Trò chuyên về Kỹ năng sống
16/09/2014Bất ổn Tâm lý tuổi dậy thì
15/10/2014Nuôi dạy con là một nghệ thuật cần phải học hỏi bằng những kiến thức từ bên ngoài và những kinh nghiệm từ quá trình chăm sóc con. Có rất nhiều sách, nhiều nguyên tắc đã được đưa ra. Sau đây là 9 nguyên tắc đơn giản và có lẽ là cơ bản nhất để giúp cho các bậc phụ huynh thành công hơn trong việc chăm sóc giáo dục con em.
Nuôi con là bổn phận :
Quá trình cha mẹ sinh con ra và nuôi dưỡng con lớn khôn chắc chắn là có rất nhiều gian khổ, lo lắng… nhưng như thế không có nghĩa là có thể buộc con cái phải làm theo điều cha mẹ muốn hoặc cũng không nhất thiết bắt con cái phải đảm bảo sau này trả ơn cho cha mẹ. Sự thành công của con khi ra trường đời chính là phần thưởng tốt nhất dành cho cha mẹ.
Yêu thương cho đúng cách:
Cha mẹ nào chẳng yêu thương con. Cứ cho là điều này đúng với 100% cha mẹ trên đời này, thì sự thật là vẫn có một tỉ lệ phần trăm nào đó dù yêu thương nhưng lại không biết cách thể hiện tình yêu thương nên đã gây ra nhiều đau đớn và tổn thương cho con. Chúng ta thể hiện tình yêu con không phải là bao che bảo bọc con trước những thử thách và cám dỗ, mà là hướng dẫn con cách đương đầu và khắc phục những điều đó
Biết kiểm soát cảm xúc:
Sự thật là những sự tức giận, la mắng, đánh đập của cha mẹ dành cho con (hoặc của người lớn dành cho trẻ con nói chung) không bao giờ là do “lỗi của con” mà là do cha mẹ không kiểm soát được những cảm xúc và sâu xa hơn là không kiểm soát được hệ thống quan niệm/ niềm tin của bản thân mình vì cách nghĩ và cách làm của thế hệ cha mẹ khác với cách nghĩ, cách làm của thề hệ con cái.
Không cần phải hy sinh tất cả :
Nếu cha mẹ muốn bỏ hết mọi sự để chăm lo cho con, thì đừng biến điều đó thành điều để kể lể, than thở về sự hy sinh của mình, và cũng đừng bắt con phải trả ơn hoặc làm theo điều cha mẹ mong muốn vì cho rằng đó là bổn phận của con đền đáp lại những lo lắng và hy sinh của mình. Đừng biến con thành con nợ của tình thương.
Mỗi giai đoạn là một nhiệm vụ :
Mỗi đứa trẻ trong từng giai đoạn tuổi khác nhau đều có những “nhiệm vụ tâm lý” đặc trưng khác nhau cần hoàn thành (để trở thành một con người khỏe mạnh), chẳng hạn từ 0-1 tuổi là giai đoạn đứa trẻ cần đạt tới được sự tin tưởng vào cuộc sống. Những điều này cha mẹ có thể tìm đọc từ các tài liệu của tác giả Erik Erikson (có thể hỏi giáo sư Google)
Không cần phải dùng đến đòn roi
Nếu cha mẹ tin rằng đòn roi hoặc la mắng hoàn toàn không giúp con tốt hơn thì ĐỪNG BAO GIỜ LÀM ĐIỀU ĐÓ. Bởi vì thực sự đó là một biện pháp giáo dục tệ hại nhất. Vì đòn roi sẽ biến đứa trẻ trở nên một con người thụ động, nhút nhát hoặc ngược lại, nó sẽ trở nên ích kỷ và bạo lực với những người khác khi lớn lên.
Chỉ có sự kiên trì, không có con đường tắt :
Nếu cha mẹ thật sự muốn giáo dục và thật sự mang lại cho con một sự giáo dưỡng tốt nhất, hãy chuẩn bị điều đó ngay từ trước khi bắt đầu làm cha mẹ và cập nhật liên tục trong suốt thời gian làm cha mẹ. Đừng để đến khi con có vấn đề mới đi tìm các chuyên gia để xin… phép màu. Sự kỳ diệu theo kiểu đó sẽ không thể có cho dù chuyên gia có tài giỏi như thần.
Nền tảng của giáo dục là yêu thương và tôn trọng:
Hãy đặt nền tảng cho việc giáo dục và nuôi dưỡng con cái trên tình yêu thương, sự tôn trọng, và lý trí (để biết cái nào đáng tin cái nào không đáng tin).Ngoài ra, cha mẹ cần cân nhắc khi nghe theo những lời tư vấn kém hiểu biết và thiếu trách nhiệm từ bất kỳ ai.
Nuôi con là một niềm vui
Hãy nuôi dưỡng và giáo dục con cái với niềm vui của sự đồng hành, nâng đỡ và đối thoại thật sự để nghe và hiểu hết được những nhu cầu thật sự của con.
Rất mong muốn được nhìn thấy những khuôn mặt tươi vui của cha mẹ và những khuôn mặt rạng ngời tự hào của con trẻ trong các gia đình Việt Nam.
Saigon, 14/09/2014
Ngô Minh Uy