Trị liệu tâm lý nhóm ở trẻ em và thiếu niên
25/04/2011
Bệnh Tâm thể
26/04/2011
Trị liệu tâm lý nhóm ở trẻ em và thiếu niên
25/04/2011
Bệnh Tâm thể
26/04/2011

Tư vấn tâm lý cho trẻ em và  thanh thiếu niên là một tiến trình với những trải nghiệm sống trong cuộc đồng hành với trẻ trên bước đường xây dựng nhân cách cho trẻ và cho cả nhà tư vấn tâm lý ….

 

 

Không chỉ là vấn đề hỏi trẻ,

chúng ta còn phải chất vấn lại chính chúng ta.

Paulo Freire 1987

I/ LẤY TRẺ EM LÀM TRỌNG TÂM :

Việc tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên dễ tạo cho người tư vấn ( Có thể là nhân viên xã hội hay chuyên viên tâm lý ) có thái độ và tư tưởng của một người thày. Nếu người tư vấn (NTV) khi tư vấn cho trẻ, mà nghĩ rằng mình đang ở vị trí của một người cha, người thày, người bà con thậm chí là một người bạn của trẻ thì chúng ta phải xem xét lại tư thế của mình, vì các vị trí đó đều không thích hợp cho một người tư vấn, mà ta có thể xem NTV là một tổng hòa của các vị trí trên và đôi khi lại trở thành một người quan sát và có khi lại phải trở thành chính đưa trẻ đó để có thể cảm thông một cách triệt để những suy nghĩ và có thể đánh giá được những phản ứng của trẻ.

Chúng ta là người cha khi biết thông cảm cho những ức chế mà trẻ có thể gặp phải tại gia đình

Chúng ta là người thày khi biết đưa ra những định hướng giúp trẻ nhìn ra vấn đề mà chúng đang gặp phải trong cuộc sống.

Chúng ta là người bà con khi biết lắng nghe những nỗi niềm của trẻ với sự chấp nhận và tôn trọng bản thân trẻ

Chúng ta là bạn bè của trẻ khi  biết giúp đỡ và động viên trẻ có được những quyết định cần thiết

Đặt trẻ em vào trọng tâm :

Do vị trí của người tư vấn không cố định, thay đổi tùy theo tình trạng của trẻ, vì vậy không thể xem đó là vị trí trọng tâm trong quan hệ của mối tương tác cá nhân, vì thế chúng ta phải lấy chính đứa trẻ làm trọng tâm trong công tác tư vấn.

Việc đứa trẻ trở thành trọng tâm có nghĩa là người tư vấn phải:

–          Tôn trọng, lưu ý đến những phát biểu, ý kiến của trẻ

–          Giúp trẻ bộc lộ những suy nghĩ của mình ( Qua phát biểu, bầy tỏ bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, trò chơi, hình vẽ , đóng kịch )

–          Tham khảo ý kiến trẻ một cách nghiêm túc ( Căn cứ vào độ tuổi và sự trưởng thành)

–          Cùng trẻ đưa ra quyết định, giải thích sự lựa chọn và lý do cho từng quyết định.

–          Các lời yêu cầu, trao đổi phải dùng những từ ngữ dễ hiểu để chắc chắn rằng trẻ có thể nắm bắt được ý nghĩa. Không nên có những lời nói mập mờ , nước đôi.

Vì thế, việc tư vấn tâm lý cho trẻ không chỉ là những lời khuyên bảo mang tính giáo huấn một chiều, mà trong việc gặp gỡ trẻ cần phải có thái độ lắng nghe, phải tạo cơ hội và điều kiến cho trẻ có thể bộc lộ cá tính, suy nghĩ và khả năng của mình. Hơn thế nữa còn giúp cho trẻ có thể tham gia vào toàn bộ quá trình tư vấn, lập kế hoạch giúp cho chính trẻ được phát triển. Yếu tố quan trọng nhất trong sự tham gia của trẻ em là người tư vấn phải xem các em là những đối tác hơn là những người phụ thuộc vào các yêu cầu của mình.

Khám phá thế giới trẻ em :

Khi tư vấn  tâm lý cho trẻ, điều đó có nghĩa là người tư vấn phải hiểu được thân chủ của mình, mà để hiểu được trẻ, chúng ta phải biết cách đi vào thế giới nội tâm của trẻ em, phải hiểu được các giai đoạn phát triển và các phản ứng tâm – sinh lý của từng lứa tuổi,  ít nhất là trong lứa tuổi trẻ em và lứa tuổi thiếu niên .

Ngoài những kiến thức về tâm lý lứa tuổi trong  bộ môn tâm lý – giáo dục hay trong các khoa xã hội học , người tư vấn cần tìm hiểu thêm các yếu tố Tâm bệnh lý, tuy không cần thiết phải đi sâu vào lãnh  vực Tâm Thần học (như bác sĩ  tâm thần học trẻ em) . Nhưng với những hiểu biết về Tâm bệnh lý, và Tâm lý Lâm sàng của lứa tuổi trẻ em và vị thành niên, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn nguyên nhân, trạng thái và hậu quả của những vấn đề tâm lý mà trẻ em, đặc biệt là trẻ có những rối nhiễu tâm lý  thường hay gặp phải: Chống đối, Hung hăng, nói dối, ăn cắp, trầm cảm hay có những hành vi dục tính vi phạm các quy tắc đạo đức

Các giai đoạn phát triển tâm sinh lý của trẻ em :

–          Giai đoạn Sơ sinh ( Nhũ nhituổi bế bồng ) : Từ  0 – 1 tuổi là giai đoạn phát triển rất nhanh về trọng lượng, chiều cao , các cảm giác và tri giác. Hoạt động  mang tính chất phản xạ. Vận động bằng giác quan, nhận thức mang tính bất phân, có sự gắn bó với một người nào đó . Nhu cầu chủ yếu là ăn ngủ, bài tiết và cảm giác an toàn .

–          Giai đoạn Mẫu giáo – Nhà trẻ : Từ 1 – 5 tuổi  là giai đoạn học tập các thao tác về vận động, khám phá những chức năng của công cụ. tiếp thu các thông tin và phát triển khả năng  về ngôn ngữ – hình thành ý thức, học biết các quy tắc cư xử phù hợp, nhận thức mang tính duy kỷ. Nhu cầu chủ yếu là vận động và giao tiếp.

–          Giai đoạn trẻ em ( tiểu học – tuổi nhi đồng ) : Từ 6 – 8 tuổi  là giai đoạn hình thành và hoàn thiện các kỹ năng về vận động, phát âm, trí nhớ – Hình thành thế giới quan, bắt đầu có khả năng định hướng trong không gian, thời gian và xã hội . biết phân biệt giữa cá nhân và môi trường xung quanh, nhu cầu chủ yếu là xây dựng các mối quan hệ xã hội trong gia đình và nhà trường.

–          Giai đoạn tiền thiếu niên ( tuổi Thiếu nhi)  : Từ  9 – 12 tuổi, đây là giai đoạn bắt đầu hình thành những ý thức về đạo đức, về giới tính , có nhu cầu tiếp thu các tri thức (óc tò mò )  và phát triển các năng khiếu. Hình thành và phát khiển các khả năng cá nhân Bắt đầu phải đối diện với những căng thẳng bên trong cơ thể ( phức cảm Oedip) Có nhu cầu về một tổ ấm gia đình, cần sự ổn định, sự chấp nhận của những người xung quanh và sự thấu hiểu.

–          Giai đoạn thiếu niên ( Dậy thì ) : Từ 12 – 16  tuổi là một giai đoạn phát triển mạnh mẽ thứ hai của cơ thể, phát triển nhanh về hệ xương, cơ bắp và hệ sinh dục. Có nhiều xáo trộn về tâm sinh lý, rất dễ bị tổn thương về tâm lý nên dễ có những rối nhiễu, có nhu cầu kết bạn, gắn mình với một tập thể, có tính thích chỉ huy hoặc được chỉ huy. Tìm kiếm và xây dựng cho mình một khuôn mẫu lý tưởng ( về Nhân vật, đức tính, quan niệm, mục đích )  Tìm cách trả lời cho câu hỏi : Tôi là ai ? vì thế dễ có nhiều nhận định mang tính quá khích, ảo tưởng. Thích phát huy tinh thần trách nhiệm, dễ bị lôi cuốn và chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh.

a) Các rối nhiễu tâm lý chủ yếu trong các giai đoạn:

–          Trong giai đoạn sơ sinh thì rối nhiễu tâm lý chủ yếu là trẻ bị hụt hẫng khi mất đi đi cảm giác an toàn, và nếu phải sống trong một môi trường thiếu tiếp xúc với những người thân (Mồ côi, cha mẹ ở xa, vắng mặt thường xuyên ..hoặc lạnh lùng, ít quan hệ) trẻ có thể trở nên Chậm nói, chậm phát triển hoặc trầm cảm và gia tăng nguy cơ tự kỷ. ( Tự kỷ là một rối loạn quan hệ giao tiếp bẩm sinh ).

–          Trong giai đoạn Nhà trẻ – Mẫu giáo nếu trẻ không được đi học, không được tiếp xúc với một môi trường lành mạnh ( về tâm lý ) ngoài phạm vi gia đình, trẻ sẽ trở nên thụ động, ích kỷ và dễ có những phản ứng tiêu cực, kém phát triển về khả năng diễn đạt, thiếu óc tưởng tượng, sáng tạo hoặc có những phản ứng về sinh lý như Biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, đái dầm, nói lắp …

–          Trong giai đoạn trẻ em nếu thiếu sự quan tâm của cha mẹ ( Trò chuyện, dạy dỗ, tạo  các điều kiện thuận lợi cho việc học tập, giải trí, nâng cao nhận thức, có ý thức về trách nhiệm, biết làm việc nhà…) Trẻ có thể trở nên thụ động, trầm cảm, dễ tiêm nhiễm những tính xấu, có khi dẫn dến những tổn thương tâm lý lâu dài trong suốt cuộc đời.

–          Trong giai đoạn tiền thiếu niên nếu không tạo dựng được cho trẻ một môi trường học tập lành mạnh, hướng dẫn các em các hoạt động và kỹ năng tích cực và có được một kiến thức về giới tính ( Qua cha mẹ, nhà trường hay các đoàn thể ) , trẻ sẽ tự đi tìm cho mình những hiểu biết có thể dẫn đến những hành vi nông nỗi, sai lệch hoặc đánh mất niềm tin vào các giá trị của cuộc sống, từ đó gây ra các phản ứng : Lười biếng, không có tinh thần trách nhiệm, Hung hăng, chống đối, bỏ nhà đi hoặc có nguy cơ tự sát.

–          Trong giai đoạn thiếu niên nếu trẻ không được giáo dục về nhân cách thông qua các hoạt động đoàn thể và nhà trường, chịu những tác động xấu của môi trường xung quanh (bạn bè, khu xóm, phim truyện, sách báo….), thiếu những hiểu biết về lịch sử đất nước, truyền thống dòng họ, gia đình, thiếu những tấm gương để noi theo và thiếu sự hướng dẫn trong việc định hướng học tập, nghề nghiệp…  Trẻ dễ có những lệch lạc về hành vi, về đạo đức…có những phản ứng tiêu cực  ( Có tư tưởng ích kỷ, ganh tỵ, đua đòi, có những hành vi thiếu lành mạnh về đạo đức, tình dục ) . Thiếu những kiến thức về lịch sử, xã hội trẻ dễ trở nên tự ti, dễ bị kích động, thiếu kiên quyết, không có tinh thần trách nhiệm…

Ngoài ra nếu một đứa trẻ trong lứa tuổi thiếu nhi và tiền thiếu niên có những thiếu thốn về mặt tình cảm, những nhu cầu không được thỏa mãn thì nó sẽ bộ lộ trong lứa tuổi thiếu niên một cách cụ thể , và một trong những cách bộc lộ đó là hành vi Thủ dâm. Gần đây, với sự phát triển về công nghệ thông tin, thì có nhiều em chuyển sang việc say mê game hay thực hiện các giao lưu qua mạng internet, đều đó có tác hại lớn đến tâm lý ứng xử của trẻ.

TƯ VẤN CHO TRẺ EM LÀ :

–          Lấy trẻ em làm đơn vị để quan sát và dựa vào quá trình sinh trưởng của trẻ là cơ sở để phân tích.

–          Đặt trẻ em vào trung tâm của tiến trình  tư vấn

–          Khám phá những nhận xét và quan điểm của trẻ đựa trên các cơ sở đưới đây:

  • Trẻ em là kẻ ít có quyền lực nhất trong gia đình và cộng đồng
  • Trẻ em thường sử dụng các từ ngữ và có sự hiểu biết về từ ngữ khác nhau
  • Trẻ em tương đối thiếu kinh nghiệm.

Thông thường, trong một ca tư vấn tâm lý cho trẻ em và thanh thiếu niên, đa phần đều có người nhà đi kèm, và việc tiếp xúc có thể diễn ra dưới các hình thức :

–          Tư vấn cho người nhà : Tuỳ theo trường hợp và yêu cầu của gia đình mà NTV có thể yêu cầu hay chấp nhận để gặp gỡ với bố, mẹ của đứa trẻ.

–          Tư vấn cho trẻ : Thường diễn ra sau buổi gặp bố mẹ, NTV trao đổi và tiến hành các Test tâm lý cần thiết để biết rõ hơn về trẻ, qua đó đưa ra được những định hướng cần thiết.

–          Tư vấn cho cả gia đình : Bao gồm bố mẹ (hay chỉ co bố hoặc mẹ ) để thống nhất những biện pháp áp dụng cho trẻ.

 

CÁC NGUYÊN LÝ & KỸ THUẬT TƯ VẤN

Lắng nghe và trao đổi :

Để thực hiện một cuộc tư vấn tâm lý, NTV cần có khả năng lắng nghe giỏi và nắm bắt được những kỹ năng để trò chuyện với trẻ, muốn thế, ta cần phải chú ý đến các điểm sau đây:

–          Mong ước thực sự hỗ trợ trẻ em và gia đình của trẻ mà không làm giảm đi vai trò của cha mẹ các em hay tạo ra sự lệ thuộc.

–          Tập trung trong khi trao đổi, sẵn sàng chấp nhận mọi phản ứng của trẻ

–          Tỏ ra hoàn toàn chấp nhận những gì mà trẻ bầy tỏ

–          Có thể chia sẻ, nhưng không để bị chi phối với sự bầy tỏ cảm xúc của trẻ.

–          Phân biệt cảm xúc của trẻ và của riêng bạn, tuy vậy bạn vẫn có thể bầy tỏ cãm xúc của mình trong một chừng mực nào đó.

–          Kiên nhẫn: Trẻ em thường tỏ ra nhút nhát hay thụ động hay cần có thời gian để tìm các từ ngữ để diễn tả hoặc tập trung suy nghĩ. Không nên tỏ ra có thái độ mất kiên nhẫn bằng hành vi hay lời nói.

–          Hãy tìm hiểu” ngôn ngữ không lời” được thể hiện trên gương mặt và qua cử chỉ của trẻ, điều này đôi khi lại rõ ràng và trung thực hơn là những gì trẻ nói ra.

–          Hãy điều chỉnh cuộc trao đổi của bạn sao cho phù hợp với lứa tuổi, thể trạng và tâm trạng của trẻ.

–          Hãy tập cho mình khả năng chịu đựng những khoảng thời gian im lặng, nước mắt, các cơn giận dữ nếu có. Chúng đều mang những ý nghĩa và có giá trị giúp cho bạn hiểu trẻ hơn.

–          Sẵn sàng đón nhận cách biểu lộ cảm xúc mạnh mẽ của trẻ. Bạn không thể làm giảm hay giải tỏa được các cảm xúc như thế hoặc làm cho trẻ quên đi được. Nhưng bạn có thể chia sẻ với trẻ những cảm xúc này, giúp trẻ có thể nói, giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của cảm xúc, giúp trẻ thay đổi hình ảnh của bản thân, xem xét lại cảm giác tội lỗi… và nếu được tiến tới việc hiểu biết thực tế hơn.

MỘT SỐ NGUYÊN TẮC TRONG VIỆC TƯ VẤN TRẺ EM:

–          Trong việc trao đổi hãy khuyến khích trẻ nói và tỏ ra hết sức quan tâm đến những điều chúng trình bầy.

–          Hãy đối xử với trẻ em như những tác nhân xã hội có đầy đủ khả năng thay vì chỉ là kẻ thụ hưởng các sự giúp đỡ một cách thụ động.

–          Không áp đặt hay sử dụng bất kỳ hình thức nào để lạm dụng hay bóc lột trẻ vì mục đích nghiên cứu.

–          Không dấu diếm trẻ về những thông tin cần thiết cho chúng.

–          Trong các vấn đề có liên quan trực tiếp với trẻ em, hãy cố gắng để trẻ nhận diện vấn đề, thiết lập được mục tiêu và sự tham gia trong việc thu thập dữ liệu, phân tích và kết luận.

–          Trong các vấn đề có liên quan gián tiếp đến trẻ, cần phải dựa trên quan điểm của trẻ trước khi viết bất kỳ một quy ước nào.

–          Không nên sử dụng các tài liệu có thể gây ra những hậu quả không tốt cho trẻ ngay cả khi được sự đồng ý của trẻ.

–          Hãy lưu ý và tôn trọng những cảm xúc của trẻ.

Tư vấn tâm lý là một tiến trình với những trải nghiệm sống trong cuộc đồng hành với trẻ trên bước đường xây dựng nhân cách cho trẻ và cho cả nhà tư vấn tâm lý.

Cv.TL LÊ KHANH

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý