Kỹ năng Làm việc nhóm
02/07/2013
Giá trị và lợi ích của đồ chơi
31/08/2013
Kỹ năng Làm việc nhóm
02/07/2013
Giá trị và lợi ích của đồ chơi
31/08/2013

Mỗi chúng ta, khi sinh con đều có một mong muốn giản dị làm sao có thể dạy con nên người và phát triển tốt nhất tiềm năng của trẻ. Tuy là một mong muốn mang tính phổ biến nhưng để đạt được điều này không hề dễ dàng với bất cứ ai.

Trong qua trình nuôi dạy trẻ, mỗi một nền văn hóa, vùng miền, gia đình khác nhau có các cách chăm sóc trẻ khác nhau. Sự khác biệt chăm sóc còn thể hiện ở từng người mẹ trong mỗi thời điểm khác nhau với các anh chị em hay trên cùng một đứa trẻ. Cách chăm sóc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực, trẻ có thể là người trưởng thành hay không trưởng thành, mạnh mẽ hay yếu đuối, tự tin hay tự ti, tự quyết hay phụ thuộc, … tương lại của trẻ ra sao phụ thuộc rất nhiều vào những chăm sóc đầu đời. Như chúng ta đã biết, một trẻ trai được sinh ra thì không phải mặc nhiên sau này sẽ trở thành một người đàn ông; và không phải một trẻ gái được sinh ra tự nhiên sẽ trở thành một người đan bà; mà để trở thành đàn ông hay đàn bà, các em phải được giáo dục giá trị sống, định hướng giới, giới tính, các quá trình tập nhiễm, bắt chước, đồng nhất hóa về giới xảy ra tốt hay không (phụ thuộc chủ yếu vào cha mẹ) và xã hội xung quanh định dạng giới cho em ở mức độ nào (nhìn nhận em có nam tính hay không, nữ tính ít hay nhiều). Trong cuộc sống làm cha mẹ ở mỗi chúng ta, không ít các bậc phụ huynh chưa ý thức được ý nghĩa to lớn của các quan hệ đầu đời, có người đã ý thức được nhưng lại không có điều kiện tìm hiểu hoặc không biết tìm hiểu ở đâu, qua phương tiện nào khi mà có qua nhiều thông tin trong thời đại ngày nay, những thông tin cùng chiều và trái chiều.

Cho đến nay, các nhà khoa học thừa nhận con người là một thực thể sống động và phức tạp nhất, một thực thể tinh vi và tinh tế đến mức khoa học vẫn chỉ dừng lại sự hiểu biết giới hạn về con người. Như vậy, để nuôi dạy và chăm sóc một đứa trẻ trở thành một thực thể trưởng thành thì những cống hiến của các bậc cha mẹ có thể được xem như một công trình khoa học nghiêm túc, đóng góp to lớn cho xã hội.

Sống cùng trong một xã hội và lớn lên cùng một thời điểm vậy tại sao vẫn có những cá nhân thực sự trưởng thành, cống hiến những phần cá nhân vào xã hội vô cùng có ý nghĩa, nhưng ngược lại cũng không ít cá nhân kém trưởng thành, là gánh nặng cho xã hội, gây cản trở sự phát triển tốt đẹp của xã hội, gây đau khổ cho người khác và cho chính bản họ. Khi suy nghĩ chín chắn, hầu hết các em đều mốn mình là người tốt, tự tin, sáng tạo, tự quyết, có ích cho xã hội, … nhưng các em lại không biết sở hữu các đức tính trên bằng cách nào khi mà người quyết định đến sự hình thành cấu trúc nhân cách, đến sự trưởng thành của các em lại không hoàn toàn là các em mà nó từ những chăm sóc đầu đời của cha mẹ, những ảnh hưởng từ khi còn bé. Có thể một phần do yếu tố sinh học tác động, nhưng một điều không thể bác bỏ sự ảnh hưởng của nó là từ chính văn hóa gia đình, cách chăm sóc và nuôi dạy của cha mẹ đem đến cho trẻ.

Có rất nhiều ngyên nhân hiện tại ảnh hướng đến sự phát triển tâm lý/nhân cách của trẻ sau này. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đi sâu khai thác những ứng xử của cha mẹ đã ít nhiều xâm phạm vào nhu cầu căn bản của trẻ, tước đoạt đi những nhu cấu đáng ra trẻ phải được hưởng. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Đó cũng là nguyên nhân làm mất cân đối đời sống tâm lý trẻ.


1. Trẻ không được yêu thương đúng mức trong thời ấu thơ.

Nhiều người mẹ tin rằng trẻ sơ sinh không biết gì, do đó có thể để người khác chăm sóc (bà ngoại, người làm, …) thay mẹ; họ cho rằng sau sinh mẹ cần được nghỉ ngơi, vì mẹ đang rất đau đớn và mệt mỏi sau một thời gian dài mang thai và sinh nở. Tuy nhiên các nhà khoa học chỉ ra rằng, gắn bó đầu đời giữa trẻ với mẹ có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý thể chất của trẻ. Các nghiên cứu cho thấy trẻ được mẹ ôm ấp, yêu thương trong thời gian này sẽ giúp trẻ tăng cường sự nhậy cảm của các giác quan – nền tảng cho trẻ nhận biết các kích thích từ thế giời, giúp tăng cường phát triển tiềm năng trí tuệ, trẻ vui vẻ hơn khi giao tiếp và đặc biệt ít bị bệnh tật, phát triển tốt về chiều cao, cân nặng.



Những dấu hiệu của hội chứng vắng mẹ

Rối nhiễu sớm:

Theo nghiên cứuGesell vàAmatruda, cách ly mẹ con trước tháng thứ nhất chưa thấy dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên Sau 3 tháng cách ly trẻ có những biểu hiện: Giảm hứng thú và năng lực phản ứng, thiếu hòa nhập trong cư xử, biểu hiện sự chậm phát triển về vận động, sợ hãi trước người lạ. Vắng mẹ sau 6 tháng, trẻ có các biểu hiện: thờ ơ trong giao tiếp với người khác, không có hứng thú giao tiếp, khó khăn trong phát triển quan hệ xã hội, chậm phát triển ngôn ngữ, tăng cân chậm, thụ động, lo hãi bất thường, sức đề kháng kém, tỉ lệ tử vong cao, buồn rầu, xanh xao, không hứng thú vận động, biếng ăn, không lên cân, ngủ kém, vẻ mặt đau khổ, trầm lặng-thiếu chủ động, không đáp ứng những kích thích bên ngoài (như bi bô nói chuyện, cười, …).Theo Wolf và Spitz gọi là trầm cảm tuổi bế bồng.


Rối nhiễu muộn: Theo Lowrey, Bowlby, Goldarb, trẻ có rối loạn sâu sắc về tình cảm làm cho trẻ không có khả năng thiết lập những quan hệ xã hội bình thường, không học được cách giao lưu tình cảm, không có khả năng cho hoặc nhận tình cảm, không thể có liên hệ tình cảm chân thành, khả năng thiết lập các mối liên hệ tình cảm rất hạn chế. Cũng liên quan đến rối nhiễu muôn. Theo Bender (1935), trẻ sẽ kém trong khả năng yêu hoặc có ý thức về lỗi lầm, có vấn đề về lương tâm/ đạo đức, khó thiết lập các quan hệ tình cảm, có khái niệm mơ hồ về thời gian, thiếu khả năng nhớ kinh nghiệm đã qua, khó khăn trong việc rút ra những điều có lợi/ hại, khó khăn trong biểu lộ động cơ.

Trẻ vắng mẹ do các yếu tố khách quan và chủ quan:

Các yếu tố khách quan như: mẹ không đủ sức khỏe để chăm con, mẹ bị bệnh phải cách ly con, mất mẹ, bị cấm đoán không được gần con. Các yếu tố chủ quan: người mẹ thờ ơ với con, giao con cho người khác chăm, mẹ bị trầm cảm sau sinh.


Nguyên nhân của những rối nhiễu này:

Khi mang bầu, trẻ và mẹ là một cơ thể, tình trạng cộng sinh cho trẻ nhiều trải nghiệm quen thuộc gắn kết, 9 tháng 10 ngày là giai đoạn an toàn nhất của trẻ. Khi trẻ ra đời, sự cắt đứt về quan hệ cơ thể sinh học trực tiếp (dây rốn) đã tao lên một sự chia tách đầu đời, một sự mất mát lớn đối với trẻ. Để tiếp tục phát triển bình thường, trẻ cần hai mối quan hệ nữa từ người mẹ là quan hệ gián tiếp giũa hai cơ thể (thông qua ôm ấp, vuốt ve, bú mớm, chăm sóc…) và quan hệ xã hội mẹ con (nói chuyện, âu yếm, cười, giao tiếp, sự nhậy cảm trực giác bản năng của mẹ đề đoán biết nhu cầu của con…). Do vậy, nếu vì một lý do nào đó không thể diễn ra hai mối quan hệ sau, trẻ sẽ cảm thấy bất an. Khi người khác chăm sóc, trẻ không còn cảm nhận thấy nhịp tim, tiếng nói và những cử chỉ quen thuộc, mất đi nhịp sinh học của mẹ mà trẻ đã cảm nhận thân quen khiến trẻ có cảm giác khác lạ lẫm, lo âu, sợ hãi. Đồng thời, khi sinh con (về mặt bản năng) người mẹ rất nhậy cảm với những phản ứng của trẻ, sự nhậy cảm này giúp người mẹ đoán biết chính xác các nhu cầu, đòi hỏi, các biểu hiện cảm xúc bình thường/bất thường ở trẻ. Nếu bị mất đi chức năng chăm sóc này, trẻ luôn cảm thấy bực bội dẫn đến các ức chế tâm lý.


2. Ép trẻ đi vệ sinh.

Thông thường trẻ em mới sinh cho đến 1 tuổi, đi tiêu, tiểu tự nhiên mà không phải tuân theo giờ giấc và quy định của người lớn, hoạt động tiêu, tiểu tùy theo các phản xạ sinh học tự nhiên và theo ý muốn của trẻ. Đây là một nhu cầu căn bản mà bất cứ ai cũng phải tôn trọng. Trẻ có thể thoài mái và thích thú khi nào trẻ muốn và không muốn (đi) mà không cần tuân theo bất cứ quy định đúng đắn nào.

Khi nói về chủ đề này, hiện nay không ít bà mẹ đã vô tình hay cố ý xâm phạm vào nhu cầu của trẻ, họ luôn hướng tới sự sạch sẽ theo cách nhìn của người lớn (tuân thủ các quy định của cá nhân hay gia đình); họ cho rằng trẻ cần đi vệ sinh đúng giờ, cần tập cho trẻ vệ sinh ở nhà trước khi đi đến trường, trẻ phải đi vệ sinh đúng nơi quy định, tập cho trẻ có thói quen từ nhỏ, … Việc tập cho trẻ đi vệ sinh sạch sẽ không hoàn toàn sai trái, nhưng nếu chúng ta không quan tâm đến thời điểm phù hợp cho tứng nội dung tập, mà tập quá sớm sẽ dẫn đến các cảm giác khó chịu, ức chế tâm lý ở trẻ, xâm phạm vào nhu cầu căn bản của trẻ, tước đi một sự thích thú ở trẻ. Trẻ có thể bị táo bón từ nguyên nhân này.


3. Người lớn xâm phạm vào nhu cầu muốn giao tiếp của trẻ.

Cũng như người lớn, trẻ em thích giao tiếp với ai và không giao tiếp với ai, đó là nhu cầu liên kết của trẻ. Trong cuộc sống, trẻ được tương tác với những người khác ngoài gia đình vừa là nhu cầu vừa là sự trải nghiệm cần thiết, hoạt động giao tiếp giúp trẻ nhận biết bản thân hoàn chỉnh hơn, cung cấp cho trẻ khả năng ứng phó-giải quyết vấn đề trong cuộc sống hiện tại và tương lai, giúp trẻ dễ dàng vượt qua stress trong cuộc sống sau này. Giao tiếp không đầy đủ sẽ làm mất đi sự nhậy cảm trong phát triển trí tuệ nói chung, đặc biệt là trí tệ cảm xúc.

Việc bảo vệ trẻ trước các nguy hiểm có tác nhân môi trường là điều cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, trong cuộc sống một số bậc phụ huynh có những suy nghĩ thái quá và cho rằng môi trường xung quanh là nguy hiểm như: trẻ con rất dễ bị lây bệnh bởi người khác, sợ bụi, dơ bẩn, nắng, gió, sợ môi trường xã hội bên ngoài không tốt, … nên tuyệt đối giữ trẻ trong phòng – không bao giờ (hoặc rất ít khi) cho trẻ ra ngoài. Ngoài ra việc không cho trẻ ra ngoài còn một số lý do có nguyên do từ chính cha mẹ: cha mẹ là người khép kín, trẻ bị khuyết tật và không chấp nhận con, không yêu con, có nhiều bí mật gia đình cần che dấu, cha mẹ tự ti…

Việc cấm đoán từ cha mẹ trong nhiều nội dung sinh hoạt của trẻ là cần thiết, tuy nhiên nếu không cân nhắc kỹ và xây dựng mục tiêu định hướng, các bậc cha mẹ có thể làm mất các cơ hội phát triển giao tiếp của trẻ. Tước đi nhu cầu được giao lưu của trẻ.


4. Người lớn xâm phạm vào nhu cầu không muốn giao tiếp

Ngoài việc thiều nhu cầu giao tiếp, một số trẻ còn phải chịu một tình trạng chăm sóc trái ngược lại là: bị giao tiếp quá nhiều. Nghĩa là, trong cuộc sống ngoài việc trẻ cần giao tiếp với người khác thì có những lúc trẻ rất cần một khoảng thời gian tự chơi một mình. Quá trinh này giúp cho trẻ trạng thái cân bằng để phát triển. Xâm phạm vào nhu cầu này của trẻ thường là những bậc cha mẹ có những vấn đề tâm lý, họ không thể không gây sự chú ý cho trẻ vì nhu cầu được giao tiếp ở họ, trầm trọng hóa các phản ứng của trẻ như một tín hiệu được giúp đỡ và luôn giúp đỡ trẻ ngay cả khi trẻ không muốn. Đồng thời trẻ con là một báu vật trong nhà nên ai cũng muốn giành giật sự quan tâm chăm sóc để nhận được sự cổ vũ của các thành viên khác trong gia đình, vợ chồng mâu thuẫn thường tranh giành đồng minh- là những đứa trẻ, qua khứ bị bỏ rơi hay nỗi ám sợ mất con làm cho người mẹ không rời con nửa bước ngay cả đó là một cái nhìn. Hậu quả là trẻ luôn luôn phải giao tiếp, trong khi giao tiếp ngay cả trẻ con và người lớn đều dẫn đến sự căng thẳng và mệt mỏi. Với tình trạng thường xuyên bị đặt trong tình huống phải giao tiếp này thì (ngoài khi ngủ ra) lúc nào trẻ cũng phải căng ra để giao tiếp, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi và sợ hãi, sợ chính những người thân của mình, có khi là người mẹ. Nhu cầu an toàn của trẻ bị tước đoạt.


5. Hạn chế không gian hoạt động của trẻ.

Sau khi được sinh ra, cũng giống như các nhu cầu căn bản khác, vận động cũng là hoạt động mang tính bản năng của trẻ. Khi lọt lòng mẹ, trẻ bước vào giai đoạn cảm giác-vận động, vận động ở giai đoạn này là nguồn gốc của mọi cảm nhận, cũng như là cơ sở quyết định cho sự hình thành đời sống trí tuệ và thể chất của trẻ sau này. Với ý nghĩa này thì vận động là nền tảng đầu tiên cho mọi hoạt động nhận thức, tâm lý và nhân cách.

Chúng ta biết rằng ở những trẻ em khi được sinh ra nhu cầu nhận thức dường như là số một. Trẻ em hoạt động không ngưng nghỉ (chỉ trừ khi trẻ ngủ) hầu như cả ngày. Chúng năng động quan sát, chạy nhảy, đập phá, khám phá… với mục đích “tối cao” là nhận thức. Vì, não của trẻ khi sinh ra và não của người lớn có số lượng tế bào thần kinh tương đương nhau (hàng trăm tỉ tế bào thần kinh); trong khi đó não của người lớn đã sử dụng từ 6 đến 8 tỉ tế bào thần kinh – nghĩa là ở người lớn đã có từ 6 – 8 tỉ tế bào thần kinh được mã hóa thông tin. Cũng có hàng trăm tỉ tế bào thần kinh như người lớn, nhưng ở các “em bé” chưa được mã hóa thông tin (chưa có tri thức), nên các tỉ tế bào này đang trong tình trạng “đói” thông tin (về mặt sinh vật, đói là phải đi tìm cái thỏa mãn), tình trạng đói thông tin đã trở thành một dạng “xung năng” hướng tới hành động thỏa mãn nhu cầu. Như vậy, các hành vi đập phá, chạy nhảy, quan sát,… của trẻ em chẳng qua chỉ là một dạng “tìm kiếm” thông tin nhằm thỏa mãn nhu cầu nhận thức.

Từ quan điểm trên chúng ta nhìn nhận lại sinh hoạt của trẻ em thành phố thấy rằng, hầu hết các em đang thiếu vận động trầm trọng. Sau khi được sinh ra từ nhà hộ sinh, trẻ được đưa về nhà ở trong 4 bức tường, cửa lúc nào cũng đóng kín và không cho trẻ ra ngoài vì có nhiều nỗi sợ từ người lớn (khác với trẻ em tây, cha mẹ trẻ có thể cho trẻ đi du lịch từ khi mấy tháng tuổi), đến khi trẻ biết đi, vận động của trẻ chỉ ở trong khuôn viên nhà ở (khác với trẻ em nông thôn, trẻ được chạy nhẩy ở không gian rộng và đi chơi từ nhà này đến nhà khác, tầm nhìn của trẻ thoáng rộng và tiếp nhận nhiều kích thích), đến khi đi nhà trẻ mẫu giáo trẻ được đẩy vào khuôn phép (trẻ phải ngoan, ngồi yên trên ghế, khoanh tay nghe lời cô, ít có thời gian vận động vì không có đủ giáo viên hay trường không có sân hoặc sân trường quá nhỏ, đồng thời trong ý thức của các giáo viên chưa nhận ra tầm quan trọng của vận động, vận động nhiều đồng nghĩa với quậy phá – không ngoan). Nói chung, trong ý thức của chúng ta ngày nay vẫn thường rất thích trẻ ngoan, ngồi yên, không được chạy nhẩy leo trèo, tuyệt đối nghe theo lời cha mẹ. Các bậc cha mẹ rất hãnh diện khi trẻ có phong thái điềm tĩnh như người lớn và rất tự hào về phẩm chất này của con.

Do đó, để phát triển bình thường, trẻ em phải vận động với một cường độ nào đó mới có thể đáp ứng đủ sự đòi hỏi sinh học và phát triển tâm lý. Thiếu vận động sẽ là sự thiệt thòi của trẻ trong qua trình phát triển tổng thể, như thiếu hụt trong phát triển vận động thô và vận động tinh, trẻ không thể phát triển tốt khả năng tâm vận động, cảm nhận cơ thể kém, nhận biết bản thân không hoàn chỉnh và nhận biết cái tôi bị khiếm khuyết.Những thiếu sót này ảnh hường tiêu cực đến sự thiết lập cac mối quan hệ sau này, dẫn đến tăng động giảm chú ý, thiếu kỹ năng ứng phó với stress sau này.


6. Ép trẻ ăn

Ăn là một nhu cầu cấp thiết đối với bất cứ ai. Ăn không chỉ giúp con người tồn tại mà thông qua ăn uống người ta tìm thấy sự khoái cảm và thỏa mãn. Ăn hay gọi là thưởng thức món ăn là một chủ đề hấp dẫn, vì cơ thể con người muốn tồn tại cần phải có dưỡng chất được lấy từ thực phẩm (sữa, cháo, cơm, thịt, cá…). Khi đói, con người cảm thấy hẫng hụt, thèm muốn, do đó hoạt động ăn làm thỏa mãn cơn đói và bù đắp sự hẫng hụt cơ thể. Trẻ em cũng vậy, hầu hết trẻ em sinh ra về bản năng đều tìm đến vú mẹ, khi trẻ (lớn lên) biết ăn thì mùi vị của món ăn (về bản năng) tự động gây ra thích thú. Tuy nhiên ngày nay có một hiện tượng khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em thành thị không có cảm giác thèm ăn, không muốn ăn bất cứ thư gì, bữa ăn là một cực hình đối với trẻ và cha mẹ phải đánh vật với trẻ vào mỗi bữa ăn. Với trẻ ăn uống là một điều sợ hãi, còn cha mẹ thì lo lắng và bực bội.

Có nhiều nguyên nhân cho vấn đề này, tuy nhiên điều phải lưu ý là sự kỳ vọng của cha mẹ làm sao giúp trẻ có một thân hình mập mạp. Để làm được điều này cha mẹ đi tư vấn bác sỹ dinh dưỡng muốn có một thực đơn khoa học, đủ chất và đầy đủ calo (ngày trẻ phải ăn bao nhiêu gram thị, cá, rau dền, cà rốt, cam…), ăn giờ nào trong ngày và ngày ăn mấy bữa… Khi các bậc cha mẹ quá tin vào bác sỹ thì sẽ không tin trẻ (vì chưa chắc trẻ đã thích thực đơn bác sỹ cung cấp) và chình mình (về bản năng người mẹ có thể nhận ra trẻ thích gì và không thích gì, trẻ ăn được bao nhiêu là đủ…). Chế độ ăn này được lặp đi lặp lại hàng ngày và như vậy diễn ra sự mâu thuẫn giữa sở thích của trẻ và mong muốn của bác sỹ. Nếu cha mẹ là người triệt để tuân theo khoa học sẽ theo chỉ dẫn của bác sỹ và bỏ qua phản ứng của trẻ và tiếng gọi bản năng từ người mẹ. Như vậy, ép trẻ ăn là một điều tất yếu.

Khi ép ăn mà trẻ không muốn sẽ tạo ra một cảm giác bực bội ở cha mẹ, sự nóng vội (do suy nghĩ sợ con gầy yếu) khiến cha mẹ căng thẳng và tiếp tục ép ăn nghiêm khắc hơn. Hiện tượng này diễn ra hàng ngày có thể dẫn trẻ tới cảm giác ám sợ ăn. Đồng thời trong quá trình ép ăn, nét mặt căng thẳng của mẹ làm trẻ mất an toàn cộng với sự sợ hãi của trẻ sẽ làm mất đi cảm giác thèm ăn(vì không ai thèm (thích) ăn khi đang sợ hãi). Một cái vòng luẩn quẩn được tạo ra: ép trẻ ăn mà trẻ không ăn sẽ làm cha mẹ bực bội căng thẳng, cha mẹ thấy trẻ không muốn ăn sợ trẻ ốm yếu hơn và càng ép trẻ nhiều hơn, nét mặt căng thẳng của cha me và sư sợ hãi của trẻ trước/trong mỗi bữa ăn làm cho trẻ không có cảm giác thèm ăn.

Khi tuân theo công thức của bác sỹ, các bà mẹ không quan tâm đến con mình thích món ăn gì, trẻ ăn bao nhiêu là đủ và khi nào trẻ muốn ăn. Điều này sẽ đẩy tình trạng căng thẳng giữa cha mẹ và con cái ngày càng tăng cao.

Trẻ biếng ăn còn xảy ra khi có nhưng bậc cha mẹ quá tốt, họ đọc trước các ý nghĩ của con, họ cho trẻ ăn trước khi trẻ có cảm giác thèm ăn – cho trẻ ăn trong khi trẻ chưa có ham muốn được ăn. Cách cho ăn này lặp đi lặp lại vô tinh đã tước đi cảm giác thèm ăn của trẻ. Lâu ngày không được giải quyết trẻ sẽ rơi vào tình trạng biếng ăn tâm lý. Trẻ biếng ăn có thể được nuôi dạy trong một gia đình có nhiều mâu thuẫn, cả ngày cha mẹ đi làm và thường mâu thuẫn xảy ra khi gặp nhau vào bữa ăn. Bầu không khí gia đình căng thẳng khiến trẻ bất an. Trẻ không thể ăn ngon trong bầu không khí gia đình như vây.

Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn tiếp theo có thể là do trẻ sử dụng biếng ăn là điều kiện muốn cha mẹ quan tâm đến trẻ hơn (vì trẻ ít được quan tâm chăm sóc do cha mẹ quá bận bịu với công việc, kiếm tiền). Trẻ nhận thấy mỗi khi không ăn cha mẹ sẽ để ý đến trẻ hơn và sử dụng vấn đề này làm điều kiện với cha mẹ.

Nếu trẻ biếng ăn do nguyên nhân đến từ cha mẹ, thì những người lớn đã vô tình tước đi cảm giác thèm ăn – một nhu cầu căn bản và cấp bách của trẻ, lấy đi quyền được hưởng sung sướng của các em. Để giải quyết tốt mối quan hệ mẹ con trong ăn uống và giúp trẻ trọn vẹn thỏa mãn, trước hết các bậc cha mẹ nên lắng nghe sự mách bảo từ bản năng của mình xem trẻ thích ăn gì, trẻ không thích gì, ăn bao nhiêu là đủ, ăn khi nào. Còn các chỉ dẫn mang tình khoa học hay thực đơn hướng dẫn của bác sỹ nên chỉ dùng để tham khảo, định hướng cho cảm nhận bản năng của người mẹ.


7. Ép trẻ học

Học tập là một nhu cầu của hầu hết trẻ em. Thông qua học tập giúp trẻ thỏa mãn trí tò mò nhận thức, lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng từ cuộc sống; trên cơ sở đó giúp trẻ ứng phó và hòa nhập vào cuộc sống sau này. Do đó, học tập là một hoạt động thiết yếu trong việc tạo dựng một cá nhân trưởng thành và một nhân cách hoàn thiện.

Với việc ý thức rõ vai trò to lớn của học tập, các bậc phụ huynh đã nhanh chong (nóng ruột) cho con tiếp cận sớm với kiến thức học đường. Họ cho rằng: nếu không cho con đi học sớm sẽ không bằng bạn bè, không theo kịp chương trình phổ thông. Với áp lực từ gia đình và cộng đồng, chúng ta có xu hướng cho con đi học sớm, cho con đi học trước tuổi.

Xét trên quan điểm phát triển, học tập được cho là một hoạt động suốt đời: trẻ em bắt đầu học từ ngay trong bụng mẹ, khi ra đời, đến tuổi chập chững, tuổi mẫu giáo, tuổi thanh thiếu niên, trưởng thành và học cả khi về già. Mỗi một giai đoạn khác nhau của đời người; do đặc tính sinh học và sự mong đợi của bản thân và người lớn; con người tự trang bị hay được trang bị cac loại kiến thức khác nhau.

Như vậy việc học diễn ra ở bất cứ lứa tuổi nào là không sai, tuy nhiên điều không hợp lý là các kiến thức áp dụng cho dạy học không phù hợp (quá sớm) với tuổi, với sự phát triển sinh học. Đặc biệt là trẻ em, ở mỗi độ tuổi khác nhau, kiến thức truyền dạy cho trẻ phải khác nhau, và hình thức dạy học cũng khác. Sự không phù hợp trong dạy học có thể xảy ra với trẻ em khi khả năng hiểu biêt, tư duy, trải nghiệm và vận động của trẻ vẫn ở mức độ giới hạn so với tuổi; nhưng với sự kỳ vọng và áp lực từ xã hội người ta đã dạy cho trẻ những kiến thức vượt quá khả năng lĩnh hội của trẻ, tạo ra các áp lực tâm lý cho trẻ.

Hiện tượng này xảy ra có liên quan đến những hiểu biết chưa đầy đủ về các hình thưc học tập khác nhau ở trẻ em. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi liệt kê một số hình thức học tập:

– Trẻ học thông qua cử động: ngay từ khi được sinh ra, trẻ em luôn luôn có các cử động ngón tay, ban tay, chân, các cử động nhìn, …và ngày càng cử động nhiều hơn cùng với sự phát triển của tuổi theo sự thành thục tăng dần của hệ thống cơ, xương, khớp. Thông qua cử động, trẻ trải nghiệm các vận động cơ thể, hình thành các cảm giác cơ, khớp tiến tới thành thục sơ đồ cơ thể, giúp trẻ hiểu rõ bản thân mình, làm tiền đề cho việc thiết lập các mối quan hệ với môi trường. Điều lưu ý ở giai đoạn này là khi trẻ mới sinh ra, cha mẹ cho trẻ đeo gang tay quá lâu và bó trẻ chặt trong mảnh khan, không cho trẻ vặn mình hay đụng chạm vào các đồ vật xung quanh.

– Trẻ học thông qua tương tác găn bó: là hình thức trẻ học thông qua cảm nhận sự đụng chạm, chăm sóc, ôm ấp, âu yếm từ người mẹ đến trẻ; tạo ra cảm giác an toàn, thỏa mãn.

– Trẻ học thông qua chơi khám phá: là một hoạt động tự nhiên (tự phát) của trẻ hướng về phía đồ vật khi hình ảnh của đồ vật đang trực tiếp tác động vào trường thị giác của trẻ.

– Trẻ học thông qua chơi xác định đồ vật: là hoạt động trẻ chơi lặp đi, lặp lại với một đồ vật nào đó hoặc một hành động chơi nào đó để nhận diện nó, khi đồ vật đang trực tiếp tác động vào giác quan của trẻ.

– Trẻ học thông qua chơi giao tiếp: chơi giao tiếp là hình thức chơi mang tính tự nhiên/ hai chiều/ sống động giữa trẻ này và trẻ khác, giữa trẻ và người lớn.

– Trẻ học thông qua chơi theo chức năng đồ vật: là hoạt động chơi mà trẻ hiểu rõ đồ vật đó dùng để làm gì, ứng dụng công dụng của nó trong hoạt động có chủ đích của mình.

– Trẻ học thông qua chơi tưởng tượng: chơi tưởng tượng là hoạt động có chủ đích của trẻ hướng vào làm biến đổi chức năng thật của đồ vật theo sự mong muốn chủ quan của trẻ. Chơi tưởng tượng còn có ý nghĩa khác là trẻ có thể hình dung ra quá trinh chơi của mình trước khi hoạt động chơi diễn ra.

– Trẻ học thông qua chơi đóng vai: chơi đóng vai là hoạt động trẻ tưởng tượng ra vai diễn và thực hiện vai diễn của mình thông qua tác động qua lại với người khác.

– Trẻ học thông qua dã ngoại: dã ngoại là một hoạt động vận động ngoài trời, qua đó trẻ nhận biết thế giới xung quanh thông qua sự cảm nhận từ các giác quan.

– Trẻ học thông qua các phương tiện truyền thông: là hình thức học dán tiếp các kiến thức đã được mã hóa trên cơ sở ngôn ngữ và hình ảnh chuyển tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

– Trẻ học thông qua tập nhiễm: tập nhiễm là hình thức tiếp thu mang tính tự phát các khuôn mẫu hành vi/cử chỉ hay ngôn ngữ từ người khác một cách tự động trên phương diện vô thức.

– Trẻ học thông qua bắt chước: bắt chước là hình thức tiếp thu mang tính tự giác các khuôn mẫu hành vi/cử chỉ hay ngôn ngữ từ người khác một cách tự chủ trên phương diện ý thức và vô thức.

– Trẻ học thông qua xã hội hóa: xã hội hóa là hình thức tương tác qua lại giữa người này và người khác trên cơ sở các kiến thức, kinh nghiệm và khuôn mẫu hành vi và các kiến thức, kinh nghiệm và khuôn mẫu hành vi này được di chuyển từ thế hệ trước đến thế hệ sau.

– Trẻ học thông qua giáo dục lấy người học là trung tâm: giáo dục lấy người học là trung tâm là hình thức dạy học dựa vào khả năng, đặc điểm cá nhân và phản hồi của người học.

– Trẻ học thông qua hình thức giáo dục ép buộc: hình thức giáo dục ép buộc là hình thức dạy học một chiều, không quan tâm đến khả năng, tính cách, sở thích, phản hồi của người học. Với cac hình thức học tập trên mỗi độ tuổi khác nhau trẻ sẽ học theo các hình thức khác nhau. Tuy nhiên với những gì chúng ta đang thấy hiện này, các bậc phụ huynh và nhà trường đã chủ yếu dạy học theo lối ép buộc và ứng dụng các hình thức học tập cao cho những trẻ (nhỏ tuổi) đáng ra chỉ có thể học tập thông qua các hình thức thấp (chơi, tập nhiễm, xã hội hóa, …). Từ trước tới nay chúng ta cho rằng ép trẻ học mới là học, và như vậy từ mẫu giáo cho tới các cấp phổ thông đều dạy học theo hướng ép buộc, trong khi chúng ta đã bỏ qua rất nhiều hình thức tiếp thu kiến thức khác của trẻ.

Học thông qua chơi ngoài việc giúp trẻ phát triển về kiến thức, kinh nghiệm còn giúp trẻ phát triển cảm xúc và tình cảm. Trẻ cần một cuộc sống vô tư hồn nhiên chứ không phải vì nhiệm vụ học tập, áp lực học tập mà tước mất tuổi thơ hồn nhiên của trẻ. Trước hết học tập để phát triển các kiến thức liên quan đến cuộc sống hàng ngày trước khi tiếp cận các kiến thức khoa học. Để có một nhân cách hoàn chỉnh, trẻ cần rất nhiều các hoạt động nền tảng, trong đó có hoạt động học tập; do đó, học tập là một thành phần trong số nhiều thành phần cho sự phát triển nhân cách.

Hiên nay ở Việt Nam có nhiều bậc phụ huynh vì sợ con không học giỏi bằng bạn bè nên cho con đi học rất sớm-trước 6 tuổi. Đối với trẻ trước 6 tuổi, học kiến thức thông qua chơi và giao tiếp là chủ đạo. Do đặc trưng sinh học, ở giai đoạn này trẻ còn phải hoạt động rất nhiều giúp phát triển nhậy cảm các giác quan và còn rất nhiều kiến thức đơn giản diễn ra trong các hoạt động sống hàng này mà trẻ chưa biết, do đó trẻ phải cần nhiều thời gian chơi để quan sát và trải nghiệm thế giới.

– Trước tuổi mầm non: chơi là chủ đạo

– Giai đoạn mầm non, mẫu giáo: chơi mà học, học mà chơi

– Giai đoạn tiểu học: học thông qua chơi

– Giai đoạn trung học cơ sở: học ra học, chơi ra chơi

– Giai đoạn trung học phổ thông: học kiến thức là chủ đạo

– Giai đoạn đại học: học và tập nghiên cứu.


8. Luyện viết chữ đẹp

Luyện chữ đẹp là quan niệm mang tính truyền thống của người Việt. Xét về mặt thẩm mỹ, viết chữ đẹp có một ý nghĩa nào đó đối với trẻ và cha mẹ trẻ. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, chúng tôi đã gặp khá nhiều trẻ em là nạn nhân của quá trình luyện chữ đẹp, chúng tôi thấy rằng, tác hại của hoạt động này đến với trẻ lớn gấp nhiều lần lợi ích của nó. Trẻ em là một thực thể chưa hoàn thiện trong phát triển vận động cơ xương khớp và thần kinh; tuy nhiên trong quá trình luyện chữ đẹp, cac em phải tiến hành một hoạt động không phù hợp với việc phát triển cơ thể và tâm lý của trẻ:

– Bị bắt phải viết chữ nắn nót (vận động tinh xảo của đôi bàn tay trong khi vận động thô là chủ đạo của các em giai đoạn này).

– Điều chỉnh các nét chữ trong ô ly rất nhỏ (hoạt động này gây ức chế về hành vi của trẻ).

– Cần độ tập trung chú ý rất cao của mắt và đôi bàn tay (để phát triển nhận thức, trẻ cần phải chú ý nhiều thứ sống động chứ không phải chữ viết.

Nguyên nhân này dẫn đến tình trạng quá tải và cận thị, loạn thị ở trẻ).

– Hoạt động lặp lại làm cho trẻ chán nản, không hứng thú học tập (hoạt động này làm cho trẻ lo sợ, mất đi tính hồn nhiên vốn có của trẻ). – Bắt trẻ phải chịu đựng quá lâu với trương lực cơ và trương lực chú ý với cường độ cao.

– Trẻ phải chịu áp lực rất cao từ sự giám sát của người lớn.

– Theo Bs Nguyễn Minh Hiếu (Bệnh viện E): trẻ dưới 6 tuổi, hệ thống cơ xương khớp ở tay chưa phát triển thành thục nên việc luyện chữ nhuần nhuyễn theo các ô ly là rất khó khăn. Còn với trẻ đã đi học, việc phải luyện viết ngoài giờ sẽ làm cho trẻ mệt mỏi, sợ đi học. Khi bị ép quá, trẻ thường biểu hiện căng thẳng, toát mồ hôi, đau bụng và ngủ mơ, lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh.

– Luyện chữ đẹp thực ra là đem lại sự vui vẻ cho cha/mẹ, giáo viên nhưng tạo ra sự khó chịu, căng thẳng cho trẻ. Nhiều người tin rằng nhìn chữ có thể biết người đó như thế nào, nghĩa là chữ viết nói nên nhân cách người đó “nét chữ, nết người”. Thực ra việc hình thành nhân cách của con người được quyết định bởi nhiều yếu tố chứ không phải từ nét chữ. Trái lại, nếu ép trẻ quá tải trong việc luyện chữ đẹp, thì không những gây khó chịu cho trẻ mà còn có thể dẫn đến rối nhiễu tâm lý, rối loạn nhân cách.


9. Ngoài những yếu tố trên, trẻ em còn bị người lớn xâm phạm vào nhiều nhu cầu chính đáng khác:

Xâm phạm vào nhu cầu tự nói một mình, không cho trẻ có ý kiến, hạn chế sự tự suy nghĩ độc lập của trẻ, ngăn cấm sở thích của trẻ; Cấm đoán sự tò mò khám phá thế giới xung quanh; Muốn trẻ ứng xử trưởng thành hơn so với tuổi; Ngăn cấm sự cạnh tranh giữa các anh chị em; Ép trẻ đi mẫu giáo đột ngột làm cho trẻ hoảng sợ; Các quan điểm giáo dục không thống nhất giữa các thành viên trong gia đình làm trẻ khó khăn trong việc ứng xử; Ép trẻ theo định hướng giá trị vô lý từ cha mẹ; Cấm trẻ thể hiện tình cảm với người này hay ép trẻ thể hiện tình cảm với người khác; Không biết cách khen chê làm cho trẻ quá tự ti hoặc quá tự tin;


10. Tiêu chuẩn của việc xây dựng giới hạn

Với những nội dung trên, phải chăng chúng ta để trẻ muốn gì thì muốn và trẻ đòi gì thì chiều theo ý trẻ. Thực ra bài viết này không nhằm mục đích muốn các bậc cha mẹ tuyệt đối thực hiện các nhu cầu đòi hỏi của trẻ; mà mục đích của bài viết nhằm cảnh tỉnh những ai không quan tâm đến nhu cầu của trẻ, không nhận biết nhu cầu của trẻ và có nhưng hành vi xâm phạm vào các nhu cầu căn bản ấy. Tuy nhiên trong nuôi dạy và giáo dục trẻ, muốn trẻ thực sự cân bằng về đời sống tâm lý và trưởng thành về nhân cách sau này, ngoài việc tôn trọng nhu cầu thì cần phải có các giới hạn hành vi cho trẻ, cần phải xây dựng những khung hành vi chuẩn để trẻ căn cứ vào đó mà ứng xử; nhân cách của trẻ sẽ được hình thành trên cơ sở khung hành vi này.

Thực ra trong đời sống văn hóa của con người trên hành tinh này đã thực sự tồn tại những khung giới hạn hành vi cho con người: các quy định chăm sóc và giáo dục của một gia đinh, gia phong của dòng họ, hương ước của một làng, cac chuẩn mực văn hóa, tôn giáo, các quy định của cơ quan tổ chức và cao hơn là hiến pháp và pháp luật nhà nước. Bàn về lĩnh vực này, các nhà tâm lý học cho rằng giáo dục, ứng xử của cha mẹ trong giai đoạn đầu đời có ý nghĩa to lớn ảnh hưởng đến đời sống tam lý tre. Họ cho rằng các bậc cha mẹ không quá khắt khe cũng không quá nuông chiều; không quá quan tâm cũng không quá thơ ơ mà sẽ nên là bậc cha mẹ đủ tốt – không quá tốt và không quá tồi.

Ổn định trong cách chăm sóc trẻ (không thể nay chăm sóc thế này, mai thế khác); cha mẹ nên bàn bạc, thương lượng và thống nhất với nhau từng nội dung trong việc ứng xử với con cái; các nội dung giao tiếp ứng xử luôn ổn đinh (không được thay đổi); ai đang có khúc mắc với trẻ thì người đó sẽ quyết định cách ứng xử với trẻ trong tình huống đó (người khác không nên tham gia vào); công bằng và khách quan trong các quyết định; lắng nghe và giải thích cho trẻ khi có sự mâu thuẫn trong từng nội giáo dục; biết cách đặt câu hỏi khi giải quyết một khúc mắc với trẻ; một hình phạt nghiêm khắc được biện minh rõ ràng sẽ giúp trẻ sửa lỗi lầm hơn là một hình phạt nhẹ nhưng có thái độ hằn học, không chấp nhận; muốn trẻ tâm sự với cha mẹ trước hết cha mẹ phải tâm sự với trẻ (không cung cấp thông tin thì cũng không nên hy vọng nhận thông tin); khi trẻ còn tâm sự với cha mẹ thì trẻ vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Ts. Ngô Xuân Điệp

ĐHKHXH&NV Tp. HCM

Cố vấn chuyên môn Trường dạy Trẻ Tự kỷ Bim Bim



Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý