Kỹ năng sống – Dạy và học như thế nào ?
08/07/2014
Chiến thắng bản thân
19/07/2014
Kỹ năng sống – Dạy và học như thế nào ?
08/07/2014
Chiến thắng bản thân
19/07/2014

Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc về thí dụ có hai cách nhìn cùng một vấn đề . Một người khi nhìn thấy một ly nước còn phân nửa, thì nói : May quá, còn đến nửa ly nước. Người khác thì lại bảo: Tệ thật, chỉ còn có nửa ly nước !

Cũng chỉ là nửa ly nước nhưng có 2 cách nhìn khác nhau ! Chúng ta sẽ tán thưởng cách nhìn của người thứ nhất, nhưng trong cuộc sống thì lại thường áp dụng cách nghĩ của người thứ hai !

 Tại sao ?

Bởi vì, người ta thấy rằng nhìn thấy cái xấu thì dễ hơn là tìm ra cái tốt ! Một người bạn khoe với ta một cái điện thoại đời mới, miệng ta suýt xoa : Chà, bảnh quá, có đt xịn quá ! nhưng trong bụng ta lại nghĩ : Có gì ngon đâu, mai mốt ta sẽ có một con điện thoại còn ngon hơn nhiều!

Nhưng, chắc các em không biết rằng : Khi nghĩ xấu cho người khác bằng những tư tưởng xấu xa thì ta đã đầu độc chính mình !

 Chúng ta biết rằng Con người được hình thành với hai yếu tố là Tinh thần và thể xác. Đây là 2 yếu tố luôn gắn bó cùng nhau để giúp chúng ta sống và làm việc, vui chơi và giải trí, nói chung là giúp chúng ta tồn tại trong thế giới này.

 Bạn biết rằng để có một cơ thể khỏe mạnh, ta phải ăn và uống, chính xác hơn, ta phải ăn và uống những thứ bổ dưỡng cho cơ thể. Do đó thực phẩm bổ dưỡng là nhu cầu cần thiết cho cơ thể ta. Vậy còn tinh thần của chúng ta, thì cần “thực phẩm bổ dưỡng” gì?

Đó chính là những “suy nghĩ tích cực


Vậy suy nghĩ hay tư duy tích cực là gì?

Có thể hiểu một cách ngắn gọn về tư duy tích cực như sau:

Một đầu óc tích cực luôn suy nghĩ và đề cập đến sự vui sướng, hạnh phúc, lành mạnh và kết quả sẽ tạo nên những yếu tố dẫn đến thành công trong mọi tình huống, mọi hành động.

 Tư duy tích cực là :

         Nhìn mọi vật theo chiều hướng tốt

         Có khả năng tìm ra cái tốt trong cái xấu

         Hướng mọi suy nghĩ, nhận định theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Có một nhận định cho rằng :Bạn là cái bạn nghĩ. Bạn cảm thấy cái bạn muốn

         Câu trên có nghĩa là : những suy nghĩ bên trong (nội tại) của bạn sẽ điều khiển bạn trở nên cái bạn mong muốn.

Vì thế : Nếu bạn nghĩ rằng bạn là một người bất tài, vô dụng thì quả thật bạn sẽ ngày càng trở nên bất tài và vô dụng.

Nếu bạn cảm thấy rằng cơn bệnh cúm bạn đang mắc phải là hết sức nặng nề và mệt mỏi, bạn sẽ ngày càng mệt mỏi và suy sụp với cơn cảm cúm này.

 –         Nếu bạn thấy rằng Thày giáo của bạn thật khó ưa và đáng ghét thì mỗi lần gặp mặt người đó, chỉ càng làm bạn thấy chán ghét hơn và kết quả là bạn ghét luôn cái môn mà “thằng chả” dạy cho mình và kết quả : Ông thầy thì chả sao còn việc học của bạn ngày càng đi xuống !

Bởi vì có ai học giỏi được cái môn mà mình không ưa ?

 Chúng ta nên biết rằng cuộc sống hàng ngày của mỗi người luôn bị điều khiển bởi các suy nghĩ bên trong đầu óc của mình, dù chúng ta có ý thức hay không có ý thức về điều đó. Do đó, từ những suy nghĩ nội tại, những quan điểm cá nhân khác nhau, sẽ dẫn đến các kết quả khác nhau:

– Có người luôn vui vẻ và năng động, nhưng cũng có người luôn mệt mỏi và buồn chán.
– Có người cảm thấy việc học hỏi là thú vị, nhưng cũng có người thấy việc học hành là một hình phạt ngạt thở.

– Có người cảm thấy thất bại thật đáng giá vì đem lại nhiều bài học, nhưng cũng có người cảm thấy thất bại là kết thúc mọi thứ.

 Do đó, hãy tự hỏi chính bản thân bạn rằng:

Bạn muốn sống cuộc đời như thế nào? Buồn chán và ảm đạm? Vui vẻ và lành mạnh? Ngập trong stress? Luôn cáu kỉnh và bực bội? hay chấp nhận với một tinh thần khoan dung và thoải mái ?

 Theo nhiều nghiên cứu, suy nghĩ tích cực đem lại cho bạn rất nhiều ích lợi:

Đạt được các mục tiêu bạn đặt ra và đạt được sự thành công trong cuộc sống.
Đạt được thành công nhanh hơn và dễ hơn.
Vui vẻ hơn.
Nhiều năng lượng sống hơn.
Sức mạnh nội tại của bạn sẽ ngày càng mạnh hơn.

Không những thế, với tư duy tích cực, bạn còn có thể làm cho sự tự tin và lạc quan lan tỏa ra trong môi trường sống , qua đó :
Có khả năng thôi thúc và truyền cảm hứng cho bạn và những người xung quanh.
Khả năng vượt quá khó khăn và stress trong công việc và cuộc sống sẽ được nâng cao.
Ngày càng tự tin vào bản thân hơn.

 Điều này sẽ đem lại hiệu quả :

Cuộc sống sẽ mỉm cười và trao tặng cho bạn nhiều cơ hội hơn.
Những người xung quanh sẽ ngày càng tôn trọng bạn hơn.

Nên nhớ : Những người có suy nghĩ tích cực thường là những người thành công trong những hoàn cảnh bình thường, và chính họ cũng thường là những người còn sống sót trong những tình huống khó khăn, nguy hiểm của cuộc sống.


 

Ta sẽ phải làm gì để hình thành tư duy tích cực

Không phải tự nhiên mà ta có thể hình thành những tư duy tích cực cho bản thân, mà đó là một quá trình rèn luyện không đơn giản, vì thay đổi những suy nghĩ hay những quan điểm, thành kiến trong nội tâm là một điều cực kỳ khó. Vì thế, hãy bắt đầu

         Thay đổi các suy nghĩ

         Thực hiện mô hình 3 C ( Commitment: Cam kết – Control: Quản lý – Challenge: Thử thách )

         Vận dụng Nguyên tắc : 10/90 : 10% cuộc đời là những gì xảy đến với bạn
90% cuộc đời là do phản ứng của bạn đối với những chuyện xảy đến.

 1/ Thay đổi suy nghĩ :

         Nghĩ đến một niềm vui, một điều tốt đẹp khi bắt đầu cho một ngày làm việc. thay vì nhớ lại chuyện buồn phiền ngày hôm qua !

         Đặt ra một mục tiêu phải hoàn thành trong ngày , và chỉ là một mục tiêu đơn giản, một chuyện thôi !

         Nghĩ về một vấn đề : Mình có thể làm điều gì tốt hơn ? và cũng hãy làm một điều tốt đơn giản , chỉ cần 1 điều tốt là đủ !

 2/ Thực hiện Mô Hình 3C :

Cam kết: Hãy đặt ra một cam kết tích cực cho bản thân bạn, cho việc học hành của bạn, cho công việc của bạn hoặc cho bất cứ việc gì khác và hãy thực hiện việc đó một cách nhiệt tình và say mê.

 Quản lý: luôn tập trung đầu óc của bạn vào những việc quan trọng và có ý nghĩa. Đưa ra các mục tiêu và tính ưu tiên cho mỗi việc bạn nghĩ và làm. Hãy luôn thành thật với bản thân, kiểm tra xem bạn đã làm được gì và chưa làm được gì trong các mục tiêu đã đề ra.
Luôn giữ đầu óc hướng đến các suy nghĩ tích cực, mỗi khi phát hiện các suy nghĩ tiêu cực đang bắt đầu xâm chiếm đầu óc mình, hãy nhanh chóng thay thế chúng bằng các suy nghĩ tích cực.
Do đó, hãy luôn theo sát sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.

 Thử thách: Hãy can đảm thay đổi những thói quen, suy nghĩ tiêu cực của mình mỗi ngày. Hãy tập cách nhìn việc học và những sự thay đổi là các cơ hội cho bạn. Hãy thử làm điều khác điều mình vẫn làm thường ngày, hãy nhìn ra nhiều lựa chọn khác nhau cho mỗi sự việc.
Bạn càng nhận ra rằng đứng trước một sự kiện, một con người, bạn càng có nhiều “góc nhìn” thì bạn sẽ càng thoải mái hơn và có nhiều “lựa chọn” để quyết định hơn. Và hãy nhớ, luôn lựa chọn mặt tích cực của vấn đề.

 3/ Nguyên tắc 10/90 :

Trong một ngày hoạt động, luôn luôn có những sự kiện xảy đến với bạn, và bạn thường có một phản ứng để đối phó với những điều đó. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, thực ra chỉ có 10% cuộc sống được hình thành do những điều đang xảy ra với bạn, trong khi có đến 90% cuộc sống được hình thành bởi những cách mà bạn phản ứng với những sự kiện đó.

 Điều này có ý nghĩa gì ?

Chúng ta không thể tác động hay thay đổi được những gì xảy đến cho chúng ta :

         Bạn không thể làm cho đèn xanh hay đỏ trên đường nhanh hơn hay chậm hơn

         Bạn không thể làm cho chiếc xe không bị hư máy

         Bạn không thể ngăn con em của bạn đánh vỡ cái ly …

 Nhưng bạn có thể :

         Quyết định dừng lại hay chạy nhanh hơn

         Quyết định mang chiếc xe đi sửa hay bỏ lại ở nhà

         Quyết định la mắng hay chỉ nhắc nhở bé cẩn thận hơn.

 Một vài cách áp dụng nguyên tắc 10/90

         Nếu có ai đó nói điều gì không hay về bạn, đừng bận tâm về điều đó. Hãy phản ứng một cách thích hợp để điều đó không làm hỏng một ngày làm việc của bạn

         Khi bạn bị kẹt xe, thay vì nghĩ đến những điều tồi tệ vì mình không đến đúng giờ khiến ta không còn tỉnh táo để không chạy vượt qua bên trái, mà hay bình tĩnh từ từ di chuyển để ra khỏi cái mớ bòng bong đó.

         Bạn bị mất một số tiền, hay mua lầm một món hàng quá đắt. Thay vì nguyền rủa và đi kiếm lung tung, bạn sẽ mất thêm một số thì giờ. Hãy bỏ qua để thì giờ vào việc làm tạo ra tiền mới, hay có thể tìm kiếm một món hàng phù hợp hơn.

 Một vài nguyên tắc :

– Học cách thúc đẩy và khuyến khích bản thân.

Học cách phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề, các kỹ năng sáng tạo.

Học cách thư giãn và tự thưởng công cho mình.

Xem các bộ phim hay và có yếu tố tích cực, nghe các bài nhạc vui vẻ, thưởng thức những bức ảnh đẹp.

Trao đổi nhiều hơn với người khác.

Hãy kết giao với những người có suy nghĩ tích cực và tránh xa những người luôn có những suy nghĩ tiêu cực và u ám.

Hãy luôn mỉm cười, nhiệt tình và dễ mến.

Hãy luôn nhìn vào mặt tích cực của một vấn đề.

(Hình ảnh nửa ly nước gợi cho bạn về suy nghĩ: Ly nước đã vơi đi một nữa hay ly nước chỉ mới đầy một nữa? Cơn cảm cúm này là một thứ đáng ghét hay nó là cơ hội để bạn thư giãn và nghỉ ngơi?)

– Luôn tìm ra ít nhất một điểm đáng học hỏi từ những đồng nghiệp xung quanh.

– Luôn tích cực làm việc hết mình, tránh để ứ đọng công việc từ ngày này sang ngày khác.

– Hãy tự tin vào bản thân mình trong công việc và cuộc sống.

– Nếu gặp khó khăn và không vượt qua được, hãy hỏi nhờ sự giúp đỡ từ những người giàu kinh nghiệm hơn, có thể là bạn bè, thày cô hay tốt hơn là một chuyên viên tâm lý.

 Có bao nhiêu loại tư duy ?

Người ta thống kê rằng mỗi ngày trí óc ta sản sinh ra khoảng 30.000 đến 50.000 ý nghĩ. Trong con số khá lớn này, liệu có bao nhiêu ý nghĩ là có ích và bao nhiêu đã làm mất năng lượng một cách vô ích? Để phân loại chúng, người ta chia ý nghĩ thành bốn nhóm:

Tư duy Tích cực: Là những suy nghĩ có lợi không những cho mình mà cho cả người khác như: tự tin, lạc quan, yêu thương, bao dung, đoàn kết…

Tư duy Tiêu cực: Là những suy nghĩ làm tổn hại đến mình và đến người khác như: tự ti, ganh tỵ, mặc cảm, ích kỷ…

Tư duy Lãng phí: Là những suy nghĩ “rác”, nghĩ vơ vẩn về những gì đã qua hoặc chưa đến làm tiêu hao năng lượng và mất thời gian của hiện tại.

Một thí sinh trong phòng thi mà lại mơ tưởng đến chuyến đi nghỉ sắp tới hay tưởng tượng thầy giám thị tặng cho đáp án thay vì tập trung vào làm bài thì thật là đang tư duy lãng phí.

Tư duy Cần thiết: Là những suy nghĩ cần thiết về công việc đang phải làm, đang phải giải quyết.

Như thầy cô giáo thì phải suy nghĩ về bài giảng, diễn viên suy nghĩ cách nhập vai hay người hùng thì phải nghĩ cách chứng minh điều đó…

Lối tư duy góp phần quyết định chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta. Tất cả các ý nghĩ sinh ra dù cần thiết hay không, dù tiêu cực hay tích cực thì nó cũng làm ảnh hưởng đến cảm xúc, lời nói và hành động. Và vô hình trung nó cũng sẽ ảnh hưởng hoặc tốt hoặc xấu đến chúng ta tùy theo điểm xuất phát của nó thuộc loại tư duy nào.

 Chúng ta sẽ Vận dụng tư duy tích cực như thế nào ?

Việc hình thành và phát triển tư duy tích cực không chỉ giúp ta có thể áp dụng cho bản thân mà còn có thể tạo ra nhiều thuận lợi trong các mối quan hệ. Ta có thể áp dụng tư duy tích cực trong ba lĩnh vực:

 –         Vận dụng qua các hoạt động bản thân : Hình thành và vận dụng trong việc xây dựng các hoạt động và ứng phó với những tác động đến từ bên ngoài.

            Vận dụng qua các hoạt động nhóm: Trong cách ứng xử với những thành viên khác trong các nhóm (nhóm bạn / nhóm lớp/ đồng nghiệp) Ta nên có những suy nghĩ tích cực về lời nói và hành động của họ. Không lạc quan tếu nhưng cũng không có những suy diễn theo chiều hướng tiêu cực về cách ứng xử của họ. Bên cạnh đó, trong giao tiếp ta nên dùng nhiều cách nói mở ( tạo cơ hội để người khác nói ra quan điểm một cách linh hoạt ) hơn là dùng cách nói đóng ( dùng câu hỏi dạng có / không )

Ví dụ : Nên nói: Tôi nghĩ như thế này – theo ý bạn thì sao ? thay vì nói: Bạn có đồng ý với điều này không ?

 

         Vận dụng qua Giao tiếp/ ứng xử. Trong cách giao tiếp, ta luôn có thái độ tự nhiên, lạc quan và chú ý lắng nghe nhiều hơn là nói nhiều, nhất là không áp đặt cách nói của ta lên cách nói của người khác. Hãy nhìn ra những điểm tích cực trong lời nói và hành vi của người khác và cũng đáp ứng lại theo chiều hướng đó.

 Tư duy tích cực là một yếu tố đem lại cho chúng ta không chỉ là niềm vui, sức khỏe mà còn là cánh cửa mở ra cho chúng ta những khả năng giao tiếp tốt đẹp. Đem lại kết quả cho cuộc sống và dẫn ta đến sự thành công

 

Cv.Tl Lê Khanh

Trung tâm TVTL-DTKN RỒNG VIỆT VŨNG TÀU

 


 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý