối với trẻ em thì những yếu tố tâm lý trong mối quan hệ mẹ con có thể gây ra những vấn đề về thể chất như
– Mẹ bỏ rơi con một cách rõ rệt có thể dẫn đến sự suy nhược trầm trọng.
– Mẹ lo âu và bảo bọc con quá đáng sẽ gây ra bệnh chứng đau bụng trong giai đoạn 3 tháng tuổi.
– Mẹ có những ác cảm với con nhưng lại ngụy trang dưới sự lo âu quá mức thường gây ra chứng nổi chàm (eczéma)
– Mẹ thay đổi từ việc chiều chuộng qua việc hắt hủi một cách nhanh chóng, đột ngột có thể tạo ra chứng hiếu động.
– Mẹ có tính tình thất thường (vui buồn bất định) mang tính chu kỳ, lập đi lập lại trẻ sẽ có tình trạng nghịch với phân và nếu nghiêm trọng sẽ dẫn đến tình trạng ăn phân.
– Mẹ có ác cảm với con nhưng lại muốn tìm cách bù trừ bằng những hành động săn sóc bên ngoài, điều này dễ hình thành hung tính nơi trẻ.
Ngoại trừ những bà mẹ bỏ rơi con ngay từ khi sinh ra tại các bảo sinh viện hay trước cổng các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, chúng ta khó có thể hình dung sao lại có những người mẹ ruồng bỏ con ngay trong gia đình mình. Thực ra, ngay cả khi nuôi con trực tiếp bằng sữa mẹ, đích thân chăm sóc đứa bé, người mẹ vẫn có thể có một tâm lý ruồng bỏ con trong trường hợp trẻ không phải là một đứa con mong muốn. Có thể đó là một đứa con hình thành từ một sự cưỡng bức, hay là kết quả của một chàng Sở Khanh, đã quất ngựa truy phong sau khi thoả mãn tình dục. Có thể do việc bể kế hoạch, trẻ sinh ra làm trở ngại cơ hội tiến thân trong công việc hay học tập của mẹ…hay do sự bất hòa căng thẳng giữa vợ chồng, đưa đến ly thân hay ly dị khiến bà mẹ giận cá chém thớt, và cũng có những trường hợp cho rằng việc ôm ấp, cho con bú không phải là một biểu hiện của một người mẹ văn minh.
Điều này sẽ được phát hiện khi quan sát việc cho trẻ bú, bà mẹ ôm bé trong lòng như ôm một khúc gỗ, một con búp bê với nét mặt vô hồn, hay khi cho bú bà mẹ luôn bày tỏ sự bực tức, cau có khiến cho trẻ có thể khóc thét lên hay nôn ra, và điều này lại càng làm cho bà bực mình hơn. Cũng có khi là những vụng về của bà mẹ trẻ, không được học cách chăm sóc ôm ấp con, hoặc có con quá sớm trong lứa tuổi vị thành niên, chưa đủ trưởng thành về tâm lý để đón nhận đứa con của mình.
Ngược lại những lo âu và bảo bọc quá mức, hơi một chút là ôm chặt lấy trẻ, dỗ dành quá mức cần thiết cũng gây ra những bệnh tâm thể nơi trẻ mà cụ thể là tình trạng đau bụng của trẻ. Sự trấn an tưởng dành cho bé nhưng đôi khi đó lại là sự an ủi cho chính bản thân người mẹ! điều này khiến cho mỗi lần cho bú là mỗi lần trẻ kêu khóc. Đôi khi có những bà mẹ quá lo âu, cứ mỗi lần trẻ kêu lên là lại cho bú thậm chí cả 20 lần trong một ngày, sẽ gây ra tình trạng đau bụng này. Hai nhà tâm lý Lévine và Bell đã giải quyết tình trạng này một cách đơn giản theo kiểu dân gian, chỉ cần cho em bé mút cái núm vú giả là êm chuyện !
Ở nhiều trẻ em thường có những chứng nổi chàm (eczéma) da nổi rôm lên, chảy nước rồi bóc vảy, xuất hiện ở háng, nách, sau lỗ tai… vào cuối năm thứ nhất, và qua đến năm thứ hai có khi là tự khỏi trong khi trước đó các bác sĩ đã tìm đủ cách mà không ăn thua! Nhà tâm lý Spitz cho rằng, nguyên nhân tâm lý là chủ yếu, do hai yếu tố chủ yếu là bản tính của trẻ và rối loạn trong quan hệ mẹ con.
Trong các nhà trẻ hay các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, chúng ta thường hay gặp những em bé hay lắc lư toàn thân hay cái đầu, nếu thỉnh thoảng thì cũng không có vấn đề gì, nhưng nếu lập đi lập lại thì đó là một tình trạng bệnh lý. Tình trạng này chỉ xuất hiện ở trẻ trên 6 tháng tuổi, các bé dựa trên đầu gối hay cùi tay để lắc lư, và về sau đứng bên, bám lấy thành nôi để lắc lư, có khi hành động này diễn ra suốt ngày trừ những khi cho ăn. Đây là hậu quả của một thái độ ứng xử không thống nhất của bà mẹ, hay của những người nuôi trẻ. Khi thì ôm ấp, khi thì nổi cơn thịnh nộ và tất cả đều diễn ra ở mức độ cao thái quá! Động tác lắc lư được xem là một hành vi tự kích dục (auto-érotique) cũng như việc mút ngón tay, kéo vành tai, tự cào vào mặt, hay gõ đầu vào tường, vào một vật cứng. Các hành tự tạo ra những khoái cảm cho mình để bù đắp vào những thiếu hụt về cảm xúc, đây là một tình trạng tâm lý thoái lùi về giai đoạn ấu thơ.
Trẻ em thích chơi với phân hay ăn phân là hiện tượng thường xuất hiện với trẻ trên 2 tuổi ở các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Trong một khảo sát của Spitz trên 366 trẻ, đã phát hiện ra 16 trẻ có hành vi này, và trong số này có 10 ca thì lúc bắt đầu là chơi sau đó bốc và nuốt cả phân. Tại một vài trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở TP.HCM cũng có một số trẻ có tình trạng này. Điều này cũng thường xảy ra nơi những bà mẹ bị trầm cảm, có sự thay đổi tính tình bất thường mang tính lập đi lập lại theo chu kỳ, điều này khiến trẻ chưa kịp thích nghi với cách chăm sóc này, lại phải chuyển qua sự thích nghi với cách chăm sóc khác. Cũng có khi bà mẹ che dấu tình trạng tâm lý này của mình rất khéo, bằng cách mua cho con rất nhiều đồ chơi, nhưng lại ít khi chơi với con. Các bé này thường có thái độ ít muốn giao tiếp và có thể rơi vào hội chứng Tự kỷ.
Đặc biệt là trong những trường hợp hen suyễn của trẻ em, thì yếu tố tâm lý hay những sang chấn tâm lý đóng góp một phần quan trọng để tạo ra những triệu chứng bệnh từ nhẹ đến nặng.
Theo nhà tâm lý Rees, 12% trường hợp bệnh hen xuất hiện sau một stress mạnh về tâm lý. H. Miller và D. Barush nhận thấy 77 trong 90 bệnh nhân hen suyễn được thăm khám có rối loạn tâm lý liền trước cơn đầu tiên (mất cha hoặc mẹ, nỗi sợ hãi sau cuộc chia ly chứng kiến cuộc cãi nhau dữ dội của cha mẹ….). Một số tác giả nhận thấy không ít trường hợp hen được khởi động bằng cơ chế dị ứng, rồi lại biểu hiện như những phản ứng điều kiện hóa liên quan tới các rối loạn cảm xúc.
Trẻ hen được một số nhà nghiên cứu mô tả với nhiều đặc tính: lo hãi, thiếu tin tưởng, trạng thái căng thẳng giả tạo, lệ thuộc vào cha mẹ (C.H. Rogerson và cộng sự L.Reess, E.C.Neuhaus…). Rorchach, T.Alcock nhận thấy trẻ hen nhạy cảm cao trong quan hệ với người khác, phản ứng kém năng động, ức chế tinh thần, rối loạn quan trọng xung quanh quan hệ với bố mẹ, với sự suy yếu những cơ chế bảo vệ bản ngã (mecanisme de defense du moi). Một nhân cách như vậy có thể tìm thỏa mãn trong việc gây đau khổ cho mình và cho người khác, dẫn tới những rối loạn cơ thể hiểm nghèo. Theo M.Soule bên cạnh loại trẻ lo hãi và lệ thuộc, người ta nhận thấy có loại trẻ hen có hành vi quá năng động và hung hãn, có thái độ muốn chiếm đoạt tình cảm của bố mẹ trong gia đình, còn ở lớp học thì hay gây gổ thích trêu ghẹo. Vả lại, đặc tính của những trẻ này có thể hoàn toàn khác nhau tùy theo khung cảnh gia đình và bối cảnh ngoài xã hội.
Theo nhà tâm lý J. Blook có 3 kiểu bà mẹ dễ gây ra tình trạng hen cho con:
– Mẹ dễ bị thương tổn tâm lý và tự ti về khả năng của mình, thiếu nhất quán,
– Mẹ đang bị hẫng hụt (deprived).
– Mẹ có khát vọng cao về trí thức, dẫu rằng có khả năng thông cảm và có những nét lo hãi.
– Mẹ tự tin, có khả năng và hiệu suất, tỏ uy quyền với người khác và có những nét xung động và trầm uất.
Trong khi so sánh với một nhóm đối chứng, các tác giả này nhận thấy kiểu mẹ đang bị hẫng hụt thường gặp nhất trong các kiểu mẹ của trẻ bị hen. Theo M.Bekei nhận thức bị mẹ loại bỏ tạo cho đứa trẻ lòng uất hận to lớn mà nó không dám biểu lộ, vì sợ mất hẳn tình yêu của mẹ, tự đặt nó vào tình thế lệ thuộc tuyệt đối và thoái bộ. Đứa trẻ sống trong tình trạng hai chiều, một mặt là mong muốn được che chở, mặt khác là nhu cầu trưởng thành và độc lập. Tính chất mâu thuẫn này sẽ gây ra tâm lý lo sợ, bất ổn là đặc tính cơ bản của tất cả trẻ bị hen.
cV.tL Lê Khanh