Đâu là Định hướng cho gia đình ?
10/07/2012Cuộc chiến quanh bàn ăn
14/07/2012Ăn được, ngủ được đó là điều mong mong mỏi của nhiều bố mẹ đối với con mình, và có lẽ một trong những nỗi khổ sở và lo sợ nhất của bố mẹ là bị trẻ con quấy, khóc vào ban đêm. Các ông bố, bà mẹ thường nghĩ đến những biện pháp như : Cho bú, dỗ dành, xoa dầu, kể chuyện …hay cứ mặc kệ nó !
Nhưng các biện pháp đó thường chỉ hiệu quả với những nhu cầu bình thường của trẻ, còn đối với các tình trạng bệnh lý thì đó lại là một vấn đề khác hẳn.
Những rối loạn về giấc ngủ điển hình :
– Vào lúc đi ngủ : Trẻ không ngủ được, bồn chồn, sợ hãi …
– Trong lúc ngủ : Giấc ngủ thường bị gián đoạn do: Các cơn ác mộng, chứng mộng du (miên hành), cơn động kinh ban đêm.
– Ở những trẻ nhỏ, đôi khi là do việc mọc răng, viêm mũi gây khó khăn cho hô hấp.Hay do những tác động ảnh hưởng đến thần kinh mà trẻ đã phải chịu đựng khi còn thức.
Tuy nhiên vẫn có những trường hợp mà đứa trẻ mặc dù không ngủ được, và làm cho mọi người phờ phạc vì nó, nhưng vẫn vui vẻ, khỏe mạnh! Đêm nào cũng vậy, nó thức giấc, gọi bố mẹ một cách bình tĩnh, vui vẻ, đòi chơi trong khi bố mẹ từ lâu đã không còn cười được nữa! Vấn đề này được lý giải qua hai khía cạnh :
1/ Sinh học : Nhu cầu ngủ của trẻ ít, ban ngày trẻ đã được ngủ nhiều và cơ thể tự điều chỉnh theo nhịp độ này.
2/ Tâm lý : Những lo âu, không muốn ở một mình, hụt hẫng về tình cảm làm cho trẻ sợ hãi giấc ngủ …
Những rối loạn giấc ngủ như thế này có thể xẩy ra khi bố mẹ quá cứng nhắc trong các quy định về giờ ngủ, họ buộc trẻ phải đi ngủ khi mà em chưa cảm thấy buồn ngủ, điều này đã dần dần khiến trẻ sợ hãi giấc ngủ. Ngoài ra trong các mối quan hệ, trẻ cảm nhận được sự xa cách giữa bố mẹ với nhau hay với chính em, và em không biết làm cách nào để phản ứng lại điều đó, nên đành phải cố gắng kéo dài thời gian tỉnh thức vì nghĩ rằng chỉ khi đó mới có thể làm cho bố mẹ quan tâm đến mình. Ngoài những phản ứng về giấc ngủ, trẻ còn có những phản ứng khác như mút tay, mút chăn hay một vật gì mềm mại, trẻ có thể hát nho nhỏ, nói một mình, lắc lư thân hình …. Điều này thường là một thông điệp có ý nghĩa duy nhất: Con cần đến tình thương của bố mẹ.
Thời gian ngủ có liên quan đến độ tuổi không?
Thời gian ngủ tuỳ thuộc vào tuổi tác và nhu cầu của từng người. Trung bình, ở người lớn cứ một giờ hoạt động phải được bù đắp bằng ½ giờ ngủ . Còn ở trẻ em thì nhu cầu ngủ rất cao, vì chính trong giấc ngủ, những hoạt động phát triển mới diễn ra một cách tích cực. Thông thường cứ một giờ hoạt động phải được bù bằng 2 giờ ngủ, tức gấp 4 lần người lớn!
Cùng với thời gian lớn lên, thì thời gian ngủ sẽ giảm dần, nếu ở trẻ sơ sinh cần đến 20 – 22 giờ ngủ /ngày thì trẻ 1 tuổi chỉ còn 16 tiếng, 2 tuổi : 14 tiếng, 3 tuổi:13 tiếng và đến 16 tuổi thì chỉ cần 8 tiếng giống người lớn. Dĩ nhiên là có những em sẽ ngủ nhiều hay ngủ ít hơn , điều đó không quan trọng miễn là em vẫn hoạt động học tập và vui chơi bình thường.
Thời gian ngủ chủ yếu là vào ban đêm, nhưng giấc ngủ ban ngày đối với trẻ cũng rất quan trọng. Mỗi em lại có nhu cầu ngủ khác nhau, cha mẹ nên quan tâm và tôn trọng nhịp thức ngủ của con mình. Việc phân bổ chế độ sinh hoạt và giờ giấc hợp lý theo từng giai đoạn tuổi và từng cá nhân là điều cần thiết cho sự phát triển của các em.
Thế nào là giấc ngủ nhanh và giấc ngủ chậm?
Giấc ngủ được cấu tạo bằng nhiều chu kỳ với hai trạng thái khác nhau. Mỗi chu kỳ chia ra 5 giai đoạn. Giấc ngủ chậm chiếm khoảng 80% thời gian ngủ ở trẻ em. Biểu hiện bằng các sóng chậm trên điện não đồ gồm 4 giai đoạn với độ sâu tăng dần. Ở các giai đoạn này, các hoạt động của cơ thể như nhịp tim, nhịp thở, chuyển hoá cơ bản giảm dần đến mức thấp nhất.
Giấc ngủ nhanh tiếp nối giấc ngủ chậm, chiếm khoảng 20% thời gian còn lại. Giai đoạn này điện não đồ được biểu hiện bằng các sóng nhanh gần giống như lúc thức. Hai loại giấc ngủ này nối tiếp nhau trong đêm tạo thành nhiều chu kỳ liên tiếp, mỗi chu kỳ của trẻ em chiếm khoảng 90 phút, trẻ sơ sinh là 50-60 phút còn người lớn là 120 phút.
Người ta nhận thấy trong giấc ngủ chậm, tuyến yên ở não sẽ tiết ra kích thích tố tăng trưởng. Kích thích tố này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hồi phục sức khỏe và thúc đẩy qua trình tăng trưởng của cơ thể trẻ. Khi trẻ hoạt động về thể lực nhiều như chơi đùa, tập thể dục, chơi thể thao… giấc ngủ chậm sẽ gia tăng làm trẻ dễ ngủ và ngủ sâu hơn.
Khác với giấc ngủ chậm, giấc ngủ nhanh sẽ giúp trẻ phục hồi về những mệt mỏi tâm thần, như việc học hành, các chấn thương tâm lý, và tác động lên sự trưởng thành của hệ thần kinh. Nó có tác dụng củng cố trí nhớ, giúp trẻ nhớ lâu và nhớ kỹ hơn những thông tin ghi nhận được. Giấc ngủ nhanh sẽ gia tăng khi trẻ được luyện tập một môn hoạt động nghệ thuật nào đó như múa, hát…. Nếu ngăn cản hay đánh thức trẻ trong giai đoạn này, trẻ sẽ dễ quên, tinh thần căng thẳng, hay cáu gắt, khó chịu, quấy khóc, đầu óc không minh mẫn khi học tập.
Làm thế nào để giúp trẻ có giấc ngủ tốt?
Để xây dựng cho trẻ một hoạt động ngủ, nghỉ phù hợp với nhịp sinh học và nhu cầu phát triển, cha mẹ nên lưu ý các điểm sau:
Nên tập cho trẻ thói quen ngủ sớm và đúng vào một giờ nhất định, việc ngủ sớm ở đây là tuỳ thuộc vào nhịp sinh học của trẻ, có thể khác nhau và không giống với nhịp sinh học của cha mẹ. Điều này sẽ giúp cho trẻ hình thành một thói quen mang tính phản xạ, giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Cần giảm tối đa các kích thích ngoại cảnh cũng như nội tại lên hệ thần kinh của trẻ trong lúc ngủ. Điều quan trọng nhất là tránh tiếng ồn và ánh sáng, vì chúng làm cho giấc ngủ của trẻ không sâu và dễ thức giấc. Ngoài ra, các yếu tố khác như để trẻ đói hay quá no, cơ thể không sạch sẹ, quần áo chật, nằm sai tư thế, nơi ngủ bẩn, chật chội và không thông thoáng đều gây tác hại xấu cho giấc ngủ.
Cần tránh các chấn thương tâm lý làm cho trẻ bị ức chế trước khi ngủ, như doạ nạt, quát mắng, kể những chuyện ma quái, kinh dị …Khi trẻ có lỡ tè dầm thì cũng nhẹ nhàng thay quần áo và vệ sinh chỗ nằm, thay vì cằn nhằn hay trừng phạt vì điều đó lại càng khiến trẻ dễ dễ …tè dầm thêm.
Hoạt động vui chơi, giải trí ban ngày sẽ giúp cho trẻ ngủ tốt hơn. Việc ru trẻ bằng những bài vè, ca dao nhẹ nhàng và những lời ám thị: “ con mẹ ngoan lắm ,nhắm mắt lại ngủ ngoan nào …” cũng giúp cho trẻ dễ ngủ hơn.
Những bất thường ở trẻ khi ngủ:
Những biểu hiện khác lạ trong giấtc ngủ của trẻ có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh. Trước khi ngủ, nếu trẻ cứ quấy, khóc, gãi đầu gãi tai kèm theo có dấu hiệu nóng, sốt thì có thể là do việm ống tai ngoài, mẫn ngứa ống tai hay viêm tai giữa. Nếu trẻ tỏ ra nóng giận, khi ngủ thì hay giật mình, tỉnh giấc. Mặt đỏ lên, toàn thân khô, tim đập nhanh, thở to và gấp, đó là dấu hiệu của một cơn sốt Khi ngủ, nếu trẻ vã mồ hôi ra như tắm, vật vã khó ngủ, răng mọc chậm, thóp khôngđầy theo đúng với quy trình phát triển, đó là dấu hiệu của tình trạng còi xương.
Trẻ khi ngủ mà tay chân giật giật, trăn trở, kêu ú ớ … chứng tỏ vào ban ngày trẻ đã gặp phải những kích thích quá mạnh cho hệ thần kinh còn non yếu. Hoặc có khi ngủ mà trẻ giật mình khóc thét lên, cũng là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang nhớ lại những chuyện ám ảnh mình.
Hai hàm răng trẻ nghiến kèn kẹt trong khi ngủ, có thể là biểu hiện cho bệnh ký sinh trùng đường ruột, hay dị hình hàm răng, hàm trên và dưới không đều nhau. Tình trạng này có thể chấm dứt khi trẻ đến tuổi thay răng sữa. Khi ngủ trẻ hay gãi vào vùng mông, hậu môn : Có thể trẻ có giun kim.
Trẻ nằm ngửa, ngủ say, tiếng ngáy to không ngớt, thở há miệng: Có thể trẻ có dấu hiệm viêm amidan, V A. Nếu trẻ khóc ê a, hai mắt lim dim, khóc có vẻ mỏi mệt là do trẻ đói hay khát nên khó ngủ, một bình sữa là có thể giải quyết vấn đề!
Hoảng sợ khi ngủ:
Còn gọi là hoảng sợ ban đêm, khi đứa trẻ đang ngủ bỗng dưng vùng dậy kêu khóc, mồ hôi toát đầm đìa, tim đập thình thịch …Điều này thường xẩy ra trong giai đoạn đầu của giấc ngủ, cơn hoảng sợ ban đêm và chứng mộng du có chung tính chất sinh lý bệnh và lâm sàng, thường bị ở lứa tuổi từ 4 – 12. Thông thường, tình trạng này hay xẩy ra khi trẻ đi du lịch dài ngày, nghỉ hè hay đến một chỗ xa lạ… và kết hợp với việc ít ngủ vào ban ngày. Vì thế chỉ cần ngủ đầy đủ, đúng giờ và chỗ ngủ ổn định là có thể giảm thiểu tình trạng này.
Các cơn ác mộng:
Thường xẩy ra sau một câu chuyện “rùng rợn, ma quái..” mà trẻ nghe trước khi ngủ, cũng có thể do một sự kiện “đáng sợ” vào ban ngày mà trẻ chứng kiến, hay do một bộ phim trên TV đưa đến. Đây không phải là một vấn đề nghiêm trọng, vì sau khi la khóc, cựa quậy trẻ sẽ ngủ lại. Nhưng nếu thường xuyên xẩy ra thì phải chăng đây là một trẻ quá nhạy cảm hay đã có một rắc rối nào trong mối quan hệ chăng ?
Các cơn ác mộng thường xảy ra vào giai đoạn cuối của giấc ngủ, trẻ có thể vẫn ngủ nhưng kêu ú ớ, giẫy dụa và khi tỉnh thức thì có thể nhớ một số chi tiết trong giấc mơ “kinh khủng” mà mình đã trải qua như bị bóp cổ, bị dìm xuống nước, bị chôn sống…
Điều này có thể xẩy ra với cả người lớn, mà ta thường gọi là “ bóng đè” khi đó ta có cảm giác hầu như không thể cựa quậy được, nhung chỉ cần có người lay nhẹ, hay chính bản thân cố gắng nhúc nhích một chút là có thể hết. Thông thường là do cơ thể mệt mỏi, hay có những buồn bực, căng thẳng ban ngày, hoặc có khi là do tư thế nằm không thích hợp… vì vậy, với trẻ em chỉ cần sự vỗ về, âu yếm là có thể ổn định trở lại. Trong trường hợp tái đi tái lại, mặc dù không có vần đề gì vào ban ngày, đó là một cơn kinh hãi ban đêm cần được quan tâm qua một cuộc thăm khám tâm lý.
Cơn động kinh ban đêm :
Thường xảy ra vào cuối giấc ngủ, trẻ sẽ kêu la với những cử chỉ hỗn loạn, trẻ có thể tiểu ra giường mặc dù bình thường không có tình trạng này. Việc đưa đến một bác sĩ tâm thần nhi là điều cần thiết để có thể được hướng dẫn dùng các loại thuốc chống động kinh .
Tại sao lại gọi là khóc dạ đề ?
Có nhiều trẻ sau vài tuần tuổi, cứ vào chập tối hay khi lên giường ngủ là bắt đầu khóc thấy thương ! Cha mẹ không sao dỗ cho nín được, nhưng sau khoảng 1 -2 giờ thì trẻ sẽ ngủ thiếp đi, có thể là do hết hơi ! Nhưng đến hôm sau lại tái diễn… Ta gọi đó là khóc Dạ đề (khóc về đêm !) và thường sau 3 tháng 10 ngày sẽ tự khỏi !
Nghiên cứu tiếng khóc của trẻ nhỏ, người ta phân biệt được những tiếng khóc khác nhau do các nguyên nhân như : Đói, đau, mệt, buồn chán, khó chịu hay đòi được chú ý. Còn khóc dạ đề có thể gọi là khóc để xả hơi sau một ngày phải tiếp nhận nhiều sự căng thẳng. Thường bắt đầu vào khỏang 3 tuần tuổi và kéo dài đến 12 tuần sau khi sinh và cơn khóc kéo dài độ vài giờ.
Trước kia người ta cho rằng trẻ khóc dạ đề vì đau và đã tìm mọi cách ngăn chặn bằng các lọai thuốc giảm đau, chống co thắt, song hầu như không có hiệu quả lắm. Bản thân các bà mẹ cũng thử áp dụng nhiều cách như : Bế con đi rong, cho bú, cho uống nước, xoa bóp , cho ngậm vú … nhưng hầu như cũng không có tác dụng gì.
Nhà tâm lý T.B Brazelton đã nghiên cứu phỏng vấn 80 bà mẹ về tình trạng trên thì thấy rằng, đó là một kiểu khóc có chu kỳ, không giống như khóc vì đói hay vì đau. Việc trẻ khóc có những dấu hiệu báo trước và sau khi khóc thì trẻ lại ngủ tốt hơn, lâu hơn !
Nhưng tại sao trẻ lại khóc trong độ tuổi này ? Đó là do vào thời điểm 3 tuần tuổi trở đi, các giác quan của trẻ đi vào họat động khá tích cực. Nhịp tim đáp ứng tốt hơn với các kích thích từ bên ngoài. Điện não đồ cũng cho thấy có một bước tiến triển, nhưng hệ thần kinh vẫn còn non nớt, chưa chế ngự được các kích thích quá tải, làm cho khoảng cách giữa thức và ngủ trong chu kỳ 6 trạng thái (ngủ sâu, ngủ nông, ngủ lơ mơ, tỉnh thức, tỉnh thức chú ý, tỉnh thức kích thích và kêu khóc) mỗi lúc một rút ngắn lại, khiến vào lúc chập tối trẻ phải xả hơi bằng sự kêu khóc! Sau đó trẻ sẽ ổn định nhưng hôm sau nếu tiếp tục bị ngoại cảnh tác động thì lại tiếp tục “khóc dạ đề“ nữa!
Hoạt động này giúp cho hệ thần kinh của trẻ trưởng thành dần và bố mẹ cũng học tập được cách ứng xử thích hợp, và thường thì sẽ kết thúc sau 12 tuần.Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ta cứ để cho trẻ khóc thoải mái, vì bố mẹ đâu có chịu nổi cảnh con mình la khóc như vậy! Vậy ta sẽ làm gì để giúp cho bố mẹ ?
Trước hết, hãy loại trừ các nguyên nhân như trẻ bị đau, đói khát, do ướt hay do khó chịu. Sau đó có thể làm dịu bớt bằng việc giảm những kích thích từ bên ngoài (giảm cường độ âm thanh, ánh sáng) bớt tập trung số người quanh trẻ, tìm cho trẻ một chỗ bám víu, một điểm tựa an toàn như trong lòng mẹ chẳng hạn, trẻ có thể mút tay, ngậm vú giả mặc dù có bố mẹ lại cho đó là mất vệ sinh! Bố mẹ đừng quá lo lắng hay hốt hoảng, bế trẻ lên, đặt xuống liên hồi, ôm trẻ quá chặt, bế trẻ đi đi lại lại … chỉ làm cho trẻ bị kích thích thêm và càng khóc to thêm ….
Như vậy khi trẻ con khóc dạ đề là một dấu hiệu cho thấy bé đã bị những tác động nhiều hơn khả năng tiếp thu vào ban ngày, vì vậy bố mẹ nên xem lại các hoạt động chăm sóc trẻ để có thể giảm bớt những tác nhân (ánh sáng, tiếng ồn, nhiều người tiếp xúc với trẻ).
Những nguyên nhân:
Ngoài những tác động về bệnh lý kể trên, tình trạng khó ngủ hay mất ngủ của trẻ thường do các nguyên nhân sau :
– Lịch ngủ không ổn định : Bữa thì bắt trẻ ngủ sớm, bữa thì lại cho ngủ trễ. Có khi đánh thức trẻ sớm, có lúc lại cho trẻ ngủ nướng “ khét lẹt” vào ngày Chủ nhật!
– Thời lượng ngủ quá ít : So với độ tuổi. Ơ trẻ sơ sinh phải được ngủ từ 16 – 20 giờ/ ngày. Trẻ từ 3 tuổi: 10 – 12g/ngày.
– Giấc ngủ bị gián đoạn : Do nhiều nguyên nhân như ánh sáng, tiếng ồn hay bố mẹ đi làm về khuya, buổi tối ăn quá no làm nặng bụng …
– Thiếu giấc ngủ ban ngày hay ngủ quá nhiều trên 2 giờ.
– Thời gian chuẩn bị ngủ kéo dài .
Thế nào là giấc ngủ ngon :
Để có được một giấc ngủ ngon cần có các yếu tố sau:
– Thời lượng : Phải đầy đủ, điều này lệ thuộc vào thể trạng của đứa trẻ, có trẻ ngủ nhiều, có em lại ít ngủ mà vẫn khỏe mạnh. Nhìn chung thì thời lượng này giảm dần theo độ tuổi của trẻ và bao gồm cả giấc ngủ ban ngày với giấc ngủ ban đêm.
– Có khả năng ngủ sâu: Giấc ngủ sâu là một giấc ngủ không bị gián đoạn, việc giấc ngủ bị gián đoạn nơi trẻ nhỏ là một điều tai hại và là một nguyên nhân chính dẫn đến những rối loạn về giấc ngủ.
– Có các giấc ngủ ngắn : Giấc ngủ ngắn là giấc ngủ ban ngày, là một yêu cầu rất quan trọng cho việc học hành, tập luyện và phát triển nhận thức cho trẻ. Nếu thiếu hụt giấc ngủ ngắn trẻ có thể trở nên kém chú ý, hiếu động, hay quấy khóc.
– Thời gian ngủ ổn định : Đây là điều quan trọng để giúp trẻ nhỏ hình thành và điểu chỉnh nhịp sinh học của cơ thể .
Cha mẹ sẽ làm gì để giúp trẻ ?
Nếu trẻ khó ngủ :
– Hãy tạo thói quen đi ngủ cho trẻ một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, đừng tỏ ra quan trọng, lo lắng hay sốt ruột.
– Hãy để cho trẻ có thời gian chuẩn bị trước khi ngủ, nếu trẻ lo lắng hay khóc lóc, đừng tỏ ra quan tâm ngay lập tức, mà phải để một lúc cho trẻ hiểu rằng không có gì nghiêm trọng cả, nhưng cũng đừng bỏ rơi trẻ luôn đấy.
– Tạo bầu khí yên lặng, để trẻ hiểu rằng ban đêm thì khác ban ngày.
– Tuy nhiên vẫn nên để trẻ nghe được những âm thanh bình thường trong nhà, tạo bầu khí thân thuộc.
– Để trẻ nằm ở nơi kín gió.
– Nếu trẻ sợ bóng tối, nên có một ngọn đèn ngủ nhỏ.
– Tắm nước nóng trước khi lên gường hay xoa bóp, gãi lưng nhẹ nhàng cho trẻ cũng là những biện pháp tốt.
Nếu trẻ hay dậy sớm :
– Đừng để ánh sáng lọt vào phòng ngủ của trẻ nhiều quá.
– Nên có một món đồ chơi, một vật quen thuộc như tấm mền, chiếc khăn bông trong tầm tay của trẻ, em sẽ tự chơi và chờ đợi mọi người cùng dậy.
– Nhu cầu giấc ngủ trẻ rất khác nhau, vì thế nếu trẻ ít ngủ nhưng vẫn khỏe mạnh thì cũng không nên lo lắng quá.
– Hãy để ý xem trẻ có ngủ nhiều vào ban ngày, hay giấc ngủ trưa có kéo dài không, nế thấy cần thiết thì có thể điều chỉnh lại.
– Nếu cha mẹ cùng ngủ với trẻ, khi dậy sớm trước trẻ, đừng gây tiếng động hay “lôi kéo” trẻ dậy cùng với mình.
Những vấn đề tâm lý liên quan đến giấc ngủ:
Tình trạng rối loạn giấc ngủ xảy ra cho trẻ em có những nguyên nhân và biểu hiện khác nhau tuỳ theo lứa tuổi của trẻ, với những trẻ sơ sinh từ tháng đầu cho đến tháng thứ ba thì việc mất ngủ chủ yếu là do hệ thần kinh còn non nớt, và có thể do những khó chịu về cảm giác như nóng, lạnh hay ẩm ướt. Việc vuốt ve, bồng ẵm, đung đưa với những lời hát ru nhẹ nhàng là những điều tốt nhất để đưa trẻ vào giấc ngủ.
Với những trẻ từ 3 – 6 tháng thì những tác động từ môi trường bên ngoài (tiếng ồn, ánh sáng) sẽ có những ảnh hưởng nhất định, ngoài ra việc quan tâm của bố mẹ, sự bồng ẵm nhiệt tình hay lơ là, việc cho trẻ ngủ riêng … cũng là những yếu tố tâm lý khiến cho trẻ có thể rơi vào tình trạng mất ngủ. Trong giai đoạn này, trẻ rất thích được chơi với bố me, nên có khi quên ngủ để được chơi, và với những món đồ chơi hấp dẫn cũng khiến cho trẻ bị kích thích.
Giai giai đoạn từ 6 – 12 tháng là một gia đoạn có nhiều biến chuyển lớn đối với trẻ, trẻ đã tập nói, tập đi và như vậy, trẻ mở rộng mối” quan hệ giao tiếp” của mình, vì thế trẻ sẽ tiếp nhận một khối lượng thông tin lớn, những thông tin này một mặt giúp trẻ tăng thêm sự nhận thức, nhưng cũng làm gia tăng tính “ chống đối” ở nơi trẻ. Trẻ cũng bắt đầu biết lo sợ về những điều sẽ xẩy ra cho mình, mẹ đi làm vắng nhà, phải ngủ riêng, gặp nhiều người lạ… những lo âu này có thể làm cho trẻ khó ngủ.
Có nhiều người đã bắt đầu một “ kế hoạch rèn luyện” cho trẻ khi các em bắt đầu vượt qua cái mốc một tuổi. Trước đây, các em hầu như thích ngủ là ngủ, thích ăn là ăn, bố mẹ mặc dù bận rộn hay không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận.
Còn bây giờ thì mọi thứ bắt đầu đổi khác, trẻ phải tuân thủ một số yêu cầu của người lớn, có những yêu cầu phù hợp nhưng cũng có những yêu cầu không phù hợp. Và có thể, một cuộc “ chiến tranh “ trên giường ngủ sẽ bắt đầu.
Cv.TL Lê Khanh