Đồ chơi bằng vỏ trứng
02/08/2012
Thị lực trẻ em phát triển như thế nào
10/08/2012
Đồ chơi bằng vỏ trứng
02/08/2012
Thị lực trẻ em phát triển như thế nào
10/08/2012

Rối loạn lo âu (RLLA), tên tiếng Anh là anxiety disoider, là một trong những rối loạn tâm lý phổ biến, thường gặp ở tuổi vị thành niên trở lên, nữ mắc phải nhiều hơn nam. Đây không phải là bệnh mới, nhưng ở thời đại ngày nay nó tiến triển mạnh mẽ, với số lượng bệnh nhân không ngừng tăng lên.

Bệnh thường kết hợp với các rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn ăn uống, rối loạn dạng cơ thể. Hầu hết mọi người đều trải qua những giai đoạn khó khăn về tâm lý. Stress, căng thẳng, lo âu… là tình trạng tâm lý rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày. Chỉ bất thường khi những lo lắng ấy luôn thường trực, hoặc lo lắng về một việc không hề xảy ra, đến nỗi chúng ta không thể đảm đương được những công việc hằng ngày nữa. Trạng thái tâm lý bất ổn đó kéo dài trên 6 tháng sẽ bị xếp vào dạng bệnh RLLA.

 

Biểu hiện:

Bệnh RLLA có biểu hiện tương đối đặc biệt: Người bệnh luôn cho rằng có một điều xấu (về sức khỏe, tài chính, công việc…), đôi lúc hoang tưởng bệnh tật đang và thậm chí đã xảy ra với mình, dù rằng thực tế không phải vậy.

Cùng với những lo lắng mơ hồ hoặc rõ rệt, cảm giác bất an luôn thường trực hằng ngày, bệnh nhân RLLA còn dễ bị mắc thêm các chứng bệnh về rối loạn thần kinh thực vật khác như hồi hộp, nghẹt thở, đau ngực, nhức đầu, đau lưng, co giật cơ bắp, đổ mồ hôi nhiều, hoa mắt, rối loạn tiêu hóa, khô miệng và mất ngủ.

Cũng giống như các chứng bệnh tâm thần khác, cho đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây ra bệnh RLLA. Người ta cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này có liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như yếu tố môi trường, sang chấn tâm lý, kết hợp với yếu tố nhân cách có xu hướng lo âu.


 

Biện pháp trị liệu

Do là một dạng bệnh rối loạn tâm lý, có tác giả xếp RLLA vào một dạng rối loạn tâm thần, nên bệnh cũng được điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý kết hợp với dùng thuốc, trong đó liệu pháp tâm lý giữ vai trò chủ đạo.

Thuốc dùng trong căn bệnh này không nhằm mục đích điều trị, mà chỉ giúp giảm triệu chứng. Hai loại thuốc chính được sử dụng là thuốc an thần và chống trầm cảm.

Loại thuốc đang được dùng phổ biến hiện nay là nhóm thuốc ức chế hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), và loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng amitriptylin cùng nhóm benzodiazepine. Việc lựa chọn loại thuốc nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như bệnh nhân có bệnh lý khác kết hợp hay không, điều kiện tài chính…

Các loại thuốc nói trên đều ít nhiều có tác dụng phụ. SSRI là loại thuốc ít có nguy cơ về tim mạch, kháng cholinergic và ngộ độc liên quan đến quá liều, nhưng nó có tác dụng phụ trên chức năng tình dục.

Dùng loại thuốc nhóm benzodiazepin thì có những nguy cơ phụ thuộc thuốc khi sử dụng lâu dài. Loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng thường kèm theo các nguy cơ lên hệ tim mạch.

Trong bệnh RLLA, Tham vấn và điều trị tâm lý mới là quan trọng. Có nhiều phương pháp điều trị tâm lý khác nhau nhằm giúp bệnh nhân quen dần với điều làm họ hoảng sợ, rồi dần dần đương đầu với chúng.

Có hai dạng trị liệu tâm lý rất hiệu quả là trị liệu hành vi, trong đó chú trọng tới việc thay đổi hành vi; và trị liệu về nhận thức, trong đó dạy cho người bệnh cách hiểu và thay đổi lối suy nghĩ để có thể phản ứng với các tình huống khiến họ cảm thấy lo lắng.

Trị liệu bằng các liệu pháp hành vi nhận thức hiện còn chưa được phổ biến ở Việt Nam. Việc điều trị bao gồm nhiều nội dung khác nhau như giáo dục về tâm lý, hướng dẫn cách xử lý khi có những biểu hiện của lo âu, hoảng sợ, như tập thư giãn, tập hít thở sâu, hoặc có những liệu pháp giúp bệnh nhân dần dần thích nghi được với các hoàn cảnh gây ra tình trạng lo âu và các triệu chứng sẽ dần biến mất.

 

Nguồn hỗ trợ

Để điều trị hiệu quả thường kết hợp cả hai phương pháp dùng thuốc và hành vi nhận thức. Ngoài việc dùng thuốc và điều trị tâm lý, những người mắc RLLA sẽ nhanh khỏi bệnh hơn nếu họ được người thân giúp đỡ, an ủi, động viên và khích lệ. Khi người bệnh tâm sự với bạn về nỗi lo lắng nào đó, bạn đừng vội phủ nhận. Hãy tìm cách giải thích thật cụ thể và dễ hiểu với tất cả sự cảm thông, người bệnh sẽ bớt lo lắng hơn.

Người bị RLLA cũng nên tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là luyện tập yoga, học các bài tập thả lỏng, khí công thở để điều hòa khí huyết, thư giãn tinh thần, từ đó dễ trút bỏ được căng thẳng và kiểm soát được lo âu.

Trong các mối quan hệ xã hội, người bị RLLA chỉ nên tập trung vào những mối quan tâm mang tính sáng tạo, sẽ tốt hơn là những mối quan tâm mang tính cạnh tranh; gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, đồng thời củng cố những cảm giác tích cực.

Nếu có điều kiện, người bệnh nên theo học những lớp học xây dựng tính tích cực nhằm thích nghi với môi trường hoàn cảnh, nâng cao khả năng quyết đoán để làm tăng thêm lòng tự tin và sức mạnh nội tâm.

 

BS BẠCH LONG

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý