Danh mục: Gia Đình

  • NHU CẦU TÂM LÝ CỦA TRẺ EM

    NHU CẦU TÂM LÝ CỦA TRẺ EM

    Chúng ta ai cũng biết – đứa trẻ sinh ra phải được nuôi dưỡng và chăm sóc, không chỉ là được ăn, được uống, mà còn phải được quan tâm, yêu thương và chấp nhận. Đó là những nhu cầu về tính thần hay tâm lý mà đứa trẻ cần phải được tiếp nhận một cách hiệu quả và hợp lý .  Nếu như việc dinh dưỡng đúng cách sẽ đem lại cho con người sức khỏe về thể chất, thì việc chăm sóc đúng cách cũng đem lại cho đứa trẻ sự khỏe mạnh về mặt tinh thần và được biểu lộ bằng sự tự tin, khả năng kiểm soát cảm xúc và biết tao ra những kết nối với mọi người.

    Một đứa trẻ 3 tuổi sẽ mong đợi nhận được từ bố mẹ điều gì ?

    Tình yêu thương: Trẻ cần cảm nhận được sự yêu thương và quan tâm của người lớn. Tình yêu thương là một yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, yêu thương không phải là  bảo bọc, làm thay mọi thứ trong hoạt động chăm sóc và lại càng không phải là sự chiều chuộng, muốn gì cũng được đối vói trẻ . Sự yêu thương ở đây là sự hỏi han, hướng dẫn cho trẻ thực hiện các hoạt động tự phục vụ. Tạo cơ hội cho trẻ được hoạt  động và vui chơi theo sở thích và chấp nhận những yếu kém của trẻ, để khuyến khích trẻ cải thiện trong khả năng có thể của mình. Yêu thương cũng là sự tôn trọng và biết lắng nghe những mong đợi đến từ con, không áp đặt buộc trẻ phải chấp nhận những định kiến đến từ bên ngoài xã hội.

    Sự kiên định: Trẻ con cần được biết lập trường hay cách ứng xử  của phụ huynh và lập trường này phải luôn vững vàng. Điều này có thể được hiểu một cách đơn giản là : Nhất quán trong cách ứng xử và chăm sóc. Cái gì cho thì sẽ được, cái gì đã không cho thì không khi nào đáp ứng, nó đi ngược lại với sự chiều chuộng, nghĩa là đáp ứng mọi đòi hỏi, dù điều đó là không phù hợp với một lý do rất tự nhiên : Trẻ nhỏ biết gì – thôi cứ chiều nó cho xong ! Mai mốt nó lớn sẽ dạy nó sau cũng được .  Đây chính là sự biện minh cho sự nhu nhược hay thiếu quyết đoán của bố mẹ.  Ngoài ra, một thái độ thiếu rõ ràng, sáng nắng chiều mưa, khi vui thì cho qua, khi bực mình lại trừng phạt cũng khiến cho trẻ hoang mang lo lắng, đồng thời cũng là mầm mống cho những cách đối phó mang tính gian dối ở trẻ ..

    Giải quyết sự căng thẳng trong Gia đình: Sự căng thẳng là yếu tố tai hại nhất ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con. Chẳng có ích gì khi nuôi dạy con bằng sách vở  hay những bài học đạo đức mà gia đình như một bãi chiến trường. Những xói mòn trong quan hệ của người lớn chẳng bao giờ giấu được trẻ con. Điều tốt nhất mà bố mẹ  có thể làm cho con mình là sống tử tế với nhau. Trong trường hợp nếu có những mâu thuẫn hay xung đột thì cần tránh  sự tranh cãi hay giải quyết vấn đề trước mặt con  và cần phải có sự thống nhất trong các biện pháp giáo dục trẻ. Nếu không thể thì cần phải phân chia từng lĩnh vực khác nhau và bố mẹ sẽ có trách nhiệm và quyền hạn trong mỗi lĩnh vực cụ thể. .

    Tình trạng bạo hành về thể chất lẫn tinh thần giữa bố mẹ, luôn luôn để lại những sang chấn hay vết thương về tâm lý trong tâm hồn đứa trẻ.  Hãy thận trọng việc nầy nếu mong muốn con trẻ được phát triển hài hòa .

    Làm gương tốt: Trẻ con không thể cư xử tốt hơn những người mà chúng noi theo. Nói cách khác, trẻ học tập và phát triển tính cách cùng các kỹ năng qua việc bắt chước hay noi gương . Một gia đình mà bố mẹ bừa bãi, lười biếng , có nhiều thói xấu thì chắc hẳn sẽ rất khó để dạy cho trẻ sự gọn gang, chu đáo và có được sự lương thiện trong cách ứng xử sau này.

    Mong đợi hợp lý: Phụ huynh cần biết khả năng của con mình đến đâu và nên mong đợi những gì hợp lý từ con mình. Những mong muốn thiếu thực tế sẽ gây ra các vấn đề tâm lý tiêu cực Bố mẹ nên nhớ, những kỳ vọng không phù hợp với tính cách và khả năng của trẻ, chỉ tạo ra những áp lực , đôi khi quá mức chịu đựng của trẻ . Chúng ta không bỏ mặc, không giao khoán việc dạy dỗ cho người ngoài, nhưng cũng không so sánh trẻ với con hàng xóm để rồi có những yêu cầu hay mong đơi quá mức cần thiết gây ra những áp lực cho con .

    Vui đùa và thích thú: Trẻ con nên được nuôi dạy trong một bầu khi vui vẻ  của những ông bố bà mẹ thích vui đùa vì có chúng bên cạnh. Một số người nghiêm khắc quá sẽ làm cho việc nuôi con giống như làm thí nghiệm với những nguyên tắc chặt chẽ và cứng nhắc. Không thể có tình yêu thương đối với những đối tượng làm thí nghiệm .

    Tự tin: Đây là bí quyết để làm bố mẹ một cách hiệu quả. Những ông bố bà mẹ tự tin là những người lạc quan và những ông bố bà mẹ lạc quan là những người  mạnh mẽ nhất. Không thể dễ dàng để có được sư tự tin nếu không hiểu rõ về tính cách của con, cũng như cần có khả năng tổ chức và quản lý cảm xúc một cách hiệu quả .  Sinh con nên bố mẹ,  chính việc chăm sóc con tử tế  là cách rèn luyện khả năng tự tin cho bố mẹ một cách hiệu quả .

    Với trẻ từ 5 – 6 tuổi :  Ngoài các nhu cầu trên, trẻ đã dần xác định tính cách là một người có các yếu tố Hướng Nội hay Hướng Ngoại , Trẻ trầm tĩnh hay hoạt bát là do ảnh hưởng bới tính cách, dù môi trường giáo dục cũng góp phần trong đó.  Điều trẻ mong đợi vẫn luôn là sự chấp nhận tính cách và năng lực của mình. Đứa trẻ thường xuyên hoạt động và  đưa ra thắc mắc, các câu hỏi mà mục tiêu không phải là nội dung  câu trả lời nhưng đó là cách trả lời , để thể hiện sự quan tâm của người lớn .

    Sự Tôn trọng :   Đây là nhu cầu gắn bó với trẻ cho đến khi trưởng thành, trẻ cần được lắng nghe và chấp nhận những suy nghĩ riêng, dù có thể là chưa xác đáng mà qua những gợi ý, trẻ có thể tự điều chỉnh . Nhưng một thái độ áp đặt, buộc trẻ phải chất nhận những quan điểm của người lớn , cho dù điều đó có đúng đi chăng nữa, chỉ làm cho trẻ trở nên tự ti hơn, thu rút và dễ phát sinh những phản ứng tiêu cực .

      Sự so sánh : Đây là một biện pháp giáo dục sai lầm mà nhiều phụ huynh hay mắc phải, bố mẹ thường đưa những tấm gương về học tập, về sự lễ phép, ngoan ngoãn, siêng năng của những trẻ khác ra để so sánh với những trì trệ hay yếu kém của trẻ. Người lớn cho rằng việc dùng biện pháp này sẽ làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ hay tự ái, mà cố gắng sửa chữa  để trở nên tốt hơn … Nhưng thông thường, thì đó là những điều khó đạt được, nên trẻ thay vì nỗ lực sẽ lại thấy rõ hơn sự yếu kém của mình để càng trở nên  tiêu cực hơn, vì cho rằng dù cố gắng đến mấy cũng không  tiến bộ hơn bao nhiêu. Thậm chí còn có thể trở nên căm ghét những trẻ ngoan hơn, giỏi hơn mình và có lẽ chỉ học thêm được tính ganh tỵ mà thôi .

    Sự Chấp nhận : Trẻ cần được sự chấp nhận trong tiến trình xác định tính cách và năng lực , trẻ là một cá thể riêng biệt, không giống như các trẻ xung quanh ngay cả anh em trong nhà cũng có sự khác biệt, dù được thụ hưởng sự chăm sóc và giáo dục như nhau . Vì thế, bố mẹ và cả thầy cô cũng cần biết chấp nhận tính cách, cũng như năng lực khác nhau của trẻ.   Chúng ta biết rằng có đến 8 loại trí thông minh khác nhau, vì thế trẻ có thể giỏi về mặt này nhưng sẽ kém về mặt khác . Điều quan trọng là nhận biết các năng lực của trẻ ở mặt nào, để tạo các cơ hội cho trẻ phát triển phù hợp . Thay vì buộc trẻ phải nỗ lực phát triển những năng lực mà trẻ không có, hay yếu kém chỉ vì đó là mong muốn của cha mẹ .

    Như vậy, tùy theo từng giai đoạn phát triển theo độ tuổi, mà trẻ có những nhu cầu về tâm lý nổi bật khác nhau nhưng tất cả các nhu cầu này đều có trong con người của trẻ. Nếu được thấu hiểu và đáp ứng một cách hợp lý, thì trẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển và tránh được những rối loạn hay sang chấn tâm lý không cần thiết.

    LÊ KHANH – Phòng Tư vấn TL GĐ& TE ,

  • CÁCH DẠY CON CHƠI

    CÁCH DẠY CON CHƠI

    Việc đầu tiên khi muốn quan sát và tiếp cận trẻ,  đó là QUAN SÁT CÁCH TRẺ TIẾP XÚC VỚI CÁC LOẠI ĐỒ CHƠI – hay có thể là bất kỳ với một vật nào mà trẻ tỏ ra QUAN TÂM VÀ HỨNG THÚ.

    Để biết được điều này, thì hảy để cho trẻ tiếp xúc với các đồ vật, có các kích thước, hình dáng, mùi vị, âm thanh…khác nhau . Các loại đồ chơi và cả đồ dùng để xem cách phản ứng của trẻ. Khi đã biết rõ, thì đó chính là những công cụ để tạo mối gắn kết giữa trẻ với chúng ta.

    Điều quan trọng là chúng ta phải gắn  được các loại đồ dùng, đồ chơi đó với hứng thú của trẻ , và khi trẻ đã thích ngồi chơi với chúng ta thì điều đó cho biết là chúng ta đã có thể bắt đầu can thiệp cho trẻ

    Một trong những sai lầm lớn nhất mà chúng ta hay  mắc phải là ngồi gần bé và hỏi bé thật nhiều câu. Đó không phải là chơi, mà là kiểm tra bé, và bé có thể thấy khó chịu. Hãy tránh ra lệnh cho bé và chỉ chơi đồ chơi cùng bé.

    Chúng ta nên nhớ là mục tiêu ban đầu trong việc can thiệp đó là phải để trẻ cho phép bạn cùng chơi với trẻ và bạn sẽ trở thành tác nhân gây hứng thú cho trẻ trong khung cảnh ấm cúng và vui vẻ !

    Các bí quyết trong giai đoạn này là : Tạo cho trẻ sự hồi hộp và chờ đợi , tạo ra những điều bất ngờ , chọc phá cho vui các hoạt động của trẻ . Ngoài ra chúng ta cần mô tả các hành vi hoạt động của trẻ bằng các từ ngắn gọn.  Sử dụng tối đa “ngôn ngữ cơ thể” là các động tác sinh động, cường điệu và buồn cười ! Khi trẻ chuyển động hay bật ra một âm, từ nào đó là chúng ta có thể đoán ra ( có thể không đúng lắm ) nhưng vẫn nói ra và thể hiện như bạn đã hiểu !

    Thỉnh thoảng cũng phải ngừng chơi một trò bé đang cao hứng và chuyển sang trò khác cũng hấp dẫn như thế với bé. Bằng cách liên tục khám phá ra các đồ và trò chơi bé thích, tăng dần yêu cầu và thường xuyên đa dạng hóa các hoạt động của bé, bạn có thể giữ được tính hấp dẫn của đồ và trò chơi.

    Một số bé chỉ có một số hữu hạn những trò yêu thích và không chịu chơi trò mới. Trong trường hợp này, có lẽ cứ để bé quan sát bạn chơi trò mới khi bé ăn món bé thích hoặc uống nước hoa quả (kỹ thuật gắn kết động lực thúc đẩy). Khi bé bắt đầu cười và tiến đến chỗ các vật tham gia trò chơi, là lúc bé đã sẵn sàng chơi trò mới rồi đấy.

    Ở giai đoạn này, bạn có thể mở rộng trò chơi bằng cách đưa thêm các sự vật mới khác lệ thường ngày hoặc các nhân vật mới vào trò chơi. VD, nếu bé thích nhìn các con vật chạy quanh đường tàu, thì ta có thể dùng tàu đưa các con thú đến vườn thú hoặc trang trại, bất cứ nơi nào chúng cư trú. Đưa thêm các phần mới vào một trò hấp dẫn bé để dạy thêm điều mới cho bé. Nên lưu ý đừng thêm quá nhiều yêu cầu và quá nhanh, kẻo bé sẽ mất hứng với trò đó hoặc chỉ chơi khi không có bạn ở đó!

    Dùng chính một phần của trò chơi bé thích để động viên bé chơi trò khác. VD, nếu bé thích chơi mặc quần áo cho búp bê, hãy để bé thay quần áo để đi biển hoặc đi công viên! Nếu bé thích chơi với động vật, hãy làm như thể các con vật quyết định chúng muốn chơi khác.

    Một cách nữa để tiến lên chơi tinh vi hơn là sử dụng băng video bé thích. Lấy một vài nhân vật trong băng và chơi diễn xuất một số cảnh trong băng. Dừng băng và để các nhân vật đồ chơi nhắc lại tình huống vừa quan sát. Đây cũng là một cách gắn đồ chơi với động lực thúc đẩy bé và cho bé lời thoại để sử dụng trong khi chơi. Thay đổi dần lời thoại để bé không bị giới hạn ở việc chỉ biết diễn lại một đoạn băng.

    Trong khi dạy bé chơi, một số người dễ có xu hướng vẫn duy trì tốc độ nói nhanh và hỏi liên tục như khi ngồi học bàn. Hãy tránh làm việc này. Hãy làm mẫu nội dung gọi tên, đợi bé biết hiểu đáp và làm nhiều nội dung “giải quyết vấn đề” khi chơi. Cho bé quyền lựa chọn chơi theo kiểu nào. VD, nếu bạn đạng chơi với Barney và Barney ốm thì bạn nên cho Barney đi bác sỹ hay đi công viên? Nếu Loftie không nâng được một cái ống to, Scoop có nên giúp Loftie hay nên đặt ống xuống? Cho bé quyền tiếp tục yêu cầu nhưng mở rộng trò chơi. Trò chơi phải khác công việc! Tác giả khuyên bạn nên dùng trò chơi để dạy bé điều mới, còn thời gian học bàn thì để tăng tốc và tập hồi đáp đúng các bài tập đa dạng và tổng hợp. Làm như vậy khả năng khái quát hóa của bé có thể gia tăng và làm cho ngữ cảnh học thêm vui! Khi hội thoại và các trò chơi đã gắn chặt với động lực thúc đẩy bé đến mức chính chúng trở nên hấp dẫn, bé sẽ sẵn sàng học những điều bé không quan tâm và có thể học theo trường thường.

    Chơi tinh vi hơn

    Đây là thời điểm bé được chơi đồ chơi theo ý chúng và được chỉ đạo mọi người xung quanh làm theo ý bé. Trong thời gian mới học chúng ta khuyến khích bé làm điều này để bé hiểu “Nếu bé nói thì bé được”. Đôi khi cách này tạo ra một quái vật nhiễu sách, bé sẽ đòi đặt miếng ghép hình cạnh đường tàu chạy theo sự chỉ đạo của bé.

    Tuy nhiên, nếu bạn muốn dạy bé biết chơi cùng trẻ khác, bạn phải dạy bé rằng không phải lúc nào bé cũng được chỉ đạo trò chơi. Chúng ta đã dạy bé cái sơ đẳng của nguyên tắc này khi chúng ta bắt bé đợi đến lượt trong những trò bé chỉ đạo và có thể mở rộng nội dung dạy này bằng cách lần lượt đưa ra ý tưởng cho các trò sau. VD, khi xây đường chạy bằng đá hoặc hình khối, sẽ lần lượt hỏi ý kiến bạn chơi sẽ đặt tiếp chất liệu gì. Nếu ý tưởng được tán đồng thực hiện, có thể dạy bé tán thưởng bạn chơi.

    Thông qua chơi tinh vi, ta có thể tái tạo lại những tình huống xã hội mà trẻ gặp khó khăn. VD, nếu bé chơi với các bạn khác ở sân chơi không ổn thì khi chơi với các đồ chơi, có thể dạy bé biết mình được làm những gì ở sân chơi.  Hoặc nếu bé có vấn đề với trẻ khác, có thể diễn lại tình huống này.

    CVTK LÊ KHANH .

  • NGHỆ THUẬT CHƠI VỚI CON

    NGHỆ THUẬT CHƠI VỚI CON

    Tưởng gì cao siêu, việc ngồi chơi với con dễ ợt, ngày nào mà bố mẹ không chơi với con ? bố làm ngựa cho con cưỡi, mẹ là bệnh nhân cho bác sĩ con khám bệnh hay có khi bầy trò bán hàng với con . Thế nhưng tưởng không khó, nhiều khi khó không tưởng !

    Có cậu bé, một hôm đi học về mặt mày lầm lì , bố mẹ hỏi mãi mới nói – Con chơi cờ với bố toàn là thắng, vậy mà chơi cờ với bạn, bị bạn thắng ba bàn không gỡ – Tức lắm ! Con phải là người chiến thắng !  Ông bố trong chuyện này, khi chơi với con vẫn là ông bố bao dung, thay vì giúp con biết lượng sức mình mà cố gắng hơn trong việc chơi cờ thì  ông luôn nhường con, khiến cho trẻ trở nên kiêu ngạo !

    Có cô bé, sau những lần chơi bán hàng, chơi làm cô giáo với mẹ…thì lại trở nên một kẻ nhiều chuyện, thích sai phái, dạy khôn người khác, ở đâu cũng có thể lên mặt “dạy đời” vì mẹ luôn tuân phục, chiều chuộng cho   các yêu cầu của cô và dĩ nhiên, dần dà bạn bè đều né tránh cái “ bà cô đành hanh này” .

    Đó là chưa kể, khi ngồi chơi với con , chúng ta thường “ tranh thủ” những lúc rỗi rảnh, hay vì quá bận rộn, mà chỉ ngồi chơi khi bé yêu cầu “ bố bán cho con 1 giờ làm việc của bố” . Có khi thì ngày chơi hai ba bận, chơi tẹt ga đến khi trẻ chán thì thôi, có khi cả tuần lễ không có được nửa giờ ngồi cùng con , haybị nhắc, thì miễn cưỡng ngồi xuống, bầy trò ra nhưng miện thì đùa với con, còn tay vẫn bấm điện thoại, lướt FB chém gió cùng thiên hạ.

    Làm như thế, vô tình chúng ta khiến cho trẻ có được thói quen, đụng đâu chơi” đó, chơi khi nào chán thì thôi, mà không học được sự ổn định trong giờ giấc, trong việc giới hạn được thời gian và không gian . Chúng ta sẽ thầm nghĩ : Khiếp, có gì mà nghiêm trọng dzữ dzậy ? Chỉ là chơi thôi mà . Đúng vậy, chỉ là chơi thôi, nhưng với trẻ con thì chơi tức là học, đi mẫu giáo là học mà chơi, chơi mà học. Chơi cũng là làm việc ! người lớn thất nghiệp buồn thế nào, thì trẻ con không được chơi cũng buồn như vậy !

    Điều thường làm cho bố mẹ khó chịu là sao chả thấy nó ngồi học bài lúc nào, suốt ngày chỉ có chơi và nghịch, phá ! Chúng ta thường quên mất là trẻ đã phải đế n trường để học , ít nhất là hết buổi sáng, có khi mất cả ngày. Chiều về nhà, có khi lại phải đi đến nhà giáo viên rèn chữ, rèn toán tư duy. Sáng CN thì lại đến Trung Tâm Anh Ngữ ! vậy còn bao nhiêu thời gian cho trẻ chơi trong ngày ?  Một điều vô cùng nguy hiểm nữa – là vì bố mẹ bận rộn, quý một giờ làm việc hơn là một giờ ngồi chơi với con, và cũng không muốn trẻ làm phiền mình , nên đã giao con cho cái điện thoại thông minh, cái IPAD, cái TV thay mình chơi với con !  Con sẽ lập tức ngồi yên, chăm chú nhìn vào màn hình, tay bấm bấm, miệng há ra để nuốt hàng đống thông tin, hình ảnh ào ạt đến từ chiếc điện thoại…. Trẻ sẽ xem phim hoạt hình, chơi games online … và quên mất chuyện giao tiếp, quên cả nói …. Và hậu quả là sau một thời gian,thấy con không chịu nói, gọi không quay lại, có những hành vi bùng nổ…. thì mới cho con đi khám ..tự kỷ và lăm le mang con đi cắt thắng ( phanh ) lưỡi để cho con chịu nói !

    Chúng ta cũng thường đồng hóa hoạt động “ CHƠI “ của trẻ với việc “ GIẢI TRÍ “ vì hai danh từ này thường có nghĩa tương đồng ! Đúng là Chơi nghĩa là giải trí , nhưng giải trí chỉ là một mục đích trong nhiều mục đích của chơi ! Sao kỳ vậy ?  Giải trí là làm cho trí óc được thoải mái, vui vẻ dưới bất kỳ hình thức nào ! Có người nghe nhạc, có kẻ xem phim, có người đi hát karaokê bằng tay, có kẻ đánh bạc… tất cả đều gọi là giải trí ! Nhưng chơi đá banh, chơi thể thao, chơi chim, hoa, cá, kiểng… chơi cờ tướng, chơi mô hình… thì không chỉ là giải trí, mà còn là để đạt được một mục tiêu nào đó , nâng cao tầm kiếng thức, tìm kiếm người tri âm, hay có khi lại đem lại những giá trị kinh tế nào đó !

    Với trẻ em cũng vậy, giải trí là xem TV là bấm  điện thoại, là chạy ra công viên chạy nhảy, chơi đùa… Thậm chí là đi chọc chó, đánh mèo, phá làng phá xóm…cũng là một cách giải trí cho vui để …nghe chửi mà lấy làm thú vị, cười khúc khích với nhau .  Trẻ có thể giải trí một mình, hay với vài người bạn…bất cứ lúc nào… nhưng chơi thì hầu như phải có bạn chơi, phải có chỗ chơi, và phải có … đồ chơi !  Ngoài ra, chơi cũng có giới hạn thời gian, có bắt đầu, có kết thúc, có luật chơi và dĩ nhiên cũng có thể có kẻ thắng và người thua !

    Chính vì những yếu tố này, mà việc chơi với trẻ hay tổ chức hoạt động chơi cho trẻ là một …nghệ thuật ! Vì phải biết cách thu hút, biết cách thực hiện và nhất là phải làm bạn được với trẻ trước khi bầy trò cho trẻ chơi !  Vì đơn giản là trẻ chỉ chơi với bạn, chứ không chơi với …bố !  Hay nói cách khác, thì bố cần là bạn với con khi ngồi chơi với trẻ !  Vì chỉ khi trở thành bạn của con, thì chúng ta mới chơi với con theo kiểu mà trẻ chơi với bạn, có nghĩa là sòng phẳng, công bằng và lần lượt .   Hãy nhìn những đứa trẻ chơi với nhau , trông như một đám nhí nhố, chạy nhảy lung tung… nhưng thực ra là đều có những luật lệ của từng trò chơi khác nhau !  Chơi đánh bi, đánh đáo, đánh khăng… chơi tạt lon, chơi lò cò, chơi đuổi bắt “Rồng rắn lên mây”, chơi trốn tìm, hay chơi sắm vai…. Tất cả đều có những luật chơi, mà người chơi phải chấp hành, cố tình hay vô tình làm sai, lập tức bị “kết án” là Ăn gian ! và biện pháp kỷ luật là cho kẻ bị phạt “nghỉ chơi” và chúng ta sẽ thấy, việc bị cho ra rìa là một biện pháp hiệu quả, khiến cho trẻ tự giác, giữ ý thức và có sự cố gắng trong khi chơi !

    Khi chúng ta làm bố, và ngồi xuống chơi với con, nếu vẫn giữ vị trí là một ông bố, ta sẽ nương tay, ta sẽ nhường nhịn, ta sẽ chủ động bầy ra trò này trò kia…ta có thể nói nhiều, ta có thể “cầm tay chỉ việc” và ta có thể ngôi chơi tha hồ trong khoảng thời gian rảnh rỗi của mình. Còn nếu không , khi ta bận rộn hay mải mê “giải trí” mà trẻ đến đòi chơi – thi ta sẽ yêu cầu : Đi chỗ khác chơi !  Rõ ràng là chơi với trẻ không dễ dàng như việc đưa cho con cái điện thoại, bật cho con cái TV để con giải trí ! Và vì thế ta thường chọn chuyện dễ dáng này , vừa không làm phiền mình, vừa để cho nhà yên ổn, mà không biết rằng sẽ có một lúc nào đó, chính ta và trẻ sẽ làm phiền đến các bác sĩ, nhà tâm lý và không những mất thời gian, công sức mà còn cả tiền bạc nữa . Trong khi nếu biết chơi với con, thì ta vừa giúp cho con phát triển các khả năng giao tiếp, biết tổ chức không gian, thời gian, trở nên khéo léo hơn trong các vận động và nhất là phát triển được khả năng tập trung chú ý, biết lắng nghe, biết chấp nhận, biết chờ đợi đến lượt …tất cả điều đó sẽ là những ưu điểm khi con đến trường, vừa biết chơi với bạn, vừa biết tập trung trong giờ học.

    Khi chơi với con, nếu ta là bạn của con thì chúng ta sẽ biết giới thiệu các trò chơi theo sở thích của con, biết cùng trao đổi, trò chuyện theo khả năng ngôn ngữ của con và tham gia trong các hoạt động chơi , sòng phẳng trong các yêu cầu về luật chơi , Ta sẽ chơi một cách nhiệt tình nhưng không áp đảo, mà tôn trọng và chấp nhận những yếu kém của trẻ vì đó là bạn ta. Nhưng chúng ta không nhường nhịn , và cũng sẵn sàng  nghỉ chơi khi trẻ cố tình vi phạm các nguyên tắc chơi !  Chúng ta dạy con qua trò chơi một cách vui vẻ, thoải mái  với những luật chơi rõ ràng, đơn giản mà nhờ đó, khi đến trường trẻ sẽ biết chơi với bạn, và sẽ có bạn cùng chơi !

    LÊ KHANH

  • NẾU DẠY  XIN ĐỪNG…DỌA !

    NẾU DẠY  XIN ĐỪNG…DỌA !

    Các bà mẹ không lạ gì với những câu như: “ Nếu con không ăn, mẹ kêu chú công an đến bắt, hay con mà không chịu đi tắm là bác sĩ đến chích đít ! “ . Cái chiêu này có thể hiệu quả trong vài lần đầu… nhưng rồi trẻ sẽ thấy là chả có ma nào xuất hiện, nếu trẻ không chấp hành, và dĩ nhiên là không còn sợ nữa, mà còn càng lỳ thêm và lần hồi sẽ luôn luôn cãi lại, bất chấp mọi nhắc nhở trong mọi  việc.

    Theo thời gian, khi đứa con lớn lên, thì bố mẹ vẫn cho rằng nếu đem những hậu quả tai hại ra để hù dọa, thì con sẽ sợ mà tuân theo….  Con mà không chịu khó học thì sau chỉ có nước đi ăn mày, con mà cứ cắm đầu vào game thì sẽ học dốt, hay sẽ không cho tiền túi nữa … Thậm chí ngay cả khi con đã bước vào tuổi trưởng thành vẫn bị dọa như thường ! Con mà cứ quan hệ linh tinh, có ngày đeo ba lô ngược !

    Thực ra, hậu quả khi  cãi lời  bố mẹ … không phải chỉ là sự hù dọa suông, mà nó có thể xẩy ra…vì với kinh nghiệm của người lớn thì mọi thứ đều có thể.  Nhưng, điều oái oăm là với tuổi trẻ, thì lại luôn muốn thách thức , muốn được trải nghiệm dù có khi sẽ phải trả giá khá đắt . Chính vì thế, việc hù dọa, hay đưa ra những hậu quả đen tối không những không ngăn cấm được, mà còn có tác dụng khuyến khích trẻ vi phạm mà trẻ sẽ xem đó là một ..trải nghiệm !

    Cái gì cấm, thì sẽ tìm cách làm !  Điều này xảy ra hằng ngày trong hầu hết mọi lĩnh vực ! Và dĩ nhiên đa phần là do sự bồng bột của tuổi trẻ, hay chỉ để chứng minh cho bố mẹ là mình lớn rồi ! Mình có thể tự quyết, có thể làm mọi điều bất chấp – thích là làm… Thế nhưng, đến khi hậu quả thực sự xảy ra, thì nhiều bạn trẻ lại ..ôm mặt khóc, kêu cứu bố mẹ .. Thậm chí là có khi còn đổ lỗi là tại sao không ngăn cấm con , hay bảo vệ con hoặc có khi là ..suy sụp rồi trầm cảm !

    Bên cạnh sự hù dọa, còn có một điều mà các bạn trẻ hay cả những người đã lớn mà chưa trưởng thành rất khó chịu, đó là những lời chê bai, phê phán…  Thực ra, việc phê phán, chỉ trích là điều cần thiết nhưng điều quan trọng là cách phê phán.  Chúng ta chỉ nên phê phán hiện tượng hay sự kiện chứ không phê phán con người.  Khi chứng kiến sự thất bại, hay hư hỏng ..chúng ta nên mô tả và cho thấy hậu quả sẽ như thế nào và nếu tốt hơn, thì sau đó sẽ đưa ra một đề nghị để giải quyết, khắc phục thay vì chỉ biết chê trách suông !

    Với trẻ em, thì những câu hỏi mang tính truy vấn như : Tại sao con lại làm như vậy ? Con có làm hay không ? thì thường sẽ nhận được sự ..im lặng hay có khi là cãi bướng, đưa ra những lý lẽ ngang ..như cua ! “ Một người nói ngang, cả làng nói không lại” Huống gì là đứa trẻ thừa biết là nó có nói ngang, cãi bướng thì cũng chẳng làm gì được nhau !

    Phòng bệnh hơn chữa bệnh ! Câu này không chỉ đúng về sức khỏe, mà còn đúng trong việc xây dựng nhân cách hay điều chỉnh hành vi cho trẻ, đây cũng là một nguyên tắc cần thiết.  Chúng ta xây dựng cho trẻ có một nhân cách vững vàng, sự tự tin vào bản thân bằng cách để trẻ làm được những điều trong khả năng, bằng những lời tích cực: “ mẹ tin con, con làm được mà … đúng rồi, làm tốt lắn.. Chứ không phải là những lời dọa dẫm tiêu cực : Con tệ quá, có thế mà cũng làm hỏng, con là đứa ăn hại… Cứ thế này thì lớn lên sẽ chẳng làm được trò trống gì …. Trẻ cần được sự tin tưởng, khích lệ và tôn trọng, rồi từng bước sẽ chủ động trong các mối quan hệ, giao tiếp và quan trọng nhất là ý thức về giá trị bản thân. Đó là biện pháp phòng tránh tốt nhất những thói hư tật xấu, tính ích kỷ, sự ỷ lại , lười biếng, dối trá … Chứ không phải cứ hù dọa, đe nẹt hay áp đặt những nguyên tắc cứng nhắc lên, buộc trẻ phải tuân phục vô điều kiện. Điều đó chỉ đem lại sự chống đối, cãi lời và làm những điều trái ý người lớn.

    Lê Khanh

  • SỐNG CHUNG VỚI LŨ

    SỐNG CHUNG VỚI LŨ

    Khi nói đến những hậu quả của việc nghiện games online ở trẻ em và thanh thiếu niên, đã có quá nhiều bài viết, lời khuyên … rước đây, trong cuộc sống bình thường khi trẻ được đi học và bố mẹ bận đi làm… thì việc quản lý con sử dụng máy tính hay điện thoại sẽ khác so với tình trạng hiện nay. Ngoài ra, các em còn có khá nhiều niềm vui và sự bận rộn, để có thể giảm thiểu nguy cơ dính vào games đến mức nghiện ngập và kéo theo những nguy cơ !.

    Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay, hầu hết các thành phố và cả nông thôn, đều ít nhiều bị con Covid nó nhốt ở nhà, cả người lớn và trẻ em từ sáng tới tối, thì việc con dính vào máy tính, điện thoại là điều không thể tránh khỏi mà những biện pháp ngăn cấm “cứng” hay cực đoan sẽ là vô ích, có khi còn phản tác dụng .

    Dư luận báo chí đã từng đưa những câu chuyện đau lòng về hậu quả của việc nghiện game, nhưng làm thế nào để trẻ không rơi vào tình trạng này lại là một “chiến lược” không hề dễ dàng . Có một sự liên quan mật thiết giữa các mối quan hệ trong gia đình và tình trạng lạm dụng các chất gây nghiện, mà game cũng là một trong số đó ! Nếu như bố mẹ cứ coi thường hay không xây dựng nổi  những mối quan hệ – tương tác tốt đẹp với con, lại chỉ thích quản lý con bằng những mệnh lệnh, những bài học đạo đức mà nhiều khi người nói cũng không làm được, thì đừng mong con cái lắng nghe chứ đừng nói đến chuyện chấp hành !

    Liên hệ đến thực tế, nếu xem Covid là giặc và phải “chiến thắng” bằng mọi cách – không thắng không về ! thì sự thất bại là …dễ hiểu ! Nghiện games online với trẻ cũng thế, càng dập thí dịch càng nhiều ! và càng xiết lại thì khoảng cách giữa trẻ và bố mẹ lại càng xa !  Cho đến một ngày nào đó thì bùng nổ với những phản ứng dữ dội khác nhau  hay nguy hiểm hơn, trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm và khủng hoảng tâm thần. Dĩ nhiêu là sẽ ảnh hưởng nặng đến ..kinh tế hay hạnh phúc gia đình !

    Việc “ngăn cấm” kiểu “ ai ở đâu ở yên đó” như cấm không dùng điện thoại, máy tính, cắt net, khóa máy bằng password ? Hay cài vài cái app để giám sát hầu như không có tác dụng! Đó chỉ là những giải pháp đối phó , gãi ngứa , sẽ  tạo ra những “biến thể Delta” là trẻ vẫn nghiện game không hề giảm mà còn tăng . Thậm chí, trước đây người ta đã lập ra những trung tâm cai nghiện games, trẻ bị nhốt vào đó vài tuần “cách ly” với nguồn lây là cái máy tính hay điện thoại ! Cũng có trẻ qua được, nhưng phần lớn là rơi vào tình trạng tái nghiện sớm hay muộn khi quay về các hoạt động đời thường, nếu không có những thay đổi căn cơ trong cuộc sống tại gia đình.

    Những thay đổi căn cơ là gì ? Đó chính là những giá trị sống và kỹ năng sống mà trẻ hầu như không có hay thiếu hụt. Điều này cũng không phải lỗi tại trẻ , mà chính do cách sống và cách ứng xử của bố mẹ với trẻ !  Đồng thời, kèm theo đó là những hiểu biết sai lầm về tính chất và tác dụng của kỹ năng sống.

    Người ta cũng đã tổ chức nhiều trung tâm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ – nhưng cũng như việc cai nghiện games, sau vài ngày tạo động lực hay lấy nước mắt của trẻ, thì khi trở về gia đình, mèo lại hoàn mèo !  Lỗi cũng không phải ở trẻ, mà là ở chỗ người lớn hiểu sai về giá trị và ý nghĩa đích thực của kỹ năng sống, và việc giáo dục KNS hoàn toàn không phải là những khóa học kiểu học kỳ quân đội hay cưỡi ngựa xem hoa , và KNS không hề có những điếu lý thuyết như một môn học !

    Kỹ năng sống nói một cách vắn tắt, đó là các kỹ năng giúp con người biết tự phục vụ bản thân và có trách nhiệm và bổn phận phục vụ người khác ! Trong các hoạt động tại gia đình, con cái và nhiều khi cả bố mẹ cũng lẫn lộn giữa trách nhiệm và bổn phận cũng như không hiểu rõ  những giá trị của các phần thưởng tinh thần và vật chất ! Trẻ em từ thủa nhỏ đến lúc trưởng thành, bổn phận là học tập ! Trách nhiệm là các hoạt động trong gia đình ! Nhưng điều đó không có nghĩa là bố mẹ có quyền ép con học theo ý muốn của mình và có quyền làm lơ về những quyền lợi mà trẻ phải được hưởng khi  tham gia công việc trong nhà ! Làm việc nhà mà phải thưởng sao ? đó giống như mua bán ? Thực ra, trẻ có bổn phận làm việc thì người lớn có trách nhiệm khen thưởng. Nhưng khen thưởng sự cố gắng làm việc chứ không phải là thưởng công cho kết quả của việc làm !  Và cũng không có kiểu ra giá, trả giá hay nâng giá ở đây!

    Việc khen thưởng cũng không phải là chỉ hiện kim hay hiện vật, mà còn rất nhiều cách như thể hiện sự hài lòng và biết tôn trọng giá trị của con cũng là một sự khen thưởng không hề nhẹ ! Người lớn cũng phải biết tự phục vụ bản thân và có bổn phận phục vụ những người thân chung quanh mình.  Đừng làm kẻ chỉ đạo miệng rồi buộc con phải siêng năng!

    Chính việc áp dụng các kỹ năng sống một cách đúng đắn và hiệu quả, sẽ là chất kết dính các mối quan hệ lành mạnh và tốt đẹp trong gia đình –từ đó sẽ tạo ra những “ hệ miễn dịch” để trẻ có sức đề kháng với virus “ Games Online” –  Nói cách khác, vaccine “ niềm vui và sự chia sẻ” sẽ góp phần quan trọng cho trẻ có sức đề kháng và vượt qua được tình trạng nghiện game, chứ không phải những biện pháp nghiêm khắc kiểu giãn cách hay chiều chuộng dung túng một cách quá tự do!

    Nhưng, điều quan trọng là đừng bao giờ để cho trẻ đi đến mức nghiện games, chơi ngày chơi đêm rồi mới đi kiếm thuốc điều trị ! Khi “bỏ quên” hay bỏ mặc trẻ, để rồi trẻ không thể rời tay, rời mắt khỏi cái màn hình vi tính, điện thoại hay sống thu mình, ban đêm thì thức trắng, ban ngày thì lờ đờ, nói trước quê sau, bỏ ăn bỏ mặc, không màng tới các hoạt động thiết yếu về vệ sinh cá nhân … thì lúc đó là đã quá nặng – Vì vậy, sự quan tâm là điều vô cùng quan trọng và việc tập luyện cho trẻ những thói quen tốt, biết rõ trách nhiệm, bổn phận, quyền lợi của mình cũng như xem game là một trong những thú vui của con, mà trẻ sẽ học được cách quản lý . Đó sẽ là những yếu tố quan trọng, để trẻ có thể sống chung với games.  Trẻ hoàn toàn có thể chơi games thoải mái mà không bị nghiện ! Bởi vì trẻ có đủ kỹ năng sống để đối diện và vượt qua những thách thức này  .

    Để có được những giá trị sống và kỹ năng sống như thế thì chính sự làm gương của người lớn, chính việc vận dụng và hiểu biết về trách nhiệm và bổn phận, chính lòng tự trọng và phong cách sống trung thực, nói được – làm được , biết giữ lời hứa và niềm tin cho con, đó mới là những “vũ khí” mạnh nhất để giúp con “chống giặc” là các chất gây nghiện, nói chung từ thuốc lá, rượu, ma túy cho đến games onlin hay các trang web sex.  Nếu không có những điều này, thì đừng hỏi tại sao con lại nghiện games và cũng đừng mong “điều trị “ hay chiến thắng mà có khi còn mất con lúc nào không hay!

    Lê Khanh – TT Giáo dục ĐB Diệp Quang.

  • GIA ĐÌNH LÀ CHIẾC NÔI BÌNH YÊN

    GIA ĐÌNH LÀ CHIẾC NÔI BÌNH YÊN

    Người mẹ mệt mỏi dẫn một cậu thiếu niên dáng vẻ hiền lành đến tư vấn. Vấn đề là cậu có tình trạng nhổ tóc và học trước quên sau .Khi hỏi đến gia cảnh, thì thấy vấn đề là ở đây. Hai vợ chồng đã ký đơn ly dị dưới áp lực của bên nội, và hơn nữa ông chồng lại thích phở hơn cơm. Mặc dù vẫn sống chung nhưng hồn ai nấy giữ. Chính  vì tình trạng bất ổn trong gia đình, với một bầu khí lạnh lùng mà cậu bé trở nên sa sút trong việc học và có tình trạng rối nhiễu tâm lý .

    Sau khi lắng nghe, chuyên viên đi tìm những yếu tố tích cực để giúp cho cậu bé, hay đúng hơn là giúp cho người mẹ lấy lại được niềm vui, sự hy vọng để xây dựng lại tổ ấm đã nguội lạnh . Bà nội ban đầu là yếu tố gây ra tình trạng ly hôn, nhưng lại sợ mang tiếng với mọi người nên không muốn đẩy 3 mẹ con ra đường, và sau 2 năm thì giờ đây lại muốn ông con trai quay đầu lại. Đó là yếu tố tích cực thứ nhất, người mẹ với 2 con , mà cậu thiếu niên là anh lại rất yêu thương nhau và đây chính là yếu tố tích cực thứ hai và chủ yếu để từ đó nhen lên ngọn lửa của cảm xúc, xóa đi sự lạnh nhạt đã khiến cho người con suy sụp.

    Có thể nói, phần lớn các vấn đề suy sụp cảm xúc, về sự tự cô lập của những đứa trẻ, đặc biệt là trong lứa tuổi teen, không còn tìm thấy niềm vui trong gia đình. Mái nhà che nắng mưa giờ đây giống như một nhà trọ miễn phí ! Không ai thấy được vai trò cần thiết của mình trong gia đình, và mất đi ý thức trách nhiệm, kể cả trách nhiệm với bản thân. Mỗi người vì điều này, điều  kia.. đã tự xây cho mình một cái hàng rào vô hình, mà hành vi đi học về, lên thằng phòng riêng đóng cửa lại … vùi đầu vào game và mạng xã hội, có khi bỏ cả cơm nước và gây ra đủ trò làm bố mẹ lo lắng, chỉ là các biểu hiện cho bề nổi của một tảng băng cô đơn đang trôi dạt trong vùng biển băng giá !

    Lấy lại cảm xúc gia đình có khó lắm không ? không hề ! Người ta thường nghĩ rằng, tình trạng trầm cảm, cô độc, thu rút ( mà nhiều người gọi là tự kỷ ) chi có thể giải quyết với các chuyên gia bằng những nghiệp vụ chuyên môn, chữa trị cho bệnh nhân biết “nghe lời” và ổn định trở lại. Điều đó không sai, nhưng chuyên viên chỉ làm công việc là lắng nghe, phân tích các yếu tố bất lợi, thuận lợi và đưa ra cho bố mẹ của trẻ và cho chính đứa trẻ những chọn lựa. Sự chấp nhận và tự điều chỉnh hành vi của bản thân mới là yếu tố quyết định. Việc xây dựng lại các cám xúc tích cực hay đúng hơn là mối quan hệ lành mạng giữa các thành viên trong gia đình, chỉ là những hoạt động tưởng chừng rất  bình thường : Các công việc vặt trong gia đình, bữa cơm tối cùng nhau, ngày chủ nhật dành thời gian cho nhau … Bình thường nhưng không đơn giản, vì cũng không dễ để tạo lại những thói quen đã mất, khi mà giòng xoáy của công việc, của học tập, của các hoạt động ngoài xã hội đã lấy đi hết sinh khí của các thành viên trong gia đình. Căn nhà giờ đây chỉ là một nhà trọ, thậm chí là 1 khách sạn hạng sang, mà người ta chỉ về để ngủ và ăn uống trong nỗi cô đơn !

    Trầm cảm hay stress không phải là một bệnh nặng, mặc dù có những mức độ cần phải dùng đến thuốc. Nhưng cũng không đơn giản mà chỉ cần  nhấc điện thoại lên, alo với chuyên gia một vài cuộc là mọi thứ đâu vào đấy ! Có không ít các bậc cha mẹ, gọi điện tư vấn, chỉ nói ra vài tình trạng của đứa con ( Mê chơi game, bỏ học, lười biếng, hỗn láo, tự cô lập ..hay có một số tật xấu , nhưng lại mong đợi một “liệu pháp” mì ăn liền ngay lập tức , chỉ cần vài chiêu là có thể giải quyết vấn đề.

    Trên thực tế thì hầu hết các trường hợp đưa đến phòng tư vấn, thì việc điều chỉnh hành vi cho đứa trẻ – cho “bệnh nhân chỉ định” lại không quan trọng bằng việc điều chỉnh hành vi cho bố mẹ và cho những người xung quanh. Vì thế, việc tư vấn, cần tiếp xúc trực tiếp để có thể vừa thu thập những “thông tin” không được nói ra,( ngôn ngữ cơ thể )  vừa xem xét các yếu tố nguy cơ và yếu tố hỗ trợ mà nhiều khi phải chú ý lắm mới có thể phát hiện. Để rồi từ đó, cùng với chính bố mẹ cùng đứa trẻ, vạch ra những chiến lược nhằm điều chỉnh hành vi, nhận thức… Đó mới là giá trị của việc tư vấn trực tiếp.

    Sau khi đã cùng nhau tìm kiếm, chuyên viên đã góp ý cho mẹ những “chiến thuật” sưởi ấm gia đình, lấy lại bầu khí vui tươi và lạc quan, tìm cách lôi kéo người cha “tung cánh chim tìm về tổ ấm” đồng thời vạch ra cho cậu học sinh thiếu tập trung, những biện pháp tổ chức lại việc học, nâng cao khả năng ghi nhớ và xây dựng lòng tự tin. Khi cả hai thấy ra được vấn đề và những tia hy vọng long lanh trong mắt của hai người, thì quả thực ..một niềm vui khôn tả đến với người tư vấn.

    Một cô bé lớp 7, đến với nỗi thất vọng tràn trề về bạn học và về cả người cha trong gia đình…cũng đã tìm lại được sự thoải mái, tự tin sau hơn 1 tiếng đồng hồ cùng nhau đi tìm những yếu tố tích cực với chuyên viên.  Có thể nói, trong một buổi chiều đã góp ý và tạo được sự thoải mái, vui vẻ cho cả hai cô cậu học sinh và hai bà mẹ… quả là một niềm vui không nhỏ cho công việc..chém gió ! Đó chỉ là mới chỉ là một định hướng, còn thực hiện được hay không lại tùy vào năng lực của chính bố mẹ và các bạn trẻ, tất cả vẫn còn ở phía trước. Nhưng hiện tại, đã là một niềm vui.

    CVTL Lê Khanh.

  • Từ Hội chứng Con cưng đến tính cách Gia trưởng.

    Từ Hội chứng Con cưng đến tính cách Gia trưởng.

    Chuyện đứa trẻ được cả nhà cưng chiều trở thành ông vua con trong nhà, được các nhà chuyên môn gọi là hội chứng con cưng – là tình trạng không xa lạ trong xã hội Việt Nam. Mặc dù cũng có nhiều ông gia trưởng không xuất thân từ hàng ngũ “con cưng” bởi vì cái tính khí đó đã là một bản chất bẩm sinh, nhưng từ những “rối nhiễu tâm lý” do hội chứng này gây ra khiến cho nhiều trẻ nam khi lớn lên thành một người đàn ông có tính gia trưởng là điều xem ra khá đúng …quy trình.

    Cho đến nay, dù nữ quyền có được đề cao và người phụ nữ đã trở nên độc lập, tự chủ hơn và cũng không thiếu các “nữ gia trưởng” mà các ông chồng sợ chết khiếp. Nhưng Tinh cách gia trưởng, độc đoán ở người chồng vẫn còn là một điều khá phổ biến trong xã hội chúng ta vì tinh thần “trọng nam khinh nữ” vẫn còn phổ biến trong nhiều gia đình và cả trong các tổ chức xã hội.

    Cũng như hội chứng con cưng hay con vua, đã mang đến cho trẻ những phiền toái, khó khăn trong khả năng giao tiếp, ngôn ngữ và dần dà với thời gian, những điều đó đã khiến cho trẻ trở thành một cậu thiếu niên ích kỷ, kém thích nghi, có nhiều đòi hỏi và cả những ảo tưởng về năng lực bản thân, cũng như rất dễ rơi vào những thú vui thấp kém thậm chí là bệnh trầm cảm. Thì tính cách gia trưởng cũng đẩy người đàn ông vào hoàn cảnh bất lợi, dễ đưa đến những mâu thuẫn, khủng hoảng trong cuộc sống gia đình và có thể đi đến những rạn nứt không thể hàn gắn trong các mối quan hệ giữa vợ chồng hay giữa bố mẹ và con cái.

    Một hiểu lầm không hề nhẹ, là có người cho rằng chứng tự kỷ ở trẻ em và hội chứng con cưng là một. Đây cũng là một quan điểm sai lầm dễ hiểu khi có nhiều trẻ do chậm nói, có những hành vi không phù hợp, kém khả năng giao tiếp đồng thời cũng là một “cục cưng” trong nhà. Đến khi mang đi đánh giả, chẩn đoán thì lại “lòi ra” cái chứng Tự kỷ ! Nhưng rõ ràng, nhiều trẻ tự kỷ không  biết đòi hỏi, yêu sách như đứa trẻ được cưng chiều mà chỉ có sự thu mình và rối loạn giao tiếp. Có điều, việc “làm thay” cho con, đáp ứng ngay và luôn mọi yêu cầu mà trẻ không cần nói ra, giống như một “ông vua con” chỉ cần liếc mắt là cả nhà nháo nhào lên để phục vụ, thì lại là một sự cản ngại không hề nhỏ trong tiến trình can thiệp cho một bạn VIP !

    Việc đáp ứng quá nhanh, chăm sóc tận răng và “che chắn” cho trẻ trước mọi thử thách cũng như việc thờ ơ bỏ mặc không quan tâm đến con như kiểu “bà mẹ tủ lạnh” đều là những nguy cơ khiến cho trẻ có yếu tố tự kỷ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xây dựng các mối tương tác với những người xung quanh –  trog khi đây lại là yếu tố quan trọng để trẻ trở nên ổn định và thích nghi hơn.

    Trẻ tự kỷ hay chậm nói, có tình trạng tăng động kém chú ý, hay chậm phát triển trí tuệ là những tính chất bẩm sinh, ngay từ khi sinh ra đã có các yếu tố rối loạn phát triển này rồi. Đến giai đoạn phát triển về ngôn ngữ và hành vi từ 1 tuổi đến 3 tuổi, thì các khó khăn đó mới lộ ra một cách rõ ràng, điều này khiến cho nhiều bà mẹ cho rằng, con mình sinh ra là bình thường , khi lớn lên mới mắc “bệnh tự kỷ” hay chứng tăng động trong tiến trình phát triển ở giai đoạn này.  Đặc biệt là việc cho xem TV hay chơi điện thoại quá sớm và quá nhiều, cũng có người cho rằng đó là nguyên nhân gây ra tình trạng chậm nói hay chứng tự kỷ. Khi được cảnh báo thì lập tức cắt luôn, không cho xem nữa và nghĩ rằng chắc là trẻ sẽ có thể “hồi phục” về ngôn ngữ, giao tiếp ! Hay đơn giản hơn, là cho trẻ đi cắt thắng lưỡi ( dây chằng phía dưới lưỡi ) và cho rằng, đó là nguyên nhân gây chậm nói, chỉ cần cắt là trẻ có thể nói lại – Đó là những nhận định không chính xác . Bởi vì  việc tập nói cho trẻ không đơn giản và sẽ mất rất nhiều thời gian với các kỹ thuật khác nhau và phải được áp dụng một cách đúng đắn.

    Điều này tương tự như với tình trạng gia trưởng ở người chồng hay ông bố , nếu không biết “phát hiện sớm và can thiệp sớm”, để đến khi “ván đã đóng thuyền, gạo đã thành cơm” và người hùng của lòng em đã hiện nguyên hình là một “ông vua “ không ngai trong gia đình, nhất là khi xem lại tiền sử thì  trước kia anh ấy cũng đã từng là một ông vua con trong gia đình ! Thì người phụ nữ thường phải cúi đầu chịu trận hoặc sẽ đến một lúc đành phải “bỏ của chạy lấy người” bởi vì các “liệu pháp can thiệp” nếu không đủ mạnh, sớm  và lâu dài thì sẽ không thể khiến cho “ông vua” ấy chịu từ bỏ ngai vàng!

    Chính vì thế, trong thời gian quen biết sơ giao, nếu có cơ hội tìm hiểu về “tình yêu của em” thì hãy xem xét thái độ của anh ấy đối xử với bố mẹ, và chính trong cách ứng xử với người yêu, nếu có những “di chứng” của họi chứng con cưng hay những biểu hiện về quyền lực độc đoán  thì tam thập lục kế là tốt nhất !

    Trong việc can thiệp sớm cho một trẻ chậm nói, có yếu tố tự kỷ thì tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ – nếu được dẫn đường bằng lý trí, để không quá chiều chuộng con mình, mà có những tác động phù hợp, có tính khoa học và chuyên môn đúng,   thì  có thể cải thiện được rất nhiều, thậm chí ngay cả “hội chứng con cưng” cũng có thể giảm thiểu hay chấm dứt sau một thời gian can thiệp.  Thế nhưng, với tính cách gia trưởng, thì việc “can thiệp uốn nắn hành vi” có thể là một hành trình vô vọng !  Có nhiều người, sau một thời gian yêu nhau, đã bộc lộ tính cách gia trưởng, độc đoán…Thế nhưng khi đứng trước yêu cầu của người yêu bé bỏng, thì đã hứa hẹn trước mọi đấng “thần linh” là sẽ thay đổi, sẽ “phục vụ” mọi yêu cầu, mọi lúc mọi nơi … Hay luôn miệng xin lỗi về những hành vi thái quá và độc đoán. Thế nhưng, đó chỉ là những lời hứa “cá trê chui ống” thậm chí có thể  giữ được trong  một thời gian ngắn, đến khi có một vấn đề gì đó xẩy ra, thì “vị gia trưởng” lập tức lại tái hiện nhanh như chớp!

    Với một đứa con đặc biệt, dù có khó khăn cỡ nào, thì người mẹ cũng khó có thể bỏ được, vì đó là máu mủ của bà, đó là tình yêu và cũng là sức mạnh để bà vượt qua muôn trùng sóng gió trong cuộc sống, bà sẵn sàng đạp lên mọi thị phi, kỳ thị để bao bọc và lo lắng cho con. Còn với một ông chồng gia trưởng, thì càng yêu thương, càng chấp nhận, càng chịu đựng thì đừng bao giờ hy vọng, với sự hy sinh và nhẫn nhục của mình có thể khiến “anh ấy” hồi tâm, để có thể trở lại là một người chồng đúng nghĩa.

    Tình yêu là sự tôn trọng chứ không chỉ là sự hy sinh hay nhẫn nhịn. Từ những ông vua con trong gia đình,có hội chứng con cưng  cho đến các ông vua không ngai với “hội chứng gia trưởng” thì phải làm  cho các ông vua này biết tôn trọng người mẹ và người vợ của mình, bằng những chiến thuật phù hợp. Đã từng có những người con đánh đập, mắng nhiếc mẹ – và không thiếu những người chồng bạo hành người cùng giường với mình. Với các bạn ấy, khi sự tôn trọng không còn, thì không có một sức mạnh nào có thể khiến cho họ quy phục. Và chuyện cao chạy xa bay  là hành động tất yếu. Hãy biết quý trọng chính bản thân mình trong các mối quan hệ gia đình, nếu mình không quý trọng mình, thì ai sẽ có thể quý trọng mình ? Nhưng người phụ nữ  phải biết trở thành một người vợ với tất cả giá trị của nó, chứ không phải lại trở thành một bà chủ quyền lực hay cô o sin đa năng, phục vụ “ông chủ” từ nhà bếp đến phòng ngủ một cách vô điều kiện !

    Lê Khanh

     

  • HẠN CHẾ GIAO TIẾP & TÍNH CÁCH HƯỚNG NỘI

    HẠN CHẾ GIAO TIẾP & TÍNH CÁCH HƯỚNG NỘI

    Một người mẹ hoang mang về khả năng ngôn ngữ của con, dù đã bỏ biết bao công sức ra để tập cho con từ lúc như một tờ giấy trắng, cho đến khi có thể nói được, đi học được…. gần như một trẻ bình thường – Nhưng cái khoản cách “gần như” đó, tuy có vẻ như rất gần mà lại rất xa. Bà mẹ dường như bất lực không làm sao có thể tập cho con trở nên dạn dĩ để nói được những câu hoàn chỉnh một cách linh hoạt !

    Người mẹ khác lại lo lắng cho đứa con gái của mình – sao trông nó như một đứa “tự kỷ” … chỉ biết ru rú trong phòng, đi học hay đi đâu về là chui ngay vào phòng, không thích tiếp xúc…trò chuyện với ai, ngay cả khi ăn cơm cũng ít khi muốn ngồi ăn chung với gia đình .. Rồi mẹ lại thấy hay ngồi lẩm bẩm nói chuyện một mình ….Không biết làm sao có thể trò chuyện với con.

    Thực ra giữa một bé tự kỷ không có khả năng giao tiếp và một bạn “tự kỷ” không muốn giao tiếp là hoàn toàn khác nhau, dù biểu hiện bên ngoài rất giống nhau, cũng vì thế nhiều người vẫn cho rằng tự kỷ là một chứng bệnh mắc phải giống như trầm cảm và có thể chữa được.  Trầm cảm thì đúng là một căn bệnh, có thể điều trị bằng thuốc kết hợp với một số liệu pháp tâm lý để thay đổi nếp sống và môi trường – Nhưng cái “bệnh” gọi là “tự kỷ” thì nên gọi đó là tính hướng nội có yếu tố tiêu cực, không muốn chủ động  giao tiếp, không thích chỗ đông người, có những thú vui cá nhân…. Lại là điều không thể “can thiệp” hay trị liệu. Cũng vậy, khả năng giao tiếp của một trẻ tự kỷ là những rào cản khó vượt qua, hay nói đúng hơn là không thể đưa một đứa trẻ tự kỷ trở lại mức độ giao tiếp như một trẻ bình thường.

    Trong việc chăm sóc con, có những trường hợp hết sức nỗ lực để can thiệp bằng nhiều cách, nỗ lực cho con đi học từ lớp Một đến lớp Hai, lớp Ba …mà mỗi năm học là một sự nỗ lực . Nhưng cũng có những trẻ sau khi được can thiệp một hai năm, khi đã có thể nói được thì gia đình vội cho đi học trường bình thường. Đến khi cháu không chịu rèn luyện theo yêu cầu của giáo viên , dù bản thân trẻ biết đọc viết và tính toán rất tốt… thì lại cho con về nhà, ở nhà không tiếp xúc với môi trường xã hội nhiều, và ngay tại nhà cũng không chịu tập luyện cho con các hoạt động cá nhân và phụ việc gia đình mà cháu hoàn toàn có thể làm được. Bây giờ trẻ đã 11 tuổi, không tăng động, không quá khó khăn trong việc tương tác ..nhưng mẹ vẫn thờ ơ trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ cho con mình . Ngay cả việc can thiệp cũng chỉ muốn can thiệp vài buổi một tuần . Chính sự “bỏ rơi” không muốn vất vả vì con trong giai đoạn này, dù trẻ không thiếu thốn về vật chất – nhưng những kỹ năng giao tiếp xã hội lại không được quan tâm thì khi bước vào tuổi dậy thì với những khó khăn về nhu cầu thể xác, sẽ là một trải nghiệm không dễ chịu gì với một người mẹ “lười biếng” như bà !

    Hiện nay, với nhu cầu xã hội đa phần các chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ đều tập trung vào khu vực “can thiệp sớm” với quan điểm càng sớm càng tốt và đến tuổi vào lớp Một, là trẻ có thể học hòa nhập. Điều này có thể đúng với một số trẻ ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, nếu trẻ nhận được một chương trình can thiệp tốt và hiệu quả !  Thế nhưng, dù nặng hay nhẹ thì khi bước vào lứa tuổi tiểu học, khả năng tương tác, thích nghi và linh hoạt trong giao tiếp vẫn là một khoảng trống, mà chưa có một chương trình, một kỹ thuật nào hoàn thiện lấp được khoảng trống này.

    Chúng ta hiểu rằng, giao tiếp là sự tương tác hai chiều, từ đứa trẻ và chiều ngược lại. Việc tập cho trẻ biết chào hỏi, biết nói ra một cách đầy đủ nhu cầu của mình đã khó, thế nhưng với chiều ngược lại thì hầu như chỉ là những tác động mong manh, kiểu may thầy phước chủ. Nếu con được tiếp xúc với một tập thể thân thiện ở nhà trường và ở khu xóm của mình,  khi bố mẹ không “sĩ diện” hay thiếu tự tin, để có thể cho con giao tiếp, qua lại với những người xung quanh và họ cũng thông cảm, hiểu biết, chấp nhận những hành vi kỳ lạ, những hạn chế giao tiếp của trẻ, để có những đáp ứng tương xứng. Đồng thời khi vào trường, các bạn bè xung quanh trẻ cũng cần được “huấn luyện” để biết cách chơi với con, không cô lập hay chế giễu trẻ. Giáo viên thì có sự hiểu biết để hiểu và thông cảm cho trẻ, không gò ép trẻ vào các khuôn khổ một cách cứng nhắc ! Thì những điều đó, cùng với những tác động thông qua các hoạt động tại gia đình, trẻ sẽ dần đần tiếp cận đến mức độ ..gần với bình thường. Nhưng chắc chắn, trẻ vẫn không thể “tự xoay sở” và có khả năng tự lập khi lớn lên, mà vẫn cần một hệ thống hỗ trợ đến từ gia đình và xã hội.

    Thuật ngữ “ Hòa nhập” trong một chừng mực nào đó vừa là niềm vui cho những gia đình của trẻ, nhưng có khi lại trở thành nỗi lo lắng, căng thẳng cho chính trẻ, khi cháu phải tự “bước đi trên hai chân” của mình với khả năng khập khễnh trong giao tiếp. Nhiều phụ huynh nghĩ đơn giản khi “đẩy” được con vào lớp Một là đã có thể giúp cho con hòa nhập xã hội. Điều đó đôi khi lại đưa đến một kết quả xấu, nếu trẻ chưa thực sự hoàn thiện mà lại mong chờ tập thể chung quanh sẽ “tập luyện” cho trẻ dần dần. Nhưng nếu không được “tập huấn” hay đơn giản hơn là “mua chuộc tình cảm” thì những trẻ xung quanh sớm muộn gì cũng bỏ rơi, quay lưng với đứa trẻ.  Có bà mẹ khi cho con đi học lớp Một, đã “mua chuộc” từ những đứa trẻ chung quanh, cho đến cả giáo viên và cả trường học. Trong túi bà khi đưa đón con, luôn có bánh kẹo, gôm tẩy, bút chì , không phải là cho con, mà là để cho các bạn trong lớp, để các bạn ấy đối xử tốt với con. Rồi bà có thể gắn quạt , sửa bóng đèn, thậm chí lót gạch mới cho lớp.. tất cả chỉ là để cho con bà có thể ngồi học hay đúng hơn là ngồi chơi…trong lớp và được gọi là hòa nhập, nhưng sau một thời gian thì bé chỉ có thể “nhập” mà vẫn chưa thể “hòa” với môi trường xung quanh.

    Như vậy, nếu trẻ chưa đủ khả năng giao tiếp tương đối, và cũng chưa thể làm thay đổi môi trường xung quanh, tạo ra một bầu khi thân thiện thì chúng ta hãy cân nhắc việc cho con vào lớp Một, hay theo đuổi việc “đi học” chứ không phải là “đi can thiệp” để rồi tạo ra một “ảo tưởng” là con mình đã “bình thường” như mọi học sinh khác. Nếu không cẩn thận, nhiều khi việc cho con hòa nhập lại trở thành một “kinh nghiệm đau thương” để sau một thời gian khập khễnh, trẻ lại phải quay về gia đình và đau khổ hơn, lại tiếp tục lạc lõng ngay chính trong gia đình của mình, khi khả năng giao tiếp xã hội chưa được cải thiện.

    Vậy có khó lắm không khi tập luyện cho con những kỹ năng giao tiếp xã hội ? Khó và không khó ! Khó nếu như các ông bố, bà mẹ thậm chí là cả ông bà, không chịu thay đổi cách nhìn nhận và ứng xử với con, vẫn tiếp tục nuông chiều, ấp ủ, làm thay các hoạt động thường ngày. Trẻ không “học cách giao tiếp” giống như học nói, học nhận biết môi trường xung quanh trong chương trình can thiệp sớm, trẻ cũng không phải “rèn luyện” hay uốn nắn hành vi, cố gắng phát âm cho tròn trịa trong những giờ “âm ngữ trị liệu” . Mà trẻ sẽ được sống trong một môi trường giao tiếp lành mạnh và tích cực với niềm vui là được xem như một thành viên trong gia đình. Trẻ được hướng dẫn, nhắc nhở và giao phó cho những công việc từ đơn giản đến phức tạp trong gia đình, tùy theo năng lực và độ tuổi. Trẻ được “chơi” các trò chơi sắm vai, giao tiếp trong các tình huống tương tự như ngoài xã hội và trẻ cũng phải có những trải nghiệm thất bại, trả giá trog các hoạt động hàng ngày.  .

    Bố mẹ cũng không nên mặc cảm, không “sĩ diện” khi phải “giới thiệu” đứa con “ không giống ai” của mình với những người xung quanh. Trẻ có thể chạy qua nhà hàng xóm, ngồi chơi với bác Tám, Dì Tư … trẻ có thể đi mua cho mẹ một chai nước suối, một hộp bánh ở cô Sáu bán tạp hóa đầu ngõ … Và hơn nữa, trẻ cũng có thể phải biết “rút kinh nghiệm” qua những trải nghiệm đau đớn và thất bại nho nhỏ của mình . Chúng ta có thể sẽ để cho trẻ tự xoay sở trong một môi trường an toàn mà chúng ta đã thiết kế xung quanh trẻ. Trong môi trường đó, trẻ hoàn toàn tự chủ để có thể chơi và làm những điều mình muốn, đôi khi khá kỳ cục thậm chí là có thể xẩy ra vài tai nạn trầy trụa, u đầu sứt trán … nhưng không quá nguy hiểm. Vì chính các tai nạn ấy, sẽ giống như vacxin chích ngừa cho trẻ miễn nhiễm với virus “không biết ứng xử” .

    Chúng ta cũng cần phải có sự hiểu biết và chấp nhận những trẻ có tính hướng nội với những biểu hiện tương tự như trẻ tự kỷ, không nên hy vọng vào một loại thuốc “thần kỳ” nào, mà cách can thiệp tốt nhất là tôn trọng, chấp nhận và giúp trẻ có những thời điểm cùng chung với gia đình trong việc ăn uống, vui chơi. Đừng đòi hỏi trẻ phải như các trẻ hướng ngoại, linh hoạt trong các hoạt động giao tiếp, mà nên tìm hiểu các thế mạnh của trẻ trong các sở thích cá nhân để phát triển lòng tự tin cho các em.

    Chúng ta cứ kiên trì một cách vui vẻ, từng bước tập luyện một cách kiên quyết nhưng nhẹ nhàng, thông qua các hoạt động gia đình “dễ như chơi” và có những trao đổi, tập cho trẻ nói và nhắc lại những câu hoàn thiện thông qua việc đọc sách, kề chuyện buổi tối hay mô tả càm xúc và hành vi của trẻ khi bạn ấy đang hoạt động.  Không có các kỹ thuật hay biện pháp thần kỳ “mì ăn liền” ở đây, không có phương pháp thần thánh nào mà chỉ cần vài cách thức, vài buổi tập luyện để có thể giúp trẻ hoàn thiện giao tiếp.  Một môi trường lành mạnh, vui vẻ, với những giao tiếp tích cực, không nuông chiều hay làm thay và để cho trẻ trải nghiệm những khó khăn một cách tự chủ, là một môi trường gia đình cần thiết để trẻ phát triển khả năng giao tiếp của mình.

    Lê Khanh – TT Diệp Quang..

     

  • CHO CON ĐƯỢC LÀ ..CON

    CHO CON ĐƯỢC LÀ ..CON

    Khi sinh một đứa con, ai cũng mong muốn con lớn khôn, học hành tử tế, rồi ra đời sống được với khả năng, bằng cấp của mình. Hơn thế nữa, khi khôn lớn sẽ được dựng vợ gả chống, rồi sinh con cái và mình sẽ là ông bà ..hạnh phúc.
    Đó là mơ ước của hầu hết mọi gia đình, và cũng là mục tiêu cần phải có của các bậc cha mẹ, thế nhưng ngoài bệnh tật, tai nạn, rồi con cái không đi theo nghề nghiệp, con đường mà mình mong muốn, hay ăn chơi hư hỏng … và nhất là không chịu lập gia đình cho bố mẹ có cháu bế…thì điều làm cho các ông bố bà mẹ đau khổ nhất, lo lắng nhất và cảm thấy bất lực nhất chính là tình trạng “nửa nạc nửa mỡ” của con về giới tính
    Người ta đã thống kê là có khoảng 20% dân số trên thế giới là rơi vào nhóm của những kẻ HIFi ! ( ở VN thì khoảng 15%) Trong số 20% đó có đến 4 loại khác nhau : Đồng giới nam – đồng giới nữ và đặc biệt hơn nữa là nhóm xuyên giới tính và chuyển giới tính ( Gọi là LGBT : Lesbian – Gay – Bisexual và Transgender hay Transsexual people) . Có thế nói, nhu cầu về tính dục hay sự luyến ái về thể chất và tinh thần là nhu cầu mạnh mẽ nhất của con người, chỉ xếp sau nhu cầu về dinh dưỡng, thậm chí có khi còn qua mặt luôn – Và nhu cầu đó luôn gắn với mối quan hệ khác giới ! Đàn ông phải thích cái đẹp của phụ nữ, và đàn bà phải yêu cái tài của các ông ! Âm và Dương phải tìm nhau – thu hút và hòa hợp, đó là điều đương nhiên và bình thường. Thế nhưng, nếu chẳng may lại rơi vào nhóm 20% kia để rồi con trai lại chỉ ham thích đàn ông và phụ nữ lại chỉ mê con gái thì quá ư là bất thường và không thể chấp nhận.
    Chính vì sự không thể chấp nhận đó, mà những người thuộc giới LGBT đã gặp phải rất nhiều sự kỳ thị và coi thường, mặc dù cho đến nay họ cũng được luật pháp bảo vệ. Nhưng cái rào cản lớn nhất của họ không đến từ bên ngoài xã hội mà đến từ chính trong gia đình mình.
    Các bậc cha mẹ khi phát hiện ra một số hành vi, thái độ và đặc biệt là mối quan hệ tình cảm với những người đồng giới của con mình, đều bất ngờ và bất bình ! Đa phần thường nghĩ rằng do ảnh hưởng bạn bè, phim ảnh , chạy theo trào lưu… Điều đó cũng có một phần nhưng nếu không phải chỉ là xu thế nhất thời, mà là một tính cách bẩm sinh nằm yên khi còn nhỏ và bộc phát khi bước vào lứa tuổi dậy thì , lúc đó cha mẹ sẽ phải làm gì ? Ai cũng nghĩ, là Les hay Gay, thì phải có những biểu hiện bên ngoài – Con gái thì cắt tóc ngắn, chỉ thích mặc áo chemise, quần tây . Có em khi lên cấp 3 thì nhất quyết không mặc áo dài khi đi học, chấp nhận bị đuổi học để “bảo vệ phái tính” của mình. Con trai thì lại để tóc dài, tô mày vẽ mặt, đeo bông tai, đi đứng ẻo lả, ăn nói yểu điệu … mà người ta gọi là bóng lại cái ! đó cũng chỉ là một phần mà ta gọi là “bóng lộ” Nhưng ngay cả những em gái dịu dàng vẫn có thể là Les, và những anh trai vai u thịt bắp vẫn là gay, vì cái xu thế đó không nằm trong những bộ phận trên cơ thể mà nó nằm ở sâu bên trong những cảm xúc của tâm lý con người, ta gọi đó là “bóng kín” !
    .
    Chính vì nó nằm tuốt bên trong cái đầu, mà chỉ có những người thân gần gũi mới nhận ra và dĩ nhiên là ít ai lại có thể chấp nhận. Có người thì quyết liệt cấm đoán con mình “giao du” với những kẻ đồng giới khác đã “quyến rũ” con mình, mang con đi khắp nơi hỏi han về phương pháp điều trị như một căn bệnh và hy vọng là sẽ “tái lập trật tự”. Có người thì oán trách, mắng chửi, cô lập, hay ngược lại thì khóc lóc, khuyên nhủ con phải “quay lại” cho đúng với giới tính bên ngoài của mình – Nhưng thực ra thì chính cái giới tính nằm sâu trong đầu kia mới là giới tíh đích thực của con.
    Khi đến tư vấn tâm lý, cha mẹ nào cũng mang một trời thất vọng và hoang mang đến, để mong tìm được sự “chẩn đoán chính xác” là nó không phải vậy ! rồi hy vọng Tài năng của nhà tư vấn hay bác sĩ sẽ xoay chuyển được tình hình. Thế nhưng, nếu đã xác định tính cách qua các hành vi và cách sống của trẻ, thì điều quan trọng là phải biết chấp nhận, chứ không có một loại thuốc nào ( như tiêm hocmon, hay biện pháp nào giải quyết được.
    Chúng ta đã biết, mặc dù được luật pháp bảo vệ – nhưng trong xã hội vẫn có sự kỳ thị, xa lánh những người đồng giới. Chính vì sợ con mình bị như vậy mà cha mẹ mới tìm mọi cách để “ chữa chạy” cho con – Nhưng việc không chấp nhận thực trạng của con, không nhìn nhận những giá trị của trẻ, không khuyến khích những khả năng của trẻ mới làm cho trẻ đau khổ còn hơn cả sự kỳ thị của xã hội bên ngoài – Bởi vì ngoài cái “tình trạng khác thường” thì trẻ Đồng giới lại thường giỏi giang về một phương diện nào đó. Có em học giỏi, có em khéo tay, có óc sáng tạo linh hoạt … Đây chính là điều mà các bậc cha mẹ cần nhắm đến, tìm cách hỗ trợ, khuyến khích các em phát triển tài năng của mình, chứ không nên săm soi và tìm cách can thiệp vào điều mà không ai thay đổi được.
    Sẽ có em buộc phải nghe lời mẹ cha, phải sống với cái “ giới tính bên ngoài” để có thể “hòa nhập” với cuộc sống – thậm chí lấy chồng, cưới vợ… Nhưng rồi, chẳng chóng thì chầy, cuộc hôn nhân “bình thường” đó lại trở nên lệch pha trong cuộc sống vợ chồng, sớm muộn gì cũng đường ai nấy đi ! Nhưng cái chính là –Tình yêu thì không thể cấm đoán cũng không thể bắt ép, và cuộc hôn nhân đó chỉ làm đau khổ thêm cho một người nữa, là vợ hay chồng của người đồng giới ! Phải chăng chúng ta luôn mong muốn con mình lớn lên sẽ được hạnh phúc, vui vẻ và thành công trong cuộc sống ? Chính việc chấp nhận giới tính đích thực của con sẽ góp phần giúp cho con có được điều đó ! Chúng ta cũng biết rằng đường đời có rất nhiều ngả, không chỉ nhất thiết phải bước vào đời bằng con đường học hỏi, bằng cấp và cũng không phải là chỉ có những kẻ “bình thường về giới tính” mới có thể thành công – hạnh phúc trong cuộc sống.
    Các bậc cha mẹ có thể chăm lo, bảo bọc cho con trong suốt cuộc đời mình chăng ? hay là khi về già sẽ phải nhờ cậy con ? Nếu như chúng ta bắt ép chúng sống theo ý mình, để tạo nên sự oán ghét nơi tâm hồn của con, đến khi chúng trưởng thành, chúng sẽ bỏ ta mà đi và không đoái hoài gì đến mình. Thay vì vậy, hãy tôn trọng khuynh hướng của con, khuyến khích con phát triển tài năng, để rồi sau này khi lớn khôn, chúng sẽ dùng tài năng đó để làm việc và có thể thành công. Chúng sẽ biết ơn và trân trọng cha mẹ, sẽ hết lòng chăm sóc chúng ta khi về già ! Dĩ nhiên, không thiếu những đứa con bất hiếu – nhưng có thể nói đa phần những kẻ bất hiếu đều xuất thân từ những gia đình luôn chiều chuộng, thả lỏng con không quan tâm đến trẻ, hay đã đối xử quá khắc nghiệt với con – Còn khi chúng ta yêu thương và đối xử tử tế với con, quan tâm và hướng dẫn con với sự tôn trọng, thi chắc chắn chúng ta sẽ có những trái ngọt của sự yêu thương và tôn trọng nơi con.
    Chúng ta có thể “đau khổ” khi biết con mình thuộc nhóm thiểu số – lệch chuẩn kia, nhưng hãy để con được là con – thì Bố mẹ cũng sẽ được là bố mẹ. Có thể chúng ta sẽ không có cháu chắt để bồng bế, yêu chiều nhưng chắc chắn, tuổi già sẽ không sống trong cô độc và một đứa con đồng giới mà tài năng, ngoan ngoãn, tự tin và mạnh mẽ thì có tốt hơn đứa con khác giới mà lười biếng, ham chơi, ỷ lại hay không ? và lại còn đòi hỏi bố mẹ – rồi ông bà luôn phải cung phụng và chăm sóc cho mình và cho cả con cái mình !
    Ngay trước mắt, nếu chúng ta nhìn nhận đứa con Hifi của mình, thì chúng ta đã lấy lại sự cân bằng trong quan hệ gia đình, đem lại nụ cười cho mọi người và sẽ giúp cho con được tự tin, mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Còn chuyện tình cảm của con – đó là quyền tự do cá nhân của nó , nó thích ai, yêu ai thì kệ nó, miễn là chúng ta giúp cho nó nhận ra những nguy cơ trong cách sống buông thả, những quan hệ tình dục sai lệch có thể đi đôi với những căn bệnh hiểm nghèo, mà đôi khi chính sự cấm đoán, đe dọa của bố mẹ đã đẩy con vào con đường đó như một lối thoát. Việc quan tâm và tôn trọng con sẽ giúp chúng ta đứng vào hàng ngũ những người mà trẻ yêu mến – như thế có phải là hạnh phúc hơn không ?
    LÊ KHANH – Ngày nắng đẹp tại Diệp Quang