Người Cha ở Đâu ?
11/06/2018Trẻ cần biết Chơi trước khi ..biết Nói
26/10/2018GiadinhNet – Hè đến, nhiều bậc phụ huynh cho con vào những khóa tu tại các chùa, thiền viện những mong con có kỳ nghỉ hè bổ ích, có thể rèn luyện đạo đức… Cùng với đó, có những trẻ dù không muốn vẫn bị cha mẹ “ép buộc” tham gia. Liệu điều này có mang lại ý nghĩa thực sự cho trẻ?
Hè đến đưa con đi tu
Ngoài các lớp kỹ năng sống, kỳ nghỉ quân đội, gửi con đến các chùa học các phép tắc từ khóa tu là cách nhiều phụ huynh nghĩ đến khi tìm hiểu các hoạt động cho con mùa hè. Trước đây, các khóa tu mùa hè thường do các chùa, thiền viện tự tổ chức với quy mô nhỏ, nhưng gần đây nhiều trung tâm kỹ năng sống cũng kết hợp với các chùa để mở rộng lên đến vài trăm trẻ một mùa.
Bên cạnh những em nhỏ hào hứng, không ít trẻ nhỏ tham gia các khóa tu mùa hè là do bố mẹ “ép buộc” để tách khỏi cuộc sống công nghệ, Internet trong một thời gian ngắn, có thể là muốn con được học Phật pháp để chúng hiểu rõ hơn về ý nghĩa cuộc sống, trân trọng những gì đang có… Vì vậy, trong suốt quá trình được học và rèn luyện tại chùa, có trẻ có những thái độ và hành vi tiêu cực, nhiều khi còn tỏ ra bức xúc với nội quy, bài giảng trong khóa học. Nhất là những trẻ chưa từng được giới thiệu về nếp sống ở chùa, chưa từng được ăn chay hoặc chưa từng xa cha mẹ bao giờ đã khóc vì nhớ nhà, vì lạ chỗ, không được ngủ thoải mái như ở nhà, đòi về giữa khóa…
Việc ép con theo các khóa tu có nên hay không? Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Giám đốc Cty Giáo dục KidsTime Bình Thạnh (TP HCM) cho biết, mỗi trẻ đều có những tính cách, nhu cầu và sở thích khác nhau. Những hoạt động tập thể, các trò chơi trông rất vui vẻ cùng với các bài giảng về đạo đức rất sinh động cũng có thể thích hợp với trẻ này, nhưng lại làm cho trẻ khác không vui.
Với những trẻ có tính thiên về hướng nội, thích các hoạt động cá nhân, không thích kết bạn nhiều và cũng không thích tham gia các hoạt động chung thì các hoạt động trong các khóa tu hay các khóa sinh hoạt kỹ năng sống đông người, đòi hỏi một sự tham gia tích cực là không phù hợp. Nếu để ý quan sát, chúng ta sẽ thấy không thiếu trẻ chỉ đóng vai trò quan sát, thụ động nhìn các bạn đang ồn ào tham gia các hoạt động một cách vui vẻ. Nếu có yêu cầu hay khuyến khích thì trẻ cũng chỉ tham gia một cách miễn cưỡng.
Điều đáng nói là chính các trẻ này lại được, hay buộc phải tham gia các khóa tu vì cha mẹ kỳ vọng rằng, với các hoạt động tích cực này, trẻ sẽ trở nên linh hoạt, tích cực hơn. Điều đó là hoàn toàn không thể. Ngược lại, những trẻ quá năng động, hoạt động cười đùa luôn tay luôn chân, các buổi ngồi nghe giảng pháp có khi kéo dài hơn tiếng đồng hồ lại làm trẻ bức bối, nghe các câu chữ từ tai này chạy qua tai kia và vì ngồi không yên thân, nên lại ngọ nguậy khều người trước, chọc người sau… gây phiền hà cho các bạn chung quanh. Cũng có khi, trẻ sẽ tụ lại một nhóm, khều móc, nghịch ngợm khi các sư thầy nói bên trên và dĩ nhiên là không có điều gì tốt đẹp lọt vào tai.
Vì thế, cha mẹ cần phải hiểu rõ tính cách, nhu cầu, sở thích của trẻ để đừng vô tình làm mất đi sự hứng thú trong mùa hè – mùa mà trẻ có quyền nghỉ ngơi, giải trí theo sở thích của mình. Nên hỏi ý kiến trẻ trước khi quyết định chọn khóa học, rèn luyện mùa hè. Tránh cho trẻ sự ức chế tâm lý, thậm chí phản kháng lại cha mẹ vì cảm giác bị ép buộc, bị bỏ rơi. Phụ huynh cũng không nên giao phó hẳn cho nhà chùa trong trường hợp trẻ hư. Hãy trao đổi trực tiếp với sư trụ trì, hoặc ban tổ chức khóa tu hè về trường hợp trẻ để có sự phối hợp một cách tốt nhất với nhà chùa trong việc quản lý, giáo dục.
Nếu trẻ không phản đối và đồng ý tham gia, cha mẹ cũng cần nhắc nhở trước một số nguyên tắc ứng xử trong đám đông, bạn bè cùng trang lứa. Nhất là trong các hoạt động như ăn uống, nghỉ ngơi giữa các khóa học, phải lưu ý trẻ cách giao tiếp với những người phục vụ, thường là các bác, các cô dì tham gia làm công quả trong chùa. Họ không phải là những người có bổn phận phục vụ như trong các nhà nghỉ, khách sạn mà có trách nhiệm dọn dẹp mọi thứ do mình bày ra.
Đừng quá kỳ vọng vào sự “đột biến”
Mục đích chung của các khóa học tu mùa hè cũng như các lớp kỹ năng sống là để cho các bạn trẻ nhận biết ý nghĩa các giá trị sống, phát triển các kỹ năng sống một cách tốt đẹp. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, nếu phụ huynh thực sự hiểu biết về việc hình thành và phát triển các kỹ năng sống như thế nào hãy nên rèn luyện cho trẻ ngay tại gia đình.
Không phải là vì các khóa tu hay rèn luyện kỹ năng ở nhà chùa không tốt mà vì chỉ với một vài ngày tập trung nghe giảng về các điều hay lẽ phải hầu như chỉ giúp cho trẻ hiểu hơn, cảm nhận một cách xúc động để có thể ứa nước mắt về những gì được gọi là sai trái mà mình đã nghĩ, đã làm cho bố mẹ, thầy cô, bạn bè mình phiền lòng. Cũng không thiếu những trẻ tự hứa với lòng là mình sẽ thay đổi. Thế nhưng, kỹ năng không thể có trong vài ngày, sự cải thiện cũng không thể hình thành chỉ bằng lời hứa với bản thân.
Khóa tu mùa hè hay bất kỳ một khóa học về kỹ năng sống nào đều chỉ là những hạt mầm được gieo vào tâm hồn trẻ, nếu không có sự chăm chút tưới tắm hàng ngày bằng chính các hoạt động thường xuyên tại gia đình và trong cách cư xử một cách tốt đẹp giữa bố mẹ và con, những hạt mầm ấy dần dần sẽ “lụi tàn”.
Ngoài ra, điều quan trọng nhất là phải cho trẻ hiểu rằng những giá trị tốt đẹp của khóa tu chỉ có thể ghi nhớ và phát triển qua các hoạt động hàng ngày tại gia đình. Trẻ sẽ được nghe, được hướng dẫn và có thể được tham gia một số hoạt động để phát triển những giá trị tốt đẹp bên trong, thì trách nhiệm của cha mẹ là phải hỏi han, nhắc nhở, khích lệ và duy trì những điều trẻ đã nhận được. Có thể chỉ là một vài hành vi nho nhỏ, vài câu chào hỏi đơn giản, một số câu chuyện mà trẻ cảm động hay những kỷ niệm vui, nhưng nếu được khơi gợi đúng cách cũng sẽ triển nở thành những thói quen tốt.
Đồng thời, cũng đừng nên quá kỳ vọng vào sự “đột biến” để có thể đòi hỏi trẻ những trách nhiệm mà trước đây các em chưa hề được rèn tập. Như thế, các khóa tu cũng như các khóa huấn luyện kỹ năng sống sẽ góp một phần vào việc giúp trẻ dần dần trở nên tốt đẹp hơn.
Phương Thuận