TÌNH TRẠNG SA SÚT TRÍ NHỚ
28/10/2020
LÀM SAO CHO TRẺ BIẾT NÓI
08/11/2020
TÌNH TRẠNG SA SÚT TRÍ NHỚ
28/10/2020
LÀM SAO CHO TRẺ BIẾT NÓI
08/11/2020

Trang 60, vở bài tập Tự nhiên và Xã hội lớp 1 (thuộc bộ sách Cánh Diều) dùng những từ chỉ bộ phận cơ thể như “dương vật”, “âm hộ” gây nhiều tranh cãi.

Sau ồn ào về chương trình nặng gây áp lực cho học sinh hay nhiều bài học có nội dung khó hiểu, không phù hợp với trẻ trong sách tiếng Việt lớp 1, mới đây, phụ huynh lại phát hiện một chi tiết đáng chú ý trong vở bài tập Tự nhiên và Xã hội lớp 1.

Cụ thể, trong trang 60, câu hỏi trắc nghiệm Đúng – Sai khi phân biệt cơ thể con trai và con gái có nhiều câu gây phản ứng trái chiều, trong đó có các câu: Chỉ có con trai mới có dương vật/ Chỉ có con gái mới có âm hộ.

Trên một group dành cho bố mẹ có con học lớp 1, khi một phụ huynh chụp lại trang sách và phản ánh, ngay lập tức chủ đề này gây ra những ý kiến trái chiều.

Chị Huỳnh Hương, một phụ huynh ở quận 3, TP.HCM nhận định: “Không hiểu bé 6 tuổi thì biết gì về dương vật, âm hộ mà đưa vào sách giáo khoa (SGK). Nếu có muốn dạy thì chỉ nên giải thích cho học sinh hiểu trong phần dạy thực hành, ghi vào SGK như vậy thực sự rất phản cảm, đến người lớn như tôi còn thấy ngại”.

Đồng ý kiến, chị Thảo Nguyên, ngụ Tân Bình, TP.HCM cho biết: “Cả tháng nay dư luận bàn tán chuyện SGK có sạn tôi cũng không lên tiếng nhưng đọc trang vở Tự nhiên và Xã hội này của con thì đúng là quá sức chịu đựng. Theo tôi, nếu muốn dạy bé giới tính chỉ cần ghi vùng kín bé gái, bé trai nơi mặc quần khác nhau là được. Một đứa bé học những từ nhạy cảm như vậy, nếu nó đi nói lung tung thì sao? Con nít bắt chước nhanh lắm, ở nhà tôi nói từ gì lạ là mai tụi nó bắt chước y chang. Trẻ mới lớp 1 có cần trắng trợn ra như vậy không?”. 

Bên cạnh đó, có nhiều phụ huynh cho rằng, việc dạy giới tính cho trẻ là cần thiết và bố mẹ phản ứng là do quá “nhạy cảm”, đem suy nghĩ người lớn áp đặt cho đứa trẻ.

Anh K. Vinh chia sẻ: “Con mình năm nay học lớp 2 nên không học cuốn vở bài tập này. Nhưng theo ý kiến cá nhân mình thì thời này con nít hiểu biết hơn, lại tiếp xúc ti vi điện thoại nhiều, mình trang bị kiến thức giới tính sớm cho con cũng là điều nên làm. Ở nhà mình, khi con đặt câu hỏi về vấn đề giới tính, hai vợ chồng vẫn giải đáp rõ ràng, nghiêm túc, không tỏ ra ngượng ngùng, bối rối, không cười giỡn, đùa cợt với thắc mắc của con”.

“Dạy cũng nói mà không dạy cũng nói, SGK ghi như vậy nhưng cô giáo sẽ dạy và giải thích cho các con nữa mà, cứ đem cách nhìn của người lớn để áp vào cho con trẻ làm gì không biết. Bao nhiêu vụ trẻ em bắt chước làm chuyện người lớn đầy trên báo chí không biết chưa sợ hay sao mà còn phản đối. Trường hợp trẻ gặp chuyện không mong muốn cần ra tòa lấy lời khai chẳng hạn thì biết cách gọi đúng các bộ phận cơ thể không phải rất có lợi sao?

Tôi ủng hộ dạy cho trẻ về giới tính càng sớm càng tốt, chia sẻ thẳng thắn với con về vấn đề giới tính, tình dục và các cơ quan nhạy cảm trên cơ thể khi con còn nhỏ giúp con hiểu rằng tình dục và giới tính là điều bình thường trong cuộc sống. Thà “vẽ đường cho hươu chạy an toàn” còn hơn để tụi nhỏ tự tìm hiểu rồi có cái nhìn lệch lạc”, chị Thoa, một phụ huynh ở quận 6, TP.HCM nêu ý kiến.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Trẻ 6 tuổi phù hợp để nói thẳng, nói thật về giáo dục giới tính

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Phòng khám Tâm lý Gia đình và Trẻ em – tác giả của nhiều quyển sách hay như: Những quy tắc để con có cuộc sống hạnh phúc – Phòng tránh và can thiệp sớm rối nhiễu tâm lý trẻ em; Khởi đầu thành công khi con vào lớp 1… chia sẻ về vấn đề này.

Đứng ở quan điểm của một chuyên gia tâm lý, tôi thấy rằng những tên gọi mà phụ huynh cho là nhạy cảm như “âm hộ”, “dương vật” là rất bình thường về cơ thể học. Nhiều trường hợp người lớn dùng những từ lóng khi nói về bộ phận nhạy cảm của trẻ có thể dẫn tới việc khi trẻ tự tìm hiểu được từ sách báo, youtube có thể nghĩ là bố mẹ lừa gạt mình. Cho nên tốt nhất nên nói luôn với con là bộ phận này có tên khoa học là như vậy nhưng bình thường con có thể gọi theo cách khác. Tức là mình cung cấp cả hai cách gọi và giải thích cho con có những thuật ngữ chỉ nên dùng trong sách vở, còn ngôn ngữ bình thường khi giao tiếp thì dùng từ nhẹ nhàng hơn.

Nhiều người cho rằng 6 tuổi quá sớm để dạy trẻ về giới tính, nhưng thực tế ngay từ khi đứa bé 3, 4 tuổi, theo tâm lý phát triển, đứa bé đã nhận ra giới tính của mình và phân biệt cái gì của mình khác biệt với các bạn khác giới. Vậy nên mình dùng những thuật ngữ chính xác với trẻ giai đoạn này không có gì là suồng sã cả. Cần cho trẻ làm quen từ từ với những khái niệm về cơ thể. Ví dụ giải thích ngắn gọn về cơ quan sinh dục, khuyên trẻ vệ sinh sạch sẽ, tự bảo vệ mình bằng  và “Nguyên tắc đồ lót”.

Bố mẹ luôn phải giữ thái độ tự nhiên, ôn hòa, thẳng thắn, không nói dối. Trả lời kiên quyết, rõ ràng, không dài dòng, liên tưởng. Tuy nhiên, nên nhớ không đồng nhất giáo dục giới tính và giáo dục tình dục, từ 8 đến 10 tuổi mới dạy về sức khỏe sinh sản chứ không phải cho trẻ biết hết tất cả mọi thứ ngay từ đầu. Nội dung sẽ mở rộng theo từng độ tuổi”.

Cô Yến Trâm, giáo viên dạy lớp 1 tại quận 9, TP.HCM chia sẻ: Thực tế khi dạy tới bài học này, ngoài bài tập trắc nghiệm thì giáo viên còn có thể tham khảo cả video minh họa trên trang web của nhà xuất bản. Theo tôi, bài học thiết kế khá hay, minh họa trực quan, giúp trẻ hiểu và phân biệt rõ ràng các bộ phận cơ thể giống và khác nhau giữa hai cá thể khác giới chứ không phải chỉ nói về vùng kín như âm hộ hay dương vật. Việc gọi tên chính xác của các bộ phận là cần thiết, vì ngoài phần tìm hiểu tên gọi, chức năng thì còn có cả phần những việc cần làm để giữ cơ thể sạch sẽ.

Phụ huynh chỉ đọc 1 trang vở, không có ngữ cảnh, có hình ảnh hay video minh họa có thể thấy hơi phản cảm, nhưng với vai trò một giáo viên đứng lớp, bản thân tôi thấy mọi chuyện khá bình thường. Phụ huynh thương cho con, lo cho con, nhưng thầy cô còn có hướng dẫn giảng dạy, có tập huấn nghiệp vụ sư phạm, nên thầy cô sẽ có trách nhiệm giải thích cho học sinh những từ lạ sao cho trẻ dễ hiểu và áp dụng đúng chỗ”.

https://afamily.vn/tranh-cai-chuyen-vo-bai-tap-tu-nhien-va-xa-hoi-lop-1-dung-tu-chi-bo-phan-nhay-cam-chuyen-gia-noi-gi-20201016191147298.chn?fbclid=IwAR088mQtZzdv1lGg_GgmWCRTfhPQ478l98D1QqEUEU-fMkwocbfxPWfGoNA

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý