Giáo dục sớm : Hãy để con chơi
20/06/2015Đánh đổ chai sữa bò – Lỗi lầm hay cơ hội ?
14/07/2015Xuất phát từ một hoạt động cho thanh thiếu niên thành phố đến với thiên nhiên, huân tước Baden Powell of Gilwell ( B.P) đã khai sinh ra phong trào hướng đạo tại Anh Quốc vào năm 1907. Tôn chỉ và phương pháp hoạt động đặt trên căn bản 3 cuốn sách :
– Sách Sói Con (The Wolf cub’s handbook).
– Hướng đạo cho trẻ em (Scouting for boys).
– Đường thành công (Rovering to success).
Phương pháp giáo dục của B.P đã mau chóng phát triển trên khắp thế giới. Cuộc Họp ban Hướng đạo Thế giới lần I vào năm 1920 tại Olympia, Anh, với 34 quốc gia tham dự.Đến nay, HĐ có mặt tại 216 nước với trên 40 triệu hướng đạo sinh.
Từ một nhóm nhỏ, trở thành một phong trào quốc tế, và từ một cái gốc Hướng Đạo cũng đã nảy sinh ra rất nhiều nhánh khác nhau. Nhưng ngoài những biệt lệ về tên gọi, về y phục, về cơ cấu tổ chức… thì các đoàn thể khác nhau đó, khi lấy danh xưng là Hướng Đạo, đều phải tuân theo những quy chuẩn chung là sự tự nguyện, phi lợi nhuận, phi tôn giáo và không cổ vũ cho bất cứ một khuynh hướng chính trị nào ngoài tinh thần yêu nước. Chính những quy chuẩn đó và nguyên tắc dùng trẻ để hướng dẫn trẻ thông qua Luật – Lời Hứa và Trò chơi, mà phong trào đã tạo nên sự tin tưởng cho các bậc cha mẹ và sự hãnh diện cho những ai đã từng tuyên hứa trước lá cờ Hướng Đạo.
Du nhập vào Việt Nam từ những năm 1930, trải qua nhiều biến cố thăng trầm do hoàn cảnh chiến tranh và quan điểm chính trị khác nhau. Đến năm 1990, phong trào HĐ dần dần hồi phục và phát triển trong rất nhiều tỉnh thành. Thế nhưng, do buộc phải ngưng hoạt động trong một thời gian dài, những nguyên lý nền tảng cho Hướng Đạo từ 3 cuốn sách của BP đã và đang bị biến thể rất nhiều, có khá nhiều các đoàn thể, tổ chức đã lấy những phương pháp, kỹ năng, và cả những nguyên lý của HĐ, để quy tụ thanh thiếu niên, với cái danh xưng chung Hướng Đạo hay Hướng Đạo Sinh với mục đích là giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên những kỹ năng sống.
Chúng ta cũng biết rằng, trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, nơi hội Hướng Đạo Việt Nam được chính thức hoạt động, cũng có rất nhiều các đoàn thể hoạt động theo các phương pháp và nguyên lý hướng đạo như : Thanh sinh công, Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, Thiếu Nhi Thánh Thể, Gia Đình Phật Tử và cả những tổ chức cũng gọi là Hướng đạo như Hướng Đạo Công Giáo, Hướng Đạo Quân Đội, Hướng Đạo Hải Quân, Hướng Đạo Cảnh Sát v.v.… Nhưng tất cả đều rất rõ ràng, có danh xưng riêng, có những hoạt động ngoài việc giáo dục thanh thiếu niên là những mục tiêu khác nhau về tôn giáo và đường lối, biện pháp giáo dục… điều đó ta gọi là chính danh.
Hiện nay, với sự hoạt động độc lập, không thể hợp nhất thành một hội Hướng Đạo, phong trào Hướng Đạo Việt Nam đã trở nên phân hóa, với rất nhiều các Đạo và các Liên Đoàn Biệt Lập ở các địa phương, không lệ thuộc vào một hội đồng trung ương. Điều này là hợp lý trong điều kiện chưa được nhà nước chính thức công nhận. Tuy nhiên, khi đã tự nhận nhóm của mình, đoàn của mình là một tập thể với danh xưng : Hướng Đạo Việt Nam, thì dù muốn dù không cũng phải tự nguyện tuân theo các nguyên lý của hướng đạo.
Các huynh trưởng, các nhà giáo dục và cả các phụ huynh trẻ… đều có quyền thành lập các đội nhóm, các đoàn thể sinh hoạt theo “kiểu hướng đạo” và toàn quyền tổ chức việc thu học phí với bất cứ khung giá nào, các bạn tham gia giảng dạy, sinh hoạt với trẻ cũng toàn quyền nhận thù lao tương xứng với công sức bỏ ra… nhưng xin đừng khoác lên người trẻ bộ đồng phục HĐ và gắn lên người trẻ các huy hiệu đặc thù của Hướng Đạo , đừng chào theo kiểu HĐ, đừng dùng Luật và Lời Hứa Hướng Đạo như những giá trị để thu hút trẻ em, thanh thiếu niên vào những “lớp giáo dục Hướng Đạo sinh có thu phí”, bởi vì Hướng Đạo không phải là một loại hình “giáo dục kỹ năng sống giá rẻ” . Có thể nói, không phải tất cả các trưởng hướng đạo đều tốt, đều có cái tâm giống nhau, có những người cũng có thể “thu lợi nhuận” từ những hoạt động Hướng Đạo của mình, và cũng có thể chính từ những “huynh trưởng” này mà phong trào HĐVN ở một số địa phương đã bị biến dạng, thậm chí trở thành cái ‘cần câu cơm” cho một số người.
Chúng ta không thể biện minh rằng, cái tâm của tôi tốt, hoạt động thu phí của tôi là trong sáng, công khai và rõ ràng. Tôi thu phí vì tổ chức một “lớp HĐS” là rất tốn kém, phải có nhiều khoản chi, từ sổ sách, dụng cụ đi trại, y phục… và phải bồi dưỡng cho những huynh trưởng đã bỏ ra bao nhiêu công sức để dạy dỗ con cái của tôi trở nên tốt hơn, ngoan ngoãn hơn .v.v.v Tất cả đều đúng, đều hợp lý nếu đó không phải là một Ấu Đoàn, Thiếu đoàn, kha đoàn hay một Liên đoàn của Hướng Đạo Việt Nam !
Sẽ có người nói rằng, có đoàn Hướng Đạo nào mà không thu phí, đóng quỹ đội, quỹ đoàn hay có thể vận động phụ huynh đóng góp cho một buổi cắm trại ! Đúng là cái gì cũng vậy, muốn hoạt động thì phải có tiền, nhưng tiền không phải là mục đích của hoạt động ! Các em đội sinh sẽ đóng quỹ đội, quỹ đoàn… phụ huynh có thể ủng hộ vài triệu, thậm chí là vài chục triệu tùy ý.. nhưng tiền là đến từ các em, đến từ sự tiết kiệm và đóng góp của các em, và các em đóng cho thủ quỹ của đội củng là trẻ em, chứ không nộp cho huynh trưởng hay giao cho Hội Phụ huynh quản lý! Còn các hoạt động dã ngoại thì theo tinh thần hướng đạo là cần kiệm và tháo vát. Các em HĐS sẽ nỗ lực vượt qua những khó khăn mà vẫn vui tươi, chứ đi cắm trại Hướng Đạo không phải là đi tour du lịch, ngủ phòng lạnh, ăn cơm nhà hàng hay cơm hộp đặt mua ! Chính việc tự đứng ra đóng góp và quyết định sử dụng tiền quỹ như thế nào mới là các bài học thực tế về kỹ năng quản lý tiền ! Kỹ năng tự chủ trong ăn ngủ là cơ sở để phát triển nhân cách.
Có nhiều huynh trưởng rất nóng lòng để phát triển phong trào, mong rằng Hướng Đạo sẽ đến với các nơi, nên khi có những đoàn thể đứng ra huy động tổ chức thành lập đoàn Hướng Đạo thì mau mắn “công nhận” trao khăn, trao cờ … mà quên đi việc tổ chức đó có áp dụng đúng những nguyên lý giáo dục phù hợp với tôn chỉ chung của phong trào hay không !
Rồi đây, có khi nào sẽ có 2 loại, thậm chí là 3 , 4 loại Hướng Đạo Việt Nam ? Hướng đạo có phí, hướng đạo miễn phí, hướng đạo quý tộc ? hướng đạo bình dân ? Cái nguy cơ đó có thể chưa rõ ràng, nhưng cái nguy cơ là Hướng Đạo mà không phải hướng đạo đã có vẻ như hiện thực. Để rồi đây, những giá trị vĩnh cửu của Hướng Đạo, những giá trị mà bao nhiêu thế hệ hướng đạo sinh đã trải qua, sẽ mai một dần vì cái tinh thần lấy Tiền là cơ sở, lấy việc người lớn dạy trẻ em là nguyên tắc sẽ chiếm lĩnh cái tổ chức mà bất cứ một hướng đạo sinh nào cũng vô cùng hãnh diện đã được đứng dưới cờ : Phong trào Hướng Đạo Việt Nam !
Mèo Rừng Tận Tâm.
TP. Vũng Tàu 24/6/2015