Học sinh treo cổ tự tử trong lớp học: Biểu hiện “báo động” nào bị bỏ qua?
10/01/2018
LÌ XÌ NGÀY TẾT – Cho tiền hay mừng tuổi ?
07/02/2018
Học sinh treo cổ tự tử trong lớp học: Biểu hiện “báo động” nào bị bỏ qua?
10/01/2018
LÌ XÌ NGÀY TẾT – Cho tiền hay mừng tuổi ?
07/02/2018

Bấy lâu nay, tình trạng thiếu hụt kỹ năng sống của các em HS đã được báo động từ khuya.. vì thế nên mọi người, từ phụ huynh cho đến nhà trường đã xúm vào tìm mọi biện pháp bù đắp, xây dựng, cải thiện, phát triển đủ các kiểu cho HS về kỹ năng sống. Từ những trò vớ vẩn nhất như tập đi trên miểng chai, học đứng cân bằng trên con lăn..v.v ..cho đến việc xuất bản hàng loạt những cuốn sách giáo khoa, dạy dỗ các em như các môn học lý thuyết hàn lâm khác, mà không hề nghĩ rằng khi đưa những giáo trình và bài giảng đạo đức vào thì  đã làm cho kỹ năng sống của trẻ chỉ có từ chết đến bị thương.

Một trong những hoạt động ưa thích của các trường là mời các chuyên gia “hùng biện” về KNS về trường để tổ chức một vài chuyên đề với tiêu chí: Không quan tâm đến anh nói gì, miễn là phải lấy thật nhiều nước mắt của các em là được !  Giá trị của chuyên gia được đo bằng số lượng nước mắt và tiếng khóc của học trò. Ngược lại, cũng có những “ chuyên gia” gây cười – dạy KNS mà giống như “tấu hài” – Các em cười ầm ỹ vì những mảng, miếng chiêu trò hay vì những câu nói gây sốc, là thành công.

“Thích thì chiều” thế là các chuyên gia “ chuyên khai thác bi kịch” đã tập trung vào các đề tài như lòng hiếu thảo, sự yêu thương gia đình, cha mẹ, thầy cô , xa hơn nữa là trách nhiệm với tổ quốc, đồng bào … với mục tiêu duy nhất là biến những em cá biệt, cá tính, ngỗ nghịch, chống đối, lười biếng .. trở thành những đứa trẻ ngoan.  Những chuyên gia này rất giỏi về việc khai thác “tâm lý đám đông” vì thế nếu để họ đứng trước một đám đông các em HS, càng đông càng tốt thì những biện pháp tác động của họ càng có hiệu quả , ngược lại nếu bảo họ chia sẻ, khơi gợi những giá trị bản thân cho một nhóm nhỏ hay cho một cá nhân thì có khi sẽ mất tác dụng ! Điều này lại rất phù hợp với xu thế “dạy KNS” theo phong trào.  Các trường cứ gom hết HS lại ngồi ở sân trường, chuyên gia thì đứng trên sân khấu và trổ tài hùng biện, khiến cho các em thấy mình thật nhỏ bé, thật vô dụng, thật khiếm khuyết – Các em không có lòng nhân từ, thiếu sự tôn kính, quên mất công ơn trời biển của các đấng sinh thành …và thế là các em thi nhau khóc …còn các thầy cô đứng bên ngoài quan sát thì lại có khi cười !

Lẽ ra, việc dạy hay nói một cách đúng đắn, là việc hướng dẫn các hoạt động phát triển kỹ năng sống cho HS, nên và phải là những hoạt động thực hành, thông qua những biện pháp sinh hoạt, thảo luận, làm việc nhóm với những kỹ thuật tiệm tiến, đi từng bước và khuyến khích, nhắc nhở các em áp dụng tại gia đình trong các sinh hoạt hàng ngày trong một thời gian dài. Thế nhưng, để làm được điều này thì phải có một đội ngũ các giáo viên, được huấn luyện bài bản, hay các hướng dẫn viên biết tổ chức các hoạt động xây dựng nhóm (Team Building) từng bước tác động trong một thời gian dài…. Hoặc thông qua các phong trào giáo dục thanh thiếu niên. Đây là điều không phải trường nào cũng có thể áp dụng, và nhất là khi mà mục tiêu tổ chức các hoạt động giáo dục KNS trong nhà trường chỉ là để “ báo cáo thành tích” chứ không hề nghĩ đến việc khởi tạo lòng tự tin, giúp trẻ nhận biết giá trị bản thân để có một cuộc sống tích cực nơi mỗi HS. Mặc dù, điều đó luôn luôn được nói đến như một giá trị cao quý, nhưng thực tế thì “ nói vậy mà không phải vậy”. Bởi vì, mời một chuyên gia gây khóc hay gây cười – đến nói chuyện gây phong trào một năm vài lần, bao giờ cũng đơn giản, và chi phí thấp hơn so với việc tổ chức một hoạt động sinh hoạt phát triển KNS thường xuyên trong nhà trường. Không những thế, với hình ảnh hoành tráng cờ đèn kèn trống, bandroll , khẩu hiệu tứ tung và nhất là hình ảnh các em mắt đỏ hoe, khóc sùi sụt …bao giờ cũng có giá trị hơn hẳn những kết quả không thấy được trong sự biến chuyển nơi tâm lý các em.

Chính vì thế, dù hoạt động giáo dục KNS đã “ phổ cập” trong từng cấp học, từ MG đến trung học phổ thông trong cả chục năm nay, thì tình trạng “ bạo lực học đường” ngày càng tăng, số lượng các trẻ bị chấn thương tâm lý, hay trở nên rối nhiễu tâm lý ngày càng nhiều. Các phòng tư vấn tâm lý thường xuyên tiếp nhận các trẻ từ tiểu học đến trung học, có tình trạng lười biếng, nhút nhát, lì lợm hay cãi lại, hỗn hào thậm chí là đánh lại cha mẹ, hoặc có tình trạng chán học, bỏ học, sống thu mình, có dấu hiệu trầm cảm…. Điều đó đã chứng minh cho sự bất lực hay thiếu hiệu quả của hai hoạt động cần thiết cho các em HS trong nhà trường là công tác Hướng dẫn kỹ năng sống và tư vấn tâm lý học đường.

Một điều đáng tiếc, hay có thể nói là bất hạnh cho các em là cả hai hoạt động này đều được “quan tâm đúng quy trình” bằng việc tổ chức những hoạt động giáo dục KNS theo phong trào, và tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý học đường theo kiểu lập tổ chỉ đạo  “hữu danh vô thực” để dạy dỗ HS bằng những hình thức sáo rỗng ! Những người có thẩm quyền và trách nhiệm trong ngành giáo dục đã biến hai nhu cầu thiết yếu của HS trở thành những hình thức “tuyên truyền đạo đức giả” chứ không phải xây dựng được những biện pháp “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cho các em . Lẽ ra các em phải được bồi dưỡng những giá trị tinh thần, ý thức về năng lực bản thân có được sự linh hoạt thích nghi và ứng phó với  một xã hội đầy biến động, đầy rẫy những tiêu cực … qua những hoạt động thực hành với sự lắng nghe và tôn trọng, thì các “sân khấu KNS” của các chuyên gia “Bi kịch” hay “tấu hài” lại biến các em thành những tội đồ, phải cúi mình khóc lóc, rên rỉ với sự xám hối ăn năn những lỗi lầm mà mình đã gây ra cho người lớn, cho các bậc bề trên, để sau đó sẽ hứa hẹn sẽ thay đổi , và thường là sau một đêm, sau vài buổi thì những lời lẽ đạo đức có cánh của các chuyên gia cũng sẽ bay theo mây trời cùng những giọt nước mắt và những lời hứa hẹn của các em với các bậc phụ huynh.

Từ trước tới nay, hai thủ phạm thường được chỉ mặt đặt tên là Games Online và mạng xã hội đã khiến cho trẻ trở nên hư hỏng  mà có khi  đó lại là “lối thoát hay trở những nơi nương náu trước sự tấn công phũ phàng vào các giá trị sống do chính các thầy cô, cha mẹ đã vô tình hay cố ý thực hiện bằng những lời nói và cách sống “đạo đức giả” của mình trước mặt các em. Ngoài ra việc thiếu các “ sân chơi” hiểu theo cả 2 nghĩa đen và bóng ! cũng góp sức trong việc nhốt các em trong các bức tường, mà chỉ có thể thoát ra bằng các hình thức “ không gian ảo” !  Trong khi đó, có thể nói một cách không cường điệu chút nào, thì chính việc tổ chức các “ sân khấu bi – hài cho hoạt động KNS”đã góp phần không nhỏ vào việc hủy hoại chút lòng tin còn sót lại nơi các em, và cũng biến các em thành những “kịch sĩ” nghiệp dư để khóc đó, cười đó và …quên đó ! Các em thay vì tôn trọng những giá trị sống, sẽ bắt đầu vô cảm trước nó, bởi vì các em đã bị những chiêu trò của các nhà giáo dục làm cho trở nên coi thường những điều cần tôn trọng . Các em sẽ học được rất nhanh sự giả dối, tính đạo đức giả đang được rao giảng mà không hề biết rằng mình đang từng bước “vong thân” !

Khi các em trở nên những “tội đồ” thì từ trong gia đình đến nhà trường chi biết đối phó bằng việc “ đuổi học” hay có khi lại mời công an vào cuộc , lôi các em vào đồn và biến các em thành tội nhân hay nạn nhân ! Còn các biện pháp “tội nghiệp” của các bậc cha mẹ chỉ là “ trừng phạt” “dụ dỗ” và “năn nỉ” ! Sau đó là đưa đến các chuyên viên tâm lý nhờ giảng moral cho các em hiểu ! Còn việc hiểu và áp dụng được các yếu tố giáo dục kỹ năng sống tại gia đình, thì ngay chính các PH cũng còn mù mờ để chỉ còn biết “ dạy con trong hoang mang” !

Xin hãy dung tha cho các em bằng việc thôi đi những trò tấu hài dối trá mạo danh những giá trị đạo đức và xin hãy tôn trọng các em, để khởi tạo  cho các em những giá trị làm người của một con người tử tế khi bước chân vào đời chứ không phải hứa hẹn sẽ thành người tử tế khi đã đi đến cuối nẻo đường đời !

CVTL Lê Khanh

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý