Trung tâm Rồng Việt Vũng Tàu
09/04/2013
Giúp trẻ phát triển EQ
29/04/2013
Trung tâm Rồng Việt Vũng Tàu
09/04/2013
Giúp trẻ phát triển EQ
29/04/2013

Từ trước tới nay, Tuổi thơ là một trong những đối tượng “được” giới truyền thông, nhất là trong lĩnh vực truyền thanh truyền hình quan tâm nhiều nhất, bởi vì trẻ em không chỉ là sự ngây thơ, đáng yêu mà còn là sự quan tâm của các bậc cha mẹ và gia đình các em.

Một cháu bé lên truyền hình là đương nhiên đã có bao nhiêu là “fan ruột” từ cha mẹ đến họ hàng. Vì thế, không lạ khi có những chương trình truyền hình thực tế dành cho các em nhỏ như DOREMI, cho trẻ từ 9 – 15 tuổi như Giọng hát Việt Nhí, thậm chí là không giới hạn tuổi tác như chương trình Vietnam’s Got Talent… Liệu rằng các em có “đảm đương” nổi những thách thức do việc tham gia các chương trình này hay không ? Đứng về mặt tâm lý thì hầu như không có vấn đề gì, bởi vì với trẻ em, thực tế và tưởng tượng đều có giá trị như nhau, nói cách khác, các em có thể “diễn kịch mà không đóng vai” các em sống với các vai trò của mình một cách dễ dàng… Tuy nhiên, ưu điểm này nếu không cẩn thận thì sẽ có những phản tác dụng lên chính các em một cách nặng nề.


Đừng nên đánh mất tuổi thơ

Chúng ta hẳn còn nhớ diễn viên nhí Macaulay Culkin trong bộ phim hài nổi tiếng “ Ở nhà một mình” sau khi đã thành công quá sớm khi tuổi còn nhỏ, cậu bé ngây thơ nghịch ngợm này đã bị danh vọng và tiền bạc hủy hoại không thương tiếc, vì không có khả năng làm chủ bản thân. Vì thế khi tham gia các chương trình này, các em nếu nhìn qua thì thấy được rất nhiều thứ, nào là sự quan tâm đặc biệt của cha mẹ, có được những trang phục đẹp, được phát triển những kỹ năng, tố chất bẩm sinh, được khám phá những hoạt động xã hội sôi nổi, biết thêm nhiều người … có thể đem lại niềm tự hào cho bản thân. Thế nhưng, nếu không có những giới hạn, không có sự thận trọng và việc đòi hỏi nhiều ở các em, thì các em sẽ có thể mất đi sự ngây thơ trong sáng , mất đi sự khiêm tốn và nhất là có thể mất cả niềm tin vì chứng kiến những “trò đời” giữa những người mà mình yêu mến và tôn trọng. Chính sự mất niềm tin là tổn thất lớn lao nhất mà các em có thể phải hứng chịu.

Vì thế khi quyết định cho các em tham gia các chương trình này, gia đình các em ngoài việc bồi dưỡng các năng lực cần thiết tùy theo yêu cầu của chương trình, còn phải tạo cho các em biết những hạn chế cần thiết, bởi vì cái khó nhất là một mặt phải khích lệ để gia tăng sự tự tin cho các em, mặt khác lại phải nhắc nhở để các em đừng có những ảo tưởng về tài năng của mình. Hãy động viên các em trong một chừng mực nhất định, đừng gieo vào đầu các em tư tưởng : con là số một ! Lễ độ,chân thực và tự tin vào bản thân là những yêu cầu mà các em phải được nhắc nhở và bồi dưỡng khi tham gia các chương trình này. Không vì tài năng mà các em có thể trở thành một ông trời con trong gia đình và cũng không thể để các em trở thành một con rối trong tay của cha mẹ hay những nhà tổ chức.

Có thể nói, hầu như chương trình TH nào cũng đều có ít nhiều “vấn đề” những trục trặc vô tình và cố ý, đặc biệt khi các em chưa đủ khả năng làm chủ chính mình, có thể có những lời nói, hành vi hay phản ứng không phù hợp. Một điều đau khổ cho các em cũng như những người trong cuộc đây lại là “hũ mật” cho các “chú ruồi” của phương tiện truyền thông xúm vào khai thác. Thậm chí có những kẻ chỉ săm soi những lời nói hớ hênh, những hành động “ lộ hàng” để tung lên như một “khám phá” độc đáo ! Vì vậy, là cha mẹ, và những nhà tổ chức là những người có trách nhiệm, chúng ta phải bảo vệ các em, ngay cả khi một “tai nạn” đã xẩy ra, thì sự kiềm chế, khiêm tốn và chân thật bao giờ cũng là biện pháp tốt nhất, bởi vì cái áp lực do tai nạn đó đem lại thực ra không quá nặng nề với các em cho bằng chính cái cách săm soi, chẻ sợi tóc làm tư và cố gắng biến cái lông thành con gà của những người thân cận hay giới truyền thông mới là những áp lực nặng nề mà các em phải hứng chịu.


Đừng “người lớn hóa” trẻ thơ

Một trong những ưu điểm lớn nhất của trẻ em là sự ngây thơ, ngôn từ giản dị… vì vậy, khi cho các em tham gia các sự kiện này, thì đừng biến các em thành một cái máy cassette, một con rối chỉ biết nói và làm theo những gì người lớn muốn. Từ việc tô son trét phần cho đến việc bắt các em phải thuộc lòng từng chữ từng câu hoa mỹ, khách sáo …sẽ vô tình làm mất đi ưu điểm quan trọng nhất của các em mà những người lớn không bao giờ có được. Chúng ta có thể tập cho các em hiểu những gì cần làm, cần nói nhưng hãy để các em tự nhiên với vai trò của mình, một vài câu ngớ ngẩn, lắp bắp không phá đi những khả năng thực sự của các em cho bằng những lời nói hoa mỹ, trịnh trọng “trơn như mỡ” mà các em phải học thuộc lòng.

Có thể nói, một trong những người chịu áp lực lớn nhất trong các chương trình này là các vị giám khảo, họ ở trong tư thế “trên đe dưới búa” trước các yêu cầu từ nhà tổ chức và những mong đợi từ gia đình của các em. Vì vậy cũng khó mà có thể tránh được một vài sai sót trong nhận định, đánh giá chủ quan. Nhưng ở đây, sự chừng mực là điều mà giám khảo nên quan tâm khi đánh giá khả năng của các em, không đưa các em lên mây vì những lời có cánh, nhưng cũng không nên dùng những lời lẽ nặng nề hay bóng gió để phê phán sự yếu kém của các em. Hãy hoan nghênh đúng mức và hãy khích lệ những thiếu sót của trẻ, đó là cách tốt nhất để tránh cho các em những tổn thương trong tâm hồn mà đôi khi trở thành vĩnh viễn !

Một trong những ưu điểm của các trò chơi trẻ em là tinh thần ganh đua nhưng không ganh tỵ, thắng hay thua không quan trọng bằng niềm vui. Những chương trình TH thực tế, lẽ ra cũng là những trò chơi hay sân chơi cho các em, và lẽ ra cũng phải xây dựng trên tinh thần như một trò chơi, nhưng vì nhiều áp lực do lợi nhuận, nhiều nhà tổ chức đã vô tình hay cố ý biến nó thành một cuộc tranh chấp, thậm chí là đấu đá vì quyền lợi và danh vọng. Vì thế, có thể với các nhà tổ chức hay với chính cha mẹ của các em, chúng ta cũng có “máu” ăn thua, muốn người của mình, con của mình phải chiến thắng, phải đạt đến đỉnh vinh quang, nhưng không vì thế mà chúng ta lại lôi các em vào vòng tranh chấp, mà hãy để các em vẫn sống thực với sự ngây thơ trong sáng của mình. Hẵn là chúng ta chưa quên chuyện một bà mẹ vì bênh con không hợp lý trong một cuộc thi, mà đã khiến cho cả hai mẹ con trở thành “trò cười” cho dư luận và chính cô bé đó đã trở thành một nạn nhân do người nhà gây ra !


Hãy để tuổi thơ được là tuổi ngây thơ

Việc tham gia các chương trình này, có thể đem ra từ bóng tối những tài năng tiềm ẩn, cũng có thể tạo sự nổi bật trước đám đông, hay chí ít cũng là sự khâm phục của bạn bè và những người xung quanh, đây là những áp lực không thể tránh, nhưng hãy nhớ, cuộc đời còn rất dài với cách em, sự nổi tiếng hay thành công ở độ tuổi này chưa là điều khẳng định cho sự thành công trong cuộc sống, mà nó chỉ là chút gia vị giúp cho đời sống của các em thêm hương sắc, vì thế đừng khiến cho các em phải quá chú trọng đến yếu tố này, để từ đó tự tách mình ra khỏi giòng chảy của cuộc đời. Những thành công hay thất bại nhất thời này, dứt khoát không nên để cho nó đeo bám các em nhiều hơn là một vài tấm hình, tư liệu hay bằng khen, huy chương… Các em vẫn là các em, vẫn là những người bình thường trong cuộc sống, đó là điều không phài chỉ các em, mà ngay cả các bậc cha mẹ cũng cần phải có suy nghĩ như vậy. Vì thực sự thì các em có tài, có năng lực, nhưng hãy coi đó chỉ là một yếu tố thuận lợi để các em có thể học hỏi, có thể phát triển. Tài năng mà các em có được sau một thời gian luyện tập, không phải là cái đỉnh mà các em đã đạt tới để có những ảo tưởng về bản thân, nó chỉ như một công cụ có giá trị tốt để các em có được những thuận lợi hơn trong tiến trình thành nhân. Nhưng, nếu ỷ lại và xây dựng những ảo tưởng, thì đó lại là những tác hại khôn lường cho cuộc sống của các em.

Tất cả chỉ là những cuộc chơi với niềm vui và nỗi buồn có giới hạn. Hãy vui vẻ bước vào và sau đó thoải mái để nó lại sau lưng trong hành trình phát triển của bản thân, đó là điều mà phụ huynh cần giúp cho con em mình nhận ra khi tham gia các chương trình truyền thông đại chúng.

Lê Khanh

Phó giám đốc Trung tâm Rồng Việt TP.HCM

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý