TRÁNH VỎ DƯA LẠI GẶP VỎ DỪA
18/04/2023NHU CẦU TÂM LÝ CỦA TRẺ EM
10/06/2023Đã từ rất lâu( 1948) – định nghĩa về sức khỏe của WHO , mà ai cũng từng nghe qua hay đã biết – đó là : “sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật.” Như vậy, sức khỏe là sự ổn định về thể chất và tinh thần hay tâm thần. Thế nhưng nói về sức khỏe tâm thần thì không phải ai cũng có được một sự nhận biết đầy đủ về trạng thái bình ổn hay bình thường này .
Cũng cách đây khá lâu từ những năm 1980 – Khoa tâm trí của bệnh viện Chợ Quán cũ, được nâng cấp lên không phải là một bệnh viện về tâm thần, mà được gọi là Trung tâm Sức khỏe tâm thần , với mục tiêu không chỉ là chữa bệnh về tâm thần ( mà ta hay gọi nôm na là bệnh Điên ) mà còn là giúp người dân ý thức về các yếu tố để bảo vệ sức khỏe cho tâm thần của mình, nói đúng hơn là phòng bệnh hơn là chữa bệnh, vì ai cũng biết chữa hay điều trị các bệnh về tâm thần là điều cực kỳ khó khăn. Thế nhưng sau khoản hơn 10 năm hoạt động thì Trung tâm Sức khỏe tâm thần TP HCM lại quay về cái tên cũ là Bệnh Viện Tâm thần TP HCM – cũng là điều đáng tiếc !
Trong ngôn ngữ thường ngày – khi nói đến từ Tâm thần, thì ai cũng nghĩ đó là Điên khùng, mát dây, chập mạch, ba trợn , vừa đi vừa cười hay tẩu hỏa nhập ma….v.v.v nhưng nếu muốn nói một cách chính xác phải gọi là bệnh tâm thần hay bệnh về tâm thần – vì bản thân từ tâm thần nó cũng giống như là từ tâm trí, hay tinh thần của con người, không có gì là bệnh tật ở đây , và khi nói đến sức khỏe tâm thần chúng ta hiểu đó là trạng thái tâm trí ổn định , tâm trạng thoải mái , lý trí và ý thức vững vàng. Bởi vậy, nhiều người sẽ cự nự khi được yêu cầu đi khám tâm thần : Tui đâu có điên đâu mà đi khám ? ui ! nếu đã điên thì mang đi điều trị chứ khám gì nữa !
Khi nói đến những tổn thương về tâm thần, ta lại hay dùng chữ xì chét ( stress ) đây là một thuật ngữ chưa có từ đúng nghĩa, mà chỉ có nghĩa tương đương là căng thẳng hay khủng hoảng , nhưng khi nói đến xì trét thì ai cũng hiểu ! có điều phần lớn là chưa hiểu đúng và đủ về tình trạng này thôi bởi vì nó có nhiều loại stress chứ không đơn giản , có loại tiêu cực mà cũng có loại tích cực nữa..
Cố BS Nguyễn Khắc Viện – người xây dựng nền tảng cho ngành tâm lý lâm sàng trẻ em tại Việt Nam , đã có sự phân chia 3 cấp độ stress một cách đơn giản và chính xác . Đó là 3 cấp độ về trạng thán sức khỏe tâm thần: Khổ tâm – nhiễu tâm và loạn tâm. Mức độ Khổ tâm thì phổ biến và ai cũng hiểu là sự buồn phiền, bực bội, sầu não …đây chưa phải là bệnh , thế nhưng nếu không được an ủi, quan tâm, chia sẻ, khích lệ và giải quyết ..thì những khổ tâm sẽ cứ đeo bám trong tâm trí và dần dần trở nên nhiễu tâm – đây là thuật ngữ tương đương với Stress, là sự lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi và suy sụp , nhưng nó cũng chưa phải là bệnh… Có điều là những biện pháp an ủi, khích lệ thường không giải quyết được, mà cần có sự tư vấn, lắng nghe và hỗ trợ từ các nhà tâm lý. Thế rồi, tình trạng nhiễu tâm đó, nếu gặp phải những tác động tiêu cực, sự bỏ rơi, cô lập hay gây ra những sang chấn đủ mạnh, sẽ khiến tâm trí ta trở nên hoảng loạn và có thể khởi phát các bệnh về tâm thần như Lo âu, trầm cảm, hoang tưởng hay tâm thần phân liệt và ta gọi đây là mức độ loạn tâm – rối loạn nhân cách và tan rã về ý thức. Đây mới là tình trạng bệnh và cần đế những liệu pháp về thuốc men cũng như điều trị tâm thần.
Có những trường hợp bị bệnh tâm thần lại đi tư vấn tâm lý và khá nhiều trường hợp có vấn đề về tâm lý lại đi khám bác sĩ tâm thần. Trong khi đó thì nếu đưa đến đúng nơi, đúng lúc và đúng người can thiêp hay điều trị thì sẽ có kết quả khả quan hơn. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là mặc dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ai cũng biết tỷ lệ bệnh nhân tâm thần là khá lớn ( khoảng 15% dân cư ) và có xu hướng tăng lên khá nhanh, nhưng với quy mô của một thành phố gần 10 triệu dân, như TP Sài Gòn tì tỷ lệ các bệnh viện điều trị, can thiệp và hỗ trợ cho các bệnh nhân tâm thần là quá ít. Chỉ có 1 bệnh viện chính là bệnh viện tâm thần TP HCM và 2 Bệnh viên có khoa tâm thần kinh là BV Đại Học Y Dược và BV Nguyễn Tri Phương . Còn có một số bệnh viện tư có khoa tâm thần như BV Pháp Việt – BV Vạn Hạnh, BV Hello Doctor … thì rõ ràng là chưa đáp ứng nổi nhu cầu của người dân và cũng vì thế lúc nào cũng quá tải dẫn đến khả năng điều trị hạn chế và có nhiều bất cập.
Nhu cầu thì cao, nhưng nơi điều trị thì ít tại sao là như thế ? vì chuyên khoa tâm thần vừa khó học, vừa khó kiếm ..tiền trong khi các bệnh về thực thể nói chung thì lại có số lượng bệnh viện khá nhiều cả công lập và tư nhân và cũng được chăm chút đầu tư cả về trang thiết bị và trình độ chuyên môn . Ngay như ở các tỉnh như ở Cần Thơ, đã có 1 bệnh viện chuyên khóa về đột quỵ, có những trang thiết bị tầm quốc tế trị giá tầm 90 tỷ ! để có thể tầm soát về các vấn đề thần kinh một cách đầy đủ và trình độ các y bác sĩ tại đây cũng ngang tầm thế giới ! Hiện nay cũng đang có kế hoạch xây dựng một bệnh viện tầm cỡ quốc tế như vậy ở Thủ Đức . Còn các vấn đề về tâm lý và tâm thần thì sao ?
Trước đây, khi được tổ chức thành Trung Tâm Sức Khỏe Tâm Thần TPHCM – thì ngành Tâm thần cũng được tiếp quản một bv Đa Khoa ở khu KTM Lê Minh Xuân ( Bình Chánh) , và tổ chức thành BV Tâm Thần Lê Minh Xuân trực thuộc TT SKTT TPHCM . Có lẽ đó là sự phát triển hiểm hoi của ngành tâm thần , bởi vì ngành tâm thần tuy không đòi hỏi các tranh thiết bị y tế tối tân và đắt tiền , nhưng lại đòi hỏi một không gian thoải mái và yên tĩnh, cảnh quan đẹp mắt và không khí trong lành …những điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại thực sự khó kiếm, khó thực hiện và khó vận hành. Có dịp đến thăm một bệnh viện tâm thần ở Paris ( Pháp) năm 2000, tớ có cảm giác như đi vào một công viên với cỏ cây hoa lá, và chứng kiến những bệnh nhân tâm thần thoải mái đi dạo trong các luống hoa, vườn cỏ … thấy rất an bình. Có thể đó không hản là một liệu pháp, nhưng rõ ràng đó là yếu tố cần thiết để người bệnh nhân được thoải mái vui vẻ , từ đó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những liệu pháp điều trị về thuốc men hay các trị liệu tâm lý được tiến hành một cách đầy đủ bởi những BS tâm thần và các chuyên viên tâm lý.
.
Yếu tố môi trường là một yếu tố quan trọng trong việc điều trị các bệnh tâm thần, nôi trường ở đây chính là bầu khí gia đình, là các không gian giúp cho thư giãn và là những tác nhân tích cực từ sự lắng nghe, chia sẻ và kết nối với người xung quanh . Nếu như những nguyên tắc về Sức khỏe tâm thần được hiểu rõ một cách thấu đáo, thì người ta sẽ thấy là phòng bệnh luôn tốt hơn là chữa bệnh . Từ những mức độ khổ tâm, làm sao đừng để trở thành nhiễu tâm. Nếu đã nhiểu tâm thì hãy nố lực tạo sự quân bình cho hệ thống các mối quan hệ trong gia đình, sao cho đừng để bệnh nhân thành loạn tâm. Tới đây rất khó mà khắc phục , nhưng nếu bệnh nhân được sống trong một môi trường an yên và trong lành từ thể chất đến tinh thần thì hẵn là việc điều trị cũng đỡ khó khăn rất nhiều .
Điều quan trọng là sự quan tâm của người thân, của bố mẹ, để giúp cho các bạn trẻ, từ trẻ em cho đến các thanh thiếu niên và cả người lớn, nhận ra những dấu hiệu bất ổn về tâm lý, từ đó có thể tìm đến các phòng tư vấn để được lắng nghe, chia sẻ , nâng đỡ chứ không phải là để giáo huấn, khuyên nhủ hay ..điều trị. Tránh tình trạng thiếu tôn trọng hay thiếu quan tâm ngay từ trong gia đình, để rồi dần dần sức khoe tâm thần ngày một suy yếu, cho đến khi bộc lộ quá nhiều dấu hiệu khủng hoảng, căng thẳng mới tìm đến các nhà tâm lý, hay bác sĩ tâm thần đôi khi là ..khá muộn . Nhưng khi tìm đến các phòng tư vấn hay bệnh viện thì lại mong muốn có ngay những giải pháp tức thì, hiệu quả hay những loại thuốc uống vào dễ dàng, nhanh chóng hơn là việc phải vận dụng những biện pháp từng bước một, dần dần chuyển hóa không chỉ bệnh nhân, thân chủ mà còn phải chuyển hóa cả cách ứng xử và bầu khí trong gia đình nữa . Đó mới là vấn đề dễ làm …điên đầu và khó áp dụng cho cả thân chủ hay bố mẹ các bạn ấy!
LÊ KHANH .