Các mô hình trị liệu tâm lý Nhóm
25/04/2011
kỹ thuật tư vấn tâm lý trẻ em
26/04/2011
Các mô hình trị liệu tâm lý Nhóm
25/04/2011
kỹ thuật tư vấn tâm lý trẻ em
26/04/2011

Trị liệu tâm lý nhóm là một kỹ thuật tác động lên một nhóm trẻ hay thiếu niên với mục đích tăng cường khả năng phòng vệ nhằm xây dựng những quan hệ xã hội hiệu quả hơn….

 

 GIỚI THIỆU

Trị liệu nhóm đầu tiên được báo cáo bởi Joseph Pratt qua làm việc với những bệnh lao người lớn trong những năm 1960, ba thập kỷ trước khi Samuel Slavson phát triển trị liệu nhóm cho trẻ em lứa tuổi đi học.

Trị liệu nhóm nói chung được xem là có tính hỗn độn, phân bố ngẫu nhiên về mặt thực hiện hành vi; nhưng chỉ khi thông qua sự am hiểu của nhà trị liệu, nhóm mới được tổ chức lại và trở thành điều kiện thuận lợi cho việc trị liệu. Mối tương quan tự do cho phép các cá nhân gắn bó chặt chẽ với nhóm và với nhà trị liệu. Ngoài ra, sự thoải mái sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thể hiện các xung đột, phòng vệ, các cảm xúc và các cơ chế đối phó giữa người với người.

Berta (1951) cho rằng phương pháp liên tưởng tự do bằng lời nói có tính gây sợ hãi cho trẻ ở tuổi đi học. Foulkes và Anthony (1957) thực hiện một phương pháp sinh hoạt nhóm trong đó mỗi buổi trị liệu được chia thành hai giai đoạn: lúc đầu là hoạt động, sau là bàn luận; qua đó những hành vi sau đó sẽ được diễn dịch thành lời. Nhằm kết hợp các mô hình giao tiếp, Haim Ginott (1961) đã phát triển nhóm trò chơi trị liệu, sử dụng cả trò chơi và lời nói làm mô hình diễn đạt các biểu tượng. Mỗi đứa trẻ có thể sử dụng mô hình thích hợp nhất với nhu cầu của mình. Nhóm chơi sẽ kích thích sự thăng hoa (sublimation), phát triển kỹ năng thích nghi xã hội, và phát triển mối quan hệ với các bạn cùng tuổi.

Năm 1970, Saul Scheidlinger phát triển một kỹ thuật chơi theo nhóm dành cho trẻ chậm khôn mức độ nặng, và năm 1984, mô tả kỹ thuật chơi theo nhóm ngắn hạn. Trẻ được hỗ trợ khi gắn bó với nhà trị liệu và phát triển khả năng tự kiểm soát.

Các nhóm bệnh nhân có thể được phân chia theo tuổi, phái tính, theo triệu chứng và chẩn đoán, hoặc tùy theo yếu tố gây stress, tình trạng y khoa, điều kiện gia đình, xã hội, anh em, gia đình…

Trong trị liệu nhóm, cũng như trị liệu cá nhân, phương pháp và kỹ thuật cũng được xác định bởi mục đích trị liệu. Các nhà giáo dục cố gắng huấn luyện cho trẻ những kỹ năng đối phó với các vấn đề. Mục đích của các nhóm hỗ trợ bao gồm việc tăng cường khả năng phòng vệ, tạo sự tiếp xúc với người khác, cung cấp những đề nghị và lời khuyên. Các nhóm khích lệ sự tăng trưởng đặt ra những mục đích liên quan đến việc tái cấu trúc hoặc làm trưởng thành nhân cách, thường thông qua quá trình học tập hoặc những kinh nghiệm cảm xúc đúng đắn. Trẻ được học cách đối phó, hỗ trợ và làm gương thông qua nhóm. Các phương pháp định hướng theo kiểu  nội thị khuyến khích trách nhiệm cá nhân, nâng cao sự nhận biết của trẻ về các xung đột nội tâm và cải thiện các lệch lạc. Một số nhà lâm sàng cũng thấy có khả năng hoàn tất việc lượng giá ban đầu thông qua nhóm.



CÁC XEM XÉT VỀ MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN

Phương pháp và kỹ thuật trị liệu thay đổi tùy theo tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ. Khi một trẻ chưa đến tuổi đi học gặp khăn lúc trình bày các huyễn tưởng bằng lời nói, môi trường tốt nhất để giúp trẻ giao tiếp là thông qua chơi. Chơi thường được xem là tương tự như liên tưởng tự do ở người lớn, nhưng việc chơi có thể không hoàn toàn là tự do. Sự diễn đạt bằng lời giúp trẻ có được cảm giác tự chủ, tự do và khuyến khích sự độc lập thông qua những bước trưởng thành. Chơi phản ánh nhận thức nội tâm của trẻ thông qua sự phóng chiếu và diễn đạt bằng hành vi. Nó là một ảo tưởng, một hiện tượng chuyển tiếp giữa huyễn tưởng và thực tế.

Trong khi trẻ chưa đi học hoặc mới đi học có khả năng hạn chế về sử dụng những khái niệm trừu tượng, thì trẻ ở lứa tuổi tiềm ẩn (latency) cho thấy trước sự tiến bộ rõ rệt của cái Tôi cả về tính trừu tượng lẫn khả năng tự quan sát. Khi mối quan hệ trị liệu được phát triển, đứa trẻ sẽ phát triển khả năng nội thị. Cấu trúc cái Tôi của tuổi này cho phép phát triển các huyễn tưởng mang tính thích nghi, hình thành các giải pháp giải quyết xung đột và làm giảm sự lo âu. Việc sử dụng các biểu tượng và chuyển di làm bộc lộ các tranh chấp bị ẩn giấu với những xung năng tính dục và xung năng hung tính nhưng ít tạo ra lo âu. Đứa trẻ lứa tuổi đi học giảm bớt mối liên hệ với các đối tượng ban đầu khi các mối quan hệ với bạn cùng tuổi và người khác đạt đến mức quan trọng trong đời sống hằng ngày. Khi các quan hệ mới với bạn cùng tuổi được phát triển, chúng cũng đe dọa cấu trúc cái Tôi và cảm giác tương đồng mong manh của đứa trẻ. Khuynh hướng bắt chước và “nội tâm hóa” của trẻ sẽ tạo thuận lợi cho việc trị liệu và các thay đổi cấu trúc dưới một hình thức dễ chịu hơn. Sự giới hạn khả năng suy nghĩ bằng biểu tượng, trừu tượng hóa và diễn đạt bằng lời khiến đứa trẻ chuyển cuộc sống nội tâm của mình sang nhà trị liệu một cách mạnh mẽ hơn, thông qua hành vi và trò chơi hơn là bằng lời nói.

Tuổi thiếu niên thường được chia thành một số giai đoạn sau: tiền thiếu niên (pre-adolescence), thiếu niên “sớm” (early adolescence), thiếu niên “thật” (adolescence proper) và thiếu niên “trễ” (late adolescence).

Tiền thiếu niên (10-12 tuổi) được đặc trưng bởi sự gia tăng hỗn động các ham muốn (drive) ở mọi mức độ. Các thay đổi về thể chất đi kèm theo những sự biến đổi về nội tâm phản ánh qua việc những người trẻ tuổi này trở nên quan tâm nhiều đến ngoại hình của bản thân. Tuổi thơ và các thói quen cũ bị từ bỏ. Thiếu niên phát triển một cảm giác mới về sự tự nhận thức, và cùng với nó là khả năng tự quan sát nội tâm. Trẻ khám phá sự tương đồng thông qua quá trình đánh giá nghiêm túc thế giới, đạo đức, các giá trị, tín ngưỡng và khoa học.

Thiếu niên “sớm” (12-14 tuổi) được dẫn dắt bởi tính dục, với khuynh hướng từ bỏ giá trị của những đối tượng yêu thương ban đầu và thiết lập những mối quan hệ với các bạn cùng tuổi sâu đậm hơn, bền vững hơn. Sự thành hình cái Tôi lý tưởng xảy ra khi trẻ tìm thấy một đối tượng mà mình ngưỡng mộ và chấp nhận như một phần tự hào của nhân cách (hoặc làm hoàn thiện nhân cách) của bản thân. Trong giai đoạn thiếu niên “thật” (14-17 tuổi), việc tìm kiếm các đối tượng khác phái trở nên mạnh mẽ hơn khi thiếu niên tách rời về mặt cảm xúc với gia đình của mình. Năng lực sẽ chỉ được hướng sang nơi khác. Khả năng kết thân của thiếu niên càng tăng khi trẻ càng bị tách biệt. Chính trong giai đoạn thiếu niên “thật” này mà nhiều trẻ đã thể hiện sự giận dữ cố gắng được độc lập, một cơ chế phòng vệ chống lại những ước muốn lệ thuộc sâu xa. Thiếu niên “trễ” được đặc trưng bởi một sự tách biệt hẳn khỏi gia đình, sự đi sâu vào các quan hệ yêu thương tinh tế và thân mật, sự củng cố tính tương đồng và thiết lập các vai trò.

Mặc dù thiếu niên (ở mọi giai đoạn) đều có khả năng diễn đạt bằng lời nói tốt hơn trẻ nhỏ, hành vi và đôi khi trò chơi cũng hữu ích trong việc trị liệu

 

KHÍA CẠNH LÝ THUYẾT TRONG TRỊ LIỆU NHÓM

Tài liệu về trị liệu nhóm có rất nhiều và gồm nhiều loại khác nhau, và một số lớn tài liệu dành cho người lớn được áp dụng rộng rãi cho thanh thiếu niên. Đặc biệt, phương pháp nhóm ở thiếu niên cũng mang nhiều đặc điểm tương tự như trị liệu nhóm cho người lớn. Bởi vì các nhóm trẻ trước tuổi đến trường và nhóm trẻ trong giai đoạn tiềm ẩn (latency period) rõ ràng là khác biệt, nên các nhóm này phải được giải quyết sâu sắc hơn.

Không một cơ cấu độc nhất nào có thể hoàn toàn lý giải cho động lực học (dynamics) của nhóm hoặc hậu thuẫn cho một kỹ thuật đơn thuần nào đó. Các yếu tố giúp ích cho trị liệu nhóm ở người lớn cũng được nêu ra ở đây gồm: sự truyền đạt niềm hy vọng, tính phổ quát (universality), phổ biến thông tin, lòng vị tha (altruism), tái thỏa thuận điều chỉnh (corrective recapitulation) trong nhóm gia đình cơ bản (primary family group), phát triển các kỹ năng xã hội hóa, hành vi bắt chước (imitative behavior), học tập lẫn nhau, sự đoàn kết trong nhóm và các yếu tố có tính sống còn.

Nhóm được định hướng tâm động học sẽ tạo điều kiện và cho phép khảo sát các đáp ứng chuyển di giữa các thành viên lẫn nhau hoặc giữa thành viên của nhóm với nhà trị liệu. Khi nhà trị liệu kích thích việc khám phá các thành phần khác nhau của những phản ứng chuyển di mà một thành viên của nhóm trải qua, các thành viên khác của nhóm sẽ thông cảm và đồng nhất hóa với bản thân người đó. Khi một thành viên vượt qua được nhiều tầng lớp của sự phòng vệ (layers of defense), bộc lộ ra được những ước muốn mạnh mẽ, những nỗi sợ hãi, xung đột và huyễn tưởng, các thành viên khác cũng sẽ làm như thế. Đáp ứng của họ với những tư liệu ấy sau đó sẽ được khám phá, và thông qua sự chia sẻ những tư liệu mẫn cảm này, sự đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau trong nhóm sẽ được thiết lập.

Các nghiên cứu về động lực học của nhóm cho thấy rằng quá trình diễn ra trong nhóm phản ánh một trạng thái tâm lý động học của một thành viên khi nó được hiểu trong bối cảnh một “trường xã hội” (social field). Cá nhân ảnh hưởng đến nhóm, và nhóm cũng ảnh hưởng lên cá nhân. Các giá trị, mục đích, kỳ vọng và tiêu chuẩn của nhóm sẽ phát triển theo thời gian và có thể được sử dụng để làm rõ trạng thái động học của tâm lý từng cá nhân.

Bion đưa ra ba điều mặc định cơ bản:

Tính phụ thuộc tồn tại khi các thành viên của nhóm tìm kiếm một người lãnh đạo để họ có thể dựa vào để tìm sự trợ giúp và bảo vệ.

Tính ghép cặp (pairing) xảy ra khi các thành viên trong nhóm nhận ra vị lãnh đạo hằng mong đợi chỉ là một huyễn tưởng được lý tưởng hóa và họ phải tự tìm nguồn hỗ trợ từ trong chính họ.

Tính “chống-hoặc-chạy” (fight-flight) phát triển khi khi các thành viên của nhóm chấp nhận rằng không ai trong nhóm phụ trách trọn vẹn vai trò này. Đứng trước sự hụt hẫng này, họ có thể hoặc bỏ cuộc, hoặc vẫn đứng vững và đấu tranh với những người khác trong nhóm và với người lãnh đạo mà họ đã tìm kiếm.

BS. NGUYỄN MINH TIẾN ( Dịch thuật)

Nguồn: www.tamlytrilieu.com

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý