Giáo dục kỹ năng giao tiếp
15/10/2012
Chương trình Dưỡng dục Ấu nhi
30/10/2012
Giáo dục kỹ năng giao tiếp
15/10/2012
Chương trình Dưỡng dục Ấu nhi
30/10/2012

Giá trị bản thân là một trong những yếu tố nền tảng cốt lõi để hình thành những kỹ năng sống cho trẻ em, các bậc cha mẹ cần phải làm gì để giúp trẻ phát triển các giá trị bên trong của mình để có thể đứng vững trước những tác động của cuộc sống ?

 

1/ Giá trị bản thân là gì ?

Trên hành tinh chúng ta có hàng chục ngàn loài sinh vật khác nhau, và nếu xét về cấu tạo cơ thể thì loài người chỉ là một chi trong bộ Linh trưởng, là những sinh vật có cột sống, đứng trên 2 chân, có vú với hơn 180 loài khác nhau. Nhưng điều gì khiến con người trở thành một sinh vật cao cấp, khác hẳn với những con khỉ, hay đười ươi ? Vì nếu xét về mặt sức mạnh, sự nhanh nhẹn và khả năng sinh tồn thì hẳn là chúng ta thua xa các con vật nói trên. Nếu nói về kỹ năng tiếp thu cái mới thì bộ linh trưởng cũng là những sinh vật thông minh nhất, nhưng điều gì phân biệt giữa sự thông minh của con người và trí thông minh của một chú Hắc tinh tinh ?

Đó chính là những giá trị về tinh thần mà chỉ có con người mới có. Các ý thức về bản thần, ý thức về cộng đồng đã tạo cho con người có :

          Nhân vị hay nhân phẩm: Đó là những giá trị sống mà bất cứ ai cũng có, không ai đứng trên ai, không ai có một giá trị cao hơn người khác, kể cả bố mẹ với con cái. Người ta có thể dùng sức mạnh của quyền lực, của tài sản hay các luật lệ để buộc những kẻ khác phải thần phục, phải chấp nhận hy sinh cho mình, nhưng đó chỉ là sự áp đặt chứ không phải ý thức tự nguyện.

          Nhân Cách: Đó là cách ứng xử, phản ứng của một cá nhân với những tác động đến với mình, chính những cách ứng xử này tạo ra cho bản thân một ý thức về nhân vị. Nếu chúng ta để cho lòng ham muốn hay sự sợ hãi chiếm hữu thì chúng ta sẽ trở nên lệ thuộc vào những sức mạnh đến từ bên ngoài. Từ đó, chúng ta tự đánh mất đi giá trị của chính mình.

Như vậy Giá trị bản thân là những phẩm chất sẵn có nơi con người, nó khiển cho con người có lòng tự trọng, sự tự tin vào bản thân và bảo vệ họ trước những tác động của môi trường sống chung quanh họ.

Nhưng giá trị sống của mỗi người lại tùy thuộc vào ý thức và cách ứng xử của người đó để có thể phát triển hay bị suy giảm, thậm chí là có thể bị đánh mất hay không nhận ra, vì họ không nhận được sự giáo dục thích hợp khi còn nhỏ hoặc họ phải sống trong một môi trường không tôn trọng nhân quyền. Vì thế những hoạt động giáo dục về nhân cách cho trẻ em trong gia đình, giáo dục lối sống cho học sinh trong nhà trường, và giáo dục nhận thức cho công dân là những tác động tích cực để phát triển các giá trị sống tiểm ẩn cho những đối tượng này.

Những tấm gương xấu của phụ huynh, những biện pháp giáo dục lạc hậu, áp đặt của nhà trường và những luật lệ nhập nhằng, mơ hồ của xã hội sẽ làm suy giảm các giá trị sống, từ đó đưa đến những hậu quả xấu, không chỉ gây ra tác hại cho các cá nhân, mà nó còn ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình và xã hội. Nói cách khác, hậu quả tai hại của những biện pháp giáo dục sai lệch sẽ trở nên “gậy ông đập lưng ông” cho chính các hệ thống đã vô tình hay cố ý áp dụng chúng.


 

2/ Khám phá giá trị bản thân

Trong phạm vi gia đình của một số nền văn minh, thì cha mẹ là người tạo dựng nên con cái, con cái mặc nhiên là sở hữu của cha mẹ, cha mẹ có quyền gả bán và quyết định cả sự sống chết . Nhưng dần dần, người ta nhận ra giá trị bản thân phải được hình thành ngay từ nhỏ, và được sự chấp nhận và tôn trọng ngay từ trong gia đình, thì nhân cách con người mới được phát huy và xã hội mới phát triển.

Từ đó, đã có những quan điểm nhìn nhận Nhân vị con người ngay từ nhỏ, và đứa trẻ cũng được xem là một con người có những giá trị ngang với một người trưởng thành. Vì thế trong việc giáo dục xuất hiện những quan điểm như : Lấy trẻ làm trọng tâm, tôn trọng và lắng những phản ứng của trẻ, chấp nhận và cảm thông những cảm xúc để có sự hướng dẫn phù hợp, không được quyền hành hạ, đánh đập trẻ em .v.v.v

Trong những nền giáo dục tiên tiến, người ta nhận rằng không chỉ là sự tôn trọng, mà còn phải biết xác định những nhu cầu về mặt tinh thần của trẻ, biết xây dựng những biện pháp chăm sóc, giáo dục phù hợp với sự phát triển về nhận thức, thì mới có khả năng khơi gợi và phát triển những năng lực và giá trị bản thân của trẻ. Và những đứa trẻ có được ý thức giá trị về bản thân một cách vững vàng thì sẽ không rơi vào những tệ nạn xã hội, sẽ là những tiềm năng phát triển của đất nước trong tương lai.

Như vậy. cha mẹ sẽ phải làm gì để giúp trẻ ? Chúng ta hãy giúp các em hình thành được 3 yếu tố quan trọng là :

          Kỹ năng định vị bản thân

          Kỹ năng xây dựng những giá trị tinh thần

          Phát triển các năng lực về cảm xúc và có được tinh thần lạc quan, tư duy tích cực.

 

3/ Xây dựng giá trị Bản thân:

Kỹ năng Định vị bản thân:

Trong quá trình phát triển về mặt tâm lý, sau giai đoạn phát triển về vận động và ngôn ngữ, thì khi được 3 tuổi, trẻ bắt đầu ý thức về cái TÔI – trẻ phân biệt được bản thân và những người xung quanh, mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng trẻ bắt đầu biết nhận ra những cái gì thuộc về mình, phân biệt được không gian trong nhà, ngoài đường. Ý thức được cái quyền của mình trong gia đình với người thân, đặc biệt là với người mẹ. Trẻ cũng bắt đầu có những nhu cầu về sự tôn trọng, và cả sự “lấn lướt” và đòi hỏi “được voi đòi tiên” không có giới hạn nếu gặp sự nhân nhượng của người lớn.

Vì vậy, cha mẹ cần giúp trẻ sớm nhận ra các yếu tố sau :

Khái niệm về không gian : Phân biệt được trong nhà, trong phòng ăn, phòng tắm, ngoài ngõ, ngoài sân. Khái niệm về Trước/ sau – Trong/ngoài

Bé nhà ở đâu ? ( Nhà bé ở đường Lê Quang Định – Bình Thạnh TP.HCM ) Bé học trường nào ? ( Bé học trường Mẫu giáo 14 )

Khái niệm về thời gian : Buổi sáng / trưa/ chiều / tối – trước khi/ trong khi/ sau khi …

Khái niệm về xã hội: Trẻ con ai ( Con Bố Tuấn/ mẹ Nga ) Học trường Mẫu Giáo Hoa Phượng… Nhà ở đường Lê quang Định – Bình Thạnh TP.HCM.

Điều cần thiết hơn là bé phải biết các giới hạn :

Giới hạn về không gian : Chỗ nào trong nhà được chơi, chỗ nào không được chơi

Giới hạn về thời gian: Thời gian để ăn/ để chơi / để học/ để nghỉ ngơi … thế nào là đủ.

Giới hạn về nhu cầu: Nhu cầu về ăn/mặc nhu cầu giải trí, nhu cầu có các đồ chơi, đồ dùng…sao cho phù hợp với gia đình và độ tuổi của trẻ.

Ngoài những yếu tố cơ bản trên, cha mẹ cần lưu ý để khám phá những năng lực, sở thích và ưu khuyết điểm của bản thân:

Về trí tuệ : Trẻ có ưu điểm về loại trí tuệ nào: Về ngôn ngữ – tư duy logic – về không gian (thị Giác ) về Âm nhạc ( thính giác) về vận động ( khéo léo ) về tương tác ( Giao tiếp xã hội) và về Nhận thức ( Nội tâm )

Đối với giáo viên, thì đây là những yếu tố mà người làm công tác giáo dục cần biết khi trẻ bước vào lớp Một hoặc ít nhất là trong cấp Tiểu học hay trong các khóa học về Kỹ năng sống, giáo viên cần cộng tác với gia đình để khám phá ra những năng lực của trẻ. Có thể là trẻ có nhiều năng lực, trong đó có những năng lực mạnh và năng lực kém. Cũng có những trẻ chỉ có được một năng lực, thậm chí không có năng lực nào ( Đây là trường hợp trẻ kém phát triển trí tuệ).

Bên cạnh trí tuệ, cha mẹ và giáo viên cũng lưu ý đến sở thích ( những điều trẻ thích, quan tâm và cả những điều trẻ không thích ) cũng như các ưu điểm và khuyết điểm của trẻ. Từ đó có những biện pháp giúp trẻ phát huy những điểm mạnh, kiểm soát và hạn chế những điểm yếu.

Chúng ta cũng cần Hiểu và áp dụng được nguyên lý xây dựng sự tự tin, kiên định và quyết đoán cho trẻ thông qua các hoạt động giáo dục tại gia đình và nhà trường. Chúng ta hãy để trẻ chọn lựa : Chọn lựa món ăn, chọn quần áo mặc khi đi chơi, chọn chỗ đi chơi.

Trong lớp học, trẻ cũng có thể có những chọn lựa về đồ chơi (cấp mẫu giáo) chọn lựa vị trí ngồi học trong lớp . Trong một số hoạt động giao tiếp, chúng ta cần tạo cơ hội cho trẻ có điều kiện để chọn lựa. Khi đặt câu hỏi với trẻ, ta cũng nên dùng các loại câu hỏi mở (như thế nào?) hơn là những câu hỏi đóng (Có/không) Nhất là cần lưu ý giúp trẻ phát huy tính tự giác trong các hoạt động hằng ngày và trong các hoạt động vui chơi .


 


Hình thành các giá trị sống cốt lõi :

            Giá trị sống là những đức tính cơ bản để trẻ phát triển nhân cách, những giá trị sống này được hình thành và phát triển trong một môi trường gia đình và giao dục lành mạnh. Chủ yếu trong độ tuổi học sinh các em cần được hướng dẫn để phát triển:

          2 giá trị sống cho bản thân: yêu thương & trung thực

          2 giá trị sống hướng đến người khác: tôn trọng & khoan dung

          2 giá trị sống hướng đến cộng đồng: trách nhiệm & đoàn kết

Trên thực tế, các giá trị sống này được hình thành từ nếp sinh hoạt trong gia đình, qua thái độ ứng xử và làm gương của người lớn. Không một biện pháp giáo dục nào, dù khoa học hay tiên tiến đến đâu có thể tác động đến một đứa trẻ phải sinh ra và lớn lên trong một môi trường gia đình không ổn định, thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, không có sự trung thực giữa cha mẹ, lấy những biện pháp giao tiếp thiếu trung thực làm cơ sở.

Có nhiều gia đình hay các bậc cha mẹ cho rằng chỉ cần bỏ một số tiền lớn, bỏ một chút thời gian đưa con đến các lớp giáo dục kỹ năng sống hoành tráng, với những chương trình tôn vinh cái tôi bằng những ảo vọng về sự tài giỏi và khác biệt, trong một vài buổi học siêu tốc từ sáng đến chiều, hay trong vòng vài buổi là có thể giúp con hình thành những giá trị sống cho bản thân.

Đó là một hoạt động cực kỳ nguy hiểm vì không chỉ tạo ra cho các em và cha mẹ các em những ảo tưởng về kỹ năng sống và giá trị sống, tạo ra một lớp người nhân danh những điều tốt đẹp nhất của con người chỉ với mục đích thu lợi nhuận với lập luận là họ bán những sản phẩm trí tuệ cao cấp, thì họ có quyền hưởng thụ những lợi nhuận còn cao hơn cả những giá trị họ bán !

Những sản phẩm giáo dục siêu tốc về giá trị sống còn góp phầm tạo nên sự khủng hoảng về niềm tin, củng cố một quan điểm cực kỳ tệ hại : Điều gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng …nhiều tiền !

Vì vậy, trong việc giáo dục những giá trị sống và kỹ năng sống cho trẻ, dù đó là một nhu cầu của cấp bách của xã hội, thì những nhà giáo dục, những bậc phụ huynh cũng cần phải có sự tỉnh táo, chừng mực và xây dựng các biện pháp giáo dục con em mình trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng trẻ và phải hiểu rằng, đó là những hoạt động thường xuyên, rất bình thường trong cuộc sống, trẻ được hấp thu một cách tiệm tiến, từng bước trong một quá trình phát triển lâu dài, chứ không phải là một sản phẩm kinh doanh với những nguyên tắc giáo dục cấp tốc hay rời rạc từng giá trị, từng kỹ thuật theo nguyên tắc : Tiền nào của đó, mua gì bán đó, cần gì dạy nấy !


Giá trị sống cho bản thân :

Yêu thương : Đây là nền tảng cơ bản nhất cho mọi giá trị, không có sự yêu thương thì không có tình cha mẹ, không có lòng hiếu thảo, không có sự quan tâm đến kẻ khác và cũng không có lòng yêu nước.

Thế nhưng, yêu thương là sự quan tâm, là sự chấp nhận và tôn trọng chứ không phải là sự chiều chuộng, là sự bất chấp hay hy sinh mù quáng, và cũng không có sự sùng bái một cá nhân, một đối tượng hay một chủ thuyết nào. Yêu thương cũng phải có sự chừng mực và có sự tỉnh táo của lý trí.

Trung thực: Đây là một giá trị đơn giản nhưng rất khó thực hiện, bởi có những yếu tố dễ dàng tác động để tạo nên sự thiếu trung thực : Chỉ nói một phần sự thực ( trong hoạt động tuyên truyền, quảng cáo ) chỉ nói những sự thực có ích lợi ( cho bản thân, gia đình hay cho tập thể), chỉ nói những điều được phép nói ( trong hoạt động truyền thông và cả giáo dục!) vì thế, một nguyên tắc để xây dựng tính trung thực cho trẻ là :

          Giữ lời hứa: Vì thế hãy thận trọng khi hứa, và chỉ hứa những gì có thể làm được.

          Có sự Tin tưởng : Hãy tin tưởng vào trẻ, không nghi ngờ và nên có suy nghĩ tích cực cho những lời nói và hành động của trẻ. Trẻ chỉ tin tưởng những người tin tưởng chúng !

          Không gây hại : Hãy nói đúng nhưng điều đó không gây hại cho bản thân và cho người khác!

 

Giá trị sống hướng đến kẻ khác:

Tôn trọng: Trẻ cần được hướng dẫn để biết tôn trọng người khác, không chỉ là những người lớn trong gia đình mà còn là những người trong xã hội. Chúng ta dạy trẻ sự tôn trọng qua những giá trị về tư cách, về cách cư xử mà người lớn đối đãi với các em chứ không qua địa vị, bằng cấp hay tiền bạc mà họ có. Điều quan trọng là trẻ cần phải được tôn trọng thì mới có được sự tôn trọng với người khác.

Khoan dung: Người ta thường nghĩ rằng, khoan dung là thái độ của người lớn với trẻ, kẻ bề trên với người cấp dưới, nhưng chính trẻ cũng phải có lòng khoan dung để không khinh chê, nhạo báng, coi thường những người nghèo khổ, khó khăn và không xét nét, phê phán kẻ khác. Trẻ cũng học được lòng khoan dung khi được sống trong một môi trường giáo dục không có sự áp đặt, trong bầu khí không có sự phê phán, miệt thị của người lớn đối với các em.

 

Giá trị sống hướng đến cộng đồng :

Trách nhiệm: Trẻ cần được tập để nhận biết trách nhiệm về mình ngay từ nhỏ, từ việc có thể chọn lựa, nhưng không được thay đổi quyết định của mình khi đã chọn lựa cho đến việc không đổ thừa cho người khác hay các yếu tố bên ngoài cho các sai lầm của mình.

Đôi khi trong cách giáo dục của cha mẹ lại vô tình khuyến khích việc đổ lỗi của con cái qua việc trách phạt không hợp lý khi trẻ nhận lỗi hoặc chính cha mẹ cũng làm gương cho con trong cách sống vô trách nhiệm của mình

Đoàn kết: Chúng ta thường dạy trẻ đoàn kết bằng khẩu hiệu chứ không bằng các hoạt động thiết thực, vì thế việc hướng dẫn trẻ biết quan tâm, tôn trọng thông qua các hoạt động sinh hoạt nhóm từ trong gia đình đến nhà trường là nền tảng cho sự phát triển tính đoàn kết của trẻ sau này.

Từ các yếu tố trên, cùng với sự phát triển về thể chất và trí tuệ, trẻ sẽ hình thành những ý thức về giá trị của bản thân, để có đủ nội lực đứng vững trước những tác động xấu từ bên ngoài. Quá trình giáo dục giúp trẻ phát triển những giá trị bản thân không phải là những bài học theo kiểu mì ăn liền, tác động ào ạt bằng các biện pháp “khoa học – tiên tiến” có giá trị “Quốc tế” mà phải là những hướng dẫn chăm sóc xuất phát từ tấm lòng thương yêu, tôn trọng với sự kiên trì và nhẫn nại theo thời gian và luôn luôn cái bệ xuất phát phải là một môi trường gia đình có tình yêu thương, có sự tin tưởng và có lòng tôn trọng giữa các thành viên. Đây là những yếu tố không thể mua bằng tiền dù với bất cứ giá nào !

CvTl Lê Khanh

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý