Trẻ em và game online
30/06/2014
Phát triển Tư duy Tích cực
19/07/2014
Trẻ em và game online
30/06/2014
Phát triển Tư duy Tích cực
19/07/2014

Mấy năm gần đây, trong lĩnh vực giáo dục học sinh thì “phong trào” giáo dục kỹ năng sống đã trở thành một hoạt động thu hút sự quan tâm không chỉ riêng các gia đình có nhu cầu muốn cho con em mình phát triển kỹ năng và tài năng,

hay tránh được những nguy cơ trong cuộc sống, mà còn trở thành một lĩnh vực “hái ra tiền” của nhiều đơn vị xã hội.

Khi Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam lần đầu tổ chức chương trình “ Học kỳ quân đội” vào năm 2008 , thì ngay lập tức đã tạo ra những tiếng vang về hiệu quả trong việc giúp các trẻ em thành phố, các cậu ấm cô chiêu thay đổi phần nào nhận thức, hành vi… từ đó, các đơn vị khác đã “ăn theo” để tung ra rất nhiều các hoạt động mang tên HKQĐ abcd hoặc một cái tên nào đó, dù quy mô to hay nhỏ nhưng đều đưa ra những mục tiêu rất hoành tráng, rất thu hút nhắm vào các em học sinh để đáp ứng được phần nào nhu cầu của các gia đình. Tuy nhiên, dù muốn dù không thì các hoạt động này đa phần tập trung vào mùa Hè, khoản thời gian mà trước đây được xem là mùa học thêm, là học kỳ III của HS các cấp. Thì đến nay, các em đã được giảm bớt phần nào việc vác cặp đến lớp học thêm , mà thay vào đó là vác túi xách, ba lô để tham gia các hoạt động kỹ năng sống.

Chúng ta biết rằng thời gian nghỉ hè của các em, tùy theo địa phương, cấp lớp mà các em được nghỉ học từ 2 – 3 tháng. Nhưng chắc chắn cho đến nay, dù có rất nhiều chương trình huấn luyện về kỹ năng sống được tổ chức, thì chưa có được một chương trình nào dám kéo dài hơn một tháng mà trong khi đó thì với nhiều nước trên thế giới, một kỳ trại hè 1 – 2 tháng không phải là chuyện xa lạ. Nói đến đây, thì chắn hẳn là ai cũng thấy, việc tổ chức một học kỳ quân đội từ 5 – 10 ngày đã là điều khó khăn, và cũng là giới hạn tối đa để cho các bậc cha mẹ chấp nhận cho cục cưng của họ “xa nhà”.

Thế nhưng, nếu nhìn vào thực tế đối với các mục tiêu đề ra cho hoạt động giáo dục kỹ năng sống, là giúp trẻ tự tin, mạnh dạn, phát triển những tố chất cần thiết, nhận ra những khuyết điểm của bản thân thì với thời gian tối đa là 5 – 10 ngày, và thông thường chỉ là 2, 3 ngày thì liệu có thể thay đổi được những thói quen ứng xử của trẻ ? Có làm cho trẻ “phát triển nhân cách” để trở nên tự tin, mạnh dạn, phát huy được sự tháo vát hay biết yêu thương gia đình, cha mẹ hơn một cách “siêu tốc”? Nếu có chăng thì chỉ là những nụ cười vì được chơi đùa thoải mái và những giọt nước mắt vì những lời lẽ xúc động được thốt ra từ những giảng viên, huấn luyện viên, giáo viên KNS nhiều kinh nghiệm để rồi khi quay lại gia đình thì ba bảy hai mốt ngày, mèo lại hoàn mèo!

Đó là chưa kể đến rất nhiều chương trình chỉ được cái bề nổi, với những hình thức quảng cáo hấp dẫn, có nhiều “chiêu trò” được tung ra chỉ với một mục đích duy nhất là “kiếm lời” từ những mức học phí khủng và giảm giá cũng khủng luôn ! cho đến những trò “treo đầu dê bán thịt chó”. Có nhiều đơn vị không xây dựng nổi cho mình những chương trình có chiều sâu, không có sẵn các chuyên viên, giáo viên cơ hữu được đào tạo về tâm lý, công tác xã hội … mà chỉ biết sử dụng những “kẻ đánh thuê” những chuyên viên chạy show, đến tham gia dàn dựng chương trình một vài buổi cốt để chụp ảnh đưa lên các trang mạng xã hội, up lên facebook để quảng bá cho thương hiệu qua những nội dung giảng dạy vay mượn, thậm chí là đi lấy kiến thức, chất xám của người khác về làm của mình , trịnh trọng treo lên trang web không thèm xin phép mà vẫn tự hào là một đơn vị “có giáo dục” có thương hiệu uy tín !

Với những chương trình như thế, thì nói gì đến chất lượng? Vì ngay cả khi thực hiện những “chương trình giáo dục kỹ năng sống chất lượng cao” thì có nhiều nơi, vẩn chưa phân biệt được rạch ròi thế nào là kỹ năng sống, thế nào là giá trị sống, thế nào là kỹ năng mềm … Trong khi đây là ba phạm trù khác nhau với những biểu hiện khác nhau.

Có thể hiểu một cách đơn giản, Kỹ năng sông : Là những kỹ năng mà trẻ ( hay HS, SV) biểu lộ ra bằng khả năng nhận thức và bằng hành động sau khi được tiếp nhận các biện pháp giáo dục bằng các phương pháp phù hợp có thể là trò chơi, là hoạt động nhóm .v.v..

Ví dụ : Trẻ nhận thức được giá trị bản thân, có lòng tự trọng và tự tin thì sẽ biết cách kiểm soát cảm xúc, có khả năng bảo vệ bản thân và biết cách ứng xử, giao tiếp một cách lịch sự, văn minh như biết nói lời xin lỗi, cám ơn , xin phép đúng lúc, đúng chỗ mà không cần nhắc nhở…

Kỹ năng mềm: Là những kỹ năng mà trẻ tiếp nhận được thông qua các biện pháp hướng dẫn qua trò chơi, qua hoạt động nhóm, nghe kể chuyện và đóng kịch … mỗi một lứa tuổi sẽ có nhu cầu về kỹ năng mềm khác nhau và mỗi một lứa tuổi sẽ có khả năng tiếp nhận những kỹ năng mềm khác nhau bằng những biện pháp khác nhau.

Giá trị sống: Là những giá trị về đạo đức và chuẩn mực ( có khoản 12 giá trị sống tiêu biểu) các giá trị sống này sẽ được giới thiệu, trình bầy, chia sẻ để trẻ cảm nhận được tùy theo từng độ tuổi, năng lực nhận thức và phương pháp tác động. Cũng là 1 giá trị sống như : Yêu thương, tôn trọng, đoàn kết … mà một trẻ lớp Một, trẻ lớp Năm và trẻ lớp Bảy sẽ có những biện pháp tác động và khả năng nhận thức khác nhau.

Nói cách khác: Giá trị sống là điều trẻ được hình thành trong bản thân và được thể hiện ra bằng các hành vi hay hoạt động gọi là kỹ năng sống, là những năng lực trẻ đã được hướng dẫn và am hiểu dần dần qua các hoạt động thực hành bao gồm kỹ năng mềm và kỹ năng cứng. được thiết kế phù hợp với độ tuổi, với khả năng của trẻ.

Như thế chúng ta có thể gọi đó là một đứa trẻ hay một HS, SV biết kỹ năng sống, hiểu giá trị sống và giỏi kỹ năng mềm. Chứ không thể đem kỹ năng sống vào dạy như một môn học với những kiến thức hàn lâm trong vài ba buổi, mà đó phải là những hoạt động trải nghiệm được hướng dẫn bằng phương pháp tiệm tiến, từng bước một trong một thời gian dài.

Chúng ta ai cũng biết câu : Gieo một suy nghĩ, gặt một hành động, gieo một hành động, gặt một thói quen, gieo một thói quen gặt một tính cách! Chỉ khi nào trẻ có suy nghĩ tích cực thì mới thể có những hành động tích cực. Chính vì vậy, nếu áp dụng chương trình giáo dục kỹ năng sống mà lại xem đó là một tiết học 30 phút như dạy công dân giáo dục với những lời giảng dạy về đạo đức con người cho một đứa trẻ chỉ muốn được chơi đùa, vận động … hay việc giảng dạy các kỹ năng mềm cho trẻ mà chỉ thông qua hình thức : thày nói trò nghe với một diễn giả và hàng trăm HS ngồi dưới sân trường thì chắc chắn kết quả chỉ là những hình ảnh đẹp mắt và những lời lẽ có cánh trong các bài viết, trong các dòng thông tin đăng tải trên web, trên báo, chứ không thể gieo được vào lòng cho HS những suy nghĩ tốt, để có thể có được những hành động tích cực theo thói quen trong cuộc sống đời thường.

Thậm chí cho dù có tổ chức theo từng chủ đề, từng chuyên đề cụ thể với những biện pháp thực hành rất sinh động, nhưng nếu giảng viên là những người thiếu kỹ năng truyền đạt tốt và không am hiểu tâm sinh lý của đối tượng học sinh, thiếu các công cụ để thực hiện các trò chơi sinh động để trẻ tham gia một cách chủ động ..thì cũng khó mà lưu giữ được những điều tốt đẹp nơi trẻ. Đó là chưa kể đến một yếu tố quan trọng, chính là gia đình các em. Nếu bô mẹ vẫn xem kỹ năng sống chỉ là những trò “giải trí” thêm thắt bên cạnh một chuỗi lịch học dày dặc các môn học văn hóa, và cũng không nhắc nhở, khuyến khích và tạo cơ hội cho trẻ áp dụng những kỹ năng tại gia đình thì chuyện “mèo vẫn hoàn mèo” là điều tất yếu .

CvTl Lê Khanh

TT Rồng Việt Vũng Tàu

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý