Biến Kỹ năng sống thành ..kỹ năng chết !
16/01/2018Giáo Dục Giới Tính – món quà hay cạm bẫy
20/04/2018Tết Nguyên Đán là một nghi lễ cổ truyền với rất nhiều tục lệ khác nhau, từ việc gói bánh dày , bánh chưng , làm mâm cỗ cho đến việc trang hoàng nhà cửa , mua sắm …. Cho đến nay , không nói đến những tục lệ đã mai một theo thời gian như dựng cây nêu , hoặc bị cấm vì sự an toàn như việc đốt pháo . Thì một trong những tục lệ ai cũng thích, cũng muốn duy trì nhưng có lẽ 10 người thì hết 9 là vận dụng không đúng ý nghĩa đích thực của nó.
Ai cũng biết lì xì là việc tặng một số tiền mới, giá trị nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn là mừng cho người nhận được thêm một tuổi. Đặc biệt với các cháu nhỏ thì nó còn mang ý nghĩa lời khen thưởng vì đã đến chúc thọ người lớn, và được mừng cho một phong bao tượng trưng cho sự may mắn.
Cũng như nhiều tục lệ , thì việc mừng tuổi đã có từ rất lâu và thường có nguồn gốc từ bên Tàu ! Tuy nhiên, cũng như Tết Nguyên Đán thì hầu hết các tục lệ xuất phát từ Trung Hoa khi sang đến Việt Nam đều bị hay được biển đổi cho phù hợp với tính cách của người Việt. Lì xì cũng thế, từ chuyện bố mẹ gói những đồng tiền xu bỏ vào phong bao để đầu giường trẻ em để phòng chống yêu quái vào buổi tối giao thừa của Tàu, khi qua Việt Nam thì lại biến thành một món tiền nhỏ tặng cho con cháu để mừng tuổi vào sáng ngày mùng Một Tết. Nhưng theo thời gian và cũng theo tinh thần thực dụng của người Việt, thì việc mừng một vài tờ tiền mới để lấy hên ( tờ tiền đó sẽ để dành không tiêu ) của ông bà , bố mẹ tặng cho con cháu đã dần dần biến thành một việc “cho tiền càng nhiều càng tốt” cho trẻ . Từ đó việc lì xì bị biến tướng với những ý nghĩa tích cực hay tiêu cực.
Về mặt tích cực, thì nhiều người xem việc lì xì tiền cho trẻ là một cơ hội để tập cho trẻ biết tiêu tiền, và bố mẹ sẽ “khuyến cáo” hay “ răn đe” thậm chí là “chỉ đạo” cho trẻ phải mua cái gì, không được mua cái gì, không được dùng tiền mang đi lắc bầu cua , chơi bài hay mua đồ chơi “tầm bậy tầm bạ” mà phải dùng để mua học cụ, sách vở …dù rõ ràng đó là tiền túi của trẻ . Hay tốt hơn hết là “ để dành” và trẻ buộc phải bỏ ống tiết kiệm dù không muốn chút nào.
Về mặt tiêu cực, thì nhiều người lại xem đây là một cơ hội để tập cho con biết “làm tiền” ông bà hay họ hàng người quen bằng nhiều chiêu khác nhau. Trẻ sẽ thi nhau chúc tết người lớn bằng những câu sáo rỗng, liếng thoắng, chỉ với mục đích là được lì xì, và phải lì xì bằng “tiền to” chứ không thèm tiền lẻ ! Người lớn cũng “ tranh thủ” để khoe tiền hay có khi lại là một hình thức hối lộ ngầm cho con của các sếp!
Chính vì những biến thể của việc Lì xì mà từ một phong tục tốt đẹp, trong nhiều trường hợp đã biến thành những chuyện không hay, khi đứa trẻ tự nhiên lại có trong tay một số tiền khá lớn, để rồi một là tiêu xài phung phí, hai là lại ấm ức vì bố mẹ đã “thu gom” hết sạch với các lý do rất “chính đáng”.
Thực ra việc tập cho con biết quản lý tiền, hay biết tiêu tiền đúng cách không phải là đợi đến Tết, khi con có một món tiền lớn mới “ra tay” để rèn luyện. Vì cho dù với mục đích tốt hay không, thì việc chỉ đạo hay góp ý với con về cách tiêu tiền đã không đúng với nguyên tắc giáo dục trẻ bằng sự yêu thương và tôn trọng. Vì việc tập cho con biết giá trị đồng tiền, biết tiêu và quản lý tiền là một tiến trình lâu dài và thường xuyên trong năm.
Có những người thì thay vì cho Tiền, mà lại lì xì cho trẻ một vật phẩm gì đó. Cho dù vật phẩm đó có giá trị tốt đẹp đến bao nhiêu thì nó cũng không đem lại cho Trẻ những ý nghĩa và giá trị như một chiếc phong bao lì xì !
Vì thế, để có thể gìn giữ bản sắc dân tộc qua các tục lệ tốt đẹp của ngày Tết Nguyên Đán , các bậc cha mẹ và cả người lớn chúng ta, nên vận dụng chuyện lì xì theo đúng ý nghĩa giá trị của hoạt động này. Việc này không những giúp cho trẻ hiểu được các giá trị truyền thống mà còn giúp cho chúng ta bớt đi một “nỗi lo cạn túi” nếu chẳng may có khá nhiều “con cháu” hay những “món nợ” ân tình phải trả qua những chiếc phong bao ngày Tết.
Lê Khanh – những ngày đón Tết !