ĐỂ KHÔNG TẠO ÁP LỰC HỌC TẬP CHO CON
18/12/2021
NGHỆ THUẬT CHƠI VỚI CON
02/08/2022
ĐỂ KHÔNG TẠO ÁP LỰC HỌC TẬP CHO CON
18/12/2021
NGHỆ THUẬT CHƠI VỚI CON
02/08/2022

Đã từ lâu việc lắp Camera trong lớp học, đặc biệt là Mẫu Giáo được xem là công cụ hữu ích giúp các ông bố bà mẹ theo dõi từ xa việc học tập của trẻ. Chủ yếu là để ngăn ngừa và giám sát việc giáo viên đánh mắng hay thiếu quan tâm đến trẻ   Thỉnh thoảng, trên FB lại đưa ra vài trường hợp nhờ có camera mà bố mẹ phát hiện được chuyện Giáo viên hay bảo mẫu ngược đãi trẻ.

Từ các kết quả này, camera được xem là một công cụ giám sát hành vi hiệu quả, và các phụ huynh xem việc lắp camera trong phòng con để giám sát việc học hành, hay sử dụng máy tính của con cũng là chuyện bình thường.    Thực ra hai việc này tuy giống nhau ở chỗ giám sát, nhưng lại khác nhau rất xa về tính cách và giá trị hay hiệu quả của nó.

Cũng không nên xem việc giám sát ở lớp học là cần thiết, vì điều đó chỉ chứng tỏ giữa phụ huynh và nhà trường không có sự tin tưởng lẫn nhau ! Những bé mầm non thì vô tư dưới sự quan sát của ống kính, nhưng các giáo viên có thể sẽ rất khó chịu, vì giống như nhân viên làm việc dưới sự theo dõi của người quản lý!  Nếu muốn trừng phạt trẻ cho bõ ghét, thì GV vẫn có thể thực hiện khi lôi trẻ vào góc chết mà máy không quét được để phết cho vài roi. Các GV cũng không lạ gì việc đánh trẻ mà không để lại dấu vết !

Ở Trường học,  thực ra rất cần camera theo dõi trẻ, nhưng không phải ở trong lớp, mà là ở nhà để xe , nhà kho, các hành lang, cầu thang, góc vườn ..để ngăn ngừa kẻ gian và tìm kiếm các trẻ ham chơi, có thể lẩn tránh Gv trong các khu vực này. Camera trong trường hợp này là để GV hay Ban Giám hiệu giám sát bảo vệ an toàn cho các em mà thôi.

Nhưng ở nhà nếu việc lắp camera các lối ra vào, nơi góc khuất có tác dụng theo  dõi sự đột nhập của kẻ gian, thì khi nó được đặt trong phòng trẻ, nhất là các bạn trên 10 tuổi, khi các em đã ý thức được giá trị của sự riêng tư, quyền hoạt động cá nhân của mình..thì hành vi này quả là lợi bất cập hại !

Khi bước vào lứa tuổi tiền dậy thi hay dậy thì, sự phát triển về tâm sinh lý của trẻ có nhiều thay đổi xáo trộn. Trẻ vừa là trẻ con lại vừa là người …đang lớn ! Đặc biệt nhất là với một số em có tính hướng nội, đa cảm, coi cái TÔI của mình khá lớn, các em sẽ rất tự ái và khó chịu khi thấy rằng cái “vương quốc” hay “giang sơn” riêng tư của mình là cái góc học tập bị săm soi bởi sự giám sát của cái ống kinh lạnh lùng như những đôi mắt hình viên đạn.

Nó cũng như một  tính cách mà người ta gọi là phụ huynh trực thăng – Nghĩa là giống như chiếc trực thăng của cảnh sát , lúc nào cũng bay vè vè bên trên và rọi đèn theo dõi các nghi phạm . Các phụ huynh này quan tâm con một cách thái quá, luôn theo dõi, nhắc nhở, kiểm tra, dò hỏi… Họ cho rằng đó là điều cần thiết để giữ cho con khỏi bị các kẻ xấu dụ dỗ lôi cuốn, hay sẽ chìm đắm trong các trò chơi trên máy tính, và chuyên môn tìm cách qua mặt bố mẹ, thầy cô.

Có thể nói, một trong những điều tệ hại nhất trong mối quan hệ bố mẹ – con cái, đó là sự thiếu vắng của niềm TIN ! Chúng ta không tin con em mình, thì làm sao có thể bắt trẻ phải tin mình ? và khi con cái không còn tin vào bố mẹ thì đúng là thảm họa !

Chính việc sử dụng camera đó là cách cho thấy sự không tin tưởng nhau một cách cụ thể nhất. Chắc hẳn phụ huynh nếu là nhân viên làm việc trong một công ty, mà luôn luôn phải hoạt động dưới sự giám sát của trưởng phòng, hay giám đốc thì sẽ rất khó chịu.  Tuy nhiên, vì chúng ta là người lớn, có ý chí nên có thể thầm nghĩ, thôi vì miếng cơm manh áo mà ráng chịu vậy, miễn là mình không làm gì sai thì thôi. Nhưng trẻ con là trẻ con ! Ở đây không phải là sự bồng bột, háo thắng mà là khả năng kiểm soát cảm xúc của trẻ chưa được như người lớn. Trẻ có cảm giác bị hạ nhục , nhất là nếu “vụ gắn camera” này mà bị bạn bè hỏi thăm, châm chọc – chắc có lẽ cậu quậy quá nên mới phải theo dõi  thì trẻ sẽ rất dễ mất kiểm soát và sẽ có những phản ứng, đôi khi rất tai hại.

Tại sao trẻ lại có thể “tự tử” một cách khá dễ dàng ? ngoài việc tổn thương cảm xúc đưa đến những suy sụp về niềm tin, thì có thể trẻ suy nghĩ khá đơn giản về cái chết. Nó giống như những cái chết trong phim ảnh, hay các nhân vật trong game online, có thể chết đi, rồi lại sống lại một cách dễ dàng. Vì vậy, trẻ tưởng cái chết cũng “ giống như chơi”, giận quá thì chết đi cho bố mẹ sợ – rồi mình sẽ sống lại thôi mà ! Ai có ngờ đâu là cái chết ngoài đời không giống cái chết trong game , một đi không trở lại !

Chính vì điều đó, chúng ta phải lưu ý đến tính cách của con mình. Với các trẻ em hướng ngoại, vô tư ….thì có thể la rầy, nhắc nhở và nếu trách phạt bằng vài roi cũng không sao. Nhưng với trẻ hướng nội, đa cảm , ít nói ..thì biện pháp chê trách, mắng nhiếc hay trừng phạt có thể để lại các tổn thương sâu sắc.

Đặc biệt với việc sử dụng camera trong phòng con, hãy cân nhắc và có thể hỏi ý kiến nhà chuyên môn về tâm lý, trước khi thực hiện. Điều tốt nhất là hãy xây dựng được niềm tin vào con. Ai cũng thế, khi được sự tin tưởng, tín nhiệm thì sẽ rất tự hào và thoải mái.  Chúng ta không nhất thiết cứ phải giám sát nhắc nhở để rồi khoảng cách tình cảm giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa . Tập cho con khả năng tự chủ là cách tốt nhất để bảo vệ con chứ không phải với sự theo dõi  của chiếc camera lạnh lùng.

Lê Khanh – Phòng Tư vấn Tâm Lý Gia Đình  & Trẻ Em.

 

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý