Hướng dẫn kỹ năng xã hội cho trẻ
07/01/2014Phát triển trí thông minh qua khả năng tư duy
01/02/2014Có thể nói một trong những ưu tư “không nói ra mà ai cũng hiểu” của các bậc cha mẹ là làm sao giúp con có được những thành quả tốt đẹp trong việc học, nào là cho con đi học thêm,
bắt con học thật nhiều giờ trong ngày, mời gia sư đến nhà dạy kèm, và nhất là hạn chế đến mức tối đa những giờ vui chơi của trẻ mà học cho đó là vô bổ, phí thời giờ …
BIẾN HỌC TẬP THÀNH VUI CHƠI
Đa số các bậc cha mẹ thường không thích chuyện “vui chơi“. Chúng ta cho rằng “vui chơi“ là trái nghĩa với “làm việc” hoặc “học tập“. Đối với người lớn thì “vui chơi“ là điều chẳng có gì tốt đẹp.
Trên thực tế, “vui chơi“ cũng có một phương diện tiêu cực, đó là chỉ những việc tiêu phí thời gian vô ích vào những chuyện không đâu, tốn tiền và tốn thời gian mà không đem lại cho chúng ta một lợi ích gì. Thế nhưng, có một đặc điểm vô cùng lý thú về “vui chơi“ – đó là chỉ trong vui chơi và chỉ con người mới có khả năng tìm được niềm vui cũng như hứng thú từ vui chơi. Khi vui chơi, chúng ta không bị câu thúc bởi các lễ nghi hoặc chịu tác động bởi những thói quen, vì thế người ta đạt được tinh thần vô cùng tự do. Vui chơi tuy chưa thể gọi là một hành vi nhiều tính sáng tạo nhưng lại mang tính thể nghiệm lớn. Đối với con trẻ, thậm chí có thể nói rằng, chính vui chơi là môi trường đem lại nhiều sự học hành hơn cả. Người lớn tin chắc rằng hoàn toàn hợp lý khi phân biệt rõ ràng giữa “vui chơi“ và “học hành”, thế nhưng, điều này hoàn toàn ngược lại đối với con trẻ.
Ở nước Mỹ, có một chương trình truyền hình dạy chữ cho trẻ em. Phương pháp của chương trình này khá đặc biệt, đó là lợi dụng nguyên lý của “quảng cáo“. Họ phát hiện thấy rằng, trẻ em rất thích quảng cáo và chịu nhiều tác động bởi quảng cáo. Trẻ em có thể dễ dàng ghi nhớ những bài hát và từ ngữ có trong quảng cáo và rất nhanh chóng sử dụng được những từ ngữ này. Với phương châm độc đáo, chương trình truyền hình này đã rất thành công. Trẻ em không chỉ vui chơi với trò chơi mà con nhanh chóng tiếp thu việc học hành với tinh thần thoải mái và đầy hứng thú.
Muốn phát huy trí lực của trẻ, đầu tiên phải làm cho trẻ cảm thấy hứng thú và yêu thích, trên cơ sở đó mới giúp đỡ trẻ thực hiện công việc hoặc tiếp thu tri thức một cách thoải mái và vui vẻ. Từ khi quan điểm này xuất hiện trong giáo dục học, người ta đã bàn bạc và đưa ra nhiều kết luận khác nhau.
Một nhà tâm lý học người Mỹ đã dạy trẻ em học chữ cái và những từ đơn giản thông qua trò chơi “nhảy lò cò“. Ông viết chữ cái trên mặt đất, dạy các em vừa nhảy lò cò vừa đọc các chữ cái và các từ đơn giản trong tiếng Anh. Cách làm của ông đã thu được thành công. Vận dụng phương pháp này, một giáo sư người Nhật thực hiện dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ thông qua trò chơi “diễn kịch”. Ông cho thiết kế một số đạo cụ, dạy các em nhỏ thay phiên đóng vai các nhân vật, các em nhỏ được hướng dẫn làm nhiều động tác và tư thế khác nhau, tất cả tên của đạo cụ, tên của các động tác, tư thế cũng như lời thoại của nhân vật đều được sử dụng bằng tiếng Anh. Thông qua trò chơi này, các em nhỏ đã tiếp thu tiếng Anh một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Trẻ hoạt động trong vui chơi, từ một góc độ khác nữa, điều này cũng cho thấy trẻ được biểu hiện và phát huy cao độ tính chủ động của mình. Khi vui chơi, trẻ sẽ chủ động hoạt động, mà đối với việc học tập, thì khả năng “chủ động“ là yếu tố vô cùng thiết yếu. Trẻ chỉ thực sự học được kiến thức nào đó khi có đầy đủ ý thức chủ động này.
Một số nhà tâm lý học chủ trương áp dụng hình thức “thưởng phạt“ trong giáo dục – khi thành công sẽ có thưởng, khi làm hỏng sẽ chịu phạt. Họ khẳng định “thưởng phạt“ là những động cơ thúc đẩy trẻ học tập. Tuy nhiên, thưởng phạt chỉ mang tính chất của những động cơ ngoại lực. Động cơ nội lực chỉ hình thành khi trẻ thật sự yêu thích, ham muốn học tập, chủ động học tập – khi ấy, trẻ đạt được sự học tập theo đúng ý nghĩa chân chính của công việc này.
Vì thế phương thuốc hiệu nghiệm nhất chữa bệnh “chán học” của bọn trẻ là hãy biến học tập thành những trò chơi. Nhiều bà mẹ thường than thở rằng con cái mình bây giờ chỉ thích máy tính, chẳng lúc nào thấy bọn trẻ thích học hành. Tuy nhiên, chúng ta hãy dừng lại đây để suy nghĩ xem vì sao bọn trẻ ham thích máy tính điện tử đến thế? Câu trả lời duy nhất là “bởi vì máy tính điện tử rất hấp dẫn và thú vị“. Như thế, nếu nhìn lại chuyện “chán học“ thì bọn trẻ chán học cũng chỉ vì “học hành không hấp dẫn và thú vị“.
Ngày trước, từng có một hình phạt rất nặng nề, đó là bắt người phạm tôi phải bê một hòn đá từ chỗ này sang chỗ kia, sau đó lại bê hòn đá trở về chỗ cũ và cứ tiếp tục bê qua, bê lại như vậy. Mặc dù đây là một công việc đơn giản nhưng sự nặng nề của hình phạt ở chỗ “công việc rất nhàm chán và đơn điệu“. Trên thực tế, không ít phạm nhân chịu đựng hình phạt này sau mấy năm thì phát điên và tự sát. Dẫn câu chuyện này ra đây để chúng ta nhìn nhận xác đáng hơn một thực tế, con người nếu bị ép buộc làm những việc không có hứng thú thì tình cảnh thật tồi tệ. Những đứa trẻ “chán học” thường cảm thấy việc học như một cực hình, mỗi khi ngồi vào bàn học như là một lần chịu phạt. Với tâm lý như thế liệu pháp tốt nhất chỉ có thể là giúp đỡ con trẻ cảm thấy học tập là vui chơi, học tập giống như một trò chơi mà trẻ yêu thích nhất.
Muốn biến “học hành“ thành “vui chơi“ tức là phải vứt bỏ những thành kiến của trẻ đối với việc học. Điều trở ngại là bản chất của học tập cần nhờ vào nỗ lực để đạt mục tiêu thì vui chơi hoàn toàn ngược lại, thậm chí như một công việc vô ích. Thế nhưng, đối với rèn luyện trí não trẻ em, sự kết hợp giữa vui chơi và học tập là cần thiết. Chúng ta hãy giúp trẻ “vứt bỏ những vất vả nặng nhọc của việc học, thay bằng niềm vui và hứng khởi của sự vui chơi“.
Một thí dụ: một em bé còn rất nhỏ nhưng có thể biết được hầu hết các loại xe hơi khác nhau và tất nhiên, những điều này không phải do bố mẹ em bé ép học. Nguyên nhân là em bé thường được bố mẹ cho đi chơi xa. Mỗi lần đi xa, ngồi trong ô tô, em bé thường nhấp nhỏm không yên vì chẳng có việc gì làm. Sau đó, mẹ em bé bày cho em bé cùng chơi trò “đoán” các nhãn mác xe và màu sắc của các loại xe đi trên đuờng. Chính trò chơi này đã giúp em bé thuộc làu các nhãn mác xe một cách hoàn toàn tự nhiên. Trường hợp này đã mang lại nhiều gợi mở trong vấn đề tạo hứng thú học tập cho trẻ em. Để trẻ em hứng thú học tập, chúng ta hãy để các em học tập thông qua vui chơi.
Chẳng hạn, người lớn đặt ra một câu đố cho trẻ: “Con thử đoán xem ngày mai đề kiểm tra sẽ làm gì?“. Tâm lý của trẻ nhỏ là cố gắng đoán cho bằng được lời giải đáp của những câu đố. Để đoán được “đề kiểm tra của ngày mai“, trẻ tất nhiên phải lật lại sách vở, học cho được phần này, phần kia. Vì luôn có tâm lý muốn đoán cho kỳ đúng câu đố, trẻ sẽ cố gắng ôn tập mọi kiến thức cần thiết (nếu như bỏ không học phần này hoặc phần khác, khả năng “đoán chệch đề kiểm tra” sẽ rất lớn!). Tâm lý này rất có hiệu quả đối với việc kích thích sự chăm chỉ và tinh thần trách nhiệm của trẻ với việc học tập, thành công đương nhiên có thể dễ dàng nhận ra.
NĂNG LỰC CỦA NÃO BỘ
Phân tích một cách cụ thể và tỷ mỉ hơn ý nghĩa của việc kết hợp học tập với vui chơi đối với trẻ nhỏ, Chúng ta nên biết rằng, các loại máy móc thông thường qua thời gian sử dụng sẽ bị bào mòn và ngày càng lạc hậu. Riêng trí não con người là “một loại máy đặc biệt“. Những nghiên cứu sinh lý học và tâm lý học đã khẳng định bộ máy trí não con người hầu như có khả năng sử dụng vô tận.
Một số nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng với khoảng 14 – 15 tỷ tế bào thần kinh trong não, mỗi người chúng ta gần như mới chỉ sử dụng được trên 5% trong một đời người, 95% còn lại nằm trong tình trạng “mê ngủ triền miên”. Vì thế, nếu chúng ta lo rằng khi tiếp thu quá nhiều lượng tri thức, bộ não của trẻ có thể đi tới quá tải và nổ tung thì sự sợ hãi, lo lắng này có lẽ không cần thiết. Ngược lại, điều chúng ta nên lo ngại chính là làm thế nào để con trẻ phát huy trí não một cách hiệu quả nhất, tránh tình trạng để bộ não đi vào hoạt động ngày càng xuống cấp.
Nếu người bệnh liệt giường chừng một tháng thì khả năng cử động chân tay chắc chắn bị giảm sút rất nhiều. Hoạt động của não bộ cũng theo nguyên lý này. Khi các tế bào não không được kích hoạt để vận động thì khả năng sa vào trì trệ, lão hóa là rất lớn. Đương nhiên, không thể áp dụng phương pháp “nhồi nhét kiến thức“ đối với trẻ nhưng chúng ta cần tạo mọi điều kiện để trí não trẻ được hoạt động, rèn luyện trong tư thế thoải mái, lành mạnh. “Vui chơi“ là một hình thức hiệu quả để thực hiện việc rèn luyện hoạt động não bộ của trẻ. Chỉ cần các em nhỏ vui chơi, bố mẹ hãy tìm cách “đưa nội dung giáo dục” vào trò chơi, biến những đồ chơi đơn thuần trở thành những công cụ học tập hữu ích. Như vậy, trẻ không những được vui chơi mà cũng dễ dàng, nhanh chóng nắm bắt nhiều kiến thức cần thiết.
Mọi người thường nói trẻ em cần “được học tập tốt và được vui chơi“. Nhưng thực ra, nên đặt “vui chơi“ lên trước “học tập“, trẻ em cần “được vui chơi và được học tập tốt“! Bởi vì ngay trong “vui chơi“ và thông qua “vui chơi“, trẻ em đã học tập, tiếp thu được rất nhiều tri thức, kiến thức. Với người lớn, “vui chơi“ là một hành động tiêu khiển đơn thuần. Nhưng với trẻ em “vui chơi“ và “học tập” có thể nói là hai công việc trên cùng một con đường.
Ngoài ra chúng ta không thể không lưu tâm đến một tác dụng khác của “vui chơi“ đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. “Vui chơi“, bên cạnh khả năng kích thích sự phát triển trí não còn rất có ích đối với sự phát triển thể lực. Ở nước Anh, các trẻ em thường không phải lo lắng việc học thêm hay ôn tập một khối lượng bài tập đồ sộ trong các ngày nghỉ – bởi vì, ngày nghỉ là ngày của nghỉ ngơi, ngày của vui chơi.
Không yêu cầu trẻ học thêm học ôn tập trong các ngày nghỉ, có thể nhiều phụ huynh e ngại trẻ sẽ nhanh chóng quên mất những kiến thức đã học. Tuy nhiên, trong nền giáo dục của các nước Âu – Mỹ, người ta có quan điểm khác hẳn. Họ cho rằng ngày nghỉ là cơ hội thay đổi môi trường hoạt động của đầu óc con trẻ, là cơ hội để trẻ “tiếp thu tri thức“ theo một phương thức khác. Hơn nữa, những điều trẻ cần được học không chỉ là những kiến thức sách vở trong nhà trường. Kỳ nghỉ là dịp tốt để trẻ phát triển các kiến thức của mình. Trí tuệ của trẻ đạt được sự phát triển toàn diện khi có sự kết hợp giữa sách vở, lý thuyết và thực tiễn. “Vui chơi“ là nơi trẻ thể nghiệm nhiều thực tiến cuộc sống!
DẠY TRẺ PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY
Để trẻ thông minh, linh hoạt trí óc, chúng ta phải luôn luôn tạo điều kiện cho trẻ được tư duy, được tiếp cận với những vấn đề cần phải “động não“. Trí não nếu không hoạt động sẽ khô cứng như “một cỗ máy không được dầu bôi trơn“.
Chúng ta nên biết rằng, bộ não của con người có khả năng rất tuyệt vời, nó mang trong mình “những tổ chức tư duy ở dạng nén”. Chẳng hạn, nếu như hôm nay ta gặp một công việc giống như việc hôm qua ta đã thực hiện rất hoàn hảo. Khi đó, không cần tới sự “động não“, chúng ta sẽ “theo mẫu“ của cách làm ngày hôm qua để thực hiện lại công việc mà vẫn thu được kết quả thành công. Mô hình hoạt động của não bộ như vậy được coi là “một tổ chức tư duy dạng nén”. Với vô vàn hoạt động của cuộc sống hằng ngày, có thể thấy não bộ đã lưu giữ rất nhiều “tổ chức tư duy dạng nén” vô cùng hữu ích cho chúng ta. Nếu như không có các tổ chức tư duy dạng nén, với bất kỳ hoạt động nào (từ việc đánh răng, ăn cơm hay các hoạt động phức tạp hơn), chúng ta luôn phải tư duy từ điểm khởi đầu đến điểm kết thúc công việc, tình trạng như vậy chắc chắn sẽ quá tải đối với sức chịu đựng của não bộ. Nhờ các tổ chức tư duy dạng nén, chúng ta không mất quá nhiều tinh lực cho các hoạt động mang tính chất “thói quen“. Trí lực được tập trung để xử trí các sự việc mới, các tình huống lạ. Với cơ chế điều hòa như vậy, chúng ta mới có thể duy trì mọi hoạt động tư duy.
Tuy nhiên, cơ chế hình thành các tổ chức tư duy dạng nén cũng tiềm tàng một nguy hại, đó là căn bệnh “làm việc theo quán tính“. Khía cạnh cực đoan của kiểu hoạt động trí não theo thói quen – quán tính chính là đẩy tư duy đến chỗ khô cứng, bị cơ giới hóa và nhiều khả năng đưa tới sự lão hóa của não bộ.
Theo một nghiên cứu, chúng ta được biết sự phát triển trí lực của trẻ từ 0 đến 4 tuổi mang tính chất quyết định nhất đối với cả thời kỳ phát triển trí lực đến năm 18 tuổi. Điều này có nghĩa là chất lượng phát triển trí lực tăng mạnh trong giai đoạn từ 0 đến 4 tuổi, sau đó duy trì tốc độ phát triển tăng dần đến đỉnh điểm ở tuổi 18. Nếu không đạt được bước phát triển mạnh trong thời kỳ từ 0 đến 4 tuổi thì đến năm 18 tuổi, tuy trẻ vẫn đạt được đỉnh điểm của sự phát triển mạnh mẽ của trí lực trong giai đoạn trẻ từ 0 đến 4 tuổi là hết sức cần thiết. Biện pháp cơ bản lả tạo mọi điều kiện, bằng mọi phương cách đem đến cho trẻ những cơ hội tư duy.
Trước hết, bố mẹ cần giúp trẻ nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tư duy, việc “tự động não”. Thay vì ép buộc trẻ học chữ, bố mẹ hãy đặt cho trẻ những mục tiêu cụ thểm chẳng hạn, khi biết chữ, con có thể tự đọc truyện, tự xem các tên chương trình trên truyền hình... Trẻ chỉ thực hiện công việc khi đã thực sự nhận thức được mục tiễn của việc cần làm.
Đối với những công việc đơn giản và quen thuộc người ta sẽ làm theo thói quen – khi đó phương pháp tư duy mang tính chất quán tính.Nhưng khi gặp một vấn đề chỉ dựa vào thói quen, lúc đó phương pháp tư duy cũng bị phá vỡ, chúng ta bắt buộc phải tìm kiếm một phương thức tư duy mới phù hợp và hiệu quả hơn. Thêm vào đó, khi tiến hành thực hiện các công việc đơn giản và theo thói quen, vì lượng trí lực bỏ ra... không lớn nên chúng ta sẽ không xác định được tất cả năng lực tư duy trí lực của bản thân.Ngược lại, đối mặt với một công việc phức tạp, để xử lý chúng ta buộc phải vận động toàn bộ năng lực tư duy, trí lực vốn có. Khi đó, chúng ta không những có điều kiện xác định tổng thể “tình hình năng lực trí lực bản thân“ mà còn dễ dàng phát hiện những nhược điểm để có thể kịp thời bổ trợ.
Chúng ta nên biết rằng những tình huống khó khăn có thể tạo ra động cơ thúc đẩy sự nhanh nhẹn, linh hoạt của tư duy.Vì vậy, khi con cái gặp khó khăn, đừng vội “giơ tay giúp đỡ” nhanh chóng. Đối với con trẻ, những hoàn cảnh khó khăn là cơ hội rèn luyện tư duy tuyệt vời.Chúng ta không trở thành những “nhân vật bàng quan” với mọi hoạt động của con cái. nhưng cần nhớ là chỉ giúp đỡ con trẻ khi thực sự cần thiết. Chẳng hạn, trẻ bị ngã khi đang đi, các bà mẹ ở Mỹ hoặc Châu Âu chỉ lên tiếng động viện, khuyến khịc trẻ đứng dậy, sau đó im lặng nhìn bọn trẻ tự đứng dậy. Vì thế trong những trường hợp như thế, bố mẹ sẽ phạm sai lầm nếu lập tức chạy lại và đỡ con mình đứng dậy!
Về phương pháp phát triển năng lực tư duy trẻ em, theo phương pháp của Tiến sĩ Edeward, quá trình dạy trẻ nắm bắt tên gọi của các đồ vật có thể bao gồm ba giai đoạn. Chẳng hạn, ban đầu đưa cho trẻ xem mấy loại bút như bút máy, bút bi và bút chì, chúng ta chỉ vào chiếc bút máy và nói với trẻ: “Đây là bút máy“. Bước tiếp theo, chúng ta đặt trước mặt trẻ cả ba loại bút và đặt câu hỏi: “Đâu là bút máy?” và để trẻ tự nhặt ra đúng chiếc bút máy. Bước cuối cùng là cầm bút máy lên và hỏi trẻ: “Đây là cái gì?“. Với việc đưa ra các dẫn dắt theo thứ tự “đây là...“, “ cái nào là...“, “ Cái này là gì“ như trên được gọi là phương pháp rèn luyện năng lực tư duy “ba giai đoạn“ đối với trẻ em.
Chúng ta nên biết rằng tốc độ phát triển trí tuệ của mỗi trẻ không hoàn toàn giống nhau. Có em bé độ hơn một tuổi nhưng nói năng khá trôi chảy, trong khi em nhỏ khác đến năm tuổi vẫn chưa nói được rành rọt. Sự khác biệt này là do tốc độ phát triển năng lực nói nhanh hay chậm ở từng em nhỏ. Như vậy, trong việc giáo dục trẻ em, điều đáng chú ý ban đầu là vấn đề tốc độ phát triển của các năng lực (không phải ở vấn đề trí tuệ của mỗi đứa trẻ có phẩm chất thông minh hay không) Đối với con nhỏ, bố mẹ nên hiểu rằng không có cái gọi là “sự thích hợp về thời gian” bắt đầu dạy cho con cái học hành một kiến thức nào đó. Điều quan trọng là trẻ có hứng thú hay không với kiến thức được học. Khi trẻ yêu thích và hứng thú, đó là lúc bắt đầu tốt nhất của sự học tập!
Cv.TL Lê Khanh
( Biên soạn theo Phương pháp giáo dục Thực tiễn )