Đồ chơi giúp trẻ phát triển
18/09/2013
xả stress
22/09/2013
Đồ chơi giúp trẻ phát triển
18/09/2013
xả stress
22/09/2013

Sự phát triển của trẻ là một quá trình đa dạng và liên tục, đó là một tiến trình không đơn giản, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong cách nuôi dưỡng và chăm sóc. Trong sự phát triển của mình trẻ sẽ gặp nhiều yếu tố tác động gây ra những vấn đề trong các lĩnh vực

về vận động, khả năng giao tiếp, ứng xử , và phát triển ngôn ngữ cần có sự quan tâm của bố mẹ để không làm cho tình trạng trở nên nặng nề gây ra những trở ngại trong tiến trình phát triển của bé.


1.Vấn đề về phát triển vận động

Khi bé đã được 6 tháng đến 1 năm, thì khả năng vận động có một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ. Ở đây, ta nên hiểu rõ khái niệm về sơ đồ cơ thể (Schéma coporel /body scheme). Đó là sự nhận biết của trẻ về cơ thể mình, không chỉ là tên gọi mà còn là chức năng của các bộ phận trên cơ thể. Trẻ sẽ dần dần ý thức được sự hiện hữu của các bộ phận trên cơ thể và học cách làm chủ được sự vận động qua việc phối hợp giữa các bộ phận đó. Một bước quan trọng trong sự hình thành sơ đồ cơ thể là đến tháng thứ 7-8, trẻ bắt đầu nhìn thấy và chú ý đến hình ảnh của mình trong gương. Bố mẹ khi chơi với con, thường đặt ra những câu hỏi với con, đại loại như: tay đâu, mắt đâu, miệng đâu …và khi đứa trẻ chỉ đúng, thì được xem là có sự phát triển tốt. Đó là một cách đánh giá đơn giản khả năng ý thức của trẻ về sơ đồ cơ thể mình. Nhưng, chính sự phối hợp vận động của các bộ phận mới nói lên được khả năng phát triển của trẻ. Ngoài việc phối hợp giữa mắt, môi miệng thì các sự vận động sẽ dần dần phát triển theo thời gian, chúng ta sẽ xem xét theo các khả năng dưới đây:

Khả năng ngồi:

Trong thời gian đầu, vào tháng thứ 5 trẻ chỉ có khả năng ngồi yên, và phải chống bằng 2 tay dưới sự giúp đỡ của người lớn. Sau đó sẽ có thể vận động hai tay và cái đầu. Khi đến tháng thứ 8, trẻ sẽ làm chủ hoàn toàn được khả năng ngồi và dễ dàng chuyển sang các tư thế khác.

Khả năng sử dụng bàn tay:

Trẻ có khả năng cầm nắm các đồ vật từ tháng thứ 6 và qua tháng thứ 7 thì biết chuyển các món đồ từ tay này sang tay kia. Đến tháng thứ 8 thì biết dùng 2 ngón tay cái và tay trỏ để kẹp đồ vật. Trong lứa tuổi này, trẻ sẽ bắt đầu có sự bộc lộ rõ rệt khả năng thuận tay phải hay tay trái của mình.

Khả năng trườn và bò:

Từ tháng thứ 4 trẻ đã có thể ngẩn đầu và tập trườn nhưng đến tháng thứ 8 trẻ mới có khả năng tự lật để trườn và chống hai cánh tay, hai cẳng chân lên để bắt đầu bò. Có một số trẻ không trải qua giai đoạn này, ta gọi là bỏ bò hay trốn bò, từ tư thế ngồi trẻ sẽ đứng thẳng và tập đi luôn, đây cũng là một hiện tượng bình thường. Nhưng vẫn cần phải lưu ý về sự phát triển ngôn ngữ sau đó.

Khả năng đứng:

Khi đến tháng thứ 9, trẻ sẽ học cách đứng lên. Ban đầu có thể phải vịn vào tay người mẹ hay một món đồ nào đó, dần dần sẽ có khả năng đứng một mình. Vào giai đoạn này, sự an toàn cho trẻ trong phạm vi gia đình cần được bố mẹ lưu tâm. Trẻ chưa có ý thức về sự giới hạn và nguy hiểm, nên có thể bỏ vào miệng bất cứ thứ gì và có khả năng té ngã rất cao.

Vì vậy, luôn phải có một người để mắt đến trẻ hay trẻ phải ở trong một cái cũi có các chấn song bằng gỗ hay mây, để trẻ vịn khi đứng và nếu có ngã vào cũng không nguy hiểm nếu so với chấn song bằng kim loại. Tuy nhiên, khi đã biết chắc là trẻ đã ở trong phạm vi an toàn thì chúng ta nên để trẻ tự do vận động và khám phá, những cú ngã hay sự đau đớn không quá nặng sẽ giúp trẻ biết rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn khả năng vận động của mình.

Trong khi cho trẻ ăn, việc giao tiếp bằng ánh mắt và lời nói giữa mẹ và con là rất cần thiết, bà mẹ (hay người cho trẻ ăn) nên ngồi đối diện nếu cho trẻ ngồi trên ghế ăn. Khi vừa bế vừa cho trẻ ăn thì nên ở trong tư thế đối mặt, hoặc tạo điều kiện sao cho trẻ thấy được khuôn mặt của mẹ, nụ cười, ánh mắt yêu thương, cái miệng chuyển động và những lời nói êm dịu sẽ được trẻ “hấp thụ” kèm theo những muỗng thức ăn. Điều này giúp cho trẻ được nuôi dưỡng cả thể xác lẫn tâm hồn và có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ sau này của trẻ.

Khi trẻ đã đứng được trên hai chân mình, thì đây là giai đoạn bắt đầu cho một tiến trình tự khẳng định mình, trẻ bắt đầu phân biệt giữa cái tôi và những người xung quanh. Một mặt, trẻ ý thức được sự ràng buộc giữa bản thân và người mẹ, vẫn bám mẹ nhưng mặt khác đã có những dấu hiệu cho thấy ý hướng tách rời khỏi sự bế bồng của mẹ, trẻ muốn tự mình bước đi, tìm cách đẩy tay người mẹ ra để tự đứng trên đôi chân dù chưa vững vàng.

Trẻ đã ý thức được cái tôi khi biết rằng, nếu kêu lên thì mẹ sẽ đến, khóc thì sẽ được chú ý, cười thì sẽ được hưởng ứng và nếu nắm lấy một món đồ chơi rung lên, nó sẽ phát ra tiếng động, nếu nắm một sợi dây cột một món đồ rồi kéo đến, nó sẽ lại gần trong tầm tay. Trẻ cũng sẽ biết rằng, mẹ có thể đi ra khỏi tầm nhìn của mình nhưng rồi mẹ sẽ trở lại, một món đồ có thể bị che đi nhưng vẫn không bị mất mà có thể thấy lại được. Đây cũng là những yếu tố để đánh giá khả năng phát triển của trẻ và cũng là cơ sở để mẹ hay người chăm sóc đưa ra các trò chơi với cấp độ thích hợp.

Như vậy, ban đầu những cử động đầu tiên của trẻ chỉ là những xung động tràn lan, không phân biệt tay chân và không có mục đích, sau đó trẻ dần dần hình thành những vận động có phân định vào một bộ phận rõ rệt (tay sờ, nắm, cầm, ném…chân co duỗi, bước đi, đá…) rồi sau đó là những hoạt động mang tính phối hợp có chủ đích rõ ràng và các chuỗi hành động này gọi là hoạt động có định hướng.

Những ý thức này khiến cho phạm vi hoạt động của trẻ được mở rộng, bà mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ được phát huy khả năng tự chủ ngày càng nhiều hơn. Chúng ta nên nhớ: Trẻ phải xa lìa khỏi mẹ trước 3 tháng là quá sớm, nhưng trẻ chỉ xa lìa mẹ sau một năm là quá muộn. Vì vậy, nếu không vì hoàn cảnh bắt buộc, thì không nên gửi con đi nhà trẻ trước 3 tháng tuổi, và cũng không nên giữ con ở nhà mà không cho con đi nhà trẻ khi con đã hơn 1 tuổi.


2.Vấn đề về khả năng giao tiếp -phát âm

Giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi được xem là một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, từ một trẻ sơ sinh, khả năng quan sát và vận động còn nhiều hạn chế, với sự phát triển khá nhanh trẻ đã biết đi từ những bước chập chững trong năm đầu cho đến khi có thể chạy lon ton vào năm 3 tuổi. Phạm vi quan sát được mở rộng nhờ khả năng di chuyển, nên trẻ tiếp thu nhiều thông tin bằng mọi giác quan và cũng chịu nhiều tác động cả tốt lẫn xấu đến từ bên ngoài.

Trẻ bắt đầu có khả năng hình dung và tưởng tượng, biết dùng vật này thay cho vậy khác (dùng các khối gỗ để tưởng tượng thành chiếc xe hay cái tủ…) Trẻ biết chơi bên cạnh nhau, bắt chước nhau nhưng chưa có khả năng cộng tác hay phối hợp để cùng chơi với nhau.

Trong lứa tuổi này, trẻ có khả năng hiểu những mệnh lệnh đơn giản, có thể đưa tay chỉ điều mình muốn, hay nắm tay người lớn để yêu cầu lấy cho một vật gì, và bắt đầu phát âm từ những âm, tiếng rời rạc, dần dần thành những câu ngắn, ba – bốn từ.

Lúc đầu còn ngọng nghịu, dần dần sẽ rõ hơn nhưng có thể còn sai ngữ pháp, chúng ta cũng không nên bắt trẻ phải nói chính xác, nhưng cũng không nên bỏ qua những câu nói ngọng khiến trẻ quen với cách nói sai, lớn lên sẽ khó điều chỉnh.

Vì thế, khi nói với trẻ cần nói ngắn gọn, rõ ràng trẻ sẽ học theo đó để tự điều chỉnh.

Tình trạng nói lắp và nói ngọng

Nên phân biệt giữa nói ngọng nói lắp. Nói ngọng là nói sai các phụ âm đầu như L thành N ( long lanh thành nong nanh ) hay ngược lại. Việc nói ngọng thường là do nghe cha mẹ, người xung quanh nói sai rồi bắt chước, lâu ngày thành một cố tật khó sửa, có những địa phương rất nhiều người nói ngọng giống nhau. Đây là một tác động mang tính địa phương, rất khó thay đổi hay điều chỉnh mà chỉ có thể làm giảm nhẹ.

Còn nói lắp là một tật chứng, thường do trẻ không đủ vốn từ để diễn tả nên cứ lập đi lập lại một vài từ đầu câu : con..con..con …muốn ăn, có khi chỉ nói lắp một từ đầu, có khi nói lắp nhiều từ trong một câu. Khi trẻ bắt đầu nói sẽ lắp bắp tìm chữ và thường tự thúc hối nói cho nhanh những gì mình đang nghĩ ra mà chữ thì không có sẵn. Hiện tượng này thường tự khỏi khi trẻ lớn lên có đủ vốn từ. Trong những trường hợp nói lắp kéo dài sau 12 tháng, có thể là do sự phát triển không bình thường của não bộ. Ngoài ra nói lắp cũng có thể do một khúc mắc nào đó giữa trung tâm ngôn ngữ trong não bộ và hệ cơ của môi lưỡi và hộp phát âm. Do đó có sự trục trặc trong việc sắp xếp câu cú. Trong trường hợp nhẹ, chỉ cần sự quan tâm và điều chỉnh theo những biện pháp dưới đây, còn trong trường hợp nặng phải có sự can thiệp của các nhà chuyên môn về tâm lý và chỉnh âm.

Tình trạng Chậm nói

Khi một trẻ đã đi được mà chưa nói được những câu đơn giản, ta có thể xem đó là tình trạng Chậm nói. Đây là một biểu hiệu cho biết trẻ có thể có những khó khăn về phát triển (Chậm Khôn) về vận động (Hiếu động kém chú ý) hay có những khó khăn trong quan hệ ứng xử (Tự kỷ) vì vậy, việc nhận biết một trẻ chậm nói là điều dễ dàng, nhưng để xác định là trẻ có những khó khăn về phương diện gì, và nhất là để chẩn đoán mức độ nặng/nhẹ của trẻ thì phải được sự thăm khám nhiều lần của những nhà chuyên môn về tâm lý phát triển.

Khi phát hiện những trở ngại về ngôn ngữ, như chậm nói, nói lắp, nói ngọng… chúng ta cần đưa trẻ đến các nhà chuyên môn về tâm lý để có những điều chỉnh kịp thời. Nhưng nên nhớ rằng chính những giao tiếp đúng cách tại gia đình mới là những yếu tố tích cực đem lại hiệu quả cho sự tiến bộ của trẻ, chứ không phải là những liệu pháp thần kỳ của các chuyên viên mà bố mẹ có thể “khoán trắng” cho họ.

Phân biệt các tình trạng chậm nói:

          Có nhiều người coi việc chậm nói là một tình trạng và thường cho rằng đó là hậu quả của việc thiếu quan tâm chăm sóc của bố mẹ. Điều đó tuy không sai nhưng đó chỉ là một khía cạnh trong nhiều khía cạnh khác nhau của sự chậm nói.

            Chúng ta nên biết rằng, ngoài những tình trạng như hội chứng Tự Kỷ, Hiếu động kém chú ý, Chậm khôn… đều có biểu hiện là chậm nói, thì các trẻ có tình trạng trầm cảm, lo hãi hay hung hăng, thích gây hấn cũng có tình trạng chậm nói, nhưng nguyên nhân gây ra sự chậm nói của các trẻ này lại khác với các trẻ Tự Kỷ, Hiếu động và vì thế biện pháp can thiệp, tập luyện cũng khác biệt. Như thế, việc chậm nói có thể do các nguyên nhân:

  1. 1.Chậm nói do kém phát triển về trí khôn, có khó khăn về khả năng nghe hay khó khăn về khả năng phát âm
  2. 2.Chậm nói do không phát triển được về khả năng giao tiếp ứng xử,có khó khăn trong sự chú ý, có tình trạng hiếu động.
  3. 3.Chậm nói do không muốn nói vì tình trạng lo hãi, trầm cảm, có ác cảm với những người xung quanh.

Vì thế, cần phải xác định được đâu là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng chậm nói cho trẻ. Từ đó mới có thể áp dụng những phương pháp can thiệp thích hợp.


3.Vấn đề về ứng xử & tính tự chủ

Đa số trẻ trong độ tuổi này, nhất là các bé trai đều có tác phong hiếu động, thích cầm nắm, đụng tay vào mọi vật và chưa có khả năng tập trung chú ý vào một việc gì lâu trên 10 phút. Trẻ dễ bị kích thích và dễ kích động, điều quan trọng là trẻ bắt đầu biết phân biệt giũa bản thân và người khác. Chính vì vậy, để chứng minh cho khả năng tự chủ, trẻ thường hay từ chối các yêu cầu của người khác mà đôi khi chính trẻ cũng không hiểu rõ đó là yêu cầu gì, cứ nói không cái đã. Nếu không hiểu, chúng ta có thể gây ra những căng thẳng hay ức chế cho trẻ vì cho rằng đó là thái độ cứng đầu, khó bảo hay không chịu nghe lời (vì không tập trung vào chuyện ghi nhớ các mệnh lệnh) và dẫn đến sự trừng phạt không hợp lý.

Cũng có người cho rằng trẻ rất ích kỷ, chỉ biết có mình nhưng thực ra đây là bản tính ái kỷ, đó là một tiến trình phát triển tự nhiên. Ái kỷ là hay nói đơn giản là thái độ chỉ quan tâm đến những nhu cầu của bản thân và chưa nhận biết được tính đạo đức trong các hành vi, cái gì mà trẻ đã nắm trong tay thì cái đó là của trẻ và trẻ không muốn chia sẻ những cái gì mình có. Vì điều đó, trẻ bắt đầu có những va chạm với những quy định và sự giới hạn hoạt động, gây ra những xung đột với những trẻ khác và người trong nhà. Vì thế chúng ta phải giúp trẻ có ý thức trong 3 phạm vi mang tính sở hữu:

Khu vực được tự do: (đáp ứng các nhu cầu cá nhân, và vui chơi trong một khu vực nhất định ), trẻ cần có một khu vực “oanh kích tự do” có thể làm mọi điều miễn là được bố trí các biện pháp an toàn ( trải thảm hay nệm mỏng, không có các cạnh bàn, cạnh tủ nguy hiểm, không có ổ cắm điện…) Đây là phòng của trẻ hay một góc phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung của gia đình.

Khu vực có thể: (sử dụng các món đồ và chơi trong các khu vực được phép khi có mặt người lớn). Đây là phần lớn các khu vực trong nhà, như phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, khi trẻ chơi cần có sự cho phép và lưu ý của người lớn.

Khu vực không được phép: (không được chạm vào các món đồ quý hay có thể nguy hiểm cho trẻ, không được chơi trong các khu vực cấm…) Đây có thể là nhà bếp, phòng tắm …Trẻ chỉ có thể vào các nơi này khi có mặt người lớn.

Ý thức được các phạm vi sở hữu này rất cần thiết, một mặt giúp cho trẻ phát triển và tự do hoạt động ở khu vực được phép, mặt khác trẻ sẽ biết được những giới hạn để tuân theo các yêu cầu của người lớn. Điều này sẽ có tác dụng khi trẻ đi vào các khu vực công cộng, trẻ sẽ chấp nhận sự ngăn cấm của bố mẹ mà không dở trò ăn vạ, tự ý làm những trò phá rối hay gây nguy hiểm cho bản thân.

Trở ngại về quan hệ ứng xử:

Đôi khi có những trẻ không có một khuyết tật nào về các giác quan, trông bề ngoài rất bình thường, khỏe mạnh nhưng lại có những vấn đề rối nhiễu về nhận thức, giao tiếp và hành vi mà tiêu biểu là hội chứng rối loạn hiếu động kém chú ý, tình trạng tự kỷ và các vấn đề chậm trễ về ngôn ngữ.

Có thể nói, những trở ngại về quan hệ ứng xử, về hành vi tương tác là những trở ngại phức tạp và khó khắc phục nhất, điều này thường khó tạo được sự chấp nhận của phụ huynh vì thế họ thường dễ rơi vào hai thái độ tiêu cực: Quá bi quan về tình trạng con mình, tìm kiếm một cách mù quáng những biện pháp chăm chữa khác nhau và thường xuyên đau khổ, dằn vặt bản thân cũng như những người xung quanh. Hay sẽ có thái độ coi thường, đánh giá thấp những vấn đề của trẻ, không nhìn ra những nhu cầu đặc biệt của trẻ, thờ ơ trước những phương pháp giáo dục đặc biệt mà cứ cố gắng tạo ra một ảo tưởng là trẻ sẽ có khả năng phát triển bình thường sau một thời gian nữa, khi trẻ lớn khôn hơn vì thế vẫn cứ cố gắng gán ghép trẻ theo học các trường lớp bình thường mà không kèm theo một biện pháp chăm sóc nào khác.

Các trở ngại về quan hệ ứng xử cũng khó có được sự chấp nhận và thông cảm của những người xung quanh, mọi người thường dễ xúc động trước hình ảnh của một trẻ khuyết tật về thể chất, các trẻ này dễ gợi lên cho họ một sự quan tâm, những tình cảm yêu thương vì tội nghiệp, từ đó có rất nhiều trường học, trung tâm, cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật. Còn với những trẻ như Tự kỷ, hiếu động …thì đôi khi lại khiến mọi người khó chịu vì các hành vi thiếu ổn định của trẻ và đưa đến tình trạng khó chấp nhận sự hòa nhập của các em với cộng đồng, và việc dạy dỗ để giúp trẻ phát triển và thay đổi hành vi là điều rất khó khăn đòi hỏi những trang thiết bị chuyên biệt cũng như trình độ chuyên môn của giáo viên, chuyên viên. Vì thế nhu cầu được giáo dục, chăm sóc của các em thường chỉ đè nặng lên đôi vai của bố mẹ.

Hiện nay, mô hình các câu lạc bộ phụ huynh trẻ Tự kỷ, hiếu động … là những hoạt động tích cực, tạo ra những năng lực cho các phụ huynh có thêm sự chia sẻ, động viên và nâng cao nhận thức. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần cảnh giác trước tình trạng có nhiều người chỉ sau một thời gian mày mò tìm hiểu các phương pháp giáo dục cho con mình, qua đó tự giúp cho con mình có được một số tiến bộ … nay lại đóng vai một chuyên gia, tận dụng các phương tiện truyền thông để đưa ra những chẩn đoán không có cơ sở khoa học và giới thiệu những biện pháp trị liệu tốn kém mà chưa biết rõ hiệu quả đến đâu. Chúng ta nên biết rằng, khác với những khuyết tật về thể lý, hay các tình trạng như Chậm khôn, bại não mà những phương pháp phục hồi chức năng, những nguyên tắc giáo dục đặc biệt đều có thể áp dụng cho các trẻ em có những trở ngại tương tự nhau. Các trẻ có vấn đề về quan hệ ứng xử như Tự Kỷ, hiếu động… là những vấn đề hoàn toàn cá biệt, không có một trẻ Tự Kỷ nào có những vấn đề, khả năng và nhu cầu giống với một trẻ tự Kỷ nào. Việc xây dựng một kế hoạch trị liệu là phải dựa vào những khả năng và tình trạng riêng biệt của trẻ đó. Ngoài ra, việc vận dụng các nền tảng lý luận và đưa vào ứng dụng là trách nhiệm của các nhà chuyên môn (Bác sĩ, chuyên viên tâm lý) đã qua đào tạo và kinh nghiệm lâm sàng nhiều năm chứ không thể dựa vào kinh nghiệm bản thân trong việc giáo dục cho con mình để phổ biến như một phương pháp giáo dục đại trà.


4.Các vấn đề về tâm thể

            Người ta đã biết sự lo lắng căng thẳng có thể dẫn đến tình trạng đau bao tử, hay sợ hãi hoặc tức giận quá mức có thể khiến ta bị đột tử, nhưng với một đứa trẻ thì ngay cả những nhiễu tâm đơn giản, cũng có thể khiến cho trẻ bị những tổn thương trên cơ thể, từ sự co thắt dẫn đến nôn mửa, đau bụng cho đến những tình trạng như liệt cơ, co giật hoặc có những cử chỉ bất thường. Ta gọi chung là bệnh tâm thể. (Psychosomatique). Những yếu tố tâm lý trong mối quan hệ mẹ con có thể gây ra những vấn đề về thể chất như :

          Mẹ bỏ rơi con một cách rõ rệt có thể dẫn đến sự suy nhược .

          Mẹ lo âu và bảo bọc con quá đáng sẽ gây ra bệnh chứng đau bụng trong giai đoạn 3 tháng tuổi.

          Mẹ có những ác cảm với con nhưng lại ngụy trang dưới sự lo âu quá mức thường gây ra chứng nổi chàm (eczéma)

          Mẹ thay đổi từ việc chiều chuộng qua việc hắt hủi một cách nhanh chóng, đột ngột có thể tạo ra chứng hiếu động.

          Mẹ có tính tình thất thường (vui buồn bất định) mang tính chu kỳ, lập đi lập lại trẻ sẽ có tình trạng nghịch với phân và nếu nghiêm trọng sẽ dẫn đến tình trạng ăn phân.

          Mẹ có ác cảm với con nhưng lại muốn tìm cách bù trừ bằng những hành động săn sóc bên ngoài, điều này dễ hình thành hung tính nơi trẻ.

Ngoại trừ những bà mẹ bỏ rơi con ngay từ khi sinh ra, chúng ta khó có thể hình dung sao lại có những người mẹ ruồng bỏ con ngay trong gia đình mình. Thực ra, ngay cả khi nuôi con bằng sữa mẹ, đích thân chăm sóc đứa bé, người mẹ vẫn có thể có tâm lý ruồng bỏ con khi trẻ không phải là một đứa con mong muốn. Có thể đó là một đứa con hình thành từ một sự cưỡng bức, hay là kết quả của một chàng Sở Khanh., đã quất ngựa truy phong sau khi thoả mãn tình dục. Có thể do việc trẻ sinh ra làm trở ngại cơ hội tiến thân trong công việc hay học tập của mẹ…hay do sự bất hòa căng thẳng giữa vợ chồng, đưa đến ly thân hay ly dị khiến bà mẹ giận cá chém thớt, và cũng có những trường hợp cho rằng việc ôm ấp, cho con bú không phải là một biểu hiện của một người mẹ văn minh.

Việc bồng ẵm con cũng là một điều không phải đơn giản, mà cần phải được hướng dẫn cho các bà mẹ trẻ . Nếu khi cho con bú, bà mẹ ôm bé trong lòng như ôm một khúc gỗ, giống một con búp bê với nét mặt vô hồn, hay lúc đó bà luôn bày tỏ sự bực tức, cau có khiến cho trẻ có thể khóc thét lên hay nôn ra, điều này lại càng làm cho bà bực mình hơn.

Cũng có khi là những vụng về của bà mẹ trẻ, không được học cách chăm sóc ôm ấp con, hoặc có con quá sớm trong lứa tuổi vị thành niên, chưa đủ trưởng thành về tâm lý để đón nhận đứa con của mình. Tất cả đều gây ra tai hại.

Ngược lại, thì những lo lắng cho con và sự bảo bọc quá mức, hơi một chút là ôm chặt lấy trẻ, dỗ dành quá mức cần thiết cũng gây ra những bệnh tâm thể nơi trẻ mà cụ thể là tình trạng đau bụng của trẻ. Sự trấn an tưởng dành cho bé nhưng đôi khi đó lại là sự an ủi cho chính bản thân người mẹ! điều này khiến cho mỗi lần cho bú là mỗi lần trẻ kêu khóc. Đôi khi có những bà mẹ quá lo âu, cứ mỗi lần trẻ kêu lên là lại cho bú thậm chí cả 20 lần trong một ngày, sẽ gây ra tình trạng đau bụng này. Hai nhà tâm lý Lévine và Bell đã giải quyết tình trạng này một cách đơn giản theo kiểu dân gian, chỉ cần cho em bé mút cái núm vú giả là êm chuyện !

Ở nhiều trẻ em thường có những chứng nổi chàm (eczéma) da nổi rôm lên, chảy nước rồi bóc vảy, xuất hiện ở háng, nách, sau lỗ tai… vào cuối năm thứ nhất, và qua đến năm thứ hai có khi là tự khỏi trong khi trước đó các bác sĩ đã tìm đủ cách mà không ăn thua! Nhà tâm lý Spitz cho rằng, nguyên nhân tâm lý là chủ yếu, do hai yếu tố chủ yếu là bản tính của trẻ và rối loạn trong quan hệ mẹ con.

Trong các nhà trẻ hay các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, chúng ta thường hay gặp những em bé hay lắc lư toàn thân hay cái đầu, nếu thỉnh thoảng thì cũng không có vấn đề gì, nhưng nếu lập đi lập lại thì đó là một tình trạng bệnh lý. Tình trạng này chỉ xuất hiện ở trẻ trên 6 tháng tuổi, các bé dựa trên đầu gối hay cùi tay để lắc lư, và về sau đứng bên, bám lấy thành nôi để lắc lư, có khi hành động này diễn ra suốt ngày trừ những khi cho ăn. Đây là hậu quả của một thái độ ứng xử không thống nhất của bà mẹ, hay của những người nuôi trẻ. Khi thì ôm ấp, khi thì nổi cơn thịnh nộ và tất cả đều diễn ra ở mức độ cao thái quá! Động tác lắc lư được xem là một hành vi tự kích dục (auto-érotique) cũng như việc mút ngón tay, kéo vành tai, tự cào vào mặt, hay gõ đầu vào tường, vào một vật cứng. Các hành tự tạo ra những khoái cảm cho mình để bù đắp vào những thiếu hụt về cảm xúc, đây là một tình trạng tâm lý thoái lùi về giai đoạn ấu thơ.

Trẻ em thích chơi với phân hay ăn phân là hiện tượng thường xuất hiện với trẻ trên 2 tuổi ở các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Trong một khảo sát của Spitz trên 366 trẻ, đã phát hiện ra 16 trẻ có hành vi này, và trong số này có 10 ca thì lúc bắt đầu là chơi sau đó bốc và nuốt cả phân. Tại một vài trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở TP.HCM cũng có một số trẻ có tình trạng này. Điều này cũng thường xảy ra nơi những bà mẹ bị trầm cảm, có sự thay đổi tính tình bất thường mang tính lập đi lập lại theo chu kỳ, điều này khiến trẻ chưa kịp thích nghi với cách chăm sóc này, lại phải chuyển qua sự thích nghi với cách chăm sóc khác. Cũng có khi bà mẹ che dấu tình trạng tâm lý này của mình rất khéo, bằng cách mua cho con rất nhiều đồ chơi, nhưng lại ít khi chơi với con. Các bé này thường có thái độ ít muốn giao tiếp và có thể rơi vào hội chứng Tự kỷ.

Đặc biệt là trong những trường hợp hen suyễn của trẻ em, thì yếu tố tâm lý hay những sang chấn tâm lý đóng góp một phần quan trọng để tạo ra những triệu chứng bệnh từ nhẹ đến nặng.

Theo nhà tâm lý Rees, 12% trường hợp bệnh hen xuất hiện sau một stress mạnh về tâm lý. H. Miller và D. Barush nhận thấy 77 trong 90 bệnh nhân hen suyễn được thăm khám có rối loạn tâm lý liền trước cơn đầu tiên (mất cha hoặc mẹ, nỗi sợ hãi sau cuộc chia ly chứng kiến cuộc cãi nhau dữ dội của cha mẹ….). Một số tác giả nhận thấy không ít trường hợp hen được khởi động bằng cơ chế dị ứng, rồi lại biểu hiện như những phản ứng điều kiện hóa liên quan tới các rối loạn cảm xúc.

Trẻ hen được một số nhà nghiên cứu mô tả với nhiều đặc tính: lo hãi, thiếu tin tưởng, trạng thái căng thẳng giả tạo, lệ thuộc vào cha mẹ (C.H. Rogerson và cộng sự L.Reess, E.C.Neuhaus…). Rorchach, T.Alcock nhận thấy trẻ hen nhạy cảm cao trong quan hệ với người khác, phản ứng kém năng động, ức chế tinh thần, rối loạn quan trọng xung quanh quan hệ với bố mẹ, với sự suy yếu những cơ chế bảo vệ bản ngã (mecanisme de defense du moi). Một nhân cách như vậy có thể tìm thỏa mãn trong việc gây đau khổ cho mình và cho người khác, dẫn tới những rối loạn cơ thể hiểm nghèo. Theo M.Soule bên cạnh loại trẻ lo hãi và lệ thuộc, người ta nhận thấy có loại trẻ hen có hành vi quá năng động và hung hãn, có thái độ muốn chiếm đoạt tình cảm của bố mẹ trong gia đình, còn ở lớp học thì hay gây gổ thích trêu ghẹo. Vả lại, đặc tính của những trẻ này có thể hoàn toàn khác nhau tùy theo khung cảnh gia đình và bối cảnh ngoài xã hội.

Theo nhà tâm lý J. Blook có 3 kiểu bà mẹ dễ gây ra tình trạng hen cho con:

          Mẹ dễ bị thương tổn tâm lý và tự ti về khả năng của mình, thiếu nhất quán,

          Mẹ đang bị hẫng hụt (deprived). Về một mong ước.  

          Mẹ có khát vọng cao về trí thức, dẫu rằng có khả năng thông cảm và có những nét lo hãi.

          Mẹ tự tin, có khả năng và hiệu suất, tỏ uy quyền với người khác , có những nét xung động và trầm uất.

Trong khi so sánh với một nhóm đối chứng, các tác giả này nhận thấy kiểu mẹ đang bị hẫng hụt thường gặp nhất trong các kiểu mẹ của trẻ bị hen. Theo M.Bekei nhận thức bị mẹ loại bỏ tạo cho đứa trẻ lòng uất hận to lớn mà nó không dám biểu lộ, vì sợ mất hẳn tình yêu của mẹ, tự đặt nó vào tình thế lệ thuộc tuyệt đối và thoái bộ. Đứa trẻ sống trong tình trạng hai chiều, một mặt là mong muốn được che chở, mặt khác là nhu cầu trưởng thành và độc lập. Tính chất mâu thuẫn này sẽ gây ra tâm lý lo sợ, bất ổn là đặc tính cơ bản của tất cả trẻ bị hen.


5.Dấu hiệu và nguy cơ trầm cảm:

Ngay trong giai đoạn đầu đời, từ 1 đến 3 tháng sau khi sinh, trẻ em đã có thể gặp những nguy cơ do không được đáp ứng những nhu cầu tâm lý cơ bản nhất, để bắt đầu có những dấu hiệu của tình trạng trầm cảm.

Dinh dưỡng: Dấu hiệu đầu tiên là vấn đề ăn uống, trẻ thường có tình trạng nôn ói, hay có dấu hiệu đau bụng hoặc ngược lại là tình trạng háu ăn vô độ, lúc nào cũng đòi hỏi, nhưng khi ăn nhiều thì lại ói ra.

Quan hệ ứng xử: Dấu hiệu thứ hai là sự kêu khóc, trẻ thường kêu khóc do nhiều nguyên nhân khác nhau (đói, lạnh, khó chịu, sợ hãi…) Nhưng có những tình trạng kêu khóc thường xuyên, không vì một lý do rõ ràng nào cả. Ngược lại, có những trẻ lại quá “hiền lành” hầu như không kêu khóc bao giờ. Đó thực sự không phải là một điều tốt lành.

Biểu hiện sức khỏe: Dấu hiệu thứ ba là giấc ngủ. Một đứa trẻ ngủ quá nhiều hay lúc nào cũng có vẻ ngái ngủ, mệt mỏi nhưng không thực sự ngủ. Đó là một dấu hiệu đáng lo ngại và càng đáng lo ngại hơn, là đối với những trẻ lấy ngày làm đêm. Trong khi mọi người chìm vào giấc ngủ thì bé lại mở to đôi mắt, nhìn mọi vật xung quanh với một sự lãnh đạm. Những trẻ này thường sẽ bị nhiều sự rối loạn sau đó và có khi đưa đến tình trạng loạn tâm nơi trẻ em.

Biểu hiện tâm lý: Dấu hiệu thứ tư là sự căng thẳng (Les tensions) Điều này có vẻ mơ hồ, nhưng khi một đứa bé có những dấu hiệu căng thẳng, lo lắng ngay cả với những điều nhỏ nhặt, như việc người lớn đến gần. Trẻ dễ dàng giật mình, kêu khóc nhiều và có những vận động hỗn độn.

Đó là những dấu hiệu cho biết một tình trạng trầm cảm nơi trẻ em, và vấn đề trị liệu không phải là điều đơn giản nếu như gia đình không có sự hợp tác tích cực để tìm ra những yếu tố tác động ngay chính trong các mối quan hệ, ứng xử và sự chăm sóc, nuôi dưỡng không hợp lý của mình.

Tình trạng trầm cảm kéo dài sẽ khiến trẻ bị suy sụp nhanh chóng về cả thể chất lẫn tâm lý và có rất nhiều nguy cơ dẫn đến một tình trạng loạn tâm – là một tổn thương tâm lý nặng nề, trẻ không còn có sự ý thức về bản thân và hầu như không còn khả năng phục hồi.

CvTL LÊ KHANH- Trung tâm Rồng Việt Vũng Tàu.


Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý