Những điều đặc biệt về Trẻ đặc biệt
07/01/2017
Dạy Trẻ hay Chữa Trẻ
24/03/2017
Những điều đặc biệt về Trẻ đặc biệt
07/01/2017
Dạy Trẻ hay Chữa Trẻ
24/03/2017

Hiện nay, cụm  từ “bạo hành trẻ em” hay “bạo hành trẻ mầm non” đã trở nên khá phổ biến, nếu tìm trên Google thì chỉ vài giây sẽ cho ra hơn 1 triệu 200 nghìn kết quả. Từ những vdeo làm “dậy sóng” dân cư mạng, cho đến những vụ mà ai cũng phải sót xa trên báo chí, trên hay Facebook. Người ta thường sót xa khi thấy những đứa trẻ bị hành hạ bởi những người mà lẽ ra là phải có trách nhiệm chăm sóc, thương yêu, vui đùa với các em. Dĩ nhiên những cô giáo, bảo mẫu đó đã bị lên án không thương tiếc, và nhiều người đã phải trả giá với những bản án nghiêm khắc để làm gương.  Một cái giá khá đắt mà lẽ ra họ sẽ không phải nhận lãnh nếu chính họ được quan tâm, tôn trọng và đươc hướng dẫn những biện pháp chăm sóc giáo dục phù hợp với tâm sinh lý trẻ em hơn.

Có thể nói, trong cuộc sống thì bất kỳ ai cũng đều gặp những thời điểm khó khăn, căng thẳng, mệt mỏi vì những áp lực công việc, áp lực kinh tế và cả những áp lực về mặt cảm xúc . Những áp lực này không chừa một ai và nó đã tạo ra một cái vòng luẩn quẩn. Khi một giáo viên bị áp lực, thì họ có thể dễ dàng bùng nổ để trút bỏ áp lực đó lên những trẻ mà họ phải chăm sóc. Thế rồi khi những đứa trẻ bị tấn công, hành hạ vì điều đó, thì với những vết thương tâm lý sâu sắc ấy, chúng mang về nhà, trước mắt là trút lại lên bố mẹ qua những biểu hiện rối loạn hành vi, trẻ sẽ sợ sệt, có thể mất ngủ hay ngủ không yên giấc, trong giấc ngủ có thể kêu khóc vì những ám ảnh ban ngày, khi bị bạo hành lại kéo đến trong giấc mơ. Cũng có trẻ trở nên nhút nhát, thu rút , lo lắng, biếng ăn, không muốn đi học. Gây ra những hoang mang cho bố mẹ. Thậm chí lại có những trẻ  sẽ có những phản ứng bùng nổ như cào cấu, đánh mẹ, đánh ông bà như một cách  dịch chuyển những sự tấn công đã bị hứng chịu ở trường, ở giáo viên thậm chí là ở trẻ khác nay chuyển sang cho những người thân trong gia đình.

Kết quả đến phiên bố mẹ là “nạn nhân”. Họ sẽ lo lắng, căng thẳng và mệt mỏi trước những phản ứng đó. Điều may mắn là nếu họ nhận ra được những dấu hiệu đó là một “nghi vấn” về sự bạo hành mà con mình phải hứng chịu, để rồi tìm cách xoa dịu. chăm sóc nhẹ nhàng và cùng với người giáo viên, bảo mẫu đó từng bước thay đổi sự tác động với trẻ bằng lời nói, hành động, hướng dẫn trẻ vào những hoạt động biểu lộ sự yêu thương với các con vật, với bạn bè và với những đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh để những tổn thương sẽ dần dần nguôi ngoai trong tâm trí và lành lặn trên cơ thể của trẻ.

Nhưng thường  thì bố mẹ lại tìm đến thủ phạm, có khi do cộng đồng “ mạng” truy tìm giúp và lôi ra ánh sáng để trừng phạt bằng “ bạo lực”, thì điều này có thể làm bố mẹ thỏa mãn, nhưng lại là một nguy cơ cho đứa trẻ. Nó cũng sẽ cảm thấy “hài lòng” khi những người đánh nó, hành hạ nó phải trả giá. Như vậy chính cái mầm mống bạo hành mà trẻ đã phải nhận lãnh, sẽ được “gieo trồng” trở lại trong tâm hồn nó. Nếu như điều đó lập lại, và nếu như vì thế mà các giáo viên, bảo mẫu sẽ không dám áp dụng bất kỳ một biện pháp giáo dục nào với trẻ nữa, thì đứa trẻ sẽ trở nên một kẻ “ bạo hành” tiềm năng sau này !

Trong một lớp mẫu giáo, có hai trẻ đánh nhau. Một bé mách: “Cô ơi bạn ấy chọc vào mắt cháu”. Cô gọi đứa đánh bạn ra hỏi. Thằng bé trợn mắt kêu: “Nó đã mù đâu!” Vâng, đó chính là cái “ác” mà trẻ đã “ học bằng thực hành” từ những hành vi và lời nói của người lớn ! Bởi vì không chỉ là đòn roi hay những cái tát làm tổn thương đứa trẻ, mà chính  những lời mắng nhiếc, mỉa mai , châm chọc … hay thái độ của người lớn đối xử với nhau, cũng là một thứ bạo hành đôi khi còn khủng khiếp hơn cả những vết thương tóe máu ngoài da, bởi vì có thể nó sẽ được ghi vào “ bộ nhớ” và kéo dài suốt quãng đời của trẻ.

Là phụ huynh, chúng ta phải biết bảo vệ con cái trước những hành vi bạo hành, nhận ra những dấu hiệu cho thấy những tổn thương sâu sắc ở các em. Nhưng, bảo vệ không phải là ôm ấp, bênh vực  bất kể đúng sai, cũng không phải là bao che các hành vi vô kỷ luật ở trẻ và lại càng không phải là một sự trả thù “ mắt đền mắt – răng đền răng” với những kẻ đã gây ra những tổn thương cho con mình. Mà là một sự quan tâm đến ứng xử và hành vi của trẻ tại nhà, tập cho con có những hành vi tự chủ, biết tôn trọng bản thân và người khác.  Biết chấp nhận những điều đúng do người lớn đưa ra. Chính sự chiều chuộng thái quá tại gia đình, sẽ làm cho trẻ trở nên mềm yếu, đòi hỏi và lười biếng.Thậm chí có thể trở nên hỗn láo và ích kỷ với người thân, mà những hành vi đó sẽ không được chấp nhận ở nhà trường, có khi đó lại là nguyên nhân dẫn đến sự tức giận của các cô giáo, nếu như trong thời điểm đó, bản thân giáo viên đang phải chịu một áp lực, do không có kinh nghiệm, hay thiếu bản lĩnh sư phạm do không được đào tạo bài bản thì khả năng bạo hành rất dễ xẩy ra.

Bạo hành không phải chỉ là bộc lộ cái ác, mà còn là sự nuôi dưỡng cái ác, điều đó không  chỉ đến từ giáo viên,hay từ nhà trường, mà còn đến từ một cơ chế tổ chức của gia đình và xã hội, trong đó không có sự tôn trọng những giá trị của con người và thiếu đi tình yêu thương đối với trẻ thơ.

CvTl Lê Khanh

Phó chủ tịch hội đồng chuyên môn  Cty Giáo dục KidsTime HN.

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý