Bạo Hành Trẻ mầm non – Nỗi đau từ nhiều phía.
24/03/2017
TƯ KỶ LÀ GÌ
07/04/2017
Bạo Hành Trẻ mầm non – Nỗi đau từ nhiều phía.
24/03/2017
TƯ KỶ LÀ GÌ
07/04/2017

Dù đã phát hiện ra chứng tự kỷ từ những năm 1801 bởi BS Jean Marc Gaspard Itard nhưng mãi đến năm 1943  chứng này mới được BS  Leo Kanner đặt tên là Autism ( Tự kỷ ) Đến nay đã được cả thế giới gọi là Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ ( Autism Spectrum Disorder ). Nhưng còn khá nhiều người, từ nhà chuyên môn cho đến dân thường vẫn chưa xác định được đó là 1 căn bệnh hay một tình trạng rối loạn về thần kinh để đi tìm cách chữa hay tập trung vào việc dạy !

Nếu hỏi 1 bà mẹ có con tự kỷ thì chắc chắn điều bà mong nhất là con được bình phục,  trở lại là một đứa trẻ bình thường. Chỉ khi nào sau bao nhiêu là nỗ lực, đem con đi làm chuột bạch  cho các tay lang băm hay tìm đến các giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng thế giới để rồi cũng phải chấp nhận 1 thực tế là trẻ chỉ có thể tốt hơn về mặt này, mặt kia ..có hành vi và năng lực gần như là bình thường chứ không thể nào bình phục, lúc đó bà mới có thể phải chấp nhận sự thật ( mà bà có thể đã biết từ ..lâu ).

Nhưng tại sao cứ phải trở nên một đứa trẻ BÌNH THƯỜNG ? hãy thử nhìn những trẻ bình thường xung quanh, và hãy hỏi các bà mẹ có con bình thường xem, bảo đảm là họ cũng sẽ lôi ra được một đống thứ không bình thường của con, nào là lười biếng, nhõng nhẽo, khó tính, hay đánh bạn, đòi hỏi, học dốt, ham chơi, thậm chí là còn thu rút, không thích giao tiếp với ai hơn cả trẻ tự kỷ thứ thiệt ! Tóm lại là không có tài năng gì cả !

Vậy những đứa trẻ bình thường đó có được yên thân với cái bình thường của chúng không ? cái bình thường mà bà mẹ trẻ tự kỷ nào cũng muốn con mình có được ?  Không, chúng không được phép bình thường, mà phải trở nên TÀI NĂNG. Cả một guồng máy kỹ nghệ giáo dục bao vây chung quanh bà mẹ, luôn cam đoan sẽ biến con bà thành một đứa trẻ tài năng mà bà mong ước ! Nhưng có thể trở thành tài năng hay không thì ..biết chết liền !Và sẽ có bao nhiêu trẻ trở nên tài năng hay chỉ là tưởng vậy mà không phải vậy ?

Trong khi đó, với trẻ tự kỷ, đâu đó vẫn có những trẻ có Tài năng, một tài năng bẩm sinh cũng như chứng tự kỷ bẩm sinh của chúng.  Nhưng nhiều khi chúng không được nhìn nhận, không đươc hướng dẫn, khích lệ, bồi dưỡng để phát triển cái tài năng ấy, mà mẹ phải tìm mọi cách can thiệp, điều trị từ uống Vương Não Khang, đến cạo gió, châm cứu hay cấy tế bào gốc để trở nên một đứa trẻ  bình thường , nhưng nào có được mà thậm chí có khi còn mất luôn cái tài năng tiềm ẩn bên trong!

Nếu giả như bé trở lại bình thường ( hay cho là như vậy ) có thể sau một thời gian nghỉ ngơi, bà mẹ sẽ lại tiếp tục nỗ lực để biến đứa con bình thường vừa đạt được đó  trở nên TÀI NĂNG ! Ngay cả với trẻ đã phát triển, thì có người vẫn không chấp nhận những tiến bộ nhất định của trẻ, mà họ luôn muốn con phải tiến bộ hơn nữa, có khi còn phải tiến nhanh  hơn cả trẻ bình thường.  Một trẻ bước vào Nhà trẻ Mẫu giáo từ năm 2 tuổi , để có những kiến thức kỹ năng  vào lớp Một, bé phải mất nhanh nhất là 3 năm ở mẫu giáo. Nhưng ở một trẻ tự kỷ đã 3,4 thậm chí là 5 tuổi, với nhiều khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp, nhận thức, hành vi mà có những người vẫn muốn con vào được lớp Một đúng 6 tuổi hay trễ lắm là 7 tuổi. Thế là họ bắt đứa trẻ học ngày học đêm, hết học trường chuyên biệt buổi sáng, đến trị liệu với chuyên viên, học kèm giáo viên buổi chièu và tối về mẹ dạy thêm nữa, để con có thể vào lớp Một ! Và khi con chậm tiến bộ hay không tiến bộ nổi thì họ lại nghĩ đến các cách..chữa theo ..quảng cáo!

Ngay cả với trẻ đã có khả năng học tập, biết giao tiếp, thi con đường duy nhất mà các em phải đi là HỌC , học hết tiểu học thì phải lên trung học, mà học xong trung học thì phải vào đại học ! Trong khi đó, điều mà trẻ có thể làm tốt nhất là CHƠI , Thi hầu như ít khi nào nó được xếp vào hàng ưu tiên !  Ở các trẻ bình thường thì các nhà giáo dục, các quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới đều coi trọng vai trò của Chơi , bởi vì ai cũng phải thừa nhận, chúng ta chỉ làm được điều tốt nhất khi nào chúng ta THÍCH , và điều mà ai cũng thích đó là CHƠI !,

Sẽ có người nói ngay, Chơi là lãnh phí, là mất thì giờ, là vô bổ … Bởi đúng là có những cái trò mà ta gọi là chơi thực sự vô bổ ! Nhưng đâu phải trò chơi nào, cách chơi nào, món đồ chơi nào cũng vô bổ ? Ngay cả với người lớn, những người khôn ngoan và thông minh vẫn có những trò chơ vô bổ, tốn tiền tốn thời gian lãng nhách kia mà, thì tại sao lại trách đứa trẻ ? bởi vì nó chỉ bắt chước người lớn, để làm cái trò người lớn một cách vô bổ thôi !

Vậy, đến đây là chữa hay là dạy ? Ừ thì dạy, và dạy thì trẻ phải học và Học phải ra học ! Ngồi nghiêm túc trên bàn, cô trò đối diện học như 2 cái máy trong 1 giờ đồng hồ . Nếu thử hỏi các giáo viên  là dạy cho trẻ dễ hay chơi với trẻ thì dễ ? Có thể nói đa số sẽ chọn là Học.  Hãy thử nhìn một giáo viên dạy trẻ trong 1 tiếng đồng hồ , có vẻ rất cực nhọc, nhưng thực sự là đơn giản hơn rất nhiều nếu so với một giáo viên cùng chơi với trẻ trong 30 phút ! Bởi vì giáo viên chỉ cần dạy cái họ MUỐN DẠY, cái mà họ đã được huấn luyện lặp đi lặp lại cả chục lần rồi ! Vừa dạy vừa nghĩ đến cái hẹn tối nay, hay vừa dạy vừa lên FB cũng còn được !  Nhưng chơi thì không, nếu giáo viên muốn thực sự thu hút trẻ để cùng phát triển một kỹ năng nào đó  qua chơi, thì người GV ấy phải toàn tâm, toàn ý để làm được cái mà TRẺ THÍCH, ĐỂ BIẾT CÁI TRẺ CẦN, và để làm được điều đó thì không phải là chuyện ..đùa! Bởi vì chỉ có thể ép trẻ học chứ không thể ép trẻ chơi !

Vậy là chỉ cần cho con chơi ? mà không cần CHỮA CHO CON ? KHông, vẫn phải chữa, vẫn phải TRỊ LIỆU, chứ không chỉ là dạy. Vậy thì trị liệu bằng thuốc gì, bằng cách gì ? Không, có thể nói, trị liệu cũng bằng cách chơi ! nhưng không phải là chơi với đồ chơi, mà là chơi với màu sắc, với âm thanh, với sự chuyển động của cơ thể và có thể cả với các vật dụng trong gia đình . Các biện pháp đó có tên gọi đàng hoàng nhé , nào là hội họa trị liệu, âm nhạc trị liệu, tâm vận động và … việc nhà trị liệu.

Tại sao lại gọi đó là trị liệu ? bởi vì nó đòi hỏi sự am hiểu của những người có chuyên môn, đòi hỏi không gian, thời gian nhất định, đòi hỏi những nguyên tắc cơ bản, có những triết lý và hệ thống vận hành từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp ! Việc nhà mà cũng là trị liệu ? hãy nghĩ xem, nếu một người mẹ không giỏi nấu ăn, không thạo việc nhà như một chuyên viên, liệu có thể truyền đạt cho trẻ những điều mà họ biết một cách dễ dàng như chơi không ? việc nhà có đòi hỏi các tiêu chuẩn về không gian, thời gian, về nguyên tắc từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp ? nó cũng có triết lý của nó và giá trị, hiệu quả của nó ! Nếu một ông chồng giỏi việc nhà, đó có phải là một giá trị ? Một “mặt hàng” quý hiếm ? .

Như thế, rõ ràng là việc dạy trẻ hay chữa trị đều là những hoạt động cần thiết. Nhưng mục tiêu của cả việc dạy lẫn việc chữa không phải là biến một đứa trẻ VIP – Một trẻ Đặc biệt trở thành một đứa trẻ bình thường, hay có khi, tệ hơn là trở nên một đứa trẻ tầm thường ! để rồi tiếp tục nhận được sự kỳ thị và lòng thương hại của những kẻ chung quanh. Mà đó là hãy giúp cho trẻ có thể triển nở được tài năng của nó, một tài năng ở bất kỳ một lĩnh vực nào,  điều đó có thể đem lại sự chấp nhận hay tôn trọng cái sự đặc biệt của trẻ, bởi vì sự đặc biệt đó không thể mất đi, mà nó chỉ trở nên một thứ đặc biệt có thể chấp nhận, hay một thứ đặc biệt khó có thể chấp nhận mà thôi !

Việc dạy trẻ thì không thể tiến hành như dạy trẻ bình thường, vì nền giáo dục hiện nay đã quá lạc hậu, tầm thường và áp đặt.  Khiến trẻ không thể phát triển được tài năng, hay ít ra là lòng tự trọng, sự tự tin vào bản thân.  Với một nền giáo dục như thế, với những cách giáo dục áp đặt và lạc hậu như thế, thì tại sao với những bà mẹ có thể hy sinh tất cả cho con lại muốn nhét con vào cái lớp như thế, ở lớp học mà ta gọi là hội nhập thực chất chỉ là những nơi giữ trẻ, làm thui chột đi những tài năng nếu có của trẻ. Phải chăng chúng ta cố sức đưa trẻ vào, chỉ vì xã hội muốn như thế. Sao  chúng ta lại  nỡ ép trẻ chạy theo cái giáo án ABC vô hồn, lạc hậu chứ không muốn cho trẻ được chơi theo điều chúng thích, chúng ta buộc chúng phải biết đi, biết đứng, biết ngồi và biết nói những gì chúng ta muốn chứ không phải là những thứ mà chúng cần ? TẠI SAO ?

Ngày 20/3 là ngày Thế giới Hạnh Phúc – Vậy thì chúng ta muốn tìm kiếm hạnh phúc cho chúng ta hay mong muốn hạnh phúc cho con mình ? Hãy nhìn lại cách mà chúng ta dạy trẻ, liệu có tốt hơn cho chúng nếu chúng ta để trẻ được chơi,thay vì bắt chúng nó phải học với cái roi bên cạnh để đạt cho được cái mục đích của chúng ta chứ không phải điều chúng muốn?

Cho trẻ chơi, nhưng không phải là chơi với cái bóng của nó, mà là chơi với chúng ta, hãy biến việc ngồi xuống, việc dành cho trẻ một số thì giờ quý báu của bố mẹ trong ngày trở thành một buổi gặp gỡ vui vẻ, thú vị qua những trò chơi có định hướng, với những biện pháp để kích thích giác quan, khả năng vận động, sự tập trung … HÃY HỌC CÁCH CHƠI với con để cả chúng ta và con trẻ đều hạnh phúc, vì cả hai đều sẽ có cái mình muốn !

CvTl. Lê Khanh

Phó chủ tịch Hội đồng chuyên môn  KIDSTIME – HN

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý