Một số thắc mắc về sự phát triển của trẻ
23/11/2013
Các chứng rối loạn cảm xúc
13/12/2013
Một số thắc mắc về sự phát triển của trẻ
23/11/2013
Các chứng rối loạn cảm xúc
13/12/2013

Con người khi đứng trước vũ trụ, chợt thấy rằng sao mình quá nhỏ bé. Thế nhưng không phải ai cũng biết rằng, bản thân chúng ta cũng là một tiểu vũ trụ với nhữnng bí ẩn không kém so với sự mênh mông huyền bí của thiên nhiên và bầu trời trước mắt.

Khẩu hiệu: “ Hãy tự biết mình” được coi là của Socrates (469-399 TCN) Triết gia Hy Lạp, được mệnh danh là bậc thầy về truy vấn. Nhưng thực ra đây là một phương ngôn mà người Ai Cập cổ đại đã đóng lên trước các cửa đền thờ của họ trước đó hàng ngàn năm rồi. Điều này cho thấy, ước muốn khám phá bản thân đã được quan tâm ngay từ thủa bình minh của lịch sử con người.

Cho đến nay, dù khoa học đã có những bước tiến vĩ đại, nhưng những bí ẩn chứa trong bộ não nhỏ bé của con người vẫn còn những ẩn dấu chưa khám phá ra hết. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần phải nhận ra ở chính mỗi con người chúng ta, là phải tìm hiểu và trả lời được 3 câu hỏi sau:

          Tính cách của tôi như thế nào ?

          Khả năng tốt nhất của tôi trong lĩnh vực gì ?

          Hạn chế lớn nhất của tôi là gì ?

Như vậy, ở đây chúng ta có 3 vấn đề cần phải quan tâm :

Tính cách của bản thân

Năng lực hay khả năng tri thức

Điểm yếu của năng lực và trí lực của chính mình

 

Về đại thể, thì chúng ta biết rằng, tính cách hay cá tính là những đặc điểm về nhận thức, về thái độ ứng xử và hành vi của mỗi một con người, nó mang tính độc nhất. Điều này cũng giống như vân tay hay giác mạc, dù trái đất có trên 7 tỷ người, nhưng không ai có vân tay, giác mạc hay tính cách hoàn toàn giống nhau, dù đó là anh em sinh đôi đi chăng nữa, thì cũng có một số điểm khác biệt.

Tuy nhiên, khác với tính cách là những đặc điểm có tính bẩm sinh : “ Cha mẹ sinh con – Trời sinh tính” và mang tính cá biệt, thì năng lực hay khả năng tri thức, sự hiểu biết của mỗi người trong chúng ta lại có được từ các biện pháp giáo dục, huấn luyện kéo dài từ khi con người được sinh ra cho đến khi không còn khả năng tiếp nhận các tri thức mới. Tuy nhiên, trong tiến trình tiếp nhận tri thức thì tính cách cũng có những ảnh hưởng nhất định, hay nói cách khác thì tri thức có thể tiếp nhận giống nhau trong cùng một môi trường giáo dục, nhưng do tính cách và do hàng loạt các yếu tố khác mà con người sẽ có khả năng hấp thụ khác nhau, và dĩ nhiên là khả năng vận dụng cũng sẽ khác nhau và tính cách cũng chịu ảnh hưởng phần nào những gì do giáo dục đem lại để có những biến chuyển “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” . Nhưng dù tiếp nhận như thế nào đi nữa, thì con người vẫn cần phải nhận ra được chính con người mình, để có thể phát triển đúng hướng, chứ không thể trở nên lệ thuộc vào môi trường xã hội hay giáo dục mà trở thành kẻ đánh mất bản sắc của chính mình.

 

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng :

Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ của nó: “Mẹ ơi! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế ? Thật mệt chết đi được!”.

“Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh” – Mẹ nói.
“Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không cần đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó ?”.

“Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy”.

“Nhưng em giun đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hóa được, tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó ?”.

“Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy”.

Ốc sên con bật khóc, nói: “Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng dất cũng chẳng che chở chúng ta”.

“Vì vậy mà chúng ta có cái bình! – Ốc sên mẹ an ủi con – Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta phải dựa vào chính bản thân chúng ta .

 

Đây chính là điều mà chúng ta sẽ cần làm rõ để có được một khả năng vô cùng quan trọng – Đó là nhận biết và hình thành được năng lực làm chủ bản thân.

 

KIẾN THỨC & TRI THỨC

Để hình thành năng lực, chúng ta phải có khả năng thu nạp những kiến thức và tri thức cho bản thân. Như vậy, điều quan trọng đầu tiên được đặt ra là chúng ta cần phân biệt được thế nào là tri thức và thế nào là kiến thức.

Nói một cách tổng quát thì kiến thức là tất cả những hiều biết của con người về bản thân và về thế giới bên ngoài.

Còn tri thức là những thông tin, tài liệu, các cơ sở lý luận, các kỹ năng khác nhau mà con người đạt được qua sự đào tạo. Như vậy, tri thức có một tầm hạn chế hơn kiến thức, và khả năng tiếp thu đòi hỏi con người phải có những khả năng cơ bản về đọc, viết, phân tích tổng hợp… và tất cả điều này phải trải qua một quá trình học tập bài bản.

Trong khi đó, kiến thức là những điều mà chúng ta tiếp nhận một cách tự nhiên, và tùy vào khả năng tiếp nhận của giác quan, của trí nhớ, của môi trường và các yếu tố chuyển tải mà chúng ta có thể tiếp nhận nhiều hay ít những kiến thức chung quanh mình. Vì thế, để có thể tiếp nhận được các kiến thức, thì chúng ta phải hiểu rõ về chính con người mình, từ những khả năng của giác quan, có người thì có khả năng quan sát tốt, có người ghi nhớ tốt, có người lại có khả năng trò chuyện, trình bầy tốt… Chúng ta cũng cần biết mình có sở thích gì, có năng khiếu gì không ? Tính cách của mình ra sao ? là một kẻ hướng nội hay hướng ngoại .v.v. Chính sự hiểu rõ chính mình sẽ giúp chúng ta có được một định hướng đúng đắn trong việc thu nạp những kiến thức cần thiết và quyết định đâu là những tri thức có ích cho sự phát triển của chúng ta.

Với những tiến bộ vượt bậc của mạng lưới thông tin toàn cầu ( Internet ) ta có thể tiếp cận và thu nạp một cách hầu như bất tận các kiến thức của thế giới xung quanh mình, nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta phải có khả năng chọn lọc và giới hạn, đâu là những kiến thức cần thiết và đâu là những kiến thức không cần thiết.

Có người cho rằng, não bộ con người cũng giống như một cái ổ cứng chứa dữ liệu của máy vi tính, về công năng thì có vẻ giống nhau, đều là nơi chất chứa các thông tin được mã hóa, nhưng nói về công dụng và sức chứa thì não bộ con người hơn hẳn bất cứ một ổ cứng có sức chứa lớn nhất mà ngành kỹ nghệ có thể làm ra cho đến thời điểm này.

Người ta đã thấy rằng, ngay cả những nhà bác học, hay thông thái bậc thầy cũng mới chỉ sử dụng khoản 1/10 khả năng ghi nhớ và vận hành của não bộ, hay nói cách khác, thì còn đến 9/10 não bộ là chưa sử dụng mà nếu nói một cách đúng đắn hơn là con người chưa khám phá được cái gì ở trong 9/10 của não bộ.

Điều này về mặt tâm lý, nhà phân tâm học nổi tiếng nhất là BS thần kinh Sigmund Freud (1856-1939) đã phân chia nhận thức của con người làm 3 khu vực : Là Ý thức, Tiềm thức và vô thức. Mà ở đây Vô thức được xem là cái 9/10 của não bộ chưa được khám phá ra. Vì thế, sẽ không có chuyện tiếp nhận nhiều kiến thức quá thì óc chúng ta hết chỗ chứa, nhưng sẽ có chuyện là nếu chúng ta cứ tiếp nhận một cách vô tổ chức hay quá nhiều thông tin thì chúng ta sẽ bị “chập mạch” và có khả năng mất kiểm soát về nhận thức.

May thay, điều đó cũng không dễ xảy ra vì não bộ hay khả năng nhận thức của chúng ta là có chọn lọc và có một cơ chế bảo vệ vô cùng quan trọng : Đó là cơ chế quên. Chúng ta thường cho rằng, quên là một điều hạn chế hay tệ hại của trí tuệ, nhưng thực ra đó chính là khả năng giúp ta chỉ nhớ những điều cần nhớ. Điều quan trọng là chính chúng ta phải có khả năng nhận ra, đâu là điều cần nhớ và đâu là điều nên …quên !

 

KỸ NĂNG MỀM

Như vậy, cho dù kiến thức trong thế giới xung quanh ta là hằng hà sa số, thì chúng ta cũng chỉ cần nhận biết và tiếp thu những điều hữu ích cho bản thân qua việc biết cách vận dụng một cách hiệu quả những kỹ năng cần thiết mà người ta gọi đó là những kỹ năng mềm.

Kỹ năng “mềm” (soft skills) là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, chọn lựa và quyết định… là những thứ thường không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn, không thể sờ nắm, không phải là kỹ năng riêng biệt phụ thuộc chủ yếu vào cá tính của từng người. Chính những kỹ năng này sẽ giúp chúng ta có khả năng làm chủ bản thân và phát triển những năng lực hầu đạt được những kết quả khả quan trong quá trình hoạt động trong môi trường sống của mình.

Tuy nhiên, sẽ hết sức nhầm lẫn nếu chúng ta xem những kỹ năng mềm này là những kiến thức mang tính lý thuyết mà ta có thể tìm thấy trong vô số các tác phẩm “học làm người” hay đơn giản hơn là trong hàng ngàn trang web, trang blog hay các diễn đàn trên mạng. Chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy những thông tin đại loại như kỹ năng giao tiếp là gì ? thế nào để có thể làm việc nhóm một cách hiệu quả .v.v.v Nhưng, tất cả những điều đó nếu chúng chỉ đọc để biết, đọc để đem vào các bài luận văn … mà không biết áp dụng một cách phù hợp với chính chúng ta thì tất cả những tri thức đó đều vô ích.

Nói cách khác, các kỹ năng mềm chỉ có thể hình thành khi chúng ta đem ra để áp dụng, từ những chuyện đơn giản như quyết định ăn sáng với thức ăn gì, cho đến những quyết định sẽ nói gì với người đối diện …hoặc quan trọng hơn là làm thế nào để thành công trong việc tạo được những mối quan hệ tốt trong nhóm làm việc của mình.

Vì thế việc học kỹ năng mềm trong các khóa đào tạo, chỉ nên xem đó là bước đầu tiếp nhận tri thức, và điều quan trọng là người học có thể đem các tri thức đó ra vận dụng vào trong môi trường sống tại gia đình hay tại nơi làm việc của mình hay không . Chính những bước tiếp theo trong quá trình vận dụng mới giúp ta rút ra được những kinh nghiệm, những nhận thức về những điều mà ta có thể làm được hay không làm được.



HỌC ĐỂ LÀM GÌ VÀ HỌC NHƯ THẾ NÀO

Nhận thức được tầm quan trọng của sự vận dụng tri thức, tổ chức UNESCO đã đưa ra mục đích học tập mà mỗi con người cần đạt đến : Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình.

Nhìn vào đây, chúng thấy rõ là hiện nay nền giáo dục tại nhà trường chỉ mới đạt đến mức độ tấp nhất trong điều mà chúng ta có thể gọi đó là thang giá trị của sự học là học để biết, và ngay cả những cái mà học sinh biết cũng còn nhiều điều chưa rõ ràng, và cũng còn nhiều cái biết rất lạc hậu, nhất là những kiến thức về khoa học. Trong khi đó, chỉ khi nào chúng ta có thể vận dụng được những điều đã học vào hành động, vào trong cuộc sống hàng ngày và đạt đến đỉnh cao nhất của tri thức, đó là biết tự khẳng định mình, thì điều đó mới có thể xem đó là một nền giáo dục hoàn thiện.

Chính vì để biết tự khẳng định mình, mà chúng ta cần phải biết vạch ra cho mình một định hướng học tập, một chiến lược học tập và một phương pháp học tập hiệu quả, thực tiễn và có tính khả thi.

Trong tác phẩm nổi tiếng: “Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên“, có một đoạn kể về Alice khi bị lạc vào xứ sở thần tiên, cô sợ hãi bỏ chạy, chạy mãi cho đến khi cô gặp 1 con mèo.

Alice bèn hỏi mèo: Tớ nên đi đường nào bây giờ? Con mèo trả lời: “Điều đó còn thuộc vào cậu muốn đi đến đâu nữa chứ? Alice đáp: tớ thật sự chẳng quan tâm lắm đến nơi mà mình muốn đến? Con mèo đáp: thế thì cậu cũng không nên quan tâm mình sẽ đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến nơi mà mình muốn đến thì đi đường nào mà chả được”.

Con mèo không phải chịu thua trong việc chỉ đường cho Alice, mà cả ngay những người thông thái nhất cũng đành lắc đầu khi phải chỉ đường cho người mà người đó chẳng biết đích đến của mình là nơi đâu?!

Sự lúng túng của Alice làm ta chợt giật mình: Vậy mục đích đến của cuộc đời mình là gì chứ?!! Trong cuộc sống này, một chừng mực nào đó chúng ta nên dành ít thời gian cho những câu hỏi như: Mình là ai? Mình sống để làm gì? cuộc đời mình sẽ đi đâu về đâu? Rốt cuộc là mình sẽ dành cuộc đời mình cho những chuyện gì và nó có đáng để mình quan tâm không?…

Trong cuộc sống hằng ngày, có bao giờ bạn bước chân ra khỏi nhà mà không hề nghĩ đến việc sẽ đi đến đâu không ? Có lẽ bạn sẽ cười và tự nhủ : Đi mà không biết đi đâu thì làm sao mà đi ! Nhưng rõ ràng là trong một hoạt động quan trọng hơn nhiều, quyết định sự thành đạt cho bản thân bản đó là định hướng hay xác định mục tiêu cho việc học của mình thì rất nhiều bạn lại đang thả nổi !

Có thể trong việc học ở cấp Một ( tiểu học) cấp II ( Trung học cơ sở ) và thậm chí là cả cấp III (trung học phổ thông) bạn vẫn chưa thể xác định cho mục tiêu học tập của mình, đi học chỉ là để học bài, làm bài để có được các con số “đẹp” trong sổ liên lạc và để cuối năm được lên lớp.

Thế nhưng, nếu không xác định được phương hướng học tập thì sau khi tốt nghiệp cấp III, bạn sẽ vô cùng hoang mang trước các cổng trường Đại học, Cao đẳng và đến đây, thì chúng ta lại để cho dư luận, cho cha mẹ, người thân, thậm chí là bạn bè định hướng dùm mình, và chắc không thiếu các bạn trẻ sau khi đã bước chân vào ngưỡng của của một ngành học nào đó nơi giảng đường, đã ngỡ ngàng mà nhận ra rằng mình đã có sự định hướng sai lầm.

ĐỊNH HƯỚNG CUỘC ĐỜI

Như thế, bạn đã nhận ra tầm quan trọng của việc định hướng cho cuộc đời của chính mình, nó không những giúp bạn không tốn thì giờ vào việc học hỏi, tìm kiếm những kiến thức, tri thức không cần thiết ( mà điều đó lại rất nhiều ) mà còn giúp ta có được một thái độ mang tính chuyên nghiệp trong tiến trình ba bước :

Xác định mục tiêu cho cuộc sống – Xây dựng sự tự tin cho bản thân – có những suy nghĩ và hành động một cách tích cực.

Chúng ta không định hướng cuộc đời mình bằng những trang quảng cáo của các cơ sở giáo dục, cũng không định hướng bằng những lời tư vấn bay bổng, thiếu thực tế và cũng không định hướng bằng việc chạy theo các thần tượng mà không biết ngay ngay chính họ cũng đã phải trải qua bao nhiêu khó khăn mới có thể trở nên những ánh hào quang trong lĩnh vực của mình.

Chúng ta định hướng bằng chính sự trải nghiệm của bản thân, của những hiều biết một cách rõ ráng và khách quan về những sở thích, nhu cầu và năng lực của chính mình, bằng việc tìm kiếm và sử dụng các biện pháp đánh giá bản thân một cách khoa học và thực tế.

Hãy là chính mình, không chỉ là một khẩu hiệu mà nó là một hành động và là một hành động không bao giờ quá sớm hay quá muộn, miễn là điều đó được đưa vào hành động ngay từ bây giờ với chính bạn.

Chúc thành công

CvTl. LÊ KHANH

Giám đốc chuyên môn TT Rồng Việt Vũng Tàu

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý