Làm gì khi con suy sụp tinh thần khi biết được điểm thi
19/07/2017Có nên thuê con làm việc nhà ?
11/08/2017TTCT- Trẻ em ngày càng có ít cơ hội tiếp cận nghệ thuật ở trường học và tại nhà – điều này sẽ để lại những hậu quả lâu dài.
“Ik ben ik” (Tôi là tôi) – là chủ đề lớp học khi con trai tôi bắt đầu đi học mẫu giáo tại Hà Lan cách đây hai năm. Nó đã vẽ chân dung mình, với chỉ hàm răng dưới và ba sợi tóc trên đầu. “Tóc khó vẽ lắm” – sau đó nó kể với tôi.
Nó cũng miêu tả cuộc sống gia đình: ngôi nhà nhấp nhô và nằm nghiêng bên bờ kênh, cha nó và tôi đứng bên cạnh một con mèo không phải của chúng tôi, em gái đứng bên cạnh nó, trong khi chị gái – kẻ thù của nó lúc đó – lại không có mặt.
Đó là vài nét thực tế đầu tiên chúng tôi có được về những trải nghiệm và sự ý thức về bản thân của con trai mình, vừa sâu sắc, vừa thú vị.
Các tác phẩm nghệ thuật của ba đứa nhóc giăng khắp nhà. Chẳng hạn, chân dung của bé gái thứ hai với mái tóc đỏ thẫm vẽ bằng những nét sọc rộng, cùng con mắt thứ ba mà nó coi là mắt thần, được đóng khung và treo ngay ngắn trong phòng khách; hay bức tường phòng ngủ của cậu con trai thể hiện phác họa hình một chú hươu cao cổ.
Chúng thích thú với việc chia sẻ những gì chúng không viết ra được qua những nét vẽ nguệch ngoạc.
Một tỏ bày bản thân quan trọng
Nhiều bằng chứng cho thấy hội họa có những lợi ích phát triển đáng kể cho trẻ nhỏ. Hội họa tạo cho chúng không gian để diễn đạt những điều chúng nghĩ, qua đó, trẻ có thể phóng đại những gì quan trọng với bản thân, hoặc thể hiện những ý tưởng chúng không thể diễn tả được bằng lời.
Thông qua nghệ thuật, trẻ nhỏ bộc lộ và mô tả các quan điểm của mình về bản thân, về thế giới và vị trí của chúng trong đó.
Vai trò của hội họa trong việc tăng cường phát triển cho trẻ thời thơ ấu đã được ghi nhận kể từ khi giáo dục nghệ thuật bắt đầu trở thành một phần của chương trình giảng dạy tại các trường công lập ở các bang nước Mỹ vào năm 1870.
Một nghiên cứu trên diện rộng cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa những nét vẽ nguệch ngoạc của trẻ mầm non với giai đoạn khởi đầu học đọc và ngôn ngữ viết của chúng.
Theo một phân tích của các giáo sư Susan Steffani và Paula M. Selvester của Trường đại học California State, Chico, hội họa cũng tạo tiền đề cho những thành công của trẻ trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả việc lĩnh hội và suy luận về toán học.
Nhìn chung, việc được tiếp xúc với nghệ thuật trong trường học đem lại lợi ích lâu dài về học tập và xã hội cho trẻ em, đặc biệt đối với những trẻ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Một nghiên cứu về nghệ thuật năm 2012 của Quỹ tài trợ nghệ thuật quốc gia (National Endowment for the Arts) tại Mỹ cho thấy những học sinh thuộc gia đình thu nhập thấp học lớp 8 được tiếp xúc nhiều với nghệ thuật có nhiều khả năng đạt điểm cao và vào đại học hơn những bạn bè ít được tiếp xúc.
Nhưng theo một nghiên cứu mới được các thanh tra trường học Hà Lan tiến hành tại chính nước này, khoảng thời gian trẻ em dành cho việc vẽ bằng tay ở trong và ngoài trường đang liên tục giảm dần.
Nghiên cứu cũng cho thấy các tác phẩm nghệ thuật của trẻ đã giảm đáng kể về cả chất lượng và mức độ phức tạp kể từ một nghiên cứu tương tự được thực hiện cách đây 20 năm.
Dự án này, tập trung vào trẻ từ 11 – 12 tuổi, xác định các xu hướng tương tự với những trẻ ở Mỹ, nhằm tìm hiểu kỹ hơn về hiệu quả của giáo dục nghệ thuật, bao gồm không chỉ hội họa mà còn cả âm nhạc, sân khấu và khiêu vũ.
Trong hai lĩnh vực nhạc – họa, người thực hiện nghiên cứu nhận thấy sự suy giảm chất lượng trong các tác phẩm của học sinh.
Xu hướng này có thể mang lại những hậu quả lớn hơn đối với sự thành công của các học sinh trong tương lai, bởi theo tạp chí trực tuyến The Conversation, “hội họa có thể được kết hợp với việc học bằng nhiều cách như tương tác hình ảnh, tư duy phản biện, tổ chức và trình bày thông tin và phương thức giao tiếp khác giúp vượt qua những rào cản về ngôn ngữ”.
Là một phần của nghiên cứu tại Hà Lan, các học sinh được giao hai bài tập vẽ và được đánh giá về khả năng phát triển và kết hợp các ý tưởng, thực nghiệm và nỗ lực thuyết trình theo chặng.
Các bức tranh cho thấy ít có sự gắn kết (nghĩa là các sự vật bị tách rời chứ không liên quan với nhau) và ít chi tiết hơn so với những gì các học sinh đã thể hiện trong nghiên cứu được tiến hành 20 năm trước đây.
Theo các nhà nghiên cứu, nhiều thay đổi đã tác động tới các kết quả này. Tương tự số liệu của Mỹ, số giờ giáo dục nghệ thuật ở các trường tiểu học tại Hà Lan đã giảm và ngày càng có ít giáo viên chuyên dạy nghệ thuật hơn.
Theo phát thanh viên Đài RTL của Hà Lan, việc chuẩn bị giáo viên chuyên dạy nghệ thuật không phải là “ưu tiên tại các trường sư phạm”.
Công nghệ được chào đón, nghệ thuật bị tranh chỗ
Nhưng những biến đổi xã hội và tiến bộ kỹ thuật cũng là những yếu tố ảnh hưởng, ông Rafael Van Crimpen – giám đốc Học viện Breitner (Amsterdam) – phát biểu với dutchnews.nl rằng ngày nay, các trường học đang chào đón công nghệ số thay cho nghệ thuật và sáng tạo.
“Trẻ em sẽ vẽ tốt hơn nếu chúng có nhiều thời gian cho việc đó – Van Crimpen nói – Giáo dục đang thay đổi theo thời gian và điều này được phản ánh trong các bức vẽ của chúng.
Và tất nhiên, kỹ thuật số hóa có tác động”. Cũng có thể thấy rõ những xu hướng này ở Mỹ với nhiều lớp học thậm chí dựa vào công nghệ để dạy nghệ thuật.
Folkert Haanstra – giáo sư giảng dạy nghệ thuật, một trong những cố vấn trong nghiên cứu tại Hà Lan – cho biết tác động của việc số hóa thể hiện rõ nhất ở bên ngoài lớp học, nơi trẻ em dành nhiều thời gian cho công nghệ hơn là hội họa, do đó chúng ít được thực hành hơn.
Ông nói: “Hơn nữa, chất lượng hình ảnh kỹ thuật số được tạo ra trên các thiết bị điện tử có lẽ đáp ứng tốt hơn và chuyên nghiệp hơn so với các bản vẽ tay”.
Việc ưu ái công nghệ như một phương tiện học tập nói chung cũng làm giảm tầm quan trọng của nghệ thuật thủ công.
Theo các nhà nghiên cứu Shirley Brice Heath và Elisabeth Soep: “Khi nhà trường giảm ngân sách và các cơ hội việc làm đòi hỏi kiến thức về công nghệ và các kỹ năng liên quan, nghệ thuật dễ trở thành môn học tự chọn hoặc bị loại bỏ”.
Brice Heath, nhà nhân loại học chuyên về ngôn ngữ và Soep, một chuyên gia về đàm luận của giới trẻ và nền văn hóa truyền thông kỹ thuật số, cho rằng nghệ thuật thậm chí còn dễ bị cắt giảm hơn các chương trình không phải là môn học.
Nghịch lý là môn nghệ thuật thử thách học sinh thông qua việc kiểm tra giới hạn khả năng tưởng tượng và sáng tạo một cách toàn diện hơn so với các hoạt động được bảo vệ khác.
“Tất cả các học sinh tập vẽ, đặc biệt học sinh nhỏ tuổi, phải đối mặt với những rủi ro đa dạng hơn so với học sinh tham gia những hoạt động khác, như bóng rổ hoặc hội đồng học sinh trường học – hai chương trình ít người nghi ngờ hoặc đánh giá thấp”.
Ý kiến “nghệ thuật là một môn học được ưu tiên thấp hơn trong trường học” không phải là mới. Năm 1993, New York Times đã đưa tin việc cắt giảm ngân sách trong các trường học đặt nghệ thuật vào tình thế nguy hiểm, và hậu quả này quá dễ dàng được coi là phải chấp nhận.
Cũng theo New York Times, “giáo dục nghệ thuật, từ lâu bị chối bỏ như một môn phụ, đang dần biến mất khỏi cuộc sống của học sinh – đặc biệt là các học sinh đô thị nghèo.
Mặc dù các nghệ sĩ cũng như các nhà giáo dục tranh luận rằng trẻ em không được học nghệ thuật cũng kém cỏi như những đứa trẻ không học toán, ý kiến của họ vẫn không hề được lưu tâm trong khi các trường học vẫn phải đấu tranh với việc cắt giảm ngân sách”.
Các chương trình nghệ thuật trong và ngoài trường học liên tục có nguy cơ bị cắt giảm. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos thậm chí còn đề xuất giảm ngân sách giáo dục liên bang thêm 9 tỉ USD, trong đó cắt giảm chương trình giáo dục nghệ thuật 27 triệu đôla.
Trong khi việc ưu tiên cho nghệ thuật trong các trường công giảm đi và sự tương tác kỹ thuật số thế chỗ cho thời gian học vẽ của học sinh, tác động có thể sâu sắc hơn chúng ta nghĩ.
Như W. G. Whitford đã viết trong bài “Lược sử về giáo dục nghệ thuật ở Hoa Kỳ” năm 1923: “Không có nghệ thuật sẽ để lại một sự thiếu sót không gì có thể thay thế.
Thông qua mối tương quan và hợp tác hiệu quả, tác phẩm nghệ thuật trở thành sự trợ giúp, một sự kết nối giữa tất cả các môn học và làm cho mọi bài tập tại trường trở nên thú vị và có giá trị hơn”.
(Zac Herman chuyển ngữ từ The Atlantic)
Nguồn : Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 23/7/2017