NHÌN LẠI DÒNG ĐỜI
22/12/2020TỰ KỶ VÀ NỖI ĐAU ..GIAO TIẾP.
20/02/2021Người mẹ mệt mỏi dẫn một cậu thiếu niên dáng vẻ hiền lành đến tư vấn. Vấn đề là cậu có tình trạng nhổ tóc và học trước quên sau .Khi hỏi đến gia cảnh, thì thấy vấn đề là ở đây. Hai vợ chồng đã ký đơn ly dị dưới áp lực của bên nội, và hơn nữa ông chồng lại thích phở hơn cơm. Mặc dù vẫn sống chung nhưng hồn ai nấy giữ. Chính vì tình trạng bất ổn trong gia đình, với một bầu khí lạnh lùng mà cậu bé trở nên sa sút trong việc học và có tình trạng rối nhiễu tâm lý .
Sau khi lắng nghe, chuyên viên đi tìm những yếu tố tích cực để giúp cho cậu bé, hay đúng hơn là giúp cho người mẹ lấy lại được niềm vui, sự hy vọng để xây dựng lại tổ ấm đã nguội lạnh . Bà nội ban đầu là yếu tố gây ra tình trạng ly hôn, nhưng lại sợ mang tiếng với mọi người nên không muốn đẩy 3 mẹ con ra đường, và sau 2 năm thì giờ đây lại muốn ông con trai quay đầu lại. Đó là yếu tố tích cực thứ nhất, người mẹ với 2 con , mà cậu thiếu niên là anh lại rất yêu thương nhau và đây chính là yếu tố tích cực thứ hai và chủ yếu để từ đó nhen lên ngọn lửa của cảm xúc, xóa đi sự lạnh nhạt đã khiến cho người con suy sụp.
Có thể nói, phần lớn các vấn đề suy sụp cảm xúc, về sự tự cô lập của những đứa trẻ, đặc biệt là trong lứa tuổi teen, không còn tìm thấy niềm vui trong gia đình. Mái nhà che nắng mưa giờ đây giống như một nhà trọ miễn phí ! Không ai thấy được vai trò cần thiết của mình trong gia đình, và mất đi ý thức trách nhiệm, kể cả trách nhiệm với bản thân. Mỗi người vì điều này, điều kia.. đã tự xây cho mình một cái hàng rào vô hình, mà hành vi đi học về, lên thằng phòng riêng đóng cửa lại … vùi đầu vào game và mạng xã hội, có khi bỏ cả cơm nước và gây ra đủ trò làm bố mẹ lo lắng, chỉ là các biểu hiện cho bề nổi của một tảng băng cô đơn đang trôi dạt trong vùng biển băng giá !
Lấy lại cảm xúc gia đình có khó lắm không ? không hề ! Người ta thường nghĩ rằng, tình trạng trầm cảm, cô độc, thu rút ( mà nhiều người gọi là tự kỷ ) chi có thể giải quyết với các chuyên gia bằng những nghiệp vụ chuyên môn, chữa trị cho bệnh nhân biết “nghe lời” và ổn định trở lại. Điều đó không sai, nhưng chuyên viên chỉ làm công việc là lắng nghe, phân tích các yếu tố bất lợi, thuận lợi và đưa ra cho bố mẹ của trẻ và cho chính đứa trẻ những chọn lựa. Sự chấp nhận và tự điều chỉnh hành vi của bản thân mới là yếu tố quyết định. Việc xây dựng lại các cám xúc tích cực hay đúng hơn là mối quan hệ lành mạng giữa các thành viên trong gia đình, chỉ là những hoạt động tưởng chừng rất bình thường : Các công việc vặt trong gia đình, bữa cơm tối cùng nhau, ngày chủ nhật dành thời gian cho nhau … Bình thường nhưng không đơn giản, vì cũng không dễ để tạo lại những thói quen đã mất, khi mà giòng xoáy của công việc, của học tập, của các hoạt động ngoài xã hội đã lấy đi hết sinh khí của các thành viên trong gia đình. Căn nhà giờ đây chỉ là một nhà trọ, thậm chí là 1 khách sạn hạng sang, mà người ta chỉ về để ngủ và ăn uống trong nỗi cô đơn !
Trầm cảm hay stress không phải là một bệnh nặng, mặc dù có những mức độ cần phải dùng đến thuốc. Nhưng cũng không đơn giản mà chỉ cần nhấc điện thoại lên, alo với chuyên gia một vài cuộc là mọi thứ đâu vào đấy ! Có không ít các bậc cha mẹ, gọi điện tư vấn, chỉ nói ra vài tình trạng của đứa con ( Mê chơi game, bỏ học, lười biếng, hỗn láo, tự cô lập ..hay có một số tật xấu , nhưng lại mong đợi một “liệu pháp” mì ăn liền ngay lập tức , chỉ cần vài chiêu là có thể giải quyết vấn đề.
Trên thực tế thì hầu hết các trường hợp đưa đến phòng tư vấn, thì việc điều chỉnh hành vi cho đứa trẻ – cho “bệnh nhân chỉ định” lại không quan trọng bằng việc điều chỉnh hành vi cho bố mẹ và cho những người xung quanh. Vì thế, việc tư vấn, cần tiếp xúc trực tiếp để có thể vừa thu thập những “thông tin” không được nói ra,( ngôn ngữ cơ thể ) vừa xem xét các yếu tố nguy cơ và yếu tố hỗ trợ mà nhiều khi phải chú ý lắm mới có thể phát hiện. Để rồi từ đó, cùng với chính bố mẹ cùng đứa trẻ, vạch ra những chiến lược nhằm điều chỉnh hành vi, nhận thức… Đó mới là giá trị của việc tư vấn trực tiếp.
Sau khi đã cùng nhau tìm kiếm, chuyên viên đã góp ý cho mẹ những “chiến thuật” sưởi ấm gia đình, lấy lại bầu khí vui tươi và lạc quan, tìm cách lôi kéo người cha “tung cánh chim tìm về tổ ấm” đồng thời vạch ra cho cậu học sinh thiếu tập trung, những biện pháp tổ chức lại việc học, nâng cao khả năng ghi nhớ và xây dựng lòng tự tin. Khi cả hai thấy ra được vấn đề và những tia hy vọng long lanh trong mắt của hai người, thì quả thực ..một niềm vui khôn tả đến với người tư vấn.
Một cô bé lớp 7, đến với nỗi thất vọng tràn trề về bạn học và về cả người cha trong gia đình…cũng đã tìm lại được sự thoải mái, tự tin sau hơn 1 tiếng đồng hồ cùng nhau đi tìm những yếu tố tích cực với chuyên viên. Có thể nói, trong một buổi chiều đã góp ý và tạo được sự thoải mái, vui vẻ cho cả hai cô cậu học sinh và hai bà mẹ… quả là một niềm vui không nhỏ cho công việc..chém gió ! Đó chỉ là mới chỉ là một định hướng, còn thực hiện được hay không lại tùy vào năng lực của chính bố mẹ và các bạn trẻ, tất cả vẫn còn ở phía trước. Nhưng hiện tại, đã là một niềm vui.
CVTL Lê Khanh.