Cận cảnh nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới
01/02/2012Giúp Học sinh đối phó cơn giận
05/02/2012Trước hết nói về các tiêu chuẩn về phạm vi thể lực,( chuẩn 1 – 6) ngoài những tiêu chuẩn mà trẻ có thể thực hiện được, cũng có những tiêu chuẩn có lẽ là dành cho việc đào tạo…vận động viên.
Vì trước khi đạt được những yêu cầu như chạy 18 m trong 5 giây, và chạy liên tục 150m thì trẻ phải được kiểm tra đầy đủ về sức khoẻ, là một điều không phải gia đình nào cũng có thể làm được. Nhưng nếu không thì có thể đưa đến nguy hiểm cho các em có những chứng bệnh tim bẩm sinh, hen phế quản, viêm phế quản mãn, giãn phế quản, trẻ bị dị dạng lồng ngực, bệnh về nội tiết, trẻ bị dị tật tay chân… với những trẻ này thì các em vẫn có thể theo học lớp Một bình thường nhưng chắc chắn không thể đáp ứng các yêu cầu nói trên về lĩnh vực sức khoẻ.
Ngoài ra những tiêu chuẩn như nhảy từ độ cao 40cm là khá nguy hiểm với trẻ, ngay cả với các vận động viên cũng cần phải có những bước chuẩn bị trước khi thực hiện yêu cầu này. Điều này cho thấy là các yêu cầu này chưa thực sự phù hợp.
Với những tiêu chuẩn trong mục Hiểu biết và thực hành chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng (chuẩn 4) thì có một số điều liên quan đến nhận thức và cách ứng xử, và là một quá trình cần phải học hỏi lâu dài mới có thể đạt được chứ trẻ 5 tuổi làm sao có thể có được ý thức về sự có hại của thuốc lá và có khả năng thể hiện sự không đồng tình với người hút thuốc lá khi mà điều đó vẫn còn là một điều rất bình thường ở những nơi công cộng !
Đối với các tiêu chuẩn về phát triển tình cảm và quan hệ xã hội ( chuẩn 7 – 12 ) đều là những điều mà hầu hết các nhà giáo dục và phụ huynh mong muốn con mình đạt được, nhưng đạt được bằng cách nào và ai sẽ là người giúp cho trẻ đạt được điều này thì vẫn còn là một ẩn số Nói cách khác, đây là những giá trị sống và kỹ năng sống mà một đứa bé 4, 5 tuổi không thể trong một cấp học Mẫu giáo ( 4 tuổi ) có thể đạt được, khi mà trẻ còn rất nhiều điều phải học tập về kiến thức để có thể bước vào lớp Một .
Tất cả những yếu tố trên đều rất cần thiết cho một nhân cách, nhưng đó phải là một tiến trình giáo dục về các giá trị sống và kỹ năng sống trong một thời gian dài sau khi đã bước vào lớp Một, hơn nữa điều này còn tuỳ thuộc rất nhiều vào môi trường xã hội và gia đình của trẻ. Đây là một lĩnh vực còn rất yếu và rất thiếu cho trẻ em hiện nay. Đặc biệt là các chuẩn 9, 10 và chuẩn 11, đó là điều mà ngay cả những người lớn còn rất nhiều người chưa đạt được vì nó thuộc về phạm vi sở thích – chúng ta không thể buộc một đứa trẻ phải biết quan tâm, thích thú đối với các hiện tượng trong thiên nhiên hay thích chăm sóc cây cối, con vật thân thuộc, đó là điều mà chúng ta chỉ có thể khuyến khích các em! Chúng ta lại càng không thể đòi hỏi một đứa trẻ 5 tuổi có khả năng giải quyết mâu thuẫn bằng nhiều biện pháp khác nhau, một điều mà ngay cả một người lớn khôn ngoan cũng có lúc phải…bó tay ! Rõ ràng là với những yêu cầu trên thì ngay cả bố mẹ các em cũng khó mà thực hiện và nếu không có được những điều thuận lợi trong giao tiếp và ứng xử mà đòi hỏi trẻ 5 tuổi những chuẩn mực này thì quả là một điều …không tưởng !
Về các tiêu chuẩn trong lĩnh vực phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, ( chuẩn 14 – 19) Thì lại tuỳ thuộc vào năng lực phát triển, khả năng trí tuệ của đứa trẻ và chắc chắn là có rất nhiều trẻ và ngay cả người lớn cũng có những yêu cầu không thể đạt được. Như đối với yêu cầu nghe hiểu các câu chuyện, thơ, đồng dao hay kể lại một câu chuyện theo đúng trình tự thì quả thực đây không phải là yêu cầu dành cho trẻ 5 tuổi, mà là yêu cầu dành cho các em học sinh cấp III vì có thể nói, nếu không được học và có một trí nhớ tốt thì ngay cả một em HS cấp III cũng khó mà có thể giải thích một cách mạch lạc ý nghĩa của một số câu thơ, câu đồng dao ca dao dành trẻ em, và việc kể lại một câu chuyện đồng nghĩa với việc học thuộc lòng hay học vẹt !
Trong lĩnh vực nhận thức và sẵn sàng với việc học ( Chuẩn 20 – 28) thì có thể nói, mức độ mà nhiều yếu tố trong lĩnh vực này đòi hỏi như trong lĩnh vực nghệ thuật đã thuộc vào một sự áp đặt phi lý nhất trong mọi sự áp đặt, đó là sự áp đặt về khả năng cảm thụ nghệ thuật ! Đứng trước cái đẹp, mỗi một người đều có quyền thể hiện sự cảm nhận khác nhau, ngay cả với những cái đẹp hiển nhiên ta vẫn có thể có những cảm thụ khác nhau. Buộc trẻ phải biết thể hiển cảm xúc trước những vẻ đẹp của thiên nhiên và của các tác phẩm tạo hình là một điều không ai có thể làm được trừ khi đứa trẻ được yêu cầu phải làm như vậy, đó là một khả năng…đóng kịch mà khi làm điều đó, chúng ta đã tước bỏ ở đứa trẻ điều quý giá nhất mà không một ai có quyền lấy : Đó là sự ngây thơ của trẻ em.
Với chuẩn sáng tạo cũng thế, chúng ta giáo dục và khuyến khích trẻ phát huy khả năng sáng tạo chứ không buộc trẻ phải có khả năng sáng tạo, chúng ta có thể tập cho trẻ vẽ, tập cho trẻ hát nhưng không thể buộc trẻ phải trở thành một hoạ sĩ hay nhạc sĩ với khả năng sáng tạo phong phú. Còn ngược lại, với những yêu cầu như trẻ phải thể hiện được cái mới, độc đáo trong trò chơi hay trong việc tạo hình, âm nhạc thì cũng chỉ nên xem đó là sự mong muốn mà thôi.
Qua 28 chuẩn đặt ra, chúng ta thấy rõ là các nhà giáo dục VN trong Bộ GD đã đi quá mức với một điều mong muốn hoang tưởng và một trí tưởng tượng phong phú khi xây dựng bộ chuẩn cho trẻ 5 tuổi này, và rõ ràng từ những mong muốn và tưởng tượng này, để đưa bộ chuẩn này vào hiện thực là một tiến trình của một đề án nằm trong lĩnh vực …khoa học viễn tưởng !
Khi so sánh hai bộ chuẩn dành cho trẻ 5 tuổi, một của VN và một của ngành giáo dục tiểu bang California Hoa Kỳ, chúng ta thấy rằng ngành giáo dục Việt Nam đã đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn bao gồm toàn bộ sự phát triển của trẻ về mọi lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực mang tính đặc thù cá nhân, hoàn toàn tuỳ thuộc vào tính cách và sở thích của một con người không nằm trong trách nhiệm và quyền hạn của ngành!
Ngay cả với những lĩnh vực liên quan đến yếu tố thể lực cũng là một điều nằm ngoài phạm vi cho phép, vì điều đó tuỳ thuộc vào bản thân trẻ, khả năng nuôi nấng trẻ của gia đình và khu vực địa lý giữa trẻ thành phố với trẻ nông thôn. Chuẩn giáo dục là để có những định mức về dạy trẻ dành cho nhà trường chứ không phải là chuẩn đưa ra để buộc bố mẹ phải nuôi con đạt được các định mức về phát triển từ thể lực đến nhận thức và cả sở thích như thế nào !
Với những yêu cầu về sự cảm nhận thẩm mỹ lại càng cho thấy sự áp đặt một cách quá đáng vào một phạm trù mang tính cá nhân, việc một con người có xúc động trước vẻ đẹp của thiên nhiên hay của các sản phẩm tạo hình hay không, điều đó không một nền văn hoá nào có quyền áp đặt trên con người. Thích hay không thích là hoàn toàn tuỳ thuộc vào những yếu tố mang bản sắc của từng người. Chúng ta có thể buộc đứa trẻ phải đóng kịch khi gật gù trước vẻ đẹp của thiên nhiên hay cảm nhận cái đẹp theo khuôn mẫu mà nhà trường đưa ra, nhưng điều đó không những không giúp gì cho sự phát triển về mỹ học, mà còn làm thui chột đi sức sáng tạo của trẻ em, khi nó phải chấp nhận thích điều gì người lớn thích, thừa nhận cái đẹp mà người lớn cho là đẹp !
Đối với những chuẩn của ngành giáo dục tiểu bang California ( Mỹ ) đặt ra, chúng ta thấy không phải là không có những tiêu chuẩn khó, nhưng nó hoàn toàn nằm trong trách nhiệm và quyền hạn của ngành giáo dục. Nghĩa là những điều mà các em phải được dạy và phải học được. Những chuẩn mực đều mang tính kiến thức chứ không phải là nhận thức. Ngay cả việc trình bầy kinh nghiệm và sở thích của mình, trẻ cũng không buộc phải theo một khuôn mẫu nào như phải chấp nhận cái gì mình thích, cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
Vì thế, để xây dựng một bộ tiêu chuẩn cho trẻ, chúng ta cần phân biệt ra ba lĩnh vực khác nhau:
– Lĩnh vực tính cách: Đây là những yếu tố bẩm sinh “ Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” chúng ta chỉ có thể tìm hiểu để khai thác, kích thích và phát triển những ưu điểm của tính cách trẻ, hạn chế phần nào những điểm yếu, chứ không thể can thiệp vào, buộc trẻ phải thay đổi tính cách của mình cho dù nhân danh bất cứ điều gì trong cuộc sống mà trẻ đã đang và sẽ hoà nhập vào.
– Lĩnh vực nhận thức: Đây là những giá trị sống và kỹ năng sống mà chúng ta từng bước hướng dẫn trẻ sao cho phù hợp với sự phát triển của em, chúng ta cũng không thể buộc các em phải đạt được điều này, hiểu được điều kia cho dù tất cả đều cần thiết và tốt đẹp. Trong lĩnh vực này thì chính tấm gương của cha mẹ, của những người thày, cô mới là những tác động có giá trị nhất chứ không phải các kỹ năng hay thủ thuật nhằm giúp trẻ hiểu ra các giá trị cần có cho cho cuộc sống. Nói cách khác, đây là những giá trị mà đứa trẻ cảm nhận được và tiếp thu được tuỳ vào môi trường mà các em đang sống và tuỳ vào thái độ ứng xử của những người xung quanh. Chúng ta không thể đặt ra những chuẩn mực nào cho khả năng tiếp nhận và vận dụng của trẻ, đó là điều mà đứa trẻ phải chịu trách nhiệm với chính mình và với xã hội khi đến tuổi trưởng thành.
– Lĩnh vực kiến thức: Đây là những điều mà một đứa trẻ có bổn phận phải học, và xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng có bổn phận phải dạy và có quyền đặt ra những chuẩn mực mà một đứa trẻ với khả năng phát triển trung bình về thể lực và trí tuệ cần phải đạt đến. Chúng ta có thể xây dựng các chuẩn cao cho trẻ thông minh, chuẩn thấp cho trẻ dại khờ… chuẩn riêng cho trẻ thần đồng hay khuyết tật. Nhưng, trách nhiệm không thuộc về trẻ mà thuộc về gia đình và xã hội. Và đó là nhiệm vụ của những người lớn phải hoàn thành bằng nhiều biện pháp, kỹ thuật đa dạng và phong phú mà trí tuệ con người có thể nghĩ ra dành cho thế hệ tương lai.
Lê Khanh