Phòng ngừa ung thư với 8 loại rau
13/08/2012Chương trình can thiệp cho trẻ Đặc biệt
25/08/2012Trong hoạt động tư vấn tâm lý, một trong những liệu pháp tâm lý chủ yếu để nhà tư vấn có thể tiếp cận và hỗ trợ thân chủ vượt qua những thách thức của mình là liệu pháp Thân chủ Trọng tâm của Carl Rogert.
Tiểu sử tác giả
Carl Rogers sinh ngày 8 tháng giêng năm 1902, tại Oak. Ông là con giữa trong một gia đình Tin Lành bảo thủ. Ông đã theo học trường Đại học Wisconsin nơi mà lúc đầu ông chuyên về nông nghiệp và sau này chuyên về lịch sử. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông theo học ở Chủng viện Thần học Hiệp thông từ năm 1924 đến năm 1926. Sau đó, ông chuyển tới trường Cao đẳng sư phạm thuộc Đại học Columbia với sự định hướng của Thorndike, nơi ông nhận bằng Thạc sĩ Văn chương (M.A) năm 1928 và một bằng tiến sĩ Tâm lý học giáo dục và lâm sàng năm 1931. ở Đại học Columbia, Rogers thường hướng tới triết học của John Dewey (do Wiliam H. Kilpatrick dạy), và có kinh nghiệm lâm sàng đầu tiên của phương pháp lương tri của Leta Holingworth.
Từ năm 1927 đến năm 1928, ông tổ chức một Hội ái hữu ở Viện Hướng dẫn trẻ em, nơi ông bắt gặp sự định hướng của Freud về David Levy và Lawson Lowrey. Từ năm 1928 đến năm 1930, ông hoạt động như một nhà Tâm lý học lâm sàng trong Ban nghiên cứu trẻ em của Hội ngăn ngừa hành động tàn ác đối với trẻ em ở Rochester. Đến năm 1940, ông vẫn còn làm cho Hội với tư cách là giám đốc của Ban nghiên cứu trẻ em (Sau này là Trung tâm hướng dẫn Rochester). Trong thời gian này, ông nghiên cứu các học thuyết của Otto Rank vốn sẽ trở nên quan trọng đối với ông. Ông nhận thấy tư tưởng của ông cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi các đồng nghiệp, các nghiên cứu sinh, giáo sư và nhiều hơn hết là kinh nghiệm lâm sàng liên tục của mình.
Năm 1940, Rogers gia nhập Ban Tâm lý học của Đại học bang Ohio. Năm đó ông trình bày bài phát biểu chính thức đầu tiên về học thuyết phát triển mới của mình dưới hình thức một bài thuyết trình. Bài này được nộp cho Đại hội Psy Chi, bang Minesota. Rogers trở thành giáo sư tâm lý học lâm sàng ở Đại học bang Ohio năm 1945, sau này làm giáo sư tâm lý học ở Đại học Chicago. Và năm 1957, ông trở thành giáo sư tâm lý học và tâm thần học ở Đại học Wisconsin. Từ năm 1964 dến năm 1987, ông tham gia tại Trung tâm Nghiên cứu con người ở La Jolla, California. Là một nhà cải cách về nghiên cứu liệu pháp tâm lý được kính trọng khắp nơi cũng như một nhà lý thuyết quan trọng, Rogers thường được mọi người tôn trọng nhờ nghề nghiệp của mình. Ông là Chủ tịch Hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) và là người vinh dự được nhận phần thưởng về những đóng góp xuất sắc cho khoa học và cho nghề nghiệp của Hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA).
Lúc còn trẻ, C. Rogers đã dành phần lớn thời gian cho cuộc sống ở nông trại, nơi mà ông đặc biệt quan tâm đến công việc nghiên cứu các quá trình kích thích tăng trưởng cây trồng và làm các thực nghiệm về nông nghiệp. Công việc kích thích tăng trưởng và kiểm định các giả thuyết trong nghiên cứu đã giúp hình thành những thái độ trong cuộc sống cũng như sau đó trở thành những đặc trưng cơ bản trong quan điểm làm việc của Rogers.
Về sau, khi Rogers làm công việc của một chuyên viên tham vấn tại một trung tâm hướng dẫn trẻ em (child guidance clinic), ông đã tiếp xúc với các tư tưởng của Otto Rank – người đã có ảnh hưởng đến Rogers về một số quan điểm như: nhấn mạnh vào tiềm năng sáng tạo của con người, việc trị liệu có mục đích nhắm đến sự chấp nhận bản ngã như là một thực thể độc đáo và có khả năng tự lực, lòng tin vào thân chủ như là nhân vật trung tâm của tiến trình trị liệu, thân chủ là nhà trị liệu của chính mình, và việc trị liệu phải nhấn mạnh vào các trải nghiệm đang xảy ra trong hiện tại hơn là những gì đã xảy ra trong quá khứ… (Raskin & Rogers; 1989).
Rogers cũng chịu ảnh hưởng bởi trào lưu tư tưởng của Roosevelt vào thập niên 1930, từ đó hình thành nên quan điểm lạc quan của Rogers về bản chất con người và niềm tin rằng con người cần phải được đối xử một cách tôn trọng và có lý lẽ ngay cả khi hành vi của họ không phải lúc nào cũng hợp lý.
Tuy nhiên, đối với Rogers, ảnh hưởng lớn nhất mà ông có được là từ những trải nghiệm của những thân chủ mà ông đã tiếp xúc và làm việc. Theo Rogers, chính thân chủ là người biết rõ điều đau khổ của họ là gì, hướng đi của họ sẽ về đâu và vấn đề nào là cấp thiết.
Vào thập niên 1940, Rogers gọi liệu pháp của mình là “liệu pháp không hướng dẫn (non-directive therapy). Ông nhấn mạnh vào tính chất đặc trưng của nhà trị liệu là không hướng dẫn thân chủ của mình. Mục đích trị liệu là tạo ra một bầu không khí cởi mở và không can thiệp. Vào thập niên 1950, Rogers bắt đầu nhấn mạnh đến “sự thấu cảm” (empathic understanding) và sang thập niên 1960, những tính cách của nhà trị liệu được Rogers nhấn mạnh là “sự hài hòa” (congruence) và “tính trung thực” (genuineness).
Về sau, Rogers áp dụng quan điểm của mình một cách sâu rộng hơn ra ngoài các môi trường khác không thuộc tâm lý trị liệu và làm việc với các nhóm người không phải là thân chủ… Quan điểm thân chủ trọng tâm ảnh hưởng sang cả ngành giáo dục ở Hoa Kỳ, và điều đó khiến Rogers đặt lại tên cho phương pháp của mình là “nhân vị trọng tâm” (person-centred) để phản ảnh sự chuyển đổi đối tượng của phương pháp không chỉ bao gồm những thân chủ trong tâm lý trị liệu mà còn nhắm đến bản chất con người và các mối tương tác xã hội nói chung.
Liệu pháp thân chủ trọng tâm có thể áp dụng cho rất nhiều loại thân chủ/bệnh nhân ở nhiều loại cơ sở trị liệu khác nhau. Carl Rogers khởi đầu việc trị liệu của mình như một nhà trị liệu theo định hướng phân tâm tại Trung tâm Hướng dẫn Trẻ em ở New York, nơi ông làm việc với những trẻ em thiệt thòi và gia đình của chúng. Sau đó, ông làm việc tại Trung tâm Tư vấn thuộc Đại học Chicago, phục vụ cho các đối tượng trong cộng đồng cũng như cho các sinh viên đại học.
Theo Smith (1982), Carl Rogers được xếp hạng là nhà tâm lý trị liệu có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất, vượt trên cả ảnh hưởng của Sigmund Freud, mặc dù trong thực tế chỉ có khoảng 9% trong tổng số các nhà trị liệu tự nhận mình theo trường phái thân chủ trọng tâm. Mặt khác, hầu hết các nhà trị liệu hiện nay có xu hướng đi theo quan điểm chiết trung (eclectic), và khoảng 1 phần 3 trong số này phối hợp liệu pháp thân chủ trọng tâm với các loại liệu pháp nhân văn khác theo nhiều định hướng khác nhau (Norcross & Prochaska; 1988).
Nội dung của lý thuyết và sự vận dụng vào thực hành tham vấn
– Liệu pháp Thân chủ trọng tâm (client-centered psychotherapy), hoặc theo cách gọi tên với nghĩa rộng hơn như hiện nay là Nhân vị trọng tâm (person-centered psychotherapy), là thuật ngữ được chọn để gọi tên cho một nhóm những phương pháp tham vấn tâm lý dựa trên quan điểm lý thuyết về bản chất con người và các tương tác xã hội được phát triển bởi Carl Rogers vào hai thập niên 1940 và 1950 (Brodley; 1988). Rogers là người đầu tiên dùng tên gọi ấy để chỉ phương pháp trị liệu của mình. Sau đó, nhiều tác giả khác đã phát triển thêm các “phân nhánh” cho loại liệu pháp này; trong đó phải kể đến Eugene Gendlin với “liệu pháp kinh nghiệm” (experiential psychotherapy; 1979) và các tác giả Leslie Greenberg, Laura Rice, Robert Eliott với “liệu pháp tiến trình – kinh nghiệm” (process-eperiential psychotherapy; 1993).
– Phương pháp tham vấn thân chủ trọng tâm lúc đầu được gọi là liệu pháp thân chủ trọng tâm (Carl Rogers, 1951) và sau đó được gọi là phương pháp tham vấn tập trung vào cá nhân (Person – Centered counseling), hướng tiếp cận của Carl Rogers không chỉ được coi là có ý nghĩa lớn lao trong công việc trợ giúp TC mà còn được xem là cách sống của con người. Rogers tin rằng bản chất con người là thiện với những khuynh hướng tiến đến phát triển tiềm năng và xã hội hoá mà nếu đặt trong môi trường thuận lợi sẽ phát triển nhận thức và hiện thực hoá tiềm năng đầy đủ.
– Rogers giả thiết rằng mỗi người đều sở hữu những tiềm năng cho sự lớn lên, tiềm năng cho những hành vi có hiệu quả và có khuynh hướng tự hiện thực hoá những tiềm năng của mình. Sở dĩ một cá nhân nào đó (TC) phát triển những hành vi kém thích nghi là do sự tập nhiễm những mẫu ứng xử sai lệch. Bởi vì mỗi cá nhân đều có nhu cầu mạnh mẽ được người khác chấp nhận, coi trọng nên anh ta hoặc cô ta có thể hành động một cách không tự nhiên, không thực tế và phát triển những cảm giác sai lệch về bản thân, về những điều mình mong muốn.
– Theo Rogers, cá nhân có khuynh hướng một mặt làm cho phần lớn trường hợp những trải nghiệm mà mình sẽ sống trong thế giới bên ngoài phù hợp với khái niệm về cái mình, cái mình thực tế. Mặt khác nó nhằm làm cho khái niệm về cái mình sát với những tình cảm sâu xa tạo nên cho cái mình lý tưởng, tương ứng với những gì tiềm tàng. Như vậy cái mình hiện thực có nguy cơ không ăn khớp hoặc khi con người dưới áp lực của hoàn cảnh bắt buộc phải từ chối một số trải nghiệm hoặc con người tự thấy mình phải áp đặt những tình cảm và những giá trị hoặc những thái độ khiến cho cái mình hiện thực xa với cái mình lý tưởng.
– Sự lo âu và những không thích nghi về tâm lý ít nhiều để lại hậu quả của sự mất ăn khớp giữa cái mình hiện thực và những trải nghiệm cuộc sống một bên và bên kia giữ cái mình hiện thực và hình ảnh lý tưởng mà bản thân con người đó có. Mục đích của phương pháp tham vấn tập trung vào cá nhân không phải là chữa trị cho TC hoặc tìm kiếm những nguyên nhân từ quá khứ mà cái chính là khuyến khích TC sự tự hiện thực hoá những tiềm năng của bản thân, tạo điều kiện dễ dàng cho sự phát triển tâm lý lành mạnh ở thân chủ. TC được xem như là một chủ thể có hiểu biết, họ phải được hiểu, được chấp nhận để NTV có thể cung cấp những loại hình giúp được tốt hơn.
C. Rogers đã phát biểu quan điểm của mình về mối tương giao giữa NTV và TC như sau: “Mối tương giao tôi thấy hữu ích là mối tương giao được đính tính bằng một sự trong suốt về phần tôi trong đó cảm quan thực sự của tôi biểu hiện rõ ràng, bằng sự chấp nhận người khác như một con người riêng biệt có quyền có giá trị riêng, và bằng một sự cảm thông sâu xa khiến tôi có thể nhìn thế giới riêng tư của người ấy qua con mắt của người ấy. Khi các điều kiện trên được thực hiện thì tôi trở thành một người bạn đồng hành của TC tôi, theo chân họ trong sự tìm kiếm chính mình mà bây giờ họ cảm thấy được tự do đảm nhiệm” .
Như vậy, theo C. Rogers trong tham vấn nếu NTV tạo được một mối tương giao định tính bằng: Một sự chân thực trong suốt, trong đó NTV sống với các cảm quan thực của mình; một sự nhiệt tình tôn trọng và chấp nhận TC như một cá nhân riêng biệt; một khả năng nhạy cảm để nhìn thế giới của TC y như TC nhìn họ, thì TC sẽ:
+ Có kinh nghiệm và hiểu được những phương diện của chính mình mà trước đây bị dồn nén.
+ Thấy mình trở nên hợp nhất hơn, có thể hành động hữu hiệu hơn.
+ Trở nên giống mẫu người mà mình ao ước muốn trở thành.
+ Tự chủ và tự tin hơn.
+ Thân chủ là chính mình, độc đáo hơn và bộc lộ hơn.
+ Hiểu người khác và chấp nhận người khác hơn.
+ Có thể đương đầu với những vấn đề của đời sống một cách thích đáng và dễ chịu hơn.
– Quan điểm của C. Rogers về mối quan hệ giữa NTV và TC không chỉ có hiệu quả trong tham vấn mà còn rất hữu ích trong tất cả các mối tương giao nhân loại. Rogers tin rằng nếu NTV thì có thể đem lại những điều kiện thuận lợi như trên cho TC thì TC sẽ trở nên cởi mở và hiểu những nỗi đau, tổn thương trong quá khứ là do những mối quan hệ có điều kiện trong cuộc sống của họ. Thực tế thì những mối quan hệ tham vấn như thế này có thể giúp TC thay đổi những hành vi mà họ đã có trong quá khứ và trợ giúp TC chuyển từ những nhận thức sai lệch về bản thân đến nhận thức đúng đắn về chính họ.
Nhiệm vụ của NTV theo phương pháp tiếp cận này là tạo ra một môi trường thuận lợi cho phép TC học cách hành động để đạt đến sự tự khuyến khích và tự hiện thực hoá. Nhiệm vụ chính của NTV là giúp TC rỡ bỏ những “rào cản tâm lý” đang hạn chế sự bày tỏ khuynh hướng tích cực vốn có và giúp TC làm sáng tỏ, hiểu rõ bản thân và chấp nhận tình cảm riêng của mình.
Vì Rogers tin rằng TC có thể tìm ra giải pháp của riêng mình trong một môi trường ở đó có mối quan hệ tham vấn nồng ấm và thấu cảm nên ông xem chính mối quan hệ tham vấn như là một vật xúc tác cho sự thay đổi và tin rằng việc NTV tìm cách đưa ra lời giải thích thay cho TC là không thích hợp. Do đó ông hoàn toàn không chi phối quyết định của thân chủ mà sử dụng kỹ thuật lắng nghe tích cực và tiến hành phản hồi lại cho thân chủ điều gì mà thân chủ đã nói.
– Lắng nghe tích cực là một kỹ năng nền tảng trong tham vấn theo phương pháp thân chủ trọng tâm nói riêng và tham vấn nói chung. Nó đòi hỏi NTV phải lắng nghe bằng tất cả các giác quan, nghe bằng sự cảm nhận của xúc cảm, nghe bằng “trái tim”, lắng nghe là dừng nói và dừng suy nghĩ. Lắng nghe tích cực thể hiện ở việc nghe và nhận hết được cảm xúc của đối tác, không suy luận, đánh giá, không liên hệ với cái này cái kia. Lắng nghe tích cực như một sự ngầm ẩn trả lời: tôi tin tưởng và tôn trọng vào sự nồng nhiệt, sự giá trị của bản thân bạn, tin tưởng vào con người bạn vào những điều bạn đang có. Cùng lúc đó TC cảm thấy như mình đã được nghe, được hiểu, được thông cảm.
Lắng nghe tích cực làm cho TC tự đi sâu vào mình, tự trải nghiệm cảm xúc của mình, lắng nghe trong sự khổ đau để từ đó hiểu mình hơn, hiểu vấn đề vướng mắc và có thể đi đến chấp nhận nó. Lắng nghe tích cực giúp TC giải phóng được mình khỏi sự kiềm chế của người khác, giải toả được xung đột, uẩn ức trong nội tâm, động viên TC tiếp tục nói nhiều hơn nữa đặc biệt chia sẻ hơn về cảm xúc đối với NTV.
– Phản hồi là việc NTV nói lại bằng ngôn ngữ của mình hay nhắc lại lời của thân chủ một cách cô đọng để làm rõ hơn cảm xúc, ý nghĩa cảm nhận của TC và phải đạt được sự tán thành của TC.
Có hai cách phản hồi: Phản hồi theo cách lặp lại nội dung và phản hồi tâm tình. Phản hồi lặp lại nội dung là NTV diễn đạt lại những điều đã nghe thấy, quan sát thấy từ TC. Điều này giúp cho NTV không bị sao nhãng TC – trọng tâm và tiếp cận được với vấn đề của TC, đồng thời giúp TC dừng lại cô đọng, sắp xếp ý tưởng theo logic của họ. Phản hồi tâm tình nhấn mạnh cảm xúc, tình cảm mà TC bày tỏ trong đó hay ẩn dấu sau câu nói bằng cách nhắc lại cho TC nội dung tình cảm trong ngôn từ của họ. Cách phản hồi này dễ đạt được sự thông cảm, khuyến khích TC sẵn sàng chia sẻ và giúp TC xác định được cảm xúc đang hiện hữu trong họ.
Kỹ năng phản hồi phải dựa trên sự thông đạt vấn đề của TC. Nếu chưa thông đạt thì khó có được phản hồi tốt. Thông đạt là kỹ năng đòi hỏi NTV phải khai thông được sự hiểu biết của mình về điều TC đang nói và cố gắng bộc lộ điều đó một cách trung thực, nồng hậu, chân thành không đánh giá, phán xét khiến TC tự vệ.
10 yêu cầu đối với NTV theo phương pháp tiếp cận thân chủ – trọng tâm:
1. Trung thực: NTV phải thể hiện mình sao cho thân chủ nhận thức được anh ta (cô ta) là người “đáng tin cậy, chắc chắn, trung kiên”, nghĩa là bất kỳ tình cảm hay thái độ nào NTV đang kinh nghiệm phải phù hợp với sự nhận thức của NTV về thái độ ấy. Khi điều đó xảy ra NTV là người đồng nhất hay nguyên vẹn vào lúc đó và thể hiện ra như NTV thật sự cảm thấy bên trong.
2. Thông suốt:NTV phải diễn tả đầy đủ thông suốt để con người của mình có thể được truyền thông rõ ràng. Khi NTV đang có thái độ phiền hà với một người khác những không ý thức được điều đó thì sự truyền thông của NTV chứa đựng những thông điệp trái nghịch nhau. Lúc đó có sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành vi của NTV. NTV truyền đạt sự phiền hà cho TC, khiến cho TC mất tin tưởng mặc dù chính TC cũng chẳng ý thức được điều gì đang gây khó khăn giữa họ. Thất bại của NTV, theo C. Rogers là không nghe được điều gì đang xảy ra trong mình, có những phòng vệ của bản thân không cho mình nhận thấy tình cảm của chính mình.
3. Trải nghiệm: NTV phải để mình trải nghiệm những thái độ tích cực với TC như thái độ nồng hậu, chăm sóc, ưa thích quan tâm. Điều này hoàn toàn không dễ bởi con người nói chung thường sợ sệt những tình cảm này. Chúng ta sợ rằng nếu mình được tự do trải nghiệm những tình cảm này đối với người khác thì mình sẽ bị mắc bẫy trong đó. Chúng đi tới chỗ đòi hỏi chúng ta hoặc chúng ta có thể thất vọng trong sự tin tưởng của chúng ta. Để phản ứng lại chúng ta có khuynh hướng giữ một khoảng cách giữa chúng ta và người khác, tỏ ra xa vời một thái độ “chuyên nghiệp”, một liên hệ vô cá tính. Và NTV sẽ thực sự thành công nếu trong những liên hệ vào đó hay ở vào thời điểm nào đó anh ta học hỏi được rằng cũng an toàn khi anh ta liên hệ với người khác như một người mà mình có những tình cảm tích cực.
4. Nhân cách : NTV phải có nhân cách đủ mạnh để biệt lập với TC, biết tôn trọng vững vàng những tình cảm, những nhu cầu của mình cũng như của TC. NTV, theo C. Rogers phải có đủ mạnh mẽ trong sự biệt lập của mình để khỏi bị chán nản bởi sự suy nhược của TC, xao xuyến bởi nỗi sợ hãi của TC và đắm chìm bởi sự lệ thuộc của TC. NTV phải đủ gan dạ để không bị nô lệ hoá bởi tình yêu của TC và vẫn tồn tại biệt lập với những tình cảm và quyền lợi của chính mình.
5. Tự chủ : NTV phải thấy có đủ sự an tâm để cho phép TC biệt lập với chính mình, phải cho phép thân chủ được hiện ra như tâm trạng anh ta (cô ta) lúc ấy, thành thật hay giả dối, ấu trĩ hay trưởng thành, tuyệt vọng hay quá tự tin. NTV phải để cho TC được tự do là mình chứ không phụ thuộc vào lời khuyên ở vị thế ít nhiều phụ thuộc, rập khuôn theo NTV. NTV có thể tác động tương trợ với TC qua nhiều buổi gặp gỡ mà không can thiệp vào tự do của TC để phát triển một nhân cách khác hẳn với nhân cách của NTV.
6. Thấu cảm: NTV phải tự để mình vào hẳn trong thế giới tình cảm và ý nghĩa riêng tư của TC và nhìn chúng như TC đã nhìn thấy. NTV có thể bước vào thế giới riêng của TC toàn diện đến nỗi NTV mất hết ý muốn đánh giá hay xét đoán nó nữa. NTV có thể đi vào đó một cách nhạy cảm tới độ tự do đi lại mà không dẫm đạp lên những ý nghĩa hết sức quý giá đối với thân chủ. Như vậy NTV sẽ cảm thấy thế giới của TC chính xác đến nỗi không những bắt được những ý nghĩa của kinh nghiệm hiển nhiên đối với họ mà cả những ý nghĩa tiềm tàng mà chính TC cũng chỉ lờ mờ hay lẫn lộn. Trong tác phẩm của mình C. Rogers đã trích câu nói của một TC để minh hoạ cho hiệu quả của yêu cầu này đối với NTV: “Mỗi khi tôi thấy một người vào một lúc nào đó, hiểu một phần con người tôi, thì tôi không sao tránh khỏi cái lúc mà tôi biết rằng họ lại không hiểu tôi… Điều tôi khổ công tìm kiếm là một người hiểu được tôi”.
7. Chấp nhận: NTV phải chấp nhận mỗi khía cạnh của TC y như con người TC để cho TC thấy NTV chấp nhận họ như họ đang hiện ra và truyền đạt thái độ này cho TC. Nếu NTV chỉ có thể tiếp nhận TC một cách có điều kiện, chấp nhận một số mặt nào của những tình cảm và âm thầm công khai phải đối những mặt khác thì quá trình tham vấn sẽ không có hiệu quả bởi TC sẽ phòng vệ với NTV, do đó TC không thể thay đổi hoặc tăng trưởng trên những phương diện mà NTV không chấp nhận họ trọn vẹn.
8. Nhạy bén: NTV phải hành động với đầy đủ tinh tế trong mối quan hệ với TC để cho cách đối xử của NTV không bị xem như một đe doạ. NTV phải tránh cho TC ngay cả những dọa nhỏ nhất không phải vì sự nhạy cảm quá độ với TC mà vì nếu NTV có thể giải thoát TC hoàn toàn khỏi những đe doạ bên ngoài thì TC có thể bắt đầu cảm được và đối phó với những xung đột nội tâm mà họ thấy bị đe doạ trong chính bản thân họ.
9. Khách quan: NTV phải giải thoát TC khỏi cái sợ bị người khác đánh giá. Một sự đánh giá tích cực về lâu về dày cũng mang tính đe doạ như một đánh giá tiêu cực vì bảo cho một người biết là họ tốt ngụ ý rằng mình cũng có quyền nói họ xấu. Do đó, NTV càng giữ mối quan hệ ngoài vòng phê phán và đánh giá thì càng dễ cho TC đạt tới lúc nhận ra rằng khả năng và trách nhiệm nằm trong chính họ. Điều này sẽ giúp TC được tự do để trở thành người chịu trách nhiệm cho chính mình.
10. Tin tưởng : NTV phải coi TC như một người đang trong tiến trình trưởng thành chứ không bị trói buộc bởi quá khứ của TC và quá khứ của bản thân NTV. NTV sẽ hạn chế khả năng thay đổi của TC nếu trong cuộc gặp gỡ NTV đối xử với TC như một đứa bé ấu trĩ, một học sinh dốt hay một người bị bệnh thần kinh. NTV phải thừa nhận tất cả tiềm năng của TC, nhận thấy trong họ, hiểu biết trong họ con người mà họ đã được tạo dựng để trưởng thành.
Những yêu cầu mà C. Rogers đưa ra đối với NTV đã đóng góp lớn lao cho việc xây dựng những phẩm chất đạo đức và nghề nghiệp cho nhà tham vấn và nghề tham vấn như trung thực, thấu cảm trọn vẹn, tôn trọng, chấp nhận TC, tin vào khả năng giải quyết của TC….
SONG KHUÊ ( ST)
Nguồn : http://www.viettalk.info