Để nuôi dưỡng sự tự tin cho con
25/09/2015
Tiếng Việt còn – nước Việt còn
03/10/2015
Để nuôi dưỡng sự tự tin cho con
25/09/2015
Tiếng Việt còn – nước Việt còn
03/10/2015

Có một phóng viên đặt vấn đề là có vẻ như tình trạng thiếu niên ngày càng gia tăng trong xã hội Việt Nam ngày nay và lý do là do nhận thức của các em chưa hoàn thiện và việc đưa các em vào trường Giáo dưỡng cũng chưa phải là biện pháp hiệu quả vì thời gian 2 năm là chưa đủ. Vậy thì đâu là giải pháp.

Có phải thiếu niên phạm pháp ngày càng gia tăng ?

Có thể nói trong bất cứ thời đại của xã hội Việt Nam nào từ trước đến nay tình trạng thanh thiếu niên phạm tội   từ khi còn chiến tranh cho đến khi hòa bình tái lập hơn 40 năm nay, đều hiện hữu dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Khó có thể nói là trước đây thì ít mà bây giờ thì nhiều – Vì nếu muốn nói như thế, ta phải có khảo sát thống kê về xã hội học với những số liệu cụ thể mới có thể đưa ra nhận xét trên.  Chúng ta có cảm tưởng như tình trạng phạm pháp của thanh thiếu niên có vẻ gia tăng một phần do việc thông tin qua các phương tiện truyền thông ngày một nhiều, một nhanh hơn.  Một hành vi tội ác có thể nhanh chóng được đưa lên mạng xã hội và phổ biến khắp thể giới chỉ trong vòng vài phút. Điều đó không có nghĩa là tội phạm nhiều hơn vào thời chưa có internet.

Ngoài ra, khi nói rằng do tâm lý thanh thiếu niên chưa hoàn thiện, còn nhiều suy nghĩ lệch lạc nên dễ rơi vào tình trạng mất kiểm soát cũng không đúng. Chúng ta hiểu rằng, con người là một sinh vật xã hội, nhân cách và hành vi được hình thành qua sự học hỏi và bắt chước lẫn nhau ngay từ khi còn bé . Một đứa trẻ sinh ra ở một môi trường xấu thì rất khó cho em có được những hành vi và thói quen tốt, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là khi sinh ra và lớn lên trong một môi trường tệ hại, xấu xa thì tất cả các trẻ em đều trở thành tội phạm. Mà đôi khi chỉ cần một tác động, một hành vi nhân ái của một ai đó cũng có thể khiến cho các em vượt lên những ảnh hưởng xấu để trở thành một người tốt hay không phạm tội.  Một điều nữa, nhân cách của trẻ em là hệ quả của một tiến trình phát triển tâm lý lâu dài, một số sang chấn tâm lý từ thủa còn thơ cũng có thể gây ra tác động khi các em bước vào lứa tuổi thiếu niên, chứ không hẳn chỉ là sự yếu kém về nhận thức trong lứa tuổi dậy thì là nguyên nhân của tội phạm.

Các em phạm tội do nhận tthức còn non kém, ý thức về đạo đức chưa đầy đủ ?

Tâm lý của trẻ vị thành niên không phải là non yếu so với lứa tuổi trưởng thành mà đó là những xáo trộn theo từng chu kỳ, từng giai đoạn cùng với sự biến đổi của cơ thể  dưới ảnh hưởng của các kích thích tố ( hocmon ) Những giai đoạn 3 tuổi, 6 tuổi, 12 tuổi, 16 tuổi… là những đỉnh điểm của sự xáo trộn về cả tâm lý lẫn sinh lý . Điều đó cho thấy đó là những giai đoạn khó khăn, nhưng không ảnh hưởng gì đến việc phạm pháp hay nhữn hành vi xấu có thể đưa đến tù tội. Mà những hành vi xấu là hậu quả của rất nhiều yếu tố khác nhau, từ khả năng trí tuệ yếu kém cho đến những thói quen hình thành từ sự bắt chước các hành vi xấu của những người lớn xung quanh. Đó là chưa nói đến những lời nói, hành vi làm mất đi niềm tin yêu, kính trọng mà người lớn đã gây ra cho các em. Chính niềm tin bị mất đi ở những người em yêu thương và tôn trọng như bố mẹ, thầy cô và những người đại diện cho pháp luật mới là những tác động trực tiếp gây ra sự sụp đổ về nhân cách, đẩy các em vào những tình huống có thể  gây ra những phản ứng trái với những quy chuẩn của xã hội.


Việc đưa các em vào trường giáo dưỡng như thế nào là tốt ?

3/ Khi các em phạm tội, dù ít hay nhiều để bị đưa vào trường giáo dưỡng, thì dù là 1 năm, 2 năm hay thậm chí là 5 năm, việc thay đổi nhận thức hành vi của các em không phải do yếu tố thời gian, mà là do những biện pháp tác động. Nếu các em vẫn được nhìn nhận như một con người với đầy đủ nhân phẩm của nó, còn việc các em phải vào trường hay thậm chí là vào tù, thì đó chỉ là cái giá phải trả cho cái sai hay cái tội mà các em gây ra thì chỉ cần một thời gian ngắn, khi các em nhận ra sai trái từ hành vi của mình là các em đã có thể thay đổi.

Chúng ta phải  tách được hành vi phạm tội ra khỏi con người các em, chứ không thể gắn cho các em cái nhãn là kẻ du côn hay  là thằng ăn cắp . Chính việc dán nhãn tội phạm cho các em, có cái nhìn sai lệch về giá trị bản thân của các em mới khiến cho các em không thể hòa nhập với xã hội không chỉ là sau khi trở về gia đình, mà ngay trong trại giáo dưỡng, nếu những người quản lý và giáo dục các em vẫn nhìn các em dưới cái vỏ tội phạm, và xúc phạm các em bằng sự nhục mạ, coi thường chứ không phải là đến mức hành xác ( dù điều này không phải là hiếm ) cũng khiến cho thời gian trong trại sẽ hoàn toàn vô ích nếu không muốn nói là có khi còn biến các em trở nên  một tội phạm chuyên nghiệp hơn !

Trước đây, nhà giáo dục nổi tiếng của Nga là ông Makarencô, khi quản lý một trang trại có thể xem là một trại giáo dưỡng trẻ phạm pháp thời sau Thế chiến  lần II tại Liên xô lúc bấy giờ, ông đã thành công trong việc cải huấn các em do biết dựa vào lòng tin nơi các em, không phải sau khi các em đã cải huấn xong để trở về với cuộc sống bên ngoài. Mà ngay khi còn ở trong trại, khi những tư tưởng và hành vi xấu xa chưa thoát ra hết ở các em, ông đã tin tưởng vào chính những kẻ tội phạm nặng nề nhất. Điều đó mới thực sự là biện pháp giúp cho các em thay đổi. Trong khi đó, ngay cả với các em sau khi đã được giáo huấn tốt, trở về với địa phương với gia đình thì chúng ta vẫn còn thành kiến và nghi ngại. Thì thử hỏi, khi nhân cách các em chưa hoàn toàn “bình phục” thì sự nghi ngờ, kỳ thị, gây khó khăn cho các em sẽ là những cái ngáng chân khiến cho các em dễ dàng vấp ngã một lần nữa.

Trong cuộc sống thực tế, thì các em phạm pháp thường xuất thân từ những gia đình không toàn vẹn, có những vấn đề nghiêm trọng về kinh tế hay về tình cảm, mối quan hệ giữa bố mẹ với nhau và giữa bố mẹ và con cái không tốt đẹp. Vì thế, một trong những biện pháp để giúp các em không tái phạm thì môi trường sống của các em trong gia đình cần thay đổi, và điều này là một điều không hề dễ dàng. Chúng ta muốn các em thay đổi, muốn các em tin vào cuộc sống mà bố mẹ các em không thay đổi, môi trường và những người xung quanh các em không thay đổi thì có thể xem đó là một sự mong muốn không tưởng.

Như vậy vấn đề thiếu niên phạm pháp không phải là lỗi ở các em, mà chính là lỗi ở việc giáo dục và lỗi ở môi trường sống đã đẩy các em vào con đường phạm tội, và biện pháp để giúp các em không tái phạm là hãy thay đối cách nhìn nhận và ứng xử với các em bằng sự tin tưởng, tôn trọng và công bằng như mọi trẻ em khác trong xã hội với đầy đủ nhân phẩm và nhân vị.

Lê Khanh

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý