Giáo Dục Giới Tính – món quà hay cạm bẫy
20/04/2018Làm Gì Khi con ăn vạ ?
18/05/2018Trong những ca tư vấn, ngoài việc tiếp nhận các bé đặc biệt ( tự kỷ, ADHD, chậm khôn , chậm nói ) Thì việc “ gặp gỡ” các bạn “ cá biệt” trong lứa tuổi teen là chuyện thường ngày. Hầu hết đều có “tội danh” tương tự nhau : Lười, kém tập trung, tự cô lập, tiêu cực, dễ nổi nóng, và thường thích dọa bố mẹ về chuyện tự sát hay bỏ nhà đi. Dù độ tuổi khác nhau, có bạn mới 6, 7 tuổi , có bạn đến 16, 17… Nhưng đa phần nằm trong lứa tuổi ẩm ương từ 10 – 14 và đa phần đều có dính dáng đến 2 yếu tố : Mê chơi game (trên máy tính hay trên điện thoại ) và lười làm việc nhà. Hai yếu tố này thường đã đạt đến mức “ung thư giai đoạn 3 hay 4” và thường thì bố mẹ đều đã áp dụng “ hết cách” mà không giải quyết được cái vấn nạn này. Khi đó mới chịu đưa con đến nhà tâm lý.
Thực ra, sự hết cách của đa phần bố mẹ ở đây chỉ là tịch thu điện thoại – cài pass trên máy tính, cắt net và la rầy , đánh mắng hay ..mua chuộc ! và dĩ nhiên là không ăn thua nên mới nhờ tới ‘chuyên gia” để “nói cho nó nghe ra” hay có một biện pháp thần kỳ nào đó khiến nó “hết bệnh” ngay và luôn !
Có một cô bé học lớp 8 – mẹ đưa tới với những tội danh rất nặng nề – lười biếng, không tập trung, không chịu chép bài, học kém ..không chịu làm việc nhà.. ngay cả việc ăn uống cũng không quan tâm, quần áo thay ra vất tứ tung, lại rất sợ bẩn … Cho cô làm thử một số test về tư duy logic và vẽ hình. Qua đó mới thấy là cô có tư duy logic, khả năng suy luận rất tốt, nhưng mối quan hệ với bố mẹ trong gia đình lại không được ổn, rất tự ti về bản thân… Việc phân tích các vấn đề của cô không khó , nhưng để thuyết phục được bà mẹ chịu thay đổi cách suy nghĩ và ứng xử với con mới là vấn đề. Chuyện của con chỉ giải quyết trong 30 phút, nhưng để giúp cho mẹ nhận ra vấn đề nằm ở chỗ nào và phải làm gì để giúp con cải thiện bằng sự thay đổi của chính mình thì hơn 60 phút mà có lẽ là mới chỉ ..tạm chấp nhận.
Có một bé khác cũng học lớp 8, ông bố hết sức lo lắng vì thấy con “giống như trầm cảm” không biết chơi với bạn trong lớp,lúc nào cũng lo lắng buồn rầu… rất tự ti về sự kém cỏi trong giao tiếp của mình mặc dù em rất giỏi văn . Chỉ cần lắng nghe, giúp ém thấy được những ưu điểm của mình và góp ý với em về việc xây dựng mục tiêu học tập… khoảng 30 phút là xong. Nhưng để cho ông bố yên tâm là con mình không trầm cảm, không tâm thần… cũng mất gần 30 phút nữa .
Một đôi vợ chồng khác lại rất hoang mang vì sao thấy cậu con trai lớn của mình giống …bê đê quá – Trong lớp chỉ thích chơi với con gái, thích đọc sách tình cảm, có những cử chỉ rất ..ẻo lả … Phải giải thích cho bố mẹ yên tâm và chấp nhận về nữ tính và bản chất hướng nội của em . Giúp họ phân biệt giữa nữ tính và khuynh hướng đồng tính luyến ái và chỉ cho thấy các ưu điểm của em để giúp em mạnh dạn, tự tin hơn, bởi vì hình vẽ gia đình của em đã cho thấy sự cảm nhận về giá trị bản thân của em rất thấp .
Bố mẹ đưa con đến tư vấn, hầu hết chỉ nghĩ rằng, con không thích bộc lộ tâm tư, không muốn giao tiếp với mình, và chỉ có chuyên gia mới có “chuyên môn” để “thuyết phục” và “ trị liệu” cho các con của mình, mà không nghĩ rằng chính cách cư xử, hành vi, lời nói của bố mẹ mới là chìa khóa để mở được “cánh cửa tâm hồn” của các con. Chính thái độ “áp đặt và chiều chuộng” kéo dài từ nhỏ cho đến nay, đã tập cho các con thói quen lệ thuộc và chống đối trong cuộc sống tại gia đình – Chính việc chỉ muốn con tập trung vào việc học, không cần quan tâm đến các công việc” lặt vặt” trong gia đình đã khiến cho các em xem gia đình như “nhà trọ” mà mình có quyền ăn nghỉ “miễn phí” ! Ngoài ra, áp lực học tập, lúc nào cũng muốn con vào trường chuyên, lớp chọn, lọt vào Top 10 của lớp. Thường đem các gương “ thành tích học tập” của các “siêu nhân” ra để trách móc con em mình không bằng một góc con nhà người ta, đã khiến cho các em không còn những giờ giải trí thoải mái “chơi ra chơi” và rốt cuộc thì các em cũng chẳng có thể “học ra học” nổi. Những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong ngày thì chỉ đủ ngồi bấm điện thoại và xem TV…còn bố mẹ thì cắm đầu vào công việc. Đến khi “sực tỉnh” khi nhà trường nhắc nhở, giáo viên cảnh báo thì ..đã muộn.
Bố mẹ thường thấy con nhà người ta thì hoạt bát, đa ngôn, đa sự, giỏi giang, là học sinh giỏi “ toàn diện” còn con mình thì như một đứa tâm thần hay tự kỷ ! Ngoài giờ đi học “sấp mặt” về nhà thì chỉ biết chúi đầu vào games ! Có thể nói games và internet là con dao hai lưỡi. Nếu biết cách dùng thì sẽ có những hiêu quả tốt, nếu không thì sẽ có những hậu quả xấu. Thế nhưng, hai thứ đó không phải là thủ phạm làm hư hỏng con, mà chỉ là “phương tiện” để “tiêu cực hóa” đứa trẻ. Còn việc tịch thu điện thoại – cấm sử dụng vi tính, không bao giờ là giải pháp tốt, mà nó chỉ là những biện pháp đổ dầu vào lửa.
Là bố mẹ, ai cũng thương con, lo cho con nhưng thường chỉ biết chiều chuộng và áp đặt con theo ý muốn của mình, dù cho đó là những ý tốt đi chăng nữa, thì cũng không thể “nhào nặn” con thành một mẫu người mong muốn của mình – vì con là một cá thể độc đáo với những khác biệt mà bố mẹ phải biết chấp nhận và tôn trọng. Điều này có vẻ như trái ngược với quan điểm của người Việt và Á Đông, nơi mà con cái được xem là tài sản của bố mẹ. Nhưng thực tế đã cho thấy, càng quản lý chặt chẽ cái “tài sản của mình” bao nhiêu, thì việc đứa con vuột ra khỏi tầm kiểm soát của mình lại càng dễ dàng bấy nhiêu.
Có thể nói việc chăm sóc giáo dục con chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng cũng không phải là nan giải nếu chúng ta biết đối xử với con một cách tử tế và kiên quyết. Chúng ta dù sống như thế nào, là người có trình độ học vấn cao, giầu có hay chỉ là một người lao động bình thường thì vẫn phải là một tấm gương, không phải về những giá trị đạo đức để rao giảng cho con, mà là những phẩm chất đơn giản trong cuộc sống đời thường để có thể giúp con tin mình và mình cũng tin vào con. Niềm tin – đó là giá trị tốt nhất để một gia đình ổn định và hạnh phúc.
Lê Khanh
Cty GD KidsTime – chi nhánh Bình Thạnh