NẾU DẠY XIN ĐỪNG…DỌA !
08/12/2021NHỮNG ỐNG KÍNH TAI HẠI
24/02/2022Hiểu rõ cá tính và năng lực của trẻ là điều cần thiết, nó không chỉ giúp cho bố mẹ tránh được việc gây cho con sự tổn thương vì những lời trách móc, mạt sát hay đòn roi, mà còn có thể đưa ra những biện pháp giáo dục phù hợp.
Bé trai lớp 6 tại một chung cư ở Hà Nội nhảy lầu tự tử, theo gia đình thì nguyên nhân là do áp lực học tập, khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh giật mình. Nhưng đó không phải lần đầu tiên học sinh rơi vào trầm cảm, mệt mỏi vì áp lực học hành và chọn cách cực đoan là tự kết liễu cuộc đời. Tìm kiếm trên google, thật dễ để chúng ta đọc được những câu chuyện đau lòng không kém.
Có thể nói, áp lực học tập là một trong những yếu tố, có thể là nguyên nhân chính hay phụ dẫn đến những căng thẳng, lo âu và khủng hoảng tâm lý cho trẻ em học sinh và sinh viên. Khá nhiều trường hợp phải nhập viện hay nhẹ hơn là đưa trẻ đến các phòng tham vấn tâm lý. Là những bậc làm cha làm mẹ, chúng ta phải làm sao để nhận diện, giúp đỡ con cái mình, ngăn gia đình vướng vào một bi kịch tương tự xảy đến?
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Diệp Quang) cho biết, trong nhiều năm làm công việc tư vấn, ông đã gặp nhiều trường hợp trầm cảm vì áp lực học tập.
“Có trường hợp một học sinh lớp 12 chỉ cần bị một điểm 6 cho bài viết là tự dằn vặt, khổ sở và stress, nhiều em do khả năng tiếp thu ghi nhớ kém và bị gia đình chê bai, trách móc nên bị trầm cảm. Tuy nhiên, khi xảy ra một trường hợp tự tử được xem là do áp lực học tập thì chúng ta nên tìm hiểu kỹ hơn về tính cách và năng lực của trẻ hơn là chỉ “lên tiếng báo động” và lên án từ gia đình đến nhà trường. Nói cách khác, áp lực là nguyên nhân cần nhưng chưa đủ để khiến trẻ bột phát hành vi mất kiểm soát”, ông Khanh nói.
Ông Khanh cho rằng, nếu chỉ cho là do áp lực học tập thì tại sao cũng là áp lực, mà bao nhiêu học sinh cùng độ tuổi có thể vượt qua và cũng đâu phải em nào cũng dễ tổn thương để phải đi tư vấn, trị liệu tâm lý hay tìm đến cái chết. Sở dĩ điều đó xảy ra, vì cái hành vi nhảy lầu chỉ là kết quả của những lý do có vẻ đơn giản hơn rất nhiều. Có thể chỉ là một lời trách móc, một trận đòn cho việc bỏ học, ham chơi… hay cũng có khi là do quá nhiều bài tập phải giải quyết, trẻ rối trí vì không tìm ra giải pháp, và việc tự tử chỉ giống như một hành vi “chạy trốn” trước nguy cơ là bị thầy cô quở trách hay đó là giọt nước tràn ly.
Yếu tố chính: Tính cách nhận thức của trẻ và cách sống thiếu cân bằng
Theo ông Khanh, thông thường, khi trẻ bị áp lực hay có những tổn thương tâm lý thì cũng khả năng xuất hiện những dấu hiệu như sự mệt mỏi, cáu gắt, có thể bỏ ăn hay khóc lóc, có thể có những cử chỉ không ổn định và nếu không kịp thời giải quyết, trẻ có thể đi đến tình trạng mất kiểm soát hay suy nhược:
“Có người cho rằng, do trẻ ham chơi game, hay nghiện mạng xã hội, và sinh ra những rối loạn tâm thần. Điều này cũng có thể góp một yếu tố, đó là do trẻ lẫn lộn giữa thế giới ảo và cuộc sống đời thực – khi mà những cái “chết” trong game hoàn toàn có thể sống lại dễ như chơi! Tương tự như những lời đe dọa hay bắt nạt trên không gian mạng, khiến cho nhiều trẻ bị tổn thương, do lo sợ dẩn đến các hành vi mất kiềm soát thì game cũng thế”.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý này cho rằng, yếu tố chính là do tính cách nhận thức của trẻ và cách sống thiếu cân bằng mà bố mẹ không hiểu rõ. Từ đó gây ra những tổn thương sâu sắc nhưng ngấm ngầm, cho đến một lúc nào đó, trong một điều kiện thuận tiện sẽ bùng nổ. Vì vậy hiểu rõ cá tính và năng lực của trẻ là điều cần thiết, nó không chỉ giúp cho bố mẹ tránh được việc gây cho con sự tổn thương vì những lời trách móc, mạt sát hay đòn roi, mà còn có thể đưa ra những biện pháp giáo dục phù hợp, đặc biệt là những đứa trẻ nhạy cảm, có tính hướng nội, nhút nhát, dễ lo âu, mặc cảm sẽ càng trở nên nghiêm trọng.
Hãy học cách CHẤP NHẬN
Để “phòng bệnh”,ông Khanh cho rằng phụ huynh cần biết và chấp nhận tính cách cũng như năng lực hạn chế của con, không đòi hỏi con phải có những thành quả vượt quá khả năng của mình.
“Điều quan trọng là phải tập cho con có khả năng học tập, nghỉ ngơi, giải trí và ăn uống một cách chừng mực. Đứng trước áp lực trong công việc, nhiều người cũng không chịu nổi bởi thiếu sự điều hòa, thiếu sự tổ chức hợp lý. Cũng thế, với trẻ việc học tập cũng cần được phẩn bổ trong những khoảng thời gian hợp lý, mà đứa trẻ có thể tiêu hóa được, với sự hướng dẩn và sắp xếp của bố mẹ.
Chương trình học cho tất cả các cấp lớp hiện nay, đều được cho là quá nặng, quá áp lực. Bởi vì nhiều lý do, nhưng các điều đó có thể giải quyết phần nào, nếu chính gia đình, bố mẹ không quá kỳ vọng vào con, không đặt lên vai trẻ những đòi hỏi mà có khi cả siêu nhân cũng không chịu nổi. Cha mẹ không chỉ không tạo áp lực, mà còn phải quan tâm để hướng dẫn giúp trẻ biết chấp nhận và điều chỉnh được áp lực bằng sự tự tin và cách học tập phù hợp. Có như thể mới có thể tránh được phần nào những điều đáng tiếc. Chính việc quan trọng hóa điểm số hay bằng cấp, cũng là một áp lực mà vô tình bố mẹ và nhà trường tạo ra cho các em”, chuyên gia tâm lý Lê Khanh chia sẻ.
Theo AFAMILY.vn