Giáo dục Kỹ năng sống cho trẻ nhỏ
29/04/2015
Quan tâm đến trẻ Hướng nội
09/05/2015
Giáo dục Kỹ năng sống cho trẻ nhỏ
29/04/2015
Quan tâm đến trẻ Hướng nội
09/05/2015

Không có chuyện vì một cú sốc tâm lý hay bị đối xử bất công, bạo hành tinh thần hay bị bỏ rơi mà thành tự kỷ. Trẻ tự kỷ không phải do cách nuôi dưỡng của bố mẹ, do gửi con cho người giúp việc, do xem tivi nhiều mà hình thành, mặc dù đến nay vẫn chua phát hiện ra nguyên nhân chính của chứng tự kỷ.

Vì vậy trẻ tự kỷ cần dược sự cảm thông của cộng đồng, tránh bị nhìn nhận như một đứa trẻ hư, kém vâng lời, có trí tuệ mà không chịu học.

Thông tin trên được tiến sỹ Đào Thu Thủy – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phân tích tại buổi hội thảo khoa học: “Truyền thông về chứng tự kỷ,” do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số và Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức ngày 2/4 tại Hà Nội, nhằm hưởng ứng ngày thế giới nhận thức chứng tự kỷ (2/4).

Hội thảo được tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia để hướng đến định hướng dư luận nhận thức đúng đắn hơn về chứng tự kỷ. Thông qua đó, các nhà truyền thông, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực này đã cùng nhau bàn luận, trao đổi ý kiến để đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông về vấn đề này.

Đã từ lâu, trên các diễn đàn xã hội và các phương tiện truyền thông thường xuất hiện 3 hình thức thông tin khác nhau về Tự kỷ.

Thông tin về những người mẹ, ông bố tự mày mò tìm cách “dạy” con và sau 5,7 năm đã “cứu được” con , đưa con trở lại là trẻ bình thường hay như một trẻ bình thường, có thể làm những điều mà các trẻ Tự kỷ khác không hay chưa làm được. Một đồn năm, năm đồn mười và lại nhen lên hy vọng ở các bậc phụ huynh.

Thông tin về những danh y, bác sĩ, nhà nghiên cứu đã sáng chế ra các phương pháp thần kỳ chữa khỏi được “bệnh” Tự Kỷ, nào là châm cứu, bấm huyệt, cấy chỉ cho đến thở oxy cao áp, hay thậm chí tập luyện kỹ năng sống cũng “hết” Tự Kỷ . Phụ huynh lại nháo nhác lên để hỏi nhau và hỏi các nhà chuyên môn…

Thông tin về những phương pháp cả tốt lẫn chưa tốt, nhưng phương pháp nào cũng kỳ công, đòi hỏi chuyên môn sâu, chi phí cao, thời gian học tập rất lâu… Có thể nói là chưa có một hội chứng rối loạn tâm lý nào lại có nhiều phương pháp ‘can thiệp” cho bằng chứng Tự kỷ. Phụ huynh lại chạy tới chạy lui hỏi thăm nhau, phương pháp nào tốt hơn. Chính thống hơn, được giới khoa học chấp nhận nhiều hơn ?

Trước bao nhiêu là thông tin như thế, phụ huynh không hoang mang mới là lạ ! Nhưng có một vấn đề mà chúng ta ít để ý tới, là Trẻ có tình trạng tự kỷ không có trẻ nào giống hoàn toàn về triệu chứng và nguyên nhân gây ra cho bé những rối loạn trong giao tiếp này. Các nhà chuyên môn thì tranh luận với nhau từng câu, từng từ trong chẩn đoán, cố gắng xác định đâu là nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ, đâu là sự phân loại theo DSM IV – hay DSM V …mà có điều hầu như các nguyên nhân nào đưa ra cũng có phần đúng !

Ngay cả cái nguyên nhân là do phụ huynh ham kiếm tiền, không chịu quan tâm giao tiếp, chăm sóc gần gũi nên đã gây ra cho con tình trạng này cũng không hẳn là sai. Có điều, đó không phải là nguyên nhân mà chỉ nên xem là những yếu tố nguy cơ, có thể làm tăng nặng hơn tình trạng của bé. Nó giống như là đã yếu mà lại còn ra gió, đã ho mà lại còn uống thêm nước đá vậy.

Các phụ huynh thường có tâm lý, có bệnh thì vái tứ phương, cố gắng tìm “ thầy hay, thuốc giỏi” để chữa cho con. Có người đưa con ra nước ngoài để tìm đến các trung tâm can thiệp “tối tân” và những phương pháp “tiên tiến” nhất. Điều này cũng không sai, nhưng đó là với các tật bệnh thông thường, mà những tiến bộ về y khoa và tâm bệnh lý có thể làm thay đổi được ! Nhưng tự kỷ lại là khác, đó là vấn đề của mỗi em, mà mỗi em lại khác nhau từ nguyên nhân, cách sinh nở, nuôi dưỡng và lớn lên trong một môi trường khác nhau … và như thế làm sao có thể cùng một ông thầy, cùng một phương pháp giống nhau mà có thể cải thiện được, chứ chưa nói đến là chữa trị cho trở thành trẻ bình thường.

Không biết cũng rối, mà biết nhiều cũng rối luôn ! Nhưng có thể nói rằng, hành vi của Phụ huynh không phải là nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ cho con. Nhưng các biện pháp can thiệp do phụ huynh áp dụng cho chính con mình, một cách có chọn lọc, biết cái gì là phù hợp với con, với điều kiện kinh tế của gia đình mình thì lại là yếu tố quan trọng để cải thiện được tình trạng của con em mình.

Phụ huynh cần xem các phương pháp, nguyên tắc hay bài tập mà nhà chuyên môn cung cấp cho mình là những nguyên liệu để chế biến những món ăn sao cho vừa với khẩu vị của trẻ. Có trẻ thích cay, thích chua, cũng có trẻ thích ngọt, thích mặn … Đôi khi phải biết rút tỉa ra những tinh hoa của phương pháp này, cái hay của phương pháp kia và cả sự phù hợp với tính cách của người Việt nữa, bởi vì hầu hết các phương pháp được kiểm chứng đều xuất phát từ nước ngoài.

Có thể xem đó là một phương pháp tổng hợp, và chúng ta cũng cần phải hiểu, bất cứ phương pháp nào cũng cần có thời gian, có sự kiên trì, có tính liên tục … Không có một phép mầu hay “mì ăn liền” ở đây.

Cuối cùng, dù trong hoàn cảnh nào, thì cũng không nên đưa ra những nhận định, kết luận hay thành kiến về các biểu hiện của con mình. Không thể ngồi nhà gọi điện cho nhà chuyên môn mà hỏi rằng, con tôi như thế này, như thế kia thì phải chăng là có tình trạng tự kỷ. Sau đó yêu cầu qua những thông tin sơ sài đó, lại yêu cầu nhà chuyên môn gửi cho họ tài liệu, hay những bài tập gì đó để họ tập cho con mình. Nếu nhà chuyên môn từ chối, thì lập tức họ sẽ cắt liên lạc, đi tìm “thầy” khác “thuốc” khác . Thậm chí ngay cả khi có trong tay những tài liệu, bài tập… họ cũng chỉ xem qua cho biết và không đủ kiên nhẫn để áp dụng, và rồi vẫn cứ loay hoay tìm kiếm một cơ hội “ may thầy – phước chủ” cho con mình, vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền bạc một cách vô ích.

Trẻ bị tự kỷ không phải do phụ huynh, nhưng trẻ cải thiện tình trạng tự kỷ của mình thì lại do sự quan tâm và can thiệp một cách hiệu quả từ bậc thầy giỏi nhất : Đó chính là các phụ huynh với những kỹ năng được trang bị từ các nhà chuyên môn.

Lê Khanh

TT Rồng Việt Vũng tàu.

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý