7 Sai lầm khi giúp con Chọn nghề
13/05/2011
Chẩn đoán về Trí tuệ trẻ em
13/05/2011
7 Sai lầm khi giúp con Chọn nghề
13/05/2011
Chẩn đoán về Trí tuệ trẻ em
13/05/2011

Một cháu bé, khi có thể cầm được cây viết trong tay thì một trong những hoạt động thú vị nhất của bé là nguyệch ngoạc những hình thù trên giấy. Nếu không có giấy, thì nhà họa sĩ tí hon này sẵn sàng sử dụng các bức tường, cánh cửa…thậm chí cả nền nhà cũng có thể trở nên nơi thể hiện tài năng chưa lóe sáng này.

Điều này có thể gây ra những tác động khác nhau nơi phụ huynh, có người thì ngăn cấm, thậm chí trừng phạt để trẻ thôi cái trò bôi bẩn này đi, có người thì mặc kệ không cần để ý, để rồi sau đó trẻ sẽ quay qua các trò khác và cũng có người thì lại cho rằng con mình chắc sẽ trở thành một họa sĩ trong tương lai, nên lập tức tìm đến các lớp năng khiếu, nhất là với các trẻ trong độ tuổi mẫu giáo hay lớp Một. Thường thì sau một vài khóa vẽ trong dịp hè, các em lại vui vẻ từ giã giấy, màu để tập trung vào việc học hay…chơi games và khiến cho bố mẹ thất vọng vì con mình chẳng có tí ti năng khiếu nào, hoặc với những gì đã học thì các em sẽ có được một số điểm cao trong môn vẽ nếu có ở nhà trường.

Nhưng nếu phụ huynh quan tâm hơn đến ý nghĩa của các hình vẽ mà không bị áp đặt bởi những tiêu chuẩn về mỹ thuật như bố cục, phối màu hay phải giống thực, thì những bức vẽ nguyệch ngoạc đó, với những hình thù kỳ dị lại là một thông điệp, hay một bản “mô tả bản thân” rất phong phú mà qua đó, các em muốn bày tỏ một cách hoàn toàn vô thức những gì các em đã thấy, đã hình dung và mong ước được chuyển tải những thông tin đó đến người khác và và điều này sẽ “thực” hơn rất nhiều những gì các em vẽ lại dưới sự hướng dẫn của người lớn trong các lớp vẽvà được mệnh danh là “tiếng nói của trẻ thơ”.

Ở đây, cũng xin nói qua một chút về ý nghĩa và giá trị của danh từ năng khiếu, trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng, ta thường lẫn lộn một cách vô tình hay cố ý về ý nghĩa giữa năng khiếu và khả năng. Chúng ta thường đưa trẻ đến các lớp gọi là năng khiếu, với hy vọng ở đây các em sẽ được phát triển năng khiếu, để dần dần trở thành một họa sĩ trong tương lai. Trong khi đó, thì với sự hướng dẫn của những giáo viên ở các lớp này, các em chỉ được hướng dẫn những kỹ năng cơ bản để có được khả năng để vẽ hình cho đúng, tô mầu cho chuẩn.

Nếu các em có năng khiếu thực sự thì các lớp này có thể là một cơ hội để các em bày tỏ chứ không giúp cho các em phát triển thêm chút nào theo nghĩa từ thấp đến cao, từ ít thành nhiều, nếu không muốn nói là đôi khi, chính hoạt động dạy vẽ theo các mẫu có sẵn, theo những nguyên tắc cơ bản về bố cục, về phối màu lại làm hạn chế hay thui chột đi năng khiếu có sẵn trong các em!

Năng khiếu hội họa được xem là một yếu tố bẩm sinh, khiến cho các em có sự ham thích đến say mê các phương cách thể hiện hình vẽ, có những cái nhìn thật độc đáo về cuộc sống và những hình ảnh diễn ra trước mắt mình, sau đó các em sẽ trình bầy lại cũng theo cách nhìn của mình một cách “không giống ai” trong bất cứ hoàn cảnh nào có thể hay lúc các em “cao hứng”.

Trong các lớp dạy vẽ, nếu may mắn các em được những họa sĩ đích thực phát hiện và động viên các em sáng tác thì năng khiếu sẽ là nguồn lực cho các em chắp cánh bay cao. Còn nếu không, dưới sự hướng dẫn của các giáo viên dạy vẽ, tốt nghiệp chính quy trong các trường mỹ thuật thì các em chỉ có khả năng trở thành những người biết vẽ một cách đúng nguyên tắc và có được những bức tranh đẹp, mô tả sinh động những hình ảnh và sự vật chung quanh, nhưng không có tính sáng tạo trong đó.

Như vậy, khi cho trẻ hoàn toàn thoải mái vẽ vời trên những trang giấy trắng, chúng ta không nên hy vọng các em sẽ trở nên một danh họa, nhưng có thể qua đó  sẽ khám phá ra tính cách của các em, với bản “tự bạch” bằng hình thể này và qua đó, các bức vẽ sẽ giúp cho các em có thể giảm đi những lo âu, căng thẳng trong cuộc sống vì các em đã được “trút bỏ” hay “tuôn trào” những niềm vui, nỗi buồn, sự lo hãi của mình trên trang giấy trắng. Như vậy, hình vẽ của trẻ em mặc dù chỉ là những hình thể nguệch ngoạc, chẳg có chút giá trị nào về mặt mỹ thuật nhưng vẫn  có một giá trị khác, mà đôi khi cần thiết hơn việc các em có trở thành một họa sĩ trong tương lai hay không.

Lê Khoa

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý