Các bác sĩ Thần kinh & Chuyên viên Tâm Lý nổi tiếng tại TP.HCM
01/06/2018Đưa con vào khóa tu mùa hè, cha mẹ cần nhớ điều này
15/06/2018Trong việc tổ chức và quản lý gia đình, người cha hầu như được mặc định cho việc ra ngoài kiếm tiền mang về nhà, xây dựng cái “đại cục”, còn người mẹ lo việc chăm sóc con cái và tề gia nội trợ. Cho dù trong xã hội ngày nay thì người phụ nữ đã có một vị trí không thể thiếu trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành giáo dục, quý bà đã có những vị trí từ cao đến thấp, từ lãnh đạo đến điều hành, giảng dạy và chăm sóc trẻ từ mẫu giáo cho đến hết cấp tiểu học mới thấy bóng dáng của các thầy.
Nhưng không phải vì thế mà quý bà được “nhẹ gánh gia đình” ngoài những giờ lăn xả trong công việc thì khi về nhà người vợ, người mẹ vẫn hai tay hai kiếm, vừa chăm sóc, dạy dỗ từ đứa 3 tuổi đến “đứa 30 tuổi”, vừa lo quản lý tiền bạc, vừa lo nồi niêu xoong chảo đảm bảo các bữa cơm trong nhà. Chính vì đa năng như thế và nhất là vì thiên chức làm mẹ, mà trong lĩnh vực chăm sóc giáo dục trẻ đặc biệt, một môi trường “ khắc nghiệt” đầy mồ hôi và nước mắt, thì hầu như hoạt động chăm sóc, can thiệp cho con, người cha lại càng có một vai trò “ không thể biết” của tay điệp viên Không không thấy !
Tuy nhiên, điều quan trọng trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, đứa trẻ VIP không chỉ cần được đưa đến trường hay trung tâm nhằm tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng, để biết đọc, biết viết, biết nhận thức và để có thể “nên người” như các bạn bình thường . Với các trẻ bình thường thì chỉ cần một lớp học, một giáo viên làm đúng trách nhiệm của mình với các chương trình giáo dục có sẵn trong các sách giáo khoa. Còn anh bạn VIP của chúng ta không chỉ cần bao nhiêu đó, hay đúng hơn là chưa cần thiết lắm. Cái mà anh ta cần là những kỹ năng sống căn bản nhất của con người. Các kỹ năng sống này, có thể nói không một cơ sở giáo dục ngoài gia đình nào có thể đáp ứng một cách đầy đủ và hiệu quả ! Kể cả một số trường bán trú hay nội trú “hoành tráng và nổi tiếng” trong lĩnh vực GDĐB.
Có những điều một đứa trẻ bình thường có thể tiếp thu một cách nhẹ nhàng, có khi bố mẹ không cần chỉ bảo, thầy cô không cần tác động, bé vẫn có thể hoàn thiện trong một thời gian ngắn nhờ các kỹ năng quan sát, ghi nhớ, liên tưởng, hình dung và ..bắt chước ! Trẻ còn có khả năng tưởng tượng, thích nghi, tương tác …tùy theo mức độ nhận biết và trí thông minh của mình. Trẻ có thể trở nên ngoan ngoãn hay hỗn láo, chăm chỉ hay lười biếng là do những tác động đôi khi rất vô tình của bố mẹ và qua sự quan sát hành vi ngôn ngữ của những người lớn chung quanh. Nhưng tất cả những điều đó, những kỹ năng không cần dạy mà vẫn thấm với trẻ bình thường đó, lại là một thách thức không hề nhẹ với các bạn VIP nhà ta ! Tất cả các kỹ năng đó đều phải dạy, tác động, can thiệp liên tục, dạy bài bản, dạy sôi nước mắt, dạy toát mồ hôi, trầy vi tróc vẩy thì bạn mới có thể biết …sơ sơ !
Giáo viên nào có thể giúp trẻ “ phát triển ngôn ngữ – cải thiện hành vi” sau vài tháng can thiệp? Chuyên gia nào có thể giúp trẻ biết giao tiếp một cách chủ động, có nhận thức, có chừng mực và phù hợp ngữ cảnh trong vài buổi “ trị liệu” hàng tuần ? Có chăng là những phản xạ có điều kiện , lặp đi lặp lại với những khen thưởng và trừng phạt, để trẻ có thể “ nói được” “ làm được” có thể “biết đọc, biết viết, biết dạ thưa” theo mệnh lệnh. Có thể với các bé có tình trạng nhẹ, thì trẻ sẽ tiến bộ khá nhanh, đặc biệt là về ngôn ngữ – hành vi. Nhưng với những trẻ nặng hơn, hay có những rối loạn đặc thù nào đó về giác quan, vận động và tư duy thì có thể nói là “ may thầy – phước chủ” hoặc botay.com.
Nhưng vượt lên tất cả, những bà mẹ “thép” đã có thể biến sỏi đá thành cơm – đã có thể biến những đứa trẻ ngu ngơ thành những anh bạn biết chào hỏi, gửi thưa … Đó là một thử thách không đơn giản. Thế nhưng, không phải bà mẹ nào cũng thành công và nếu hỏi lại thì trong hầu hết các trường hợp trẻ có tiến bộ là nhờ có sự tham gia của các ông bố. Có thể nói không ngoa, nếu không có sự tiếp sức của các ông bố, không phải chỉ là sự chia sẻ trong việc dạy con mà hình ảnh cương quyết, mạnh mẽ, tự tin của một người đàn ông, đã khơi dậy trong trẻ là những âm hưởng của các tố chất đó. Trẻ sẽ được “nam hóa” nhờ những giờ phút tiếp xúc với người bố trong một môi trường giáo dục đa phần là phái nữ – có lẽ chỉ trừ bác bảo vệ , nếu có ! Có thể nói rằng – Nếu trẻ được chăm sóc bởi người mẹ và được chơi đùa với người cha – thì trẻ chắc chắn sẽ tiến bộ không nhiều thì ít nhờ hoạt động “song kiếm hợp bích” đó.
Chúng ta đã biết rằng, trong những gia đình đơn thân, chỉ có bố hoặc mẹ thì việc dạy dỗ con cái trở nên khó khăn bội phần, nhiều trẻ đã trở nên ông vua độc tài mà thần dân không ai khác là bà mẹ hay ông bố tội nghiệp. Còn trong các gia đình VIP. Có khi vẫn còn đủ cả hai – nhưng thái độ không chấp nhận sự thật hay sự thất vọng về đứa con đặc biệt của mình, đã “ lấy đi”người bố một cách vô thức ! Ông vẫn có đó, vẫn chăm sóc gia đình tử tế, vẫn “nộp phí” cho các trạm “ thu giá” một cách đầy đủ, không biểu tình phản đối gì hết. Nhưng ông trở nên “vô hình” trước mặt con ! Ông không có phản ứng, thái độ gì cả với tất cả những gì mà bà mẹ đã bỏ công “ khuân về”, từ các dụng cụ “Tâm vận động” cho đến các kiến thức kỹ năng mà bà đã học được từ các chuyên gia ! ( hầu như trong các khóa huấn luyện PH thì các bà cũng chiếm một tỷ lệ đôi khi là tuyệt đối ) Có khi không phải là ông vô trách nhiệm, vô tâm đâu mà là ông không chịu nổi khi phải đối diện với đứa con VIP – Tay sát thủ đầu mưng mủ đã hủy diệt trong ông bao nhiêu là hy vọng, là ước mơ, là hoài bão về một khát vọng thầm kín “ con hơn cha là nhà có phúc” . Ông có thể khổ sở, lam lũ bao nhiêu cũng được mà, để có được một đứa con học giỏi, thông minh, lớn lên và thành đạt. Nhưng với một VIP, thì ông không biết phải làm sao ? Phải ước mơ gì ở một đứa con “ ăn không nên đọi, nói không nên lời” . Vì thế, hãy giúp ông “ tìm lại chính mình” khi có thể góp phần, góp công góp sức vào công việc “dựng lại..người” cho đứa con, bằng tất cả thế mạnh của phái mạnh ! Các bà mẹ “thép” là vô cùng đáng quý, nhưng nếu biết cách giúp các ông bố cùng tham gia trong việc dạy con thì mới là điều cực kỳ đáng tôn trọng ! Ông không chỉ cần có lòng yêu thương mà ông còn phải được hỗ trợ để vượt qua một điều mà không phải ai cũng có thể vượt qua được ! Đó là sĩ diện, đó là danh dự, đó là tất cả lòng tự hào về một đứa con. Nhưng, nếu ông có thể cùng con chơi đùa, có thể cùng con tập nói, cùng con tham gia các hoạt động phát triển kỹ năng trong gia đình, thì ông sẽ có được một niềm hạnh phúc không hề nhẹ, khi trẻ có thể chạy đến ôm ông, hôn ông và nói lên những câu đầy sự yêu thương mà chưa chắc một đứa con bình thường có thể thốt nên lời.
Tôi có một đứa cháu VIP ở bên Mỹ, khi bé 11 tuổi, dù chưa có ngôn ngữ nhưng mẹ đã tập cho bé có được một trong những công việc quan trọng nhất trong ngày, mà trẻ không bao giờ quên, đó là biết xới cơm, canh, thức ăn vào cái cặp lồng để xếp tất cả “yêu thương” của mình vào túi cha, để cha đi làm theo ca từ trưa đến tối có bữa ăn chiều. Một công việc dễ dàng nhưng không hề đơn giản với một đứa trẻ VIP! Chính điều đó là trái ngọt mà người cha có được khi biết quan tâm đến con, để “ có mặt” trong hành trình nuôi dạy con hơn 11 năm dài. Cho đến nay, “ bé” đã là một cậu con trai 20 tuổi dù chưa có nhiều ngôn ngữ – nhưng cả bố mẹ đều chấp nhận và hài lòng về con mình.
Xin gửi đến các ông bố VIP, một sự kính trọng về những gì quý ngài đã có thể làm cho con, khi không quên đứa con VIP của mình và sẽ cùng đồng hành, đồng trải nghiệm để có những thành công và thất bại trong hành trình dài thăm thẳm mà ông sẽ với người vợ của mình nắm tay con cùng tiến đến tương lai.
CVTL Lê Khanh
GĐ Cty GD KidsTime Bình Thạnh